R
a khỏi cơ thể người, trứng lãi đũa bỗng co rúm lại vì bị chói nắng (vì thế mà vỏ trứng lãi đũa bao giờ cũng nhăn nheo)… Rồi một trận mưa rào đổ ập đến, kéo trứng lãi trôi phăng đi. Hốt hoảng, trứng lãi cố nhoài mình bám chặt vào một nhánh lá rau đang đong đưa trước gió. Trứng lãi bám rất chắc vì sợ một trận mưa nữa lôi đi thì nguy mất!
Chẳng bao lâu, bên trong cái vỏ đã loi nhoi một con lãi đũa con mới nở. Nó được đặt cho một cái tên khá thi vị: ấu trùng!
Một hôm, ấu trùng (vẫn nằm cuộn mình trong vỏ trứng) bị nhấc bổng lên làm chú khiếp vía, càng bám chặt vào lá rau cho khỏi té. Thì ra chú bị mang ra chợ bán cùng với lá rau chú đang trú ngụ. Chú nghĩ có lẽ đây chỉ là một sự nhầm lẫn thôi chứ người ta không cố ý đem chú đi bán. Tuy vậy, chú cũng hồi hộp hết sức vì sợ người ta cho vào nồi nước sôi. Nhưng may quá, vì là một loại rau ăn sống nên chỉ được rửa qua loa rồi dọn lên bàn ăn!
Ấu trùng chưa kịp nghĩ ngợi gì nhiều thì đã bị ai đó nuốt tọt vào dạ dày. Tiếp đó, ấu trùng bị đẩy xuống ruột non. Ở đây, khí hậu nóng ấm, chú vội vàng chui ra khỏi vỏ. Chú ngỡ ngàng một chút trước khung cảnh lạ. Và rồi như có di truyền một dòng máu giang hồ trong người, chú lập tức làm ngay một cuộc phiêu lưu mới, thăm dò nơi ăn chốn ở. Chú vượt qua thành ruột non, theo dòng máu tĩnh mạch đến gan.
Vượt gan, chú bơi một mạch lên phổi. Sau một cuộc hành trình dài đầy mệt mỏi và hứng thú, chú trông rắn rỏi hẳn lên. Gặp không khí tốt lành ở phổi, chú quyết định ở lại đó nghỉ ngơi một thời gian. Chỉ trong ba tuần lễ, chú đã thay đổi hẳn: lớn ra, trông bảnh trai không thua bất cứ một con lãi đũa nào khác!
Thế rồi, tiếp tục cuộc hành trình, chú chui vào cuống phổi, leo đến tận cổ họng của “khổ chủ” để được một lần nữa, nuốt tọt vào dạ dày. Sau một cuộc du lịch kỳ thú như thế, nay chú nghiễm nhiên là một chú lãi đũa trưởng thành ở ruột non. Không còn ai dám gọi chú bằng cái tên “ấu trùng” như xưa kia nữa. Chú bèn lập gia đình và tiếp tục đẻ mỗi ngày hai trăm ngàn trứng lãi.
Ra khỏi cơ thể người, trứng lãi đũa bỗng co rúm lại vì bị chói nắng…
Như vậy đó, lãi đũa đã đi “chu du” trong cơ thể của chúng ta. Cuộc du lịch rất thú vị đối với chúng, nhưng đối với ta thì chẳng “khoái” tí nào. Thời gian ba tuần lễ lãi con ở phổi làm cho ta bị nóng sốt, ho hen, khó thở. Và thời gian lãi ở ruột thì ta luôn bị đau bụng, ói mửa, gầy còm, xanh xao vì chúng đã hút mất khá nhiều chất bổ dưỡng của ta. Thỉnh thoảng, có chú lãi đũa tinh nghịch còn chui vào ống dẫn mật, vào ruột thừa, hay ôm nhau khiêu vũ thành từng cuộn lãi to gây nghẹt ống mật, tắc ruột…
Để cơ thể ta không trở thành nơi “lý tưởng” cho lãi du lịch, ta phải giữ vệ sinh tốt. Rửa tay trước mỗi bữa ăn, cắt sạch móng tay. Không ăn rau cải sống sít, rửa không kỹ. Không đi tiêu bừa bãi ngoài đồng… Nhưng nếu rủi chúng đã lọt vào cơ thể ta, thầy thuốc cũng sẽ giúp ta trục xuất chúng ra bằng các loại thuốc xổ lãi… Hột bí (bí ngô, bí rợ) cũng chữa được lãi. Rang hột bí, ăn chừng nửa chén cũng đủ hết lãi!