65 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về nạn đói cuối năm 1952 ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn hằn sâu trong tâm trí nhiều cán bộ lão thành, nhân chứng lịch sử.
Trong bối cảnh tình hình cách mạng gặp muôn vàn khó khăn do thực dân Pháp gia tăng các hoạt động càn quét, hàng loạt cơ sở cách mạng bị lộ, hàng nghìn cán bộ bị địch bắt và giết hại, lại thêm nạn đói hoành hành, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn đã vững tay chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thách thức, khó khăn, đưa phong trào phát triển vững mạnh…
Chúng tôi đã gặp một số nhà cách mạng lão thành là những nhân chứng lịch sử gắn bó sâu sắc với phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định như cụ Nguyễn Thọ Chân, nguyên Phó bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; cụ Võ Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ… Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng các cụ vẫn nhớ rõ những sự kiện quan trọng xảy ra lúc bấy giờ.
Các nhân chứng kể rằng, vào đầu tháng 10-1952, Nam Bộ xảy ra một trận lụt lớn kèm lốc xoáy cực mạnh. Lương thực, hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch bị hư hại nặng. Cây cối đổ ngổn ngang. Nước trên các dòng sông dâng lên nhanh chóng, cuốn phăng cây cối, nhà cửa hai bên bờ. Ở rừng Chiến khu Đ, nhiều loài thú lớn như voi, cọp… cũng bị lũ cuốn trôi. Vùng căn cứ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn bị nhấn chìm trong biển nước. Lương thực, thực phẩm, thuốc men, quân trang… của các đơn vị bị thiệt hại nặng. Nhiều vũ khí, đạn dược cũng bị gỉ sét, hư hỏng…
Bí thư khu ủy Nguyễn Văn Linh (thứ hai, từ phải sang) cùng lãnh đạo Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn động viên cơ sở cách mạng đoàn kết vượt qua khó khăn, năm 1952. Ảnh tư liệu
Trong di cảo lịch sử của nhà cách mạng tiền bối đã quá cố Đào Tấn Xuân (bí danh Năm Thành), Đặc khu ủy viên, quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn giai đoạn 1950-1953 mà chúng tôi được tiếp cận, có những trang viết mô tả chi tiết hoàn cảnh lúc bấy giờ. Theo đó, trận cuồng phong và cơn đại hồng thủy đi qua để lại những mảnh vườn xác xơ, cây cối gãy đổ, những khu nhà tan hoang... Cuộc sống ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn gặp vô vàn gian khó. Các hoạt động sản xuất, huấn luyện bị gián đoạn. Bộ đội và nhân dân bị thiếu ăn trầm trọng. Tiêu chuẩn gạo của bộ đội mỗi người chỉ còn 2,5kg/tháng. Do môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, ruồi muỗi và các loại côn trùng gây hại sinh nở nhiều như trấu. Dịch bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết bùng phát. Đồng bào, chiến sĩ trong vùng bị ảnh hưởng nặng phải gồng mình lo cái ăn, chốn ở và chống chọi với bệnh tật. Lợi dụng lúc ta gặp khó khăn nghiêm trọng do thiên tai, giặc Pháp liên tục đẩy mạnh âm mưu triệt phá các cơ sở cách mạng, tấn công Việt Minh. Chúng liên tục tổ chức hành quân càn quét, bao vây, ngăn chặn đường vận chuyển lương thực tiếp tế, tuyên truyền chiêu dụ cán bộ, chiến sĩ ta ra đầu hàng.
Lực lượng Công an Nam Việt, được sự bảo trợ của Pháp, đã thẳng tay đàn áp, lùng sục, bắt bớ cán bộ ta. Hệ thống cơ sở cách mạng ở Đặc khu bị đánh phá ác liệt, gây tổn thất nặng. Một số khu vực rơi vào khó khăn cực điểm. Tại Gò Vấp, cuối năm 1952 đã có đến hơn 200 cán bộ quân dân chính của huyện bị địch bắt và sát hại. Ở Trung Huyện, con số này lên đến gần 1.000. Những tổn thất liên tiếp khiến tâm lý hoang mang lan rộng...
Đối mặt với tình hình khó khăn chồng chất, Đặc khu ủy, đứng đầu là Bí thư Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) như ngồi trên đống lửa. Đặc khu ủy tổ chức họp khẩn bàn biện pháp vượt qua khó khăn. Hai mắt của anh Mười Cúc đỏ hoe, ngấn nước. Anh nói:
- Cùng lúc chúng ta phải lo đối phó với giặc ngoại xâm, “giặc đói” và bệnh tật, nhiệm vụ kháng chiến đang đứng trước những thử thách, cam go toàn diện. Bằng mọi cách, chúng ta phải vượt qua, không thể để tình trạng này kéo dài.
Quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Năm Thành nêu ý kiến:
- Trước mắt, chúng ta phải lo dập dịch bệnh và tìm cái ăn. Ở rừng miền Đông, bộ đội và nhân dân ta đào củ mài, củ chụp, hái rau rừng. Đó là những sản vật tự nhiên cứu đói rất hiệu quả. Vùng Đặc khu của ta có lợi thế sông nước, lũ lụt đem cá tôm, hải sản về nhiều. Chúng ta cần phát động nhân dân đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản cứu đói, dựa vào dân để chăm lo củng cố cơ sở cách mạng, phát triển lực lượng, tiếp tục thực hiện những trận đánh bất ngờ vào hang ổ của địch để gây tiếng vang, củng cố niềm tin của nhân dân, khơi dậy khí thế phong trào.
Đặc khu ủy phân công các ủy viên đi thăm hỏi, động viên quân, dân, thắt chặt đoàn kết vượt qua khó khăn, khẩn cấp chỉ đạo triển khai biện pháp cứu đói, khống chế dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cho các lực lượng kháng chiến. Thuốc chữa bệnh được huy động từ các cơ sở cách mạng ở nội thành bí mật chuyển ra cung cấp cho quân dân vùng lũ. Bà con vùng sông nước tích cực khai thác nguồn lợi thủy sản cứu đói và nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, xuống giống lúa và hoa màu, khôi phục chăn nuôi. Khí thế tăng gia, lao động sản xuất diễn ra hăng hái khắp nơi. Mấy tháng sau, bà con được mùa lớn. Khó khăn về đời sống được khắc phục.
Cùng với chống “giặc đói”, Đặc khu ủy chủ trương tập trung đẩy mạnh củng cố lực lượng, giữ vững hệ thống cơ sở cách mạng hiện có, phát triển, mở rộng mạng lưới cơ sở trong vùng. Dưới sự chỉ đạo, tổ chức của Năm Thành, các lực lượng biệt động táo bạo thực hiện những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” vào các cơ sở kinh tế, hậu cần quân sự lớn của địch, gây thiệt hại to lớn cho quân Pháp. Đây là thời kỳ cách đánh đặc công, biệt động phát triển rất mạnh và hiệu quả ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Một số trận đánh kinh điển lưu danh sử sách của Biệt động Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thời kỳ này là trận đột kích phá hủy Kho xăng dầu và bom đạn Phú Thọ, giết gọn cả tiểu đoàn Âu Phi và trận đánh bất ngờ vào Câu lạc bộ không quân, tiêu diệt tại chỗ 72 sĩ quan không quân Pháp. Hai trận đánh vang dội này được quyền Tư lệnh Năm Thành trực tiếp tổ chức, chỉ huy. Với chiến công xuất sắc này, ông đã được tặng thưởng Huân chương Quân công...
Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, 65 năm trôi qua nhưng tinh thần chủ động, sáng tạo, bản lĩnh vượt khó, khả năng huy động sức dân, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất và thành quả công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn luôn là bài học thời sự, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay...
THANH KIM TÙNG