B
ên trong tâm lý con người là một nơi rất phức tạp và tinh vi. Nơi đó đầy rẫy những năng lượng đối kháng, liên tục thay đổi do những kích thích cả bên trong lẫn bên ngoài. Điều này dẫn đến vô số những biến thể về nhu cầu, nỗi sợ hãi và khao khát trong những khoảng thời gian tương đối ngắn. Vì thế, tâm trí con người hầu như không lúc nào có đủ tĩnh lặng để hiểu điều gì đang diễn ra trong đó. Có quá nhiều thứ cùng xảy ra một lúc đến mức tâm trí ta không thể đi theo quan sát từng mối quan hệ nhân quả của tất cả những suy nghĩ, cảm xúc ở nhiều mức năng lượng khác nhau. Kết quả là, chúng ta nhận thấy rằng giữ cho bên trong luôn sáng suốt không thôi cũng đã là cả một nỗ lực lớn, vì bên trong bạn mọi thứ không ngừng thay đổi – tâm trạng, khát vọng, những thứ để yêu, những điều để ghét, sự nhiệt tình, sự thờ ơ. Bạn dành trọn thời gian của mình chỉ để đảm bảo cho mọi thứ diễn ra theo cách khiến mình cảm thấy luôn kiểm soát được những thay đổi đó.
Bạn dành trọn thời gian để kiểm soát tất cả những biến đổi tâm lý và năng lượng nói trên, chứng tỏ bạn đang chịu đựng. Mặc dù bạn chẳng có vẻ gì là đang chịu đựng, nhưng so với những gì có thể tốt hơn thì bạn đang chịu đựng. Sự thật là, việc gánh lấy cái trách nhiệm phải ôn hòa tất cả mọi thứ cũng là một dạng chịu đựng. Bạn nhận ra điều này rõ nhất khi mọi thứ bên ngoài bắt đầu sụp đổ. Tâm lý của bạn rơi vào tình trạng bấn loạn, và bạn phải nỗ lực hàn gắn thế giới bên trong. Nhưng chính xác là bạn đang cố bám lấy điều gì? Những cái duy nhất tồn tại trong đó là những suy nghĩ, cảm xúc và những dòng năng lượng lưu chuyển, tất cả chúng đều không vững chắc. Chúng như những đám mây, chỉ trôi đến rồi lướt đi trong không gian nội tâm rộng lớn. Nhưng bạn luôn cố bám vào chúng, như thể bạn tin rằng sự ổn định có thể thay thế cho sự vững chắc. Đức Phật có một thuật ngữ dành cho hành động này: “bám chấp”. Cuối cùng, bám chấp là tất cả những gì mà tâm lý được mô tả.
Để hiểu về hành động bám chấp, trước hết chúng ta cần hiểu ai là người bám chấp. Khi bạn tiến sâu hơn vào bên trong bản thân, tự nhiên bạn sẽ nhận ra rằng có một khía cạnh của con người bạn luôn tồn tại ở đó và không bao giờ thay đổi. Đó là cảm thức, chính là tâm thức của bạn. Chính nhận thức này nhận biết được những suy nghĩ của bạn, trải nghiệm những thăng trầm trong cảm xúc của bạn và thu nhận các cảm giác thông qua giác quan vật lý của bạn. Đây là gốc rễ của Bản thân. Bạn không phải là những suy nghĩ của bạn; bạn nhận thức những suy nghĩ đó. Bạn không phải là những cảm xúc của bạn; bạn nhận biết những cảm xúc đó. Bạn không phải là cơ thể của bạn; bạn nhìn thấy nó trong gương và trải nghiệm thế giới này thông qua đôi mắt và đôi tai của nó. Bạn là người tỉnh thức, là phần chủ thể đang nhận thức rằng bạn đang nhận biết tất cả mọi điều đang diễn ra bên trong và bên ngoài.
Nếu bạn khám phá tâm thức của bạn, một tri giác nhận thức thuần khiết, bạn sẽ nhận thấy rằng nó không ở bất kỳ một điểm cố định nào trong không gian. Nói đúng hơn, nó là một trường nhận thức mà khi chú ý đến một tập hợp các khách thể thì nó thu hẹp sự tập trung vào điểm đó. Bạn có thể nhận thức về cảm giác của một ngón tay, hoặc có thể nhận thức về cảm giác của toàn bộ cơ thể cùng lúc. Bạn có thể hoàn toàn chìm đắm trong một suy nghĩ đơn lẻ, hoặc có thể đồng thời nhận thức một cách tổng thể những suy nghĩ, cảm xúc, cơ thể và môi trường xung quanh. Tâm thức là một phạm vi năng động của nhận thức, có khả năng hoặc là tập trung hạn hẹp hoặc là mở rộng bao la. Khi tâm thức tập trung đủ hẹp, nó sẽ đánh mất đi ý thức rộng lớn hơn về tổng thể của chính nó. Nó không còn cảm nhận chính nó như một trường tâm thức thuần khiết; nó bắt đầu chuyển sự chú ý đến chỉ những đối tượng mà nó tập trung vào. Bạn thấy đấy, điều này xảy ra khi bạn ham mê xem phim đến nỗi bạn hoàn toàn đánh mất ý thức rộng lớn hơn là mình đang ngồi trong một rạp chiếu phim lạnh và tối. Trong trường hợp này, bạn đã chuyển sự tập trung từ cơ thể và môi trường xung quanh sang thế giới của bộ phim. Nghĩa là bạn lạc lối trong trải nghiệm này. Từ tình huống này chúng ta có thể dẫn đến cái nhìn khái quát hơn cho toàn bộ những trải nghiệm của bạn về cuộc sống. Ý thức về bản thân bạn được quyết định bởi nơi mà bạn đang tập trung tâm thức.
Nhưng điều gì quyết định nơi mà bạn tập trung tâm thức? Ở cấp độ cơ bản nhất, điều này đơn giản được quyết định bởi bất cứ thứ gì thu hút nhận thức của bạn vì nó nổi bật so với những thứ còn lại. Để hiểu điều này, hãy hình dung là tâm thức của bạn đang quan sát không gian nội tâm rộng lớn và trống trải. Bây giờ hãy tưởng tượng băng qua khoảng không gian này là dòng lưu chuyển nhẹ nhàng của các đối tượng tư duy ngẫu nhiên: một con mèo, một con ngựa, một từ, một màu sắc, hoặc một ý nghĩ trừu tượng. Chúng trôi qua vùng nhận thức của bạn một cách khá rời rạc. Bây giờ hãy làm cho một đối tượng nổi trội hơn những đối tượng còn lại. Nó sẽ thu hút sự chú ý của bạn và lôi kéo sự tập trung của nhận thức. Ngay khi đó bạn nhận ra rằng bạn càng tập trung vào một đối tượng thì đối tượng đó càng di chuyển chậm hơn. Cho đến khi, cuối cùng, nếu bạn tập trung tăng dần vào nó đến một mức nào đó, nó sẽ ngừng chuyển động. Như vậy là, sức mạnh của tâm thức sẽ giữ yên được đối tượng chỉ bằng cách tập trung vào nó. Cũng tương tự như một con cá có thể bơi trong nước nhưng không thể bơi xuyên qua nước đá – loại nước cô đặc, các dạng năng lượng tư duy và cảm xúc sẽ trở nên cố định khi đối diện với tâm thức “cô đặc” (tập trung). Chính việc tâm thức “phân biệt đối xử”, dành mức độ nhận thức tập trung lên một đối tượng cụ thể nhiều hơn so với những đối tượng khác đã tạo nên sự bám chấp. Và kết quả của sự bám chấp là các ý nghĩ và cảm xúc được chọn sẽ ở lại một vị trí đủ lâu để trở thành những khối tắc nghẽn của tâm lý.
Bám chấp là một trong những hành động căn bản nhất. Vì một số đối tượng vẫn lưu lại trong tâm thức trong khi những đối tượng khác lướt qua, cảm thức của bạn sẽ gắn kết với chúng nhiều hơn. Bạn sử dụng chúng như những điểm cố định để tạo ra một ý thức về định hướng, mối quan hệ và sự bảo đảm giữa những biến động liên tục của nội tâm. Và nhu cầu định hướng này mở rộng đến thế giới bên ngoài. Mặc dù bạn đang bám chấp vào những đối tượng bên trong, nhưng bạn sử dụng chúng để định hướng và gắn kết bản thân với vô số các đối tượng vật lý bên ngoài thâm nhập vào các giác quan của bạn. Sau đó, bạn tạo ra các ý nghĩ buộc chặt những đối tượng này với nhau, và bạn bám chấp vào toàn bộ cấu trúc này. Dần dần, bạn trở nên gắn kết mạnh mẽ với cấu trúc bên trong này đến độ bạn xây dựng toàn bộ ý thức về bản thân bạn xung quanh nó. Bởi vì bạn bám chấp vào nó nên nó vẫn cố định ở vị trí đó. Và vì nó cố định nên bạn gắn kết nó với tất cả những đối tượng khác. Đây chính là khi tâm lý được sinh ra. Giữa không gian rộng mở trống không của tâm trí, bằng cách bám vào những đối tượng tư duy lướt qua, bạn đã kiến tạo một hòn đảo kiên cố, vững chắc. Khi một ý nghĩ được bạn bám vào và ở lại bên trong, bạn cảm thấy yên tâm tựa đầu vào vai nó. Và rồi, khi ngày càng bám víu vào nhiều ý nghĩ hơn, bạn sẽ phát triển nó thành một cấu trúc nội tại để tâm thức tập trung vào. Tâm thức của bạn càng dành nhiều sự tập trung vào cấu trúc tâm lý này thì bạn càng có xu hướng vận dụng nó để hình thành khái niệm bản thân. Sự bám chấp tạo ra gạch và vữa mà chúng ta dùng để xây dựng tự ngã. Giữa không gian nội tâm rộng lớn này, chỉ cần sử dụng những luồng suy nghĩ, bạn đã có thể tạo ra một cấu trúc kiên cố để tựa vào.
Bạn là ai, người đã bị đánh mất bản thân và đang cố gắng xây dựng khái niệm bản thân để lại tìm kiếm bản thân mình? Câu hỏi này thể hiện bản chất của đời sống tâm linh. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy chính mình trong cái mà bạn đã và đang xây dựng để định nghĩa bản thân. Bạn là người đang thực hiện công việc xây dựng đó. Có thể bạn sẽ tập hợp những nguyên vật liệu ý nghĩ và cảm xúc tuyệt vời nhất; có thể bạn sẽ xây dựng một cấu trúc thật đẹp, hoàn hảo, thú vị và năng động; nhưng, rõ ràng đó không phải là bạn. Bạn chỉ là người đã tạo ra nó. Bạn là người đã lạc mất chính mình, là người luôn sợ hãi và bối rối vì bạn đánh lạc hướng tập trung nhận thức của mình ra khỏi nhận thức thật sự về bản thân. Trong tình trạng hoang mang sợ hãi và lạc lối này, bạn đã xoay xở bằng cách bám víu cũng như níu giữ những ý nghĩ và cảm xúc lướt qua trước bạn. Bạn sử dụng chúng để xây dựng một nhân cách, một cá tính, một quan niệm tự ngã cho phép bạn định nghĩa bản thân bạn. Nhận thức của bạn yên tâm tựa vào những đối tượng mà nó nhận thức và gọi đó là nhà. Từ mô hình về bản thân này, bạn cảm thấy dễ dàng ứng xử, ra quyết định và kết nối với thế giới bên ngoài. Nếu can đảm nhìn nhận lại, bạn sẽ nhận ra rằng toàn bộ cuộc sống của bạn đang dựa trên một mô hình do bạn tự tạo ra cho chính mình.
Chúng ta hãy cụ thể hơn nhé. Bạn cố gắng giữ một luồng tư tưởng và khái niệm nhất quán trong tâm trí bạn, chẳng hạn: “Tôi là một phụ nữ”. Vâng, ngay cả điều này cũng đơn thuần là một suy nghĩ, hoặc một khái niệm được giữ lại trong tâm trí bạn. Bạn, người đang bám víu vào khái niệm này, không phải là nam mà cũng không phải là nữ. Bạn là chủ thể nhận thức đang nghe thấy ý nghĩ đó và nhìn thấy một cơ thể phụ nữ trong gương. Nhưng bạn cố bám víu vào những khái niệm này. Bạn nghĩ rằng: “Tôi là một phụ nữ, tôi đang ở một độ tuổi nào đó và tôi tin vào một triết lý nhất định”. Nghĩa là bạn đang định nghĩa bản thân bạn dựa trên những gì bạn tin: “Tôi tin vào Thiên Chúa hay tôi không tin vào Thiên Chúa. Tôi tin vào hòa bình và bất bạo động, hay tôi tin vào sự sống còn của những người biết thích ứng. Tôi tin vào chủ nghĩa tư bản, hay tôi tin vào chủ nghĩa xã hội hiện đại”. Bạn có một tập hợp các tư tưởng trong tâm trí và bám chặt vào chúng. Bạn tạo ra một cấu trúc quan hệ cực kỳ phức tạp từ những tư tưởng này, và sau đó đưa “gói tư tưởng” đó ra làm đại diện cho chính bản thân bạn. Nhưng đó không phải là con người bạn. Đó chỉ là những tư tưởng tập hợp lại xung quanh bạn nhằm cố gắng xác định bản thân. Bạn làm điều này vì bạn đang bị lạc ở bên trong.
Về cơ bản, bạn nỗ lực tạo ra một cảm giác ổn định và bền vững bên trong bạn. Điều này tạo ra một cảm giác an toàn giả tạo nhưng dễ chịu. Bạn cũng muốn những người xung quanh làm giống như bạn. Bạn muốn mọi người cũng không thay đổi, đủ để bạn có thể dự đoán hành vi của họ. Nếu họ làm trái điều này, bạn sẽ cảm thấy rối loạn. Đó là do bạn đã đưa ra những phán đoán về hành vi của họ dựa trên mô hình nội tại của bạn. Tấm lá chắn của niềm tin và quan niệm về thế giới bên ngoài này trở thành một bức tường cách ly giữa bạn và những người mà bạn tương tác. Bằng cách giữ cho mình những định kiến về hành vi của người khác, bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn và kiểm soát mọi thứ hơn. Thử hình dung về nỗi sợ hãi mà bạn cảm thấy nếu bạn tháo gỡ toàn bộ bức tường này. Bạn đã từng cho phép ai tiến thẳng vào cái tôi thực sự bên trong bạn mà không phải qua tấm đệm tâm lý bảo vệ của bạn chưa? Không một ai, kể cả chính bạn.
Mọi người chỉ thể hiện “mặt nạ” giả tạo ra bên ngoài. Thậm chí họ còn thừa nhận rằng có mặt nạ này thật hơn mặt nạ kia. Bạn đi làm và chìm đắm trong mặt nạ chuyên nghiệp của mình, nhưng sau đó bạn bộc bạch: “Tôi sắp về nhà với gia đình và bạn bè, nơi mà tôi có thể là chính mình”. Vậy là mặt nạ ở nơi làm việc rơi ra phía sau, còn mặt nạ xã hội thoải mái của bạn được đặt lên trước. Nhưng còn bạn, người đang dùng nhiều mặt nạ khác nhau đó thì sao? Không ai lại gần con người đó. Con người đó quá đáng sợ. Con người đó cách quá xa để có thể hiểu được.
Như vậy, tất cả chúng ta đều bám víu vào những mặt nạ giả tạo này, và rồi xây dựng bản thân mình thông qua chúng. Mỗi người trong chúng ta giỏi làm một số việc hơn những người khác. Trong phần lớn xã hội hiện nay, bạn sẽ được “tưởng thưởng” tương xứng nếu bạn giỏi trong việc “bám và xây”. Nếu bạn xây được một mô hình hoàn hảo, và hành xử nhất quán trong mọi thời điểm, bạn đã thực sự “tạo ra” được một con người. Và nếu con người mà bạn tạo ra là con người mà những người khác muốn và cần, bạn có thể rất nổi tiếng và thành công. Bạn sẽ là con người đó. Nó ngấm sâu trong bạn từ độ tuổi rất nhỏ, và bạn không bao giờ xa rời nó. Bạn có thể thực sự rất “cừ” trong trò chơi “tạo hình” một con người nào đó. Và nếu con người mà bạn đã tạo ra không nhận được sự nổi tiếng và thành công như bạn mong đợi, bạn có thể điều chỉnh suy nghĩ của bạn cho phù hợp. Động thái này chẳng có gì là sai trái cả. Rõ ràng là tất cả mọi người đều làm như vậy. Nhưng bạn là ai, cái người đang làm việc này ấy? Và tại sao bạn lại làm việc này?
Điều quan trọng là bạn phải nhận ra rằng bạn không thể quyết định nên bám vào những suy nghĩ nào và tạo ra một con người ra sao, tất cả đều không phụ thuộc vào bạn. Xã hội bên ngoài ảnh hưởng đến điều này rất nhiều. Mọi hành vi đều có những chuẩn mực riêng – chấp nhận được hay không chấp nhận được về mặt xã hội – cách ngồi, cách đi, cách nói, cách ăn mặc và cách cảm nhận mọi thứ. Bằng cách nào mà xã hội ta đang sống đã khiến những cấu trúc suy nghĩ và tình cảm này bén rễ bên trong mỗi chúng ta? Khi bạn làm tốt điều này, bạn được thưởng những cái ôm và được tán tụng tới tấp. Khi bạn làm không tốt, bạn bị trừng phạt, ngược đãi về thể chất, tinh thần, hoặc cảm xúc.
Hãy nghĩ đến việc bạn thường đối xử tốt với người nào đó như thế nào khi họ cư xử phù hợp với mong đợi của bạn. Đồng thời, bạn cũng hãy nghĩ đến những khi bạn khép mình và xa lánh họ khi họ cư xử không thỏa mong đợi của bạn. Đây là chưa kể đến việc bạn nổi giận hay thậm chí dùng bạo lực với họ. Bạn đang làm gì vậy? Bạn đang cố gắng thay đổi hành vi của người khác bằng cách để lại những ấn tượng trong tâm trí họ. Bạn đang nỗ lực thay đổi niềm tin, tư tưởng và cảm xúc của họ để lần sau họ hành động theo cách mà bạn mong đợi. Thực sự là tất cả chúng ta đều làm điều này với nhau mỗi ngày.
Tại sao chúng ta lại để cho điều này xảy đến với mình? Tại sao chúng ta lại quá quan tâm liệu người khác có chấp nhận mặt nạ mà chúng ta thể hiện không? Điều quan trọng nhất là hiểu được tại sao chúng ta lại bám chấp vào việc xây dựng khái niệm về bản thân. Nếu bạn ngừng bám chấp, bạn sẽ nhận ra lý do tại sao lại có xu hướng bám chấp ở đó. Nếu bạn buông bỏ mặt nạ mà bạn đang mang, và đừng cố gắng để đổi sang một cái mặt nạ mới thì suy nghĩ và cảm xúc của bạn sẽ không còn “cái neo” để bám và sẽ rời khỏi bạn. Đó sẽ là một trải nghiệm rất đáng sợ. Bạn sẽ cảm thấy hoang mang lo sợ tận sâu bên trong, và bạn sẽ trở nên mất phương hướng. Đây là cảm giác người ta thường có khi điều gì đó rất quan trọng bên ngoài không “ăn khớp” với mô hình bên trong. Mặt nạ ngừng hoạt động và bắt đầu vỡ vụn. Khi nó không còn có thể bảo vệ bạn, bạn sẽ trải qua nỗi hoang mang sợ hãi khủng khiếp. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng nếu bạn sẵn sàng đối diện với cảm giác hoảng loạn này, bạn sẽ có cách để vượt qua nó. Bạn có thể trở lại vị trí của tâm thức, ở vị trí cảm nhận nỗi hoảng loạn đó, và rồi cảm giác hoảng loạn sẽ ngừng lại. Sau đó, bạn sẽ có một sự bình an tuyệt vời, không giống như bất cứ điều gì bạn từng cảm nhận.
Một điều mà hầu như không ai biết: Đó là mọi bấn loạn có thể ngừng lại. Tiếng ồn, nỗi sợ, sự hỗn độn, sự thay đổi liên tục của các năng lượng bên trong – tất cả đều có thể ngừng lại. Bạn nghĩ rằng bạn phải bảo vệ bản thân mình, vì vậy bạn túm lấy mọi vật đang tiến đến gần bạn và ẩn nấp vào đó. Bạn túm lấy bất cứ cái gì tay bạn có thể bám vào được, và bắt đầu bám vào đó để xây dựng một cấu trúc kiên cố, vững chắc. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể buông bỏ những gì bạn đang bám chấp và không tham gia vào trò chơi này. Chỉ cần bạn có gan buông bỏ tất cả và dám đối mặt với nỗi sợ hãi đang lôi kéo bạn. Sau đó, bạn có thể vượt qua phần yếu đuối đó của bạn, và mọi thứ sẽ kết thúc. Tất cả sẽ ngừng lại – không còn đấu tranh, chỉ có an nhiên tự tại.
Cuộc hành trình này là một trong những hành trình vượt qua chính xác nơi mà lâu nay bạn vẫn cố tìm mọi cách để không phải vượt qua. Khi bạn vượt qua được trạng thái hỗn loạn đó, tâm thức chính là nơi “ngả lưng” duy nhất của bạn. Tâm thức bạn nhận biết rằng có những thay đổi to lớn đang diễn ra. Bạn sẽ nhận biết rằng chẳng có gì là kiên cố và bạn sẽ trở nên thoải mái với điều đó. Bạn sẽ nhận ra rằng mỗi khoảnh khắc của từng ngày đang mở ra và bạn không cần phải kiểm soát hay mong cầu gì về nó. Bạn không phải xây dựng những quan niệm, hy vọng, ước mơ, niềm tin, hay cảm giác an toàn. Bạn không còn phải xây dựng những mô hình trong tâm trí về mọi việc đang xảy ra, vì cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Bạn hoàn toàn thoải mái với việc cứ tiếp tục nhận thức về mọi thứ. Khoảnh khắc này đến, rồi đến khoảnh khắc tiếp theo, và rồi đến khoảnh khắc tiếp theo nữa. Nhưng đó thực sự là những gì luôn xảy ra. Từng khoảnh khắc đang dần đi qua trước tâm thức của bạn. Điều khác biệt là giờ đây bạn quan sát nó xảy ra. Bạn thấy cảm xúc và tâm trí đang phản ứng với những khoảnh khắc đang trôi này, và bạn không làm điều gì để ngăn cản chúng. Bạn không làm gì để kiểm soát chúng. Bạn chỉ cần để cho cuộc sống mở ra, cả bên ngoài và bên trong bạn.
Nếu bạn chọn cuộc hành trình này, bạn sẽ đạt đến trạng thái mà ở đó bạn nhìn thấy chính xác cách mà những khoảnh khắc mở ra sẽ đem đến cảm giác sợ hãi như thế nào. Từ vị trí trạng thái tỉnh thức này, bạn sẽ có thể trải nghiệm xu hướng bảo vệ bản thân một cách mạnh mẽ. Xu hướng này tồn tại vì bạn cảm thấy mình thực sự không kiểm soát mọi thứ, và điều đó khiến bạn không thoải mái. Nhưng nếu bạn thực sự muốn vượt qua, bạn phải quyết tâm chỉ quan sát nỗi sợ hãi mà không có động thái tự vệ nào. Bạn phải sẵn sàng để nhìn nhận rằng nhu cầu bảo vệ bản thân chính là nguồn gốc của toàn bộ tính cách của bạn. Nó được tạo ra từ quá trình xây dựng cấu trúc tư duy và cảm xúc bên trong để thoát khỏi cảm giác sợ hãi. Như vậy là bạn đang đứng đối mặt với cội nguồn của tâm lý.
Nếu bạn đi đủ sâu, bạn sẽ có thể quan sát tâm lý được xây dựng ra sao. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang ở giữa hư không, trong không gian vô tận trống rỗng, và tất cả những khách thể nội tại này đang lưu chuyển về phía bạn. Ý nghĩ, cảm xúc và ấn tượng về những trải nghiệm thế gian đang tuôn đổ vào tâm thức của bạn. Bạn sẽ nhìn thấy rõ ràng xu hướng bảo vệ bản thân khỏi dòng chảy này là đưa nó vào tầm kiểm soát của bạn. Có một xu hướng mạnh mẽ rõ rệt trong việc nghiêng người về phía trước và nắm lấy những ấn tượng có chọn lọc về con người, nơi chốn và sự vật khi chúng trôi qua. Bạn sẽ nhận ra nếu bạn tập trung vào những hình ảnh tâm lý này, chúng sẽ góp phần hình thành một cấu trúc phức tạp mà trước đó nó không hề tồn tại. Bạn sẽ nhìn thấy những sự kiện đã xảy ra khi bạn mười tuổi mà bạn vẫn còn bám vào. Bạn nhận ra bạn đang bắt lấy tất cả những kỷ niệm, tập hợp chúng lại với nhau một cách có trật tự, và cho rằng đó là con người bạn. Nhưng thật ra bạn không phải là những sự kiện đó; bạn là người đã trải qua các sự kiện đó. Làm sao bạn có thể định nghĩa bản thân mình là những gì đã diễn ra với bạn? Bạn vốn đã nhận thức về sự tồn tại của bạn trước khi những sự kiện kia xảy ra. Bạn là người ở đó làm tất cả những điều này, quan sát tất cả những điều này, và trải nghiệm tất cả những điều này. Bạn không cần phải bám vào những trải nghiệm với danh nghĩa là xây dựng bản thân. Đó là cái tôi giả tạo mà bạn đang xây dựng bên trong. Đó chỉ là một khái niệm về bản thân mà bạn chính là người ẩn náu đằng sau.
Bao lâu rồi bạn đã ẩn mình đằng sau khái niệm bản thân đó, chật vật đấu tranh để giữ cho mọi thứ an ổn? Bất cứ khi nào có điều gì đó trái với mô hình bảo vệ bản thân mà bạn xây dựng, bạn sẽ phòng thủ và tìm cách hợp lý hóa điều đó để mọi thứ ổn thỏa trở lại. Tâm trí bạn không ngừng đấu tranh cho đến khi bạn xử lý sự kiện này hoặc bằng cách nào đó làm cho nó biến mất. Mọi người cảm thấy chính sự tồn tại của họ đang bị đe dọa, vì vậy họ tiếp tục chiến đấu và tranh luận cho đến khi họ nắm lại thế kiểm soát. Tất cả những điều này là do chúng ta đã nỗ lực xây dựng một cấu trúc kiên cố ở nơi mà nó không tồn tại. Rồi chúng ta lại phải đấu tranh để giữ cho cấu trúc này luôn vững chắc. Vấn đề là không có cách thoát ra theo kiểu đó. Không có hòa bình và không có chiến thắng trong cuộc chiến đó. Bạn đã được khuyên không nên xây nhà trên cát. Vâng, rốt cuộc thì đây chính là cát, và bạn đã xây nhà trên đó. Nếu bạn tiếp tục bám víu vào những gì bạn đã xây, bạn sẽ bị kẹt không thoát ra được những bức tường phòng vệ đó. Bạn sẽ phải luôn sắp xếp mọi người và mọi vật vào vị trí nhất định để mô hình khái niệm của bạn luôn hòa hợp với thực tế. Đó là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để mọi thứ luôn ổn thỏa.
Sống một đời sống tâm linh đúng nghĩa là không tham gia vào cuộc tranh đấu này. Tức là những sự kiện xảy ra trong khoảnh khắc này thì thuộc về khoảnh khắc này. Chúng không thuộc về bạn. Chúng không liên quan gì đến bạn. Bạn phải chấm dứt việc xác định bản thân trong mối quan hệ với chúng, và hãy để chúng tự đến rồi tự đi. Đừng để cho các sự kiện để lại dấu ấn trong bạn. Nếu bạn nhận thấy mình vẫn tiếp tục nghĩ về chúng sau đó, hãy buông bỏ chúng. Nếu một sự kiện xảy ra không phù hợp với mô hình khái niệm bản thân của bạn, và bạn nhận ra bản thân đang tranh đấu và tìm mọi lý lẽ để khiến cho nó phù hợp, chỉ cần quan sát điều bạn đang làm. Một việc gì đó đã xảy ra trong vũ trụ không “khớp” với mô hình của bạn và giờ lại đang gây xáo trộn trong bạn. Nếu chỉ đơn giản quan sát điều này, bạn sẽ nhận ra rằng thực sự là nó đang phá vỡ mô hình của bạn. Bạn sẽ đạt đến điểm mốc quan trọng nhất khi bạn thấy điều này xảy ra hợp với mong muốn của bạn, vì bạn không muốn giữ mô hình của bạn nữa. Bạn xác định điều này là tốt vì bạn không còn sẵn lòng tiêu tốn bất kỳ năng lượng nào cho việc xây dựng và gia cố mặt nạ giả tạo của bạn nữa. Thay vào đó, bạn sẽ để cho mọi thứ làm nhiễu loạn mô hình của bạn, cho phép chúng hoạt động như chất nổ để phá vỡ mô hình này và giải thoát bạn. Đây là ý nghĩa của một đời sống thật sự tâm linh.
Khi bạn thực sự trở thành người sống thiên về tâm linh, bạn hoàn toàn khác với những người khác. Bạn không muốn điều người khác muốn. Có những điều mà người khác chống đối, còn bạn hoàn toàn chấp nhận. Bạn muốn mô hình của bạn bị phá vỡ, và bạn trân trọng những trải nghiệm có thể gây xáo trộn trong bạn. Không có bất kỳ điều gì mà người khác nói hay làm lại có thể phiền nhiễu bạn. Rốt cuộc thì bạn chỉ đang ở trên một hành tinh quay xung quanh giữa hư không. Bạn chỉ đến viếng thăm hành tinh này trong vài chục năm và sau đó sẽ rời đi. Vậy thì cớ sao bạn lại sống mấy mươi năm đó mà luôn phải căng thẳng với tất cả mọi thứ? Đừng như thế! Nếu một cái gì đó có thể gây rối loạn bên trong bạn, nghĩa là nó đang va phải mô hình của bạn. Có nghĩa là nó đang công kích cái phần không thật của con người mà bạn đã xây dựng để bảo vệ cái định nghĩa về cuộc sống của riêng mình. Nhưng nếu mô hình của bạn đúng với thực tế cuộc sống, vậy thì tại sao những trải nghiệm thực sự lại không phù hợp với nó? Bạn đừng bao giờ mong đợi bất kỳ điều gì bạn thêu dệt trong tâm trí có thể đồng nhất với thực tế.
Bạn phải học cách sống an nhiên tự tại với những rối loạn tâm lý. Nếu trí óc bạn trở nên hiếu động thái quá, chỉ cần quan sát nó. Nếu trái tim bạn bắt đầu nóng ran, hãy để nó trải qua những gì mà nó phải trải qua. Cố gắng tìm cái phần con người có thể nhận biết rằng trí óc bạn đang hiếu động thái quá và trái tim bạn đang nóng ran lên. Phần con người đó chính là lối thoát của bạn. Việc xây dựng mô hình của riêng bạn sẽ không đem lại cho bạn lối thoát nào cả. Cách duy nhất để có được tự do nội tại là thông qua chủ thể nhận thức mọi diễn biến trong bạn: Đó là Bản thân. Bản thân chỉ cần nhận biết rằng tâm trí và cảm xúc đang tự gỡ rối, rằng không cần một nỗ lực nào can thiệp để gắn kết chúng với nhau.
Tất nhiên quá trình này sẽ gây đau đớn. Chính cảm giác đau là lý do khiến từ trước đến nay bạn xây dựng cấu trúc tinh thần bên trong. Nếu bạn để cho cấu trúc này sụp đổ, bạn sẽ phải trải qua nỗi đau mà bạn đã muốn tránh khi cố tình xây dựng nó. Do đó, bạn cần phải sẵn sàng đối diện với nỗi đau này. Nếu bạn tự nhốt mình trong pháo đài vì e sợ phải ra ngoài, bạn sẽ phải can đảm đương đầu với nỗi sợ đó nếu bạn muốn trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn hơn. Pháo đài đó không bảo vệ bạn; nó chỉ đang giam cầm bạn. Để tự do, để trải nghiệm cuộc sống với đầy đủ ý nghĩa của nó, bạn phải thoát ra ngoài. Bạn phải buông bỏ và đi qua quá trình thanh lọc để giải thoát bạn ra khỏi tâm lý của chính mình. Để làm được điều này, bạn chỉ đơn giản quan sát tâm lý một cách đơn thuần là chính nó. Lối thoát là thông qua nhận thức. Bạn hãy từ bỏ định kiến xem tâm trí bị xáo trộn như một trải nghiệm tiêu cực – chỉ cần bạn luôn thư giãn trong khi quan sát nó. Khi tâm trí bạn bị quấy rối, đừng hỏi: “Tôi phải làm gì với nó đây?”. Thay vào đó, hãy hỏi: “Tôi – người đang nhận biết điều này – là ai?”.
Bạn sẽ sớm nhận ra rằng ở vị trí định tâm để quan sát những rối loạn thì không một sự xáo trộn nào có thể chạm đến nó. Ngay khi có dấu hiệu bị xáo trộn, chỉ cần nhận biết ai đang nhận biết sự xáo trộn đó. Ngay lập tức, trạng thái hỗn loạn này sẽ chấm dứt. Và rồi bạn chỉ việc ngả lưng ra, thư giãn ở vị trí tận sâu bên trong, quan sát tâm trí và trái tim tạo ra những cơn đau cuối cùng trước khi dứt hẳn. Khi đạt tới điểm mốc đó, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của trạng thái siêu nghiệm. Có nghĩa là nhận thức vượt lên trên cái mà nó nhận thức. Đó là khi nhận thức tách rời, như ánh sáng tách rời với những gì mà nó chiếu sáng. Bạn là tâm thức, và bạn có thể giải phóng bản thân khỏi mọi rối loạn bằng cách thư giãn đằng sau tâm thức.
Nếu bạn muốn bình yên vĩnh viễn, niềm vui vĩnh viễn và hạnh phúc vĩnh viễn thì bạn phải vượt qua bờ bên kia của những rối loạn nội tại. Khi đó, bạn có thể trải nghiệm một cuộc sống mà ở đó những con sóng yêu thương có thể dâng tràn trong bạn bất kỳ khi nào bạn muốn. Đó là bản chất vốn có của con người bạn. Chỉ cần bạn vượt qua bờ bên kia của tâm lý. Bạn làm điều này bằng cách từ bỏ xu hướng bám chấp. Bạn làm điều này bằng cách không sử dụng tâm trí để xây dựng trạng thái vững chắc giả tạo. Bạn chỉ cần quyết định, một lần cho mãi mãi, là bạn sẽ thực hiện cuộc hành trình này bằng cách liên tục buông bỏ.
Tại thời điểm này, cuộc hành trình sẽ trở nên rất nhanh. Bạn sẽ vượt qua cái phần bản thân luôn cảm thấy “sợ muốn chết” đó, và bạn nhận thấy phần bản thân đó luôn phải vật lộn để nó cảm thấy ổn. Nếu bạn ngừng nuôi dưỡng phần đó, nếu bạn luôn thả lỏng để nó không có cách nào bám víu lấy bạn, cuối cùng bạn sẽ lùi lại đằng sau, tỉnh táo quan sát cái trạng thái vững chắc giả tạo bên trong chính mình. Bạn không phải là người làm những điều trên; bạn là người quan sát mọi thứ xảy ra.
Lối thoát duy nhất của bạn là làm nhân chứng. Chỉ cần bạn không ngừng buông bỏ bằng cách nhận thức rằng bạn đang nhận thức. Khi bạn vượt qua một giai đoạn tăm tối hay trầm cảm, chỉ cần hỏi: “Ai đang nhận thức sự tăm tối này?”. Đó là cách bạn vượt qua những giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển nội tâm. Chỉ cần bạn luôn buông xả, và duy trì việc nhận thức rằng bạn vẫn đang ở vị trí nhận thức đó. Khi bạn từ bỏ tâm lý bi quan và tâm lý lạc quan, và không còn bám chấp vào bất cứ điều gì, bạn sẽ đạt đến một điểm mốc – nơi mà tất cả mọi việc đều mở ra phía sau bên trong bạn. Bạn đã quen với việc nhận thức mọi thứ ở trước bạn. Và giờ đây bạn sẽ dần nhận thức một vũ trụ ở phía sau vị trí của tâm thức.
Bạn đã không nhận ra là có bất cứ cái gì đằng sau bạn. Bởi vì quá chú tâm vào việc xây dựng mô hình của bản thân dựa trên những suy nghĩ và cảm xúc trôi qua phía trước mình nên bạn đã không nhận thấy khoảng không bao la rộng lớn bên trong. Ở đằng sau bên trong bạn là cả một vũ trụ rộng lớn. Chỉ là bạn đang không nhìn theo hướng đó. Nếu bạn sẵn lòng buông bỏ, bạn sẽ lùi lại phía sau và vũ trụ này sẽ mở ra cả một đại dương năng lượng. Bên trong bạn sẽ tràn ngập ánh sáng. Bạn sẽ đắm mình trong nguồn ánh sáng không có bóng tối, với sự bình yên vượt trên tất cả mọi hiểu biết. Sau đó bạn sẽ thong dong bước qua mọi khoảnh khắc của cuộc sống hằng ngày với dòng chảy nội lực nâng đỡ bạn, nuôi dưỡng bạn và hướng dẫn bạn từ sâu bên trong. Bạn vẫn sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc và quan niệm về bản thân trôi nổi quanh không gian bên trong, nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ của những điều mà bạn trải nghiệm. Bạn sẽ không gắn kết với bất cứ cái gì ngoài ý thức về Bản thân.
Một khi đạt đến trạng thái này, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về bất kỳ điều gì nữa. Các sức mạnh của tạo hóa sẽ tạo ra vạn vật, cả ở bên trong và bên ngoài. Bạn sẽ trôi trong niềm an lạc, tình yêu thương và lòng bác ái vượt trên vạn vật, nhưng vẫn trân trọng vạn vật. Bạn không còn cần đến trạng thái vững chắc giả khi luôn an nhiên tự tại với sự trải rộng khắp vũ trụ của Con người đích thực trong mình.