N
ăm 2050. Tại một thành phố châu Âu rộng lớn, nơi đã tồn tại sau bao thăng trầm của loài người suốt hơn một ngàn năm, giữa quảng trường trung tâm thành phố có một tượng đài kỷ niệm khá kỳ quặc. Một bức tượng bằng đồng.
Chẳng phải tượng người lính hay chính khách.
Cũng chẳng phải một vị tướng trên lưng ngựa hay một vị vua trên ngai vàng.
Mà thay vào đó là tượng đài của một người đàn ông bình thường đang ngồi trên ghế.
Và chơi đàn xen-lô.
Dưới chân tượng là những bó hoa tươi thắm.
Nếu đếm, bạn sẽ thấy mỗi bó hoa luôn có hai mươi hai bông.
Và người nhạc sĩ xen-lô đó là một anh hùng dân tộc.
Nếu hỏi về lịch sử bức tượng ấy, bạn sẽ được kể về thời kỳ nội chiến của thành phố này. Những kẻ mị dân đã châm lửa căm hờn giữa những người dân thuộc các nhóm tôn giáo và sắc tộc khác nhau. Mỗi người dân đều trở thành kẻ thù của một ai đó. Chẳng trừ một ai và chẳng ai thoát khỏi điều đó. Đàn ông lẫn đàn bà, trẻ nít lẫn người lớn, người già lẫn người trẻ, khỏe mạnh lẫn ốm đau, binh lính lẫn thường dân, tất cả cuối cùng đều trở thành nạn nhân. Rất nhiều người bị thương tật và nhiều người bị giết. Những người còn lại sống chẳng khác gì loài cầm thú giữa cảnh hoang tàn của thành phố.
Ngoại trừ một người. Một nhạc sĩ. Mỗi ngày ông đều đến một góc đường nào đó, ăn vận chỉnh tề trong bộ trang phục màu đen và ngồi trên một cái ghế đã cháy xém để chơi đàn xen-lô. Dù biết rằng mình có thể bị bắn hoặc đánh đập, ông vẫn cứ chơi. Hết ngày này qua ngày khác, ông vẫn đều đặn chơi những bản nhạc hay nhất mà mình biết.
Cứ thế ngày lại qua ngày. Tất cả là hai mươi hai ngày.
Tiếng nhạc của ông mạnh hơn lòng thù hận. Sự can đảm của ông mạnh hơn nỗi sợ.
Và cùng với thời gian, tinh thần đó đã ảnh hưởng đến những nhạc sĩ khác, khiến họ cũng đến ngồi bên cạnh ông trên đường. Hành động can đảm đó có sức lan truyền kỳ lạ. Bất kỳ ai biết hát hay chơi một nhạc cụ nào cũng tìm chỗ ngồi ngay tại góc đường và chơi nhạc.
Rồi cuộc chiến cũng dừng lại.
Âm nhạc cùng với người dân và cái thành phố ấy lại tiếp tục sống.
Một truyền thuyết đẹp đẽ. Một câu chuyện đầy cảm động. Một câu chuyện mà người lớn nghĩ ra để khuyến khích tinh thần của trẻ nhỏ. Một câu chuyện mà bạn có thể tìm thấy trong những quyển sách hướng dẫn du lịch nhằm giải thích những bí ẩn đằng sau các công trình của thành phố. Một nơi để bạn chụp ảnh.
Liệu có chút yếu tố nào là thật đằng sau câu chuyện ngụ ngôn ấy không hay nó chỉ nhằm để nói lên tính đa cảm của những câu chuyện thần thoại? Thế giới thật sẽ không có những chuyện như thế. Tất cả chúng ta đều biết rõ điều đó. Những nghệ sĩ xen-lô hiếm khi trở thành một người hùng dân tộc, bởi âm nhạc không thể tác động đến chiến tranh.
Nhưng Vedran Smailovic, nghệ sĩ xen-lô người Bosnia và Herzegovina, sẽ chẳng đồng tình với điều đó.
Ảnh của ông xuất hiện trên tờ Thời báo New York vào tháng Bảy năm 1992.
Trung niên, tóc hơi dài và với hàm râu rậm rạp, ông vận bộ quần áo dành cho những buổi dạ tiệc và ngồi trên một chiếc ghế trong tiệm cà phê giữa đường phố. Trước một tiệm bánh nơi khẩu súng cối đã nã vào những người đang xếp hàng mua bánh mì hồi cuối tháng Năm, làm thiệt mạng hai mươi hai người. Ông ngồi đó, chơi đàn xen-lô. Là thành viên của dàn nhạc giao hưởng Sarajevo, ông không làm được gì nhiều trước lòng thù hận và chiến tranh vốn đã diễn ra tại Sarajevo hàng thế kỷ nay. Dù vậy, suốt hai mươi hai ngày, ngày nào ông cũng bất chấp những pháo binh và lính bắn tỉa để ngồi chơi bản nhạc đầy cảm động Adagio in G Minor của Albinoni.
Tôi tự hỏi, không biết có phải ông chọn bản nhạc này vì biết rằng nó xuất thân từ bản thảo dang dở được tìm thấy trong đống đổ nát của Dresden sau Thế chiến thứ hai chăng? Bản nhạc đó đã sống sót sau những trận bom. Có lẽ chính vì thế mà ông đã chơi nó giữa đường phố Sarajevo đầy tàn tích chiến tranh, nơi người ta chết khi chờ xếp hàng mua bánh mì. Ở đây có điều gì đó thật vẻ vang vượt trên cả nỗi kinh hãi.
Liệu người đàn ông này có bị mất trí không? Có thể. Những gì ông làm có vô ích không? Có, theo cách nhìn cũ kỹ thì dĩ nhiên là có đấy. Nhưng liệu một nghệ sĩ xen-lô có thể làm được gì? Thật là mất trí khi ra ngồi một mình ngoài phố để nói với cả thế giới bằng một chiếc hộp gỗ và cây đàn. Liệu một nghệ sĩ xen-lô có thể làm được gì?
Tất cả những gì ông biết là phải làm như thế nào. Nói lên tiếng nói của mình thật nhỏ nhẹ với cây đàn xen-lô, chậm rãi từng nốt một, chỉ ra những tên sâu bọ đã phá hoại tinh thần con người.
Vedran Smailovic là một người có thật.
Những gì ông làm là thật.
Cả dòng người xếp hàng chờ mua bánh mì lẫn tràng súng cối và tiếng nhạc đều là thật.
Tất cả những điều đó đều diễn ra ngay trong thế giới mà chúng ta đang sống.
Đôi khi lịch sử gõ ngay vào những cánh cửa bình thường nhất để xem có ai ở nhà không. Và đôi khi trong những ngôi nhà ấy lại có người.
Hầu hết mọi người sống tại Sarajevo đều biết một nghệ sĩ xen-lô có thể làm được những gì, bởi nơi Vedran ngồi chơi đàn đã trở thành đền thờ vinh quang. Người Croatia, người Serbia, người Hồi giáo lẫn Thiên Chúa giáo đều biết đến tên và gương mặt của ông.
Họ đặt hoa nơi ông đã chơi nhạc để tưởng niệm niềm hy vọng không bao giờ được chết đi, rằng một ngày kia, cái tốt đẹp nhất của con người sẽ chiến thắng sự xấu xa, không phải bằng những điều kỳ diệu bất ngờ mà bằng chính hành động bình thường của số đông.
Vedran không chỉ được biết đến ở Sarajevo. Một nghệ sĩ ở Seattle, Washington đã trông thấy tấm hình của ông và đọc câu chuyện về ông. Người nghệ sĩ ấy tên là Beliz Brother. Một con người thật, một cái tên thật. Liệu một nghệ sĩ sẽ làm được những gì?
Cô đã quy tụ hai mươi hai nghệ sĩ xen-lô để chơi nhạc ở hai mươi hai địa điểm công cộng tại Seattle trong vòng hai mươi hai ngày và vào ngày cuối cùng, tất cả hai mươi hai người nghệ sĩ ấy cùng chơi nhạc trước một cửa hiệu bày bán những ổ bánh mì còn nguyên trong khuôn, hai mươi hai ổ bánh mì và hai mươi hai bông hồng.
Mọi người đã đến xem. Các phóng viên báo chí và truyền hình đã có mặt. Câu chuyện ấy và những bức hình ấy đã được truyền đi trên khắp mạng lưới thông tin trên thế giới, để rồi quay trở lại với Vedran Smailovic. Những người khác cũng bắt đầu chơi nhạc ở nhiều thành phố khác nhau. Tại Washington D.C. hai mươi hai nghệ sĩ xen-lô đã chơi nhạc mừng ngày tân tổng thống của Hoa Kỳ đọc tuyên thệ nhậm chức. Ai biết được bản nhạc ấy sẽ đến tai những ai? Và ai biết được chuyện gì có thể xảy ra?
Hàng triệu người đã đọc câu chuyện của Vedran trên báo chí. Hàng triệu người đã nhìn và nghe về câu chuyện được viết tiếp trên truyền thông đại chúng.
Và giờ đây đến lượt bạn cũng đã biết về nó.
Hãy kể cho một ai đó về câu chuyện này. Đây là bản tin khẩn cấp. Hãy giữ cho nó luôn sống cùng thế giới này.
Về phần đoạn kết của câu chuyện này, ai trong chúng ta dám khẳng định phần còn lại của câu chuyện sẽ không trở thành sự thật kia chứ? Ai bảo cái tượng đài trong công viên ở Sarajevo kia lại không xảy ra như dự tính kia chứ? Con người yếm thế sâu thẳm trong tôi nói rằng một nghệ sĩ xen-lô không thể nào dừng một cuộc chiến và âm nhạc cuối cùng cũng chỉ có thể trở thành một bản truy điệu đối với điều phi thường.
Nhưng đâu đó trong tâm hồn mình, tôi lại biết có điều ngược lại.
Hãy lắng nghe!
Đừng bao giờ hối tiếc hay xin lỗi vì đã tin rằng khi một người, đàn ông lẫn đàn bà, đã quyết định cất tiếng nói sự thật với cả thế giới thì thế giới sẽ phải dừng lại để lắng nghe.
Quả thật là có quá nhiều bằng chứng ngược lại.
Khi chúng ta không còn tin vào điều đó nữa, âm nhạc cũng sẽ dừng lại.
Truyền thuyết về giấc mơ không thể trở nên mạnh mẽ hơn cả mọi sự kiện lịch sử. Trong trí tưởng tượng của tôi, tôi sẽ đặt hoa dưới chân đài tưởng niệm Vedran Smailovic, một tượng đài tuy chưa được xây nhưng cũng có thể lắm chứ.
Trong lúc này, một nghệ sĩ xen-lô vẫn đang chơi trên đường phố của Sarajevo*.
* Chiến tranh tại Bosnia diễn ra từ năm 1991 đến năm 1996. Cuối năm 1993, nghệ sĩ xen-lô Vedran Smailovic đến định cư ở Bắc Ireland.