Ngày 13-1-1940, chiếc tiêm kích Yak-1 (tên ban đầu là I-26) đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Nó được mệnh danh là huyền thoại của không quân Xô viết, bởi từng được nhiều vị Anh hùng Liên Xô điều khiển.
Khi công bố cuộc thi chế tạo máy bay tiêm kích tầng cánh đơn cơ động tốc độ cao thế hệ mới, đơn xin tham gia của Phòng thiết kế Alexander Yakovlev, vốn hoạt động chủ yếu về máy bay thể thao, đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Thế nhưng, Tổng công trình sư Alexander Yakovlev đã quyết định nâng cấp chiếc Ya-7 thể thao của mình lên thành mẫu máy bay chiến đấu. Ngày 13-1-1940, phi công thử nghiệm Yulian Piontkovsky đã cất cánh trên chiếc máy bay này từ sân bay Trung tâm Moscow. Sau khi thực hiện được vài vòng, viên phi công đã tạm ngừng chuyến bay giữa chừng. Ông cho biết, nhiệt độ dầu tăng nhanh đã buộc ông phải hạ cánh sớm, dẫn đến hỏng động cơ. Tuy nhiên, phi công Piontkovsky đánh giá mẫu I-26 có chất lượng bay cao và khả năng vận hành dễ dàng.
Hình ảnh một chiếc tiêm kích Yak-1 của Hồng quân Liên Xô. Ảnh: V. Kunyaev / RIA Novosti.
Một nghiên cứu về nguyên nhân khiến động cơ nóng lên nhanh chóng đã cho thấy những sai sót. Theo đó, nguyên nhân là do sự vội vàng trong thiết kế và chế tạo nguyên mẫu, sau đó các lỗi sai sót này đã được khắc phục.
Tuy nhiên, chu kỳ thử nghiệm tiếp theo đã kết thúc trong thảm họa. Ngày 27-4-1940, trong lần xuất kích thứ 43, chiếc máy bay đã bị rơi khiến phi công Yulian Piontkovsky thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do lỗi của nhà máy sản xuất.
Nhưng Hồng quân Liên Xô khi đó cần những chiếc máy bay kiểu này đến nỗi họ được phép tiếp tục phát triển chiếc I-26. Hơn nữa, ngay đầu mùa xuân năm 1940, một mệnh lệnh được ban ra kèm theo chỉ thị không được đợi đến khi kết thúc các cuộc thử nghiệm, mà phải đưa máy bay này vào sản xuất hàng loạt với tên gọi Yak-1.
Vậy là chiếc đầu tiên đã được xuất xưởng vào ngày 22-3-1940. Trong khi công tác tinh chỉnh chiếc tiêm kích vẫn tiếp tục được tiến hành. Theo đó, từ ngày 1-2 đến ngày 1-10, người ta đã thực hiện 306 thay đổi về thiết kế chiếc máy bay.
Ngày 7-11-1940, năm máy bay chiến đấu (vẫn được đặt tên là I-26) cùng một chiếc I-26 phiên bản thứ 3 đã tham gia cuộc duyệt binh trên không. Để gây ấn tượng mạnh hơn, chúng đã bay qua Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow với tốc độ tối đa.
Vấn đề liên quan đến vũ khí trên máy bay đã sớm được giải quyết. Theo đó, chiếc tiêm kích được trang bị một khẩu pháo ShVAK cỡ nòng 20mm và hai súng máy hạng nặng Berezin. Trong khi đó, việc lắp đặt một động cơ mạnh mẽ hơn cho phép máy bay đạt tốc độ lên tới 632 km/giờ.
Ba nữ phi công của Trung đoàn máy bay tiêm kích số 586 bên chiếc Yak-1. Từ trái sang phải: Lilya Litvyak, Katya Budanova, Masha Kuznetsova. Ảnh: RIA Novosti.
Vào đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, có 425 chiếc Yak-1 đã được biên chế trong các đơn vị không quân của Hồng quân Liên Xô. Chính trong những năm chiến tranh, những đặc tính tốt nhất của loại máy bay chiến đấu này đã được bộc lộ, khiến Yak-1 trở thành mẫu máy bay thực sự thông dụng.
Những ưu điểm của nó cũng được 50 vị Anh hùng Liên Xô, những người đã lập nhiều chiến công trên chiếc tiêm kích này, đánh giá cao. Trong đó có các phi công huyền thoại như Sultan Akhmet Khan, Mikhail Devyatayev, Alexey Maresyev, Alexander Pokryshkin, Evgeny Savitsky và những người khác.
Tham gia chiến đấu trên chiếc Yak-1 còn có các phi công của phi đội Pháp “Normandie-Niemen”, cũng như các nữ phi công của Trung đoàn máy bay tiêm kích số 586 (Trung đoàn không quân nữ duy nhất của Liên Xô).
Tổng cộng có hơn 8.700 chiếc tiêm kích Yak-1 được chế tạo trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Trên cơ sở mẫu máy bay này, những mô hình khác đã được phát triển và cũng cho thấy chất lượng tốt.
Những chiếc tiêm kích Yak-1 tiếp tục phục vụ trong Lực lượng không quân Liên Xô cho đến năm 1950, khi kỷ nguyên của máy bay phản lực bắt đầu.
QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)