“N
gày xưa… có một chú voi con…”. Câu chuyện cháu biết rồi đó. Chú voi con tinh nghịch, đánh nhau với cá sấu, bị cá sấu ngoạm lấy cái mũi của chú kéo xuống nước, chú ráng sức kéo lên. Giằng co mãi, sau cùng chú voi thắng cuộc, nhưng từ đó loài voi có cái mũi dài ngoằng ra thành một cái vòi…
Nhiều cháu bé cũng có… vòi như voi ấy, nghĩa là mũi cứ lòng thòng, đặc quánh làm cho bé không thở được bằng mũi, phải há miệng để thở, lâu ngày răng hô ra và lồng ngực dẹp lại, không phát triển được.
Cái mũi, dĩ nhiên là dùng để… thở. Ta cũng có thể thở bằng miệng, nhưng miệng chỉ để dành “sơ cua” khi cần thiết, vì thở bằng miệng không tốt như thở bằng mũi. Mũi giúp ta thở nhẹ mà sâu. Thử bịt mũi rồi thở miệng xem. Rõ ràng là chỉ hời hợt phơn phớt bên ngoài, không sâu tận đáy phổi được.
Lâu ngày, phần đáy phổi ít dùng tới sẽ bị xẹp xuống làm “ổ” cho vi trùng lao nữa!
Mũi chúng ta được trang bị khá tốt: Lông mũi dùng làm chổi quét bụi khói, nhất là ở thành phố nhiều khói bụi, ít cây xanh. Lông mũi có bổn phận chặn bụi từ bên ngoài… tạo thành “cứt mũi”.
Niêm mạc mũi có nhiều mạch máu, sưởi ấm và làm ẩm không khí trước khi không khí đi vào phổi.
Khi trời lạnh đột ngột, niêm mạc mũi phồng lên để… nhanh chóng sưởi ấm không khí, nhưng phồng to quá lại làm ta bị nghẹt mũi!
Xuất tiết gia tăng, làm ta bị chảy nước mũi.
Có người quá nhạy cảm còn ách xì lia lịa, rồi tưởng có ai đó nhắc mình!
Hai bên mũi còn có xoang mũi giúp cho sự phát âm được tốt.
Khi nghẹt mũi, xoang bị bít lại, ta nói bằng “giọng mũi” nghe rất lạ tai.
Đừng lạm dụng thuốc nhỏ mũi. Thuốc sẽ làm co mạch máu ở mũi, làm bớt nghẹt nhưng sau đó lại phồng to hơn.
Về sau sẽ bị viêm mũi do thuốc.
Niêm mạc mũi hư đi mà lông thì rụng hết!
Nên thở bằng mũi, thở sâu, đều và nhẹ nhàng.