Trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận cuối tháng 12-1972, Mỹ đã triệt để dùng thủ đoạn gây nhiễu để “bịt mắt” hệ thống ra đa của ta, tạo điều kiện cho B-52 “làm mưa làm gió”. Vậy nhưng, thực tế chiến đấu trong 12 ngày đêm đã cho thấy khả năng “vạch nhiễu tìm thù” hiệu quả của ta. Để có thể làm nên kỳ tích ấy, Bộ đội Phòng không- Không quân (PK-KQ) đã phải khổ công huấn luyện trong nhiều năm trước đó...
Bài 1: Đưa ra đa lên đỉnh Trường Sơn bắt tín hiệu mục tiêu của địch
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ có dịp phô trương và “thi thố” các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất, hiện đại nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới tính đến thời điểm lúc bấy giờ. Cùng với các loại máy bay, tên lửa, súng ống, đạn bom…, các phương tiện điện tử tân kỳ đã được đưa ra nhiều đến mức bản thân sự hoạt động của nó được coi như một cuộc chiến tranh riêng biệt- chiến tranh điện tử...
Tham vọng “bịt mắt ra đa Bắc Việt”
Với quan điểm coi chiến tranh điện tử là cứu cánh, là bùa hộ mệnh và là sự sống còn của các hoạt động không quân, Mỹ hy vọng phương thức chiến tranh vô hình này sẽ che giấu được toàn bộ các loại máy bay trinh sát, tiêm kích, cường kích, máy bay chiến thuật và máy bay chiến lược, đồng thời vô hiệu hóa tất cả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật của lực lượng PK-KQ Việt Nam để “làm mưa làm gió” trên chiến trường. Chính Lầu Năm Góc đã không cần giấu giếm khi tuyên bố rằng: “Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống ra đa của Bắc Việt; có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương”, để phi công của Mỹ tự do ném bom vào bất cứ chỗ nào trên lãnh thổ miền Bắc nước ta, nếu Mỹ muốn. Và khi đó các phi công Mỹ thực hiện các cuộc oanh kích như những cuộc dạo chơi trên bầu trời.
Lúc đầu Mỹ chủ yếu áp dụng biện pháp gây nhiễu ngoài đội hình, tức là dùng các loại máy bay chuyên dụng như EB-66, EC-121 được trang bị các loại máy móc điện tử bay ngoài đội hình máy bay đi trinh sát, oanh tạc gây nhiễu để các loại trinh sát, tiêm kích, cường kích lẻn vào trinh sát, đánh phá. Chúng ta đã nhanh chóng tìm cách đánh bại thủ đoạn này bằng cách nâng cao trình độ bám sát mục tiêu của các trắc thủ, đồng thời tận dụng triệt để thời cơ khi địch bị các lực lượng PK-KQ đánh trả mãnh liệt, các loại trinh sát, tiêm kích, cường kích bị bật ra khỏi cái “áo giáp điện tử” để phát hiện và tiêu diệt.
Bị thất bại, địch càng tăng cường các thủ đoạn gây nhiễu. Nhiệm vụ gây nhiễu không chỉ do các máy bay chuyên dụng thực hiện như thời gian đầu chiến tranh mà chính bản thân các máy bay đi ném bom đã được trang bị các thiết bị gây nhiễu để cùng với việc gây nhiễu ngoài đội hình tạo thành bức màn vô hình che mắt các loại ra đa, làm nhiễu loạn hệ thống thông tin vô tuyến của ta. Trên cơ sở hai loại nhiễu chủ yếu được áp dụng là nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực, địch đã thường xuyên cải tiến, nhất là nhiễu tích cực đã phát triển thành nhiều dạng, nhiều biện pháp kỹ thuật tinh vi như nhiễu xung trả lời, nhiễu tạp, nhiễu chặn, nhiễu ngắm, nhiễu quét, nhiễu ngụy trang, nhiễu rãnh đạn tên lửa... Cường độ gây nhiễu càng ngày càng mạnh, diện gây nhiễu càng ngày càng rộng, càng sâu, dải tần gây nhiễu tác động lên hầu hết dải tần của các loại ra đa, hệ thống thông tin vô tuyến của các lực lượng ra đa, tên lửa, không quân, cao xạ. Các thủ đoạn gây nhiễu của địch đã làm chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện mục tiêu, điều khiển tên lửa, dẫn đường cho không quân và ngắm bắn của cao xạ, phi công. Có trận địch lọt vào, đánh mục tiêu, đánh trận địa của ta nhưng ta không thể đánh trả và đánh chi viện cho nhau được do nhiễu quá nặng. Các loại nhiễu và thủ đoạn gây nhiễu của địch không chỉ làm biến dạng tín hiệu của máy bay khi phản xạ dội về màn sóng ra đa của ta; làm mất khả năng xác định mục tiêu, đội hình bay, số lượng mục tiêu trên màn hiện sóng; làm rối loạn thị giác, lóa mắt, gây căng thẳng cho các trắc thủ mà còn tạo những tín hiệu giả mục tiêu, tạo mục tiêu ảo để ngụy trang, nghi binh, che giấu đội hình máy bay thật. Một số trận tên lửa cứ bắn lên đạn lại tự hủy hoặc rơi xuống đất, không quân xuất kích nhưng không phát hiện được địch, dẫn đường mặt đất cũng bị nhiễu nên không hỗ trợ được phi công. Xót xa hơn, một số trận địch phóng tên lửa tự dẫn thụ động Sơ-rai, Xten-đơ làm hỏng khí tài, gây thương vong cho các trắc thủ ra-đa. Thậm chí có đơn vị tên lửa đánh tới gần mười trận mà máy bay địch không rơi do chưa hóa giải được các thủ đoạn nhiễu của địch, trong khi đó phương pháp đánh trong nhiễu của ta hiệu quả còn thấp. Có câu chuyện được bàn tán xôn xao lúc ấy là chuyện một Tiểu đoàn tên lửa đánh tới “24 điểm” vẫn chưa thành công. Số là trong tác chiến của bộ đội Tên lửa có một phương pháp đánh địch trong nhiễu gọi là phương pháp đánh ba điểm. Tiểu đoàn tên lửa 62 của Tiểu đoàn trưởng Hoàng Bát xin cấp trên đánh theo phương pháp ba điểm nhưng đánh tới tám trận vẫn chưa tiêu diệt được mục tiêu...
Đưa máy lên cao, vươn xa cánh sóng
Trong cuộc đấu trí cân não với tác chiến điện tử của địch, với chủ trương “đưa máy lên cao, vươn xa cánh sóng”, “vươn cánh sóng theo hướng chiến dịch”, “tiến sâu, ở lâu, trụ vững” để “vạch nhiễu tìm thù”, “tìm thù trong nhiễu”, Quân chủng PK-KQ đã đưa các đơn vị ra đa vào sâu chiến trường phía Nam, lên đỉnh Trường Sơn, bố trí đội hình tạo thành trường ra đa khép kín, kết hợp giữa ra đa truyền thống và thiết bị quang điện tử quan sát đêm, ngày và đo xa; huấn luyện cho trắc thủ thành thục các thao tác trong thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật đồng thời không ngừng nghiên cứu các thủ đoạn, trang thiết bị mới của địch để có biện pháp đối phó. Mặt khác, ta đã nghiên cứu và phát hiện những sơ hở của địch để khai thác triệt để. Trong khi gây nhiễu chủ động, địch chỉ tập trung trấn áp các tần số sóng ra đa của tên lửa và không quân mà bỏ qua không trấn áp các ra đa điều khiển cao xạ của ta, có thể chúng cho rằng các loại súng pháo phòng không không có khả năng đe dọa máy bay chiến lược B-52. Vì thế, ta đã sử dụng các loại ra đa này cung cấp số liệu để khẳng định mục tiêu B-52, nhất là trong phân biệt tín hiệu B-52 thật với tín hiệu B-52 giả và chống tên lửa Sơ-rai của địch. Chỉ bằng một biện pháp đơn giản ta đã giải quyết được một vấn đề nan giải mà kẻ địch đã phải dày công nghiên cứu để áp dụng.
Trong khi đó, các đơn vị ra đa luôn luôn tăng cường theo dõi, phát hiện các thủ đoạn của địch, một số đơn vị đã đã sử dụng các thiết bị trinh sát ra đa thu được các tín hiệu điều khiển của máy bay C-130 đối với máy bay không người lái khi nó vừa rời khỏi rãnh phóng của C-130 và tín hiệu ra đa do hàng không mẫu hạm phát hỗ trợ máy bay không người lái. Từ kết quả này ta đã biết trước triệu chứng máy bay không người lái chuẩn bị hoạt động và báo động sớm cho các lực lượng sẵn sàng đánh khi chúng bắt đầu vào đến bờ biển của ta. Thủ đoạn bay thấp khi chuẩn bị xâm nhập vào nội địa để tránh sự phát hiện của ra đa cảnh giới gần như bị vô hiệu hóa, vì vậy nhiều máy bay không người lái của địch đã bị tiêu diệt bởi cao xạ, tên lửa, không quân ngay từ khi bay vào không phận miền Bắc. Đặc biệt, ta đã sớm thành lập đội nhiễu, sau phát triển thành Tiểu đoàn nhiễu làm nhiệm vụ trinh sát điện tử, nghiên cứu, phân tích nhiễu và chống nhiễu. Trên bầu trời miền Bắc xuất hiện một loại hình trinh sát mới: trinh sát nhiễu. Các đơn vị trinh sát nhiễu đã thu thập các tần số gây nhiễu của địch, đo đạc các tham số của nhiễu rãnh đạn tên lửa để tìm ra nguyên nhân làm cơ sở cải tiến trang bị khí tài chống nhiễu rãnh đạn thành công. Để nghiên cứu cách đánh B-52, các đơn vị nhiễu đã cơ động vào chiến trường Nam Quân khu 4 nghiên cứu quy luật hoạt động nhiễu, thống kê phân tích các số liệu thu thập được để tìm ra quy luật hoạt động, nhất là thời điểm xuất hiện của B-52 để các lực lượng của ta chủ động đánh trả. Tiểu đoàn trưởng Phan Thu, kĩ sư La Văn Sàng đã trở thành “nhiếp ảnh gia” bất đắc dĩ khi đi khắp các đơn vị ra đa chụp ảnh các dải nhiễu trên màn hiện sóng. Ông La Văn Sàng có lần kể lại, việc chụp ảnh phong cảnh hoặc chân dung đối với các ông lúc đó cũng mới chỉ ở trình độ không chuyên, thế mà do nhiệm vụ đã chụp được ảnh nhiễu trên màn hình nhập nhòe, lúc sáng lúc tối. Lúc đầu quả là một thử thách lớn, tưởng như không thể làm nổi. Khó nhất là chụp ảnh nhiễu trên màn hình trong diễn biến các trận đánh. Trong các trận đánh, trắc thủ và các thành phần trong kíp chiến đấu luôn luôn tập trung cao độ cho nhiệm vụ. Họ làm việc trong một không gian chật hẹp nhưng bên cạnh luôn luôn có các “chuyên gia nhiễu” tìm cách chống nhiễu do địch gây ra nhưng cũng không phải là không làm “nhiễu” cho họ trong những giây phút căng thẳng. Và đương nhiên cả kíp chiến đấu và các “chuyên gia nhiễu” đều phải có mặt đương đầu với kẻ thù ở những nơi chiến sự diễn ra quyết liệt nhất, nguy hiểm nhất, sự hi sinh có thể đến bất cứ lúc nào.
Những ngày lăn lộn trên các chiến trường, các đơn vị trinh sát nhiễu đã chụp ảnh, thu thập và xác định được nhiều kiểu dạng nhiễu khác nhau, tên chúng được gọi theo hình dáng trên màn hiện sóng như: nhiễu quét, nhiễu râu, nhiễu giọt mưa, nhiễu xoắn thừng, nhiễu áo tơi, nhiễu mành mành, nhiễu hình cỏ may… Các tham số kỹ thuật của nhiễu thu được từ thực tiễn được phân tích trên cơ sở khoa học đã giúp cho việc đánh giá bản chất của các dạng nhiễu trên ra đa cũng như trên màn hiện sóng của tên lửa, góp phần vào việc chọn phương pháp thao tác của kíp trắc thủ để đánh địch trong điều kiện bị nhiễu nặng. Phương pháp đánh trong nhiễu của bộ đội Tên lửa ngày càng được hoàn thiện và có hiệu quả.
Chuẩn bị đối phó với âm mưu đánh lớn của địch vào miền Bắc, các đơn vị trinh sát nhiễu đã được đưa về phối thuộc với các đơn vị ra đa góp phần bổ trợ cho việc phát hiện sớm và chính xác các loại máy bay địch...
(Còn nữa)
NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN
(Báo Quân đội nhân dân, mục Quốc phòng – An ninh, số ra ngày 27/12/2017)