Cách thức xây dựng mối quan hệ của Nhóm Cho, Nhóm Nhận và Nhóm Dung Hòa
Mỗi người phải đưa ra quyết định xem liệu mình muốn đi dưới ánh sáng của lòng vị tha hay đắm chìm trong bóng tối của sự vị kỷ.
– Martin Luther King Jr., nhà nhân quyền được giải Nobel Hòa bình
Vài chục năm về trước, một người đàn ông nghèo đã làm nên một câu chuyện chân thực về giấc mơ kiểu Mỹ. Xuất thân trong một gia đình bần hàn tại vùng quê hẻo lánh Missouri, để đỡ đần gia đình, một chàng trai trẻ đã nai lưng quần quật trên đồng ruộng nhưng vẫn không quên dành thời gian dùi mài kinh sử. Tốt nghiệp Đại học Missouri, sau đó là Học viện Phi Bea Kappa, lấy bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ kinh tế, cuộc đời con người này sau đó được dành để phục vụ cho Tổ quốc, tham gia lực lượng Hải quân rồi sau đó đảm nhận một số vị trí quan trọng trong Chính phủ Mỹ. Rồi ông được trao tặng huân chương danh dự của Hải quân Hoa Kỳ và huân chương vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc với những đóng góp cho quốc gia. Sau đó, ông thành lập công ty riêng, đảm nhận vị trí chủ tịch kiêm CEO trong suốt 15 năm. Vào thời điểm ông rút lui, công ty này được định giá 110 triệu đô-la Mỹ với đội ngũ nhân viên lên đến 20.000 người làm việc ở 40 quốc gia trên thế giới. Trong bốn năm liên tiếp, công ty của ông được tạp chí Fortune vinh danh là "Công ty dẫn đầu nước Mỹ" và được bầu chọn là một trong 25 công ty có môi trường đáng làm việc nhất thế giới. Khi được hỏi về sự thành công của mình, ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "Sự tôn trọng… Nguyên tắc vàng… Sự trung thực tuyệt đối… Tất cả mọi người đều biết rằng bản thân tôi luôn tuân thủ một nguyên tắc làm người rất nghiêm ngặt". Ông đã thành lập một quỹ từ thiện gia đình, đóng góp hơn 2,5 triệu đô-la cho hơn 250 tổ chức từ thiện trên toàn cầu và trích 1% từ lợi nhuận kinh doanh hàng năm của tập đoàn cho các hoạt động từ thiện. Nghĩa cử cao đẹp của ông đã khiến Cựu Tổng thống George W. Bush phải ca ngợi là "người đàn ông tử tế và chính trực".
Kết cuộc, ông bị truy tố.
Người đàn ông ấy tên là Kenneth Lay, và tên ông được nhớ đến như kẻ tội đồ chính yếu trong vụ bê bối của Enron. Enron là tập đoàn kinh doanh năng lượng, hàng hóa và các thiết bị an ninh với trụ sở chính đặt tại Houston. Vào tháng
10 năm 2001, 1,2 tỷ đô-la vốn cổ phần của Enron đã bốc hơi sau khi báo cáo tài chính quý 3 được công bố với con số thua lỗ là 618 triệu đô-la Mỹ, mức thua lỗ kỷ lục tại thời điểm bấy giờ. Đến tháng Mười hai, tập đoàn Enron thông báo phá sản, đẩy 20.000 nhân viên vào cảnh thất nghiệp, rất nhiều người trong số họ đã phải trơ mắt đứng nhìn số tiền dành dụm cả cuộc đời biến mất cùng với sự sụp đổ của Enron. Các nhà điều tra phát hiện ra Enron đã lừa gạt các nhà đầu tư bằng các báo cáo tài chính khống thể hiện lợi nhuận ảo và che giấu khoản nợ hơn một tỷ đô-la của tập đoàn, lũng đoạn thị trường năng lượng và nhiên liệu ở hai bang California và Texas, và hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài để giành được các hợp đồng ngoại thương lớn. Lay đã bị truy tố với sáu tội danh.
Dư luận có thể tranh cãi về việc thực chất Lay biết bao nhiêu về các hành vi phạm pháp của Enron, nhưng không thể phủ nhận rằng Lay là mẫu người chỉ biết đến bản thân mình, bất chấp việc ông ta đã rất cố gắng để khoác lên mình vẻ vị tha. Trong cuốn sách The Smartest Guy in the Room (tạm dịch: Người đàn ông khôn khéo nhất trong phòng), hai tác giả Bethany McLean và Peter Elkind đã vạch trần việc Lay lợi dụng vị trí của mình để phê duyệt cho những khoản vay vượt hạn mức của công ty và cả việc ông yêu cầu các nhân viên phải chuẩn bị phần sandwich cho mình trong những chiếc đĩa bạc hoặc gốm sứ Trung Hoa. Từng có lần, khi đang cố gắng đăng ký máy bay cho một thành viên trong ban giám đốc đi công tác, nhân viên thư ký mới phát hiện ra rằng cả ba chiếc chuyên cơ của Enron đều đang phục vụ gia đình Lay đi du lịch. Trong hai năm 1997 và 1998, hơn 4,5 triệu đô-la tiền hoa hồng đã chảy vào túi của đại lý du lịch do chị gái Lay làm chủ. Và theo như cáo trạng, Lay đã bán hơn 70 triệu đô-la cổ phiếu trước khi Enron công bố phá sản, một hành động nhằm vơ vét tài sản trước khi con tàu bị đắm. Động thái này đã được dự báo từ trước trong những năm 70 khi Lay còn làm việc cho Exxon. Khi nhận xét về Lay, một vị sếp đã đánh giá ông rất cao nhưng không quên cảnh báo "anh ta quá tham vọng". Và giới quan sát tin rằng tại thời điểm đầu năm 1987, ở Enron Oil, Lay đã cố tình bao che và thông đồng với hai người nữa lập ra các công ty ma để biển thủ 3,8 triệu đô-la công quỹ nhằm tránh gây thiệt hại quá nghiêm trọng cho Enron. Sau đó, đến lúc những khoản thua lỗ này bị phanh phui, Enron Oil công bố bị thiệt hại 85 triệu đô-la Mỹ thì Lay đã lờ đi và từ chối nhận trách nhiệm bằng một tuyên bố hùng hồn: "Nếu có ai trong số các vị ở đây cho rằng tôi dính líu đến chuyện này thì hãy đứng lên". Một trong hai đồng phạm của Lay đã chuẩn bị đứng lên, nhưng lại bị hai người ngồi cạnh khống chế.
Vậy làm thế nào mà một người chỉ biết đến mình lại có thể thành công đến vậy?
Công cụ mà Ken Lay đã sử dụng chính là các mối quan hệ. Ông ta có quan hệ tốt với một số vị tai to mặt lớn. Trên thực tế, Lay quen biết hầu hết các quan chức và các nhân vật có ảnh hưởng. Đó là giáo sư kinh tế Pinkney Walker, người giúp đỡ để Lay trở thành chuyên viên kinh tế của Lầu Năm Góc và sau đó leo lên vị trí cố vấn cao cấp tại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nixon. Đó là Cựu Tổng thống George H. W. Bush, người mà Lay đã tạo mối thâm tình bằng cách giúp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Công nghiệp hóa đất nước ở Houston hồi năm 1990 (sự kiện mà nhiều nguyên thủ quốc gia lúc bấy giờ như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, Thủ tướng Đức Helmut Kohn và Tổng thống Pháp François Mitterrand có tham dự). Sau khi Bush cha thất bại trước Bill Clinton trong cuộc tái tranh cử, Lay đã nhanh chóng liên hệ với một người bạn từ thuở ấu thơ, đồng thời là một trong những công thần làm nên chiến thắng cho Clinton. Rất nhanh sau đó, Lay được sắp xếp chơi golf cùng vị tân Tổng thống. Rồi thời thế thay đổi, khi nhà Bush khôi phục quyền lực thì Lay tiếp tục lợi dụng các mối quan hệ của mình để tiến hành một loạt các hoạt động nhằm "ghi điểm" trong mắt George W. Bush, qua đó kéo lợi ích về cho Enron – cũng là cho chính bản thân ông ta.
Theo Brian Uzzi, giáo sư chuyên ngành quản trị học của Đại học Northwestern, các mối quan hệ sẽ mang đến ba lợi ích chính sau: những thông tin cơ mật, những kỹ năng mềm và quyền lực. Nếu có một mạng lưới quan hệ rộng rãi, chúng ta có thể thu về những lợi ích vô giá: kiến thức, kỹ năng và sức ảnh hưởng. Một nghiên cứu đã cho biết rằng những người có mối quan hệ rộng sẽ đạt được thành tích tốt hơn, dễ được đề bạt hơn, thăng tiến nhanh hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Và bởi vì các mạng lưới này được xây dựng dựa trên sự tương tác qua lại và các mối quan hệ, chúng chính là chìa khóa giúp ta khám phá được mức độ tác động của các kiểu hành xử đến thành công của mỗi người.
Tuy nhiên, mạng lưới quan hệ có thể trở thành con dao hai lưỡi, nhất là khi nó mang hàm ý tiêu cực. Khi gặp một người xa lạ mà người này lại thể hiện sự nhiệt tình quá mức trong việc kết giao, chúng ta thường nghi ngờ, băn khoăn xem sự nhiệt tình ấy là chân thành thuần túy hay chỉ nhằm lợi dụng ta để đạt được mục đích riêng. Sẽ có một lúc nào đó trong cuộc đời, bạn phải nếm trải cảm giác thất vọng khi kết giao với những con người giả tạo chỉ biết đến lợi ích của bản thân: Ngoài mặt thì ra vẻ tử tế lấy lòng khi có việc cần đến bạn, nhưng cuối cùng lại đâm sau lưng bạn, hoặc đơn giản là lờ bạn đi sau khi đã đạt được thứ họ muốn.
Mặt khác, những người thuộc nhóm sẵn sàng cho và dung hòa thường coi việc thiết lập mạng lưới quan hệ là một cách thú vị để kết nối với những người mới cũng như những ý tưởng mới lạ. Trong cuộc sống thường nhật cũng như trong công việc, chúng ta sẽ gặp nhiều người khác nhau, và vì mỗi người có những xuất phát điểm, kiến thức và tư duy khác nhau cho nên việc trao đổi với người khác để có được sự giúp đỡ, lời khuyên và các mối quan hệ là chuyện bình thường. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có thể xây dựng các mối quan hệ thân thiết bằng các cách hành xử khác nhau, hay chỉ có một cách hành xử duy nhất để tạo nên mạng lưới rộng rãi?
Trong chương này, tôi muốn kiểm chứng cách thức mà những người thuộc Nhóm Cho, Nhóm Nhận và nhóm dung hòa xây dựng các mối quan hệ của họ. Qua đó, tôi sẽ chỉ ra nguyên do vì sao mà từng phong cách hành xử trong các mối quan hệ này lại mang đến những kết quả và phản ứng khác nhau. Không những thế, nếu căn cứ vào cách xây dựng và duy trì các mối quan hệ của mỗi nhóm, bạn sẽ có thể phát hiện được một số dấu hiệu để định vị phong cách cho-nhận của mỗi cá nhân. Và tất cả là nhằm chứng minh rằng: Dù cả những người thuộc Nhóm Cho hay Nhóm Nhận đều có thể có mạng lưới quan hệ rộng rãi, nhưng chỉ có những người thuộc Nhóm Cho mới có thể tạo ra những giá trị bền vững và lâu dài từ các mối quan hệ của mình.
Nhận diện kẻ vị kỷ đang khoác lớp vỏ bọc tử tế
Nếu bạn đã từng thủ thế và cảm thấy e dè trước một đồng nghiệp mới, rất có thể là bởi bạn đã lờ mờ nhìn ra ở họ bóng dáng của một kẻ chỉ biết có mình. Trước sự tiếp cận của một kẻ chỉ biết mình, chúng ta thường có khuynh hướng tự phòng vệ bằng cách từ chối để họ tham gia vào mạng lưới của mình, đồng thời không tin tưởng và cũng không giúp đỡ. Để không bị xa lánh, nhiều người thuộc nhóm chỉ biết nhận đã ngụy trang một cách khéo léo, vờ tỏ ra là người tử tế hoặc ôn hòa để có thể ung dung bước vào mạng lưới của chúng ta. Nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể giữ được chiếc mặt nạ đạo đức đó. Những người thuộc Nhóm Nhận luôn tỏ vẻ chuyên quyền và muốn kiểm soát những người dưới quyền, song lại tỏ ra khúm núm và xum xoe một cách đáng ngạc nhiên trước thượng cấp. Và khi tiếp xúc với những người quyền lực, sự giả tạo của họ được bộc lộ rất rõ ràng. Với mong muốn được chú ý và đánh giá cao, họ luôn tìm cách bợ đỡ và tâng bốc cấp trên. Có một câu ngạn ngữ Hà Lan rất hay nói về sự đối ngẫu này, câu này được dịch ra tiếng Anh là "kissing up, kicking out" (đồng nghĩa với "thượng đội, hạ đạp").
Và Ken Lay là ví dụ điển hình của trường hợp này. Ông ta luôn tỏ ra rất lịch thiệp và tử tế khi đi cùng với những nhân vật chóp bu của Nhà Trắng, nhưng các cộng sự và thuộc cấp lại được chứng kiến một bộ mặt khác của ông. Một cựu nhân viên Enron từng chia sẻ rằng: "Nếu muốn Lay tham dự buổi họp nào đó, bạn chỉ cần mời ai đó có tiếng tăm một chút". Chuyện kể rằng vào năm 1998, các chuyên gia phân tích chứng khoán Phố Wall đến thăm Enron; và Lay đã thuê hơn 70 người đóng giả những nhà giao dịch bận rộn nhằm tạo nên hình ảnh kinh doanh sôi nổi giả tạo trong công ty. Thậm chí, ông ta còn ép buộc các cấp dưới phải làm những điều gian dối nhằm che mắt các nhà phân tích. Lay dường như bị ám ảnh với việc phải tạo ấn tượng tốt với những người trên mình, nhưng lại chẳng hề bận tâm đến việc hình ảnh xấu tệ hại của mình trong mắt nhân viên dưới quyền. Quả nhiên, như Samuel Johnson từng viết: "Cách chính xác nhất để đánh giá một người là hãy nhìn cách anh ta đối xử với những người dường như chẳng mang lại lợi ích gì cho anh ta".
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Khi nắm giữ quyền lực trong tay, chúng ta thường cảm thấy mình to lớn và có nhiều quyền hạn hơn, dần dần bớt e dè và trở nên thoải mái hơn trong việc bày tỏ bản chất của mình. Vì lẽ đó, khi những kẻ chỉ biết có bản thân mình nắm quyền lực, họ thường không mấy để tâm đến hình ảnh của mình trong mắt cấp dưới và đồng sự. Họ cho rằng mình có quyền theo đuổi các mục đích riêng và luôn cố giành lấy mọi cái lợi về phía bản thân. Nhưng chính thái độ thiếu tôn trọng những người ngang và dưới mình đã hủy hoại các mối quan hệ cũng như danh tiếng của họ, và kết quả là những cú ngã rất đau.
Nguyên nhân nằm ở việc về bản chất, đa số chúng ta đều cư xử như những người dung hòa với mối quan tâm thiết yếu nhất là sự công bằng và bình đẳng. Khi người chỉ biết mình phá vỡ các nguyên tắc này, những người dung hòa sẽ lên tiếng vì công lý dựa trên nguyên tắc "có vay có trả". Giáo sư tâm lý học Daniel Kahneman của trường Princeton, người đã được trao giải Nobel Kinh tế, đã chứng minh được điều này thông qua một trò chơi. Trong đó, cứ mỗi hai người không hề quen biết nhau được xếp thành một cặp chơi và ngồi đối diện nhau. Một người giữ mười đô-la và nhiệm vụ của anh ta là đưa ra đề xuất về việc phân chia số tiền mười đô-la này cho cả hai. Theo đó, người được chia tiền có thể chấp thuận lời đề xuất về tỷ lệ phân chia của đối phương rồi nhận tiền, hoặc có thể từ chối và cả hai người chơi đều không được gì. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi người chia tiền hành xử ích kỷ: giữ tám đô-la và chỉ chia cho người còn lại hai đô-la?
Nếu xét trên khía cạnh lợi nhuận thuần túy, việc chấp thuận lời đề nghị ăn chia trên vẫn được xem là có lý trí – dẫu sao thì được hai đô-la vẫn tốt hơn là không có gì. Ấy vậy mà phần lớn những người tham gia đều từ chối. Họ chấp nhận mất hai đô-la để trừng phạt người kia vì cách hành xử ích kỷ của anh ta, họ thà chịu trắng tay còn hơn là để anh ta có được tám đô-la. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết người chơi trong tình huống tương tự đều hành động tương tự: từ chối lời đề nghị bất công của người cùng chơi. Không những thế, điều thú vị là trong trò chơi này là hầu như không có người tham gia nào đưa ra đề xuất vô lý kiểu như chia tỷ lệ 8:2. Hơn ¾ số người chơi đều hành xử như những người dung hòa khi đưa ra mức phân chia rất công bằng.
Nói tóm lại, sự công bằng là nguyên nhân mấu chốt khiến chúng ta quyết định trừng phạt vì những kẻ vị kỷ ấy muốn lợi dụng chúng ta.
Và một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây đã chỉ ra rằng trong các mối quan hệ, khi cảm thấy bất bình với những người chỉ biết đến mình, chúng ta thường trừng phạt họ bằng cách phát tán những thông tin gây bất lợi cho danh tiếng của người đó. Để rồi qua thời gian, khi những thông tin đó được lan truyền rộng rãi, các mối quan hệ hiện tại cũng như các mối quan hệ mới thiết lập của họ sẽ bị tổn hại nặng nề. Khi sự thật về con người Lay bị phơi bày, rất nhiều người đã từng ủng hộ và hỗ trợ ông ta, bao gồm cả nhà Bush, bắt đầu giữ khoảng cách và dần cắt đứt liên hệ với Lay. Wayne Baker, một giáo sư ngôn ngữ đồng thời là chuyên gia về thiết lập mạng lưới xã hội giải thích cơ chế này như sau: "Nếu bạn tạo dựng mạng lưới quen biết chỉ nhằm phục vụ các lợi ích của bản thân thì bạn sẽ chẳng bao giờ thành công. Bạn không thể chỉ chăm chăm tìm kiếm lợi ích từ chúng. Lợi ích sẽ đến từ sự đầu tư vào những hoạt động và mối quan hệ đầy ý nghĩa".
Tuy nhiên, trước khi quyết định nghiêm túc và chân thành trong mỗi mối quan hệ bất kỳ, chúng ta cần nhận diện những kẻ chỉ biết mình trong số những người đang sống quanh ta. Đối với hầu hết mọi người, điểm mấu chốt khi xây dựng các mối quan hệ nằm ở việc xác định động cơ cũng như mục đích của những người muốn tiếp cận mình, nhất là khi ta biết rằng những kẻ ích kỷ rất giỏi trong việc ẩn dưới chiếc mặt nạ của một người tử tế để đạt được mục đích. Liệu rằng người mà bạn đang tiếp xúc có thực sự chân thành hay chỉ lợi dụng bạn vì lợi ích, và làm cách nào mà bạn nhận ra sự khác biệt đó?
May mắn thay, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dù khéo léo đến đâu, những kẻ chỉ biết mình vẫn để lộ những sơ hở.
Trong thế giới động vật, các con đực có nhiều cách để quyến rũ bạn tình. Khi đến mùa sinh sản, các con đực sẽ tập trung lại một khu vực và mỗi con chiếm lấy một vị trí riêng. Chúng sẽ làm mọi cách để trở nên nổi bật và thu hút sự chú ý của con cái. Một số sẽ uốn éo gợi tình. Một số con khác lại lên tiếng mời gọi bạn tình bằng ngôn ngữ riêng của chúng. Trong khi một số khác lại thực hiện những màn nhào lộn đầy khêu gợi. Và loài xuất sắc nhất trong việc này chính là những con công đực. Cứ đến mùa sinh sản, các con công đực lại chiếm lấy một chỗ, rồi sau đó ra sức phô bày vẻ đẹp. Chúng lượn lờ qua lại, xòe lông, tạo dáng để làm nổi bật bộ đuôi sặc sỡ, óng ánh.
Trong thế giới kinh doanh, những kẻ chỉ biết đến mình cũng chẳng khác gì những chú công chải chuốt kia.
Trong một nghiên cứu, hai giáo sư Arijit Chatterjee và Donal Hambrick đã tiến hành khảo sát hơn 100 CEO tại các công ty phần mềm và phần cứng. Họ đã phân tích báo cáo thường niên của mỗi công ty trong một thời gian dài để tìm kiếm dấu vết của những con sói đội lốt thiên thần. Và những gì họ phát hiện có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt của giới lãnh đạo. Hãy nhìn vào bức hình chụp hai vị CEO dưới đây, được lấy từ báo cáo thường niên của công ty họ. Cả hai người đàn ông này đều trải qua thời niên thiếu nghèo khó, từng làm việc trong chính phủ của Tổng thống Nixon, đều tự thành lập công ty riêng và trở thành những ông chủ giàu có, đều đóng góp rất nhiều cho các tổ chức từ thiện. Chỉ nhìn vào khuôn mặt hay quần áo họ khoác trên người, liệu bạn có thể nhận ra ai là người chỉ biết đến mình?
Người ở tấm hình bên trái tên là Jon Huntsman Sr., nhân vật mà chúng tôi sẽ nói đến chi tiết hơn ở Chương 6; còn người ở tấm hình bên phải là Ken Lay. Trong nghiên cứu về các vị CEO đã đề cập ở trên, Chatterjee và Hambrick phát hiện ra những người thuộc nhóm chỉ biết đến lợi ích bản thân sẽ tự cho mình là trung tâm, là vầng thái dương của công ty. Qua đó, nhóm nghiên cứu tìm thấy một vài dấu vết mà những người này để lộ ra, một trong số đó được phát hiện từ cuộc phỏng vấn hai nhân vật trên.
Do có khuynh hướng tự đánh bóng và muốn thể hiện bản thân, những người chỉ vì mình thường sử dụng những đại từ nhân xưng số ít, ngôi thứ nhất như: tôi, bản thân tôi, cá nhân tôi, của tôi, thay vì những ngôi nhân xưng thứ nhất số nhiều như: chúng ta, chúng tôi, của chúng ta, của chúng tôi. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khi nói về phạm vi mỗi công ty thì trung bình có 21% CEO sử dụng ngôi nhân xưng thứ nhất số ít. Đối với riêng những người rõ ràng thuộc nhóm "chỉ biết mình", đến 39% ngôi nhân xưng thứ nhất được họ sử dụng là số ít. Cứ mỗi 10 từ mà những CEO thuộc nhóm vị kỷ này khi liên hệ về bản thân, có bốn từ là trực tiếp nói về chính họ và không đề cập đến bất cứ ai khác.
Còn bây giờ, mời các bạn nhìn lại hai tấm hình của Ken Lay và Jon Huntsman Sr. ở trang sau và để tôi chỉ cho bạn thấy thông điệp ẩn đằng sau nó. Tấm hình bên trái được lấy từ báo cáo thường niên năm 2006 của công ty Hunstman: khổ hình khá nhỏ, chiếm chưa đến 10% tổng diện tích trang giấy. Tấm hình bên phải được lấy từ báo cáo thường niên năm 1997 của Enron, và hình của Lay choán hết một trang giấy.
Khi nhìn vào báo cáo thường niên của các công ty công nghệ thông tin, Chatterjee và Hambrick phát hiện ra sự khác biệt đáng kể trong việc chèn hình ảnh của các CEO. Ở một số báo cáo, thậm chí CEO còn không có hình. Nhưng trái lại, một số báo cáo lại dành hẳn một trang để hình của CEO. Vậy bạn thử đoán xem: ai là kẻ ích kỷ chỉ biết mình?[3]
Với những CEO thuộc nhóm chỉ biết đến mình, tất cả phải phục vụ cho lợi ích của họ, "Ta là Một, là Độc tôn, là Thứ Nhất". Một tấm hình lớn chính là lời tự khẳng định và truyền tải thông điệp: "Tôi là trung tâm của công ty này đấy". Nhưng liệu đó có phải là một dấu hiệu cơ bản để nhận diện những kẻ vị kỷ? Để xác minh, Chatterjee và Hambrick đã mời những chuyên gia phân tích uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tín đánh giá những CEO này. Các chuyên gia được yêu cầu đánh giá xem mỗi CEO liệu có "phải là người thích khoa trương bản thân, thích chỉ huy, muốn chứng tỏ quyền lực và luôn mong mỏi được chú ý cũng như được ngưỡng mộ […], thích trở thành trung tâm, luôn muốn người khác phải nể phục mình, hay thể hiện và vô cùng kiêu ngạo không". Và kết quả đánh giá của các chuyên gia này gần như hoàn toàn trùng khớp với kết quả thu được từ kích thước tấm hình của các CEO trong bản báo cáo thường niên của công ty họ.
Quay lại với Enron, trong bản báo cáo năm 1997, Ken Lay là tiêu điểm của sự chú ý. Trong chín trang đầu tiên, có hai trang được dành trọn để chưng hình của Lay và giám đốc điều hành Jeff Skilling. Điều này được lặp lại trong báo cáo năm 1998 và 1999, hình Lay và Skilling vẫn chễm chệ ở hai trang báo cáo. Đến năm 2000, có một sự thay đổi nhỏ, hình của Lay và Skilling được dàn giống như dạng phim cuộn, gồm bốn bức hình khác nhau của mỗi người – chúng trông giống như một bức tranh biếm họa. Trong ba tấm hình của Lay là một người đàn ông với điệu cười nhếch môi đầy kiểu cách, người ý thức rất rõ rằng mình đặc biệt. Rốt cục, Lay đã không nhận được cái kết có hậu, ông đã chết vì một cơn nhồi máu cơ tim trước khi phiên tòa xét xử diễn ra.
Tới đây, chúng ta đã tìm hiểu được hai cách để nhận diện ra những kẻ chỉ biết mình. Thứ nhất, khi tiếp nhận thông tin về ai đó, ta có thể biết được cách người đó đối xử với những người quanh mình ra sao. Thứ hai, khi có cơ hội được đánh giá những hành động và mức độ ảnh hưởng của ai đó, chúng ta có thể tìm ra những dấu hiệu cho thấy họ là kẻ chỉ biết mình.
Những hình ảnh tự đánh bóng bản thân, những cuộc trò chuyện tự khẳng định bản thân, thậm chí là sự chênh lệch đáng kể về mức thu nhập có thể là những dấu hiệu chính xác và đáng tin cậy giúp ta nhận diện một kẻ vị kỷ. Bước vào thế kỷ 21 – kỷ nguyên của công nghệ thông tin với sự phát triển vũ bão của loại hình mạng xã hội ảo, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi đáng kể, và điều đó giúp chúng ta nhận diện những kẻ ích kỷ, chỉ biết đến mình một cách dễ dàng hơn. Và khi các mối quan hệ trở nên dễ nắm bắt và công khai hơn, chúng ta có một lăng kính khác để đánh giá đạo đức cũng như bản chất của những người xung quanh.
Thời đại của các mối quan hệ công khai
Năm 2002, chỉ vài tháng sau sự sụp đổ của đế chế Enron, một chuyên gia máy tính tên là Abrams đã sáng lập ra Friendster, mạng xã hội đầu tiên trên thế giới. Friendster cho phép những người tham gia có thể đăng tải hồ sơ cá nhân trực tuyến và liên kết với mọi người trên thế giới. Hai năm sau, những cái tên mới như LinkedIn, Myspace và Facebook ra đời. Những người xa lạ giờ đây có thể gia nhập vào mạng liên kết của người khác. Năm 2012, dân số thế giới cán mốc bảy tỷ người. Cùng thời điểm này, số người dùng Facebook cũng đạt mức một tỷ, có nghĩa là 1/10 dân số thế giới sử dụng Facebook. Nhà tâm lý học Benjamin Crosier, Gregory Webster và Haley Dillon khẳng định: "Mạng xã hội vẫn luôn tồn tại trong mọi thời đại. Tuy nhiên, chỉ mới bắt đầu gần đây thì Internet mới cho phép con người số hóa các mối quan hệ của mình… Và từ những câu chuyện trên trời dưới đất, cho đến việc gặp gỡ người yêu, cho đến việc thúc đẩy các cải cách chính trị, sự kết nối của mạng xã hội là dựa trên việc thông tin nào sẽ được phát tán và chia sẻ".
Trước khi có các mạng xã hội ảo, việc giao tiếp và sự di chuyển thuận tiện hơn cùng với việc gia tăng dân số đã làm cho tính tương tác trong các mối quan hệ trở nên khó xác định nguồn gốc và khó được biết đến rộng rãi. Theo đó, bản chất của mỗi người cũng khó được đánh giá một cách trọn vẹn. Chính nhờ vậy, Ken Lay mới có thể che giấu con người thật của mình. Khi ông ta chuyển tiếp từ vị trí (tổ chức) này qua vị trí (tổ chức) khác, không phải ai cũng nắm được thông tin tường tận về ông, và những người mới bước vào mạng lưới của Lay cũng sẽ không nhận được đầy đủ thông tin để đánh giá. Những hành động tùy hứng của Lay không thể được đăng tải trên YouTube, phát trên Twitter, hay được tìm thấy trên Google, cũng như không được xuất hiện nặc danh trên các blog hoặc mạng nội bộ của công ty.
Ngày nay, nhờ Internet và mạng xã hội ảo mà những kẻ chỉ biết đến mình khó có thể che giấu bản chất sau lớp vỏ bọc bác ái như trước kia. Nhờ những công cụ truyền thông này, chúng ta có thể lần ra thông tin về ai đó bằng cách truy cập vào kho dữ liệu mở và tìm hiểu các thông tin được chia sẻ trên đấy. Điều này có nghĩa là chưa cần đụng đến các báo cáo trung thực của công ty, chúng ta đã có thể nhận diện trước đó một kẻ chỉ biết đến mình, bởi lẽ họ đã tự lòi đuôi trên chính các trang mạng xã hội mà họ tham gia: Chỉ cần một vài dấu hiệu nhỏ như hình ảnh hay lời bình luận cũng có thể tiết lộ bản chất của mỗi người, và nếu muốn nhận diện ra những kẻ vị kỷ.
Trong một nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã yêu cầu những người tham gia điền vào một bảng khảo sát để xem liệu họ có phải là người chỉ biết lợi ích của bản thân hay không. Sau đó, các chuyên gia cho những người hoàn toàn xa lạ truy cập vào Facebook của những người này. Và họ đã xác định ra những kẻ chỉ biết đến mình với mức độ chính xác đáng kinh ngạc.
Những người này thường đăng những thông tin thiên về việc tự phô trương bản thân, luôn tỏ ra vẻ mình là trung tâm và rất quan trọng. Hành động và phát ngôn của họ đầy vẻ kiêu căng và khoe khoang. Họ cũng có rất nhiều bạn bè trên Facebook, kết nối với nhiều người cốt để quảng cáo bản thân và giữ các mối quan hệ nhằm đạt được các mục đích riêng, hay ra vẻ tự phụ, thường đăng tải những tấm hình khiến người khác phải chú ý, tán tụng họ.
Howard Lee, cựu giám đốc khu vực Nam Trung Quốc của Groupon[4], là một trong số những người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để nhận diện ra những kẻ chỉ biết đến mình. Khi tuyển dụng nhân viên kinh doanh, rất nhiều ứng cử viên sáng giá đều tỏ ra rất quả quyết, và khiến Lee khó có thể xác định được trong số họ, ai là kẻ chỉ biết đến mình. Có một lần, Lee chấm được một ứng viên xuất sắc: hồ sơ đẹp, kết quả phỏng vấn tuyệt vời, những người giới thiệu cũng đánh giá rất cao năng lực của anh ta nhưng cũng có khả năng anh ta là một kẻ giả tạo. Vì thế, Lee đã tìm kiếm mạng lưới mối quan hệ của mình trên LinkedIn và Facebook và cuối cùng cũng tìm ra một liên kết chung có chia sẻ một số thông tin không mấy hay ho về ứng viên này. "Có vẻ như anh ta là người chỉ biết đến bản thân mình. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đây. Nếu anh ta từng cư xử lạnh lùng như vậy với công ty trước đây, liệu mình có nên thuê anh ta?", Lee nói. Với Lee, các trang mạng xã hội giúp ích rất nhiều cho việc tuyển dụng của Groupon, vì "giờ đây, tôi không cần phải gọi đến một công ty nào đó để xác minh thông tin về một người có liên quan với họ. Mọi người đều có mối liên hệ với nhau và Trái đất này tròn lắm. Một khi họ vượt qua vòng thi tuyển kiến thức, tôi kiểm tra Facebook hoặc LinkedIn của họ. Đôi khi chúng tôi có một số người bạn chung, hoặc từng học chung trường, hoặc một nhân viên của tôi có kết nối với họ. Bạn có thể đánh giá nhân cách của một người rất nhanh chóng". Khi các mối liên hệ và thanh danh của mỗi người được công khai với cả thế giới thì rất khó để những người chỉ biết đến quyền lợi của mình có thể thành công.
***
Tại thung lũng Silicon, có một người đàn ông trầm lặng, lầm lì hệt một chú gấu trúc, nhưng chính ông lại là người đem đến một diện mạo và một khái niệm mới cho việc phát triển các mối quan hệ xã hội. Người đàn ông này tên là Adam Forrest Rifkin, người được giới lập trình đặt cho biệt danh "gấu trúc vĩ đại". Anh tự ví mình là một kẻ cuồng máy tính, hay rụt rè và e thẹn, người chỉ biết hai ngôn ngữ: JavaScrip – một ngôn ngữ lập trình máy tính, và Klingon – ngôn ngữ của những người ngoài hành tinh trong bộ phim truyền hình Star Trek. Trong số các phép chơi chữ, Rifkin nghiện trò đảo chữ cái anagram và anh có thể ngồi hàng giờ để đảo vị trí các chữ cái trong tên mình để tìm ra cái tên ưng ý nhất, đại loại như Offer Radiant Smirk hay Feminist Radar Fork. Rifkin có hai bằng kỹ sư máy tính, một bằng sáng chế, từng tham gia các dự án phát triển các siêu máy tính cho NASA và hệ thống Internet cho Microsoft. Vào thời hoàng kim của mình, cùng với Rohit Khare, Rifkin đã sáng tạo ra phần mềm KnowNow, giúp các công ty quản lý hệ thống thông tin một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn. Với KnowNow, Rifkin kiếm được hơn 50 triệu đô-la trong suốt mười năm. Đến năm 2009, khi vẫn còn trong độ tuổi 30, Rifkin bất ngờ thông báo nghỉ hưu.
Tôi biết đến Rifkin khi đang lượn lờ tìm hiểu các liên kết trong trang LinkedIn của David Hornik, nhà đầu tư mạo hiểm tôi đã giới thiệu với các bạn ở chương trước. Và khi truy cập vào hồ sơ của Rifkin, tôi thấy anh ấy đang thông báo việc từ chức và chuẩn bị tung ra dự án khởi nghiệp PandaWhale – dự án có mục tiêu tạo ra một cơ sở dữ liệu với khả năng lưu trữ vĩnh viễn và chia sẻ công khai các thông tin mà mọi người trao đổi với nhau. Điều này cho thấy Rifkin là người rất trung thành với nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch và công khai trong các mạng xã hội nói riêng và mạng lưới quan hệ nói chung của mình. Vì thế, tôi rất tò mò, không biết liệu trang mạng xã hội của anh ấy sẽ như thế nào. Cuối cùng, theo thói quen tôi lên Google và gõ "Adam Rifkin". Và khi lướt qua các kết quả tìm kiếm, một trong các đường dẫn đập vào mắt tôi và nó liên quan đến kết quả cuộc khảo sát của Fortune vào năm 2011: Theo Fortune, Adam Rifkin chính là nhân vật có nhiều liên kết chất lượng nhất trên các mạng xã hội.
Năm 2011, Adam Rifkin là người có đến 640 liên kết trên LinkedIn với những người quyền lực nhất thế giới, nhiều hơn bất cứ ai trên thế giới này. Thậm chí, anh còn đánh bại cả những tên tuổi lớn như tỷ phú Michael Dell – người sáng lập tập đoàn Dell lừng danh, và Jeff Weiner – CEO của LinkedIn[5]. Tôi đã cảm thấy kinh ngạc khi một anh chàng kỹ sư lập trình ít nói, e thẹn, fan cuồng Star Trek này lại có thể thiết lập được mối quan hệ rộng rãi với những nhân vật nổi tiếng và quyền lực, bao gồm cả các sáng lập viên của Facebook, Netscape, Napster, Twitter, Flickr và Half.com.
Bấy giờ, Jessica Shambora là người thực hiện chuyên mục tìm kiếm người sở hữu mạng lưới quan hệ hùng hậu nhất cho Fortune và khi biết tin Rifkin được vinh danh là người chiến thắng, cô đã thích thú cười vang. Còn bây giờ, khi đã chuyển sang làm cho Facebook, cô nhận xét Rifkin là "một người có biệt tài trong việc tạo dựng các mối liên hệ xã hội, anh ấy hoàn toàn vô tư trong các mối quan hệ của mình và không hề thích bon chen hay tính toán. Mọi người tìm đến với Adam bởi vì họ biết rằng anh là một người tận tâm và tử tế".
Quả thật, khi mới chuyển đến thung lũng Silicon, Rifkin cảm thấy rằng việc mở lòng và giúp đỡ mọi người là cách hữu hiệu nhất giúp anh thoát ra khỏi vỏ ốc của bản thân. Trên trang cá nhân LinkedIn của mình, Rifkin bày tỏ phương châm hành động như sau: "Tôi muốn biến thế giới này thành nơi tốt đẹp hơn, và tôi mong muốn những gì mình làm sẽ có ích cho mọi người". Tháng Chín năm 2012, trên LinkedIn, 49 người đã viết đề cử cho Rifkin, tất cả đều ghi nhận và ca ngợi những đóng góp của anh cho mọi người. Nếu là một người dung hòa thì mỗi người sẽ đáp lại 49 lời đề cử tương tự chia đều cho 49 người đã ủng hộ mình, và có lẽ sẽ viết thêm một vài lời đề cử cho một số nhân vật chủ chốt khác với hy vọng sẽ được họ hồi đáp những đề cử về mình. Nhưng số lượng đề cử mà Rifkin đã đáp lại trong tình huống cụ thể này thì nhiều gấp năm lần số mà anh nhận được: anh đã viết những lời giới thiệu rất chi tiết cho 265 người trên LinkedIn. Một doanh nhân tên Raymond Rouf đã nhận xét: "Adam quả thật là người vĩ đại. Anh luôn cho đi nhiều hơn những gì nhận về. Bản chất của con người anh là luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác".
Phong cách xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội của Rifkin là minh họa điển hình cho cách thức thiết lập mối quan hệ của những người thuộc Nhóm Cho: luôn sẵn sàng cho đi nhiều hơn những gì sẽ nhận về. Và nó hoàn toàn khác phong cách của những người thuộc Nhóm Nhận hay những người dung hòa: tạo dựng mối quan hệ để tìm kiếm lợi ích từ các mối quan hệ đó.
Tất nhiên, những người chỉ biết mình hoặc những người dung hòa có cho đi một số thứ nhưng họ thực hiện điều đó một cách có chủ định, hướng đến mục đích những giá trị lợi ích nhận về của họ phải lớn hơn hoặc tối thiểu là bằng với phần giá trị họ đã bỏ ra. Cụ thể hơn, khi xây dựng các mối quan hệ, những người vị kỷ hoặc dung hòa sẽ tập trung vào những đối tượng có khả năng hỗ trợ hoặc mang lại lợi ích cho họ trong tương lai. Theo đó, họ sẽ định rõ cách thức, thời điểm cũng như những giá trị nào mà họ sẽ cho đi. Những người này chọn cách hành động sao cho khai thác được tối ưu một nguyên tắc cư xử phổ biến ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, đó là "có qua có lại mới toại lòng nhau" – nếu anh giúp tôi thì tôi sẽ mắc nợ anh và tôi cảm thấy phải có nghĩa vụ đền đáp lại cho anh. Và để lợi dụng tối đa nguyên tắc cư xử qua-lại này, nhiều người có thể chọn cách làm sau: chỉ cho đi những gì họ muốn nhận lại.
Tuy vậy, dẫu có thể thực sự tạo ra một liên minh vững mạnh, nguyên tắc có qua có lại này vẫn có những mặt trái nhất định, từ đó dẫn những hậu quả khiến chúng ta phải dè dặt hơn khi xây dựng các mối quan hệ:
• Hệ lụy đầu tiên là những người được tiếp cận thường cảm thấy họ đang bị lợi dụng.
• Hệ lụy thứ hai chính là sự bất bình và phản đối từ những người dung hòa. Như đã nói ở trên, những người dung hòa sống với phương châm công bằng và bình đẳng. Theo lời của Reid Hoffman, nhà sáng lập LinkedIn, thì những người này sẽ "làm giúp đỡ người khác với điều kiện đối phương cũng có thể giúp lại cho họ một điều gì khác". Và khi cho đi với hy vọng nhận được sự đền đáp thỏa đáng, những người dung hòa thường chọn cách trực tiếp trao sự giúp đỡ cho những người mà họ tin tưởng có thể giúp lại họ. Tương tự, họ cũng sẽ trực tiếp đưa ra sự trừng phạt khi nguyên tắc công bằng của bản thân họ bị những kẻ vị kỷ xâm phạm.
Ken Lay đã chọn cho mình phong cách có qua có lại này và kết cuộc là vướng phải cả hai hệ lụy trên. Ông ta có biệt tài trong việc nắm bắt sở thích và luôn biết cách làm hài lòng những người sẽ mang lại lợi ích cho mình; vì thế, những nhân vật quan trọng thường cảm thấy bị lệ thuộc vào sự tử tế của ông ta. Ken Lay luôn biết làm thế nào để chiếm được lòng tin của những nhân vật quyền lực, những người mà ông ta có thể dựa dẫm hoặc nhờ vả sau này. Năm 1994, George W. Bush thất bại trong cuộc tranh cử vào vị trí thống đốc bang Texas, nhưng chính vào thời điểm này Lay và vợ đã đóng góp một khoản hỗ trợ trị giá 25.000 đô-la Mỹ. Đến khi Bush đắc cử thống đốc bang Texas, Lay đã ủng hộ một trong những chủ trương do Bush khởi xướng và sau đó còn viết cho Bush hơn hai tá thư vận động hành lang. Mục đích cuối cùng của Lay là để đổi lấy sự nâng đỡ của Bush đối với việc bãi bỏ quy định quốc hữu hóa ngành năng lượng tại bang Texas – điều có liên hệ trực tiếp đến lợi ích của Enron và của chính bản thân Lay.
Song, sự thật ẩn sau bức màn vận động tranh cử này lại không hề "đẹp như mơ". Trước đó, Bush đã vận động Lay trở thành nhà tài trợ cho mình. Song trong giai đoạn đầu của cuộc "chạy đua", Bush có phần yếm thế; và vì nghĩ rằng chính trị gia này không có nhiều cơ hội đắc cử nên Lay đã từ chối hỗ trợ với lý do là mình đang nằm trong ban vận động tranh cử của Ann Richards – ứng viên của Đảng Dân chủ. Nhưng để đề phòng, Lay vẫn đóng góp cho Bush 12.500 đô-la Mỹ. Về sau, khi chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn quyết định, Lay nhận thấy Bush rất có khả năng sẽ chiến thắng nên nhanh tay ủng hộ thêm 12.500 đô-la cho Bush. Tuy nhiên, dù có đóng góp bao nhiêu thì hành động tính toán vụ lợi này đã để lại một vết rạn không thể hàn gắn trong mối quan hệ của ông ta với Bush. Sau này khi đã trở thành tổng thống Mỹ, Bush không bao giờ mời Lay đảm nhiệm bất kỳ vị trí nào trong nội các của mình. Khi vụ bê bối của Enron bị phanh phui,
Lay tìm đến rất nhiều vị có máu mặt xin được giúp đỡ nhưng Bush không hề nằm trong số này. Rõ ràng, chính bản chất ích kỷ của Ken Lay đã khiến ông ta tự lòi đuôi cáo, để rồi sau đó phải "gặt bão".
Trong khi đó, hoàn toàn trái ngược với Ken Lay, Adam Rifkin đã thiết lập mạng lưới của mình dựa trên nguyên tắc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Với anh, "mạng liên kết xã hội của tôi đã phát triển dần theo thời gian, từ những cử chỉ nhỏ nhặt, những hành động hào hiệp, cứ thế lớn dần lên từng ngày". Từ năm 1994, Rifkin đã đảm nhận vai trò là người dẫn dắt và trông nom các cộng đồng trực tuyến. Anh miệt mài đóng góp công sức nhằm củng cố các mối quan hệ trong các cộng đồng, đồng thời giúp đỡ mọi người giải quyết các rắc rối họ gặp phải trong thế giới ảo. Với cương vị là đồng sáng lập của Renkoo cùng với Joyce Park, Rifkin đã tạo ra các ứng dụng trên Facebook và Myspace được hơn 36 triệu người sử dụng với số lượt dùng lên đến 500 triệu. Tuy vậy, Rifkin không hề tự mãn với thành công này: "Nếu có hơn 10 triệu người sử dụng các phần mềm của bạn thì bạn nên làm điều gì đó thực sự có ý nghĩa và hữu dụng nhằm cải tạo hay thay đổi thế giới. Thẳng thắn mà nói, tôi muốn mọi người có thể giúp đỡ nhau nhiều hơn, và hiệu quả hơn". Do đó, Rifkin đã quyết định chia tay Renkoo để toàn tâm toàn ý cho lý tưởng giúp đỡ cộng đồng: hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời giúp những kỹ sư và những doanh nhân vừa khởi nghiệp kết nối với những người có quyền lực tại các công ty lớn.
Cuối cùng, vào năm 2005, Rifkin và Joyce Park lập ra 106 Miles, một mạng xã hội chuyên nghiệp dành riêng cho các kỹ sư mới bắt tay vào kinh doanh với mục đích cung cấp cho họ các kiến thức, kỹ năng cũng như các giải pháp thông qua hình thức đối thoại. Mạng xã hội này đã liên kết hơn 5.000 kỹ sư – doanh nhân lại với nhau thông qua những cuộc gặp định kỳ được tổ chức hai lần một tháng để mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công với nhau. Và 106 Miles đã mang lại những kết quả tuyệt vời, không chỉ cho Rifkin mà còn cho cả những người nhận sự giúp đỡ từ anh. Điển hình trong số đó là sự việc vào năm 2001, khi Rifkin giúp đỡ Blogger bằng cách đề nghị người sáng lập Blogger[6] cung cấp một số dịch vụ cho KnowNow – doanh nghiệp đầu tiên do Rifkin sáng lập.
Trong cuộc sống, việc gì cũng có mặt trái của nó. Cách hành xử vì người khác quả có khiến những người cho tương đối bất lợi trong thời gian đầu, nhưng khi xét trên chặng đường dài, họ lại thu được rất nhiều tác động lẫn kết quả tích cực. Còn với người chỉ muốn nhận lẫn người dung hòa, mọi chuyện lại có vẻ ngược lại – lợi ích trước mắt nhưng sẽ phát sinh nhiều vấn đề về lâu về dài. Và khi những điểm bất lợi của cách hành xử "có qua có lại" sẽ bộc lộ dần theo thời gian, chúng sẽ khiến cho các mối quan hệ của nhóm những người chỉ biết đến bản thân cũng như nhóm những dung hòa bị thu hẹp về số lượng, đồng thời giảm sút về chất lượng. Những nhược điểm này dẫn đến các mối quan hệ chóng vánh, hời hợt. Ngược lại, những người luôn đặt lợi ích của người khác lên trên hết sẽ tìm cách mở rộng các mối quan hệ nhằm giúp đỡ được nhiều người hơn, trên phạm vi rộng lớn hơn mà không hề xét đến mục tiêu đòi hỏi sự đền đáp. Guy Kawasaki – kỹ sư chính của Apple, một trong những huyền thoại của thung lũng Silicon – từng nói rằng: "Khi gặp bất cứ người nào, trước hết bạn nên tự hỏi bản thân xem làm thế nào mình có thể giúp những người khác nữa". Dĩ nhiên, đôi khi bạn có thể đặt lòng tin vào nhầm chỗ, nhưng phần câu chuyện tiếp theo sau đây về Adam Rifkin và những hiệu ứng mà anh đã nhận được sẽ khiến bạn phải suy ngẫm rất nhiều. Không phải lúc nào chúng ta cũng biết trước được ai sẽ là người giúp mình đâu.
Đánh thức những gã khổng lồ còn đang say giấc
Thập niên 90 của thế kỷ 20 được xem là thời kỳ sơ khai của ngành thương mại điện tử. Năm 1993, một sinh viên đại học tên Graham Spencer cùng với năm người bạn nữa đã thành lập một công ty kinh doanh trên mạng. Spencer là một anh chàng ít nói, hay ngại ngùng, cận nặng, tóc tai luôn vuốt ngược ra sau và mê truyện tranh như điếu đổ. Và những khi ngẫm lại về mình, Spencer khẳng định chính nhân vật Siêu nhân đã dạy anh bài học về công lý và sự chính trực, các X-Men giúp nhóm lên trong anh sự quan tâm với những con người bị áp bức và xa lánh trong xã hội, còn Người nhện thì trao cho anh niềm hy vọng vì "ngay cả những siêu anh hùng cũng từng trải qua một thời đi học nhiều khó khăn".
Spencer và các bạn mình đã lập ra Excite, một trang tin điện tử kiêm một công cụ tìm kiếm mà sau đó đã trở thành một trong những trang web phổ thông nhất trong thập niên 90 của thế kỷ 20. Năm 1998, Excite được bán với giá 6,7 tỷ đô-la Mỹ và Spencer trở thành cổ đông lớn nhất đồng thời là giám đốc công nghệ của công ty. Năm 1999, một thời gian ngắn sau khi bán lại Excite, Spencer bất ngờ nhận được email từ Adam Rifkin, trong đó Rifkin hỏi xin ý kiến tư vấn của Spencer về việc thành lập một doanh nghiệp điện tử. Tuy chưa từng gặp nhau trước đó, Spencer vẫn sẵn sàng đi gặp Rifkin. Sau buổi gặp, Spencer giới thiệu Rifkin với một nhà đầu tư mạo hiểm có uy tín, người sau này đã cấp vốn cho Rifkin.
Vậy làm cách nào mà Rifkin lại biết được Spencer? Và tại sao Spencer lại nhiệt tình giúp đỡ Rifkin như vậy?
Hãy quay về thời điểm đầu năm 1994, năm năm trước khi Rifkin gặp Spencer. Lúc bấy giờ, Rifkin cảm thấy có hứng thú với một ban nhạc còn non trẻ và mong muốn giúp cho ban nhạc này thu được nhiều sự chú ý hơn. Do đó, anh đã bắt tay vào hành động và tạo ra một trang web để những người hâm mộ có thể tán gẫu với nhau: "Thật tuyệt khi có thể kết nối những người yêu âm nhạc. Tôi yêu âm nhạc". Rất nhanh sau đó, trang web này trở nên nổi tiếng, hàng trăm ngàn người đã truy cập vào đó và ban nhạc từ vô danh vụt trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc.
Đó chính là ban nhạc rock Green Day. Đến năm 1995, một số thành viên chủ chốt của Green Day đã liên hệ với Rifkin để đề xuất mua lại và tiếp quản trang web này như một cổng thông tin chính thức của ban nhạc. Rifkin đã thốt lên: "Tuyệt, giờ nó là của các anh đấy" và rồi bàn giao lại cho họ.
Tuy nhiên tại thời điểm mùa hè năm 1994, khi trang web của Rifkin đã có đến hàng triệu lượt truy cập thì xảy ra một sự việc. Trong số những người vào xem trang này, có một người vốn hâm mộ cuồng nhiệt thể loại punk rock và cảm thấy "nơi" này chẳng khác gì một chuyên trang nhạc pop. Vì vậy, người này đã viết thư cho Rifkin để "giáo huấn" cho anh hiểu rõ thế nào mới là punk rock đúng nghĩa.
Người hâm mộ ấy không phải là ai xa lạ mà chính là Graham Spencer. Khi đọc được những đề xuất mà Spencer đã gửi cho mình, Rifkin chỉ hình dung rằng Spencer là một fan hâm mộ thể loại punk rock chính hiệu với kiểu đầu Mohawk nổi loạn. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng Spencer có thể giúp đỡ mình – nhất là khi ý tưởng này chỉ xuất hiện khi Spencer mới vừa thành lập Excite. Nếu là một người dung hòa hay vị kỷ, họ sẽ để email của Spencer trôi vào quên lãng. Nhưng Rifkin, với bản chất chấp nhận cho đi đến tận gốc rễ, đã giúp Spencer phát tán rộng rãi các thông tin về punk rock, đồng thời giúp đỡ các ban nhạc mới xây dựng các trang web dành cho người hâm mộ. Sau đó, Rifkin đã lập một trang web khác, độc lập với trang của Green Day và dẫn liên kết đến những ban punk rock khác do Spencer giới thiệu.
Adam Rifkin đã có một sự hợp tác thành công với Graham Spencer, và cảm giác thỏa mãn chính là phần thưởng cho cả hai. Nhưng nếu xem xét một cách thấu đáo hơn, câu chuyện này đã giúp chúng ta thấy được rằng các mối quan hệ của những người thuộc nhóm vị tha mạnh mẽ đến thế nào, và sức mạnh này đã đóng góp rất nhiều cho thành quả to lớn mà phải đến năm năm sau Rifkin mới nhận lại được. Câu chuyện của Rifkin đã phần nào làm sáng tỏ cách thức những người sẵn sàng cho có thể tận dụng được lợi thế của việc tiếp cận tất cả mọi người trong các mối quan hệ xã hội.
Một trong những phương châm của Rifkin là "Tin tưởng vào sức mạnh ẩn giấu sau những mối liên kết mỏng manh". Ý tưởng này là kết quả rút được từ sự tâm đắc với một nghiên cứu kinh điển của nhà xã hội học Mark Granovetter. Theo nghiên cứu này, những mối liên hệ bền chặt chính là bạn bè và đồng nghiệp thân thiết, những người chúng ta hoàn toàn tin tưởng. Những mối liên hệ mỏng manh chính là những người chúng ta có quen biết qua. Thông thường, chúng ta cho rằng mình sẽ nhận được sự giúp đỡ lớn nhất từ những mối quan hệ bền chặt. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Granovetter lại thể hiện một kết quả khác. Chỉ có gần 17% trong số những người tham gia khảo sát cho biết họ được giới thiệu công việc từ những người gần gũi nhất – bạn bè và đồng nghiệp thân thiết. Trong khi đó, gần 28% trong số họ nhận được sự giới thiệu từ những mối quen biết kiểu xã giao qua loa.
Điều này cho thấy bạn bè và những chiến hữu thân thiết cung cấp cái khung cơ bản, còn chính những người quen xã giao lại giúp bắc cầu nối: giúp chúng ta tiếp cận các nguồn thông tin một cách hiệu quả hơn. Những người thân thuộc chia sẻ với ta những mối quan hệ và cơ hội chung. Trong khi đó, những sợi dây tưởng chừng mỏng manh lại mở ra cơ hội giúp ta tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, xây dựng thêm các mối quan hệ mới và dễ dàng tìm ra những chỉ dẫn đặc sắc hơn.
Nhưng ở đây có một vấn đề. Đó là theo lẽ thường, sẽ là khó khăn khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ các mối quan hệ xã giao. Cho dù đây rõ ràng là lối đi nhanh nhất để tìm đến những chỉ dẫn mới, chúng ta vẫn không thấy thoải mái khi kết nối với những người mà mình chỉ quen biết sơ sài. Sự thiếu tin tưởng nhau trong những mối quan hệ xã giao sẽ tạo ra các rào cản tâm lý. Tuy nhiên, những người thuộc Nhóm Cho như Adam Rifkin lại có thể phát hiện ra lỗ hổng để vượt qua chướng ngại tâm lý này. Vẫn có cách để bạn vừa có thể khai thác lợi thế của những mối giao tế mà không phải "cắn rứt" lương tâm: gây dựng sự tin tưởng nơi những nguồn thân cận, kết hợp với những thông tin phong phú, mới mẻ thu được từ các liên kết xã giao.
Và chính nhờ điều này mà những người chấp nhận cho đi thường sẽ thu được thành công lớn sau một khoảng thời gian dài.
Năm 1994, sau khi Rifkin nghe theo lời khuyên của Spencer, thiết lập các liên kết trong thế giới punk rock trên trang Green Day thì Excite cũng bắt đầu phát triển lớn mạnh, còn Rifkin quay lại trường để hoàn tất chương trình sau đại học. Hai người này mất liên lạc với nhau suốt năm năm sau đó. Rồi khi chuyển tới thung lũng Silicon, Rifkin đã chủ động liên hệ với Spencer để yêu cầu gặp và xin lời khuyên. Và hành động hoàn toàn vô tư và không mảy may tính đến việc đòi hỏi sự đền đáp hồi năm 1994 đã hồi đáp cho anh một kết quả thậm chí còn vượt quá mong đợi. Spencer sẵn sàng hỗ trợ Rifkin và họ hẹn nhau ở một quán café để thảo luận. Đến lần gặp thứ hai, Spencer giới thiệu Rifkin với một nhà đầu tư mạo hiểm. Rifkin đã không giấu được niềm vui khi kể lại: "Hàng loạt những sự kiện ngẫu nhiên xảy ra năm 1994 đã run rủi để đến năm 1999, tôi có thể liên lạc lại với Spencer qua email, và sau đó là công ty mới của tôi được thành lập vào năm 2000. Quả là những ai cho đi sẽ luôn gặp may".
Tuy nhiên, chúng ta có lý do để tin rằng sự may mắn Rifkin đề cập đến là điều hoàn toàn có thể tiên liệu được. Về thực chất, đó chính là sự hồi đáp xứng đáng mà hầu hết mọi người đều sẵn lòng dành cho những người thuộc Nhóm Cho. Ba mươi năm trước, nhà xã hội học Fren Goldner đã có những bài viết về pronoia – một hội chứng trái ngược với chứng hoang tưởng paranoia. Theo nhà tâm lý học trứ danh Brian Little, pronoia là "một dạng niềm tin mang tính ảo tưởng rằng người khác đang làm những điều có lợi cho bạn, hoặc đang ngấm ngầm nói tốt về bạn". Vậy nên, nếu bạn là một người luôn hết lòng vì người khác, niềm tin này có thể có cơ sở thực tế chứ hoàn toàn không phải hoang tưởng.
Qua những câu chuyện của Ken Lay và Adam Rifkin, chúng ta hiểu thêm một lớp ý nghĩa khác của câu ngạn ngữ "cái gì đến sẽ đến". Quy luật nhân–quả này ứng với sự thật rằng những người dung hòa sẽ gánh vác sứ mệnh "phán quyết" và thực thi công lý. Những người "đứng giữa" này sẽ hy sinh lợi ích bản thân để trừng phạt những kẻ ích kỷ chỉ biết có mình, đồng thời nỗ lực để tưởng thưởng cho những người luôn cho đi. Khi Adam Rifkin giúp đỡ người khác trong cộng đồng mạng xã hội của mình, những người dung hòa sẽ cảm thấy rằng anh xứng đáng được trả ơn và ban thưởng. Về sau, anh tạo được mối quan hệ với những người như Reid Hoffman – người sáng lập LinkedIn. Và anh lại tiếp tục sử dụng những mối quan hệ mới tại LinkedIn để giúp đỡ những người khác, chẳng hạn như giới thiệu nhiều cơ hội việc làm tại LinkedIn cho các kỹ sư trong mạng xã hội của mình.
Vào một buổi tối thứ Tư, tháng Năm năm 2012, tôi đã được gặp Rifkin tại chính "hang ổ" của anh. Đó là một quán bar ở thành phố Redwood, nơi đang diễn ra buổi họp mặt của các thành viên trong mạng xã hội 106 Miles do Adam Rifkin đồng sáng lập mà tôi đã giới thiệu ở trên. Và khi Rifkin xuất hiện với nụ cười rạng ngời, trên người mặc chiếc áo thể thao cổ động cho đội bóng chày San Francisco Giants thì ngay lập tức, đám đông ồ lên chào đón và vây quanh anh, một số người khá nhã nhặn, trong khi một số khác lại đặc biệt nồng nhiệt. Mãi đến khi những doanh nhân ấy ào hết vào quán bar thì Rifkin mới có thể kể cho tôi nghe tường tận câu chuyện của mỗi người đã có mặt hôm đó. Với một người mỗi ngày nhận được gần cả nghìn email như Rifkin mà nói, việc nhớ được chi tiết như vậy quả là đáng nể.
Bí quyết của Rifkin rất đơn giản: đặt ra những câu hỏi thể hiện sự quan tâm và thật kiên nhẫn trong khi lắng nghe. Vào đầu buổi tối hôm đó, Rifkin có dịp hỏi thăm một "ông bạn" doanh nhân về tình hình công ty của người này; và ông ta đã nói liên tục suốt 14 phút mà không hề bị ngắt lời. Thông thường thì một cuộc độc thoại kéo dài hoàn toàn có thể khiến cả những "tín đồ" công nghệ vốn vô cùng hiếu kỳ phải kiệt sức khi lắng nghe, ấy vậy mà Rifkin vẫn không hề có một biểu hiện buồn chán hay mất tập trung nào. Thậm chí sau đó, anh còn hỏi: "Vậy anh có cần tôi hỗ trợ gì không?". Rồi khi người đối diện đề cập đến nhu cầu tìm kiếm một lập trình viên có thể xử lý một ngôn ngữ lập trình hiếm gặp thì trí nhớ của Rifkin lập tức rà lại mạng lưới quan hệ của mình và giới thiệu cho ông bạn này một vài ứng cử viên. Một lúc sau, một trong những ứng cử viên ấy cũng tham dự sự kiện này và Rifkin đã giới thiệu hai người với nhau.
Khi ngày càng có nhiều người đến hơn, Rifkin vẫn dành thời gian để trò chuyện với từng người một. Với bất cứ ai mới đến, anh đều dành ra từ 15 đến 20 phút để bắt chuyện và trao đổi với họ, hỏi han về công việc, nhu cầu, động lực thúc đẩy của họ và hỏi xem liệu anh có thể giúp gì cho họ. Rất nhiều người trong số đó đều mới chỉ gặp anh lần đầu tiên và cũng giống như khi giúp đỡ Graham Spencer hồi 18 năm trước, Rifkin đều hết lòng hỗ trợ họ mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì. Anh tự nhận về mình trách nhiệm giới thiệu công việc cho họ, giúp họ kết nối với một số người có thể có cùng chí hướng với họ và đưa ra lời khuyên về hướng giải quyết những rắc rối họ đang gặp phải. Cứ mỗi lần như thế, Rifkin lại tạo được một mối quan hệ mới. Nhưng liệu anh có thể duy trì tất cả những mối quan hệ này hay không?
Những mối quan hệ "ngủ đông"
Khi duy trì một mạng xã hội có quy mô lớn, tất nhiên Adam Rifkin sẽ có trong tay một lượng các mối liên hệ đã "ngủ đông" gia tăng theo thời gian. Đây thường là những người anh từng gặp gỡ hoặc biết rõ nhưng đã lâu không có liên lạc gì. Theo các giáo sư quản trị học Daniel Levin, Jorge Walter và Keith Murnighan thì "một người tích lũy trung bình được hàng ngàn mối quan hệ trong suốt cuộc đời mình. Nhưng trước khi Internet xuất hiện, tại mỗi thời đoạn xác định trong đời, chúng ta chỉ thực sự duy trì mối quan hệ với tối đa khoảng 100–200 người mà thôi". Vài năm trước, ba người này đã tiến hành một khảo sát, trong đó yêu cầu người tham gia thực hiện một việc mà bản thân họ cảm thấy e ngại nhất: kết nối lại các mối quan hệ đã ‘ngủ đông’. Khi một người tham gia nhận được yêu cầu này, anh ta đã giãy nảy: "Gì thế này? Nếu đã là những mối quan hệ ‘ngủ đông’ thì phải có nguyên do nó mới trở nên như vậy chứ, đúng không? Thế thì sao tôi phải liên hệ lại với họ?".
Nhưng những bằng chứng thu được lại cho thấy một vấn đề hoàn toàn khác. Trong một nghiên cứu của mình, Levin và các đồng sự đã yêu cầu hơn 200 nhà điều hành tham gia cuộc khảo sát hãy "hâm nóng" lại các mối quan hệ đã "ngủ đông" tối thiểu là từ ba năm trở lại đây. Mỗi người tham gia có nhiệm vụ phải liên hệ với hai đồng nghiệp cũ để hỏi xin lời khuyên cho một dự án mà mình đang phụ trách. Sau khi nhận được lời khuyên, họ phải đánh giá về mức độ hữu dụng của lời khuyên đó xét trên các khía cạnh mức độ hữu ích của bản thân lời khuyên đến việc giải quyết vấn đề cũng như của những sự giới thiệu kèm theo lời khuyên. Bên cạnh đó, 200 nhà điều hành này cũng được yêu cầu tham khảo và đánh giá lời khuyên từ hai mối quan hệ hiện tại của họ. Kết quả thu được vô cùng bất ngờ: Những người tham gia đều đánh giá những lời khuyên có được từ các mối quan hệ đã "ngủ đông" cao hơn các mối quan hệ hiện tại.
Và chưa dừng lại ở đây, Levin và các đồng sự cũng đã yêu cầu một nhóm gồm hơn 100 nhà điều hành khác xác định xem đâu là 10 mối quan hệ đã "ngủ đông" của mình và sắp xếp thứ tự dựa trên giá trị các cuộc nói chuyện với những người quen cũ này sau khi họ đã kết nối lại. Kết quả là dường như cả 10 mối quan hệ này đều dẫn tới những sự giúp đỡ vô cùng hữu ích tương đương nhau, cụ thể thì những gì mà người tham gia nhận được từ người xếp thứ mười không mấy chênh lệch so với người đầu tiên. Thông qua cuộc khảo sát, nhóm nghiên cứu của Levin còn phát hiện ra rằng nếu xét về cả lượng và chất của những lợi ích thu được từ các mối quan hệ cũ, những người ở độ tuổi khoảng từ 40–45 sẽ nhận được nhiều hơn so với những người trong độ tuổi 30, và những người 30 tuổi này lại thu được nhiều giá trị hơn nếu với nhóm trong độ tuổi 20. Thậm chí, chính anh chàng từng la ó khi được yêu cầu liên lạc lại với người quen cũ cũng phải thừa nhận rằng "cuộc khảo sát đã giúp tôi ‘mở mắt’… Cuối cùng tôi cũng nhận ra là mình có được biết bao giá trị tiềm tàng từ những mối quan hệ ‘ngủ đông’".
Tại sao lại như vậy?
• Thứ nhất, đó là vì những mối quan hệ "ngủ đông" cung cấp được nhiều thông tin mới lạ hơn so với những mối quan hệ hiện tại. Đây là điều tất yếu xảy ra khi trong suốt vài năm mất liên lạc đó, những người quen cũ đã được tiếp cận với những ý tưởng và quan điểm khác với những gì ta tiếp thu. Trong khi đó, những người quen biết trong hiện tại thường chia sẻ những nền tảng suy nghĩ và góc nhìn tương đồng với chúng ta. Một người tham gia cuộc khảo sát đã nhận xét rằng: "Trước khi liên lạc với những người quen cũ, tôi đã nghĩ rằng họ cũng sẽ chẳng có gì nhiều để cung cấp ngoài những điều giống như những gì tôi đã tính đến, nhưng hóa ra tôi nhầm. Tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước những ý tưởng mới mẻ của họ".
• Thứ hai, so với những mối quan hệ xã giao, những mối quan hệ "ngủ đông" này tương đồng ở điểm chúng cũng giúp ta tiếp cận được những thông tin mới lạ. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai loại này là việc liên lạc với những mối quan hệ cũ sẽ không khiến ta thấy ngại ngùng. Về hiện tượng này, Levin và các đồng sự đã lý giải như sau: "Việc kết nối lại với một mối quan hệ đã ‘ngủ đông’ không giống như việc bắt đầu một mối quan hệ hoàn toàn mới. Khi tái liên hệ, chúng ta vẫn có cảm giác tin tưởng lẫn nhau". Trên thực tế, việc kết nối lại với người quen cũ sẽ khiến ta tiêu tốn ít thời gian trao đổi hơn vì hai bên đã có sự hiểu biết nhau từ trước. Vậy nên không giống những mối quan hệ xã giao, chúng ta không cần phải mất công sức để bắt đầu từ vạch xuất phát khi liên lạc lại với những người quen cũ.
• Và thứ ba, khi cần thu thập thông tin mới, việc khai thác các mối quan hệ xã giao sẽ diễn ra chóng vánh và không mấy hiệu quả, trong khi những mối quan hệ cũ lại cung cấp được lượng thông tin lớn hơn và hữu ích hơn nhiều. Và theo thời gian, mỗi người sẽ ngày càng tích lũy được nhiều mối quan hệ "ngủ đông" hơn, và thậm chí giá trị của chúng cũng sẽ tăng theo.
Ba lý do trên không chỉ giải thích tại sao những mối quan hệ "ngủ đông" là nhóm giá trị bị bỏ bê, mà còn cho chúng ta thấy những người sống vì người khác đã có sẵn mọi yếu tố cần thiết để tự mình vặn mở cánh cửa dẫn đến nguồn lực này. Theo các chuyên gia về mạng xã hội thì những người vị tha sẽ có nhiều lợi thế hơn khi nối lại các quan hệ cũ, đặc biệt là trong một thế giới với nhiều liên kết chồng chéo như hiện nay. Những người này đã tạo được ấn tượng tốt bằng chính những hành động hào hiệp của họ khi truyền đạt kiến thức, chia sẻ thông tin, giúp đỡ tìm kiếm việc làm mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào; do đó chúng ta sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần đến.
Còn đối với những người chỉ biết đến bản thân, việc liên hệ lại với những người quen cũ là cả một vấn đề. Giả sử những người quen cũ và những người chủ động kết nối lại cùng thuộc Nhóm Nhận thì tất nhiên bên được liên hệ sẽ nghi ngờ, tìm cách tự bảo vệ mình và giữ kín các thông tin mới. Nếu những người ích kỷ tìm cách liên hệ lại với những người quen cũ thuộc nhóm dung hòa, rất có thể những người luôn sống theo phương châm "có qua có lại" này sẽ muốn dạy cho đối phương một bài học như điều chúng ta đã được biết qua ví dụ về trò chơi chia tiền ở trên. Còn nếu những người quen cũ này thuộc nhóm những người vì người khác thì ở chương sau, chúng tôi sẽ trình bày cho bạn hiểu lý do vì sao họ sẽ không dại gì mà đi giúp đỡ những kẻ chỉ biết có mình. Và tất nhiên, nếu một kẻ chỉ biết đến lợi ích bản thân đã từng có những hành động ích kỷ dẫn đến sự chia cắt tâm lý trước đó thì có vẻ việc nối lại quan hệ sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi.
So với những kẻ ích kỷ chỉ biết có mình thì những ai dung hòa sẽ dễ dàng nối lại quan hệ với những người quen cũ hơn, song bản thân họ lại thường cảm thấy không thoải mái khi mở lời xin trợ giúp bởi lẽ nguyên tắc sống của họ là "có qua có lại". Khi yêu cầu một sự giúp đỡ nào đó, họ sẽ cảm thấy mắc nợ và phải có nghĩa vụ hoàn trả. Nếu trong quá khứ, họ từng mắc nợ một người quen và chưa hồi đáp lại, việc mở lời nhờ vả sẽ khó khăn gấp đôi. Với người dung hòa, việc kết nối với người quen cũ thường không thể tạo nên sự tin tưởng đủ vững chắc vì chúng giống như thực hiện những giao dịch trao đổi lợi ích hơn là bồi đắp để mối quan hệ được sâu sắc.
Hiểu được tầm quan trọng của những mối quan hệ "ngủ đông", giờ đây thay vì dành nhiều thời gian cho việc mở rộng mạng lưới xã hội, Adam Rifkin chú trọng vào việc nối lại mối quan hệ với những người quen cũ. Anh chia sẻ: "Bây giờ thời gian của tôi chủ yếu dùng để kết nối lại với những người bạn mà đã lâu không liên hệ". Mỗi khi Rifkin liên hệ với một người quen cũ nào, họ đều hào hứng đáp lại. Chính sự tử tế và hào hiệp của Rifkin đã chiếm được lòng tin của họ. Họ luôn trân trọng sự giúp đỡ của anh và biết rằng điều đó là thực tâm, không hề có toan tính vụ lợi. Năm 2006, khi cần tìm một người dẫn chương trình cho buổi họp mặt của 106
Miles, Rifkin đã liên lạc với Evan Williams, và mặc dù khi đó Williams đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng và đang trong giai đoạn đặc biệt bận rộn với việc tung ra Twitter, anh vẫn đồng ý giúp Rifkin. "Đã năm năm trôi qua, vậy mà khi chúng tôi nhờ làm người dẫn chương trình, anh vẫn đồng ý", Rifkin nhớ lại.
Bản chất của sự tín nhiệm mà những người thuộc Nhóm Cho như Rifkin xây dựng đã trở thành đề tài cho nhiều nghiên cứu thú vị. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu về mạng lưới xã hội chỉ ra rằng cơ chế trao đổi thông tin ở đây là sự luân chuyển kiến thức từ người này sang người khác. Và trong quá trình hợp tác nghiên cứu với giáo sư Rob Cross của Đại học Virginia và Andrew Parker của Viện IBM[7], Wayne Baker còn nhận ra thêm rằng cơ chế này cũng có thể được dùng để theo dõi các dòng chảy năng lượng giữa các mối quan hệ với nhau. Trong nhiều tổ chức, các nhân viên thường xếp hạng sự tương tác của mình với người khác dựa trên nguồn năng lượng thúc đẩy họ từ thấp tới cao. Dựa vào đây, các nhà nghiên cứu đã lập một bản đồ thể hiện mạng lưới các nguồn sức mạnh này và nó trông tương tự như mô hình thu nhỏ của một thiên hà.
Trong thời gian làm việc tại đây, Andrew Parker giữ vị trí tư vấn nghiên cứu.
Theo đó, những người chỉ biết có mình chính là các lỗ đen: Họ nuốt chửng năng lượng từ những người xung quanh. Còn những người luôn vì người khác chính là mặt trời: Họ ban phát ánh sáng đến mọi nơi, tạo cơ hội cho các đồng nghiệp góp sức vào công việc chung, thay vì chỉ nhất nhất làm theo ý riêng và giành lấy mọi công trạng về mình. Và khi không đồng ý với một quan điểm nào đó, người thuộc Nhóm Cho sẽ trình bày ý kiến của mình với một thái độ tôn trọng chứ không hề cố ý hạ thấp người khác.
Nếu xây dựng bản đồ năng lượng dựa trên mạng lưới xã hội của Adam Rifkin, bạn sẽ thấy anh luôn đóng vai trò mặt trời trong rất nhiều hệ mặt trời khác nhau. Lấy ví dụ trong một kỳ nghỉ từ vài năm trước, Rifkin đã gặp một doanh nhân táo bạo tên Raymond Rouf, họ bắt chuyện với nhau và Rifkin đã đưa ra một số ý kiến. Sáu tháng sau, Rouf muốn mở một công ty mới và tìm đến Rifkin để xin lời khuyên. Rifkin đã hồi đáp ngay trong ngày nhận tin nhắn và hẹn ăn sáng với Rouf vào hôm sau. Trong buổi gặp này, Rifkin đã trao đổi với Rouf suốt hai giờ đồng hồ. Vài tháng sau, họ gặp lại nhau; lúc này, công việc kinh doanh của Rouf không được như ý, công ty không có doanh thu, hệ thống nước trong nhà anh ta lại đang bị hỏng và Rouf đành phải mua phiếu tập thể hình chỉ để có một nơi tắm rửa. Rifkin đã hỏi thăm về tình hình kinh doanh của anh ta rồi đưa ra những lời khuyên vô cùng xác đáng về cách thức tái cấu trúc công ty. Sau đó, Rifkin giới thiệu Rouf với một nhà đầu tư mạo hiểm, người sau này đã đồng ý cấp vốn và trở thành thành viên hội đồng quản trị trong công ty của Rouf. Giờ đây, GraphScience – công ty của Rouf – đã trở thành một trong những công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích cho Facebook, còn bản thân Rouf thì không bao giờ quên sự giúp đỡ của Rifkin.
Chưa hết, Rifkin còn phụ trách triển khai dự án cho một đạo diễn kiêm biên kịch nổi tiếng của Hollywood. Theo như câu chuyện cụ thể sẽ được trình bày chi tiết trong Chương 7, hai người họ biết nhau vì Rifkin đã chia sẻ công khai những thông tin của mình trên Internet. Trong một cuộc trò chuyện, vị đạo diễn này đã chia sẻ rằng ông ta mới sản xuất xong một loạt chương trình cho đài truyền hình cáp Showtime và đề nghị Rifkin giúp đỡ. Chỉ trong vòng 24 giờ, Rifkin đã lên lịch cho các cuộc hẹn và các buổi chiếu thử phim với những người đứng đầu của Twitter và Youtube. Vị đạo diễn giải thích: "Xin hãy lưu ý rằng: Adam không hề được lợi gì từ chương trình của tôi… Nhưng cũng chính nhờ sự hào phóng của Adam mà chúng tôi có được thành công đó. Không những thế, nó còn giúp bật đèn xanh cho chúng tôi: Showtime đồng ý cho chương trình này được tiếp tục".
Đối với một số người có khả năng phát tỏa rồi lan truyền cảm hứng, việc nối lại mối quan hệ là một kinh nghiệm đầy sinh lực. Hãy nhớ đến 265 con người từng được Rifkin viết lời đề cử trên LinkedIn, hay hàng trăm doanh nhân khởi doanh khác đã nhận được sự giúp đỡ của anh trên mạng xã hội 106 Miles. Chắc chắn tất cả họ sẽ đều hào hứng khi nhận được liên lạc từ Rifkin và không ngần ngại giúp đỡ anh, bất kể việc hai bên đã bị đứt liên lạc sau một thời gian.
Nhưng Adam Rifkin không hề đòi hỏi đến sự giúp đỡ từ phía họ – ít nhất cũng không phải cho bản thân anh. Mục đích thực sự của Rifkin là thay đổi suy nghĩ của chúng ta về cách thức xây dựng mối quan hệ và những lợi ích có thể nhận được từ chúng. Rifkin tin rằng chúng ta nên coi các mối quan hệ xã hội là phương tiện để tạo ra lợi ích cho tất cả mọi người chứ không riêng một ai cả. Với anh, việc hành xử hào hiệp, hết lòng vì người khác trong các mối quan hệ có thể thay đổi những quan điểm truyền thống về việc cho – nhận theo hướng mà tất cả các bên liên quan đều có lợi.
"Món quà" năm phút
Năm 2012, một chuyên viên tuyển dụng của LinkedIn tên Stephanie được yêu cầu liệt kê ra ba người có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp của cô. Adam Rifkin đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng tên mình xuất hiện trong danh sách đó, bởi lẽ họ chỉ gặp nhau có một lần duy nhất và chuyện đó xảy ra từ rất lâu rồi. Khi ấy, Stephanie đang kiếm việc và gặp Rifkin thông qua sự giới thiệu từ bạn của một người bạn. Rifkin đã cho cô lời khuyên, ban đầu là bằng tin nhắn điện thoại và giúp cô xác định phương hướng công việc. Stephanie đã gửi email cho Rifkin bày tỏ sự biết ơn đồng thời đề nghị đền đáp ân nghĩa của anh: "Tôi biết rằng chúng ta chỉ mới gặp mặt một lần và chỉ thỉnh thoảng mới trò chuyện, nhưng anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều, còn nhiều hơn anh nghĩ đấy… Tôi thực sự muốn làm điều gì đó để cảm ơn anh".
Nhưng mong muốn của Stephanie không chỉ dừng lại ở việc tìm cách giúp đỡ Rifkin. Hơn cả thế, cô tình nguyện tham gia buổi gặp mặt của 106 Miles với các doanh nhân khởi doanh ở thung lũng Silicon, và bằng cách đó cô đã có thể hỗ trợ Rifkin giúp đỡ họ. Trong buổi gặp mặt này, Stephanie đưa ra một số phản hồi cho các ý tưởng của những người có doanh nghiệp mới thành lập, đề xuất hỗ trợ kiểm định các sản phẩm gốc ban đầu và kết nối họ với những nhà đầu tư hoặc những cộng sự tiềm năng. Không riêng gì Stephanie, có rất nhiều người từng được Rifkin giúp đỡ đều đã hành động theo cách này. Raymond Rouf vẫn thường tham dự các buổi gặp mặt của 106 Miles để giúp đỡ các doanh nghiệp mới khác. Và kỹ sư phần mềm Bob cũng là trường hợp tương tự. Năm 2009, Bob tình cờ gặp Rifkin tại một quán bar. Sau khi trò chuyện và biết rằng Bob đang thất nghiệp, Rifkin đã giới thiệu cho Bob một công việc. Nhưng công ty này lại bị phá sản, và Rifkin lại nhiệt tình giới thiệu một số vị trí khác cho Bob. Đến cuối cùng, Bob được nhận vào một công ty mới thành lập. Sáu tháng sau, công ty này đã được Google mua lại, và giờ đây Bob trở thành một trong những kỹ sư tài năng nhất của Google. Anh ấy quyết định trả ơn Rifkin bằng cách mang đến cơ hội cho những người khác trong mạng xã hội 106 Miles.
Đây là một hình thái mới của cơ chế cho – nhận. Theo cách hiểu truyền thống, cơ chế này vận hành theo nguyên tắc "có qua có lại" điển hình của những người dung hòa: trao đổi giá trị với người khác. Nhưng ngày nay, những người vị tha hết mình như Adam Rifkin đã tạo ra một hình thái cho – nhận mới. Thay vì trao đổi giá trị, Adam Rifkin hướng đến việc gia tăng các giá trị cho người nhận. Nguyên tắc cho đi của anh hết sức đơn giản: trao đi một món quà chỉ trong vòng năm phút. Anh lý giải điều đó như sau: "Lúc nào bạn cũng nên sẵn lòng bỏ ra tối đa năm phút để làm những việc vì người khác, những điều tưởng như rất nhỏ nhặt".
Như vậy, Rifkin hoàn toàn không nghĩ gì đến việc yêu cầu sự đền đáp từ bất cứ người nào mà anh giúp đỡ. Phương châm của Rifkin lại là: giúp đỡ để tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều người cùng giúp đỡ và hỗ trợ nhau hơn. Quả thật, khi cảm thấy hàm ơn Rifkin, những người như Stephanie sẽ muốn đền đáp lại. Stephanie bộc bạch: "Tôi vốn là người nhân ái và tốt bụng, nhưng tôi đã phải che giấu điều đó, cố gắng tỏ ra nghiêm khắc và tính toán hơn để tồn tại trong cuộc sống khắc nghiệt này. Nhờ Adam Rifkin, tôi học được rằng thế giới vẫn có chỗ cho những tấm lòng cao cả. Hãy cư xử tử tế và bạn vẫn có thể tiến lên phía trước".
Mỗi khi chia sẻ những kiến thức hữu ích và giúp kết nối mọi người với nhau, Rifkin đã góp phần khuyến khích mỗi cá nhân trong mạng xã hội của anh cư xử hào hiệp. Khi cần sự giúp đỡ từ một ai đó, Rifkin thường đề nghị họ giúp đỡ một người nào khác. Thay vì chỉ trao đổi lợi ích giữa những người cần giúp đỡ, những thành viên trong mạng kết nối xã hội của Rifkin lại hướng đến việc gia tăng lợi ích chung cho mọi người. Nhờ đó mà Rifkin và các thành viên có thể nhận được sự hỗ trợ từ những người mà họ thậm chí chưa từng có dịp giúp đỡ, hay thậm chí là chưa từng gặp mặt. Chính nhờ sự gia tăng lợi ích này mà Rifkin đã làm thay đổi hoàn toàn nguyên tắc "cho đi". Giờ đây, việc hết mình giúp đỡ người khác sẽ không còn mang đến sự thua thiệt cho một phía nữa, mà nghĩa cử này sẽ tạo ra rất nhiều lợi ích với cả người cho lẫn người nhận.
Khi xây dựng các mối quan hệ xã hội, những kẻ ích kỷ sẽ cố gắng giành lấy tối đa lợi ích mà họ có thể từ miếng bánh đã có sẵn. Trái lại, khi những người luôn nghĩ cho người khác như Rifkin thiết lập các mối quan hệ xã hội, họ sẽ luôn tìm cách để tất cả mọi người đạt được nhiều giá trị hơn. Nick
Sullivan, một nhà khởi doanh từng được Rifkin giúp đỡ đã chia sẻ rằng: "Adam đã khiến tất cả chúng tôi phải thay đổi và trở thành những người biết giúp đỡ mọi người".
Vậy làm thế nào mà Rifkin truyền cảm hứng và thôi thúc những người khác trao đi sự giúp đỡ? Để hiểu rõ hơn điều này, bạn hãy tưởng tượng rằng mình được phân vào một nhóm bốn người. Tất cả mọi người trong nhóm này đều không quen biết nhau, không hề được trao đổi với nhau, mỗi người sẽ phải đưa ra những quyết định kín của mình khi tham gia vào một trò chơi có sáu vòng. Luật chơi là ở mỗi vòng, mỗi người nhận được 3 đô-la và tự quyết định xem sẽ giữ lấy số tiền này làm của riêng hay đóng góp toàn bộ cho nhóm. Nếu bạn giữ tất cả cho riêng mình, bạn vẫn sẽ được giữ đủ 3 đô-la. Còn nếu một người quyết định nộp cho nhóm toàn bộ chỗ 3 đô-la của mình thì mỗi người trong nhóm, bao gồm cả người cho, sẽ có 2 đô-la. Đến cuối mỗi vòng, quyết định của mỗi người trong nhóm sẽ được công bố. Kết quả tốt nhất là mỗi người đều quyết định góp chung cho nhóm, như vậy mỗi người sẽ nhận được tổng cộng 8 đô-la ở mỗi vòng và tối đa là 48 đô-la sau sáu vòng. Nhưng giả sử chỉ có một mình bạn quyết định đóng góp tiền cho nhóm, vậy thì bạn chỉ nhận về 12 đô-la khi kết thúc trò chơi; và đây chính là sự thúc đẩy việc giữ lợi ích cho riêng mình nhằm đảm bảo cho bạn trọn vẹn 18 đô-la khi trò chơi kết thúc.
Vấn đề ở đây là bạn không thể trao đổi với những người khác nên quyết định cho đi 3 đô-la là một chiến lược mạo hiểm. Nhưng trong một khảo nghiệm, 15% số người tham gia chứng tỏ họ là những người luôn nghĩ cho người khác khi kiên định cho đi 3 đô-la trong suốt sáu vòng chơi, quyết định hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Và ngạc nhiên thay, kết quả cuối cùng hóa ra lại không bi đát như chúng ta e ngại. Họ chính là những người thu được khấm khá nhất: tính trung bình, tổng số tiền họ nhận được cao hơn 26% so với "thu nhập cá nhân" ở các nhóm không có một người cho kiên định nào. Tại sao họ lại nhận được nhiều hơn khi chấp nhận cho đi nhiều như thế?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành động cho một khi được thực hiện bằng lòng chân thành và sự kiên trì sẽ trở thành một hình mẫu và khiến những người cùng nhóm thay đổi nguyên tắc cho – nhận của mình. Không chỉ thế, sự cho đi cũng có tính lan truyền. Trong một nghiên cứu về sự lan truyền cảm xúc, hai chuyên gia James Fowler và Nicholas Christakis đã chỉ ra rằng những hành động giúp đỡ hào hiệp sẽ nhanh chóng được lan rộng khắp trong cộng đồng. Khi một người thường xuyên hy sinh lợi ích bản thân vì lợi ích của cộng đồng, những người còn lại sẽ chịu ảnh hưởng và mong muốn được đóng góp công sức để điều tốt đẹp này đến được với nhiều người khác.
Không dừng lại ở đó, khi gia nhập một môi trường mới, chúng ta thường quan sát những người xung quanh để phán đoán tình thế và lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Nếu xác định được ở đây có sự giúp đỡ không vì lợi ích riêng thì mọi người sẽ hành động tuân theo quy tắc chung này. Nếu trong nhóm có một người quyết định hy sinh lợi ích cá nhân, những người còn lại sẽ đóng góp nhiều hơn. Sự hiện diện của một cá nhân như vậy là đủ để thiết lập một quy tắc cho đi. Nguyên nhân là vì khi cho đi, thành viên này đã mang lại lợi ích cho những người còn lại trong nhóm nên kết quả là mỗi người đều nhận được nhiều hơn. Ngay cả khi những gì số còn lại nhận được bị giảm một nửa giá trị sau mỗi đóng góp như vậy thì vì những người vị tha đã truyền được cảm hứng cho đi đến những người khác và thôi thúc họ cũng phải cho đi nên đến cuối cùng, tổng giá trị mà cả Nhóm Nhận được sẽ tăng lên. Những người vì người khác này đã chấp nhận lãnh lấy phần thiệt về mình để gia tăng lợi ích chung cho cả nhóm.
Trong trò chơi của khảo nghiệm vừa nêu trên, những người kiên trì với nguyên tắc trao đi đã tạo ra một món quà năm phút khi quyết định góp phần tiền của mình trong mỗi lượt chơi. Họ chấp nhận một hy sinh nhỏ để các thành viên trong nhóm đều được hưởng lợi, và những người còn lại bị tác động phải làm theo họ. Nhờ những "món quà" năm phút kiểu này, Rifkin đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích hơn cho tất cả thành viên trong mạng liên kết xã hội của mình. Ở 106
Miles, hơn 4.000 thành viên đều tuân thủ nguyên tắc giúp đỡ những người còn lại.
Tuy nhiên, đối với những người chỉ biết có mình hoặc những người dung hòa, họ sẽ xem việc cho đi không toan tính như thế có thể ẩn chứa rủi ro. Thế thì liệu những người luôn hết lòng vì người khác như Adam Rifkin có thể duy trì được lý tưởng và kiên trì hành động, ngay cả khi không gì đảm bảo rằng những nghĩa cử họ trao đi sẽ có lúc quay trở lại và trực tiếp giúp ích cho họ?
Nhằm đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, Giáo sư Frank Flynn đã tiến hành nghiên cứu đối với những kỹ sư cấp cao hiện đang làm việc cho một công ty viễn thông lớn ở vùng Bay Area. Giáo sư Flynn yêu cầu các kỹ sư này tự đánh giá xếp loại bản thân và một người khác nữa dựa trên sự giúp đỡ họ đã cho đi và nhận lại, từ đó ông có thể xác định được họ sẽ thuộc nhóm nào: luôn hết lòng vì người khác, chỉ biết đến lợi ích của bản thân hay dung hòa. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu các kỹ sư này đánh giá mười người đồng nghiệp khác xét trên tiêu chí "sự kính trọng người khác dành cho họ".
Kết quả là những người vị kỷ xếp ở vị trí thấp nhất. Họ đã tự chặt đứt các mối quan hệ của mình khi chỉ chăm chăm yêu cầu sự hỗ trợ từ người khác nhưng lại rất hiếm khi hồi đáp lại ân huệ. Trong mắt đồng nghiệp, họ là những người ích kỷ, đáng bị trừng phạt và chỉ nhận được rất ít sự tôn trọng. Ngược lại, những người vị tha được kính trọng vượt xa cả nhóm người dung hòa và nhóm ích kỷ. Họ càng cư xử tử tế và hào hiệp bao nhiêu thì thiện cảm và sự tôn trọng mà đồng nghiệp dành cho họ càng cao bấy nhiêu. Chính thông qua hành động luôn cho đi nhiều hơn những gì nhận về, những người luôn hết lòng vì người khác đã tạo nên dấu ấn về những kỹ năng cá nhân độc đáo, khẳng định được giá trị bản thân đồng thời thể hiện được những thiện ý của mình.
Tuy nhiên, khi đọc đến đây, nhiều độc giả sẽ nảy sinh thắc mắc về vấn đề hiệu suất và hiệu quả công việc. Nếu dành quá nhiều thời gian và công sức giúp đỡ người khác, không ít thì nhiều những người vị tha sẽ bị xao nhãng dẫn đến mất tập trung, gây ảnh hưởng đến thời gian thực hiện công việc so với kế hoạch. Đây là một lý lẽ xác đáng và tôi mong các bạn khoan hẵng xao động. Bởi lẽ trên thực tế, Adam Rifkin tuy kiên trì với lý tưởng giúp đỡ mọi người nhưng anh vẫn đảm bảo được hiệu suất công việc khi là nhà đồng sáng lập của một số công ty rất thành công. Và phương pháp anh đã dùng giải quyết vấn đề này là: trao đi nhiều hơn nữa.
Trở lại với nghiên cứu của Flynn, sự thật là không phải lúc nào những người luôn vì người khác cũng phải trả giá bằng hiệu quả công việc. Flynn đã xác định ra ba nhóm người cho, nhận và dung hòa dựa trên tiêu chí mối tương quan giữa những gì họ cho đi và những gì họ nhận về. Điều đó có nghĩa là một số kỹ sư có thể được xếp vào nhóm luôn hết lòng hỗ trợ khi họ nhận được ít hơn những gì đã trao đi dù rằng thực ra, họ không mấy khi giúp đỡ người khác. Chính vì vậy, Flynn đã phải tiếp tục kiểm chứng các số liệu về mức độ thường xuyên trong việc cho và nhận sự giúp đỡ của các kỹ sư. Kết quả như sau: Hiệu suất công việc của những người thuộc nhóm hỗ trợ theo cách phân loại ban đầu chỉ giảm khi họ thỉnh thoảng mới chịu cho đi. Xét một cách toàn diện, những người có hiệu suất làm việc cao nhất là những người thường xuyên giúp đỡ người khác, và tất nhiên là luôn cho đi nhiều hơn nhận về – đây mới chính là những người vị tha đích thực. Họ luôn đạt hiệu quả công việc cao nhất đồng thời nhận được nhiều sự tôn trọng và nể phục nhất từ đồng nghiệp. Bằng chính sự hào hiệp và nhiệt tình của mình, những kỹ sư này tạo cho người khác cảm giác tin cậy; nhờ đó, họ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xã hội nói chung chứ không chỉ gói gọn trong những người mà họ từng giúp đỡ.
Adam Rifkin và những "món quà" năm phút của anh là minh chứng điển hình cho kết luận này. Trước khi truyền thông xã hội phát triển, Rifkin dường như chỉ là một người tốt bụng vô danh với những đóng góp thầm lặng. Rồi sự phát triển công nghệ thông tin đã kéo thế giới xích lại gần nhau hơn, và cái tên Rifkin theo đó được lan truyền với tốc độ ánh sáng. Giờ đây, rất nhiều người biết đến anh với tấm lòng hết mình vì người khác. Với vẻ mặt thoáng chút ngạc nhiên, Rouf kết luận: "Rifkin sẽ chẳng phải tốn lấy một giây để tìm người đầu tư cho các dự án mới của mình. Anh ấy quả là người rất có uy tín – tất cả mọi người đều biết rằng anh ấy là một người tốt. Đó chính là phần thưởng anh ấy có được nhờ vào bản chất tuyệt vời của mình".
Từ câu chuyện của Rifkin, hy vọng rằng các bạn đã hiểu rõ tại sao và bằng cách nào mà những ai luôn vì người khác có thể xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội của mình. Bằng sự đức hạnh khi tương tác với mọi người, họ luôn cố gắng gia tăng lợi ích cho tất cả thay vì cố gắng giành lấy phần có lợi hơn về cho mình hoặc đưa ra các đề nghị "có qua có lại" ngang bằng về mặt lợi ích. Khi thực sự cần đến sự giúp đỡ, họ sẽ nối lại quan hệ với những người quen cũ đã lâu không liên lạc để nhận được sự hỗ trợ hữu ích từ những người tưởng chừng đã rơi vào quên lãng nhưng lại rất đáng tin cậy này. Chính tác giả nổi tiếng Keith Ferrazzi cũng kết luận: "Tôi sẽ tóm gọn lại nguyên tắc thành công bằng một cụm từ thật ngắn gọn: sự tử tế". Và cũng không hề ngẫu nhiên khi Ivan Misner, sáng lập viên kiêm chủ tịch của BNI – cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất thế giới, chỉ sử dụng một câu ngắn gọn để nói về phương châm sống của mình: "Ai biết cho đi sẽ thu được nhiều hơn".
Còn với Adam Rifkin, sau rất nhiều năm miệt mài với trò chơi đảo chữ cái từ tên mình, anh đã tìm ra một kết quả hoàn hảo: I Find Karma (tạm dịch: Tôi tin vào Nhân Quả).