Nữ chiến sĩ quân y Trường Sơn Nguyễn Thị Chung và chồng-Đại tá Nguyễn Thuận Quảng (nguyên Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 471) thường xem lại những kỷ vật của một thời thanh xuân. Bà bồi hồi nhớ lại, thỉnh thoảng quen miệng gọi "thủ trưởng anh"!
Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trường Cán bộ y tế Hà Bắc, Nguyễn Thị Chung viết đơn tình nguyện nhập ngũ. 19 tuổi, cô khoác ba lô vào chiến trường, lòng dặn lòng "dù gian khổ thế nào cũng phải cố gắng vượt qua". Được biên chế về Ban Quân y, Binh trạm 32, Bộ tư lệnh 559, cùng sức trẻ và nhiệt huyết, Chung lao vào công việc. Ở đây, công việc cứu chữa cho thương binh, bệnh binh luôn bận rộn bất kể ngày đêm. Làm việc miệt mài, Chung chẳng hề nghĩ đến chuyện tình cảm nam nữ. Thế nên, khi được mọi người “ghép đôi” với Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 102 Nguyễn Thuận Quảng, ban đầu Chung chỉ coi anh như người bạn đồng hương.
Gia đình bà Chung chụp ảnh kỷ niệm nhân chuyến về phép của ông Quảng, năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp
Bà Chung kể: “Mùa mưa năm 1970, tôi cùng y sĩ Độ được cử ra Viện Quân y 59 đóng quân tại Bố Trạch, Quảng Bình để học về châm cứu-bấm huyệt. Kết thúc khóa học, chúng tôi trở về khu hậu cứ của binh trạm để chờ ngày trở lại chiến trường. Tôi gặp anh ở đây”.
Biết Nguyễn Thuận Quảng là tiểu đoàn trưởng dũng cảm của tiểu đoàn từng được Bộ tư lệnh Trường Sơn tặng danh hiệu “Tuấn mã Trường Sơn”, Chung cũng có chút cảm mến anh. Nhưng người chỉ huy trước kẻ thù gan dạ, mưu trí bao nhiêu thì đứng trước người con gái nhỏ nhắn, thùy mị, dịu dàng lại có vẻ lóng ngóng, e dè bấy nhiêu. “Những ngày ở Bố Trạch, chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau. Thi thoảng lắm, tôi mới được chỉ huy tạo cơ hội xuống đơn vị của anh chơi, có lần được ngồi ăn trưa cùng nhau. Anh rất ít nói, có nói cũng toàn chuyện chiến đấu”, bà Chung nhớ lại.
Ngay sau đó, Chung phải trở lại đội điều trị, còn đơn vị của Thuận Quảng lại tiếp tục với những chuyến hàng chở vũ khí, đạn dược vào chiến trường. Bận rộn với những ca trực hằng đêm, nhưng những cuộc gặp thoáng qua bỗng dưng trở thành nỗi nhớ vu vơ với cô gái trẻ. Nỗi nhớ ấy lại rộn lên thành sự lo lắng khôn nguôi khi thấy có ca cấp cứu nào là lái xe của đơn vị anh...
Nhiệm vụ cứ nối nhau. Nguyễn Thuận Quảng ngày càng trưởng thành sau mỗi chiến dịch, được cấp trên bổ nhiệm giữ các chức vụ như: Tham mưu trưởng binh trạm, Phó binh trạm trưởng... rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 32, Sư đoàn 471. Trên cương vị mới, công việc cũng nặng nề và gian khổ hơn. Những cuộc gặp của hai người càng ngắn ngủi, vội vã. Qua những lần trò chuyện, anh biết quê Chung từng là nơi anh trọ học hồi cấp 2. Hai tiếng “đồng hương” thiêng liêng và thân thiết càng như sợi dây nối kết tình cảm của hai người và khiến anh mạnh dạn bày tỏ tình cảm với cô. “Tình yêu thời đạn bom ấy thật khó diễn tả hết cho các bạn hiểu. Nhưng có một điều chắc chắn là, dù gian khổ, hiểm nguy thế nào, chúng tôi vẫn có niềm tin son sắt dành cho nhau", bà Chung cho biết.
Ở chiến trường khó có chuyện những người yêu nhau thường xuyên được gặp gỡ. Nhưng họ lại có cách riêng để thể hiện tình yêu và lý tưởng của mình. Những dịp thủ trưởng trực tiếp của đơn vị cô lên sở chỉ huy họp, anh lại gửi cho cô những dòng thư yêu thương viết vội. Còn cô, mỗi khi biết anh đi chỉ huy đội hình đơn vị đưa hàng vào chiến trường là cảm thấy lo lắng đứng ngồi không yên!
Giữa hoàn cảnh ấy, hai người không thể hình dung mình lại có thể tổ chức đám cưới nhanh và bất ngờ ngoài mong đợi. Chuyện là, tháng Giêng năm Quý Sửu (khoảng tháng 2-1973), Nguyễn Thị Chung được cùng đoàn đại biểu của đơn vị ra huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) dự đại hội mừng công của Bộ đội Trường Sơn. Trước đó đã báo cáo với tổ chức ý định về phép sẽ tổ chức đám cưới nên đại hội xong, các đồng chí ở Cục Chính trị khuyên hai người nên tổ chức đám cưới luôn. Vì trong điều kiện thời chiến, nếu có nhiệm vụ thì anh lại phải trở lại chiến trường gấp, không biết khi nào mới tổ chức được! Vậy là hai người chỉ có hai ngày để chuẩn bị cho đám cưới.
Bà Nguyễn Thị Chung và chồng, Đại tá Nguyễn Thuận Quảng tại nhà riêng. Ảnh: KHÁNH AN
Như bà Chung chia sẻ, nói là chuẩn bị nhưng cô dâu, chú rể cũng chỉ có mỗi việc là ra Ủy ban Hành chính xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh... đăng ký kết hôn. Ngày cưới, chú rể chỉnh tề trong bộ quân phục bạc màu, còn cô dâu mặc chiếc áo sơ mi màu vàng cùng chiếc quần lanh đen-bộ quần áo đẹp nhất ở chiến trường của cô. Lễ thành hôn được tổ chức gọn nhẹ nhưng đầm ấm bên những đồng đội đã cùng cô dâu, chú rể trải qua mưa bom, bão đạn. Đặc biệt, đám cưới còn có sự góp vui của những nghệ sĩ Đoàn Văn công Nam Hà. Giai điệu của bài hát “Em là cô gái quân y” do nữ nghệ sĩ Kim Liên trình bày tặng cô dâu trong ngày cưới đến giờ vẫn lưu lại trong tâm trí bà Chung.
“Tình yêu thời đạn bom ấy thật khó diễn tả hết cho các bạn hiểu. Nhưng có một điều chắc chắn là, dù gian khổ, hiểm nguy thế nào, chúng tôi vẫn có niềm tin son sắt dành cho nhau"...
Đám cưới xong, hai người cùng trở lại chiến trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Năm 1974, bà Chung có quyết định ra Bắc. Hai năm sau đó, bà về công tác ở Xí nghiệp Gạch ngói Đông Triều, Quảng Ninh. Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, đơn vị của ông Quảng trở về đóng quân trên mảnh đất chiến lược Tây Nguyên, tham gia chống bọn phản động FULRO, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Tháng 9-1979, ông lại có mặt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hiếm khi ông được về phép, một mình bà chăm sóc mẹ chồng và xoay xở nuôi các con khôn lớn. Mãi đến năm 1984, ông chuyển về công tác tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), gia đình bà mới có điều kiện “thu về một mối”. Giờ đây, con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, vợ chồng bà ngày ngày cận kề sớm tối, cùng trân trọng lưu giữ những kỷ niệm vô giá ở Trường Sơn ngày ấy. Hai người vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, là tấm gương tiêu biểu ở khu dân cư.
PHẠM THU THỦY