Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch chống tiến công đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ tháng 12-1972 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Trong đó, sự chủ động và nỗ lực của ngành kỹ thuật tổ chức bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho chiến đấu đã góp phần làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" lịch sử.
Theo Trung tướng Lương Hữu Sắt, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật: Từ tháng 8-1971, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ được giao sửa chữa, cải tiến toàn bộ khí tài, bệ phóng và đạn tên lửa phòng không (TLPK) để có thể chống nhiễu của Không quân Mỹ. Ngoài việc thực hiện ngay tại trận địa một số đơn vị, cục tổ chức 4 công trường sửa chữa, cải tiến khí tài trên các khu vực từ Hà Nội đến Quảng Bình. Hơn 200 kỹ sư, cán bộ và thợ kỹ thuật được huy động, lập thành những đội cơ động. Mục tiêu sửa chữa, cải tiến vũ khí, khí tài phải bảo đảm nâng cao năng lực chống nhiễu, ổn định hoạt động, đồng thời tổ chức nhiệt đới hóa, phù hợp với môi trường và điều kiện tác chiến của Quân đội ta.
Cán bộ, trắc thủ tên lửa Trung đoàn 261 (Sư đoàn Phòng không 361) trao đổi phương pháp đánh máy bay B-52. Ảnh tư liệu
Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361) cơ động tên lửa vào trận địa. Ảnh tư liệu
Các cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không 361 trao đổi kinh nghiệm cải tiến khí tài và sáng tạo cách đánh máy bay B-52 của Không quân Mỹ. Ảnh: Đình Xuân
Sau hơn 6 năm (kể từ năm 1965) đưa vào trang bị và chiến đấu trên các chiến trường, nhiều bộ khí tài hệ thống TLPK đã làm việc liên tục, tuổi thọ từ 6.000 giờ đến 10.000 giờ, nên cần được sửa chữa cấp lớn và cấp vừa. Phân loại các bộ khí tài TLPK lúc đó: Cấp 1 đạt 14%, cấp 2 đạt 33%, cấp 3 chiếm 36% và cấp 4 là 16,78%. Số bệ phóng của các tiểu đoàn hỏa lực trung bình chỉ còn 4/6 bệ tốt, có tiểu đoàn chỉ còn 2 bệ. Ngành kỹ thuật còn phải khắc phục những khó khăn về vật tư kỹ thuật, phụ tùng thay thế, nhất là động cơ EMU, MI, rơ-le phân cực, cáp... Yêu cầu của Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đặt ra cho ngành kỹ thuật là bảo đảm cho các tiểu đoàn hỏa lực TLPK ở Hà Nội, Hải Phòng để chuẩn bị đánh máy bay B-52 phải đạt 100% khí tài tốt, đồng bộ, đủ 6 bệ phóng và đủ cơ số đạn tên lửa ở cả 4 tuyến, gồm: Tuyến 1 (đang trên bệ phóng), tuyến 2 (đạn trên xe TZM ở tiểu đoàn hỏa lực), tuyến 3 (đạn đã lắp ráp, nạp đủ nhiên liệu trên xe TZM và xe TCT ở tiểu đoàn kỹ thuật), tuyến 4 (đạn trong kho của tiểu đoàn kỹ thuật đã được kiểm tra tốt, sẵn sàng lắp ráp).
Đến tháng 4-1972, lực lượng kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa, đồng bộ, cải tiến cho hầu hết đài điều khiển tên lửa; VIKO (màn hiện sóng) đài 1 tốt. Từ cuối tháng 5-1972, ngành kỹ thuật tổ chức tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, khí tài, vật tư kỹ thuật, trong đó có đạn tên lửa, động cơ máy bay... do bạn viện trợ ở Lạng Sơn về. Tháng 8-1972, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ triển khai sơ tán các kho, xưởng đến các vị trí mới. Trong thời gian này, quân chủng tổ chức hội nghị kỹ thuật bàn về chuyển hướng sản xuất, sửa chữa khí tài, trang bị, vật tư, phụ tùng và tiến hành các nội dung công tác kỹ thuật bảo đảm phù hợp với yêu cầu tác chiến mới. Các xưởng không triển khai dây chuyền trung tu đồng bộ toàn đài điều khiển, mà thực hiện sửa chữa xe lẻ, khối lẻ, phụ tùng vật tư lẻ, cả dây cáp và động cơ. Ngành kỹ thuật tổ chức các đội cơ động đến cùng các đơn vị trực tiếp sửa chữa hỏng hóc của khí tài tại trận địa. Các nhà máy của quân chủng từ tháng 8 đến tháng 10-1972 đã phục hồi được số lượng lớn xe lẻ đài điều khiển tên lửa, bệ phóng, anten, khối lẻ của TLPK, đài ra-đa cảnh giới, dẫn đường, ra-đa ngắm bắn của pháo phòng không (PPK), dây cáp, biến thế, động cơ các loại... kịp thời cung cấp cho các đơn vị chiến đấu và dự trữ. Cũng trong thời gian này, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ hiệp đồng, khai thác công nghiệp địa phương sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Điển hình là Nhà máy Điện cơ Hà Nội sản xuất hơn 200 động cơ EMU, MI; ngành bưu điện và Tổng cục Hậu cần cung cấp cho quân chủng hơn 30km dây cáp các loại để đưa về các nhà máy sản xuất cáp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của khí tài TLPK, ra-đa...
Cuối tháng 11-1972, Quân chủng PK-KQ tổ chức Hội nghị kỹ thuật để kiểm tra lần cuối công tác bảo đảm kỹ thuật cho Bộ đội PK-KQ chuẩn bị tác chiến chống máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Quân chủng yêu cầu ngành kỹ thuật phải khẩn trương bảo dưỡng định kỳ năm, luân phiên tại các trung đoàn TLPK, PPK, không quân, ra-đa, bảo đảm các nội dung định kỳ xong trong tháng 12-1972 mà không ảnh hưởng đến SSCĐ của quân chủng. Trong định kỳ, lực lượng kỹ thuật kết hợp sửa chữa các hỏng hóc, phục hồi các tham số kỹ thuật của khí tài đúng trị số danh định.
Theo Thiếu tướng Võ Minh Cẩm, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật: Trước khi bước vào chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng 12-1972, ta đã tổ chức sơ tán triệt để các cơ sở kỹ thuật và bố trí lại mạng lưới kho tàng, trạm xưởng; tính toán điều chuyển lượng dự trữ VKTBKT, vật tư kỹ thuật theo khu vực; bổ sung trang bị, vật tư phụ tùng thay thế; điều chỉnh và cấp bổ sung đủ đạn cho các đơn vị tham gia chiến dịch. Ngành kỹ thuật đẩy mạnh sửa chữa khối đơn đạn tên lửa và nghiên cứu sửa chữa, cải tiến, phục hồi đạn tên lửa quá niên hạn sử dụng 36 tháng; sửa chữa nhanh khí tài trang bị, cụm khối để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thay thế. Các đơn vị tổ chức kiểm tra SSCĐ, kiểm tra hiệu chỉnh tham số chính xác, thực hiện nghiêm ngặt chế độ bảo dưỡng định kỳ VKTBKT. Do đó, toàn ngành bảo đảm hệ số kỹ thuật của TLPK đạt 83%, PPK đạt từ 88% đến 93%, ra-đa đạt 94%, máy bay phản lực chiến đấu đạt từ 74% đến 82%... Sự nỗ lực, chủ động của ngành kỹ thuật đã giúp các đơn vị bảo đảm đủ VKTBKT, chất lượng tốt, chủ động đánh địch hiệu quả và giành thắng lợi.
HƯƠNG HỒNG THU
Báo Quân đội nhân dân, mục Quốc phòng – An ninh, số ra ngày 16/12/2017)