Trên cơ sở khẳng định máy bay B-52 vào đánh Hà Nội từ hai hướng tây nam và đông nam, được sự đồng ý của Bộ Tổng tư lệnh, tháng 11-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân điều động Trung đoàn 291 (Sư đoàn 361) với những cán bộ, trắc thủ ra-đa dày dạn kinh nghiệm, hành quân cơ động từ Hải Phòng vào Nghệ An.
Nhiệm vụ của trung đoàn là đồng thời với cảnh giới, bảo đảm tác chiến phòng không trong khu vực, còn phải phát hiện máy bay B-52 để báo động từ xa cho Hà Nội, Hải Phòng. Đây là lần đầu tiên quân chủng thực hành cơ động đội hình ra-đa làm nhiệm vụ chống nhiễu cấp chiến dịch bảo đảm tác chiến phòng không đánh máy bay B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng.
Kíp trắc thủ ra-đa Đại đội 45 (Trung đoàn 291) trao đổi kinh nghiệm phát hiện máy bay B-52 trong điều kiện nhiễu mạnh. Ảnh tư liệu
Nhờ điều động lực lượng kịp thời, các đơn vị ra-đa của Trung đoàn 291 đã chiếm lĩnh các trận địa, tổ chức trực ban chặt chẽ, có kế hoạch mở máy tăng cường kịp thời, hết sức đề phòng máy bay B-52. Lúc 18 giờ 15 phút ngày 18-12-1972, các đơn vị ra-đa của Trung đoàn 291 đang mở máy đều bị nhiễu tích cực và cường độ tăng rất nhanh. 19 giờ 10 phút, Đại đội 16 và Đại đội 45 bố trí ở Nghệ An đã phát hiện được nhiễu và các tốp máy bay B-52 từ Thái Lan bay vào vùng trời miền Bắc. Lập tức, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân ra lệnh cho các lực lượng hỏa lực chuẩn bị đánh máy bay B-52, bảo vệ Hà Nội. Như vậy, ta đã phát hiện được máy bay B-52 của địch đánh vào Hà Nội và báo động sớm hơn 35 phút. Trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, bộ đội ra-đa luôn phát hiện máy bay B-52 sớm từ 40 phút đến 60 phút.
Cùng với đó, Bộ tư lệnh Binh chủng Ra-đa còn được bổ sung lực lượng, phương tiện và điều chỉnh đội hình mạng ra-đa trên miền Bắc tạo thành trường ra-đa khép kín, có độ tin cậy cao, vừa có khả năng chống nhiễu tốt, vừa bảo đảm phát hiện liên tục mục tiêu trên các tầng không. Đội hình chiến đấu được bố trí kết hợp chặt chẽ giữa tuyến và cụm, tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, khu vực chủ yếu; có cụm chốt, đơn vị chốt mạnh; xen kẽ giữa máy cũ và máy mới, giữa khí tài thô sơ với khí tài hiện đại, giữa các đài ra-đa có dải tần khác nhau, giữa đài ra-đa với vọng quan sát mắt. Như vậy, đội hình ra-đa trên miền Bắc được bố trí tối ưu, khoa học, vừa có khả năng phát hiện địch từ phía chính diện, vừa có lực lượng phát hiện từ phía cạnh sườn và từ phía sau.
Thực hiện phương án tác chiến của quân chủng, Bộ tư lệnh Binh chủng Không quân đã hiệp đồng với Bộ tư lệnh Binh chủng Ra-đa cơ động Đại đội ra-đa dẫn đường 26 và tổ sĩ quan dẫn đường, khí tài thông tin đối không từ Hà Nội vào Cẩm Thủy (Thanh Hóa); tăng cường tổ sĩ quan dẫn đường lên với Đại đội dẫn đường 22 ở Mộc Châu. Các đại đội ra-đa dẫn đường này cùng với các đại đội ra-đa dẫn đường ở khu vực Hà Nội (50, 52, 43…) tạo thành mạng ra-đa dẫn đường ở vòng ngoài, kết hợp với mạng ra-đa ở vòng trong, làm tăng khả năng chống nhiễu để bảo đảm dẫn đường cho không quân đánh máy bay B-52. Với mạng ra-đa dẫn đường có tính chất chiến dịch này, bộ đội ra-đa đã chống nhiễu tốt, bảo đảm cho bộ đội không quân với máy bay MiG-21 bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52 của Mỹ vào các ngày 27 và 28-12-1972.
NGUYỄN XUÂN GIANG
(ghi theo lời kể của Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng ra-đa Đại đội 45, Trung đoàn Ra-đa 291)
(Báo Quân đội nhân dân, mục Quốc phòng – An ninh, số ra ngày 16/12/2017)