CƠ HỘI ĐẦU TƯ CÓ TRONG SÁCH
Hiện nay, chúng ta có nhiều kiến thức hơn trong quá khứ. Nếu chúng ta mang hết kiến thức mà chúng ta có ngày nay quay ngược về thời Joseon (thời phong kiến) chắc là chúng ta sẽ giàu to và còn thay đổi được lịch sử nữa. Không cần sử dụng những kiến thức học trong giờ học lịch sử, chỉ cần sử dụng những kiến thức khoa học đơn giản hoặc toán học thôi thì cũng có thể được xem là “thiên tài vượt thời đại”.
Chỉ cần thuộc bảng cửu chương thôi cũng có thể được đánh giá là “tính nhanh như chớp”. Một người bình thường chẳng có năng lực gì đặc biệt trong thời hiện đại nhưng nếu quay về quá khứ là đã có thể trở thành người siêu phàm. Vì kiến thức mà anh ta có được nhiều hơn người trong quá khứ. Và giả định ngược lại cũng được. Nếu người thời Joseon đang sống trong thời hiện đại thì 100% họ sẽ thất nghiệp. Họ nghĩ chỉ cần làm nông và lao động tay chân là được nhưng có nhiều kiến thức mà người thời Joseon không thể hiểu.
Nếu nói thế thì trong xã hội hiện đại, những người tạo ra tương lai mới là ai? Đó là những người có nhiều kiến thức hơn người sống cùng thời với họ. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới giàu kiến thức. Vì thế, nếu chúng ta có kiến thức tương đồng với người khác thì chúng ta sẽ có tiêu chuẩn kinh tế giống với người khác.
Kiến thức mà tôi nói ở đây không phải là kiến thức học ở nhà trường. Đọc tới đây có thể có độc giả bảo rằng: “Trong số những tỷ phú bất động sản mà tôi gặp, họ nghèo nàn kiến thức lắm.” Chỉ trừ những tỷ phú bất động sản giàu nhờ được đền bù từ đất làm nông thì bất cứ tỷ phú bất động sản nào cũng am tường sâu sắc về lĩnh vực bất động sản của họ. Nếu không như thế thì tuyệt đối không thể thành công trong nghề bất động sản được.
Người thành công luôn nhìn thấy cơ hội và tìm cách biến cơ hội đó thành hiện thực. Vào thời kỳ nông nghiệp phát triển thì cơ hội giàu có nằm trong nông nghiệp, vào thời công nghiệp thì cơ hội giàu có nằm trong các nhà máy, vào thời đại tri thức thì cơ hội nằm trong kiến thức. Càng biết nhiều thì càng có thể bước nhanh hơn về phía cơ hội.
Đầu tư chứng khoán cũng như vậy. Càng biết nhiều thì tỷ lệ thành công càng cao, càng không biết thì tỷ lệ thất bại càng lớn. Có nhiều người không hiểu biết gì về hệ thống thị trường vốn, không biết gì về quá trình tăng trưởng của doanh nghiệp mà mạnh dạn lao vào thị trường chứng khoán. Phải biết cái gì đó mới đồng hành cùng doanh nghiệp và ủy thác kinh doanh. Nếu mà không biết thì dù có đồng hành cùng doanh nghiệp thì cũng chỉ làm cản trở cho doanh nghiệp mà thôi. Những người như vậy không biết đánh giá giá trị doanh nghiệp nên người khác mua gì thì chạy theo mua cổ phiếu đó, người khác bán thì cũng hùa theo bán. Tỉ lệ thất bại là 99%. Sau khi thất bại rồi mà không có kiến thức để phân tích, đánh giá lại thì khả năng cao sẽ phạm lại sai lầm giống như trước đó. Thị trường chứng khoán là nơi quy tụ những người am tường về kiến thức kinh tế. Họ không phải là những người dốt. Không có kiến thức mà lao vào thị trường kinh tế thì giống như việc đem tiền của mình quăng ra vào bảo: “Tiền tui nè, ăn đi”.
Trước khi đầu tư cổ phiếu thì phải hiểu rõ nguyên lý cơ bản của thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Bạn đừng đọc những quyển sách viết theo kiểu: Năm sau cổ phiếu như thế này sẽ lên giá hay Chỉ cần đầu tư là có thể kiếm được hàng trăm triệu đô. Những người chuẩn bị đầu tư cổ phiếu nên bình tĩnh đọc thật kỹ những loại sách hướng dẫn những nguyên lý cơ bản. Tối thiểu, chúng ta phải đọc khoảng năm, sáu quyển thì mới có khả năng đánh giá được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp tốt.
Việc chúng ta có sẵn sách để đọc quả là một điều vô cùng biết ơn. Trong sách chứa đựng những kiến thức, những suy nghĩ, những công trình nghiên cứu, những trải nghiệm của một người trong một thời gian dài. Thông qua sách, chúng ta có thể học được những kiến thức và kinh nghiệm kể cả những người ở rất xa hoặc thậm chí của người đã lìa đời.
Vì thế, tôi đọc sách giống như việc đồng hành cùng doanh nghiệp vậy. Đồng hành cùng tác giả sẽ giúp chúng ta đặt ra được những câu hỏi về lý do tại sao họ lại viết sách như thế. Được sống trong một thế giới mà tôi có thể đọc được sách của những người tài ba hơn tôi quả thật là một điều vô cùng hạnh phúc.
Tôi là nhà đầu tư chứng khoán nhưng tôi không chỉ đọc sách liên quan đến chứng khoán hay kinh tế. Giống như bác sĩ nếu chỉ đọc sách về y học thôi thì không thể hiểu được tâm lý của bệnh nhân, kỹ sư nếu chỉ đọc sách về kỹ thuật thôi thì không thể hiểu được tâm lý của người tiêu dùng. Vì họ lấy y học hay khoa học làm trung tâm hơn là con người. Nếu có thể đầu tư thành công chỉ nhờ vào kiến thức và thông tin liên quan đến cổ phiếu thì những nhân viên của các công ty chứng khoán đều trở thành tỷ phú cả. Nhưng hiện thực đâu có như thế.
Tôi nghĩ rằng khi kiến thức kinh tế và trí tuệ mang tính nhân văn kết hợp với nhau mới tạo ra cái tâm trong kinh doanh và từ đó đầu tư chứng khoán mới thành công. Có khi tôi đọc những loại sách mang tính nhân văn mà lại tìm được ý tưởng tốt cho việc đầu tư cổ phiếu nữa. Sách giàu tính nhân văn mang đến một sức mạnh có thể giúp bạn nhìn xa trông rộng. Nếu bạn đầu tư theo những nguyên tắc cơ bản như ủy thác kinh doanh, đầu tư theo kiểu đồng hành cùng doanh nghiệp thì rất cần một sức mạnh có thể nhìn xa trông rộng. Bạn phải có sức mạnh này thì mới có thể quan sát thị trường chứng khoán liên tục lên xuống mỗi ngày, những thông tin mới về thị trường dựa trên quan điểm của một dòng chảy.
Nếu bạn hiểu rõ dòng chảy của lịch sử, dòng chảy của thị trường chứng khoán thì dù giá cổ phiếu lên hay xuống, bạn cũng có thể quan sát nó một cách táo bạo. Nếu không như thế thì bạn sẽ phải đầu tư trong trạng thái bất hạnh giữa thiên đường và địa ngục.
Thực ra, tôi cũng băn khoăn không biết có nên nói rằng bạn phải đọc thật nhiều sách hay không. Vì đọc sách là điều rất cơ bản và đã được nhấn mạnh trong suốt hàng chục, hàng trăm năm nay rồi. Dù thế nhưng có nhiều người vẫn còn xa rời với sách.
Để tạo một thói quen mới, ta có thể tạo một môi trường mới. Nếu đọc sách một mình chán thì hãy mở câu lạc bộ đọc sách hoặc tham gia vào các câu lạc bộ đọc sách. Nhiều người cùng đọc có một ưu điểm là có thể nghe được ý kiến của nhiều người hơn là đọc và suy nghĩ một mình.
Những kiến thức được đi vào não thông qua các phương tiện truyền thông cũng là một mảnh ghép của kiến thức. Những thông tin đơn giản thì không thể tạo nên sự giàu có được. Chúng ta phải ghép các mảnh ghép kiến thức lại với nhau thì mới tạo ra được một xâu chuỗi kiến thức. Chuỗi kiến thức này sẽ cho bạn cơ hội và sự khôn ngoan trong việc đầu tư chứng khoán.
ĐỪNG TÌM NGƯỜI ĐỂ CẦU MAY MÀ HÃY HỌC TỪ NHỮNG BẬC THẦY
Hàng năm, tỷ phú Warren Buffett thường tổ chức đấu giá “Ăn trưa cùng Buffett”. Số tiền đấu giá đó được đóng góp cho một tổ chức từ thiện ở San Francisco. Năm 2009, có một công ty quản lý vốn của Canada đã đấu giá trúng bữa ăn trưa cùng Buffett với số tiền 1.680.000 đô la. Số tiền này có khi lên đến 2.630.000 đô la. Những người dám đầu tư một số tiền khổng lồ như thế để ăn trưa và nói chuyện ba giờ đồng hồ với Warren Buffett, họ sẽ hỏi Warren Buffett điều gì nhỉ?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta thử quan sát xung quanh thị trường một chút nhé. Chúng ta hãy bắt đầu từ câu chuyện của những người đầu tư bằng cách chạy theo người nước ngoài, hay chạy theo một tổ chức đầu tư nào đó. Có một thời, việc đầu tư chạy theo thế này rất thịnh hành. Bây giờ cũng còn nhiều người đầu tư theo cách đó. Trông thoáng qua thì có vẻ đây là một phương thức rất thông minh. Nguồn vốn nước ngoài hay các cơ quan thì khả năng phân tích doanh nghiệp, kinh nghiệm, nguồn vốn và mạng lưới toàn cầu mạnh hơn những cá nhân. Tất cả mọi mặt liên quan đến đầu tư đều vượt trội hơn cá nhân. Vì thế, đối với những người bắt đầu đầu tư nhưng không thích học về kinh tế hay những người tự đánh giá bản thân dù có học đi chăng nữa cũng không bằng ai thì đây là một phương pháp không thể không thu hút được. Họ tính toán rằng doanh nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức năng lực cao nên tỉ lệ thất bại thấp, nếu bám theo họ thì có thể giảm được rủi ro của chính mình.
Với một cách gần giống thế có một con đường tìm người cầu may. Có nhiều người tới nghe chuyên gia chia sẻ về chứng khoán xong thì chạy theo chuyên gia xin: “Ông hãy bốc cho tôi 1 hoặc 2 cổ phiếu nên mua đi.” Tôi cũng có khi nhận những lời đề nghị như vậy. Sau khi có bài báo đăng về việc tôi đầu tư và tích lũy được tài sản hàng chục triệu đô thì có rất nhiều người tìm tới và nhờ tôi “bốc” cho vài cổ phiếu để đầu tư. Đối với các chuyên gia cũng thế. Chuyên gia thì phải có thành quả rõ ràng mới có thể giảng được trước nhiều người. Phải như vậy thì mới có nhiều người đến nghe.
Với những phương thức như thế không thể nói là sai. Sự thật là có giảm tỉ lệ thất bại ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, cách chạy theo người khác như thế tiềm ẩn nhiều vấn đề sống còn. Trước hết là vấn đề lòng tin. Nếu mà chỉ chọn đầu tư theo cách “bốc đại” như thế thì có đáng tin hay không?
Lòng tin ở đây bao gồm cả sự phán đoán sai của những người đó. Với tư cách là một nhà đầu tư chuyên môn, tôi có trong tay khoảng 30 danh mục đầu tư. Nhưng nếu tôi đầu tư vào 10 doanh nghiệp thì chỉ có một, hai danh mục thành công, còn lại bốn, năm danh mục thì giá cổ phiếu không diễn tiến theo như những gì tôi đoán. Một số giảng viên hay nhà đầu tư bảo rằng anh ta sẽ “bốc” cho bạn những loại cổ phiếu có tương lai, đó chỉ là chuyện thầy bói xem voi mà thôi.
Vì họ đang huy động vốn hay họ có mục đích nào khác nên trường hợp như thế rất nguy hiểm. Nhất là đối với những người nào bảo rằng: “Loại cổ phiếu này chắc ăn lắm” thì cần phải cẩn thận. Nếu ai đó nghe lời họ thì có thể bị mất cả tài sản nếu nhận định sai. Vì thế, người có lương tâm có bao giờ mạnh miệng bảo: “Anh mua cổ phiếu kia đi” không? Nếu người có trách nhiệm thì không thể nói như vậy được.
Một vấn đề nữa là khi cổ phiếu mà bạn mua do ai đó “bốc” cho bạn bị rớt giá. Bạn không biết rõ là giá rớt do vấn đề thị trường hay do vấn đề của doanh nghiệp. Vì thế, bạn chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng đứng ngồi không yên. Khi cổ phiếu lên cũng thế. Bạn sẽ không biết thời điểm nào thích hợp để bán ra. Bạn sẽ luôn sống trong tình trạng lo lắng: “Mình bán ra rồi mà cổ phiếu tăng thì làm sao? Mình đang giữ lại mà lỡ cổ phiếu giảm thì làm sao?” Đây là cách đầu tư mà bạn luôn đau khổ mỗi ngày và lãng phí đi cuộc sống tươi đẹp.
Khi mua theo nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy. Bạn không thể biết họ đầu tư ngắn hạn hay dài hạn. Có thể có những ý đồ tiềm ẩn bên trong mà bạn không thể biết được. Vì thế, bạn cứ phải đứng ngồi không yên và suốt ngày nín thở ngồi theo dõi máy tính. Điều này dẫn đến bạn phải bám theo họ liên tục. Họ mua bạn cũng phải mua, họ bán bạn cũng phải bán.
Trong quá khứ tôi đã từng làm theo phương thức này. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để tìm hiểu về đầu tư tổ chức và đầu tư của người nước ngoài. Tôi thấy nguồn vốn lớn và kiến thức cũng như kinh nghiệm của họ nhiều nên họ luôn chi phối thị trường.
Nếu họ mua thì giá cổ phiếu lên và nếu họ bán thì giá cổ phiếu xuống. Nhưng điều này chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn mà thôi. Dù nguồn vốn lớn nhưng nếu không giúp doanh nghiệp nâng cao được thành quả kinh doanh thì giá có thể xuống, nếu họ bán mà doanh nghiệp vẫn đi lên thì giá cổ phiếu cũng tăng.
Giá trị của doanh nghiệp là yếu tố then chốt quyết định giá cổ phiếu nên nếu doanh nghiệp không nâng cao được giá trị thì những người chạy theo mua cổ phiếu của công ty đó sẽ bị thiệt hại. Từ những kinh nghiệm đau thương của mình tôi đã hình thành được tư duy rằng tôi phải làm chủ việc đầu tư của tôi, tôi là chủ doanh nghiệp và luôn phải theo dõi, quan sát và trao đổi với doanh nghiệp. Tôi phải giúp doanh nghiệp đó tăng trưởng thì sau này mới được hưởng lợi từ đó. Đây chính là kết luận của tôi sau một thời gian dài đầu tư.
Thỉnh thoảng tôi có giới thiệu một vài cổ phiếu cho người quen thì họ bảo rằng: “Tôi tin anh. Anh mà đầu tư cổ phiếu này thì chắc chắn cổ phiếu sẽ lên.”
Những lúc như thế, tôi trả lời như thế này: “Anh đừng tin tôi. Anh hãy nhìn vào doanh nghiệp đi. Anh phải đầu tư vào doanh nghiệp nào mà dù tôi có bán ra đi chăng nữa thì giá vẫn có thể tăng. Nếu là doanh nghiệp mà sau khi tôi bán ra giá cổ phiếu giảm thì đó là do tôi chọn sai nhưng anh cũng là người chọn sai đấy.”
Nếu muốn thành công thì phải nỗ lực rất nhiều. Trên đời này không có gì là miễn phí cả. Ai cũng muốn chọn con đường dễ dàng nhưng cuộc đời vốn dĩ không có gì là dễ dàng cả. Trong lĩnh vực kinh tế cũng vậy, nếu muốn thành công thì phải nỗ lực hết mình. Bạn phải công nhận một điều là cổ phiếu không dễ, bạn phải nỗ lực để vượt qua nó và chờ ngày thu hoạch. Không nỗ lực và muốn “ngồi mát ăn bát vàng” là điều rất vô lý.
Cổ phiếu rốt cuộc nằm ở doanh nghiệp. Bạn phải tìm hiểu, quan sát và trao đổi với doanh nghiệp rồi chờ đợi đến khi nào bạn có lòng tin rõ ràng về doanh nghiệp mà bạn đầu tư. Như vậy người thầy dẫn dắt tuyệt vời và chính xác nhất trong đầu tư cổ phiếu đó là doanh nghiệp tốt.
Ví dụ công ty Điện tử Samsung chưa bao giờ làm nhà đầu tư thất vọng. Dù giá có lên xuống theo sự biến động của thị trường nhưng nếu quan sát toàn bộ thì luôn nằm trên đường tăng trưởng. Nếu bạn muốn biết tại sao thì bạn phải học về công ty Samsung. Ý tôi ở đây không phải bảo bạn mua cổ phiếu của công ty Samsung. Nhưng nếu bạn hiểu rõ về những yếu tố nào của công ty Samsung làm cho họ đạt được những thành quả đến ngày nay thì bạn có thể áp dụng nguyên lý đó với các doanh nghiệp khác.
Bây giờ quay trở lại với câu hỏi những người ăn trưa với Warren Buffett đã hỏi gì? Họ có hỏi Warren Buffett rằng: “Ông hãy chọn và bốc ra cho tôi vài danh mục đầu tư đi” hay không? Chắc chắn là không đúng không! Họ sẽ hỏi về triết lý và trí tuệ của Warren Buffett. Nói đơn giản là họ không xin con cá mà họ học cách câu cá.
Nếu bạn học cách câu cá trong thị trường chứng khoán thì bạn có thể thừa kế cho con bạn được. Chứ bạn để lại cho con khối tài sản hàng triệu đô thì cũng tiêu tan. Nếu bạn dạy cho con cách tích lũy tài sản thì dù con bạn có sạt nghiệp đi chăng nữa chúng cũng biết vực dậy để trở nên giàu có.
HÃY KHẮC CỐT GHI TÂM LÝ DO THẤT BẠI MÀ BẠN MUỐN QUÊN
Tôi là người mau nước mắt. Thỉnh thoảng khi xem phim, tôi khóc vì cảm động. Đôi khi nhớ về người thầy đã cho tôi học bổng để tôi được đến trường hồi học cấp hai thì nước mắt lưng tròng. Tôi cảm thấy biết ơn vì tôi vẫn luôn dạt dào cảm xúc dù đã lớn tuổi rồi. Tuy nhiên, tôi lại rất lạnh lùng trong phần thành công và thất bại.
Trường hợp mọi chuyện diễn ra đúng với ý tôi thì tôi thường quên ngay sau đó. Nhưng khi thất bại thì tôi cứ “nhai đi nhai lại” nó. Đó cũng là những lý do thất bại mà tôi cứ lặp đi lặp lại trong quyển sách này. Nếu bạn nhìn thất bại một cách lạnh lùng thì bạn có thể học được cách để thành công. Nếu khi thành công thì vui mừng quá độ hoặc lúc thất bại thì ủ dột vô chừng sẽ khó cho bạn có thể tìm được điều gì có ích.
Chỉ cần bạn không hành động tiếc rẻ thì việc bạn thất bại có nghĩa là bạn đang tiến gần đến với thành công. Vì bạn có thể dùng những bài học thất bại làm bước đệm để hướng đến thành công.
Vào những năm 1990, khi tôi đang làm việc tại phòng Kinh doanh của công ty Chứng khoán Daeshin. Lúc đó, tôi cũng hay giao lưu qua lại với những nhân viên của viện nghiên cứu đầu tư chứng khoán. Một hôm, một nhân viên đã giới thiệu với tôi một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là doanh nghiệp sản xuất adapter máy tính. Vào thời điểm đó thì máy tính cá nhân là một lĩnh vực mới tuy nhiên được mọi người xem là một thiết bị có thể cải tiến môi trường làm việc. Vì thế, những doanh nghiệp nào có liên quan đến máy tính thì có vẻ đó là một doanh nghiệp công nghệ cao. Tôi tin lời bạn nhân viên của viện nghiên cứu và đầu tư vào một công ty “nghe có vẻ” có công nghệ cao đó. Không lâu sau công ty đó phá sản. Chuyện này mà kể thì dài dòng lắm nhưng tôi có thể tóm tắt nó trong một câu gọn gàng, đó là: “Đầu tư mà không biết gì về doanh nghiệp”. Và kết quả của việc chuyển đổi bài học này thành giải pháp mới đó là tôi đã bắt đầu đến thăm doanh nghiệp. Từ đó về sau, dù ai giới thiệu đi chăng nữa thì tôi cũng phải đến thăm doanh nghiệp rồi mới quyết định có đầu tư hay không. Đi thăm một lần chưa đủ thì hai lần, hai lần chưa đủ thì ba lần. Và sau khi đầu tư rồi tôi cũng thường xuyên đến thăm doanh nghiệp. Việc đến thăm doanh nghiệp là một trong những vũ khí quan trọng giúp tôi đầu tư thành công.
Thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1997, tôi cũng học được một bài học quan trọng. Dù tôi phải bán cả nhà của mẹ để đi ở nhà thuê nhưng tôi đã được một tài sản lớn. Tôi sẽ chia sẻ chi tiết về điều này ở phần sau nhưng sự thất bại lúc đó đã giúp tôi hình thành nên triết lý đầu tư với tâm thế của nhà nông. Đầu tư ngắn hạn hoặc sử dụng đòn bẩy quá độ thì nhất định sẽ thất bại. Dù kinh tế có khó khăn nhưng nếu giá trị của doanh nghiệp không thay đổi thì nhất định giá trị doanh nghiệp đó sẽ được đánh giá cao.
Người ta thường nói thất bại là mẹ của thành công nhưng đó là khi biết ứng phó đúng. Nếu thất bại do bị cuốn vào tâm lý bất an thì thất bại đó có thể là mẹ của sự hoảng loạn. Trong đầu tư chứng khoán, tôi thấy nhiều người đã biến thất bại thành mẹ của sự hoảng loạn.
Đặc biệt tôi thấy những nhà đầu tư thông thường hay gặp phải sự hoảng loạn do thất bại. Không biết bản thân họ nghĩ gì nhưng theo tôi nghĩ, yếu tố dẫn đến thất bại của nhà đầu tư quy mô nhỏ là lòng tham.
Ví dụ khi đầu tư 10 triệu won thì chỉ mua được của công ty Samsung khoảng 10 cổ phiếu nhưng nếu mua của những công ty có giá cổ phiếu 1.000 won thì có thể mua được 10.000 cổ phiếu. Nếu đầu tư vào công ty Samsung thì trong thời gian ngắn khó có thể tăng lên gấp hai lần lợi nhuận nhưng nếu mua cổ phiếu giá 1.000 won thì có khả năng tăng lên gấp hai lần. Cách tính này cũng có thể đúng một nửa. Nhưng nửa còn lại thì những công ty có giá cổ phiếu rẻ cũng có lý do riêng của nó. Mặt hàng không triển vọng, nhà điều hành năng lực kém, cơ cấu tài chính yếu... là những lý do dẫn đến giá cổ phiếu rẻ.
Dĩ nhiên, tôi không có ý nói rằng mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có giá cổ phiếu thấp là không được. Vấn đề là bạn mua giá thấp chỉ qua lời giới thiệu của người khác mà bạn cũng không hề biết doanh nghiệp đó như thế nào. Vì thế, cần phải học cách đầu tư và học về doanh nghiệp.
Sau khi bạn đã có lòng tin vào doanh nghiệp rồi thì lúc đó bạn đầu tư cũng không sao. Bạn không được quên là mong muốn lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao. Vì nếu đầu tư theo kiểu “đầu cơ” và doanh nghiệp ấy gặp vấn đề gì thì xem như tài sản của bạn sẽ bay theo mây theo gió. Có nhiều người không học để đầu tư mà mải lo đầu cơ và lỡ gặp thất bại thì lại mải lo đi tìm lý do để biện minh cho sự thất bại. “Chắc có thông tin mà chúng ta chưa biết đây.” “Tôi mà gặp lại nhân viên công ty chứng khoán giới thiệu cho tôi đầu tư thì tôi nhất định không để yên cho hắn đâu.” “Tôi đã bị thằng giám đốc công ty đó lừa rồi.”...
Dù trong sâu thẳm tâm hồn, họ biết rằng do họ quá tham lam nhưng họ không chịu công nhận. Vì không chịu công nhận nên chạy đi tìm những nguyên nhân bên ngoài. Và họ tuyên bố rằng từ nay sẽ không đầu tư nữa. Nhưng khi kinh tế tiến triển hơn một chút thì họ lại quên đi lời tuyên bố đó và tiếp tục cách làm cũ. Đối với những người như thế thì nguyên nhân của sự thất bại của họ không nằm ở chỗ họ. Vì họ không có gì sai nên họ không thể học được bài học gì cả.
Bạn phải luôn tìm nguyên nhân của sự thất bại ngay trong bản thân bạn. Nếu bạn đổ lỗi hay biện minh thì sẽ không có điểm dừng. Nếu muốn học bài học từ sự thất bại thì phải công nhận cái sai của bản thân mình. Những thất bại không phải do mình chỉ để lại sự hoang mang và không học được bài học gì cả. Những người không học được bài học từ thất bại trong quá khứ thì sẽ không tiến triển được và sẽ tiếp tục lặp lại thất bại đó nhiều lần.
HÃY THỰC HÀNH THẬT NHIỀU TỪ KHI CÒN TRẺ
Khi quay lại nhìn cuộc đời, bạn sẽ thấy hàng chục năm trôi qua rất nhanh. Tôi cũng đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống như bao nhiêu người khác nhưng tôi không cảm thấy thời gian dài hơn. Những người già tuổi trên 70 cũng cho rằng cuộc đời chỉ thoáng trôi phút chốc. Dù vất vả hay bình an thì ai cũng cảm nhận cuộc đời đã qua nhanh tựa tên bay. Tuy nhiên điều kỳ lạ là đa số đều cảm thấy tương lai sao lâu đến. 40 năm thì có vẻ trôi qua trong phút chốc nhưng nếu nói năm 2030 thì hình như ai cũng cảm thấy nó còn ở đâu xa lắm.
Đứng trên phương diện của sự thay đổi thì thời gian đã qua là 10 năm, 20 năm, 30 năm đều không có ý nghĩa gì lớn lao. Chúng ta có thể học được những bài học từ thời gian đã qua nhưng thời gian thay đổi thực tế là hiện tại và tương lai. Chúng ta hãy cùng nghĩ về 10 năm nữa xem thế nào. 10 năm núi sông thay đổi, đứa trẻ 10 tuổi thành một thanh niên, một thanh niên 30 tuổi thành một người đàn ông trung niên. Và 10 năm đủ cho lãi kép trong đầu tư tạo ra kỳ tích.
Khi còn trẻ, tiền kiếm được thì ít nhưng có nhiều việc để tiêu xài. Phải gặp bạn bè, phải mua quần áo, phải mua điện thoại hay máy tính để không bị tụt hậu. Nên số tiền tích lũy được chỉ là “mấy đồng bạc lẻ”. Vì thế, có nhiều bạn trẻ nghĩ rằng dù có nhiều tiền thì cuộc đời cũng không thay đổi gì cả nên thôi có bao nhiêu xài hết bấy nhiêu.
Từ khi đi bán báo dạo thời còn trẻ, tôi đã hiểu được uy lực của “mấy đồng bạc lẻ”. Bán một tờ báo tôi lời chỉ được có 20 won nhưng vẫn hơn làm nhà máy. Mỗi lần bán một tờ báo tôi để dành được 20 won và một tháng tôi có thể để dành được 200.000 won. Nếu tiết kiệm được nhiều thì tốt nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không tiết kiệm được nhiều thì cũng phải tích lũy dù chỉ là mấy đồng bạc lẻ. Nếu bạn không hiểu được những đồng bạc lẻ nhỏ thì bạn không thể hiểu được tiền lớn. Trong số những tỷ phú có khối tài sản hàng chục, hàng trăm triệu đô la, có nhiều người tuyệt đối không thể bỏ qua dù chỉ một sai sót nhỏ trong sổ thu chi.
Nếu nhìn ngắn hạn thì những đồng bạc lẻ chỉ là những đồng bạc lẻ mà thôi. Nhưng nếu chúng ta xem giá trị của nó tăng trong 10 năm thì sẽ thấy khác nhiều lắm. Chúng ta hãy giả định mỗi tháng bỏ ra 100 đô la mua cổ phiếu thì sau 10 năm chúng ta có tổng số tiền vốn là 12.000 đô. Và nếu lãi kép là 10% thì sau 10 năm số tiền vốn và lãi sẽ thành khoảng 22.200 đô.
Đọc tới đây nếu có độc giả than phiền rằng vất vả tích lũy trong 10 năm mà chỉ có 22.200 đô thì hãy nghe kỹ câu chuyện sau. Dù là tiền lớn hay tiền nhỏ nhưng khi bạn mua cổ phiếu thì bạn không thể nào không quan tâm đến kinh tế. Bạn sẽ tìm hiểu, học hỏi về công ty mà bạn đầu tư thì kiến thức của bạn về kinh tế bắt đầu sâu và rộng. Nếu bạn đầu tư với suy nghĩ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không phải đầu cơ thì bạn có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn đầu tư. Đó chính là thành quả lớn nhất của bạn.
Học 10 năm là khoảng thời gian có thể lấy hai bằng đại học mà còn dư hai năm. Dù bạn có chút thiệt hại trong tiền vốn nhưng đó không phải là việc đáng buồn. Nếu thông qua việc học đó mà bạn có thể xây dựng được một triết lý đầu tư cho riêng mình và có khả năng đánh giá được doanh nghiệp thì với mức học phí như thế cũng nên chi trả. Trong quá trình đó có thể bạn sẽ tăng chút vốn đầu tư nhưng nếu bạn đạt được số tiền đầu tư là 50.000 đô đầu tiên trong đời thì bạn sẽ hiểu được nó có ý nghĩa quan trọng như thế nào.
Nếu bạn có con cái thì việc bạn để lại thừa kế cho con bằng cổ phiếu cũng là một cách hay. Thay vào đó không phải để về già bạn mới thừa kế cho con mà bạn sẽ cho con một số tiền nhất định bằng cổ phiếu khi con còn nhỏ. Ba năm trước, tôi đã thừa kế cho ba đứa con bằng cách mua cổ phiếu cho mỗi đứa khoảng 20~30.000 đô la.
Dù tôi vẫn đang quản lý cổ phiếu nhưng con trai tôi biết rõ nó đang là chủ của doanh nghiệp nào. Vì vậy, dù mua một gói mì gói đi chăng nữa thì nó cũng lựa mua mì của công ty mà nó đầu tư. Và nó cũng quan sát mì gói của các doanh nghiệp khác. Những lúc như thế nó biết được khi nào mì bán nhiều và như một lẽ tự nhiên, nó học được về kinh tế. Triết lý về kinh tế và đời sống không đủ mạnh thì rất dễ bị chao đảo vì đồng tiền. Nếu cho con tiền để con được sống tốt thì rất dễ làm hư con. Do đó theo tôi nghĩ là cần phải dạy con về kinh tế. Mà để giúp con hiểu về kinh tế thì không có gì tốt hơn dạy cho con việc đầu tư cổ phiếu. Phương pháp dạy kinh tế tự nhiên và rõ ràng nhất chính là cổ phiếu. Số tiền mà tôi cho để lại cho con không lớn. Nhưng vì các con còn nhỏ nên tôi tin rằng con có thời gian và có tư duy về kinh tế thì chắc chắn sau này con sẽ trở nên giàu có.
Kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng nhất của cuộc đời. Nếu không am hiểu về kinh tế thì dễ dàng bị thiệt hại về tiền dù lớn hay nhỏ và vì vậy khó mà giàu có. Cuộc đời trắng tay quả là một cuộc đời đau khổ. Từng ngày trôi qua sẽ chìm ngập trong khổ đau. Nếu đó là cái nghèo do bạn chọn và dù nghèo bạn vẫn hạnh phúc thì không sao. Nhưng nếu bạn muốn giàu mà phải sống một cuộc đời nghèo nàn thì còn cái khổ nào bằng.
Nếu bạn biết cách để trở nên giàu có thì dù bạn bắt đầu từ con số không cũng có thể giàu được. Tuy nhiên, nếu bạn không có kiến thức về kinh tế thì dù bạn có giàu đến đâu thì cũng có thể trắng tay trong phút giây.
Nếu bạn biết sợ thời gian trôi qua vô nghĩa, sợ uy lực của những đồng bạc lẻ và tìm học về kinh tế thì thời gian sẽ làm cho bạn trở nên giàu có.
HÃY THOÁT KHỎI SỰ THAM LAM và NỖI SỢ HÃI
Trong lịch sử, một cành hoa đã làm cho một đất nước rơi vào cuồng nhiệt và hỗn loạn. Khi nói về “lịch sử của đầu cơ” thì không thể không nhắc đến “bong bóng hoa tulip” của Hà Lan. Vào thế kỷ 17, Hà Lan là một quốc gia giao thương đường biển rất mạnh và hưởng được nhiều lợi thế. Những người giàu sống một cuộc sống vương giả, giá bất động sản liên tục tăng.
Hoa tulip là loại hoa được người phương Tây yêu thích. Và những nhà đầu cơ đã nắm bắt cơ hội này để lấy hoa tulip làm một đối tượng để đầu cơ mới. Giá hoa tulip được dùng để phân biệt đẳng cấp xã hội. Cả những người dân thường cũng thi nhau mang tài sản của mình ra để tham gia vào phong trào này. Vào năm 1624, khi cao trào đạt đến đỉnh điểm thì giá của một củ hoa tulip được giao dịch bằng giá của một căn nhà ở Amsterdam. Tình trạng này tiếp diễn đến năm 1636 và đầu năm 1637 chỉ trong một đêm giá bắt đầu lao dốc. Không có lý do gì đặc biệt cả. Giá đã lên cao một cách vô lý. Cũng giống như việc giá đội lên cao mà chẳng có lý do gì hợp lý thì chỉ sau một đêm củ hoa tulip đã trở về đúng với giá trị của nó “chỉ là một củ hoa” mà thôi.
Đây là câu chuyện của 400 năm trước. Đó không phải là câu chuyện của người ngày xưa không hiểu biết gì về kinh tế đâu. Ngày nay cũng đang diễn ra những chuyện như vậy. Giá dầu thô năm 2008 đạt mức trên 150 đô la và có người bảo rằng nó sẽ lên đến 200 đô la. Nhưng ngày nay thì đang hình thành với mức giá trên dưới 70 đô la.
Có doanh nghiệp đã khởi xướng việc sản xuất ra dầu sinh học biodiesel nhưng khi giá dầu hạ thì họ đã dừng lại xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Theo lẽ thường thì khi tài nguyên dầu khan hiếm thì giá dầu thô sẽ tăng. Tuy nhiên, có nhiều điều hoài nghi rằng liệu giá dầu có lên đến mức 150 đô la hay không. Nhà kinh tế học người Mỹ, William Engdahl cho rằng 60% của biên độ dao động giá dầu tăng mạnh đều là do đầu cơ. Ông còn phân tích rằng giá dầu thô không phải được quyết định bởi quy luật cung cầu mà do mánh lới của những nguồn quỹ đầu tư, những ngân hàng đầu tư quy mô lớn, những công ty lọc dầu.
Trong thị trường chứng khoán cũng có những kẻ lừa đảo giống như thế. Nếu họ ra tay thì giá cổ phiếu tăng nhanh mà không có lý do gì đặc biệt. Đây là thời kỳ lòng tham của các nhà đầu tư trỗi dậy. Nhìn giá tăng mỗi ngày thì con người bị mờ mắt vì lòng tham, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua mà không cần biết lý do gì cả. Khi giá cổ phiếu liên tục lên thì họ mua tích trữ. Đến lúc những thế lực tạo ra cơn sốt đó thu đủ phần mình rồi và rút lui thì từ đó nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng sợ. Những cổ phiếu một thời không có để mua giờ cũng không còn ai mua để bán nữa. Và rồi liên tục tuột giá về vị trí cũ hoặc có khi còn thấp hơn. Khi đua theo giá cổ phiếu lên cao không một lý do gì đặc biệt, nhà đầu tư tính toán là mình sẽ có thể mua và bán lại cho những nhà đầu tư kém cỏi hơn mình. Chứ lúc đó họ đâu biết một sự thật rằng chính họ mới là người kém cỏi.
Làm thế nào để có thể thoát khỏi sự tham lam và sự sợ hãi? Hiện tượng giá cổ phiếu tăng mỗi ngày không phải tất cả đều do một thế lực nào đó đang thôn tính thị trường. Tất cả những cổ phiếu liên tục tăng giá không phải đều là bong bóng. Vì những cổ phiếu đó có tiềm năng tăng nữa. Những cổ phiếu lao dốc cũng có thể xuống nữa. Nếu bạn không hiểu giá cổ phiếu hiện tại là cao hay thấp thì bạn sẽ không thể thoát ra khỏi sự tham lam và nỗi sợ hãi. Cổ phiếu của công ty Điện tử Samsung là 800.000 won nhưng có thể giá đó là rẻ.
Tuy nhiên dù là giá cổ phiếu chỉ có 1.000 won nhưng nếu doanh nghiệp đó không phát triển thì cũng là giá cao. Tiêu chuẩn để nói giá cổ phiếu cao hay thấp chính là giá trị doanh nghiệp. Nếu bạn không có tiêu chuẩn tự đánh giá giá trị doanh nghiệp, hoặc là dù có tiêu chuẩn nhưng không có thông tin chi tiết về doanh nghiệp thì khi giá cổ phiếu lên, bạn dễ bị lòng tham dẫn dắt, khi giá xuống, bạn lại bị rơi vào hoang mang. Và nhìn qua nhìn lại, bạn thấy mình chỉ còn trong tay những củ hoa tulip mà thôi.
Nếu bạn xem doanh nghiệp là doanh nghiệp của bạn thì bạn sẽ có bao nhiêu thứ để học. Bạn có thể tưởng tượng được trường hợp ai đó mở công ty kinh doanh mà không biết ưu và nhược điểm của ngành nghề mình làm là gì không? Dù bạn nắm giữ trong tay 1 cổ phiếu hay 10.000 cổ phiếu thì chúng ta đều là người chủ của doanh nghiệp.
Cách để tìm hiểu về thông tin doanh nghiệp có khắp nơi. Chỉ cần bạn mở máy tính lên thì tất cả những thông tin về doanh nghiệp như báo cáo tài chính, quá trình phát triển, biến động giá cả trong suốt một thời gian dài đều có sẵn. Chỉ cần hỏi một vài người là có thể kết nối được với người gần doanh nghiệp. Bạn đến phòng Quan hệ nhà đầu tư (IR) và bảo rằng: “Tôi là cổ đông của công ty này” thì chắc chắn họ sẽ chào đón bạn. Nếu họ không chào đón thì công ty đó có vấn đề gì đó.
Nếu bạn không biết gì cả thì bạn phải dò xét cách người khác làm. Mà trong đầu tư cổ phiếu nếu bạn cứ phải để dò xét cách người khác làm và hành động thì chắc chắn bạn sẽ luôn bất an và cuối cùng bạn có thể mất tất cả. Cuộc đời luôn dao động. Nhưng bạn dao động thì không được. Bạn phải nắm giữ một chuẩn mực vững chắc cho bạn thì bạn sẽ trở nên bất biến giữa dòng đời vạn biến.
HÃY QUEN VỚI SỰ NHẪN NẠI và TIẾT CHẾ BẢN THÂN
Khi bạn đầu tư chứng khoán thì có lúc lời nhưng cũng có nhiều trường hợp cổ tức chẳng được bao nhiêu. Trong trường hợp như vậy, nhiều người cảm thấy công ty mình đầu tư có vấn đề gì đó nên lật đật mang cổ phiếu ra bán hết. Sự phán đoán như vậy không phải lúc nào cũng sai. Có những doanh nghiệp dùng tiền cổ tức phải chia cho cổ đông mua lại cổ phiếu của công ty mình và cũng có những doanh nghiệp dù có lãi nhưng vẫn chia cổ tức một cách nhỏ giọt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng thế. Nguồn lực ban đầu của doanh nghiệp lúc nào cũng để đầu tư phát triển nên ít có lãi. Nguồn lực ban đầu rất quan trọng cho sự sống còn của doanh nghiệp. Chúng ta có thể không thấy hiệu quả ngay nhưng về lâu về dài sẽ có hiệu quả rõ rệt.
Việc xảy ra khi tôi mua cổ phiếu của công ty Dược Boryung. Thông qua quảng cáo và phương tiện truyền thông thì thương hiệu dược Boryung được mọi người ưa chuộng. Giá trị của thương hiệu là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Tôi nghĩ nếu nội lực của công ty vững thì đây là một nơi rất tốt để đầu tư. Tôi nghiên cứu thì thấy rất thích hợp để đầu tư. Cơ cấu tài chính vững vàng, doanh thu 130 tỷ won, lãi ròng 4~5 tỷ won, có khi lên đến 10 tỷ won. Năng lực quản lý của C hủ tịch Kim Seung Ho cũng được đánh giá là xuất sắc. Từ năm 2000, tôi thường xuyên trao đổi và bắt đầu mua từng chút. Nhưng khi cuộc khủng bố ngày 11.9.2001 nổ ra thì giá từ 13.000 - 14.000 won tuột xuống còn 11.000 won. Lúc này tôi mua vào một cách quả cảm và chờ đợi.
Tuy nhiên thật lạ là không thấy lợi nhuận ròng tăng lên. Tôi tò mò tìm hiểu thì biết rằng dù doanh thu đạt 130 tỷ won nhưng công ty đã chi 30 tỷ won cho nghiên cứu phát triển, quảng bá, đào tạo nhân lực... Vì thế, so với doanh thu thì lợi nhuận ròng rất thấp. Nếu lý do không có lời là do người điều hành doanh nghiệp biển thủ hay chi tiêu vào việc không thỏa đáng thì tôi đã bán đi rồi. Nhưng tất cả đều là tái đầu tư nên tôi càng tín nhiệm hơn về chiến lược đó của người điều hành doanh nghiệp. Vì thế, tôi đã chờ đợi liên tục trong sáu năm mới bắt đầu thấy có hiệu quả. Lúc đó nhà đầu tư nước ngoài đã mua lại cổ phiếu tôi bán ra với giá 28.000 - 33.000 won. Tăng gấp 2~3 lần lúc tôi mua vào.
Sự việc qua rồi tôi mới thấy việc không bán và nhẫn nại chờ đợi là điều không dễ. Lúc đó, tôi không bán ra và chờ đợi vì tôi thường xuyên trao đổi với công ty Dược Boryung. Tôi đến thăm công ty, thăm viện nghiên cứu và gặp gỡ nhiều nhân viên phụ trách. Thông qua quá trình đó, tôi nắm bắt được tình hình công ty nên mới có thể kiên nhẫn chờ đợi. Niềm tin ấy lớn nên tôi dễ dàng mua thêm lúc giá cổ phiếu bị rớt.
Có người nói rằng cổ phiếu có tai và có mắt. Điều lạ là nếu họ mua thì giá giảm, nếu họ bán thì giá lên. Lý do quan trọng khiến việc như thế cứ liên tục lặp đi lặp lại là do họ không biết nhẫn nại. Vì không nắm rõ nên bất an và bất an nên không thể phán đoán đúng được. Nếu không có sự hiểu biết đầy đủ thì không thể nhẫn nại được. Đây là điều kiện tối thiểu mà một nhà đầu tư cần biết. Và bạn cần phải rèn luyện sự nhẫn nại này. Có đôi khi bạn cần phải nhẫn nại chờ đến tình trạng xấu nhất mới có thể nhận được những phần thưởng xứng đáng. Điều đó không thể giải quyết được chỉ bằng việc trao đổi với doanh nghiệp. Quan trọng là bạn phải tự tin vào chính mình và biết chờ đợi, nếu không sẽ cảm thấy bất an và ra những quyết định vội vã trong hoảng loạn. Để tạo ra lợi nhuận từ việc đầu tư chứng khoán thì sự nhẫn nại là một đức tính mà bạn nhất định phải có.
Đức tính cần phải có cùng với nhẫn nại là tiết chế. Trên đời này có nhiều cơ hội đầu tư. Những người biết nhiều thông tin về cơ hội đầu tư là những nhân viên của các công ty chứng khoán. Như tôi đã nói ở phần trước, lý do mà nhiều người trong số họ không giàu được là vì họ không thể tiết chế được bản thân.
Nếu nhìn trên bảng điện của các công ty chứng khoán, chúng ta có thể thấy giá cổ phiếu của từng ngành nghề lên xuống liên tục. Hôm nay giá của các công ty chứng khoán lên, rồi mai thì giá của các công ty xuất khẩu lên, đôi khi giá của các công ty tài chính lên. Nhiều người sẽ thấy rằng chỉ cần theo được nhịp độ lên xuống này thì có thể kiếm được lời. Và thực tế là khi họ cứ mải lo chạy theo dòng chảy của thị trường liên tục như vậy nên không thể kiếm được tiền từ đầu tư chứng khoán. Các công ty chứng khoán thì được lợi từ tiền hoa hồng mua đi bán lại của nhà đầu tư nhưng tiền của nhà đầu tư thì cứ dần dần cất cánh bay đi.
Tôi muốn khuyên bạn hãy đầu tư cổ phiếu với tư duy của một người làm doanh nghiệp. Mà một doanh nghiệp thì không thể thành công khi hôm nay làm nhà hàng, ngày mai thấy cửa hàng tiện lợi kinh doanh hiệu quả thì bỏ nhà hàng qua làm cửa hàng tiện lợi, làm cửa hàng tiện lợi được vài hôm thì thấy quán cà phê đông khách thế là bỏ cửa hàng tiện lợi qua bán quán cà phê được.
Tôi nghĩ rằng công ty Điện tử Samsung là một công ty tốt. Nhưng mà tôi không đầu tư. Vì tôi không am hiểu về loại hình kinh doanh của họ. Ngoài ra, khi tôi giả định tôi là một nhà điều hành công ty thì tôi không biết phải điều hành một công ty lớn như thế nào.
Làm doanh nghiệp thì tôi chỉ làm những lĩnh vực mà tôi am tường. Nếu chỉ nghe đồn rằng một lĩnh vực nào đó dễ kiếm nhiều tiền và cứ thế lao vào làm dù không biết gì về lĩnh vực đó cả thì có ngày sạt nghiệp. Lĩnh vực khác thì hãy để người khác họ am tường và họ làm. Chứ tham quá mà chen chân vào thì dễ thất bại. Phải đầu tư vào doanh nghiệp mà mình biết rõ và tin tưởng, chờ đợi sức mạnh của thời gian. Và để hiểu được nhiều hơn, sâu hơn thì phải không ngừng học hỏi. Bạn cũng đừng quên rằng, hoa quả của nhà đầu tư cổ phiếu là phần thưởng dành cho những người chân chất chứ không phải người ranh mãnh.