"Nghe này! Tôi đã thực tập ở công ty XYZ đấy!”
Bất kỳ khi nào tôi tự hào tuyên bố điều đó, người đối diện cũng quay sang, trố mắt nhìn tôi và hỏi cùng một câu: “XYZ là công ty gì?”.
Tôi dám cá là dù tôi có nêu tên thật của công ty nơi tôi thực tập ra đây (thay cho chữ XYZ) thì có lẽ nhiều người cũng chẳng biết đâu. Vì ngay chính tôi, khi lần đầu nhìn thấy cái thông báo tuyển thực tập sinh với hàng chữ tên công ty khiêm tốn, tôi cũng đã tự hỏi: “XYZ là công ty gì nhỉ?”. Vậy mà tôi đã quyết định nộp đơn đăng ký làm thực tập sinh cho công ty ấy dù tôi chẳng biết gì về nó ngoài cái tên.
Có một thực tế là hầu hết người tiêu dùng chỉ quan tâm đến tên sản phẩm và thường “lơ đẹp” tên công ty sản xuất ra sản phẩm ấy, vốn thường nằm ở góc be bé bên cạnh mã vạch sản phẩm.
Với hàng dược phẩm thì tình trạng này càng... nguy kịch hơn (XYZ là công ty về dược phẩm). Với nhiều người thì thuốc thang không phải là sản phẩm dùng hằng ngày. Và thường thì khi cần thuốc, bạn sẽ chạy ào ra tiệm, nhận vài viên thuốc lẻ từ người bán. Thế là nghiễm nhiên bạn không tiếp cận được với cái hộp nguyên gốc để xem công ty nào sản xuất và phân phối những viên thuốc mà bạn sắp đưa vào cơ thể.
Tôi cũng như bạn, hay đúng hơn là từng như bạn. Cho đến một ngày.
Câu chuyện thực tập của tôi bắt đầu với bối cảnh như sau: một buổi sáng Sài Gòn đầy nắng và bụi, tôi thả bước trên hành lang tầng trệt của Trường đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. Hôm ấy trường bỗng dưng vắng vẻ hơn hẳn mọi ngày. Hành lang không chật cứng sinh viên nhễ nhại mồ hôi với cái ba lô khổng lồ trên vai. Tôi cũng được dịp bước thong thả hơn và dừng lại một chút trước bản tin trường. Đập vào mắt tôi là những poster tuyển thực tập sinh của các “đại gia” như: Prudential, Unilever, Abbott... in trên khổ A2 to uỳnh, bóng loáng, thiết kế bắt mắt. Điểm chung của các poster ấy là dòng chữ rõ rành rành ở cuối: “Dành cho sinh viên năm 3 và năm 4”. Chuyện này chẳng có gì lạ. Thực tập vốn là chuyện của sinh viên năm 3-4. Sinh viên năm 2 hãy còn “bé” lắm, “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Lọt thỏm giữa những poster hoành tráng ấy là một tờ giấy tuyển dụng bằng giấy A4 tầm thường, chỉ duy nhất logo công ty được in màu, còn lại là nền trắng chữ đen. Trông tương phản và lạc lõng đến đáng thương!
“Thật bôi bác hết sức!” - Tôi nghĩ.
Đáng lẽ tôi đã lướt qua tờ thông tin ấy rồi quên nó ngay tức khắc nếu không vô tình nhìn thấy dòng chữ “định mệnh” này:
“Tuyển sinh viên năm 2. Chỉ dành cho phòng nhân sự”.
Tôi không thích làm nhân sự. Thêm nữa, nhìn cái thông báo tuyển dụng đáng thương ấy, tôi nghi ngờ công ty này chắc “bèo như cú mèo”. Mà XYZ là công ty gì nhỉ? Chả bao giờ nghe tên, chắc là công ty vô danh tiểu tốt nào đó. Cách thức dự tuyển vô cùng “đơn giản như đang giỡn”: gửi CV qua mạng (CV: curriculum vitae, sơ yếu lý lịch) và... chấm hết! Não tôi không ngừng phân tích và phát ra nhận định: tuyển dễ dàng vậy chắc là. “lừa đảo quá”...
Tóm lại, có 1.001 lý do để tôi nghi ngờ và không dự tuyển vào cái công ty mà tôi dán nhãn “vô danh tiểu tốt”, “bèo như cú mèo”. Song, có một mong muốn, một động lực hết sức mạnh mẽ đủ sức hích tôi thật mạnh về phía XYZ:
Tôi muốn trải nghiệm cảm giác đi làm.
***
Tối hôm đó về, tôi đem chuyện thực tập lên bàn cơm để hỏi bà chị già của tôi (thực ra bà chị ấy chỉ hơn tôi sơ sơ 11 tuổi).
- XYZ là công ty nào thế? Chị Hai biết không?
Bà chị tôi ngẩng mặt lên khỏi chén cơm, chăm chú nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên, giống như đang thắc mắc làm cách nào tôi lại biết đến cái tên XYZ ấy. Chị tôi “phán”:
- Đại gia ngành dược đấy! Nó là công ty dược phẩm lớn nhất cả nước. Khủng hơn cả công ty của chị đó!
Sau phần mào đầu hoành tráng ấy, bà chị bắt đầu huyên thuyên về XYZ và tầm vĩ mô của nó. Nếu chị tôi không làm trong ngành dược và... công ty mà chị tôi đang làm việc không là đối tác thân thiết lâu năm của XYZ thì chắc chị tôi cũng chả biết XYZ méo tròn thế nào. Tôi nói:
- Em thấy thông tin tuyển dụng thực tập của nó, tính apply vào. (apply: dự tuyển)
- Apply ngay! Apply ngay! - Bà chị già sôi nổi khác thường.
Tôi nhớ lần gần đây nhất nhìn thấy biểu hiện sôi nổi đặc biệt này của bà chị là khi chị ấy tình cờ biết được thông tin cửa hàng thời trang ưa thích đang đại hạ giá.
Nhưng phút chốc, suy nghĩ thế nào, thái độ của bà chị tôi quay phắt 180 độ:
- Mà thôi! Trình độ mày chắc không lọt nổi đâu!
Tuyên bố mạnh mẽ của chị Hai như gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Tôi tiu nghỉu nuốt cho hết bữa cơm, tiu nghỉu rửa chén, rồi tiu nghỉu đi lên lầu. Dù bị bà chị “tiên tri” phũ phàng như vậy, tôi vẫn gửi CV cho XYZ. CV thì tôi đã có sẵn từ đợt soạn để dự tuyển làm thành viên một câu lạc bộ sinh viên trong trường (đợt đó tôi thất bại thảm hại). Chỉ sau vài cú nhấp chuột, CV của tôi đã bay thẳng đến XYZ. Chẳng có lý do gì để không thử vận cả!
***
Một ngày trôi qua. Không có động tĩnh gì từ XYZ. Hai ngày trôi qua, cuộc đời tôi vẫn không có điều gì mới mẻ mang hơi hướm của XYZ. Tôi dần quên lãng “phi vụ” ấy và chuẩn bị ghi thêm cái tên XYZ vào chuỗi danh sách thất bại của mình. Phải, tôi có một danh sách đằng đẵng những thất bại từ khi bước vào năm nhất đại học cho đến bây giờ. Tôi chưa bao giờ thành công. Tôi như kẻ vô hình trong giảng đường đại học đầy ắp những con người tài năng. Tôi thất bại nhiều đến mức không còn thấy buồn khi bị thêm XYZ từ chối, nhưng kể ra thì cũng muối mặt một tí với bà chị già, dù chị ấy nói không sai: Một công ty lớn và danh tiếng như XYZ thì đơn giản là không có cửa cho một sinh viên năm 2 không kinh nghiệm, chưa đủ kiến thức và thiếu bản lĩnh như tôi. Tôi chẳng có gì cả ngoài một danh sách thất bại dài bất tận.
Vậy mà...
Một chiều nọ - chẳng nhớ rõ là bao nhiêu ngày kể từ lúc tôi gửi CV đi - tôi đang chạy xe đi học Anh văn thì điện thoại rung. May mắn là đúng lúc đèn đỏ, tôi dừng xe, nghe điện thoại.
Là XYZ!
Hẹn phỏng vấn vào 13g ngày mai.
Chiều mai là thứ tư, buổi chiều duy nhất trong tuần tôi không phải đi học.
Như thế, nghiễm nhiên một cách đầy may mắn và kỳ diệu, tôi đi phỏng vấn ở XYZ.
Đây là lần đầu tiên tôi đi xin việc. Vốn dĩ tôi nghĩ nó “trần ai” lắm cơ. Đám bạn tôi vẫn quanh quẩn trên Internet kiếm hết chỗ này đến chỗ kia, dốc rất nhiều công sức thăm dò thông tin, nhờ vả người quen để có chân trong công ty nào đó. Vậy mà tôi lại tìm thấy công việc đầu tiên của tôi trên cái bản tin trường - nguồn thông tin mà vô tình hay hữu ý, có lẽ có đến 99% sinh viên chẳng thèm để mắt tới. Cơ hội là thế, đôi khi người ta chẳng tìm ra nó dẫu vì nó ở quá gần. Ghê gớm hơn, lắm lúc cơ hội ẩn mình dưới những vỏ bọc rất tầm thường như một tờ thông báo tuyển dụng in trên giấy A4 bèo bọt, nghèo nàn chẳng hạn, mà nếu bỏ qua nó, bạn sẽ phải hối tiếc dài dài.
Thế đấy bạn ạ, dù bạn là một người “sinh ra để thất bại” như tôi trước đây đi chăng nữa thì vẫn có cơ hội dành cho bạn. Hãy cứ an tâm là cái “định mệnh” của bạn rốt cuộc sẽ đến thôi vì ông trời vốn dĩ đã có kế hoạch cho bạn rồi! Trong tâm trí tôi bỗng hiện lên cái kế hoạch cuộc đời mà có thể ông trời đã ưu ái thiết kế riêng cho tôi.