Đ
iều kiện tiên quyết đối với tự do thật sự là quyết định rằng bạn không muốn đau khổ thêm nữa. Bạn phải quyết định rằng từ nay bạn muốn tận hưởng cuộc sống và rằng không có lý do gì phải căng thẳng, đau khổ nội tâm, hay sợ hãi nữa. Mỗi ngày chúng ta thường chịu đựng những gánh nặng mà chúng ta không nên chịu đựng. Chúng ta sợ rằng chúng ta chưa đủ tốt hoặc chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta cảm thấy bất an, lo lắng và suy nghĩ quá nhiều về bản thân. Chúng ta sợ người khác sẽ thù địch với mình, lợi dụng mình, hoặc không còn yêu quý mình nữa. Tất cả những điều này đè nặng lên chúng ta. Khi chúng ta cố gắng để có những mối quan hệ cởi mở và tràn đầy yêu thương, khi chúng ta cố gắng để thành công và thể hiện bản thân, những điều này tạo ra một sức nặng nội tại mà chúng ta phải gánh vác. Sức nặng này là nỗi sợ phải trải qua đau đớn, khổ não, hay buồn phiền. Mỗi ngày chúng ta hoặc là có những cảm giác đó, hoặc là tìm cách tự vệ để phòng tránh khỏi những cảm giác đó. Ảnh hưởng của điều này sâu kín đến nỗi chúng ta thậm chí không nhận ra nó chế ngự ta đến mức nào.
Khi Đức Phật nói rằng “đời là bể khổ” thì Ngài đang đề cập đến vấn đề này. Con người không hiểu được họ đang chịu đựng bao nhiêu vì họ chưa bao giờ trải nghiệm một cuộc sống không chịu đựng. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của quan điểm này, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu cả bạn và tất cả những người bạn quen biết đều chưa bao giờ được khỏe mạnh. Tất cả đều bệnh nặng đến mức gần như không thể rời khỏi giường. Trong thế giới này, sẽ không có gì được tạo ra khi mà bạn không làm được gì khác ngoài việc nằm yên trên giường. Nếu giả thiết này có thật thì mọi người sẽ không nhận biết bất cứ điều gì khác. Họ sẽ dùng tất cả năng lượng để sống lê lết qua ngày, sẽ không có khái niệm hay hiểu biết nào về sức khỏe và sức sống.
Đó chính xác là những gì đang xảy ra với các năng lượng tinh thần và cảm xúc vốn tạo nên tâm lý của bạn hiện giờ. Sự nhạy cảm nội tâm đặt bạn trước một tình huống trong đó bạn không ngừng chịu đựng, ở mức độ nào đó. Bạn hoặc là tìm cách ngăn chặn sự chịu đựng, kiểm soát tình trạng của mình để tránh chịu đựng, hoặc là lo lắng phải chịu đựng trong tương lai. Tình trạng này chế ngự tâm trí bạn đến nỗi bạn không nhìn thấy hay nhận thức được nó, giống như cá không nhìn thấy nước.
Bạn chỉ nhận thấy rằng bạn đang chịu đựng khi sự chịu đựng đó tồi tệ hơn mức bình thường. Bạn thừa nhận mình gặp rắc rối khi nó trở nên trầm trọng đến mức nó bắt đầu ảnh hưởng đến hành vi hằng ngày của bạn. Trong khi sự thật là, tâm lý của bạn không ngừng gặp vấn đề trong cuộc sống thường nhật. Để thực sự nhận biết điều này, hãy so sánh mối quan hệ giữa bạn và tâm trí với mối quan hệ giữa bạn và cơ thể. Trong những lúc khỏe mạnh, bình thường, bạn không nghĩ gì về cơ thể mình. Bạn chỉ thực hiện các hoạt động như đi bộ, lái xe, làm việc và vui chơi mà không tập trung đến nó. Bạn chỉ thật sự nghĩ về cơ thể khi nó có vấn đề. Trái lại, bạn luôn nghĩ về tình trạng sức khỏe tâm lý của mình. Chúng ta không ngừng suy nghĩ về những điều như: “Sẽ ra sao nếu mình lâm vào một tình huống khó khăn hay lúng túng? Mình nên nói gì? Mình cực kỳ lo nếu không được chuẩn bị từ trước”. Như thế đã là sự chịu đựng. Những cuộc đối thoại nội tâm liên miên không dứt và đầy lo lắng cũng là một hình thức chịu đựng: “Mình có nên thực sự tin tưởng anh ta không? Điều gì sẽ xảy ra nếu mình bày tỏ tình cảm và bị lợi dụng? Mình không bao giờ muốn trải qua tình trạng đó lần nữa”. Cái khổ ở đây chính là khi bạn phải nghĩ về bản thân từng phút từng giây.
Nhưng tại sao lúc nào chúng ta cũng phải nghĩ về bản thân mình như thế? Tại sao có quá nhiều ý nghĩ về “tôi”, “chính tôi” và “của tôi” như thế? Hãy để ý xem tần suất bạn suy nghĩ về việc bạn có ổn hay không, liệu bạn có thích thứ gì đó hay không, và cách sắp xếp lại thế giới để làm hài lòng chính mình. Bạn nghĩ như thế bởi vì trong lòng bạn không ổn, và bạn đang không ngừng cố gắng để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn. Nếu cơ thể bạn không khỏe trong một thời gian dài, bạn sẽ nhận thấy bản thân thường xuyên nghĩ về cách bảo vệ nó và cách khiến nó cảm thấy tốt hơn. Đây cũng chính xác là những gì đang diễn ra với tâm lý của bạn. Lý do duy nhất bạn suy nghĩ quá nhiều về tình trạng sức khỏe tâm lý của mình là bởi vì đã từ lâu bạn cảm thấy nó không ổn. Nó thực sự rất “mong manh dễ vỡ”. Bất cứ điều gì cũng có thể khiến tâm lý bạn rối loạn.
Để chấm dứt sự chịu đựng, trước hết bạn phải nhận ra rằng tâm lý của bạn không ổn. Sau đó bạn phải thừa nhận rằng nó không cần phải như vậy. Nó hoàn toàn có thể khỏe mạnh. Thật sự là một món quà khi nhận ra rằng bạn sẽ không còn phải chịu đựng hoặc bảo vệ tâm lý của mình. Bạn không cần phải nghiền ngẫm miên man những điều bạn đã nói hoặc những gì người khác nghĩ về bạn. Bạn đang sống kiểu sống nào mà cứ luôn lo lắng về những điều như thế mãi? Nhạy cảm nội tâm là triệu chứng của một trạng thái tinh thần không khỏe mạnh. Nó tương tự như cách mà cơ thể gửi đi cảm giác đau nhức hay biểu lộ những triệu chứng khác khi nó không khỏe. Đau nhức không phải là điều tồi tệ; đó là cách cơ thể trò chuyện với bạn. Khi bạn ăn quá nhiều, bạn sẽ bị đau dạ dày. Khi bạn làm một việc gì đó tạo áp lực quá lớn lên cánh tay thì nó bắt đầu đau. Cơ thể giao tiếp thông qua ngôn ngữ phổ dụng là cái đau. Còn tâm lý của bạn giao tiếp thông qua ngôn ngữ phổ dụng là nỗi sợ. Quá lo nghĩ về bản thân, ganh tỵ, bất an, lo lắng – tất cả đều là dấu hiệu của nỗi sợ.
Nếu bạn ngược đãi một con vật, nó sẽ trở nên sợ hãi. Điều tương tự cũng xảy ra với tâm lý của bạn. Bạn ngược đãi nó bằng cách giao cho nó một trọng trách mà nó không tài nào hiểu nổi. Hãy lắng mình lại một lúc và nghiệm xem bạn đã giao nhiệm vụ gì cho tâm trí của mình. Bạn nói với nó: “Tôi muốn mọi người thích tôi. Tôi không muốn bất kỳ ai nói xấu về tôi. Tôi muốn mọi điều tôi nói và làm đều được chấp nhận và làm hài lòng tất cả mọi người. Tôi không muốn bất cứ ai gây tổn thương cho tôi. Tôi không muốn bất kỳ điều gì xảy ra mà tôi không thích. Và tôi muốn mọi điều diễn tiến theo cách mà tôi mong đợi”. Sau đó, bạn “ra lệnh”: “Bây giờ, tâm trí này, ngươi phải tìm cách biến mọi điều kể trên thành hiện thực, dù cho ngươi có phải ngày đêm nghĩ về nó”. Và tất nhiên tâm trí bạn sẽ phản hồi lại: “Tôi đang làm việc đó đây. Tôi sẽ làm việc này không ngừng nghỉ”.
Bạn có thể hình dung ra ai đó đang cố hết sức để làm theo yêu cầu của bạn không? Đó là tâm trí bạn – đang phải cố gắng sao cho mọi điều bạn thốt ra đều được nói theo cách đúng đắn, và có tác động tích cực lên mọi người. Nó phải đảm bảo rằng mọi việc bạn làm đều được hiểu và nhìn nhận một cách đúng đắn và rằng không ai làm bất cứ điều gì gây tổn thương cho bạn. Nó phải đảm bảo rằng bạn nhận được tất cả những gì bạn muốn, và rằng bạn không bao giờ phải nhận những gì bạn không muốn. Tâm trí luôn không ngừng cố gắng để đưa ra cho bạn những lời khuyên làm thế nào để nó luôn cảm thấy ổn. Đó là lý do tại sao tâm trí bạn phải hoạt động quá tích cực – bởi vì bạn đã giao cho nó một nhiệm vụ bất khả thi. Cũng giống như việc bạn mong đợi cơ thể mình phải bứng được những cây to hay leo lên những ngọn núi chỉ trong một bước nhảy duy nhất. Cơ thể bạn sẽ phát ốm nếu bạn cứ cố buộc nó phải làm những việc ngoài khả năng của nó. Đây cũng chính là điều khiến tâm lý suy sụp. Dấu hiệu cho thấy cơ thể suy nhược là cảm giác đau đớn và yếu ớt. Dấu hiệu của một tâm lý suy sụp là nỗi sợ tiềm ẩn và suy nghĩ bị kích động không ngừng.
Đôi khi bạn phải tỉnh thức và thừa nhận rằng có trục trặc gì đó bên trong bạn. Hãy tiếp tục quan sát và bạn sẽ thấy rằng tâm trí liên tục nói với bạn phải làm gì. Nó bảo bạn đi đến đây chứ đừng đến đó, nói điều này chứ đừng nói điều kia. Nó bảo bạn phải mặc cái gì và đừng mặc cái gì. Nó không bao giờ ngừng lải nhải. Nó không phải như thế khi bạn còn ở trung học và tiểu học sao? Chẳng phải là nó luôn như thế sao? Hành động không ngừng lo lắng về bản thân như thế này là một hình thức chịu đựng. Nhưng bạn sẽ khắc phục điều này bằng cách nào? Làm sao bạn có thể khiến tâm trí ngừng nói?
Hầu hết mọi người cố gắng khắc phục những vấn đề bên trong bằng cách giải quyết thật tốt những vấn đề tương ứng bên ngoài. Nếu chúng ta có “chụp ảnh” những vấn đề nội tại này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi người đều có những rắc rối mà chúng ta gọi là “vấn đề trong ngày”. Đây là điều quấy nhiễu họ nhiều nhất tại bất kỳ thời điểm nào. Khi một vấn đề ngưng làm phiền họ thì vấn đề kế tiếp xuất hiện, và khi vấn đề kế tiếp đó không làm phiền họ nữa thì vấn đề tiếp theo nữa sẽ xuất hiện. Đó là những gì mà suy nghĩ của bạn hướng đến. Những suy nghĩ của bạn thường có xu hướng tập trung vào những điều đang phiền nhiễu bạn trong hiện tại. Suy nghĩ thường hướng vào những vấn đề, lý do nó quấy rầy bạn, và bạn có thể làm gì với nó. Nếu bạn không làm gì để giải quyết những vấn đề này, tình trạng chịu đựng sẽ theo bạn suốt cả phần đời còn lại.
Những gì bạn thấy là tâm trí luôn yêu cầu bạn phải thay đổi một điều gì đó bên ngoài để giải quyết những vấn đề bên trong. Nhưng nếu là người khôn ngoan, bạn sẽ không “thèm” chơi cái trò này. Bạn sẽ nhận ra rằng những lời khuyên mà tâm trí đưa ra cho bạn đều là những lời khuyên gây tổn hại đến tâm lý. Những suy nghĩ của tâm trí là những suy nghĩ bị rối loạn bởi nỗi sợ hãi của chính nó. Trong tất cả những lời khuyên trên thế giới mà bạn không muốn nghe, đó là lời khuyên của một tâm trí bấn loạn. Tâm trí bạn thực sự khiến bạn lạc lối. Giả sử nó nói với bạn: “Nếu được đề bạt chức vụ đó, tôi đã ổn hơn rồi. Tôi sẽ cảm thấy thật tự tin và cuộc sống trở lại tốt đẹp như xưa”. Bạn có nghĩ đó là sự thật không? Sau khi bạn được thăng tiến, mọi bất an sẽ chấm dứt và bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn về tài chính từ nay đến cuối đời? Tất nhiên là không. Ắt hẳn rằng vấn đề tiếp theo sẽ lộ diện.
Một khi bạn thấy được điều này, bạn sẽ nhận ra rằng tâm trí bạn có vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng. Và điều tâm trí bạn đang cố làm là thu xếp các tình huống bên ngoài để có thể khiến cho mọi việc thoải mái hơn. Nhưng các tình huống bên ngoài không phải là nguyên nhân của vấn đề bên trong. Chúng chỉ cho thấy nỗ lực để giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy cô đơn và trống trải trong tim, đó không phải là do bạn không tìm được một mối quan hệ đặc biệt. Điều đó không gây ra vấn đề. Một mối quan hệ đặc biệt là nỗ lực của bạn để giải quyết vấn đề. Tất cả những gì bạn đang làm là cố gắng để xem liệu mối quan hệ này có xoa dịu những xáo trộn nội tâm của bạn không. Nếu không, bạn sẽ thử một nỗ lực khác.
Tuy vậy, trên thực tế thì những thay đổi bên ngoài không giúp giải quyết rắc rối của bạn vì chúng không lý giải được gốc rễ của rắc rối đó. Gốc rễ của vấn đề là bạn không cảm thấy bản thân mình trọn vẹn và toàn diện bên trong. Nếu bạn không xác định chính xác nguyên nhân thực chất, bạn sẽ tìm ai đó hoặc cái gì đó để che đậy nó. Bạn sẽ ẩn mình đằng sau những thứ như tiền của, con người, danh vọng và sự sùng bái. Nếu bạn cố gắng tìm một người để yêu thương và thần tượng bạn một cách tuyệt đối, hoặc bạn nỗ lực để thành công thì cuối cùng bạn sẽ thất bại mà thôi. Bởi vì vấn đề của bạn đã không thật sự được giải quyết. Tất cả những gì bạn làm chỉ là khiến cho người đó dính líu đến vấn đề của bạn. Đó là lý do tại sao chúng ta thường có quá nhiều rắc rối với các mối quan hệ. Bạn bắt đầu với một rắc rối bên trong bản thân bạn, và bạn cố xử lý nó bằng cách “liên lụy” đến những người khác. Những mối quan hệ theo cách này sẽ trục trặc vì chúng được tạo nên trên nền tảng của những rắc rối. Tất cả đều dễ dàng khi bạn chỉ cần lùi lại và dám thẳng thắn nhìn vào vấn đề.
Bởi vì chúng ta đã nhìn thấy hình dáng của thất bại, giờ thì hãy cùng định nghĩa thành công. Thành công về mặt tinh thần cũng giống như khỏe mạnh về thể chất. Thành công có nghĩa là bạn không bao giờ phải lo nghĩ về đời sống nội tâm của mình một lần nữa. Một cơ thể khỏe mạnh tự nhiên là một cơ thể chỉ làm những gì nó cần phải làm trong khi bạn tiến hành công việc của bạn. Bạn không bao giờ cần phải suy nghĩ về nó. Tương tự, bạn không bao giờ phải tìm cách để cảm thấy ổn, hoặc tìm cách để không cảm thấy sợ, hoặc tìm cách để cảm thấy được yêu thương. Bạn không cần phải dành trọn thời gian sống của mình để suy nghĩ về trạng thái tinh thần của mình nữa.
Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ tươi vui như thế nào nếu không có những suy tư cá nhân “loạn thần kinh” xảy ra bên trong bạn. Bạn có thể hưởng thụ mọi thứ, và bạn thực sự có thể làm quen với mọi người thay vì cần họ. Bạn chỉ cần sống và trải nghiệm cuộc sống, thay vì phải sử dụng thời gian sống để khắc phục những gì sai trái bên trong bạn. Bạn hoàn toàn có thể đạt được trạng thái đó. Không bao giờ là quá muộn!
Mối quan hệ hiện tại giữa bạn với tâm lý của bạn giống như một cơn nghiện. Nó liên tục đặt ra những yêu sách với bạn, và bạn phải dành cả đời để phục vụ những yêu sách đó. Nếu muốn tự do, bạn phải học cách xử lý nó như xử lý với bất kỳ chứng nghiện nào khác. Ví dụ, người nghiện ma túy có thể ngưng sử dụng ma túy, trải qua nhiều lần vật vã vì lên cơn, và cuối cùng là từ bỏ hẳn không bao giờ hút chích lại. Có lẽ không dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể làm được. Điều tương tự cũng đúng với chứng nghiện tâm lý này. Bạn hoàn toàn có khả năng chấm dứt việc làm xuẩn ngốc là lắng nghe những vấn đề liên tu bất tận của tâm trí bên trong. Bạn có thể đặt dấu chấm hết cho nó. Bạn có thể thức dậy vào buổi sáng, hướng về ngày mới mà không lo lắng về những gì sắp xảy ra. Cuộc sống thường nhật của bạn có thể giống như một kỳ nghỉ. Công việc là niềm vui; gia đình là niềm vui và bạn chỉ việc tận hưởng tất cả những niềm vui đó. Điều đó không có nghĩa là bạn không cố gắng hết mình; chỉ là bạn tìm thấy niềm vui khi nỗ lực hết mình. Và rồi, khi đêm đến, bạn chìm sâu vào giấc ngủ và cho qua tất cả mọi chuyện. Bạn chỉ cần sống một cuộc đời không căng thẳng và âu lo. Bạn thực sự sống cuộc sống của bạn chứ không phải là lo sợ hay kháng cự nó.
Bạn có thể sống một cuộc đời hoàn toàn vắng bóng những nỗi lo sợ của tâm lý. Chỉ cần bạn biết phải làm điều này như thế nào. Lấy một ví dụ về hút thuốc. Không khó để tìm cách bỏ thuốc. Từ khóa ở đây là “bỏ”. Việc bạn sử dụng miếng dán bỏ thuốc loại nào thực sự không quan trọng; khi đã cân nhắc mọi mặt, bạn chỉ cần bỏ thuốc. Cách bỏ thuốc là ngừng đặt điếu thuốc lên miệng. Tất cả những phương pháp khác chỉ là những cách thức mà bạn cho là hữu ích. Nhưng mấu chốt là, tất cả những gì bạn phải làm là ngừng đặt điếu thuốc lên miệng. Nếu bạn làm điều này thì đảm bảo là bạn sẽ bỏ thuốc lá.
Bạn dùng phương pháp tương tự để thoát khỏi mớ hỗn độn trong nội tâm của mình. Đơn giản là bạn ngừng nói với tâm trí rằng việc của nó là phải giải quyết các vấn đề cá nhân của bạn. Việc giải quyết các vấn đề cá nhân này sẽ phá hỏng tâm trí và làm rối loạn toàn bộ trạng thái tinh thần. Nó tạo ra nỗi sợ hãi, lo lắng và rối loạn thần kinh. Tâm trí của bạn không thể kiểm soát được thế giới này. Nó không toàn trí mà cũng chẳng toàn năng. Nó không thể kiểm soát thời tiết và các lực lượng tự nhiên khác. Nó cũng không thể kiểm soát con người, nơi chốn và mọi thứ xung quanh bạn. Bạn đã giao cho tâm trí bạn một việc bất khả thi khi yêu cầu nó vận hành thế giới để có thể xử lý những vấn đề nội tại của cá nhân bạn. Nếu bạn muốn đạt đến trạng thái sống lành mạnh, hãy ngừng yêu cầu tâm trí làm việc này. Hãy giải vây cho tâm trí bạn khỏi cái trọng trách mà nó phải đảm bảo rằng mọi người và mọi việc sẽ vận hành theo ý muốn của bạn chỉ để tinh thần bạn có thể cảm thấy tốt hơn. Tâm trí bạn không có đủ khả năng để thực hiện công việc đó. Hãy “sa thải” nó, và thay vào đó là buông bỏ mọi rắc rối bên trong bạn.
Bạn có thể thiết lập một mối quan hệ khác với tâm trí của bạn. Bất cứ khi nào nó bắt đầu khuyên bạn nên hay không nên làm gì để khiến cho thế giới phù hợp với những quan niệm định kiến của bạn, đừng nghe! Cũng giống như khi bạn cố gắng bỏ thuốc lá. Bất kể những gì tâm trí nói, bạn vẫn không cầm điếu thuốc lên và đặt nó vào miệng. Bất kể là bạn vừa ăn xong bữa tối. Bất kể là bạn đang lo lắng bồn chồn và cảm thấy cần trấn an mình. Bất kể lý do là gì – đơn giản là tay bạn không chạm vào thuốc lá nữa. Tương tự, khi tâm trí bạn bắt đầu khuyên bạn điều cần phải làm để khiến mọi thứ bên trong bạn được ổn thỏa, đừng nghe theo những gì nó nói với bạn. Sự thật là, mọi thứ sẽ ổn ngay khi bạn cảm thấy ổn với tất cả mọi thứ. Và đó là thời điểm duy nhất mà tất cả mọi thứ đều ổn.
Tất cả những gì bạn phải làm là ngừng trông đợi rằng tâm trí bạn có thể chỉnh sửa những gì “sai sai” bên trong bạn. Đó là cốt lõi, là gốc rễ của mọi thứ. Tâm trí bạn không phải là kẻ phạm lỗi. Thực tế thì tâm trí vô tội. Tâm trí đơn giản chỉ là một cái máy tính, một công cụ. Nó có thể được sử dụng để tư duy về những ý tưởng vĩ đại, giải quyết các vấn đề khoa học và phục vụ nhân loại. Nhưng bạn, trong tình trạng lạc lối, đã yêu cầu nó dành thời gian để suy nghĩ về những giải pháp bên ngoài cho những vấn đề rất cá nhân bên trong bạn. Nghĩa là bạn đang sử dụng khả năng phân tích của tâm trí để bảo vệ bạn khỏi những diễn tiến tự nhiên của cuộc sống.
Bằng cách quan sát tâm trí, bạn sẽ nhận ra rằng nó bận rộn với quá trình nỗ lực khiến cho mọi thứ ổn thỏa. Hãy tỉnh táo nhận ra rằng đây không phải là điều bạn thật sự muốn làm, rồi sau đó hãy nhẹ nhàng thoát khỏi sự ràng buộc này. Đừng chiến đấu với nó. Đừng bao giờ chống lại tâm trí của bạn. Bạn sẽ không bao giờ chiến thắng. Hoặc là nó sẽ đánh bại bạn ngay bây giờ, hoặc là bạn sẽ trấn áp nó rồi nó sẽ trở lại và đánh bại bạn sau này. Thay vì “đấu tay đôi” với tâm trí, chỉ cần bạn không tham gia vào việc của nó. Khi bạn nhận thấy tâm trí đang bày vẽ cho bạn cách điều chỉnh thế giới và mọi người để thích hợp với bản thân bạn, chỉ cần bỏ ngoài tai.
Điều quan trọng là im lặng. Không phải tâm trí phải im lặng. Chính bạn phải im lặng. Bạn, cái chủ thể bên trong đang quan sát tâm trí rối loạn của chính mình, chỉ cần thư giãn. Khi làm như thế này, bạn sẽ rơi lại phía sau tâm trí một cách tự nhiên vì bạn luôn ở đó. Bạn không phải là tâm trí đang suy nghĩ; bạn đang nhận thức về việc tâm trí đang suy nghĩ. Bạn là nhận thức ở phía sau tâm trí và nhận thức về các suy nghĩ đang diễn ra. Giây phút mà bạn ngừng đặt cả trái tim và linh hồn vào tâm trí như thể nó là vị cứu tinh và vệ sĩ của bạn, bạn sẽ nhìn thấy bản thân đang ở phía sau tâm trí và quan sát nó. Đó là cách bạn nhận biết về những ý nghĩ của mình: Bạn ở đó quan sát chúng. Rốt cuộc, bạn chỉ cần ngồi tĩnh lặng ở đó và quan sát tâm trí một cách có ý thức.
Một khi bạn đạt được đến trạng thái đó, mọi khúc mắc giữa bạn và tâm trí sẽ biến mất. Khi bạn thu mình lại phía sau tâm trí, thì bạn – chủ thể nhận thức – không còn tham gia vào quá trình tư duy. Tư duy là một hoạt động mà bạn quan sát tâm trí thực hiện. Bạn chỉ ở đó, nhận thức rằng bạn đang nhận thức. Bạn là “nhân vật” ẩn bên trong, là tâm thức. Đó không phải là đối tượng mà bạn phải suy nghĩ đến; bạn chính là nó. Bạn có thể quan sát tâm trí đang “rối loạn” nhưng không tham gia vào. Đó là tất cả những gì bạn cần làm để “tắt nguồn” cho tâm trí đang nhiễu loạn. Tâm trí hoạt động vì bạn cung cấp “nguồn điện” cho nó thông qua sự chú ý của bạn. Ngưng chú ý, và tâm trí sẽ bị ngắt dòng tư duy.
Bắt đầu từ những hành động nhỏ. Chẳng hạn, ai đó nói điều gì với bạn mà bạn không thích, hoặc tệ hơn là không xem bạn ra gì. Bạn đang đi bộ và trông thấy một người bạn. Bạn chào họ nhưng họ vẫn tiếp tục đi thẳng. Bạn không biết liệu họ không nghe bạn chào hay thực sự phớt lờ bạn. Bạn không chắc liệu họ có đang giận bạn hay có chuyện gì đang diễn ra. Tâm trí của bạn đang đi chuyển sang “chạy ma-ra-tông”. Thời điểm tốt để kiểm nghiệm thực tế là đây! Có hàng tỷ người trên hành tinh này, và chỉ một trong số đó không chào bạn. Sao có thể cho rằng bạn không thể xử lý tình hình? Nghe có hợp lý không?
Hãy vận dụng những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường nhật để giải phóng chính mình. Trong ví dụ ở trên, bạn chỉ cần chọn không can thiệp vào trạng thái tinh thần của mình. Điều đó có nghĩa là bạn dừng tâm trí lại, không để nó đi lòng vòng cố gắng tìm hiểu những gì đang diễn ra? Không phải vậy. Đơn giản là bạn sẵn sàng, quyết tâm và có thể quan sát tâm trí đang tạo ra bộ phim tâm lý tình cảm của nó. Hãy quan sát tất cả những tiếng than vãn om sòm huyên náo về việc bạn đang cảm thấy tổn thương ra sao, và về việc làm sao người ta lại có thể hành xử như thế. Hãy quan sát tâm trí đang nỗ lực tìm ra cách đáp trả tình hình. Khi đang quan sát, bạn sẽ lấy làm lạ là tất cả những điều này đang diễn ra bên trong bạn, chỉ vì một ai đó không chào bạn. Thật không thể tin được! Bạn chỉ việc theo dõi cuộc độc thoại của tâm trí, trong khi bạn vẫn duy trì trạng thái thư giãn và thả lỏng mọi thứ. Hãy luôn lùi lại đằng sau những tiếng huyên náo ấy.
Chỉ cần tiếp tục làm như thế với tất cả những điều nhỏ nhặt xảy đến mỗi ngày. Bạn tiến hành một cách lặng lẽ bên trong bạn. Bạn sẽ sớm nhận ra là tâm trí bạn không ngừng khiến bạn điên lên vì những chuyện không đâu. Nếu bạn không muốn điều này tiếp diễn thì hãy ngưng nạp năng lượng cho tâm lý của bạn. Chỉ có thế thôi. Nếu bạn đi theo con đường này, việc duy nhất mà bạn phải làm là thư giãn và thả lỏng mọi thứ. Khi bắt đầu nhìn thấy bất kỳ xáo trộn nào diễn ra bên trong, bạn chỉ cần thả lỏng đôi vai, thả lỏng trái tim và lùi lại đằng sau quan sát nó. Đừng chạm vào nó. Đừng bị nó thu hút vào. Và đừng cố ngăn chặn nó. Chỉ cần nhận thức rằng bạn đang quan sát nó. Đó là cách bạn trở thành người ngoài cuộc. Bạn chỉ cần để nó đi ra khỏi bạn.
Bạn hãy bắt đầu chuyến hành trình đến với tự do của mình bằng việc thường xuyên nhắc nhở bản thân quan sát tâm lý của mình. Điều này sẽ giữ cho bạn không bị lạc vào đó. Bởi vì thói nghiện tâm trí cá nhân là một loại nghiện không hề nhẹ, cho nên bạn phải đề ra một phương pháp rõ ràng để nhắc nhở bản thân không ngừng quan sát. Có một số bài thực hành nhận thức rất đơn giản chỉ mất một vài giây để thực hiện nhưng lại có thể giúp bạn luôn an vị phía sau để quan sát tâm trí. Mỗi lần ngồi lên xe, khi bạn đang điều chỉnh tư thế ổn định chỗ ngồi, hãy ngừng lại một giây. Bạn ngừng lại chốc lát để nhớ rằng thật ra bạn đang ở trên một hành tinh đang quay giữa một không gian vô định. Vì vậy, hãy nhắc nhở bản thân hãy ngừng dính dáng đến vở kịch cường điệu hóa bên trong bạn. Có nghĩa là, bạn cũng sẽ buông bỏ những gì sắp diễn ra tiếp theo và nhắc nhở chính mình rằng bạn không muốn tiếp tục tham gia vào trò chơi của tâm trí nữa. Sau đó, trước khi bước xuống xe, bạn hãy làm tuần tự như khi ngồi lên xe. Và nếu bạn thực sự muốn luôn ở trạng thái định tâm, bạn cũng có thể áp dụng bài thực hành này khi chuẩn bị nhấc điện thoại hoặc mở cửa. Bạn không cần phải thay đổi bất kỳ điều gì. Chỉ cần luôn có mặt ở đó, nhận thức rằng bạn đang nhận thức. Tương tự như việc kiểm hàng tồn kho. Chỉ cần kiểm tra những gì đang hiện diện – trái tim, tâm trí, đôi vai,… Thiết lập những điểm kích hoạt trong cuộc sống hằng ngày nhắc bạn nhớ ra bạn là ai và những gì đang xảy ra bên trong bạn.
Những thực hành này tạo ra những khoảnh khắc giúp tâm trí bạn tỉnh thức và an vị. Kết quả là, bạn sẽ có được một tâm thức luôn an định. Một tâm thức luôn an định chính là một tâm thức luôn ở vị trí nhận thức của Bản thân. Trong trạng thái này, bạn sẽ luôn nhận thức được rằng mình đang tỉnh thức. Sẽ không còn làm gì nữa cả. Không cần phải gắng sức. Chẳng cần phải làm gì cả. Bạn chỉ cần ở đó, nhận thức rằng những ý nghĩ và cảm xúc vẫn đang được tạo ra xung quanh bạn, và thế giới vẫn mở ra để các giác quan của bạn cảm nhận.
Cuối cùng, mỗi một thay đổi trong dòng chảy năng lượng của bạn, cho dù đó là sự kích động của lý trí hay là những xáo động trong tim, giờ đây trở thành những nhân tố nhắc nhở bạn rằng bạn trở lại vị trí của mình để nhận thức. Những gì từng trấn áp bạn nay sẽ đánh thức bạn. Nhưng trước hết bạn phải đủ tĩnh lặng để nó không quá gây ảnh hưởng trở lại. Những điểm kích hoạt này sẽ giúp nhắc nhở bạn duy trì trạng thái định tâm. Dần dần, tâm trí bạn sẽ trở nên đủ tĩnh lặng để bạn chú ý quan sát ngay khi trái tim bắt đầu phản ứng, và buông bỏ ngay trước khi lý trí bắt đầu hoạt náo. Đôi lúc trên hành trình của chúng ta, trái tim dẫn đường thay vì lý trí. Bạn sẽ thấy rằng lý trí “theo đuôi” trái tim. Trái tim phản ứng trước khi lý trí bắt đầu khởi sự. Khi bạn tỉnh thức, những thay đổi năng lượng trong tim bạn sẽ khiến bạn ngay lập tức nhận thức được rằng bạn phải quay trở về vị trí của mình để nhận thức. Lý trí của bạn thậm chí không có cơ hội để “khai hỏa” bởi vì bạn đã buông bỏ ngay khi sự việc đó tiếp cận trái tim bạn.
Bây giờ bạn đang tiến bước trên con đường của bạn. Tất cả những điều gì kìm giữ bạn bên trong thì giờ đây đang giúp bạn thoát ra ngoài. Bạn phải tận dụng tất cả những nguồn năng lượng ưu thế của bạn. Phương thức buông bỏ này cho phép bạn giải phóng năng lượng để bạn giải phóng chính mình. Ngay trong cuộc sống thường nhật, bằng cách “cởi trói” bản thân khỏi những ràng buộc của nội tâm, bạn thực sự đã có khả năng giành lấy sự tự do cho linh hồn của mình. Loại tự do này tuyệt vời đến nỗi nó được đặt một cái tên đặc biệt – sự giải thoát.