Thời gian tôi được làm việc với đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thời gian tuy không dài nhưng đã để lại trong tôi những kỷ niệm và bài học sâu sắc trong công tác cũng như cuộc sống, nhất là về đạo đức và lối sống trong sáng, giản dị của ông.
Tháng 11-1996, chỉ hai ngày sau khi tôi về nhận công tác ở cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã gọi tôi đến phòng làm việc của ông. Với nụ cười đôn hậu, niềm nở, ông hỏi thăm về gia đình, sức khỏe và nguyện vọng của tôi khi chuyển công tác từ Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trực thuộc Trung ương Đảng đến làm việc tại cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Cử chỉ gần gũi, chân tình, dễ mến của ông đã xua tan mọi băn khoăn, tôi mạnh dạn bày tỏ: "Tôi đã lớn tuổi, chỉ ít năm nữa là đến tuổi nghỉ theo chế độ. Công tác mặt trận với tôi rất mới mẻ, không biết tôi có đủ thời gian để học hỏi, làm quen và đóng góp cho Mặt trận không. Đó là điều tôi lo lắng nhất. Ngoài ra, tôi không có yêu cầu, nguyện vọng gì khác!".
Hiểu rõ nỗi lòng của tôi, ông không “xác định thái độ”, trái lại, ân cần nói với tôi về những trăn trở của ông khi thôi làm Chủ tịch Quốc hội chuyển sang làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông không nói gì về công việc sẽ giao cho tôi. Bằng tầm nhìn chiến lược của một cán bộ cao cấp từng trải của Đảng, ông phân tích tình hình trong nước, thế giới và khu vực, nhấn mạnh những bài học từ sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô và đề cập nhiều vấn đề chiến lược rất quan trọng... Ngay từ buổi gặp đầu tiên, ông đã để lại cho tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc, một tâm trạng thoải mái, yên tâm với công việc mới và quyết tâm sẽ mang hết sức mình để làm việc. Bằng sự khởi đầu như thế, ông dẫn dắt tôi vào sự say mê và tôi đã bị cuốn hút vào ham muốn đổi mới toàn diện Mặt trận lúc nào không hay.
Tác giả (ngoài cùng, bên phải) và đồng chí Lê Quang Đạo (thứ hai, từ trái sang) trong một chuyến công tác. Ảnh do tác giả cung cấp
Thời gian làm việc với Chủ tịch Lê Quang Đạo đã để lại cho tôi những bài học lớn ở ông, đó là nói thẳng, nói thật. Tuy kiên trì độc lập tư duy, nói thật, nói thẳng nhưng ông cũng là con người rất khiêm tốn, luôn lắng nghe, nhất là những ý kiến mới, lạ, khác với truyền thống. Là người lãnh đạo công tác khoa học, lý luận, nhưng tôi không thấy ở ông sự độc quyền chân lý, thái độ gia trưởng, mệnh lệnh. Có nhiều buổi làm việc riêng với ông (thường là vào 4 giờ và kéo dài đến 6 giờ chiều), ông im lặng lắng nghe hàng giờ tôi trình bày những vấn đề liên quan đến nghiên cứu, thỉnh thoảng nêu câu hỏi gợi ý để tôi nói hết ý mà không hề tỏ thái độ khó chịu hay phê phán, quy chụp. Những văn bản, bài viết do tôi được giao chấp bút, ông xem rất kỹ và sửa chính xác từng dấu phẩy, cuối cùng thường ghi vào mảnh giấy nhỏ kèm theo bản thảo và gửi lại, trong đó viết: “Bài chuẩn bị tốt, tôi đồng ý cả, chỉ sửa vài chữ. Anh xem lại, nếu anh đồng ý thì cho đánh máy để sử dụng. Thân!”.
Thủ trưởng duyệt văn bản mà lại còn hỏi cấp dưới “nếu anh đồng ý thì cho đánh máy để sử dụng”. Hành động tuy nhỏ nhưng thể hiện một nhân cách lớn của người lãnh đạo khiến tôi vô cùng cảm động, tự nhủ phải làm việc thật tốt để không phụ sự tin cậy của ông. Đó là cách đối xử đầy nhân văn, tin dùng người đối với những người làm nghiên cứu khoa học. Nó có tác dụng mạnh mẽ lay động lòng người hơn bao lời hô hào. Tôi cố gắng học ông, tuy rằng học chưa tốt nhưng cũng cảm thấy sống thanh thản với các đồng nghiệp của mình.
Càng làm việc với ông, tôi càng học ông tinh thần không ngừng ngơi nghỉ, luôn xông xáo lên phía trước, lao vào những chỗ khó khăn, những nơi gian khổ, không né tránh chông gai. Ở ông thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu đi đầu của người cộng sản. Ông đã xây dựng và đề xuất Ban Bí thư ra Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18-4-1983 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới. Ông đã cùng Đảng đoàn Mặt trận tham mưu để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 17-11-1993 về đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới. Đó là những đột phá quan trọng của Đảng ta về lĩnh vực này. Nhiều năm đã qua đi, những quan điểm của các nghị quyết, chỉ thị này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã kiên trì vượt qua không ít khó khăn để góp phần cho ra đời Luật Quốc tịch, Luật MTTQ Việt Nam. Những ngày lâm bệnh phải nằm viện, ông vẫn không nghỉ, dồn tâm sức đọc, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều lần góp ý bản thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V MTTQ Việt Nam. Những ý kiến đóng góp của ông cho báo cáo của Đại hội V là những ý tưởng, tâm nguyện của ông về Mặt trận, cho đến nay vẫn còn giá trị hiện thực. Đó là những ý tưởng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đường lối đúng và cán bộ tốt là hai điều kiện tiên quyết để Đảng lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết. Muốn lãnh đạo được Mặt trận, Đảng phải đổi mới mình, phải là thành viên, là lãnh đạo trong Mặt trận. Mặt trận phải thực sự là tổ chức của dân, do dân, vì dân, được chủ động và chịu trách nhiệm trước dân thì mới được nhân dân ủng hộ. Cán bộ mặt trận phải là người công bộc của dân, biết làm công tác dân vận, có phong cách riêng của người cán bộ mặt trận. Là tổ chức của dân, Mặt trận phải đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của dân, thấu hiểu nguyện vọng của dân, chia sẻ cùng dân về những bức xúc trong cuộc sống hằng ngày của họ, bằng mọi cách bảo vệ quyền lợi cho người dân. Mặt trận đoàn kết toàn dân tức là phải đoàn kết từng người một, kể cả những người chưa giác ngộ về chủ nghĩa xã hội nhưng yêu nước và tích cực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Những suy nghĩ của ông về đại đoàn kết dân tộc và về MTTQ là mới mẻ, thể hiện lòng yêu nước, trọng dân, trung thành với Đảng, với Bác Hồ... và là những di sản quý báu ông để lại trước lúc đi xa.
Làm việc dưới sự lãnh đạo của ông, tôi còn học được tính nghiêm túc, sâu sắc trong công việc, nhưng tác phong lại rất gần gũi thân thương, quan tâm đến cấp dưới của một người lãnh đạo cấp cao. Tôi chưa hề thấy ông bực tức, gắt gỏng, nặng lời với cấp dưới mỗi khi mắc sai lầm hoặc làm việc chưa tốt. Trái lại, tôi chỉ thấy ở ông sự ân cần, thông cảm, sẻ chia, động viên và giúp đỡ. Tác phong, quan hệ với cấp dưới của ông đã thể hiện phẩm chất, đạo đức cao đẹp của một người con ưu tú của nhân dân, thuộc lớp học trò gần gũi của Bác Hồ kính yêu.
Còn nhớ, khoảng hai tháng sau khi tôi về cơ quan thì đến Tết Nguyên đán. Sáng Mồng Hai Tết, khoảng 9 giờ, anh Trãi-người giúp việc cho ông gõ cửa nhà và báo: “Bác Đạo đến chúc Tết gia đình”. Tôi vội ra đón thì đã thấy ông tươi cười đứng trước cửa. Trong căn hộ chật hẹp ở khu tập thể Quỳnh Mai cũ kỹ, ông ngồi quây quần cùng gia đình, bế cháu bé mới sáu tuổi là cháu nội của tôi, uống nước và vui vẻ chuyện trò, hỏi han từng người trong gia đình. Gần một giờ trò chuyện rôm rả, ông ra về để lại cho gia đình tôi một ấn tượng vô cùng đẹp đẽ. Cháu bé được ông bế trong lòng, nay đã tốt nghiệp đại học, vẫn nhớ trò vui của “ông Đạo” khi đến chơi nhà vào dịp Tết năm xưa...
Thời gian tôi được làm việc dưới sự lãnh đạo của ông rất tiếc là không dài, nhưng những bài học tôi học được ở ông thì rất dài và sâu sắc. Tuy ông đã đi xa nhưng hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp về ông như vẫn còn rất gần gũi. Tấm gương về người thủ trưởng uyên bác, nghiêm túc trong công việc, giàu lòng nhân ái, bao dung trong tình người vẫn còn lưu mãi trong tâm trí, tình cảm của những người đã được ông dìu dắt!
PGS, TS TRẦN HẬU