Khi chiếc xe tải đi xa dần trong tiếng động tăng tốc liên tiếp và đất hổn hển dưới sức nén của mấy chiếc lốp cao su, Joad bèn dừng chân, ngoảnh lại đưa mắt trông theo. Chiếc xe đã khuất hẳn, nhưng anh vẫn còn mải nhìn về phía xa, vào không trung màu xanh lam đang rung động. Vẻ trầm ngâm, anh rút chiếc chai ở túi ra, vặn mở cái nút thép và nhấm nháp rượu whisky một cách ngon lành. Anh thè lưỡi liếm vào cổ chai, rồi liếm quanh mép chai, không mảy may để ý các hương vị bám quanh đấy.
Anh nói như để thử nghiệm:
“Hôm ở đây, mình thấy một gã da nâu sẫm…” nhưng chỉ có thế, anh không thể nhớ thêm gì nữa.
Cuối cùng anh quay lại, đối diện với một con đường bụi bặm cắt thẳng qua cánh đồng. Mặt trời nóng bỏng, không một ngọn gió nào tới làm xao động lớp bụi lấm tấm. Đường lỗ chỗ những ổ gà, Joad đi được mấy bước thì bụi mịn như bột bốc lên mũi đôi giày mới và màu vàng thoắt biến đi trong lớp bụi xám.
Anh cúi xuống cởi dây giày rồi lần lượt tháo giày ra. Anh khoan khoái vùi đôi bàn chân dâm dấp xuống bụi cát khô nóng cho tới khi nó bắn ra những chùm tia nhỏ và gan bàn chân se lại. Anh cởi áo ngoài, gói giày vào rồi cắp cái bọc dưới nách. Anh lại cất bước, để lại phía sau một làn bụi là là mặt đất. Phía bên phải con đường cái, có một hàng rào dây thép gai móc vào những cọc bằng cành liễu. Cọc rào cong queo, cành tỉa sơ sài. Khi có một chạc nằm vừa tầm, sợi dây tựa vào đấy, và nếu không gặp chạc, dây thép gai được buộc chắc vào cọc bằng những khúc dây thép rỉ. Bên kia hàng rào, cây ngô nằm sõng soài mặc cho gió đập, nắng hun, và ở chỗ lá và thân giáp nhau hiện ra cái bắp hình tổ sâu phủ đầy bụi.
Joad vừa bước đi nặng nhọc, vừa kéo theo sau đám mây bụi. Bỗng phía trước mặt, anh trông thấy cái mai khum khúm của một chú rùa đang chậm rãi sục bò trong bụi, bốn chân cứng ngắc bước đi lập chập, Joad rướn nhìn lại, bóng anh đổ xuống con vật, ngay tức thì, cái đầu và cẳng rụt lại, cái đuôi nhỏ và dày rút gọn vào dưới vỏ cứng. Joad nhặt nó lên. Lưng rùa màu nâu sẫm nhưng phần dưới bụng thì màu vàng kem, sạch sẽ và mát tay. Bằng một cái giật mạnh, Joad xốc lại chiếc bọc kẹp dưới nách, đưa ngón tay vuốt ve bụng rùa trơn nhẵn, rồi ấn thử. Ở đây mềm hơn trên lưng. Cái đầu già cứng ló ra, cố gắng nhìn thấy đầu ngón tay đang ấn lên nó, còn mấy cẳng cựa quậy loạn xạ. Con rùa đái vào tay anh và giãy giụa, chới với. Joad lật sấp con rùa lại, cuộn nó cùng đôi giày vào trong chiếc áo ngoài. Anh cảm thấy con vật thúc thúc ngọ nguậy nhặng xị dưới nách. Và rồi anh rảo bước, chân hơi kéo lê trong bụi mịn.
Bên bờ đường phía trước mặt, Joad nom thấy một cành liễu cằn cỗi bụi bám đầy và đang in bóng lốm đốm xuống đất, tạo thành những cành khẳng khiu uốn cong cong phía trên mặt đường, lá rách nham nhở nom thảm hại chẳng khác con gà mái đang thay lông. Joad đã đẫm mồ hôi. Nách và lưng chiếc áo sơ mi xanh đã sẫm lại. Anh kéo cái lưỡi trai mũ cát két, nó bị nứt rạn ở khoảng giữa, miếng giấy bồi lót trong bị gãy nên chiếc mũ không còn mới nữa. Anh bước nhanh và dứt khoát đi về phía có bóng cây liễu. Anh biết là gần cây liễu có bóng râm, ít ra thì cũng có một vạch bóng to đậm do thân cây hắt xuống, vì lúc này mặt trời đã quá đỉnh đầu. Mặt trời đánh vào phía sau gáy, khiến anh thấy ù tai. Anh không thể nhìn thấy gốc cây vì nó bắt rễ ở chỗ trũng và nước đọng lại lâu hơn ở các chỗ bằng phẳng. Joad lại rảo bước thêm để tránh nắng và xuống dốc. Nhưng anh dè dặt bước chậm lại, bởi vì bóng cây đã bị chiếm mất. Có một người đang ngồi dưới đất, lưng tựa vào cây, hai cẳng bắt chéo và một bàn chân để trần giơ cao lên ngang đầu. Y không nghe thấy Joad đang đi tới và y mê mải huýt sáo điệu Yes, Sir, That’s my Baby1. Bàn chân chìa ra chậm rãi đánh nhịp. Đó không phải là một điệu khiêu vũ. Rồi y ngừng huýt sáo và bằng giọng nam cao thoải mái, y cất tiếng hát:
“Yes, Sir, that’s my Savieur
Je… sus is my Savieur
Je… sus in my Savieur now
On the level
‘S not the devil
Jesus is my Savieur now.”2
1 Đúng thế, thưa ngài, nó là con của tôi.
2 Vâng, thưa ông, Người là Đấng cứu rỗi của tôi
Jesus là Đấng cứu rỗi của tôi.
Jesus giờ đây là Đấng cứu rỗi của tôi,
Không phải là trò đùa.
Không phải là quỷ sứ,
Jesus là Đấng cứu rỗi của tôi.
Joad đã bước vào bóng râm loang lổ của cành cây đang thời kỳ thay lá. Tới lúc này, người kia mới nom thấy anh đang ở gần mình, ngừng hát và quay đầu lại. Đầu y dài, xương xương, da căng, cổ nổi gân bắp nom như một gốc cần tây. Đôi mắt lồi, da mi mắt căng ra, còn mi mắt thì trơ và đỏ. Đôi má nhẵn thín và nước da nâu bóng, cái miệng với đôi môi dày có vẻ châm biếm và hám nhục dục. Cái mũi khoằm và cứng kéo căng da mặt, khiến cho sống mũi nom rất trắng. Không thấy có dấu vết mồ hôi trên khuôn mặt của y, ngay cả trên cái trán tái nhợt, một cái trán cao khác thường, nổi những đường gân xanh hai bên thái dương. Hơn một nửa mặt, nằm phía trên đôi mắt. Đám tóc hoa râm và cứng hất ngược ra sau lù xù như thể chỉ được chải bằng mấy ngón tay. Quần áo của y gồm một chiếc quần thợ máy và một chiếc sơ mi xanh. Nằm dưới đất bên cạnh y là một chiếc áo ngoài bằng vải sợi có khuy đồng, và một chiếc mũ nâu loang lổ các vết bẩn, nhăn dúm. Đôi giày vải xám xịt bụi bặm nằm nguyên chỗ từ lúc y nhúc nhắc đôi bàn chân cho chúng rơi xuống đất.
Y nhìn Joad rất lâu. Ánh sáng hình như xuyên sâu vào đôi mắt màu nâu, và từ đáy con ngươi hắt ra những tia vàng vàng.
Joad đứng im trong bóng râm loang lổ. Anh cất mũ, lấy nó thấm mồ hôi trên mặt, rồi buông cả mũ, cả chiếc áo cuộn tròn rơi xuống đất.
Người kia nằm dài trong bóng râm, bỏ chân xuống, đưa ngón chân cái ngoáy ngoáy trong bụi.
Joad hỏi:
- Xin chào! Trên đường cái nắng ơi là nắng.
Người kia đang ngồi lên, ném vào anh một cái nhìn dò xét: - Họa chăng mày là anh chàng Tom Joad, con ông già Tom? - Đúng vậy, tôi đang trở về nhà.
- Chắc mày không còn nhớ tao. - Y mỉm cười, đôi môi dày để lộ những chiếc răng to như răng ngựa. - Ồ, mà mày nhớ làm sao được. Hồi xưa, lúc tao nói với mày về Đức Thánh Thần thì mày chỉ mải mê kéo tóc bọn con gái. Đầu óc mày chỉ nghĩ đến chuyện ấy, chỉ lo kéo tóc cho đến lúc giật được nó. Có lẽ mày không nhớ, nhưng tao thì tao không quên. Vì cái chuyện kéo tóc này mà cả hai đứa bay đã đến trước Chúa Jesus. Tao cũng đã làm lễ rửa tội cho cả hai cùng một lúc, trong Kênh Đào ấy mà. Chà, lúc đó chúng mày vùng vẫy, gào la đến khiếp! Y như hai con mèo hoang.
Joad cúi mắt nhìn y, rồi anh cười phá lên:
- Sao lại thế này? Té ra là ông mục sư! Ông là mục sư chứ gì! Cách đây chưa đầy một tiếng, đúng là tôi đã nói về ông với một thằng cha…
- Xưa kia tao là mục sư. - Ông kia nói vẻ nghiêm nghị. - Cha Jim Casy, giáo phái Burning Busher. Tao gào đến vỡ phổi tên chúa Jesus và sự vinh quang của Người. Đến cái mức mà con Kênh của tao đầy nhung nhúc bọn phạm tội hối lỗi, mà một nửa suýt chết đuối! Nhưng nay không thế nữa. - Ông thở dài, - nay chỉ là Jim Casy trống trơn. Chả là thiên hướng của tao đã mất. Tao có một đống những ý nghĩ tội lỗi, nhưng xem ra thì cũng phải chăng thôi.
Joad nói:
- Buộc phải thế thôi, ông ạ. Khi người ta nghĩ đến hàng đống chuyện, người ta nảy ra nhiều ý kiến lắm. Khỏi phải nói, dĩ nhiên là tôi nhớ ra ông, ông thường họp thiên hạ lại để giảng đạo. Tôi còn nhớ một lần, vừa đọc bài thuyết giáo ông vừa đi bằng hai tay, miệng gào la như kẻ bị quỷ ám. Mẹ tôi mến ông hơn ai hết. Còn bà nội tôi thì cho rằng tinh anh của Chúa lai láng khắp người ông.
Joad lục tìm trong chiếc áo vét cuộn tròn, tìm thấy túi áo và lôi cái chai ra. Con rùa cựa quậy nhưng anh lại gói nó thật chặt. Anh xoay cái nút và chìa cái chai ra.
- Ông làm một ngụm chứ?
Casy cầm lấy chai, nhìn nó với vẻ đăm chiêu:
- Tao không giảng đạo nữa. Thiên hạ không còn mang tinh thần của Chúa trong họ nữa. Cố nhiên, có những lúc tinh thần đó lại giày vò tao, thế là tao lại xoay xở để tổ chức một buổi nhóm họp, hoặc giả khi người ta mời ăn, tao cũng đọc một bài kinh, nhưng lòng dạ thì để đâu đâu. Nếu tao làm thế, đơn giản chỉ vì họ trông chờ vào tao.
Một lần nữa, Joad lấy mũ cát két lau mặt.
- Dẫu sao thì ông cũng không quá thánh thiện đến nỗi chẳng dám uống một ngụm, phải không?
Casy có vẻ như lần đầu tiên nhận thấy cái chai. Ông giơ nó lên, dốc ngược và làm ba ngụm lớn.
- Rượu ngon lắm! - Ông nói.
- Phải thôi. - Joad nói. - Đây là thứ rượu mạnh của nhà máy. Tôi mua một dollar đấy.
Casy còn uống thêm một ngụm nữa mới trả lại chai. - Dĩ nhiên. - Ông nói, - dĩ nhiên.
Joad cầm lấy chai ở tay ông, và anh uống nhưng vì lịch sự, anh tự miễn không đưa ống tay áo chùi miệng chai. Anh ngồi xổm, đặt đứng cái chai tựa vào chiếc áo vét cuộn tròn. Ngón tay anh lần ra một nhánh củi, rồi vạch ý nghĩ của anh trên đất. Anh san đất thành một hình vuông, quét lá đi và san bằng cát. Anh vẽ các góc và khoanh những hình tròn nhỏ.
- Đã lâu rồi tôi không thấy ông. - Anh nói.
- Chả ai thấy tao cả, - mục sư nói. - Tao bỏ đi một mình, và cứ thế mà suy tư ngẫm nghĩ. Tinh thần trong tao vẫn mạnh, có điều nó không như trước nữa. Có hàng đống chuyện mà tao không nắm chắc được.
Ông rướn người lên tựa vào cây. Nhanh như sóc, bàn tay xương xẩu của ông lần mò trong túi chiếc áo xanh và lôi ra một gói thuốc đen để nhai đã bị sứt mẻ. Thận trọng, ông gỡ các nhành rơm và các xơ lông xám dính vào túi áo, rồi ông cắn một góc miếng thuốc nhai, lăn nó về phía má. Joad lắc lư đầu gậy để tỏ ý từ chối khi ông mời anh nhai miếng thuốc còn lại. Con rùa giãy giụa trong chiếc áo cuộn tròn. Casy quay mắt về phía chiếc áo đang động đậy.
- Mày có cái gì trong đó… một chú gà con à? Mày làm nó chết ngạt mất.
Joad lại cuộn chiếc áo chặt hơn.
- Một con rùa già. Tôi nhặt nó trên đường cái. Y như chiếc tăng cũ. Tôi nảy ra ý kiến mang nó về cho thằng em út. Bọn nhỏ chúng thích rùa mà.
Người mục sư chậm rãi nói:
- Vào một lúc nào đó tất cả bọn trẻ con đều có một con rùa. Tuy vậy chả đứa nào có thể giữ chúng được lâu. Chúng hăm hở, miệt mài tìm cách chơi, rồi một ngày nào đó, hấp, nó bỏ đi đâu đó, tao chẳng biết. Thì y như tao vậy. Tao không thể bằng lòng với sách kinh cũ tốt lành nằm trong tầm tay. Tao phải đào xới nó, tước vỏ nó cho tới khi nó tan thành từng mảnh. Hiện nay thì có lúc thần linh truyền hơi thở cho tao, tao chẳng có gì để thuyết giáo cả. Tao có thiên hướng dẫn dắt loài người, nhưng dẫn dắt họ tới đâu thì tao chả biết.
- Thì ông cứ việc bắt họ quay tròn, quay tít. - Joad nói. – Rồi vất họ xuống sông đào. Nói với họ là họ sẽ cháy thiêu trong địa ngục, nếu không suy nghĩ như ông. Còn việc quái gì mà ông lại muốn dắt họ tới đâu đó? Ông cứ bằng lòng với việc dắt dẫn họ, thế là đủ rồi.
Thân cây ngả bóng thẳng dài trên đất. Joad thích thú bước vào chỗ bóng, quỳ gối ngồi trên gót chân và lại san bằng một lớp bụi khác, lấy đầu gậy ghi ý nghĩ của mình lên đó. Một con chó chăn cừu lông dài sắc vàng vừa đi tới, vừa chạy lon ton, đầu cúi thấp, lưỡi thè lè rớt dãi. Đuôi thõng xuống, mút đuôi hơi cong lên; nó thở phì phì. Joad huýt sáo gọi nó, nó chỉ cúi thấp mõm xuống thêm một chút và chạy gấp hơn về một mục tiêu xác định.
- Nó đi đâu đấy. - Joad giải thích, hơi phật ý. - Có lẽ về nhà nó. Người mục sư không vì thế mà đi trệch khỏi vấn đề.
- Nó đi đâu đấy, - ông nói, - đúng vậy, nó đi đâu đấy. Tao… tao chẳng biết tao đi đâu. Tao sẽ nói cho mày hay… Tao đã có thể khiến cho thiên hạ nhảy cẫng lên, khiến cho họ ăn nói một cách rối rắm khó hiểu, gào thét vinh quang của Chúa đến nỗi vì thế mà ngã nhào, chả biết trời đất gì nữa. Và có những kẻ tao rửa tội cho để tỉnh lại. Thế rồi… mày biết tao làm gì không? Tao dẫn một đứa trong bọn con gái vào đám cỏ và ngủ với nó. Lần nào tao cũng làm thế. Và sau đó, tao thấy băn khoăn, tao cầu nguyện, cầu nguyện nhưng chả ăn thua gì. Cứ gặp dịp thần linh truyền hơi thở vào bọn con gái và vào tao, tao lại tái phạm. Tao hiểu, thật tình chẳng có hy vọng gì, tao chỉ là một đứa đạo đức trời đánh. Nhưng biết sao, chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ.
Joad mỉm cười, nhưng chiếc răng vẩu hé ra, và anh liếm môi.
- Chẳng có gì hay bằng một cuộc họp cho ra họp, khi ai nấy đã bốc lửa, nhân đó vật ngã tụi con gái xuống đất. - Joad nói. - Tôi cũng đã làm như thế.
Casy rất băn khoăn, cúi về phía trước.
- Mày thấy đấy, tao đã biết sự tình sẽ như vậy, cho nên tao đâm suy nghĩ.
Ông phe phẩy bàn tay xù xì từ trên xuống dưới với một cử chỉ vỗ về.
- Tự tao nghĩ thế này. Đấy, mình đang thuyết giáo về ân sủng của Chúa, và mày xem, bọn người đó thấm nhuần ân sủng đến mức chúng nhảy nhót, chúng gào la đến vỡ phổi. Cái chuyện ngủ với con gái hình như là việc của quỷ, nhưng bọn đó cũng nhận được ân sủng thì càng vội vã muốn đi vào đám cỏ. Và mẹ kiếp, xin lỗi nhé, tao cứ tự hỏi, khi một con mụ bị Đức Thánh Thần ám chặt thì làm sao quỷ có thể nhập vào người? Người ta tưởng chính lúc đó con quỷ chả giở trò gì được, chả hơn cục tuyết ném vào địa ngục. Ấy thế mà sự tình lại là thế.
Đôi mắt của ông lấp lánh sự kích động. Ông xoa má một lát rồi khạc nhổ xuống đất, bãi nước bọt dính vào bụi giống như một viên đất khô. Người mục sư chìa tay ra, nhìn lòng bàn tay như đang đọc một cuốn sách.
- Và mày xem, - ông tiếp tục, nhẹ nhàng, - tao nắm linh hồn những người đó trong tay tao, tao có ý thức về trách nhiệm của tao, nhưng lần nào cũng như lần nào, tao vẫn ngủ với một trong những đứa con gái đó, đố có trật.
Ông dán mắt nhìn Tom, mặt lộ vẻ đau khổ. Hình như ông cầu khẩn sự cứu giúp. Một cách chăm chú, Joad vẽ một thân hình người phụ nữ trong bụi, có đủ vú, hông, mông.
- Tôi chưa từng bao giờ là mục sư, - anh nói. - Hễ gặp dịp là tôi không bỏ lỡ, mà tôi chẳng bao giờ có ý kiến về chuyện đó, chỉ biết rằng mỗi lần rủ được một đứa là tôi khoái cái tỉ rồi.
- Đúng, nhưng mày không phải là mục sư. - Casy nhấn mạnh. - Với mày, con gái là con gái, chẳng là gì khác. Với mày, chúng chẳng đáng kể. Nhưng với tao, chúng là những chiếc bình thiêng. Tao phải cứu vớt linh hồn chúng, ấy vậy mà với tất cả trách nhiệm đã đè nặng trên vai, tao truyền đạt cho chúng về Đức Thánh Thần đến mức chúng chẳng thèm trào bọt mép, và sau đó tao lôi chúng vào bụi cỏ.
- Lẽ ra tôi đã phải làm mục sư. - Joad nói.
Anh rút gói thuốc, giấy và cuốn một điếu. Anh châm lửa hút rồi vừa nhìn ông mục sư vừa chớp chớp mắt qua làn khói:
- Lâu lắm tôi chẳng biết đến đàn bà. - Anh nói. - Phải có công ăn việc làm để gỡ gạc lại mới được.
Casy tiếp tục:
- Điều đó cứ quấy rầy đến nỗi tao không ngủ được. Chẳng hạn, có khi tao đi một vòng và tự nhủ: “Lạy Chúa, lần này thì con không làm thế nữa.” Nghĩ thì hay thế, nhưng tao biết tao vẫn chứng nào tật nấy, Tom ạ!
- Lẽ ra ông phải lấy vợ… Một lần, có một mục sư với vợ đã ở nhà tôi. Họ thuộc chi Jehovah. Ngủ ở tầng trên. Giảng đạo trong sân. Bọn nhóc chúng tôi vểnh tai mà nghe. Mà xin ông hãy tin tôi, cái mụ vợ mục sư ấy mà, sau mỗi buổi họp mặt, mụ ta vớ bở lắm.
- Mày nói thế là tao bằng lòng, - Casy nói. - Nhiều khi tao nghĩ chỉ có tao mới hư đốn. Cuối cùng, tao khổ quá, tao vất mẹ nó tất, rồi một mình ra đi để suy nghĩ một lần cho trót, - ông xếp cẳng lại và bắt đầu nhòm ngó tỉ mỉ các ngón chân khô và bụi bặm. - Tao đã nhủ lòng: “Có gì mà mày day dứt? Đã hôn hít rồi hay sao?” Rồi tao lại nói: “Không, chính là tội lỗi kia.” Lại tự nhủ: “Tại làm sao? Chính vào lúc người ta phải cứng như thép để chống lại tội lỗi, lúc người ta đã mang nặng Chúa trong lòng, làm sao chính lúc đó người ta lại bắt đầu sờ soạng khuy quần, tại sao?” - Ông đặt hai ngón tay vào lòng bàn tay, đánh nhịp như thể đang nhẹ nhàng đặt mỗi tiếng cạnh nhau. - Tao tự nhủ: “Có lẽ không phải là tội lỗi. Đơn giản có lẽ con người sinh ra là thế. Có thể người ta tạo cho mình những băn khoăn về chuyện không đâu. Và tao bắt đầu nghĩ đến những con mụ làm sao mà chúng có thể lấy roi da dài ba bộ, có đeo cục chì để tự mình quất vào chính mình. Dễ chừng họ thích tự mình làm khổ mình? Và tao nữa, rất có thể tao thích làm khổ tao cũng nên. Chỉ biết rằng bao giờ cũng vậy, khi đêm tối, tao nằm dưới gốc cây và khi thức dậy thì đã tối đen. Có một con chó sói rú lên không xa lắm. Thế rồi trước khi đủ thì giờ tỉnh táo, tao lại bắt đầu hét tướng lên: “Vất mẹ những chuyện ngu ngốc đó đi! Tội lỗi ư? Đức hạnh ư? Đó chỉ là chuyện tào lao. Chả có gì mà con người không làm. Tất cả gộp lại làm một. Có những điều con người làm thì đẹp, có những điều không đẹp. Con người chỉ có quyền nói thế thôi…” - Ông ngừng lại ngước mặt nhìn phía trên lòng bàn tay, nơi ông đã sắp hàng các dòng chữ.
Joad mỉm cười nhìn ông, nhưng cái nhìn của anh linh lợi và có vẻ thích thú. Anh nói:
- Nói thế là ông đã thấy rõ vấn đề. Ông đã tìm ra cách giải quyết đúng đắn rồi đó.
Casy lại tiếp tục, tiếng nói của ông vang lên nỗi đau đớn và sự ngượng ngùng:
- Tao tự nhủ: “Cái Đấng Thánh Thần này là gì?” Rồi tự trả lời: “Đó là tình yêu thương. Tao yêu con người tràn trề, đến mức nhiều khi tao sẵn sàng nổ tung ra.” Rồi tao tự hỏi “Còn Jesus, thế ngươi không yêu Ngài sao?” Thế là câu hỏi đó cứ trăn trở trong đầu óc tao, và rốt cuộc: “Không, tôi chả quen ai có tên là Jesus.” Tao biết chuyện này chuyện nọ, cái đó thì có, nhưng chỉ có con người là tao yêu. Mà nhiều khi tao yêu họ tràn trề đến nổ tung ra, tao muốn khiến họ sung sướng, cho nên tao thuyết giáo cho họ những điều mà tao nghĩ có thể khiến họ sung sướng. Thế là… nhưng thôi… tao nói gì mà tràng giang đại hải vậy nhỉ? Có lẽ mày lấy làm lạ, nghe tao ăn nói những tiếng tục tĩu. Thế này nhé, với tao, những tiếng đó không còn tục tĩu nữa. Đơn giản chỉ là những tiếng người ta dùng, với họ, chúng chả có ý nghĩ tục tĩu. Với một mục sư, điều này không có gì vô đạo hơn, cho nên tao không bao giờ còn làm mục sư được nữa, bởi lẽ tao đã nghĩ về nó và tao tin là đúng nữa.
- Là cái gì vậy? - Joad hỏi
- Nói ra nếu mày không thích thì đừng có giận, nghe?
- Tôi chẳng việc gì mà giận, trừ phi bị ai tống cho một cú đấm vào mặt. Ông nghĩ cái gì vậy?
- Là về chuyện Đức Thánh Thần và con đường của Jesus? Tao tự nhủ: cớ sao người ta lại gán cái đó cho ý Chúa hoặc Jesus? Nhiều khi tao tự nhủ: có lẽ tất cả những người đàn ông và tất cả những người đàn bà mà chúng ta yêu, đều là cái đó, là Đức Thánh Thần, là trí tuệ con người, là mớ hổ lốn. Có lẽ tất cả mọi người chỉ có một mảnh nhỏ của linh hồn đó. Tao đang suy nghĩ như vậy thì đùng một cái, tao cho thế là đúng. Tự đáy lòng, tao tin chắc đó là sự thật. Mà bây giờ đây tao vẫn còn tin là thế.
Joad cúi mặt nhìn đất, như thể anh không đương đầu nổi với sự lương thiện đơn giản trong đôi mắt người mục sư.
- Với ý nghĩ như vậy, ông không thể có nhà thờ được, người ta sẽ buộc ông phải bỏ giáo xứ. Nhảy nhót này, gào la này, thiên hạ chỉ thú có thế thôi. Sau đó họ cảm thấy dễ chịu. Khi bà tôi đã nhập đồng bắt đầu nói huyên thuyên rối rắm thì không có cách nào giữ bà lại được. Chỉ bằng một quả đấm, bà có thể nện choáng váng tay trợ tế còn đang tuổi trai tráng.
Casy nhìn anh vẻ đăm chiêu.
- Có điều tao muốn hỏi mày, - ông nói, - một điều cứ day dứt trong lòng tao.
- Ông cứ việc hỏi. Nhiều khi tôi cũng biết nói chuyện mà!
- Vậy thì được, - người mục sư chậm rãi nói. - Mày nghe đây, tao đã làm lễ rửa tội cho mày từ thời tao còn chìm ngập trong ân sủng và vinh quang của Chúa. Hôm đó, từng mảnh nhỏ của Jesus rơi ra từ miệng tao. Mày không thể nhớ ra, vì lúc đó mày chỉ mải mê kéo cái bím tóc kia.
- Tôi có nhớ, - Joad nói. - Chính là con Suzy Little, một năm sau nó bẻ gãy một ngón tay của tôi.
- Thế thì… được rửa tội mày có lợi lộc gì? Sau đó mày có khá hơn không?
Joad suy nghĩ:
- Khô…ô…ng, tôi không thể nói là chuyện đó có ảnh hưởng gì đến tôi…
- Thế thì… nó làm hại đến mày chăng? Nghĩ kỹ xem. Joad cầm chai tu một hơi.
- Nó chẳng ảnh hưởng gì hết, xấu không, tốt không. Tôi thấy chuyện đó khôi hài, chỉ có thế.
Anh chìa cái chai cho mục sư.
Ông thở dài, cầm lấy uống, nhìn mức whisky đã cạn, rồi uống thêm một ngụm nhỏ.
- Càng hay, - ông nói. - Chả là tao từng có ý nghĩ rằng khi làm tất cả những việc linh tinh thế kia, nhiều khi tao đã làm hại đến ai đó. Nghĩ như vậy tao đâm lo.
Joad ngoảnh mặt nhìn về chiếc áo vét, anh thấy con rùa đã chui ra được khỏi áo và đang vội vã đi theo hướng cũ vào lúc Joad tìm thấy nó, Joad quan sát nó một chốc rồi chậm rãi đứng lên, bắt lại và bọc nó trong áo.
- Tôi chẳng có quà cho bọn nhóc. - Anh nói. - Chả có gì ngoài con rùa già này.
- Kể cũng ngộ, - mục sư nói, - lúc mày tới đây thì tao đang nghĩ đến bố già Tom Joad. Tao đang tự nhủ sẽ đi thăm ông ta. Xưa kia tao nghĩ ông là người không tin Chúa. Ông ta khỏe không Tom?
- Tôi chẳng biết ông già thế nào. Đã bốn năm nay tôi không ở nhà.
- Ông ấy không viết thư cho mày à?
Joad lúng túng:
- Ồ! Chuyện viết lách thì bố tôi không thạo lắm, dù viết để chơi hoặc viết vì công việc. Ông có thể ký tên ông, ông chả thua kém gì ai. Nhưng ông không bao giờ thư từ. Bao giờ ông cũng nói. Những gì người ta không thể nói với thiên hạ bằng miệng thì chả tội nợ gì mà phải đi vất vả với một cây bút chì.
- Mày đi xa về sao?
Joad nhìn ông vẻ ngờ vực:
- Thế nào, ông không nghe nói về tôi à? Báo chí nào cũng đả động tới.
- Không… chưa bao giờ… chuyện gì vậy? - Ông luồn một chân nọ xuống phía dưới chân kia, lưng vẫn tựa vào thân cây, nhưng thấp xuống một ít. Mặt trời xế bóng nhanh, mang một âm sắc nóng hơn.
Joad nói một cách vui vui:
- Thà nói quách với ông cho xong chuyện, sau không phải đả động tới nữa. Nhưng nếu ông còn giảng đạo thì tôi sẽ không nói đâu, kẻo sợ ông lại cầu nguyện cho tôi.
Anh mút mạnh vào chai uống chút còn lại rồi vất nó ra xa. Chiếc chai màu nâu và dẹt nhẹ nhàng nhảy thia lia vào bụi.
- Tôi vừa hết bốn năm ở Mac Alester.
Casy quay phắt đầu lại về phía anh, đôi lông mày ông nhíu xuống nên cái trán rộng có vẻ càng cao hơn.
- Mày nhất thiết không muốn nói chuyện đó hả? Tao có chất vấn mày đâu, nếu tao có làm chuyện gì xấu thì…
- Giá như phải làm lại, tôi sẽ làm. - Joad nói. - Trong một cuộc ẩu đả, tôi đã giết một thằng. Ở buổi khiêu vũ, đang say. Hắn ta thọc vào tôi một nhát dao, tôi vớ cái xẻng gần đấy, giáng cho hắn một nhát. Đầu hắn nát như cháo.
Cặp lông mày của Casy nằm lại ở tư thế bình thường. - Làm thế, mày không xấu hổ sao?
- Không, - Joad nói. - Không hề. Bị phạt bảy năm, bởi lẽ hắn cầm dao đâm tôi trước. Được bốn năm, tôi chịu hứa, họ thả tôi ra.
- Vậy là bốn năm nay mày không có tin người nhà?
- Ồ! Có chứ, có, mẹ tôi gửi cho tôi một bưu thiếp, cách đây hai năm, năm ngoái, Noel. Bà nội gửi cho tôi một tấm thiếp có phong cảnh. Trời ơi! Bọn chúng trong xà lim, chúng đùa mới dữ chứ! Tấm thiếp có một cái cây và những thứ lấp lánh như tuyết. Lại có một bài thơ thế này:
Noel vui, bé đẹp xinh,
Jesus hiền, Jesus lành.
Dưới cây Noel, ta thấy,
Món quà của ta cho anh.
Tôi cuộc rằng bà chả bao giờ đọc. Có lẽ bà đã mua một tay chào hàng và chọn cái nào mà phía trên lấp lánh nhất. Bọn trong xà lim đọc, chúng chết cười. Sau đó chúng gọi tôi là Jesus hiền. Không phải muốn tỏ ra ngộ nghĩnh mà bà làm thế đâu, bà thấy nó đẹp quá nên không chịu khó đọc xem. Năm tôi bị nhốt, bà đã mất kính. Dẫu sao, có lẽ bà chả bao giờ tìm thấy lại kính.
- Ở Mac Alester, người ta đối xử với mày thế nào? - Casy hỏi.
- Ồ! Cũng không tồi. Cầm chắc là có cái để ăn, có quần áo sạch sẽ, và có chỗ có thể tắm được. Một mặt nào đó, không phải khó chịu gì. Gay go nhất là không có đàn bà. - Đột nhiên anh bật cười. - Có một thằng cha được người ta tha, vì đã hứa hối cải. Sau một tháng hắn trở lại, vì tái phạm. Có đứa hỏi hắn tại sao lại thế. “Ồ! Đụ mẹ, - hắn nói, - ở nhà ông bà già tao chả có tiện nghi, chả có điện, chả có tắm vòi. Sách cũng không, ăn uống thì tởm quá.” Hắn nói hắn đã trở về nơi có tiện nghi, ăn uống tiềm tiệm. Hắn nói hắn cảm thấy hoàn toàn lạc lõng giữa miền quê, lúc nào cũng buộc phải nghĩ tới chuyện nên làm gì. Thế là cu cậu bèn đánh cắp một chiếc ô tô, và đã trở lại, - Joad rút gói thuốc ra cuốn một điếu. – Kể ra hắn nói có lý. Đêm qua, chỉ nghĩ tới chuyện sẽ ngủ ở đâu, tôi đã phát sợ. Rồi tôi bắt đầu nghĩ đến chiếc giường của tôi, tự hỏi không biết cái thằng bạn cùng xà lim với tôi sẽ thế nào. Tôi với mấy đứa khác đã dựng một dàn nhạc. Khá lắm. Có đứa nói là đáng lý phải chơi ở đài phát thanh. Còn sáng nay, tôi chẳng biết mình dậy lúc nào. Tôi nằm đợi chuông đánh.
Casy cười rúc rích:
- Đến mức rồi người ta luyến tiếc tiếng ồn ào ở nhà máy cưa.
Ánh bụi vàng nhạt của nắng buổi chiều điểm sắc trên khắp vùng quê. Các thân cây ngô cũng có vẻ nhuốm vàng. Một cánh én bay quất mạnh vào khoảng không, hướng về một cái đầm nào đó. Trong túi áo Joad, con rùa cố gắng trốn ra một lần nữa. Joad gập chiếc lưỡi trai ở mũ, bây giờ thì nó cong xuống, chĩa dài ra như mỏ quạ.
- À! Đã đến lúc lên đường rồi. - Anh nói. - Tôi không chịu được nắng, nhưng giờ thì mặt trời không gay gắt nữa.
Casy vươn người đứng lên:
- Đã lâu lắm tao chưa gặp ông già Tom. - Ông nói. - Vả lại, tao cũng đang sắp sửa tới thăm ông ta. Một thời gian lâu, tao đã rước Jesus tới nhà mày, và chưa hề quyên giáo, chưa hề xin gì, trừ thỉnh thoảng một chút gì để ăn.
- Ông đến đi. Được gặp ông, bố tôi sẽ rất vui… Ông luôn nói rằng ông nặng nợ đời lắm, nên không thể là mục sư được.
Anh lượm chiếc áo cuộn tròn lên và quấn chặt nó một cách tiện lợi quanh đôi giày và con rùa.
Casy vớ lấy đôi dép và xỏ đôi bàn chân trần vào.
- Tao không quá tự tin để đi chân đất như mày, - y nói. – Bao giờ tao cũng sợ nhỡ ra có những đoạn dây thép hoặc thủy tinh trong cát. Chẳng có gì tao sợ hơn là bị khứa chân.
Đứng bên bờ bóng râm, họ lưỡng lự một chút rồi đâm nhào vào thứ ánh sáng vàng, như hai tay bơi vội vã trở lại bờ. Lúc ban đầu họ bước nhanh nhưng rồi họ đi thong thả và thận trọng hơn. Thân cây ngô ngả bóng tà tà. Không khí nồng nặc mùi cay sè của cát nóng. Hết đồng ngô tới đồng bông xanh thẫm, lá xanh sẫm dưới lớp bụi, những kén bông đang hình thành. Bông mọc không đều, ở chỗ trũng nơi có nước thì dày, còn trên các đám đất cao thì thưa thớt. Loại cây nhỏ đấu tranh với mặt trời. Ở phía chân trời, cảnh vật chìm đi trong sắc màu hạt dẻ. Con đường trải dài trước mắt họ, khi lên dốc, lúc xuống dốc. Những cây liễu bên bờ một con sông vạch một đường ở phía tây, và ở tây bắc đất bỏ hóa đã bị phủ dưới những bụi cây nhỏ. Nhưng mùi cát cháy bỏng vẫn đọng trong không khí mà không khí thì khô đến nỗi chất nhờn trong mũi khô quánh lại thành vẩy, nước mắt phải ứa ra để gìn giữ độ ẩm cho con ngươi.
Casy nói:
- Mày thấy đấy, trước trận mưa cát như thế, mùa ngô có nhiều hứa hẹn. Mùa chắc tốt lắm.
- Năm nào cũng vậy, - Joad nói, - từ lúc tôi còn nhớ được, mùa màng nơi chúng ta hứa hẹn thì nhiều, nhưng thu hoạch chả được gì. Rồi ông nội sẽ nói cho ông biết, trong năm năm gieo trồng đầu tiên, chừng nào mà cỏ dại còn mọc lan tràn thì mùa màng mới tốt…
Con đường đổ xuống khu đồi rồi leo lên một sườn thung lũng khác.
- Nhà của già Tom chắc cách đây không quá một dặm. Có phải nó ở sau trái đồi thứ ba kia không?
- Đúng, trừ phi họ không đánh cắp mất nó như bố tôi đã từng làm. - Bố mày đã đánh cắp nó sao?
- Hẳn rồi. Bố tôi đã thấy nó ở một dặm rưỡi về phía đông, và ông đã kéo nó tới đây. Có một gia đình ở đấy, rồi họ bỏ đi. Ông nội, bố tôi và anh Noah của tôi muốn khuân cả nhà trong một lần cho xong, nhưng gia đình đó không ưng. Nên họ chỉ cho lấy một phần. Chính vì thế mà nom một đầu nó thật kỳ cục. Họ đã cắt nó làm đôi, dùng sức hai ngựa, hai la kéo đi. Họ đang sắp sửa trở lại tìm một nửa kia để gắn chúng lại với nhau, chưa chở tới nơi thì Winki Manley đã dẫn mấy thằng con của y tới và lấy cắp nửa kia. Ông nội và bố tôi không bằng lòng, nhưng mấy lần sau đó, họ đã chén tạc chén thù với Winki, và các ông cụ nhà ta cười đến vỡ bụng. Winki ấy mà, lão nói nhà lão là một con ngựa đực, giá đem nhà bọn tôi đến cho nó phủ, dễ chừng có thể sản sinh ra một lô một lốc hố xí. Lão Winki, một lão đến là nhộn, nhất là lúc say. Sau chuyện đó thì lão ta, ông nội và bố tôi thành cánh hẩu với nhau. Hễ có dịp là các cụ lại cùng nhau chè chén.
- Ông già Tom là một tay cừ!
Họ vất vả tiến bước trong bụi cho tận tới đáy lòng trũng rồi lại từ từ đi lên. Casy lấy ống tay áo lau mồ hôi và đội lại mũ.
- Đúng thế! - Ông nhắc lại, - già Tom là một tay cừ. Với một người không tin Chúa quả là tay cừ. Thỉnh thoảng lúc dự buổi họp, khi thần linh bắt đầu nhập vào thì ông ấy nhảy đến là cao. Hãy tin tao đi, khi nào già Tom mang một liều lượng kha khá về Đức Thánh Thần thì hãy coi chừng, phải tháo chạy cho nhanh kẻo bị ông hất lộn nhào, hoặc bị ông giày xéo. Ông lồng lên như con ngựa trong ngăn chuồng.
Họ tới đỉnh một sườn dốc, và con đường đổ xuống một cái khe cũ, xấu xí và thụt lở. Lòng khe nham nhở, hằn những vạch suối nhỏ đào xới ở hai bên. Có vài hòn đá dùng để bước qua khe, Joad cứ để chân trần mà xuống nước.
- Ông cứ nhắc đến bố tôi, - anh nói. - Dễ chừng ông chưa thấy chú John bao giờ thì phải. Cái chú mà người ta làm lễ rửa tội cho ở nhà Pock ấy mà. Chú ấy nhảy bật lên, lại chúc nhào xuống. Chú ấy nhảy qua, nhảy lại, vừa nhảy vừa hú như chó sói dưới trăng. Bố tôi thấy chú ấy nhảy qua, bèn nghĩ rằng mình là tay vận động viên nhảy giỏi nhất của Chúa trong khắp xứ. Thế rồi ông biết không, bố tôi chọn một bụi cây cao gấp đôi bụi cây của chú Joad, ông hét lên một tiếng như con lợn nái đang rặn đẻ những mảnh chai vỡ, rồi ông lấy đà, nhảy qua bụi và rơi xuống, bị sái cẳng. Chân bị sái thì bố tôi thấy, Đức Thánh Thần cũng biến đâu mất. Mục sư muốn dùng lời nguyện cầu để chữa lành chân cho nhưng ông không chịu, lạy Chúa, ông cần có một thầy thuốc kia! Có điều thầy thuốc thì không có, nên một tay trồng răng lưu động đã chữa cho ông. Dẫu sao, ông mục sư vẫn cầu nguyện cho ông.
Họ leo lên sườn dốc, phía bên kia khe mặt trời đã xuống, sức nóng của nó giảm đi và tuy không khí nóng bỏng, ánh nắng mặt trời kém hung dữ hơn. Những sợi dây thép mắc trên các cọc cong queo vẫn chạy dài bên đường. Phía bên phải, một hàng rào bằng dây thép chạy dài qua đồng bông, và cả ở hai phía, cây bông xanh vẫn một màu xanh sẫm, khô ráo, phủ bụi.
Joad chỉ hàng rào:
- Khoảng đất nhà tôi bắt đầu từ kia. Thật ra, chúng còn cần hàng rào làm gì, nhưng có sẵn dây thép mà, hơn nữa bố tôi thích có hàng rào. Bố tôi nói có nó, người ta có cảm tưởng bốn mươi acre mới thật sự là bốn mươi acre. Trước kia nhà tôi làm gì có được hàng rào đó, nhưng có một buổi tối chú John lò mò đến với sáu cuộn dây thép trên xe. Chú cho bố tôi, đổi lấy một con lợn con. Làm sao chú có được dây thép, ai mà biết được.
Cả hai người bước chậm lúc lên dốc, vừa đi trong cát dày vừa đưa chân dò dẫm đất đai. Joad chìm đắm vào những kỉ niệm, đôi mắt mơ màng. Hình như anh cười thầm.
- John là một tay rất ngộ, - anh nói. - Cứ nhìn cách chú ấy giải quyết với con lợn con mà chết cười.
Anh cười rinh rích và tiếp tục đi lên.
Casy sốt ruột chờ đợi. Câu chuyện vẫn chưa bắt lại. Casy định dành cho anh thời gian để nói tiếp nhưng rồi lại không dừng được, ông hỏi với chút cáu kỉnh:
- Thế nào, chú ấy đã làm gì con lợn con đó?
- Làm gì hả? Thế này nhé, chú ấy giết con lợn ngay tại chỗ và nhờ mẹ tôi đốt bếp lò. Sườn thì một phần chú chặt khúc ra bỏ vào chảo, một phần chú để nguyên bỏ vào lò, cả một cẳng nữa. Trong lúc chờ đợi xương sườn chín, chú ăn dẻ sườn, rồi ăn đến xương sườn, trong lúc chờ đợi cho cẳng chín. Rồi chú tấn công vào cái cẳng. Chú cắt từng khoanh to sụ, nhét vào mồm ngồm ngoàm. Bọn nhóc chúng tôi nhìn chú mà rỏ dãi, chú cho chúng tôi một ít, nhưng không chịu cho bố tôi. Cuối cùng chú ăn nhiều, no căng đến nỗi chú nôn thốc ra rồi chú đi nằm. Trong khi chú ngủ, bọn nhóc chúng tôi, cả bố nữa, ăn hết cái cẳng. Sáng ngày sau chú thức dậy, lại ném một cái cẳng khác vào lò. Bố tôi hỏi: “Chú John à, chú ăn hết con lợn quái quỷ đó sao?” Chú đáp: “Anh Tom ạ, em muốn thế lắm, nhưng em sợ, chưa chén xong đã mất hết, mặc dầu em đói thịt lợn ghê gớm. Có lẽ anh cũng làm một đĩa và trả lại em hai cuộn dây.” Nhưng bố tôi đâu có phải ngốc. Bố cứ để chú nhồi nhét thịt lợn cho phình bụng đến phát ốm, và khi chú lên xe về thì chưa hết một nửa con lợn. Bố tôi bèn nói: “Sao chú không đem ướp muối?” Nhưng chú John không thích như vậy. Đã ăn lợn là chú muốn ăn cả con, mà ăn xong thì không muốn nghe nhắc lại nữa. Chú đi rồi, bố tôi đem ướp muối thịt còn lại.
Casy nói:
- Nếu tao còn đủ tinh thần để giảng đạo thì từ việc đó chắc tao đã rút ra một bài đạo đức và cắt nghĩa cho mày hiểu. Nhưng giờ đây tao không làm thế nữa. Theo mày tại sao ông ta lại xử sự như vậy?
- Tôi chẳng biết, - Joad nói. - Chắc là tự nhiên thấy thèm khát thịt lợn. Cứ nghĩ đến là tôi thấy đói. Mà này, tôi chỉ ăn có bốn khoanh thịt lợn quay trong bốn năm trời! Mỗi Noel một khoanh.
Casy gợi ý với một chút cường điệu:
- Dễ chừng già Tom sẽ giết thịt con bê béo như trong truyện “Đứa con phóng đãng” ở sách Kinh nhỉ?
Joad cười khinh khích:
- Ông không biết bố tôi. Khi giết con gà con, thì chính bố quang quác chứ đâu phải con gà. Bố tôi vẫn chứng nào tật nấy. Bao giờ bố cũng giữ một con lợn cho tết Noel, nhưng cứ đến tháng chín là lợn toi. Bị sưng phổi hay bệnh gì gì đó, chỉ biết là không ăn thịt được. Còn chú John lại khác, ăn thịt lợn thì chú ăn bằng thích. Tự chú bỏ tiền túi ra.
Hai người vượt qua trái đồi nhỏ, và dưới chân họ, hiện ra trại ấp của gia đình Joad, Tom dừng lại:
- Không giống như trước nữa. - Anh nói. - Ông nhìn căn nhà kia xem. Nhất định xảy ra chuyện gì rồi. Không thấy có ai cả.
Họ đứng nguyên tại chỗ, mắt dán vào những căn nhà bé nhỏ nằm ở phía xa.