(LLCT) - Chính sách đối ngoại của Đảng giai đoạn 1976-1986 đã để lại những kinh nghiệm quý báu, đó là: cần phải đánh giá đúng sự vận động, biến đổi của bối cảnh quốc tế, khu vực; bám sát thực tiễn đất nước, kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách đối ngoại, thường xuyên phòng, tránh nguy cơ mất độc lập, tự chủ về tư duy và đường lối đối ngoại; coi trọng công tác dự báo, tổng kết thực tiễn; chủ động khắc phục đường lối đối ngoại “nhất biên đảo”; tích cực thiết lập các mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng... Những kinh nghiệm này đã góp phần định hướng đường lối đối ngoại của Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; cần được vận dụng, phát huy có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Mười năm trước đổi mới (1976 - 1986) là thời gian Việt Nam tiến hành công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Bên cạnh những thuận lợi sau khi giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc, Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn mà một phần do chính sách đối ngoại tạo ra. Thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đoàn kết hữu nghị, hợp tác với các nước XHCN anh em, thúc đẩy quan hệ đặc biệt với các nước Đông Dương, mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Quá trình đó đã để lại một số kinh nghiệm quý báu, mang giá trị thời đại và thực tiễn:
Thứ nhất, cần phải đánh giá đúng sự biến đổi của bối cảnh quốc tế, khu vực; bám sát thực tiễn đất nước, kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách đối ngoại.
Đánh giá đúng tình hình, nắm bắt chuẩn xác quy luật vận động trong quan hệ quốc tế là vấn đề mang tính nguyên tắc, tạo nên hiệu quả đối ngoại của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, vấn đề này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định chủ trương, chính sách đối ngoại với từng quốc gia, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, trong những năm 1976 - 1986, Việt Nam chưa làm tốt công tác dự báo tình hình, nhận diện chưa đúng về mối quan hệ phức tạp giữa các nước lớn. Vì thế, một số chủ trương, chính sách đối ngoại mang tính cứng nhắc, giáo điều, đánh giá chủ quan, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Điều này được thể rõ nhất trong việc nhận diện tình hình thế giới:
Trước hết là,nhìn nhận chưa thấu đáo về Mỹ và sức mạnh của Mỹ trong khu vực. Việt Nam cho rằng, chiến thắng mùa Xuân 1975 đã “đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng có”(1),đánh dấu bước ngoặt đi xuống của Mỹ; làm Mỹ bị suy yếu nghiêm trọng, buộc phải rút lui khỏi một số địa bàn ở châu Á. Song trên thực tế, Mỹ không rơi vào “tình thế khó khăn chưa từng có”, mặc dù uy tín có giảm sút, nhưng Mỹ chưa hề đánh mất vị trí siêu cường và khi cần thiết Mỹ có thể sử dụng sức mạnh đó liên kết với các nước khácthực hiện các chính sách chống phá Việt Nam. Việt Nam cũng chưa nắm bắt được những tính toán của Mỹ trong mối bang giao với các nước cùng khu vực. Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và cơ hội tháo gỡ nút thắt trong quan hệ đối ngoại của mình. Bên cạnh đó, do chưa nắm bắt chuẩn xác về sự thay đổi trong tam giác chiến lược Mỹ - Xô -Trungnên Việt Nam cũng chưa có những đối sách phù hợp, nhất là với Trung Quốc.
Xuất phát từ tư duy giáo điều, cách nhìn xơ cứng về xã hội chủ nghĩa hiện thực, đánh giá quá cao sức mạnh của hệ thống XHCN so với thực tế và có phần ảo tưởng trước thực tại khách quan, nên Việt Nam đã không lường hết những khó khăn và dấu hiệu khủng hoảng trong nội bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Việt Nam vẫn tin rằng:“Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã và đang lớn mạnh không ngừng”(2), có khả năng phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Hơn nữa, do bị chế định bởi tư duy ý thức hệ và không khí Chiến tranh lạnh nên Việt Nam vẫn còn nhận thức cứng nhắc về các nước tư bản Tây Âu, chưa đánh giá đúng về chiều hướng đối ngoại của các nước này, do đó chưa thiết lập được quan hệ đối ngoại với họ.
Việt Nam vẫn còn chậm chễ trong nhận thức về các vấn đề của khu vực, nhất là những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong ASEAN. Vì thế, chưa thực sự nỗ lực thúc đẩy, phát triển quan hệ hợp tác song phương, đa phương.
Việt Nam đánh giá thiếu chính xác về thế và lực của đất nước. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, uy tín và vị thế của Việt Nam đã được nâng cao, song với tư thế là người chiến thắng, Việt Nam đã thiếu tỉnh táo, đánh giá quá cao thời kỳ sau Việt Nam, đồng thời, thỏa mãn với nhận định của một số học giả nước ngoài và tự nhận thấy đánh được Mỹ thì không có gì không làm được. Điều đó dẫn đến tư tưởng chủ quan, tư duy nôn nóng, phiêu lưu. Với những nhận thức chưa chuẩn xác thế và lực của đất nước, đánh giá chưa đúng những chuyển động của tình hình thế giới, thiếu nhạy bén, Việt Nam đã nghiêng hẳn về phía Liên Xô, coi Liên Xô là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại. Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Liên Xô, tự đẩy đất nước vào thế đối đầu với Trung Quốc.Hơn nữa, Việt Nam vẫn còn sai lầm khi tự nhận diện về sứ mệnh mới: “chống chủ nghĩa bành trướng, bá quyền” trong phong trào cách mạng thế giới, “vì nghĩa vụ quốc tế cao cả”.
Có thể thấy, tư tưởng giáo điều, không nhạy bén trước sự vận động của thế giới và khu vực đã khiến quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong những năm 1976-1986 gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được thế mạnh của đất nước sau thống nhất, độc lập.
Thứ hai, cần thường xuyên phòng tránh nguy cơ mất độc lập, tự chủ về tư duy và đường lối đối ngoại, coi trọng công tác nghiên cứu chiến lược, tổng kết thực tiễn và dự báo quốc tế
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, độc lập, tự chủ luôn là một trong những yêu cầu hàng đầu; đồng thời, là một trong những điều kiện bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc, là cơ sở vững chắc cho quyền tự quyết dân tộc, là đòn bẩy đưa đất nước hội nhập với quốc tế.
Để phòng tránh nguy cơ mất độc lập, tự chủ về tư duy và đường lối đối ngoại, trong những năm 1976-1986, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương“ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật, củng cố quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội(3).Đồng thời, mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển quan hệ với các nước Đông Dương, các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tư bản phát triển. Bên cạnh đó, cần đặt mình vào đúng dòng chảy của thời đại, hóa giải nguy cơ, tranh thủ thời cơ, khai thác tối đa những lợi thế so sánh giữa Việt Nam với các nước về các mặt, tận dụng những khả năng sẵn có, đánh thức những tiềm năng của đất nước, lấy “cái mạnh” của thế giới về nguồn vốn dồi dào, khoa học công nghệ cao, trình độ quản lý hiện đại, nguồn nguyên nhiên liệu phong phú, thị trường rộng lớn và đa dạng để bổ sung và tăng sức mạnh cho mình, thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất, hoàn thành tốt nhất yêu cầu của đất nước.
Trong giai đoạn 1976-1986, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đãchung sứcđập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, đẩy lùi chiến tranh xâm lấn ở hai đầu biên giới, phá vỡ chính sách bao vây, cấm vận nhằm cô lập Việt Nam của một số nước lớn, giành lại độc lập, tự chủ, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Bên cạnh việc phòng tránh nguy cơ mất độc lập, tự chủ về tư duy và đường lối đối ngoại, coi trọng công tác nghiên cứu chiến lược, tổng kết thực tiễn và dự báo quốc tếcũng là kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1976-1986. Nghiên cứu chiến lược và tổng kết thực tiễn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bởi lẽ, tổng kết thực tiễn là để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, những bài học kinh nghiệm và các giải pháp tích cực, hạn chế tiêu cực nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động đối ngoại. Đồng thời, tổng kết thực tiễn cũng là cơ sở để đề ra đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác dự báo quốc tế để kịp thời xử lý các vướng mắc trong quan hệ đối ngoại, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế trong tương lai.
Thứ ba, chủ động khắc phục đường lối đối ngoại “nhất biên đảo”, tích cực xác lập các mối quan hệ quốc tế đa dạng, đa phương.
Đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế là vũ khí sắc bén giúp Việt Nam phá vỡ thế bao vây, cấm vận, đưa đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Đồng thời, đem lại những lợi ích kinh tế rõ ràng, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và là phòng tuyến đầu tiên giúp Việt Nam bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hơn nữa, ngoại giao đa phương còn giúp Việt Nam độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế, qua đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận và bạn bè quốc tế. Mặc dù, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có tầm nhìn chiến lược về mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Song, những năm 1976-1986, Việt Nam quá chú trọng, đề cao Liên Xô và nhất quán nhấn mạnh quan hệ thủy chung với Liên Xô là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của mình, do đó Việt Nam đã rơi trạng thái cô lập, đối đầu với các nước lớn khác. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ sự kiện Campuchia nên chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới chưa được hiện thực hóa một cách trọn vẹn, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc xác lập các mối quan hệ quốc tế.
Nhận thấy những hạn chế, thiếu sót trong hoạch định và thực hiện chủ trương đối ngoại, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước khắc phục đường lối đối ngoại “nhất biên đảo”, tăng cường mở rộng quan hệ với tất cả các nước trong khu vực và thế giới. Bởi vậy, từ năm 1975 đến năm 1977, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 23 nước, trong đó có nhiều nước tư bản phát triển. Từ năm 1976 đến trước khi xảy ra vấn đề Campuchia, nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản... mở ra quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật với các nước thuộc khu vực này. Đây là khoảng thời gian Việt Nam tranh thủ được nhiều nguồn viện trợ, thiết bị kỹ thuật từ các nước tư bản phương Tây. Trong những năm 1976-1980, Việt Nam đã tranh thủ được từ các nước tư bản khoảng 2,263 đôla mỹ, trong đó 54% là cho vay, 46% là viện trợ không hoàn lại. Từ năm 1975 đến cuối 1978, riêng các nước Bắc Âu đã dành cho Việt Nam 612 triệu đôla Mỹ, trong đó 91% là viện trợ không hoàn lại(4).Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với các nước Tây Âu, Bắc Âu như Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Italia, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể thấy, những điều chỉnh trong đường lối đối ngoại của Đảng giai đoạn này đã giúp Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều nước, tranh thủ nguồn vốn, viện trợ từ nước ngoài để khôi phục và phát triển kinh tế. Đồng thời, chủ động khắc phục đường lối đối ngoại “nhất biên đảo”, tích cực xác lập các mối quan hệ quốc tế đa dạng, đa phương đã giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế, tạo nền tảng thúc đẩy Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước lớn.
Thứ tư, cần xác định đúng đắn, kịp thời tầm quan trọng của quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng cùng khu vực
Việt Nam giữ vị trí chiến lược quan trọng trên bản đồ địa chính trị khu vực, là cầu nối giữa đất liền và hải đảo, là trung tâm thương mại của khu vực, đồng thời cũng là cửa khẩu đi vào hệ thống giao thông đường bộ trên đất liền của các quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Do đó, ngay từ rất sớm, Việt Nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới của các nước đế quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, cân bằng quan hệ giữa các cường quốc. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn trong khối XHCN để hoàn thành sự nghiệp bảo vệ, giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc. Có thể thấy, trước năm 1975, Việt Nam đã thực hiện thành công “chiến lược cân bằng” trong đối ngoại với các nước lớn, coi trọng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong những năm 1976-1986, do tác động, chi phối bởi những yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau nên Việt Nam đã nghiêng hẳn về phía Liên Xô, đối đầu với Trung Quốc và coi Liên Xô đây là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của mình. Đồng thời, nhấn mạnh thắt chặt tình đoàn kết với Liên Xô là vấn đề cần thiết và quan trọng. Điều đó thể hiện sự mất cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, đẩy ngoại giao Việt Nam rơi vào “thế kẹt” trong mười năm trước đổi mới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn dè chừng, cảnh giác trong quan hệ với Mỹ, Nhật do cách nhìn nhận, đánh giá còn chủ quan. Việt Nam cho rằng Nhật vừa giữ quan hệ với ta, vừa tranh thủ các nước các nước ASEAN, vừa phối hợp với Mỹ và Bắc Kinh chống ba nước Đông Dương. Còn Mỹ đang tìm cách gắn chặt với các nước Đông Nam Á nhằm tranh thủ lực lượng để ngăn Liên Xô ở phía Đông; đồng thời, phối hợp với các thế lực phản động chống phá ba nước Đông Dương. Vì vậy, Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ, tiếp tục đẩy quan hệ Việt - Mỹ rơi vào tình trạng đối đầu căng thẳng. Cũng bởi vì không giữ được thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn nên thời gian này đối ngoại Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Một mặt, Việt Nam chèo chống với nước láng giềng lớn Trung Quốc đầy tham vọng. Mặt khác, phải chèo chống với sự bao vây, cấm vận của các nước lớn, khiến Việt Nam bị cô lập với khu vực và quốc tế.
Trong quan hệ với các nước láng giềng cùng khu vực, Việt Nam luôn coi trọng và ra sức củng cố tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương, coi đó là quy luật phát triển cách mạng của ba nước, là điều có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của cả ba quốc gia. Bởi vậy, trong những năm 1976-1985, Việt Nam đã không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Việt - Lào đã được ký kết trên cơ sở tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, hợp tác lâu dài, giúp đỡ nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Đối với Campuchia, Việt Nam luôn coi “vấn đề Campuchia” là chìa khóa cần tập trung tháo gỡ để giải quyết những khúc mắc, bất đồng trong quan hệ đối ngoại với các nước Đông Nam Á và ASEAN. Đi đôi với việc giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đuổi lực lượng Khơme đỏ, giành lại độc lập, Việt Nam còn thực hiện nhiều hoạt động nhằm giảm bớt căng thẳng, hiểu lầm của dư luận quốc tế. Vượt qua khó khăn, thách thức, xóa bỏ mọi rào cản, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã cải thiện và không ngừng được củng cố, giữ gìn.
Có thể thấy, xác định đúng đắn, kịp thời tầm quan trọng của quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng cùng khu vựclà vấn đề mang tính chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trước những chuyển biến sâu sắc trong quan hệ quốc tế, Việt Nam cần đánh giá đúng bản chất mối quan hệ đối ngoại với tất cả các nước. Đặc biệt, tránh đối đầu hoặc lập liên minh để đối đầu, gây chiến tranh với các nước láng giềng cùng khu vực, chủ động tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại.
ThS HOÀNG THỊ THÚY
Khoa Lý luận Chính trị, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1
Tạp chí Lý luận chính trị, mục Thực tiễn, số ra ngày 26/9/2018
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018
(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,2004,tr.471, 507.
(3) ĐCSVN: Báo cáo chính trị đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1997, tr.67.
(4) Bộ Ngoại giao, Nguyễn Đình Bin (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.316-317.