Trước thềm chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, nhiều người khi chuẩn bị đón chào khoảnh khắc giao thời “ngàn năm có một”, không khỏi cảm hoài về quá khứ lẫn hiện tại. Dường như ngàn năm chỉ vụt qua trong nháy mắt nên ai cũng bắt đầu suy ngẫm về vấn đề “thời gian”.
Theo báo chí, nước Mỹ sắp tới sẽ xây dựng một tòa tháp đồng hồ trường cửu hiện đại có trị giá hàng chục triệu đô la. Chiếc đồng hồ đó mỗi năm điểm một tiếng tích tắc và mỗi thế kỷ vang một hồi chuông, với hy vọng qua tiếng chuông ấy sẽ làm cho những người quá bận rộn, những người quen suy nghĩ chớp nhoáng, cho đến những người chỉ nơm nớp lo lắng lợi ích trước mắt đều sẽ tỉnh thức và có thể sống chậm lại. Thật vậy, thời gian phải được hiểu chính xác và biết sử dụng một cách hợp lý, đó là vấn đề cần được chúng ta xem xét và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc trong thời đại ngày nay.
Trong cuộc sống thực tế, một số người cảm thấy mình không có đủ thời gian để làm việc, phải tranh thủ trong từng phút giây, nhưng có những người lại cảm thấy thời gian sao mà trôi qua chậm đến vậy, để rồi khổ sở, than thở rằng: Một ngày dài tựa một năm.
Bạn thấy đấy, một số người dành hết thời gian theo đuổi công danh lợi lộc, quên mất việc vun đắp tình cảm gia đình; trong khi đó có người lại dành cả quãng thời gian dài để hưởng thụ thú vui dục lạc, không lo học tập, tu dưỡng thân tâm. Nếu hàng ngày học sinh không kiên nhẫn nghe giảng bài thì theo năm tháng làm sao có thể hiểu hết được biển học thức mênh mông? Nếu người nông dân không cần mẫn cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng thì đến lúc vụ mùa về làm sao họ có thể thu hoạch quả chín? Có thể thấy, cùng một khoảng thời gian như nhau, nếu ta không biết trân quý sử dụng, thì cũng như cuộc đời của loài phù du ngắn ngủi chỉ sáng sinh chiều diệt mà chẳng bao giờ than oán, còn kiếp người trăm năm chìm nổi lại chẳng cho là đủ.
Có một người hỏi Thiền sư Trạch An: “Làm thế nào để quản lý thời gian?” Thiền sư trả lời rằng: “Ngày đã trôi qua sẽ không trở lại, thời gian ngắn ngủi quý như châu báu”. Có người cảm thán cuộc đời sống được 70 tuổi xưa nay hiếm, nhưng lại có người cho rằng khi 70 tuổi mới là lúc cuộc đời bắt đầu. Người nắm giữ được thời gian chính là người làm chủ được cuộc đời đúng nghĩa.
“Người mỏi mệt thấy đường dài vô tận, người thao thức thấy đêm dài thăm thẳm, người không hiểu được đạo lý cho rằng sự sống và cái chết cách nhau rất xa”. Câu nói trên thật đúng thay! Chúng ta đều biết thời gian của quá khứ đã lặng lẽ trôi qua không bao giờ trở lại, thời gian của hiện tại thì qua nhanh như tên bắn, trong nháy mắt đã không còn, còn thời gian của tương lai chầm chậm đến kề bên, trong thoáng chốc xoay người đã vụt qua. Thật đúng như lời bậc hiền đức xưa dạy: “Một ngày sống trên đời còn quý giá hơn kho báu của ba ngàn thế giới”.
Trên thực tế, chỉ cần chúng ta nhận thức được giá trị và khéo sử dụng thời gian thì có thể dễ dàng nắm bắt được thời gian trong từng hơi thở; đồng thời chúng ta cần hiểu được ý nghĩa của phút giây hiện tại và trân quý từng khoảnh khắc, học theo các bậc tiền bối dùng “tam bất hủ” (ba điều không bao giờ mất: lập đức, lập công, lập ngôn) để tu thân dưỡng đức, thể chứng được sinh mạng sát na là vĩnh hằng. Bởi thời gian là vô giá, sao lại chỉ giới hạn trong “tòa tháp đồng hồ trường cửu hiện đại” mỗi năm điểm một tiếng tích tắc và mỗi thế kỷ vang một hồi chuông chứ?