Theo cuốn Origin of Species (Nguồn gốc của muôn loài) của Darwin, giống loài còn tồn tại không phải giống loài thông minh nhất, cũng không phải giống loài mạnh mẽ nhất, mà là loài có khả năng thích nghi và điều chỉnh tốt nhất với sự thay đổi của môi trường nơi nó sinh sống.
- Leon C. Megginson
PHẦN MỘT
Chương một
Ngày 13 tháng Ba năm 2020
Hồi mới lên sáu, tôi đã tự tay vẽ nên một khoảng trời. Cha tôi làm nghề tu bổ di
tích, một trong số ít người đã tham gia vào việc trùng tu bức bích họa chiêm tinh trên trần sảnh chính của nhà ga Grand Central - một mảng trời màu thiên thanh giăng đầy những chòm sao lung linh. Mặc dù đêm đã khuya, đã quá giờ đi ngủ của tôi từ lâu, nhưng cha vẫn đưa tôi tới chỗ làm vì mẹ tôi - như thường lệ - không có nhà.
Ông đỡ tôi leo từng bước lên giàn giáo, và tôi ngồi đó quan sát ông làm việc với mảng sơn màu lam ngọc đã được làm sạch. Tôi ngước nhìn lên những vì sao đại diện cho sự vấy bẩn của dải Ngân hà1, đôi cánh vàng của chòm Phi Mã, cây chùy đang giương cao của chòm Lạp Hộ, hai con cá bơi ngược nhau của chòm Song Ngư. Cha bảo tôi rằng bức tranh tường nguyên bản được vẽ vào năm 1913. Nhưng vì nước thấm dột từ mái nhà đã làm hỏng lớp thạch cao và đến năm 1944, người ta đã phỏng lại bức họa trên một lớp ván gắn liền với mái vòm. Kế hoạch ban đầu là dỡ bỏ các tấm ván để tiến hành trùng tu, nhưng do chúng có chứa amiang nên đội tu bổ quyết định giữ nguyên trạng, chỉ dùng tăm bông và dung dịch tẩy rửa để loại bỏ lớp bụi bẩn dày hàng thập kỷ.
Chú thích:
1 Theo thần thoại Hy Lạp, để giúp Hercules được bất tử, thần Zeus đã lén cho cậu bé bú sữa Hera khi nữ thần đang say ngủ. Khi Hera tỉnh dậy, nữ thần đã gạt mạnh Hercules ra, khiến dòng sữa bắn ra và tạo thành dải Ngân hà.
Họ đã vén lên bức màn quá khứ. Những chữ ký, trò đùa và ghi chú được các nghệ sĩ vẽ ẩn vào trong bức tranh, những thứ vốn được giấu sau các chòm sao, đã được hé lộ. Có cả những ngày kỷ niệm đám cưới và ngày kết thúc của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có cả tên của những người lính. Ngày ra đời của một cặp sinh đôi cũng được ghi lại gần chòm Song Tử.
Các nghệ sĩ gốc đã mắc lỗi và khiến những chòm sao trong tranh bị đảo ngược so với hình dáng của chúng trên bầu trời đêm. Tuy nhiên, thay vì sửa lại, cha tôi lại tỉ mỉ trùng tu để khiến nó trở nên rõ ràng hơn. Đêm đó, ông đang làm việc với một khoảng trời nhỏ hình vuông với những ngôi sao mạ vàng. Ông chấm keo lên từng đốm nhỏ màu vàng, sau đó quét lên nó một lá vàng mỏng manh như hơi thở. Rồi ông quay sang tôi. “Diana,” ông nói và đưa tay ra. Tôi leo lên đứng trước mặt ông, được bao bọc an toàn trong vòng tay cha. Ông đưa cho tôi một cây cọ để quét qua những mảnh giấy bạc nhằm đưa chúng vào đúng vị trí. Ông chỉ cho tôi cách dùng ngón cái chà nhẹ qua chúng để loại bỏ tất cả những phần thừa khỏi dải Ngân hà mà ông vừa vẽ.
Khi toàn bộ công việc hoàn tất, đội tu bổ đã giữ lại một mảng nhỏ ở góc phía Tây Bắc của nhà ga Grand Central, nơi khoảng trần màu lam nhạt giao với bức tường đá cẩm thạch. Họ đã cố ý bỏ lại phần diện tích 9 x 5 inch1 này. Cha bảo tôi rằng họ làm vậy để phòng khi các nhà sử học cần nghiên cứu cấu trúc gốc. Cách duy nhất để biết mình đã đi được bao xa là biết mình đã bắt đầu từ đâu.
Chú thích:
1 1 inch ~ 2,54 cm
Mỗi khi tới nhà ga Grand Central, tôi đều nhớ về cha. Về cách chúng tôi rời đi trong đêm đó, tay trong tay, lòng bàn tay lấp lánh như thể chúng tôi đã hái trộm những vì sao.
***
Hôm nay là thứ Sáu ngày 13, vậy nên đáng ra tôi không nên cảm thấy ngạc nhiên khi gặp xui xẻo. Đi từ Sotheby’s ở Upper East Side đến The Ansonia ở Upper West Side đồng nghĩa với việc phải đi chuyến tàu Q đến Quảng trường Thời đại và sau đó quay về khu phố 1, nghĩa là tôi buộc phải đi ngược đường trước khi trở về lối đúng.
Tôi ghét việc đi ngược đường.
Thường thì tôi sẽ đi bộ ngang qua công viên Trung tâm, nhưng tôi đang đi một đôi giày mới và nó tì vào vết rộp ở gót chân tôi, tôi sẽ chẳng bao giờ chọn đi đôi giày này nếu biết mình sẽ được Kitomi Ito gọi. Vậy nên tôi đành phải sử dụng phương tiện công cộng. Nhưng có điều gì đó không ổn, và phải mất một lúc tôi mới nhận ra.
Nó thật tĩnh lặng. Thường thì tôi sẽ phải chen lấn xô đẩy để lách qua đám khách du lịch đang nghe một ca sĩ hát rong hoặc một tứ tấu vĩ cầm nào đó. Tuy nhiên, hôm nay sân ga hoàn toàn vắng bóng người.
Tối qua các rạp hát tại Broadway đã quyết định tạm dừng biểu diễn trong một tháng sau khi có một nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid, một hành động thận trọng quá mức. Dù sao thì đó cũng là ý kiến của Finn - bệnh viện NewYork - Presbyterian, nơi anh đang làm việc, chẳng hề xuất hiện cảnh vô số bệnh nhân nhiễm virus Corona lũ lượt nhập viện như bang ở Washington, Ý và Pháp. Khi chúng tôi xem bản tin vào tối qua, Finn bảo tôi rằng cả thành phố mới chỉ có mười chín ca bệnh khi tôi vừa buột miệng hỏi xem liệu chúng ta có nên bắt đầu hoảng sợ hay không. “Hãy nhớ rửa tay và đừng chạm vào mặt là được,” anh bảo tôi. “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.”
Ga tàu điện ngầm ở khu trung tâm hầu như cũng vắng bóng người. Tôi xuống tàu ở ga 72 và khi lên trên mặt đất, chớp mắt như một chú chuột chũi và bước đi như một người New York vội vã. The Ansonia, với dáng vẻ huy hoàng lộng lẫy, vươn mình lên như một vị thần đèn giận dữ, kiêu hãnh nhô phần cằm xây theo phong cách Beaux Arts lên bầu trời. Trong một thoáng, tôi chỉ đứng trên vỉa hè, ngước nhìn lên phần mái mansard và cách nó lười biếng vươn mình từ phố 73 đến phố 74. Có một cửa hàng North Face và một cửa hàng American Apparel ở phía dưới, nhưng không phải lúc nào nó trông cũng sang trọng như vậy đâu. Kitomi bảo tôi rằng khi bà ấy và Sam Pride chuyển đến đây vào những năm 1970, tòa nhà này ngập tràn những cơ sở tâm linh, thậm chí có một câu lạc bộ giải trí dành cho người lớn với một căn phòng thác loạn cùng quầy bar mở và tiệc buffet. Sam và tôi, bà ấy nói, sẽ ghé qua đây ít nhất một lần mỗi tuần.
Tôi không được chứng kiến cảnh Sam thành lập ban nhạc The Nightjars cùng người đồng sáng tác của ông, William Punt, và hai người bạn học ở Slough, Anh Quốc. Hay khi album đầu tiên của họ trụ lại ba mươi tuần trên bảng xếp hạng Billboard, hoặc khi bộ tứ người Anh này tham gia The Ed Sullivan Show và khiến các cô gái Mỹ phải reo hò cuồng nhiệt. Cũng không phải khi Sam kết hôn với Kitomi Ito mười năm sau hay khi ban nhạc tan rã, vài tháng sau khi album cuối cùng của họ được phát hành với ảnh bìa là hình Kitomi và Sam đang khỏa thân, mô phỏng lại các nhân vật trong bức tranh treo sau giường. Và tôi cũng không được chứng kiến cảnh Sam bị sát hại ba năm sau, trên bậc thềm của chính tòa nhà này, bị một gã tâm thần đâm vào cổ họng, kẻ đã nhận ra ông từ bìa album mang tính biểu tượng đó.
Nhưng giống như mọi người trên hành tinh này, tôi biết toàn bộ những chuyện đó.
Người gác cửa ở The Ansonia lịch sự mỉm cười với tôi. Nhân viên lễ tân tiền sảnh ngẩng đầu lên khi tôi đến gần. “Tôi đến để gặp Kitomi Ito,” tôi lạnh lùng nói, đẩy bằng lái xe qua bàn về phía cô ta.
“Bà ấy đang đợi cô,” người lễ tân đáp. “Tầng...”
“Mười tám. Tôi biết mà.”
Có rất nhiều người nổi tiếng sống ở The Ansonia - từ Babe Ruth, Theodore Dreiser, Toscanini đến Natalie Portman - nhưng có thể nói Kitomi và Sam Pride là những người nổi tiếng nhất. Nếu chồng tôi bị sát hại trên bậc thềm của chính tòa chung cư nơi tôi đang sống thì có lẽ tôi sẽ không ở lại đó thêm ba mươi năm nữa, nhưng đó chỉ là quan điểm của tôi mà thôi. Dù sao thì cuối cùng Kitomi cũng đã quyết định chuyển đi, đó là lý do khiến góa phụ nhạc rock lừng danh toàn cầu lưu số điện thoại của tôi.
Đời mình ra sao rồi nhỉ, tôi nghĩ vậy khi tựa vào bức tường phía sau thang máy.
Khi tôi còn nhỏ và mọi người hỏi xem tôi muốn làm gì khi lớn lên, tôi đã lập cả một bản kế hoạch. Tôi muốn có một sự nghiệp vững chắc, kết hôn ở tuổi ba mươi và đến năm ba mươi lăm tuổi thì sinh con. Tôi muốn nói nhuần nhuyễn tiếng Pháp và lái xe xuyên nước Mỹ trên cao tốc 66. Cha tôi đã cười nhạo danh sách của tôi. Đúng là mẹ nào con nấy, ông đã bảo tôi như vậy.
Tôi không xem đó là một lời khen.
Dù sao thì cũng cần lưu ý rằng cuộc đời tôi vẫn đang hoàn toàn theo đúng kế hoạch. Tôi là chuyên viên cộng sự tại Sotheby’s - Sotheby’s cơ đấy! - và Eva, sếp của tôi, đã ám chỉ rất rõ ràng rằng sau buổi đấu giá bức họa của Kitomi, tôi có thể sẽ được thăng chức. Tôi vẫn chưa đính hôn, nhưng khi dùng hết những đôi tất sạch vào cuối tuần trước và đành phải mượn tạm một đôi của Finn, tôi đã thấy một chiếc nhẫn được giấu sau ngăn kéo để quần áo mặc ở nhà của anh ấy. Ngày mai chúng tôi sẽ đi du lịch và Finn hẳn sẽ ngỏ lời ở đó. Tôi chắc chắn về điều đó đến mức hôm nay tôi quyết định đi làm móng tay thay vì ăn trưa.
Và năm nay tôi hai mươi chín tuổi.
Cửa thang máy mở thẳng ra tiền sảnh văn phòng của Kitomi, với những ô vuông bằng đá cẩm thạch đen trắng như một bàn cờ khổng lồ. Bà ấy bước ra hành lang, mặc quần jean, đi bốt chiến binh và khoác áo choàng tắm bằng lụa hồng, cùng mái tóc trắng và cặp kính thương hiệu hình trái tim màu tím. Bà ấy luôn khiến tôi nghĩ đến một con chim hồng tước, loài chim có thân hình nhẹ bỗng và khung xương rỗng. Tôi nghĩ về việc mái tóc đen của Kitomi đã chuyển sang bạc trắng chỉ sau một đêm vì đau buồn khi Sam bị sát hại. Tôi nghĩ đến những bức ảnh chụp cảnh bà ấy đứng trên vỉa hè, thở hổn hển không ra hơi.
“Diana!” Bà ấy lên tiếng, như thể chúng tôi là hai người bạn cũ.
Tôi cảm thấy lúng túng một chút khi vô thức đưa tay ra định bắt tay bà ấy, để rồi nhớ ra rằng giờ chúng tôi không làm vậy nữa và thay vào đó chỉ khẽ vẫy tay chào nhau một cách kỳ quặc. “Xin chào, Kitomi,” tôi nói.
“Tôi rất vui vì cô có thể tới vào hôm nay.”
“Không thành vấn đề. Có rất nhiều người bán muốn đảm bảo giấy tờ được giao tận tay mà.”
Ở cuối dãy hành lang, tôi có thể nhìn thấy nó qua vai bà ấy - chính bức họa đó của Toulouse-Lautrec là lý do khiến tôi quen biết Kitomi Ito. Bà ấy thấy ánh mắt tôi đang hướng về phía đó và mỉm cười.
“Tôi không thể cưỡng lại được,” tôi nói. “Tôi không bao giờ chán việc ngắm nhìn nó.”
Một tia sáng kỳ lạ lướt qua khuôn mặt Kitomi. “Vậy thì để tôi giúp cô được ngắm kỹ hơn,” bà ấy nói và dẫn tôi vào nhà.
Từ năm 1892 đến năm 1895, Henri de Toulouse-Lautrec đã khiến trường phái Ấn tượng phải chịu điều tiếng khi chuyển đến một nhà chứa và vẽ các cô gái điếm ngủ cùng nhau trên giường. Le Lit, một trong những bức họa nổi tiếng nhất trong loạt tranh, đang được trưng bày tại bảo tàng Musée d’Orsay. Các tác phẩm khác được bán cho các bộ sưu tập tư nhân với giá từ 10 triệu đến 12 triệu đô la. Bức tranh trong nhà Kitomi rõ ràng là một trong số đó, nhưng nó lại vô cùng khác biệt so với những bức còn lại.
Nhân vật trong tranh không phải là hai người phụ nữ, mà là một người phụ nữ và một người đàn ông. Người phụ nữ khỏa thân ngồi dựa vào đầu giường, tấm khăn trải giường rủ xuống thắt lưng. Phía sau đầu giường treo một tấm gương và ở đó bạn có thể thấy hình ảnh phản chiếu của nhân vật thứ hai trong bức tranh - chính là Toulouse-Lautrec, khỏa thân ngồi dưới chân giường với tấm khăn trải giường nằm gọn trong lòng, quay lưng về phía người xem, mắt chăm chú nhìn vào người phụ nữ cũng đang nhìn ông chăm chú. Nó vừa thân mật vừa mang tính thị dâm, vừa riêng tư mà cũng thật lộ liễu.
Khi The Nightjars phát hành album cuối cùng, Twelfth of Never, bìa album là hình ảnh Kitomi để ngực trần ngồi tựa vào đầu giường, mắt chăm chú nhìn Sam, tấm lưng rộng của ông che phủ phần dưới cùng của khung hình. Phía sau giường treo bức tranh mà họ đang mô phỏng lại, ở đúng vị trí của chiếc gương trong tác phẩm nghệ thuật thực tế.
Mọi người đều biết bìa album đó. Mọi người đều biết Sam đã mua tặng Kitomi bức tranh này từ một bộ sưu tập tư nhân, như một món quà cưới.
Nhưng chỉ một số ít người biết rằng bà ấy đang bán nó, tại một cuộc đấu giá độc nhất của Sotheby’s, và tôi là người đã chốt giao dịch đó.
“Cô vẫn định đi nghỉ dưỡng chứ?” Kitomi hỏi, đưa tôi trở về thực tại.
Tôi đã kể với bà ấy về chuyến du lịch của chúng tôi ư? Hình như vậy. Nhưng tôi không thể hiểu được tại sao bà ấy lại quan tâm đến chuyện đó.
Tôi hắng giọng (tôi không được trả tiền để mơ mộng về các tác phẩm nghệ thuật, tôi được trả tiền để giao dịch chúng) và cố nặn ra một nụ cười. “Tôi sẽ chỉ đi hai tuần thôi, và ngay khi tôi quay lại, buổi đấu giá của bà sẽ sẵn sàng.” Công việc của tôi là một công việc kỳ lạ - tôi phải thuyết phục khách hàng đặt tác phẩm nghệ thuật yêu quý của họ vào tay người khác, một sự cân bằng khéo léo giữa việc nghiên cứu kỹ lưỡng về gốc tích của tác phẩm và khích lệ mọi người rằng họ đang làm đúng khi bán nó đi. “Nếu bà đang lo lắng về quá trình vận chuyển bức tranh đến văn phòng của chúng tôi thì xin hãy an tâm,” tôi nói với bà ấy. “Tôi hứa mình sẽ có mặt ở đây để giám sát việc đóng thùng, và tôi cũng sẽ ở đó khi nó được dỡ ra.” Tôi lại liếc về phía bức tranh. “Chúng tôi sẽ tìm cho nó một ngôi nhà hoàn hảo,” tôi bảo đảm. “Vậy đó. Giờ chúng ta bắt đầu lo chuyện giấy tờ nhé?”
Kitomi liếc ra ngoài cửa sổ trước khi quay lại phía tôi. “Về chuyện đó thì,” bà ấy bắt đầu.
***
“Cô nói gì cơ, bà ta không muốn bán ấy à?” Eva thốt lên và liếc mắt nhìn tôi qua cặp kính gọng sừng nổi tiếng của bà. Eva St. Clerck vừa là sếp vừa là người cố vấn của tôi, một huyền thoại đích thực trong ngành. Là người phụ trách giao dịch trong buổi đấu giá Imp Mod - vụ mua bán khổng lồ của các tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái Ấn tượng (Impressionist) và Hiện đại (Modern) - bà là người mà tôi muốn trở thành khi đến tuổi bốn mươi, và cho đến giờ tôi vẫn cảm thấy vô cùng thích thú được trở thành cô học trò cưng nép mình dưới sự chỉ dạy của bà.
Eva nheo mắt lại. “Tôi biết ngay mà. Hẳn là bị tay nào đó từ Christie’s nẫng mất rồi.”
Trong quá khứ, Kitomi từng bán các tác phẩm nghệ thuật cho Christie’s, đối thủ cạnh tranh chính của Sotheby’s. Công bằng mà nói thì mọi người đều cho rằng bà ấy cũng sẽ bán Toulouse-Lautrec cho họ... cho đến khi tôi làm điều mà một chuyên viên cộng sự không bao giờ nên làm và thuyết phục bà ấy làm điều ngược lại.
“Không phải là Christie’s...”
“Vậy là Phillips sao?” Eva hỏi, lông mày nhướng lên.
“Không. Không phải bất cứ ai hết. Chỉ là bà ấy muốn tạm dừng một thời gian,” tôi giải thích. “Bà ấy cảm thấy lo lắng về virus.”
“Gì chứ?” Eva nghệt mặt hỏi. “Làm như một bức tranh có thể bị nhiễm bệnh không bằng.”
“Không, nhưng những người tham dự buổi đấu giá thì có.”
“Chà, tôi nghĩ mình có thể thuyết phục bà ta rời khỏi mỏm đá đó,” Eva nói. “Gia đình Clooney với Beyoncé và Jay-Z đang tỏ thái độ hết sức hứng thú đấy, lạy Chúa.”
“Kitomi cũng cảm thấy lo lắng vì thị trường chứng khoán đang giảm điểm. Bà ấy cho rằng mọi thứ sẽ sớm trở nên tồi tệ và muốn đợi một thời gian... cẩn tắc vô áy náy.”
Eva đưa tay lên day thái dương. “Cô cần hiểu rằng chúng ta đã tuồn tin về buổi đấu giá này ra ngoài,” bà nói. “Tờ The New Yorker còn lên bài về nó luôn rồi cơ.”
“Bà ấy chỉ cần thêm chút thời gian thôi,” tôi đáp.
Eva liếc sang hướng khác, hoàn toàn không để tâm gì tới tôi nữa. “Cô có thể đi được rồi,” bà ra lệnh.
Tôi rời khỏi văn phòng của bà và bước vào một mê cung những hành lang, hai bên tường xếp đầy những cuốn sách mà tôi từng đọc để nghiên cứu về nghệ thuật. Tôi đã làm việc tại Sotheby’s được sáu năm rưỡi - bảy năm, nếu tính cả thời gian thực tập hồi tôi còn theo học tại Đại học Williams. Tôi đã học liền từ cử nhân lên thạc sĩ kinh doanh nghệ thuật tại đó. Ban đầu tôi là một thực tập sinh, sau đó được nhận làm nhân viên biên mục tài liệu tại bộ phận phụ trách trường phái Ấn tượng, tiến hành nghiên cứu sơ bộ về các bức tranh sắp được đem ra đấu giá. Tôi sẽ nghiên cứu về tiểu sử của nghệ sĩ trong thời gian vẽ bức tranh và các tác phẩm tương tự được bán với giá bao nhiêu, đôi khi còn viết cả bản giới thiệu đầu tiên của danh mục chào hàng. Dù ngày nay phần còn lại của thế giới đã chuyển mình sang định dạng kỹ thuật số, giới nghệ thuật vẫn làm ra những danh mục chào hàng hữu hình đẹp đẽ, hào nhoáng, sống động và rất, rất quan trọng. Giờ thì, với tư cách chuyên viên cộng sự, tôi phải thực hiện những nhiệm vụ khác cho Eva: đến thăm nơi tác phẩm đang được cất giữ và quan sát bất kỳ điểm nào chưa hoàn hảo, giống như cách đánh giá một chiếc xe cho thuê trước khi ký hợp đồng; đồng hành cùng bức tranh khi nó được đóng gói và chuyển đến văn phòng của chúng tôi; đồng thời thỉnh thoảng cùng sếp đi gặp các khách hàng tiềm năng.
Một bàn tay thò ra khỏi ngưỡng cửa khi tôi vừa đi ngang qua và nắm lấy vai tôi, kéo tôi vào một căn phòng nhỏ cạnh hành lang. “Chúa ơi,” tôi nói, suýt chút nữa đã ngã vào người Rodney - người bạn thân nhất của tôi tại Sotheby’s. Giống như tôi, cậu ấy bắt đầu từ vị trí thực tập sinh hồi đại học. Khác với tôi, cậu ấy không tham gia vào khía cạnh kinh doanh của nhà đấu giá. Thay vào đó, cậu ấy làm công việc thiết kế và hỗ trợ việc xây dựng nơi các tác phẩm nghệ thuật sẽ được trưng bày trong buổi đấu giá.
“Thật đó hả?” Rodney hỏi. “Cậu để tuột mất bức tranh của The Nightjars ư?”
“Thứ nhất, đó không phải là bức tranh của The Nightjars. Nó thuộc sở hữu của Kitomi Ito. Thứ hai, thế quái nào mà cậu nghe được tin đó nhanh vậy hả?”
“Ôi bạn tôi ơi, tin đồn là huyết mạch của cái ngành này mà,” Rodney đáp. “Nó lan truyền trong các hành lang còn nhanh hơn dịch cúm nữa kìa.” Cậu ấy ngập ngừng. “Hoặc là virus corona, ai mà biết được.”
“Chà, tớ không hề để tuột mất Toulouse-Lautrec. Chỉ là Kitomi muốn chờ cho mọi chuyện ổn định lại trước đã.”
Rodney khoanh tay lại. “Cậu nghĩ là ngày đó sẽ sớm tới sao? Thị trưởng mới ban bố tình trạng khẩn cấp vào hôm qua đấy.”
“Finn nói là cả thành phố mới có mười chín ca thôi,” tôi bảo cậu ấy.
Rodney nhìn tôi như thể tôi vừa nói mình vẫn tin vào ông già Noel, ánh mắt nửa hoài nghi nửa thương hại. “Tớ sẽ chia cho cậu một cuộn giấy vệ sinh của tớ.”
Lần đầu tiên, tôi liếc mắt về phía sau lưng cậu ấy. Có sáu sắc độ khác nhau của màu vàng ánh kim được sơn trên các bức tường. “Cậu thích cái nào?” Cậu ấy hỏi.
Tôi chỉ vào dải màu ở giữa. “Thật đó hả?” Cậu ấy hỏi, mắt nheo lại.
“Nó dùng để làm gì vậy?”
“Một buổi trưng bày các bản thảo thời Trung cổ. Đấu giá bí mật.”
“Vậy thì màu đó,” tôi nói, hất đầu về phía dải sọc bên cạnh nó. Thành thật mà nói thì trông chúng chẳng khác gì nhau. “Đến Sant Ambroeus với tớ đi,” tôi nài nỉ. Ở đó có một quán cà phê nằm phía mạn trên của Sotheby’s, nơi bán món sandwich prosciutto và mozzarella có thể giúp xóa bỏ khuôn mặt của Eva khỏi tâm trí tôi.
“Không được rồi. Hôm nay là một ngày bỏng ngô của tớ.”
Phòng nghỉ cho nhân viên có bỏng ngô quay trong lò vi sóng miễn phí, và vào những ngày bận rộn thì nó là bữa trưa của chúng tôi. “Rodney,” tôi nghe thấy mình đang nói, “Tớ chóng mặt quá.”
Cậu ấy đặt tay lên vai tôi, xoay người tôi lại và hướng mặt tôi về phía bức tường đối diện, nơi đặt tấm gương ghép còn sót lại từ lần sửa chữa trước. “Cậu thấy gì?”
Tôi nhìn vào mái tóc, thứ luôn có vẻ hơi quá đỏ so với mức tôi thích, và đôi mắt của mình, đôi mắt mang màu xanh xám. Lớp son môi của tôi đã trôi mất. Da tôi trắng bệch như tuyết. Lại còn cả một vết bẩn kỳ quặc trên cổ áo sơ mi nữa chứ. “Tớ đang thấy một người có thể phải trao nụ hôn tạm biệt đến cơ hội thăng chức của mình được rồi.”
“Hài hước ghê,” Rodney nói, “bởi tớ thấy một người sẽ đi du lịch vào ngày mai và chẳng việc quái gì phải bận tâm đến Kitomi Ito với cả Eva St. Clerck hay Sotheby’s. Hãy nghĩ về các món cocktail nhiệt đới, về thiên đường và việc chơi trò bác sĩ với bạn trai...”
“Bác sĩ thật người ta không làm trò đó đâu...”
“... và lặn biển cùng đám quái vật Gila...”
“Cự đà biển.”
“Sao cũng được.” Rodney siết chặt tôi từ phía sau, bắt gặp ánh mắt đăm đăm của tôi trong gương. “Diana ạ, khi cậu quay lại đây sau hai tuần nữa, mọi người đã chuyển sang một vụ bê bối khác rồi.” Cậu ấy nhếch mép với tôi. “Giờ thì đi mua vài tuýp kem chống nắng SPF 50 và biến khỏi đây đi.”
Tôi bật cười khi Rodney cầm một con lăn lên và phủ kín các sọc vàng bằng màu mà tôi đã chọn. Cậu ấy từng có lần bảo tôi rằng bức tường của một nhà đấu giá có thể có các vệt sơn nham nhở, bởi chúng được sơn lại liên tục.
Khi đóng cửa lại sau lưng, tôi tự hỏi ban đầu căn phòng này có màu gì và liệu có ai ở đây còn nhớ không.
***
Để đến được Hastings-on-Hudson, một khu dân cư ở phía Bắc thành phố, bạn có thể bắt chuyến Metro-North từ ga Grand Central. Vậy đây là lần thứ hai trong ngày tôi đi tới khu Midtown.
Tuy nhiên, lần này tôi đến sảnh chính của tòa nhà và đứng bên dưới khoảng trời mà tôi đã vẽ cùng cha, để ánh mắt lướt qua các chòm sao bị đảo ngược và những đốm sáng của các vì sao lấp lánh trên vòm trần. Tôi ngửa cổ lên và nhìn chằm chằm vào chúng cho đến khi cảm thấy xây xẩm mặt mày, cho đến khi tôi gần như có thể nghe được giọng nói của cha.
Ông đã qua đời được bốn năm, và tôi chỉ có thể lấy được đủ dũng khí để ghé thăm mẹ bằng cách ghé qua nơi này trước, như thể ký ức về cha sẽ bảo vệ tôi như một lớp miễn dịch.
Tôi không chắc tại sao mình lại đến gặp mẹ. Bà không hề yêu cầu tôi làm vậy. Và điều đó cũng không hề nằm trong lịch trình. Thực tế thì tôi đã không đến đó suốt ba tháng nay.
Có lẽ đó chính là lý do.
The Greens là một cơ sở trợ giúp xã hội, có thể đi bộ tới đó từ nhà ga Hastings-on-Hudson - đó là một trong những lý do khiến tôi chọn nơi này, khi mẹ tôi xuất hiện trở lại sau nhiều năm biến mất. Thật dễ hiểu khi bà chẳng mang lại cho tôi chút tình mẫu tử ấm áp nào. Với tôi, bà ấy chỉ là một vấn đề cần giải quyết.
Tòa nhà này được xây bằng gạch và kết hợp với cảnh quan xung quanh trông nó như thể được đem tới đây từ New England. Cây cối được trồng hai bên đường và cạnh đó là một thư viện. Có một cổng vòm bằng đá cuội ở cửa trước. Phải đến khi bước qua cánh cửa bị khóa và trông thấy những hành lang được đánh dấu bằng mã màu cùng những bức ảnh trên từng cửa phòng riêng của những người sống tại nơi này, bạn mới nhận ra đây là một cơ sở chăm sóc dành cho những người có vấn đề về trí nhớ.
Tôi điền thông tin cá nhân và đi ngang qua một người phụ nữ đang lê bước vào căn phòng vẽ đầy màu sắc có đủ loại sơn, đất sét và đồ thủ công. Theo những gì tôi được biết thì mẹ tôi chưa từng tham gia vào hoạt động này.
Người ta đã làm đủ mọi cách để giúp cuộc sống của những cư dân ở đây trở nên dễ dàng hơn. Những cánh cửa dành cho cư dân sẽ được sơn màu vàng rực rỡ để khiến họ không thể vào nhầm phòng, còn phòng dành cho nhân viên hoặc nhà kho thì sẽ cùng màu với những bức tường, với các bức vẽ có hình giá sách hoặc cây cối. Vì cửa vào của mọi căn phòng trông đều giống nhau, nên trên mỗi cánh cửa đều treo một bức ảnh lớn chứa đựng nhiều ý nghĩa với người sống ở đó: một thành viên gia đình, một địa điểm đặc biệt, một chú thú cưng. Trong trường hợp của mẹ tôi, đó là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng nhất của bà - một người tị nạn đến từ Cuba trên chiếc bè, trên tay là cơ thể mềm oặt của một cậu bé ở trong tình trạng mất nước. Nó kỳ quái, khắc nghiệt và khiến chúng ta cảm thấy đau đớn khi nhìn vào. Hay nói cách khác, đó chính là loại hình ảnh gắn liền với tên tuổi của Hannah O’Toole.
Có một tấm thẻ đục lỗ để mở thiết bị an ninh trên cả hai mặt của cửa chính. (Luôn có một đám zombie nhỏ ở đây đang cố gắng nhìn qua vai bạn để xem các con số trên bàn phím, và có lẽ là cả con đường dẫn đến tự do.) Các phòng đơn không bị khóa. Khi tôi bước vào, căn phòng của mẹ có vẻ gọn gàng và ngăn nắp. Ti vi đang bật - nó vẫn luôn được bật - và phát một chương trình trò chơi truyền hình. Mẹ tôi đang ngồi trên đi văng, hai tay đặt trong lòng, như thể đang đợi ai đó mời mình khiêu vũ.
Bà trẻ hơn hầu hết những người sống ở đây. Có một vệt trắng trên mái tóc đen của bà, nhưng nó đã nằm đó từ khi tôi còn nhỏ. Thực tế thì trông bà cũng không khác nhiều so với hồi đó, trừ việc đã trở nên tĩnh tại hơn. Mẹ tôi từng là một người vô cùng hoạt náo - vung vẩy tay chân để thể hiện cảm xúc, liên tục đặt ra các câu hỏi, điều chỉnh ống kính máy ảnh, rời bỏ cha con tôi để đi chụp hình một cuộc cách mạng hoặc một thảm họa thiên nhiên tại một xó xỉnh nào đó trên thế giới.
Phía đằng xa là phần hiên có mái che, cũng là lý do khiến tôi chọn The Greens. Tôi nghĩ một người đã dành phần lớn cuộc đời để sống ngoài trời sẽ ghét sự tù túng của một cơ sở chăm sóc dành cho những người có vấn đề về trí nhớ. Phần mái hiên này hoàn toàn an toàn vì không có lối nào để trốn đi, nhưng nó cũng cho ta một khung cảnh để quan sát. Thật ra thì cũng chẳng có gì ngoài một bãi cỏ và xa hơn nữa là một bãi đậu xe, nhưng dù sao thì có cũng hơn không.
Tôi phải tốn cả đống tiền để mẹ được ở đây. Khi bà xuất hiện trước cửa nhà tôi với hai sĩ quan cảnh sát đi kèm hai bên, những người đã thấy bà đi lang thang quanh công viên Trung tâm trong chiếc áo choàng tắm, tôi thậm chí còn không biết mẹ tôi đã trở lại thành phố. Họ tìm thấy địa chỉ nhà tôi trong chiếc ví của bà, được xé ra từ mép một phong bì thiệp Giáng sinh cũ. Thưa cô, một trong hai sĩ quan hỏi tôi, cô có biết người phụ nữ này không?
Tất nhiên là tôi nhận ra mẹ mình. Nhưng tôi chẳng hề biết gì về bà ấy.
Khi đã chắc chắn rằng mẹ tôi bị mắc chứng suy giảm trí nhớ, Finn hỏi xem tôi định làm gì. Không gì cả, tôi đáp. Mẹ hầu như chẳng hề chăm sóc tôi khi tôi còn nhỏ, vậy tại sao giờ tôi lại phải chăm sóc bà ấy chứ? Tôi vẫn nhớ vẻ mặt của Finn khi anh nhận ra rằng, với tôi, có lẽ tình yêu là một sự trao đổi có đi có lại. Tôi không muốn phải nhìn thấy biểu cảm đó trên mặt Finn thêm lần nữa, nhưng tôi cũng hiểu rõ những giới hạn của bản thân và biết mình không đủ khả năng chăm sóc cho một bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu. Vậy nên tôi đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, nói chuyện với bác sĩ thần kinh của bà và đọc những cuốn sách giới thiệu của nhiều cơ sở khác nhau. The Greens là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng nó khá tốn kém. Cuối cùng, tôi quyết định dọn dẹp căn hộ của mẹ tôi, đem bán đấu giá những bức ảnh mà bà treo trên tường ở Sotheby’s , và kết quả là một khoản lợi tức hằng năm đủ để trang trải cho bà chuyển tới nơi ở mới.
Thật trớ trêu khi vị phụ huynh mà tôi vô cùng thương nhớ đã không còn trên đời, trong khi người mà tôi chẳng hề bận tâm lại bị gắn chặt với tôi trong suốt phần đời còn lại.
Lúc này đây, tôi cố nặn ra một nụ cười và ngồi xuống đi văng cạnh mẹ. Tôi có thể đếm được trên đầu ngón tay số lần mình đến thăm kể từ khi bà được đưa vào đây, nhưng tôi ghi nhớ rất rõ lời chỉ dẫn của các nhân viên: hãy hành động như thể bà ấy biết cô, và ngay cả khi không nhớ ra, bà ấy vẫn có thể sẽ tuân theo các tín hiệu xã hội và đối xử với cô như một người bạn. Trong lần đầu tôi đến đây, khi mẹ hỏi tôi là ai và tôi đáp Con gái của mẹ, bà đã kích động đến mức đứng phắt dậy, ngã khỏi ghế và bị thương ở trán.
“Ai đang thắng trong chương trình Chiếc nón kỳ diệu vậy?” Tôi hỏi với vẻ bình thản, như thể tôi chỉ là một vị khách bình thường.
Mẹ đảo mắt về phía tôi. Có một tia bối rối lóe lên, giống như ánh lửa của đèn dẫn, nhưng rồi bà quyết định dẹp nó đi.
“Người phụ nữ mặc áo hồng,” mẹ tôi nói. Lông mày của bà nhíu lại khi cố nhận ra tôi. “Có phải cô là...”
“Lần trước khi con tới đây, ngoài trời vẫn còn ấm,” tôi ngắt lời mẹ, gợi ý về việc đây không phải là lần đầu tiên tôi đến thăm bà. “Hôm nay trời vẫn còn khá ấm đấy. Chúng ta có nên mở cửa chớp ra không nhỉ?”
Bà gật đầu, và tôi đi về phía cửa dẫn ra mái hiên. Chốt khóa từ bên trong đang mở. “Mẹ phải nhớ đóng cái này lại nhé,” tôi nhắc mẹ. Tôi không lo lắng về việc bà bỏ đi mất - nhưng tôi vẫn lo khi thấy cửa chớp không được khóa.
“Có phải chúng ta định đi đâu đó không?” Bà cất tiếng hỏi khi một luồng gió trong lành thổi vào phòng khách.
“Hôm nay thì không,” tôi đáp. “Ngày mai con sẽ đi du lịch. Đến Galápagos.”
“Tôi từng tới đó rồi,” mẹ tôi nói, rạng rỡ như thể vừa có một chuỗi ký ức lóe lên. “Ở đó có một con rùa. George cô độc. Nó là cá thể cuối cùng trong giống loài của mình. Thử tưởng tượng việc mình là người cuối cùng của bất cứ điều gì trên thế giới mà xem.”
Vì một lý do nào đó, cổ họng tôi chợt trở nên nghẹn ngào vì nước mắt chợt tuôn ra. “Nó chết rồi,” tôi nói.
Mẹ tôi nghiêng đầu. “Ai cơ?”
“George cô độc.”
“George là ai?” Bà hỏi, đôi mắt nheo lại. “Cô là ai?”
Câu hỏi đó thực sự khiến tôi cảm thấy tổn thương.
Tôi không biết tại sao mình lại cảm thấy đau đớn đến vậy khi thấy mình không còn tồn tại trong ký ức của mẹ, dù thực tế bà cũng chưa từng hiểu rõ về tôi.
***
Khi Finn kết thúc ca làm tại bệnh viện và trở về nhà, tôi đang nằm đắp chăn trên giường, mặc chiếc áo sơ mi flannel yêu thích và quần thể thao, với chiếc máy tính xách tay đặt trên đùi. Ngày hôm nay đã khiến tôi xẹp lép. Finn ngồi xuống cạnh tôi, tựa người vào đầu giường. Mái tóc vàng của anh bị ướt, đồng nghĩa với việc anh đã tắm trước khi trở về nhà từ Bệnh viện New York-Presbyterian, nơi anh thuộc biên chế của khoa phẫu thuật. Tuy nhiên, Finn lại đang mặc đồ phẫu thuật, và nó làm nổi bật lên những đường cong của bắp tay cũng như một chòm sao được tạo thành từ những đốm tàn nhang trên cánh tay. Anh liếc nhìn màn hình, rồi đến hộp kem rỗng bên cạnh tôi. “Chà,” anh nói. “Out of Africa (Rời khỏi châu Phi)... và bơ hồ đào ư? Đúng là hàng khủng ấy nhỉ.”
Tôi tựa đầu vào vai anh. “Em đã có một ngày tồi tệ nhất thế giới.”
“Còn lâu mới bằng anh,” Finn đáp.
“Em đã để tuột mất bức tranh,” tôi bảo anh.
“Còn anh đã để tuột mất một bệnh nhân.”
Tôi rên rỉ. “Anh thắng rồi. Anh lúc nào cũng thắng. Làm gì có ai qua đời trong một ca cấp cứu nghệ thuật cơ chứ.”
“Không, ý anh là bọn anh đã để lạc mất một bệnh nhân. Một người phụ nữ già với LBD đã biến mất trước khi anh có thể tiến hành ca phẫu thuật túi mật cho bà ấy.”
“Chiếc váy đen nhỏ (Little black dress)?”
Một nụ cười hiện ra trên môi Finn. “Giảm sút trí tuệ thể Lewy (Lewy body dementia).”
Tất nhiên, điều đó lập tức khiến tôi nghĩ về mẹ.
“Anh đã tìm thấy bà ấy chưa?”
“Bảo vệ đã tìm thấy,” Finn nói. “Bà ấy đang ở khoa sản.”
Tôi tự hỏi điều gì đã đưa bà ấy tới đó - một lỗi nào đó của hệ thống GPS trong cơ thể, hoặc phần đuôi của một cánh diều ký ức vươn cao tới tận những đám mây, quá xa vời đến mức hầu như không thể nhìn thấy.
“Vậy thì em thắng,” tôi nói và trao cho Finn một phiên bản vắn tắt về cuộc gặp gỡ của tôi với Kitomi Ito.
“Được rồi,” Finn nói, “trong dòng chảy vĩ đại của cuộc sống, đây không phải là một thảm họa. Em vẫn có thể được thăng chức lên làm chuyên viên chính thức khi bà ấy quyết định bán bức tranh.”
Điều tôi yêu nhất ở Finn (ồ, được rồi, một trong những điều tôi yêu nhất) là việc anh hiểu rằng tôi đã lên một kế hoạch chi tiết cho cuộc đời mình. Finn cũng có một bản kế hoạch của riêng mình. Điều quan trọng nhất là chúng tôi có những mục tiêu giống nhau: sự nghiệp thành công, sau đó là hai đứa trẻ, sau đó là một trang trại đã được cải tạo ở ngoại ô. Một chiếc Audi TT. Một chú chó Springer Spaniel Anh Quốc thuần chủng, nhưng phải là một chú chó ở trong trạm cứu hộ động vật. Một khoảng thời gian sống ở nước ngoài kéo dài sáu tháng. Một tài khoản ngân hàng với số dư đủ để chúng tôi không phải lo lắng nếu phải thay lốp xe hoặc trả tiền cho một mái nhà mới. Một vị trí chính thức trong một cơ sở tạm trú cho người vô gia cư, một bệnh viện hoặc tổ chức từ thiện về bệnh ung thư, nhìn chung là một công việc có thể giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Một thành tựu đủ để khiến người khác nhớ đến tên mình.
(Tôi đã nghĩ rằng buổi đấu giá của Kitomi Ito sẽ có thể giúp mình hoàn thành được mục tiêu đó.)
Nếu hôn nhân là một cái ách để giữ cho hai cá nhân sánh bước bên nhau thì cha mẹ tôi là hai con bò kéo lưỡi cày đi về hai hướng khác nhau, còn tôi thì bị kẹt cứng ở giữa. Tôi chưa bao giờ hiểu được tại sao người ta lại có thể quyết định gắn bó cuộc đời mình với ai đó mà không nhận ra rằng cả hai mong muốn những tương lai hoàn toàn khác biệt. Cha tôi đã mơ về một gia đình. Với ông thì nghệ thuật là một phương tiện để chu cấp cho tôi. Mẹ tôi thì mơ về nghệ thuật. Với bà thì gia đình là một sự phân tâm. Tôi thực sự là một sản phẩm của tình yêu. Nhưng không có tình yêu nào đủ lớn để có thể thu hẹp một khoảng cách như vậy.
Cuộc sống diễn tiến theo cách mà bạn ít chờ đợi nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể vạch sẵn một sơ đồ và nhét nó vào túi sau. Để tới được cái đích đó, trong khi rất nhiều bạn bè đang theo đuổi những tấm bằng đắt tiền, quẹt Tinder hoặc tìm kiến thứ gì mang lại niềm vui, Finn và tôi lại có những kế hoạch khác. Nhưng chúng tôi không chỉ chia sẻ với nhau một quãng đời, mà còn có những ước mơ giống nhau, như thể chúng tôi đang ghi chung một danh sách việc cần làm: tham gia chạy marathon. Biết được đâu là loại nho cabernet tốt và đâu là loại xấu. Xem mọi bộ phim trong top 250 IMDb. Trở thành tình nguyện viên tại cuộc đua Iditarod. Đi bộ trên một phần của cung đường mòn Appalachian. Ngắm nhìn những cánh đồng tulip ở Hà Lan. Học lướt sóng. Xem cực quang. Nghỉ hưu trước tuổi năm mươi. Ghé thăm mọi di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Chúng tôi đang bắt đầu với Galápagos. Đó là một chuyến du lịch cực kỳ đắt đỏ với hai thanh niên Gen Y sống tại New York - chỉ riêng tiền vé máy bay thôi đã khủng khiếp lắm rồi. Nhưng chúng tôi đã tiết kiệm trong suốt bốn năm và đã xoay sở để có chuyến đi phù hợp với túi tiền của mình nhờ một chương trình khuyến mãi mà tôi tìm thấy trên mạng - chúng tôi sẽ chỉ tới một hòn đảo duy nhất, thay vì làm một chuyến du hành đắt đỏ qua nhiều đảo.
Và trên một bãi biển cát nham thạch, Finn sẽ khuỵu gối xuống, rồi tôi sẽ đắm đuối nhìn anh và nói Vâng, hãy bắt đầu chương tiếp theo của cuộc đời nào.
Dù đang tuân theo đúng hành trình đã định sẵn cho cuộc đời mình, nhưng tôi vẫn chỉ giậm chân tại chỗ, chờ đợi những cột mốc tiếp theo. Tôi có một công việc, nhưng không được thăng chức. Tôi có bạn trai, nhưng không có gia đình. Nó giống như khi Finn chơi điện tử và không thể thăng cấp. Tôi đã hình dung, tôi đã biểu lộ, tôi đã cố gắng nói ra điều đó với vũ trụ. Finn đã đúng. Tôi sẽ không để một vết gợn nhỏ như sự lưỡng lự của Kitomi khiến mình đi chệch hướng.
Khiến chúng tôi đi chệch hướng.
Finn hôn lên đỉnh đầu tôi. “Anh rất tiếc vì em đã để mất bức tranh.”
“Em rất tiếc vì anh đã để mất một bệnh nhân.”
Anh nhẹ nhàng đan những ngón tay vào bàn tay tôi. “Bà ấy đã ho,” anh thì thầm.
“Em tưởng rằng bà ấy nhập viện vì gặp vấn đề với túi mật chứ?”
“Đúng vậy. Nhưng bà ấy đã ho. Mọi người đều có thể nghe thấy. Và anh...” Anh ngước nhìn tôi với vẻ xấu hổ. “Anh đã cảm thấy sợ.”
Tôi siết chặt tay Finn. “Anh nghĩ bà ấy mắc Covid ư?”
“Ừ.” Anh lắc đầu. “Vậy nên thay vì bước vào phòng bà ấy, anh lại xem xét hai bệnh nhân khác trước. Anh đoán bà ấy đã phát ốm vì phải ngồi đợi... và bỏ đi.” Anh nhăn mặt.
“Bà ấy ho như một người hút thuốc và có một túi mật cần được cắt bỏ, vậy mà thay vì lo cho sức khỏe của bà ấy, anh lại chỉ nghĩ tới mình.”
“Anh đâu cần tự trách mình vì điều đó chứ.”
“Thật ư? Anh đã đọc lời thề Hippocrates. Việc đó giống như thể một lính cứu hỏa từ chối lao vào một tòa nhà đang cháy vì nó quá nóng vậy.”
“Em tưởng rằng mới có mười chín ca trên toàn thành phố chứ?”
“Hôm nay thì là vậy,” Finn đính chính. “Nhưng tay bác sĩ phụ trách đã khiến bọn anh sợ chết khiếp khi nói rằng đến thứ Hai là khoa cấp cứu sẽ bị lấp đầy thôi. Anh đã dành hẳn một giờ để ghi nhớ cách mặc đồ bảo hộ đúng cách.”
“Cảm ơn Chúa vì chúng ta sắp đi du lịch,” tôi nói. “Em cảm thấy hai ta đều đang cần được nghỉ ngơi đấy.”
Finn không trả lời.
“Em không thể đợi đến khi chúng ta tới bãi biển và mọi thứ như đang ở cách xa cả triệu dặm.”
Im lặng.
“Finn,” tôi lên giọng.
Anh lùi lại để có thể nhìn thẳng vào mắt tôi. “Diana này,” anh nói, “em vẫn nên đi.”
***
Đêm hôm đó, sau khi Finn trằn trọc chìm vào giấc ngủ, tôi tỉnh giấc và thấy đầu đau nhức. Sau khi tìm được aspirin, tôi rón rén bước ra phòng khách và mở chiếc máy tính xách tay ra. Bác sĩ phụ trách tại bệnh viện của Finn đã nói hết sức rõ ràng rằng việc xin nghỉ vào thời điểm này sẽ là một hành động bị phản đối kịch liệt. Rằng họ sẽ cần huy động mọi nguồn nhân lực có thể, ngay lập tức.
Không phải là tôi không tin lời anh ấy, nhưng tôi chợt nhớ về nhà ga không một bóng người và cảm thấy rằng mọi chuyện thật chẳng hợp lý chút nào. Thực tế là thành phố trông rất vắng vẻ, chứ không hề ngập tràn bệnh nhân.
Mắt tôi lướt nhanh từ tiêu đề này sang tiêu đề khác: De Blasio1 ban bố tình trạng khẩn cấp.
Thị trưởng dự kiến đến tuần sau Thành phố New York sẽ có một nghìn ca bệnh.
NBA và NHL đã hủy bỏ phần còn lại của mùa giải.
Đội Mets không cho phép khán giả tới sân.
Chú thích:
1 Bill de Blasio: Cựu Thị trưởng New York trong giai đoạn từ 2014 đến 2021.
Ngoài kia, bình minh đang ló rạng nơi chân trời. Tôi có thể nghe thấy tiếng động cơ của một chiếc xe hơi. Giống như bao ngày thứ Bảy khác ở đây. Ngoại trừ việc rõ ràng chúng tôi đang chuẩn bị phải đối mặt với một cơn bão.
Hồi tôi còn nhỏ, từng có lần hai cha con tôi cùng mẹ đi chụp hình về hạn hán ở vùng Trung Tây và chúng tôi bị kẹt giữa một cơn lốc xoáy. Bầu trời ngả sang màu vàng, giống màu của một vết bầm lâu ngày, và chúng tôi tạm trú trong tầng hầm của một nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng, tựa vào những chiếc hộp dán nhãn trang trí Giáng sinh và khăn trải bàn. Mẹ tôi vẫn ở trên tầng trệt cùng chiếc máy ảnh. Khi gió ngừng rú rít và bà bước ra ngoài, tôi liền theo sau. Bà có vẻ chẳng hề ngạc nhiên khi thấy tôi ở đó.
Không có bất cứ âm thanh nào - không con người, không xe cộ, và kỳ lạ thay, cả chim chóc và côn trùng cũng không. Như thể chúng tôi đang đứng trong một chiếc chuông thủy tinh.
Nó đã qua chưa ạ? Tôi hỏi.
Rồi, mẹ tôi đáp. Và chưa.
Lúc này đây, tôi chẳng hề nhận ra Finn đang đứng sau lưng mình cho đến khi anh đặt tay lên vai tôi. “Như thế sẽ tốt hơn,” anh nói.
“Việc em phải tự đi du lịch một mình ư?”
“Việc em đến nơi đó sẽ khiến anh không phải lo lắng quá nhiều,” Finn đáp. “Anh không biết mình sẽ mang thứ gì từ bệnh viện về nhà nữa. Anh còn chẳng biết mình có thể về nhà không.”
“Người ta đều nói rằng mọi chuyện sẽ chấm dứt sau hai tuần.” Người ta, tôi nghĩ. Những tay dẫn chương trình tin tức, những người chỉ biết lặp lại lời của phát ngôn viên Nhà Trắng, chỉ biết lặp lại lời của Tổng thống.
“Ừ, anh biết. Nhưng bác sĩ điều trị của bọn anh thì không nói vậy.”
Tôi lại nghĩ về nhà ga tàu điện ngầm vào hôm nay. Về Quảng trường Thời đại hoàn toàn vắng bóng khách du lịch. Tôi không định tích trữ nước xịt khuẩn Lysol hoặc mua khẩu trang N95. Tôi đã thấy những con số ở Pháp và Ý, nhưng những ca tử vong ở đó đều là những người cao tuổi. Tôi hoàn toàn hiểu rằng mình cần phải chuẩn bị sẵn sàng, nhưng tôi cũng biết mình còn trẻ và khỏe mạnh. Thật khó để xác định xem mình nên tin vào điều gì. Nên tin ai.
Nếu đại dịch vẫn còn cách xa Manhattan, nó hẳn sẽ không thể xuất hiện trên một quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương.
“Nếu anh bị hết giấy vệ sinh thì sao?” Tôi hỏi.
Tôi có thể nghe được tiếng cười trong giọng của anh. “Đó là điều khiến em lo lắng ư?” Anh siết chặt vai tôi. “Anh hứa rằng mình sẽ ăn trộm giấy từ bệnh viện nếu ẩu đả bắt đầu nổ ra ở tiệm tạp hóa.”
Tôi cảm thấy việc đi du lịch mà không có Finn thực sự là một sai lầm. Việc đi cùng một người bạn khác như một sự thay thế lại càng sai lầm hơn - dù sao thì tôi cũng chẳng quen ai có thể đột ngột xin nghỉ hai tuần mà không hề có sự chuẩn bị trước. Nhưng trong đề nghị của anh cũng có một phần thực tế khiến tôi cảm thấy nhói đau. Tôi biết chúng tôi có thể nhận được một khoản tín dụng cho phần vé máy bay của Finn, nhưng bản hợp đồng du lịch tuyệt vời của chúng tôi lại có điều khoản hết sức rõ ràng về việc không hoàn lại tiền. Tôi cho rằng sẽ thật ngu ngốc khi lãng phí một số tiền lớn đến vậy, nhất là khi chỉ riêng ý nghĩ về việc phải đi làm vào thứ Hai thôi đã khiến đầu tôi đau nhói rồi. Tôi lại nghĩ về việc Rodney bảo tôi đi lặn với đám cự đà biển.
“Em sẽ gửi ảnh cho anh,” tôi hứa. “Nhiều đến mức anh sẽ phải đăng ký một gói dữ liệu lớn hơn luôn.”
Finn cúi xuống, cho đến khi tôi có thể cảm thấy môi anh đặt trên cổ mình. “Hãy tận hưởng cuộc vui cho cả hai ta nhé,” anh nói.
Đột nhiên tôi cảm thấy mình bị bao trùm bởi một nỗi sợ hãi lớn đến mức nó đẩy tôi bật ra khỏi ghế và lao vào vòng tay của Finn. “Anh sẽ ở đây khi em quay lại nhé,” tôi tuyên bố, bởi tôi không thể chịu được việc nghĩ về nó như một câu hỏi.
“Diana ạ,” anh nói và mỉm cười. “Dù có muốn thì em cũng không thể chạy thoát khỏi anh được đâu.”
***
Tôi thực sự không nhớ gì về quãng đường tới Galápagos.
Tôi nghĩ mình có thể đổ tội cho thuốc Ambien. Tôi đã uống nó ngay khi vừa đặt chân lên máy bay. Tôi nhớ mình đã đóng gói hành lý và bỏ những cuốn cẩm nang du lịch ra khỏi va li rồi nhét chúng vào chiếc túi du lịch. Tôi nhớ mình đã kiểm tra ba lần để đảm bảo có mang theo hộ chiếu. Tôi nhớ Finn đã bị triệu tập về bệnh viện, cũng như cách anh hôn tạm biệt tôi và nói, “Thác Victoria.”
“Anh đã quên mất tên em rồi sao,” tôi đùa.
“Không, đó là di sản tiếp theo của UNESCO mà chúng ta sẽ ghé thăm. Chỉ có điều khi đó anh sẽ tới Zimbabwe và em ở lại trông nhà. Vậy mới công bằng.”
“Xong,” tôi hứa, bởi tôi biết rõ anh sẽ không bỏ tôi lại.
Sau đó tất cả chỉ còn là một mớ hỗn độn: sự nhộn nhịp điên cuồng của sân bay, như thể đó là kỳ nghỉ lễ chứ không phải một ngày cuối tuần ngẫu nhiên của tháng Ba; chai nước tôi mua và uống hết trên chuyến bay cùng tờ tạp chí People mà tôi không bao giờ mở ra; sự rung lắc dữ dội của bánh xe đưa tôi ra khỏi trạng thái mơ màng được lấp đầy bởi những sự thật mà tôi đã đọc được về điểm đến của mình. Trong trạng thái bơ phờ, tôi đáp xuống một sân bay xa lạ ở Guayaquil, nơi tôi sẽ nghỉ lại một đêm tại Ecuador trước khi bắt chuyến bay nối chuyến đến Galápagos.
Tôi chỉ nhớ hai điều về việc hạ cánh: hãng hàng không đã để lạc mất chiếc túi du lịch của tôi và có người kiểm tra thân nhiệt trước khi cho phép tôi nhập cảnh vào Ecuador.
Tôi không đủ thành thạo tiếng Tây Ban Nha hay năng lượng để giải thích rằng chuyến bay của mình sẽ khởi hành ra đảo vào sáng sớm ngày mai, nhưng chắc chắn đây không phải lần đầu diễn ra tình huống này. Tôi điền một báo cáo tại khu vực nhận hành lý, nhưng khi thấy có bao nhiêu người cũng đang làm điều tương tự thì tôi chẳng mấy hy vọng mình sẽ kịp lấy lại được đồ đạc. Tôi nghĩ về những cuốn cẩm nang du lịch mà tôi đã nhét trong túi. Chà, cũng không sao. Tôi sẽ tự mình khám phá các địa điểm, tôi sẽ không cần phải đọc về chúng nữa. Tôi vẫn còn những món đồ thiết yếu đựng trong chiếc túi tote - kem và bàn chải đánh răng, sạc điện thoại, một bộ đồ tắm mà tôi đã nhét vào để phòng khi điều này xảy ra. Tôi sẽ trở lại sân bay vào buổi sáng và bay đến Baltra trên đảo Santa Cruz ở Galápagos, sau đó bắt xe buýt đến phà để tới đảo Isabela, nơi tôi sẽ ở lại trong hai tuần. Hy vọng chiếc túi du lịch sẽ bắt kịp tôi vào một lúc nào đó.
Sau khi tắm xong, tôi tết tóc, kết nối với mạng Wi-Fi lởm khởm của khách sạn và thử FaceTime với Finn. Anh không trả lời, nhưng rồi vài phút sau, điện thoại của tôi bắt đầu đổ chuông. Khi gương mặt anh xuất hiện trên màn hình, nó được giấu sau một tấm chắn giọt bắn và một chiếc khẩu trang y tế. “Vậy là em làm được rồi,” anh nói.
“Đúng vậy,” tôi đáp. “Nhưng chiếc va li của em thì không được may mắn như vậy.”
“Ồ. Ý em là anh không chỉ bỏ lỡ một kỳ nghỉ ở thiên đường... mà anh còn bỏ lỡ một kỳ nghỉ mà em sẽ khỏa thân đi khắp nơi ư?”
Tôi bật cười. “Mong là sẽ không đến mức đó.” Đột nhiên tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đồng thời cũng vô cùng cô đơn. “Em nhớ anh,” tôi nói.
Âm thanh của xe cứu thương vọng vào ống nghe. Đôi mắt Finn liếc sang trái. “Anh phải đi rồi.”
“Anh đã thấy nó chưa?” Tôi hỏi. “Virus ấy?”
Ánh mắt chúng tôi chạm nhau, và sau lớp kính bảo hộ, tôi có thể thấy một quầng thâm mờ nhạt dưới mắt anh. Lúc này là mười giờ tối. Tôi nhận ra rằng trong khi mình chợp mắt trên máy bay, Finn đã không rời khỏi bệnh viện trong suốt mười hai tiếng đồng hồ. “Đó là tất cả những gì anh thấy,” anh nói, và rồi cuộc gọi kết thúc.
***
Sáng hôm sau, chuyến bay của tôi tới Santa Cruz đã khởi hành mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nhưng vẫn còn một thứ ngăn cách tôi và chuyến phà dẫn tới đích cuối cùng: một chú sư tử biển.
Nó nằm dài trên bến phà dưới ánh mặt trời, một khối cơ bắp chậm chạp, râu ria xồm xoàm. Tôi tiến lại gần, tay cầm máy ảnh, nghĩ rằng mình có thể gửi một bức ảnh cho Finn, nhưng ngay khi tôi vừa đến đủ gần, nó bỗng nhô đầu và vai lên, mắt nhìn tôi chằm chằm.
Tôi chạy và nhảy qua đuôi nó khi con sư tử biển bắt đầy gầm ghè, suýt thì đánh rơi điện thoại.
Tim tôi vẫn đập thình thịch khi lên được tàu. Tôi liếc mắt qua vai, nghĩ bụng hẳn là con thú kia đã đuổi sát gót mình rồi, nhưng con sư tử biển chỉ nằm bất động như cũ, duỗi người ra trên lối đi lát ván đã phai màu như một con chó lười biếng.
Mỗi ngày chỉ có hai chuyến phà đến đảo Isabela, nhưng chuyến phà chiều lại chẳng hề đông đúc như tôi đã hình dung. Trên thực tế thì ngoài tôi cũng chỉ có thêm hai hành khách khác. Tôi hỏi cậu trai đã giúp mình lên tàu bằng thứ tiếng Tây Ban Nha bập bẹ xem tôi có đi đúng chuyến không và nhận được một cái gật đầu quả quyết. Tôi chọn một ghế ở ngoài trời. Thế rồi, chúng tôi đột ngột lướt đi trên mặt nước và đảo Santa Cruz bắt đầu nhỏ dần.
Galápagos là một chuỗi các hòn đảo trải dài trên đại dương như những viên ngọc trên lớp vải nhung. Trong hình dung của tôi thì nó là hình ảnh mô phỏng lại buổi bình minh của thế giới - những ngọn núi mới hình thành vẫn còn dốc đứng, sương mù trôi lững lờ từ các thung lũng, từng dãy núi lửa lấp kín đường chân trời. Một số đảo vẫn đang sôi sục dung nham. Một số được bao quanh bởi vùng nước màu ngọc lam mờ ảo, một số là bởi những ngọn sóng dữ dội. Một số đảo, ví dụ như Isabela, có người sinh sống. Một số khác chỉ có thể tới được bằng thuyền và là ngôi nhà của riêng các sinh vật kỳ lạ đã tiến hóa tại đó.
Trong hai giờ trên phà, tôi bị nước tạt vào người, bị quăng quật và xô đẩy giữa dòng nước xiết. Một trong hai hành khách, người trông giống một cậu sinh viên đại học với chiếc ba lô to bự, giờ như một cái bóng xanh ngắt run rẩy. Người còn lại là một cô bé với nước da nâu mịn màng của dân địa phương. Có vẻ đó là một cô gái nhỏ - có lẽ là khoảng mười hai hoặc mười ba tuổi gì đó - mặc đồng phục học sinh: một chiếc áo dệt kim cổ bẻ với huy hiệu của trường được thêu đè lên hình trái tim cùng quần dài màu đen. Dù trời nắng nóng, em vẫn mặc áo nỉ dài tay. Vai cô bé gù xuống, hai tay ôm chặt một chiếc túi vải thô, đôi mắt thì đỏ hoe. Mọi thứ về cô bé đều nói lên rằng: Hãy để tôi yên.
Tôi dõi mắt vào nơi bầu trời giao hòa cùng mặt nước và cố kìm nén cơn buồn nôn. Tôi soạn một tin nhắn cho Finn trong tâm trí: Anh còn nhớ lần chúng ta đi phà từ Bar Harbour đến Nova Scotia để dự đám cưới bạn cùng phòng của anh và mọi người trên tàu đều bị say sóng không?
Hóa ra chuyến phà này không hề đi thẳng tới đảo Isabela. Nó dừng lại ở một bến tàu, sau đó anh chàng mang ba lô, cô bé và tôi ngồi chung một chiếc taxi đường thủy trên chặng cuối của cuộc hành trình - một quãng đường ngắn để tới Puerto Villamil. Tôi đang nheo mắt nhìn bãi biển cát trắng và những hàng cọ thì anh chàng ba lô bên cạnh tôi chợt bật cười khoái trá. “Ôi trời!” Cậu ta thốt lên. Cậu ta kéo tay áo của tôi và chỉ. Có một chú cánh cụt nhỏ xíu đang bơi cạnh taxi đường thủy.
Khi chúng tôi đến gần hơn, phần đất liền bỗng được chia nhỏ thành nhiều miền cảm xúc riêng biệt: những luồng gió nóng và tiếng kêu của đàn bồ nông, một người đàn ông đang trèo lên cây và ném những quả dừa xuống cho một cậu bé, một con cự đà biển đang chớp đôi mắt màu vàng như khủng long. Khi đi qua bến tàu, tôi nghĩ nơi này mang một dáng vẻ hoàn toàn khác biệt với thành phố New York. Một dáng vẻ nhiệt đới và trường tồn, biếng nhác, xa xăm. Một dáng vẻ của một nơi mà thông tin về đại dịch chưa hề vang tới.
Nhưng rồi tôi nhận ra có một đám đông đang chờ đợi được sử dụng dịch vụ taxi đường thủy. Họ có làn da cháy nắng của khách du lịch, những người giờ chỉ muốn được về nhà, những người đang xô đẩy và hò hét vào mặt nhau. Một người đàn ông chìa ra một nắm tiền và vẫy tay với tài xế của chúng tôi, người đang có vẻ hết sức choáng ngợp. “Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Tôi hỏi.
“La isla está cerrando,” anh ta nói.
Cerrando, tôi nghĩ, lục lọi vốn từ vựng tiếng Tây Ban Nha hạn chế của mình.
“Tôi không hiểu,” tôi đáp.
Cô bé im lặng, đôi mắt dõi theo bến thuyền đằng xa. Anh chàng mang ba lô nhìn tôi, sau đó nhìn về phía đám đông. Cậu ta nói gì đó với tài xế taxi của chúng tôi bằng tiếng Tây Ban Nha, người này trả lời bằng một loạt từ mà tôi không hiểu.
“Hòn đảo đóng cửa rồi,” cậu ta nói.
Làm sao mà một hòn đảo có thể đóng cửa được cơ chứ?
“Họ sẽ tiến hành phong tỏa trong hai tuần,” cậu ta nói tiếp. “Vì virus.” Cậu ta hất đầu về phía đám đông đang đợi trên bến thuyền. “Họ đều đang tìm cách quay lại Santa Cruz.”
Cô bé nhắm mắt lại, như thể không muốn nhìn thấy bất cứ ai trong số này.
Tôi không thể hình dung nổi làm sao mà từng này người có thể được nhét vừa vào một chiếc phà nhỏ xíu thế kia. Người tài xế taxi đặt ra một câu hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Ông ấy muốn biết liệu chúng ta có muốn quay lại hay không,” cậu ta nói, liếc mắt về phía chiếc phà, thứ vẫn đang đậu cách đó một khoảng. “Đó là chuyến phà cuối cùng để rời khỏi đảo.”
Tôi không thích việc kế hoạch bị thay đổi.
Tôi nghĩ về Finn, người đã khuyên tôi rời khỏi thành phố New York. Tôi nghĩ về căn phòng đã được thanh toán đầy đủ và chỉ cách bến tàu vài phút đi bộ. Nếu hòn đảo bị phong tỏa trong hai tuần thì hẳn người ta phải cho rằng cần đến từng đó thời gian để có thể kiểm soát được virus. Tôi có thể dành hai tuần đó chiến đấu với đám đông giận dữ kia để có được một chỗ trên chuyến bay trở về New York, sau đó trốn trong căn hộ của chúng tôi khi Finn đang phải làm việc.
Anh chàng kia nói gì đó với người tài xế bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó quay sang tôi. “Tôi đã nói với ông ấy rằng có lẽ chị sẽ muốn quay lại.”
“Tại sao?”
Cậu ta nhún vai. “Bởi chị trông giống một người sẽ chọn giải pháp an toàn.”
Có điều gì đó trong câu nói này khiến tôi nhói lòng. Việc xuất hiện một trục trặc nhỏ không có nghĩa là tôi không thể thích nghi. “Thật ra thì cậu nhầm rồi. Tôi sẽ ở lại.”
Anh chàng đeo ba lô nhướng mày. “Thật đó hả? Chết tiệt thật,” cậu ta nói với vẻ ngưỡng mộ miễn cưỡng.
“Chà, vậy còn cậu thì sao?” Tôi hỏi.
“Quay lại,” cậu ta đáp. “Tôi đã ở Galápagos được một tuần rồi.”
“Tôi thì chưa,” tôi nói, như thể tôi cần một lời bào chữa. “Tùy chị thôi,” cậu ta bảo.
Hai phút sau, tôi và cô bé kia đã rời khỏi chiếc taxi đường thủy để đặt chân lên đảo Isabela. Từng đoàn lữ khách lo lắng bước vòng qua chúng tôi như một dòng điện trong lúc vội vã leo lên chiếc taxi đường thủy nhỏ. Tôi bẽn lẽn mỉm cười với cô bé, nhưng em không đáp lại. Một lúc sau, tôi nhận ra em ấy không còn đi cạnh mình nữa. Tôi nhìn lại và thấy cô bé đang ngồi trên băng ghế gỗ gần bến tàu, chiếc túi vải thô đặt bên cạnh, tay đang đưa lên lau nước mắt.
Đúng lúc đó, chiếc taxi đường thủy đã rời bến.
Đột nhiên suy nghĩ đó ập đến với tôi: trong một nỗ lực để tỏ ra ngầu hơn so với con người thật của mình, tôi đã tự khiến mình bị mắc kẹt trên một hòn đảo.
Tôi chưa bao giờ thực sự đi du lịch một mình. Khi còn nhỏ, tôi từng cùng cha đi phục chế các tác phẩm nghệ thuật tại các bảo tàng ở Los Angeles, Florence hay Fontainebleau. Hồi đại học, tôi và các bạn cùng phòng đã tận hưởng kỳ nghỉ xuân ở Bahamas. Tôi đã dành một mùa hè để làm việc cùng các bạn ở Canada. Tôi đã bay đến Los Angeles và Seattle cùng Eva để thuyết phục các khách hàng tiềm năng và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật chuẩn bị được đem đấu giá. Tôi từng lái xe đến công viên Quốc gia Acadia, bay đến Miami vào cuối tuần và đồng hành với Finn tới dự một đám cưới ở Colorado. Tôi từng gặp những người phụ nữ kiên quyết muốn đi du lịch một mình đến những địa danh xa xôi cách trở nhất, như thể tinh thần tự chủ cực đoan đó có thể thu hút nhiều lượt tương tác trên Instagram hơn cả những địa danh nước ngoài. Nhưng tôi không phải một người như vậy. Tôi thích việc có ai đó cũng sở hữu trải nghiệm giống hệt mình. Tôi thích việc khi quay sang Finn và bảo, Hãy nhớ lần đó trên núi Cadillac... tôi sẽ không cần phải nói hết câu.
Mày đang ở trong một cuộc phiêu lưu đó, tôi tự nhắc nhở bản thân.
Rốt cuộc thì đây cũng là điều mà mẹ tôi vẫn thường xuyên làm ở những vùng đất thậm chí còn hẻo lánh hơn nơi đây rất nhiều.
Khi tôi nhìn lại phía bến tàu, cô bé đã đi mất.
Tôi quàng chiếc túi tote hành lý lên vai và rời khỏi bến tàu. Các tòa nhà nhỏ trong thị trấn trông lộn xộn như một bộ trò chơi ghép hình: tường gạch kết hợp với mái tranh, lớp vữa được sơn màu hồng rực rỡ, một hàng rào bằng gỗ với tấm biển hiệu đề chữ BAR/NHÀ HÀNG phía trên. Tất cả đều có sự khác biệt, và điểm chung duy nhất của chúng là mọi cửa nẻo đều được đóng kỹ.
La isla está cerrando.
Dấu hiệu duy nhất của sự sống là những chú cự đà đất luồn lách trên những con đường ngập trong cát.
Tôi băng qua một farmacia1, một cửa hàng và vài hostales2. Đây là con đường duy nhất. Điều đó có nghĩa là nếu cứ tiếp tục tiến bước, tôi sẽ tìm thấy khách sạn của mình.
Tôi tiếp tục đi, cho tới khi phát hiện ra cậu bé hái dừa mà mình đã thấy khi ở trên taxi đường thủy. “Hola,” tôi nói và mỉm cười. Tôi vung chân múa tay trên đường. “Casa del Cielo...?”
Có một tiếng rơi nhẹ khi cậu bé hái dừa lúc nãy tụt xuống phía sau tôi. “Casa del Cielo,” anh ta lặp lại. “El hotel no está lejos, pero no están abiertos3.”
Tôi nở một nụ cười rộng ngoác. “Gracias4,” tôi nói, dù chẳng hề mảy may hay biết ý anh ta là gì. Tôi tự hỏi mình đã nghĩ cái quái gì khi đến một đất nước nói thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ.
Chú thích:
1 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Hiệu thuốc.
2 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Khách sạn giá rẻ.
3 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Khách sạn đó ở gần đây thôi, nhưng giờ nó đóng cửa rồi.
4 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Cảm ơn.
Ồ. Phải rồi. Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ đến đây cùng với Finn.
Tôi khẽ vẫy tay một cách lịch sự và tiếp tục bước theo hướng anh ta chỉ. Tôi mới đi được vài trăm mét thì nhìn thấy một tấm biển bằng gỗ đã bạc màu khắc tên khách sạn.
Tôi vừa đến được cửa trước thì có người đi ra ngoài. Đó là một bà lão với khuôn mặt hằn những nếp nhăn trông như một tấm vải lanh và đôi mắt đen láy. Bà ấy gọi ai đó vẫn đang ở trong tòa nhà, người này đáp lại bằng tiếng Tây Ban Nha. Bà ấy mặc một chiếc váy cotton với logo của khách sạn in trên ngực trái. Bà ấy mỉm cười với tôi và biến mất ở phía hông của tòa nhà.
Một người phụ nữ khác lập tức theo sau - trẻ hơn, mái tóc được tết thành từng bím buông dài sau lưng. Cô ta mang theo một chùm chìa khóa và bắt đầu khóa cánh cửa sau lưng mình.
Với một khách sạn mà nói thì điều đó thật kỳ quặc.
“Discúlpame1,” tôi lên tiếng. “Đây có phải là Casa del Cielo không?”
Người phụ nữ nghểnh cổ lên, như thể muốn nhìn lên mái nhà, và gật đầu. “Estamos cerrados2,” cô ta nói và đưa mắt nhìn tôi. “Đóng cửa,” cô ta nói thêm.
Chú thích:
1 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Xin cho hỏi.
2 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Chúng tôi đóng cửa rồi.
Tôi chớp mắt. Có thể đây là một kiểu nghỉ trưa, có lẽ tất cả các cơ sở kinh doanh trên hòn đảo này đều đóng cửa lúc (tôi liếc nhìn đồng hồ)... bốn rưỡi chiều.
Cô ta kéo mạnh cánh cửa và bắt đầu rời đi. Tôi hoảng hốt chạy theo, bảo cô ta đợi chút đã. Cô ta quay lại và tôi lục tung chiếc túi tote của mình lên cho đến khi tìm thấy bản in phiếu xác nhận từ khách sạn, bằng chứng cho thấy tôi đã trả trước tiền phòng cho hai tuần sắp tới.
Cô ta nhận tờ giấy từ tay tôi và kiểm tra nó một lượt. Khi cô ta lên tiếng lần nữa, đó là cả một cơn lũ tiếng Tây Ban Nha mà tôi chỉ có thể nhận ra một từ: coronavirus.
“Bao giờ thì các cô sẽ mở cửa trở lại?” Tôi hỏi.
Cô ta nhún vai, một cử chỉ mà ở bất cứ đâu cũng có nghĩa là Cô thật đen đủi.
Người phụ nữ leo lên xe đạp và đi mất, bỏ lại tôi trước một khách sạn ngừng hoạt động mà tôi đã phải trả tiền để đặt trước một căn phòng mà họ sẽ không giao cho tôi, tại một đất nước nói thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu, trên một hòn đảo nơi tôi sẽ bị bỏ lại trong hai tuần mà chỉ có bàn chải đánh răng trong tay.
Tôi đi lang thang phía sau khách sạn, phần quay lưng về phía đại dương. Bầu trời ngả sang sắc tím dịu dàng. Đám cự đà biển tránh sang một bên khi tôi ngồi xuống một mỏm đá nham thạch và rút điện thoại ra để gọi cho Finn.
Nhưng không có sóng.
Tôi vùi mặt vào hai bàn tay.
Đây không phải là cách tôi đi du lịch. Tôi đã đặt phòng khách sạn và có cẩm nang du lịch cùng tài khoản tích lũy. Tôi đã kiểm tra ba lần để chắc chắn rằng mình có mang theo bằng lái và hộ chiếu. Tôi đã sắp xếp mọi thứ. Khi nghĩ rằng mình sẽ phải lang thang vô định qua một thị trấn, lao vào một khách sạn và hỏi xem còn phòng nào trống không, ruột tôi như quặn thắt lại.
Mẹ tôi từng tới Sri Lanka để chụp ảnh đám trâu nước lang thang trên bãi biển đúng vào thời điểm cơn sóng thần ập tới. Lũ voi lao về phía mấy ngọn đồi trước khi có bất cứ ai kịp nhận ra điều gì đang tới, bà kể. Đám hồng hạc bay lên những chỗ đất cao. Lũ chó không chịu ra ngoài. Khi mọi thứ đều đồng lòng đi theo một hướng, thường thì sẽ có một lý do đằng sau.
Tôi nhảy dựng lên khi cảm thấy có một bàn tay chạm vào vai mình. Bà lão vừa rời khỏi khách sạn khi nãy đang đứng ngay sau lưng tôi. Khi bà ấy cười, khóe miệng móm mém đã rụng gần hết răng khiến đôi môi bị kéo sát vào hai bên lợi. “Ven conmigo1,” bà ấy nói, và khi tôi không cử động, bà ấy đưa một bàn tay xương xẩu ra và kéo tôi đứng dậy.
Chú thích:
1 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Đi với tôi.
Bà ấy giữ chặt lấy tôi như thể tôi là một đứa trẻ mới biết đi và dẫn tôi tiếp tục bước đi trên con phố phủ đầy cát của Puerto Villamil. Tôi biết việc để một người lạ lôi đi đâu đó là một hành động hết sức thiếu khôn ngoan. Nhưng trông bà ấy không hề giống một tên giết người hàng loạt, còn tôi thì chẳng còn bất cứ lựa chọn nào khác. Tôi thất thần theo chân bà ấy băng qua những cửa hàng khóa trái, những nhà hàng đóng cửa và những quán bar im lìm, mà giờ đã trở thành những chốn trú ẩn nhỏ nhắn và gọn gàng. Một số căn nhà trông hoa mỹ hơn những căn khác, nằm ẩn sau những bức tường thấp trát vữa và có cổng. Có những căn nhà có chiếc xe đạp rỉ sét đặt trước cửa. Một số có sân trước được làm bằng vỏ sò nghiền nát.
Bà lão kia rẽ vào một ngôi nhà nhỏ. Nó là một căn nhà vuông vắn bằng bê tông với lớp sơn màu vàng lợt. Nó có một mái hiên nhỏ bằng gỗ với những cây dây leo rậm rạp và những chùm hoa rực rỡ quấn quanh chân cột. Tuy nhiên, thay vì bước lên các bậc thang, bà ấy lại đưa tôi đi vòng ra phía sau nhà, một triền dốc thoải dần xuống sát mép nước. Có một khoảng sân trong với bàn cà phê bằng kim loại và một chiếc võng, vài chậu cây và một cái hốc dẫn thẳng ra bãi biển trên bức tường cao tới đầu gối. Những con sóng đang rì rào đánh vào bờ.
Khi tôi quay đầu lại, bà lão đã bước qua cánh cửa trượt bằng kính và đang vẫy gọi tôi lại. Tôi bước vào một căn hộ nhỏ trông vừa có vẻ có người ở, vừa không. Trong nhà có một số đồ đạc: một chiếc đi văng kẻ sọc màu nâu cũ nát, xấu xí và một chiếc bàn cà phê bằng gỗ lũa, những tấm giẻ dùng làm thảm chùi chân nằm rải rác. Có một chiếc bàn ọp ẹp đủ chỗ cho hai người, chính giữa là một chiếc vỏ ốc xà cừ có sắc hồng đựng một xấp giấy ăn. Có tủ lạnh, lò nướng và bếp.
Nhưng không có sách trên giá, không có thức ăn trong tủ chén đang mở, không có tranh treo trên tường.
“Cô,” bà ấy nói, chính xác là bằng tiếng Anh, “ở lại.”
Tôi không thể kìm được những giọt lệ lăn dài trên khóe mắt. “Cảm ơn bà,” tôi nói. “Tôi có thể trả tiền. Dolares1.”
Bà ấy nhún vai, như thể việc cung cấp chỗ ở cho một vị khách du lịch xa lạ đang lâm vào tình cảnh không chốn dung thân là một điều hoàn toàn bình thường, và tiền bạc là một vấn đề chẳng đáng phải bận tâm. Mà nghĩ lại thì có khi đó đúng là cách mọi chuyện diễn ra tại Isabela. Bà ấy mỉm cười và tự vỗ vào ngực mình. “Abuela2,” bà ấy nói.
Tôi mỉm cười lại với bà. “Diana,” tôi đáp.
Chú thích:
1 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Đô la.
2 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Bà.
***
Căn hộ này là một điều bí ẩn nho nhỏ. Có một tấm nệm đôi, và tôi phải lục tìm khăn trải giường trong tủ quần áo âm tường. Được chôn ở phía sau, bên dưới những chiếc khăn tắm là ba chiếc áo phông, mềm và đã phai màu - một chiếc in hình lá cờ mà tôi không nhận ra, chiếc thứ hai là hình một chú mèo đen, chiếc thứ ba thì có logo của một công ty trên ngực. Mẫu logo đó cũng được in trên một chiếc hộp đựng những tấm bưu thiếp quảng cáo quá khổ, thứ mà tôi tìm thấy trong một chiếc hộp khác - dễ phải có đến cả trăm chiếc hộp ở đây. G2 TOURS, được bao quanh bởi hình ảnh của một ngọn núi lửa, một con rùa, một bờ biển đầy đá và một con ó biển chân xanh. Trong một chiếc tủ nhỏ bị mối mọt đặt trong phòng ngủ, tôi tìm thấy một đôi dép xỏ ngón quá cỡ với mình, cùng một chiếc mặt nạ và ống thở. Trong phòng tắm có một tuýp kem đánh răng nhỏ đặt trong ngăn kéo và một lọ ibuprofen hết sức phổ thông. Trong tủ lạnh có vài loại gia vị linh tinh - mù tạt, Tabasco - nhưng chẳng có gì mà tôi có thể ăn được.
Chính điều đó đã đẩy tôi ra khỏi cảm giác thoải mái và tương đối an toàn của căn hộ này. Khi bụng réo ầm ĩ đến mức không thể làm ngơ thêm được nữa, tôi quyết định đi tìm thức ăn và một nơi có sóng điện thoại tốt. Tôi lột chiếc áo sơ mi đã mặc suốt hai hôm nay ra và thế chỗ nó bằng chiếc áo phông có in logo, buộc túm lại ở phần eo. Rồi tôi bước qua cánh cửa trượt bằng kính và thấy mình đang đứng bên rìa thế giới.
Đại dương đang ve vuốt bờ biển, sóng đánh vào rồi lại lùi ra xa. Tôi nhận thấy có một tảng đá xù xì nhô lên khỏi mặt nước đột nhiên chuyển động - hóa ra đó không phải là một tảng dung nham, mà là một đám cự đà biển đang lặn xuống dưới những con sóng. Tôi cố gắng lần theo hướng di chuyển của chúng, nhưng rồi mất dấu khi chúng tiến ra phần nước sâu hơn. Tôi đưa tay lên che mắt và cố gắng chọn một hòn đảo khác ở phía chân trời, nhưng tôi chỉ có thể thấy một lằn ranh mờ ảo nơi đại dương tiếp giáp với bầu trời. Tôi hoàn toàn có thể hiểu được lý do khiến một thuyền trưởng ghi lại nó trong hải trình và tin rằng mình có thể vượt qua đó.
Đột nhiên tôi cảm thấy cuộc sống thực của mình trở nên hết sức, hết sức xa xăm.
Có vẻ như tôi là người duy nhất có mặt trên bãi biển, nhưng rồi tôi dần nhận thấy có ai đó đang chạy bộ ở phía đằng xa và nếu tôi tập trung, tôi có thể nghe thấy tiếng lũ trẻ đang nô đùa ở đâu đó. Khi quay lại nhà, tôi thấy có bóng người ở tầng trên - có lẽ là Abuela - khuất sau một tấm rèm màu kem.
Tôi có thể đi lên đó và giả vờ rằng mình đang đói, rồi Abuela có thể sẽ xuống và nấu cho tôi một bữa ăn. Nhưng tôi cảm thấy làm vậy thì thật thô lỗ, nhất là khi bà ấy đã cho tôi một chỗ ở. Dù vậy, tôi cũng biết rằng toàn bộ các cửa hàng đều đã đóng cửa, bởi tôi vừa đi một vòng quanh thị trấn. Có thể có một nhà hàng hoặc một khu chợ ở hướng ngược lại chăng? Thế là tôi đánh thức Elizabeth Gilbert1/Amelia Earhart2/ Sally Ride3 bên trong mình và bắt đầu khám phá một miền đất mới.
Chú thích:
1 Tác giả của cuốn hồi ký du lịch nổi tiếng Eat, Pray, Love (Ăn, Cầu Nguyện, Yêu).
2 Nữ phi công đầu tiên trên thế giới, cũng là người phụ nữ đầu tiên thành công trong việc một mình bay qua Đại Tây Dương.
3 Người phụ nữ mang quốc tịch Hoa Kỳ đầu tiên thực hiện chuyến bay vào không gian.
Con đường duy nhất dẫn ra khỏi thị trấn uốn lượn qua những hàng xương rồng và bụi cây rậm rạp, cùng những hồ nước lợ. Những con hồng hạc với gương mặt đỏ rực bước đi trên mặt nước, những cái cổ cong cong uốn lượn như nét chữ để tạo thành những thông điệp bí mật khi chúng cúi xuống mò tôm. Có đôi chỗ, con đường bị thu hẹp lại và được lát hai bên bằng những viên đá đen. Ở những chỗ khác, nó bị phủ một lớp lá rụng. Mọi thứ đều có màu xanh lá cây, đỏ và màu da cam, trông như một bức tranh của Gauguin vậy. Điện thoại của tôi chỉ có một vạch sóng trong suốt thời gian vừa qua.
Finn hẳn sẽ phát hoảng nếu không nghe được tin tức gì từ tôi. Về lý mà nói thì anh biết rằng Wi-Fi là thứ rất hạn hữu ở Galápagos. Tôi đã nói rõ điều đó vào ngày hôm qua, trước khi chúng tôi bị mất liên lạc. Thêm vào đó, mọi cuốn cẩm nang du lịch đều đề cập đến vấn đề này như một điểm hạn chế và nói rằng điều tốt nhất mà bạn có thể trông chờ là bộ kết nối lúc có lúc không tại khách sạn... hoặc đề nghị bạn tắt luôn điện thoại đi và chỉ cần tập trung vào việc tận hưởng kỳ nghỉ của mình. Với Finn và tôi thì đó quả là thiên đường. Nhưng đó là khi chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ ở bên nhau trong bong bóng cô độc này.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo hướng ngược lại - nếu anh ấy là người bị kẹt ở một nơi không có sóng điện thoại - tôi chắc chắn sẽ vô cùng lo lắng. Tôi tự động viên bản thân: anh ấy biết tôi đã hạ cánh an toàn; mới chỉ có một ngày thôi mà; ngày mai tôi sẽ tìm ra cách để liên lạc với anh ấy.
Khi tôi đi bộ được khoảng hai mươi phút, mặt trời đã sắp lặn. Dưới ánh nắng yếu ớt, bóng của đám xương rồng biến thành những bóng người kỳ quái theo chân tôi. Khi một con cự đà chạy qua trước mặt, tôi lập tức nhảy dựng lên. Tôi nên quay lại trước khi trời quá tối để có thể tìm được đường về. Tôi đã định sẽ từ bỏ và đi ngủ với một cái bụng đói thì trông thấy một ngôi nhà nằm cuối con đường. Tôi nheo mắt lại, nhưng hầu như không thể thấy bảng hiệu ghi gì.
Khi đến đủ gần, tôi nhận ra đó không phải một quán ăn hay cửa hàng tiện lợi. CENTRO DE CRIANZA DE TORTUGAS GIGANTES. Có một bản dịch sang tiếng Anh - TRUNG TÂM PHỐI GIỐNG RÙA KHỔNG LỒ - và cả hình ảnh của một con rùa đang ấp trứng để minh họa rõ hơn.
Tòa nhà này không có cổng, vậy nên tôi cứ thế lang thang trong khoảng sân mở. Tòa nhà chính đã đóng cửa vì trời tối (hoặc có thể nó sẽ đóng lâu hơn?), nhưng vây quanh tôi là một dãy chuồng được xây thành hình móng ngựa. Mỗi chuồng được bảo vệ bởi một bức tường bê tông chỉ cao khoảng hơn một mét - chắc chắn là đủ để tôi có thể nghiêng người ngó vào, nhưng quá cao để lũ rùa có thể chạy thoát.
Tôi tiến lại gần một bức tường và đối mặt với một con rùa trông như thể đã sống sót từ thời tiền sử. Đôi đồng tử nằm dọc của nó nhìn chằm chằm vào tôi khi đôi chân có đệm đưa nó tiến lại gần hơn và cổ thì vươn lên khỏi cái bướu trên vỏ. Tôi quan sát cái đầu phẳng lì cùng lớp da khủng long, những kẽ đen ở ngón chân và chiếc mũi Voldemort của nó. Nó mở miệng và thè lưỡi ra như một ngọn giáo.
Cảm thấy thú vị, tôi chống khuỷu tay xuống và nhìn nó quay đi, khệnh khạng bước trên nền đất đầy bụi về phía một con rùa khác ở đằng xa. Với những chuyển động nặng nề như đang ở dưới nước, nó leo lên mai của con rùa kia và ghìm nó lại để chúng có thể giao phối. Con rùa đực mà tôi đang quan sát rướn cổ về phía đối tác của mình, những sợi gân trên đó giãn cả ra. Đôi chân chắc nịch của nó trông như thể được bọc trong một lớp giáp lưới. Nó bắt đầu kêu gừ gừ, âm thanh duy nhất mà nó sẽ tạo ra trong suốt cuộc đời.
“Tiến lên nào, anh bạn,” tôi thì thầm và quay mặt đi để cho chúng được riêng tư.
Những chuồng khác chứa hàng trăm con rùa lớn nhỏ khác nhau. Trông chúng như một đống mũ bảo hiểm của quân đội. Một số đang ngủ, một số trông lại hoạt bát đến đáng ngạc nhiên. Có những con trông có vẻ chán cả thế giới khi chúng bò ra khỏi vũng bùn có màu xanh do tảo hoặc uể oải ngoạm thức ăn. Mọi hành động dù là nhỏ nhất của chúng đều khiến tôi nhớ đến những ông già, với lớp da nhăn nheo ở cổ và cái đầu hói.
Trong một chuồng, có vài con rùa đang nhai táo. Những quả táo nhỏ xanh mướt trông có vẻ như đã rụng xuống từ một cái cây nằm bên ngoài bức tường bê tông. Tôi quan sát cách lũ bò sát sử dụng bộ hàm mạnh mẽ của chúng để nghiền nát chỗ táo.
Bụng tôi sôi ùng ục, và tôi liếc nhìn cái cây.
Tôi không phải kiểu người quả nào cũng chén - tôi là một người New York cơ mà, trời ạ, và với tôi thì thiên nhiên hầu như đồng nghĩa với nguy hiểm. Nhưng nếu lũ rùa ăn được thứ này thì hẳn chúng phải an toàn, nhỉ?
Tôi không thể với tới chỗ trái cây. Những cành cây sà vào trong chuồng đã bị lũ rùa háu đói chén sạch, vậy nên tôi đành phải trèo lên tường để hái được một quả táo.
“Cuidado!1“
Chú thích:
1 (tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản): Coi chừng!
Tôi giật mình quay lại, suýt nữa đã ngã bổ nhào vào chuồng rùa. Bóng tối sà xuống như một tấm lưới khiến khắp nơi chìm trong đêm đen, vậy nên tôi không thể thấy ai đang gọi mình. Tôi do dự, sau đó quyết định quay lại với cây táo.
Khi ngón tay vừa kịp chạm vào vỏ táo, tôi bỗng bị kéo ra khỏi tường và mất thăng bằng, sau đó ngã nhào xuống mặt đất đầy bụi và thấy cái bóng của ai đó lướt qua. Anh ta đang la hét bằng tiếng Tây Ban Nha và tôi không thể nhìn thấy được gương mặt của anh ta trong bóng tối. Anh ta cúi xuống và nắm lấy cổ tay tôi.
Tôi tự hỏi tại sao mình lại cho rằng việc đơn độc đi lang thang trên một hòn đảo xa lạ là một hành động an toàn.
Tôi tự hỏi tại sao mình lại chạy trốn khỏi đại dịch ở nhà chỉ để bị tấn công ở đây.
Tôi bắt đầu chống trả. Khi bị tôi thụi một quả đấm ra trò lên mạn sườn, anh ta bắt đầu rên rỉ và càng giữ chặt tôi hơn.
“Đừng làm hại tôi,” tôi hét lên. “Làm ơn đấy.”
Anh ta lật cổ tay tôi lại, và lần đầu tiên tôi cảm thấy bỏng rát ở các đầu ngón tay, nơi vừa chạm vào lớp vỏ táo. Chúng phồng rộp và đỏ tấy lên.
“Đã quá trễ,” anh ta lên tiếng bằng thứ tiếng Anh chuẩn chỉnh. “Cô đã tự làm điều đó rồi.”