"Ba tôi là một vị tướng dày dạn trên chiến trường, trong cuộc sống ít khi biểu lộ cảm xúc trước các con. Nhưng tôi luôn cảm nhận ở ông tình yêu thương vô bờ bến với gia đình”, anh Hoàng Nam Tiến-con trai út của Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng và bà Nguyễn Thị An Vinh nói.
“Mua xe đạp cho em và may áo cho các con”
Anh Hoàng Nam Tiến (hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty FPT Telecom-Tập đoàn FPT) mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng tin vui: “Tôi đang biên soạn cuốn sách về ba mẹ, trong đó tập hợp những bức thư ba gửi cho mẹ suốt những năm tháng chiến tranh, cùng với lời kể của mình”.
Qua lời kể của anh và những thông tin trong bản thảo cuốn sách, câu chuyện về Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ dần hiện lên rõ ràng, sống động. Anh Nam Tiến cho biết: “Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nghi Lộc, Nghệ An. Lên 8 tuổi đã phải đi ở đợ, làm con sen cho nhà chồng bác Phượng-chị ruột của ba tôi. Sau Cách mạng Tháng Tám, dù mang thân phận người ở nhưng mẹ tôi vẫn được gia đình bác Phượng cho đi học với tư tưởng “để các con lấy đó làm gương mà phấn đấu”. Không phụ sự tin tưởng và kỳ vọng ấy, mẹ học giỏi và được gia đình bác yêu thương, quý mến. Vì thế mà khi mẹ đến tuổi thiếu nữ (16 tuổi), bác “nhắm” mẹ cho ba, khi ấy 21 tuổi, đã làm đến chức vụ tiểu đoàn trưởng”.
Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ, bà Nguyễn Thị An Vinh những năm 70 của thế kỷ trước. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Hai người gặp gỡ, làm quen và nhanh chóng có cảm tình với nhau theo sự sắp xếp của gia đình. Đám hỏi diễn ra chóng vánh trong một đêm năm 1953, khi ông Hoàng Đan chuẩn bị đi Chiến dịch Thượng Lào. Hai bên gặp nhau, cũng chẳng có lễ lạt gì ngoài một nồi cháo gà. Hai người không nói, chỉ nhìn nhau ngầm hẹn. Và ông Hoàng Đan đi. “Mãi sau này, khi đã thành vợ chồng, ba tôi vẫn hay trêu mẹ là “chưa hỏi đã đồng ý” vì ba đẹp trai, lại giỏi, còn mẹ cũng trêu lại là “ông cưới vợ không một bát nước lã”-anh Nam Tiến hóm hỉnh.
Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Hoàng Đan kể lại chi tiết lễ cưới có sự giúp đỡ không nhỏ của cơ quan vợ ở Lạng Sơn. Nhưng chi tiết nhiều người chưa biết mà Thiếu tướng Hoàng Đan không tiết lộ là để cưới được vợ, ông đã phải đạp xe từ Điện Biên về Nghi Lộc, Nghệ An. Đến nơi, biết tin bà đã nhận công tác ở Lạng Sơn, ông phải đạp xe ngược trở lại.
Trước Hoàng Nam Tiến, vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Đan có hai người con là Hoàng An, sinh năm 1958 và Hoàng Xuân Hồng, sinh năm 1960. Ký ức tuổi thơ trong anh Hoàng Nam Tiến là những cuộc ra đi rất vội vã của cha: “Chỉ 15 phút sau một cuộc điện thoại, hoặc có đồng chí nào đến đón, ba xếp vội vài bộ quần áo và cứ vậy lên đường”.
Anh Hoàng Nam Tiến kể: “Năm 1972, khi ba ra Bắc và chuẩn bị quay vào để tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị, cả nhà đã đi tiễn ba. Khi ấy, ba là Thượng tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304B, còn tôi mới 3 tuổi. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe com-măng-ca đít tròn, ông nội bế tôi, còn ba mẹ ngồi bên nhau nhưng đều không nói gì. Là vợ bộ đội, mẹ tôi hiểu hơn ai hết, mỗi lần ba đi chiến trường là mỗi lần ông có thể không bao giờ trở về nữa. Nhưng tôi nhớ rằng, mẹ chưa bao giờ biểu hiện cảm xúc bi quan hay chán nản. Còn ba, trong những lá thư gửi ra từ chiến trường, ông cũng không bao giờ tỏ ra bi lụy, thậm chí còn lạc quan, lãng mạn”.
Kể rồi, anh Hoàng Nam Tiến đọc cho chúng tôi nghe những trang thư ấy: “Vợ chồng nào cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau, nhớ nhau nhất...”; “Đã từng yêu sôi nổi như khi chưa cưới, yêu sâu sắc từ những ngày mới cưới và yêu thầm lặng như sau lúc có con. Bây giờ thì tình yêu đã thành tự nhiên rồi... Lúc nào cũng nghĩ đến vợ, thương vợ nhiều, thương vợ phải xa chồng nhiều, không có chồng thường xuyên săn sóc...” và hẹn với vợ: “Chúng ta tạm xa nhau để vì hạnh phúc chung của nhân dân. Trong đó có hạnh phúc riêng của chúng ta cùng con cái”.
Bà Nguyễn Thị An Vinh ngày trẻ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Dù trên cương vị là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304B chỉ huy đánh “gần 200 trận, diệt hơn 1 vạn địch”, hay lúc là Phó tư lệnh Quân đoàn 2, thì ông vẫn là người chồng, người cha luôn dành sự quan tâm, chăm chút đến gia đình. Ngày ấy, lương của ông được 140 đồng. Dường như những chi tiêu cho cá nhân ông đều dè sẻn hết sức có thể, còn lại để dành cho vợ con. Trong một bức thư gửi cho vợ trước ngày vào Nam chiến đấu năm 1967, ông dặn dò đã chuẩn bị đầy đủ mọi việc cho vợ con ở nhà, trong đó có việc bà phải mua xe đạp và đồng hồ cho mình, may áo cho các con...
Đọc những bức thư ông Hoàng Đan gửi về cho vợ từ chiến trường mới thấy, ngoài việc nhà binh thì ông luôn dành cho gia đình, đặc biệt là các con những quan tâm lặng thầm và trách nhiệm. Như có lần ông tâm sự với vợ khi bày tỏ quan điểm về cách giáo dục con cái: “Không phải anh không thương các con như em, nhưng chúng ta biểu lộ tình thương mỗi người một khác”. Còn từ cảm nhận của mình, anh Hoàng Nam Tiến khẳng định: “Những gì tốt nhất, ba đều dành cho vợ con!”.
Tấm gương cho con cháu
Đối với anh Hoàng Nam Tiến, ba mẹ là nguồn động lực để con cháu phấn đấu noi theo: “Ba là một người chỉ huy trí dũng trên chiến trường, cũng là một trí thức nên luôn ủng hộ mẹ đi học và phát triển sự nghiệp. Còn mẹ là minh chứng cho ý chí tự học và thay đổi bản thân quyết liệt. Những năm 1960-1964, khi ba đi học ở Học viện Quân sự Frunze (Liên Xô) thì ở nhà mẹ cũng dắt hai con theo để... đi học cấp 3. Một tay dắt con trai, một tay bế con gái nhỏ, vừa dỗ con, vừa học bài. Vậy mà mẹ cũng học hết cấp 3, rồi học lên đại học”. Thời điểm ấy, bà Nguyễn Thị An Vinh đã được bầu là đại biểu Quốc hội, là Cửa hàng trưởng Cửa hàng Bách hóa số 5 Nam Bộ-một trong những cửa hàng bách hóa lớn vào bậc nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Trong trí nhớ của anh Hoàng Nam Tiến, đối với các con, Thiếu tướng Hoàng Đan chưa bao giờ áp đặt hay giáo dục bằng những lý luận kinh viện, sách vở. Ông truyền dạy cho các con bằng trải nghiệm thực tế của bản thân. Từ lúc 3 tuổi đến 13 tuổi, vào dịp hè, anh Tiến đều được theo ba lên đơn vị của ông, học nuôi gà, trồng khoai, sắn... Ba anh không kể về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường cho các con. Thay vào đó, những dịp đặc biệt, ông đưa cả gia đình đi thăm lại những nơi mình từng chiến đấu. “Cha tôi rất nghiêm khắc và cứng rắn, hiếm khi ông để lộ cảm xúc của mình. Tôi nhớ, ngày ông nội mất, ông cũng không khóc. Vậy mà vào mùa hè năm ấy, ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, trước mộ một người lính của mình, tôi thấy vai ông run lên. Giọt nước mắt của ông đã khiến cậu bé con là tôi dần hiểu ý nghĩa của độc lập, tự do, của chiến thắng, hòa bình, hiểu thế nào là mất mát, đau thương...”-anh Hoàng Nam Tiến bộc bạch.
Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ kỷ niệm về ba mẹ mình. Ảnh: KHÁNH AN
Tất cả những điều ý nghĩa trên đã theo anh Hoàng Nam Tiến suốt thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành, và cho tới bây giờ, khi anh đang thực hiện ước mơ tạo điều kiện cho 30.000 người trẻ Việt Nam mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu ở Tập đoàn FPT. Tới đây, anh chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách tập hợp những bức thư và câu chuyện về cuộc đời ba mẹ mình. Anh mong muốn viết tiếp ước mơ của ba mẹ, mang đến một cách tiếp cận gần gũi về lịch sử, giúp tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh nhân dân, về một thế hệ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.
PHẠM MINH THẢO