N
hận lời mời của một người luôn ngưỡng mộ mình, vị cao tăng đức cao vọng trọng cùng đệ tử đã tham dự một bữa tối do ông ta đứng ra tổ chức.
Lúc dùng bữa, ông phát hiện ra rằng trong số những món chay ngon lành trên bàn của mình, cụ thể là trong đĩa rau xào, có một miếng thịt lợn.
Học trò của cao tăng nhìn thấy vậy liền cố tình dùng đũa lật miếng thịt ra, ý muốn để cho gia chủ biết mà sau đó trách phạt đầu bếp.
Không ngờ, đồ đệ vừa lật miếng thịt ra, cao tăng đã lập tức dùng đũa giấu miếng thịt đó đi.
Một lúc sau, người đệ tử vẫn chưa hết bực tức lại cố ý dùng đũa gắp miếng thịt để lộ ra ngoài. Cao tăng thấy vậy, lại dùng đũa giấu miếng thịt đi và thì thầm vào tai đệ tử của mình: “Nếu con còn lật miếng thịt ra, ta sẽ ăn nó.”
Đệ tử nghe xong không dám lặp lại hành động đó nữa. Nhưng ăn được một lúc thì cũng có một thực khách phát hiện ra miếng thịt.
Chủ nhà cảm thấy không còn mặt mũi nào, định gọi đầu bếp ra, đúng lúc đó, cao tăng cười và vỗ vào tay ông ta, ra hiệu bảo không sao rồi gắp miếng thịt sang một bên, làm như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục dùng bữa, hóa giải bầu không khí khó xử.
Sau khi bữa tiệc kết thúc, cao tăng chào chủ nhà rồi ra về.
Trên đường trở về chùa, đệ tử của ông vẫn chưa hết bực tức, hỏi thầy với giọng nghi hoặc: “Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng đầu bếp biết chúng ta không ăn mặn, lại vô ý để lẫn thịt vào trong đồ ăn chay của chúng ta? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông ta.”
Cao tăng từ tốn nói: “Trên đời ai cũng phạm sai lầm, dù vô tâm hay hữu ý. Nếu để người chủ thấy miếng thịt trong món ăn chay, ông ấy sẽ nổi giận mà trừng phạt người đầu bếp, thậm chí còn cho người đó nghỉ việc, đây không phải điều chúng ta muốn thấy. “Đoạt lý” đương nhiên là quan trọng, nhưng tuyệt đối tránh ‘chỉ biết lý mà bỏ quên người’, phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua.
Hoàn cảnh sống và quan niệm sống của mỗi người thường không giống nhau, vì thế, sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi. Đa số người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay “đoạt lý mà quên người”, như thế nếu có thắng cũng không khiến người ta phục. Trong vòng xoáy của tranh đấu hơn thua, rất nhiều khi đối phương sẽ tìm cách đánh lén sau lưng.
Con hãy xem chỗ nào bỏ qua được thì bỏ qua, không nên ép người thái quá, phải biết cho người ta một lối thoát. Vấn đề ở đây không chỉ là cho người ta con đường sống, quan trọng hơn là cho chính mình một đường lùi, đây cũng là con đường sáng để xã hội hài hòa.”
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Đức dày có thể tải được vạn vật. Trong các mối quan hệ, bất luận là vô tình hay cố ý, đừng ích kỷ hành xử theo cảm tính. Hãy để một đường lui cho người đắc tội với mình, chắc chắn chúng ta sẽ không bị thiệt, thậm chí, chúng ta nhận được kết quả ngoài mong đợi, đó là sự kính nể, hoặc có thể thay đổi được người khác, thay đổi được hoàn cảnh theo ý muốn của mình.