Cái tên John Steinbeck có lẽ đã quá quen thuộc với bạn đọc nước ta. Từ hồi cuối những năm 80 của thế kỷ trước – trong làn sóng “ra đi có trật tự” sang bên kia bán cầu – hai tác phẩm của Steinbeck được dịch ra tiếng Việt như thể một lời nhắn nhủ tới những người tìm kiếm cơ hội đổi đời về một “giấc mơ Mỹ” không chỉ toàn màu hồng như họ vẫn tưởng. Đó là Phía đông vườn địa đàng (1988, Nxb Tổng hợp Tiền Giang) và Chùm nho phẫn nộ (1989, Nxb Tác Phẩm Mới).
John Steinbeck (1902 – 1968) sinh ra và lớn lên tại Salinas, bang California. Có cha làm thủ quỹ ở quận và mẹ làm giáo viên nên gia đình cũng không phải quá khá giả, bởi vậy Steinbeck từ khi còn trẻ đã lăn lộn vào cuộc sống của lao động thợ thuyền.
Thời gian làm công nhân nông nghiệp có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp sáng tác của ông sau này. Bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên những thửa đất màu mỡ bờ Tây, rồi sau đó lại bị đuổi khỏi nơi mình cực nhọc làm lụng, John Steinbeck thấu hiểu mọi nỗi cơ hàn của người lớp dưới trong xã hội Mỹ đương độ vàng son. Chính những trải nghiệm này đã giúp ông có một nguồn tư liệu phong phú để viết nên nhiều áng văn giá trị như Chùm nho phẫn nộ (The Grapes of Wrath, 1939).
John Steinbeck dành phần lớn sự nghiệp để viết về quần chúng lao động, người di cư và những kẻ cô đơn lạc lõng trong guồng quay chóng mặt của xã hội thương mại. Tuy nhiên có những thời điểm nhất định, ông sa vào triết lý và viết ra những tác phẩm rối rắm, phức tạp.
Năm 1962, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn chương cho John Steinbeck bởi những cống hiến lớn lao của ông với văn học hiện đại Mỹ nói riêng và nền văn chương thế giới nói chung: “những trang văn vừa hiện thực vừa giàu tưởng tượng, được hiển lộ bằng một chất hóm hỉnh đầy cảm thông và cái nhìn xã hội thấu đáo.” Thậm chí ngài Anders Österling – Thư ký thường trực của Viện – trong bài phát biểu khi trao giải còn ngợi ca Steinbeck đã vượt qua những bậc tiền bối như Sinclair Lewis hay Ernest Hemingway bởi lối hành văn chân chất mộc mạc, có phần thô kệch, nhưng lại lột tả được cái nghiệt ngã của hiện thực đời sống.
Chùm nho phẫn nộ ra đời dựa trên chính những trải nghiệm của John Steinbeck từ khi còn gắn bó với ruộng đồng cho tới khi ông thất nghiệp và phải nhận trợ cấp trong đợt Đại suy thoái 1929 – 1933.
Tiểu thuyết có cấu trúc song tuyến.
Một tuyến kể về gia đình Joad là tá điền, có ruộng đất, bốn đời khai hoang và bảo vệ đất đai của mình tại lòng chảo Oklahoma toàn gió bụi. Dẫu họ có làm gì đi nữa nhưng một khi cơn thèm đất của bọn tư bản tài chính sục lên thì cũng chẳng thể níu giữ nổi đất đai mà cha ông đã đổ máu và mồ hôi để gây dựng. Thế là nhà Joad gom góp toàn bộ những gì có thể, chồng chất lên chiếc xe cam nhông cà tàng, đi về miền Tây đầy hứa hẹn.
Tham gia vào cuộc thiên di của những kẻ mất đất, nhà Joad đã nhiều lần trông thấy và nếm trải đủ điều bi phẫn: mánh khóe bóc lột của lũ áo trắng cổ cồn, sự tráo trợn của bọn cớm sai nha, cuộc xâu xé của đám cùng đinh chỉ để giữ lấy miếng ăn không đủ no, nỗi thống khổ làm con người ta mất đi nhân phẩm... và trên hết là việc đứng dậy kêu gọi kết đoàn của những người ý thức được sức mạnh của quần chúng, bị lũ cầm quyền quy kết là Đỏ, là bolshevik và dập tắt trong nháy mắt.
Nhưng “quan nhất thời, dân vạn đại”. Tom Joad, linh hồn của câu truyện, đã nhận ra một chân lý về áp bức – đấu tranh vẫn đúng cho đến tận ngày nay. Đây như thể một lời cảnh cáo, một lời tiên đoán mà Steinbeck muốn nhắn nhủ đến muôn đời:
“Bao giờ con cũng có mặt trong bóng tối, khắp nơi. Khắp nơi nào mẹ nhìn. Khắp nơi nào mà có một cuộc đánh lộn để con người đói khát có thể giành giật nhau miếng ăn, nơi đó sẽ có con.. Khắp nơi nào mà có một tên cảnh sát đang đánh đập một người, sẽ có con.”
Tuyến còn lại là những mẩu truyện ngắn về dân di tản, về mánh khóe lọc lừa của những chủ hiệu, về thủ đoạn đánh sập và sáp nhập đối thủ cạnh tranh của lũ tư bản độc quyền... Qua đó Steinbeck vẽ lên bức tranh nước Mỹ từ đỉnh vinh quang bỗng chốc lao dốc không phanh, buộc phải dùng những biện pháp “giữ giá, phá hàng” để ổn định tình hình. Phần dưới của bức tranh ấy – nơi tăm tối nhất – dẫu là lúc vàng son hay khi thảm bại, vẫn luôn là người người lớp lớp những lao động thấp cổ bé họng bị chà xéo, bị bóc lột đến cùng cực.
Có lẽ vì đã dấn thân quá sâu vào đời sống của lao động tầng lớp dưới mà Steinbeck chỉ mất vỏn vẹn có 100 ngày để hoàn thiện tác phẩm này vào giữa năm 1938 và xong xuôi việc xuất bản trong năm tiếp theo.
Ngay khi ra mắt – và đến tận bây giờ, Chùm nho phẫn nộ nhận được những lời tán thưởng hết mực cũng như cả lời chê bai cay nghiệt.
Tờ Time năm 1939 ca tụng đây là “Cuốn tiểu thuyết hay nhất của Steinbeck, tức là: đanh thép nhất và đôn hậu nhất, thô ráp nhất mà cũng êm dịu nhất, trần trụi nhất nhưng – trong đoạn kết – thi vị nhất, phẫn uất nhất song cũng dung dị nhất.”
Năm 2014, khi kỷ niệm 75 năm lần đầu phát hành tác phẩm, tờ The Globe and Mail cũng nhận định rằng cái thực tại mà Steinbeck khắc họa trong Chùm nho phẫn nộ vẫn đang hiển hiện cho đến tận bây giờ. Thậm chí một vài cây bút trên tờ Washington Post thời điểm đó còn tung hô hình tượng Mẹ Joad, cho rằng Nhà Trắng cần một người chủ có đức tính như bà: nhẫn nại, tinh tường, nhân hậu và vị tha.
Thời báo Los Angeles, cũng trong năm 2014, lại dưa bài thẳng tay vạch tội Steinbeck là thiếu những hiểu biết nhất định về lịch sử, hư cấu tệ hại, nhân vật thô kệch và hành văn cứng ngắc, được đám giáo viên trung học có cảm tình ngô nghê với chủ nghĩa Marx trong bang và nhiều nơi nữa coi như tượng đài, cùng với hai sáng tác thuyết giảng tầm thường khác là Bắt trẻ đồng xanh và Giết con chim nhại. Ngược về quá khứ, một bộ phận dư luận Mỹ cũng coi Chùm nho phẫn nộ là dối trá, bôi đen và đáng ghê tởm, được xuất phát từ một nhận thức méo mó và thiên lệch...
Bỏ bên lề những lời khen chê, Chùm nho phẫn nộ khi vừa mới lên kệ đã ngay lập tức soán ngôi Cuốn theo chiều gió để trở thành tiểu thuyết bán chạy nhất trong suốt một thời gian.Tác phẩm được trao giải Pulitzer năm 1940.
Chỉ một năm sau ngày phát hành, bộ phim chuyển thể cùng tên đã ra mắt khán giả với sự tham gia diễn xuất của tài tử Henry Fonda trong vai Tom. Fonda nhận được sự yêu mến từ người xem, được đánh giá cao trong giới nghệ sĩ và nhanh chóng trở thành bạn thân với chính tác giả Steinbeck. Bộ phim Chùm nho phẫn nộ noi gương nguyên tác đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới.
The Grapes of Wrath đã được dịch ra tiếng Việt từ lâu. Bản dịch đầu tiên là Chùm nho uất hận của Võ Lang năm 1972. Thứ hai là Chùm nho phẫn nộ của Phạm Thủy Ba năm 1989 mà cũng là bản dịch sát nghĩa và thi vị hơn cả1.
1 Các bản tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Nhật đều dịch là Chùm nho phẫn nộ hoặc Chùm nho nổi giận (Les Raisins de la colère/ Гроздья гнева/ 愤怒的葡萄/ 怒 りの葡萄).
Với độc giả thâm niên có lẽ đã quen với tên tuổi cụ Phạm Thủy Ba. Từ các công trình nghiên cứu văn hóa bằng tiếng Pháp của cố giáo sư Nguyễn Văn Huyên cho đến những tác phẩm về lịch sử Ấn Độ, hay một vài áng văn kinh điển của Walter Scott, Charles Dickens, Alexandre Dumas... đều được chính tay cụ chuyển ngữ một cách điêu luyện.
Cũng xin nói thêm, từ đầu năm 1988 cho đến tháng Sáu năm 1989, Phạm Thủy Ba đã vừa dịch vừa cho in gần như liên tục và cùng lúc Ramayana – Sử thi Ấn Độ (3 tập, dày gần 900 trang), Quentin Durward (2 tập, hơn 600 trang), Joseph Balsamo – Nhật ký người thầy thuốc (4 tập, dày trên 1600 trang) và Chùm nho phẫn nộ (2 tập, dày hơn 800 trang). Khả năng còn một vài dịch phẩm nữa chúng tôi chưa biết tới, song cũng có thể thấy sức làm việc của cụ lớn đến nhường nào!
Ở lần in này, chúng tôi một mặt cố gắng giữ nguyên tinh thần bản dịch tài hoa của cụ Phạm Thủy Ba, chỉ có sửa lại một vài chỗ phiên âm, chính tả hoặc trình bày mà lần in trước còn sót; nhuận sắc một số câu văn và thành ngữ mà dịch giả quên chưa chuyển hoàn toàn sang tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, chúng tôi có thêm một vài chú thích để quý vị độc giả ngày nay có thể hiểu được nhiều từ khó, từ ít dùng trong tiếng Việt2.
2 Những chú thích này đa phần dựa trên Từ điển tiếng Việt (2014) do Trung tâm Từ điển học biên soạn.
Song những thiếu sót khi chuyển ngữ và biên tập một tác phẩm kinh điển như Chùm nho phẫn nộ là không thể tránh khỏi, kính mong nhận được phản hồi từ quý độc giả.
Trân trọng!
Yên Nôm Công Tôn Long
Người sửa bản in tại
CÔNG TY CP SÁCH BÁCH VIỆT