C
ha mẹ cưới nhau muộn nên khi sinh tôi, mẹ đã ngoài bốn mươi. Năm 46 tuổi, mẹ sinh bé út rồi bị tai biến sản khoa, qua đời. Cha tôi nghĩ bé út là nguyên nhân cái chết của mẹ nên nhất quyết đem cho người ta nuôi. Được hơn tuần lễ, cha nằm mộng thấy mẹ ngồi khóc nên lại đi xin em về.
Từ đó, cha tôi gà trống nuôi con.
Chăm sóc hai đứa con gái nhỏ, trong đó có một đứa còn đỏ hỏn, hoàn toàn không đơn giản nên cha tôi thuê một người vú nuôi về ở hẳn trong nhà. Được một thời gian, không biết nhà ngoại và mấy cậu, dì của tôi nói gì mà dì vú nghỉ làm. Cha lại thuê một người đàn bà đã đứng tuổi về chăm sóc chúng tôi và lo cơm nước cho cha.
Khi tôi 10 tuổi, bà giúp việc xin nghỉ vì phải về quê chăm cháu nội. Từ đó, cha không thuê người nữa mà chị em tôi tự lo. Thường buổi sáng, cha đưa chị em tôi đi học rồi tới xưởng cơ khí, chiều cha đón hai chị em về, ba cha con xúm xít nấu cơm.
Công bằng mà nói, cha nấu ăn không ngon nên hay bị bé út chê. Có hôm nó còn giận dỗi không thèm ăn. Bí quá, cha đành nhờ cô Hồng, người nấu ăn ở xưởng cơ khí, nấu luôn cơm chiều cho ba cha con. Cô Hồng nấu ăn ngon đến nỗi chị em tôi mất cảnh giác, không hay có một “âm mưu” được bày ra để bẫy mình.
Ròng rã nhiều năm trời như vậy cho đến khi tôi đủ lớn để giật mình tự hỏi: “Sao cha lại vui vẻ như vậy khi có mặt cô Hồng? Sao gần đây cha hay cười một mình, thỉnh thoảng còn khe khẽ hát những bản nhạc trữ tình? Sao dạo này cha siêng ủi đồ và chú ý dáng vẻ bên ngoài chứ không bùi xùi như trước? Sao buổi tối cha hay vào phòng, đóng cửa sớm chứ không ngồi ở phòng khách xem phim hoạt hình với hai chị em?...”.
Tôi xâu chuỗi những câu hỏi lại và có được câu trả lời. Tôi nói với bé út: “Hình như cha có bạn mới.” Nó nhảy dựng lên: “Cái gì? Chị nói cha có bạn hả? Đâu ra vậy?”
Tôi nói cho nó nghe những nghi vấn của mình, nó nghe xong gật gù: “Chị nói có lý. Chị em mình phải tìm cách ngăn chặn ‘âm mưu’ này mới được.”
Việc đầu tiên chúng tôi làm là đưa ra quyết định. từ nay hai đứa sẽ tự lo cơm nước, giặt giũ cho cha. Cô Hồng không cần làm nữa. Bé út nói thẳng: “Cha mà quen cô nào là chết với tụi con.” Tôi vờ la em “không được hỗn” nhưng trong bụng thì đồng tình với nó.
Những ngày sau đó, cha không còn cười vui, không còn hát thầm, thỉnh thoảng cha về muộn để chị em tôi đợi cơm. Nhỏ út bực mình: “Tại cô Hồng hết. Tự nhiên làm cho cha buồn như vậy. Phải nói cho cô ấy biết mới được.” Tôi can em: “Con nít biết gì mà xen vào chuyện người lớn. Hôm nọ chị thấy cha lạ lắm. Cha ngồi rất lâu trước bàn thờ mẹ. Chị thấy cha gục đầu, vai rung rung…”.
Tôi kể cho bé út nghe cảm xúc của mình lúc đó. Chắc cha đã làm điều gì đó có lỗi với mẹ nên mới khóc xin lỗi. Nó cũng đồng tình và còn nói thêm: “Chị đừng có thấy cha tội nghiệp như vậy mà mềm lòng. Không có ai được thay thế mẹ trong ngôi nhà của mình.”
Chị em tôi giao ước với nhau như vậy và quyết tâm “ngăn chặn kẻ địch” lên cao ngút trời. Đỉnh điểm là một buổi chiều, hai đứa đi xem phim về thì thấy một chiếc xe máy trong sân nhà. Đã quen với chiếc xe ấy nên nhỏ út bảo tôi: “Lâu quá không thấy tới, không biết hôm nay tới làm gì. Chị phải cứng rắn lên đó.”
Hai đứa tôi hạ quyết tâm xong thì hùng hổ đi vào nhà. Thấy cha và cô Hồng đang ngồi nói chuyện ở phòng khách, vẻ mặt rất căng thẳng. Nhỏ út độp luôn: “Cha mà lấy vợ là con không ở nhà này nữa đâu.” Tôi phụ họa: “Con cũng đi khỏi nhà để cha tự do, muốn làm gì thì làm.” Nói rồi hai đứa tôi bỏ vào phòng, đóng sầm cửa lại.
Lát sau, khi khách về rồi, cha gõ cửa phòng hai chị em. Gõ mãi mà chúng tôi không thèm mở cửa, cha nói vọng vào: “Tụi con yên tâm. Cha không có lấy vợ đâu.” Hai chị em tôi ôm nhau nhảy tưng tưng trong phòng, sau đó mở cửa định ra ôm hôn cha thì ông đã vào phòng đóng chặt cửa lại.
Từ đó, cô Hồng không tới nữa. Từ đó cha tôi khép cửa lòng.
Rất lâu sau này tôi mới biết là cô đã đi lấy chồng. Hôm cô đến nhà là để gửi thiệp mời cho cha.
Nhiều năm sau nữa, tôi đi lấy chồng, ra ở riêng. Ngôi nhà chỉ còn lại cha với nhỏ út. Em tôi là đứa ham chơi lại không biết nấu nướng, cha ăn uống kham khổ nên xuống sức rất nhanh. Tôi tính chuyện tìm người giúp việc về chăm sóc cha nhưng ông gạt đi: “Không sao đâu, cha lo được.”
Cha nói cho tôi yên lòng chứ thật ra nhiều hôm tôi về, thấy em tôi đặt đồ ở ngoài về ăn, còn mâm cơm của cha chỉ có quả chuối chín hoặc dưa leo với nồi cá kho. Mà chắc cá đã kho đi kho lại nhiều lần nên khứa cá cứng queo. Tôi mắng em và bắt nó phải cơm nước đàng hoàng cho cha, nó cãi: “Em nấu cha không ăn được”, còn cha thì cười hiền: “Cha tự lo được mà, già rồi, có ăn uống bao nhiêu.”
Nhìn cha gầy đi, tôi xót dạ nên bàn với chồng mỗi ngày làm đồ ăn mang sang cho cha nhưng ông kiên quyết: “Con còn phải lo cho bên chồng; rồi còn công việc, con cái, đã nói đừng có lo cho cha.”
Tôi nghẹn ngào quay đi. Giờ tôi đã biết thế nào là nước mắt chảy xuôi.
Cho đến một ngày, tôi có việc đi ngang nhà nên ghé thăm cha. Cha đang ăn, không kịp dọn. Bữa ăn của cha là tô cháo trắng với chén muối hột cũng trắng. Cha nói mấy bữa nay trong người không khỏe nên không muốn ăn gì. Bé út có nấu nhưng cha không ăn được. Tôi nói mãi nhưng cha vẫn không chịu đi bệnh viện.
Ba hôm sau, chị em tôi trở thành những đứa trẻ mồ côi.
Sự ra đi của cha là một nhát roi quất vào trái tim ích kỷ của chị em tôi. Cứ nhắm mắt lại là tôi lại thấy vóc dáng gầy gò của cha ngồi sụp trước bàn thờ mẹ. Tôi đâu biết khi ấy cha cô đơn đến dường nào…
Sau khi cha mất, tôi dọn dẹp phòng thì phát hiện ra tấm thiệp cưới của cô Hồng dạo đó. Tôi còn tìm thấy một bức thư với vỏn vẹn mấy dòng: “Có một người rất thương em và chờ đợi em mười mấy năm nay. Chúng mình có duyên mà không có nợ. Em cưới xong sẽ ra nước ngoài định cư. Chào tạm biệt anh. Ký tên: Hồng.” Ngay bên dưới là dòng chữ của cha tôi: “Người làm cha không thể vì tình riêng mà dứt bỏ con cái của mình. Mong em hiểu và tha thứ cho anh.”
Tôi lặng đi hồi lâu rồi bật khóc thành tiếng. Chúng tôi có cuộc đời của mình và cha cũng có cuộc đời của cha; sao lại xuẩn ngốc, ích kỷ, trói buộc cha như thế?
Lỗi lầm này mong đừng có ai mắc phải như chị em tôi…
(Nguồn, hình ảnh: Sưu tầm)
Bài học trưởng thành
Mỗi người đều có một cuộc đời, trí tuệ và tình cảm riêng. Cha mẹ đã hi sinh cả cuộc đời và những niềm riêng để nuôi dạy chúng ta trưởng thành như ngày hôm nay. Do vậy, đừng ích kỷ ép cha mẹ phải sống theo cuộc đời của chúng ta. Cần đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của cha mẹ để hiểu những hi sinh thầm lặng và tâm tư, tình cảm của cha mẹ.