K
hông có cuộc thảo luận nào về hành trình tâm linh đầy đủ trọn vẹn mà không đề cập đến một trong những giáo lý tâm linh sâu sắc nhất, đó là Đạo Đức Kinh (Tao te Ching). Cuốn sách này bàn về một đề tài rất khó bàn luận, cái mà Lão Tử (Lao-tzu) gọi là “Đạo”. Dịch theo nghĩa đen thì có nghĩa là “Con đường”. Đạo tinh tế đến mức người ta chỉ có thể bàn luận loanh quanh bên lề chứ chưa bao giờ chạm vào nó thực sự. Luận thuyết đó đặt ra nền tảng cho toàn bộ quy luật cuộc sống. Đó là luận thuyết về sự cân bằng âm dương, về nữ tính và nam tính, về bóng tối và ánh sáng. Bạn có thể đọc hết cuốn Đạo Đức Kinh mà không hiểu nghĩa một từ nào, hoặc bạn cũng có thể đọc mà nước mắt tuôn trào vì thấm thía từng câu chữ. Vấn đề là, bạn có đem kiến thức, sự hiểu biết và nền tảng mà bạn đã có đặt vào nó để hiểu những điều mà nó đang cố gắng diễn giải không?
Thật không may, giáo lý tâm linh thường che giấu bản chất của sự thật bằng những lời huyền bí. Tuy nhiên, sự cân bằng này, chữ Đạo trong cuốn sách này, thật ra rất đơn giản. Những người nào thực sự hiểu được bí mật của cuộc sống sẽ nhận ra những chân lý này mà không cần đọc cuốn sách. Nếu muốn hiểu về Đạo, bạn phải dành thời gian nghiền ngẫm từ từ và đừng phức tạp hóa nó. Nếu không, bạn có thể bỏ lỡ nó, dù nó ở ngay trước mặt bạn.
Cách tốt nhất để tiếp cận Đạo là thông qua một số câu hỏi đơn giản mà câu trả lời gần như hiển nhiên. Ví dụ, thỉnh thoảng ăn uống có tốt cho con người không? Vâng, rõ ràng là tốt. Lúc nào cũng ăn có tốt cho con người không? Không, tất nhiên là không. Ở đâu đó giữa hai thái cực này là Đạo. Nhịn ăn định kỳ có tốt không? Có. Không bao giờ ăn có tốt không? Không. Con lắc liên tục dao động từ cái mốc bạn ăn đến chết, đến cái mốc bạn bỏ đói cơ thể đến chết. Đó là hai thái cực của con lắc: Âm và dương, mở rộng và thu hẹp, không làm và làm. Mọi thứ đều có hai thái cực. Mọi thứ đều có cấp độ tăng dần theo cái con lắc này. Nếu bạn hành động một cách cực đoan, bạn không thể sống sót. Đó là mức cực đoan của hai thái cực. Ví dụ, bạn có thích thời tiết nóng không? 3.000°C thì sao? Bạn sẽ bốc hơi ngay lập tức. Bạn có thích thời tiết lạnh không? -18°C thì sao? Các phân tử của cơ thể bạn sẽ không bao giờ chuyển động nữa.
Chúng ta hãy dùng một ví dụ ít cực đoan hơn một chút. Bạn có muốn được gần gũi, thân mật với người nào không? Gần gũi đến mức không bao giờ xa nhau thì sao? Hai bạn ăn mọi bữa cùng nhau, hai bạn đi mọi nơi cùng nhau và hai bạn làm mọi thứ cùng nhau. Khi nói chuyện điện thoại với một người khác, hai bạn luôn sử dụng loa ngoài để cả hai có thể tham gia vào mọi cuộc nói chuyện. Bạn muốn gần gũi đến mức hai bạn trở nên như một. Bạn nghĩ điều đó có thể kéo dài bao lâu?
Đó là một thái cực trong các mối quan hệ của con người. Một thái cực khác là hai bạn muốn có không gian riêng. Hai bạn làm những việc của riêng mình. Hai bạn độc lập. Hai bạn thích sống riêng biệt để cả hai luôn có điều gì đó để chia sẻ với nhau khi ở gần nhau. Hai bạn có thể độc lập đến mức nào? Ồ, hai bạn đi du lịch riêng, ăn riêng và hai bạn sống trong hai ngôi nhà riêng biệt. Hai bạn có thể tách biệt đến mức mà không ai có thể nghĩ rằng hai bạn đang hẹn hò không? Hai bạn không gặp nhau trong nhiều năm! Cả hai thái cực này đều sẽ có kết cuộc giống nhau. Quá gần gũi, hay quá xa cách – trong trường hợp nào thì chẳng bao lâu nữa hai bạn cũng sẽ không nói chuyện với nhau. Mọi thứ đều có hai thái cực, âm và dương.
Bây giờ chúng ta tinh tế hơn một chút nhé. 3.000°C hay -18°C cũng đều nghe có vẻ chẳng thú vị gì. Cả cái việc nhịn đói đến chết hay ăn đến phát ốm cũng vậy. Nhưng cái việc gần gũi với ai đó đến mức cả hai luôn ở bên nhau nghe có vẻ khá hay. Chí ít bạn có thể muốn thử xem sao. Nếu vậy, đó là bởi vì con lắc của bạn đã đưa theo hướng ngược lại quá lâu. Bạn đã trải qua quãng thời gian cô đơn, một mình quá lâu – quá nhiều bữa ăn tối một mình, quá nhiều bộ phim phải xem một mình và quá nhiều chuyến đi du lịch một mình. Nói cách khác, con lắc của bạn đã đánh đu ra khỏi trung tâm.
Theo khoa học, chúng ta biết rằng nếu bạn kéo con lắc sang phải ba mươi độ, nó sẽ dao động trở lại sang trái cho đến khi đạt ba mươi độ. Bạn không cần Lão Tử nói với bạn điều này. Tất cả quy luật đều giống nhau – quy luật bên ngoài hay bên trong cũng thế. Mọi thứ trên thế giới đều được vận hành theo quy luật này. Nếu bạn kéo con lắc theo hướng này xa bao nhiêu thì nó sẽ trở lại hướng kia xa bấy nhiêu. Nếu bạn đói ăn trong nhiều ngày, và ai đó đặt thức ăn trước mặt bạn, bạn sẽ quên mất phép lịch sự trong khi ăn. Bạn sẽ ngốn thức ăn đầy miệng như một con vật. Mức độ bạn hành xử như một con vật sẽ tương ứng với mức độ mà bạn bị bỏ đói đủ để bộc lộ bản năng động vật.
Vậy thì Đạo ở đâu? Đạo ở chính giữa. Đó là nơi mà không bị năng lượng đẩy theo bất cứ hướng nào. Con lắc tự nó luôn tiến đến điểm cân bằng trong những tình huống liên quan đến thực phẩm, các mối quan hệ, giới tính, tiền bạc, những việc đang làm, những việc không đang làm và mọi thứ khác. Tất cả đều có tính âm và dương của nó. Đạo là nơi mà ở đó những lực này cân bằng một cách tĩnh tại. Và quả thực, trừ khi bạn đi ra khỏi con đường, nếu không thì những lực này sẽ luôn duy trì thế cân bằng hòa hợp. Nếu muốn hiểu về Đạo, bạn phải xem xét sâu hơn về những gì ở giữa hai thái cực. Bởi vì không thái cực nào có thể giữ yên vị trí của nó dài lâu. Con lắc có thể ở tại một trong hai vị trí xa nhất của nó trong bao lâu? Nó chỉ có thể tồn tại ở đó trong tích tắc. Con lắc có thể cân bằng ở giữa trong bao lâu? Nó có thể ở đó mãi mãi vì không có lực nào di chuyển nó ra khỏi thế cân bằng. Đó là Đạo. Đạo là trung tâm. Nhưng không có nghĩa là nó sẽ duy trì trạng thái tĩnh và cố định. Sắp tới đây, chúng ta sẽ xem nó năng động như thế nào.
Trước hết, bạn phải nhận ra rằng vì mọi thứ đều có âm và dương nên chúng đều có điểm cân bằng riêng. Chính sự hài hòa của tất cả các điểm cân bằng này, được đan xen vào nhau, tạo nên Đạo. Trạng thái cân bằng tổng thể này duy trì sự quân bình của mọi thứ khi chuyển động xuyên thời gian và không gian. Sức mạnh của nó thật phi thường. Nếu bạn muốn hình dung quyền năng của Đạo, hãy kiểm nghiệm xem bao nhiêu năng lượng bị tiêu hao khi một con lắc chuyển động qua lại. Giả sử bạn muốn đi từ điểm A đến điểm B, nhưng thay vì đi thẳng đến đó, bạn di chuyển từ bên này sang bên kia như sóng hình sin. Quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian và hao tổn nhiều năng lượng. Nói cách khác, thật không hiệu quả khi đi theo kiểu zíc zắc suốt con đường. Để đi một cách hiệu quả, bạn phải tập trung tất cả năng lượng trên một đường thẳng dọc theo con đường. Bằng cách này, những năng lượng thay vì bị lãng phí khi di chuyển ngang sẽ được tập trung về một đường thẳng ở giữa. Việc tập trung năng lượng theo cách này sẽ giúp cho mọi công việc đều được hoàn thành hiệu quả hơn nhiều. Đây chính là sức mạnh của Đạo. Khi bạn ngừng dao động giữa hai thái cực, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có nhiều năng lượng hơn bạn tưởng. Những việc người khác mất nhiều giờ để hoàn thành thì bạn chỉ cần vài phút. Những việc khiến người khác mệt nhoài sẽ chỉ lấy đi của bạn đôi chút năng lượng. Đó là sự khác nhau giữa việc đấu tranh với các mặt đối lập và luôn định tâm để hoàn thành một việc gì đó.
Nguyên tắc này luôn đúng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu bạn ở thế cân bằng, bạn sẽ ăn khi cần ăn, nhằm mục đích duy trì sức khỏe của cơ thể. Làm khác đi thì sẽ hao phí năng lượng khi phải đối phó với hậu quả của việc ăn quá ít, ăn quá nhiều, hoặc ăn những thực phẩm có hại. Sẽ hiệu quả hơn nhiều khi bạn có một cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng so với việc phải gánh lấy những hậu quả từ những hành vi ở hai thái cực.
Về cơ bản, bạn lãng phí năng lượng cực kỳ lớn khi ở các thái cực. Thái cực đó càng ở xa thì càng có khả năng chiếm trọn thời gian của bạn. Chẳng hạn, mối quan hệ yêu đương mà trong đó bạn khăng khăng muốn ở bên nhau mọi lúc mọi nơi thì bạn sẽ không còn thời gian cho bất kỳ việc gì khác. Cách duy nhất mà bạn có thể làm thêm một việc khác là cả hai làm cùng một việc tại cùng một bàn làm việc. Ở thái cực ngược lại, nếu bạn không có mối quan hệ thân thiết nào, bạn luôn cô đơn và chán nản, bạn cũng không thể làm được nhiều việc. Cho nên, vẫn cần phải khẳng định thêm một lần nữa, thái cực nào cũng đều lấy hết năng lượng của bạn. Bạn càng rời xa trung tâm thì những hành động của bạn càng kém hiệu quả. Bạn sẽ không còn bao nhiêu năng lượng để sống cuộc sống của mình vì bạn đang sử dụng tất cả năng lượng vào việc điều chỉnh độ dao động của con lắc bên trong bạn. Thái cực là những người thầy giỏi. Khi bạn kiểm nghiệm các thái cực và những hậu quả của nó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những kiểu mẫu hành vi nào của mình bị thiếu cân bằng.
Hãy lấy ví dụ về một người nghiện hút thuốc lá. Anh ta luôn ngậm điếu thuốc trên môi, và vừa xong điếu này đã bật lửa mồi điếu khác. Phần lớn cuộc đời của anh ta dành cho việc hút thuốc. Anh ta mua thuốc lá, bật lửa mồi thuốc và hút thuốc. Anh ta cũng phải luôn bận tâm đến việc tìm những nơi được phép hút thuốc. Và bởi vì anh ta không thích phải đi ra ngoài để hút nên anh ta gia nhập những nhóm ủng hộ hút thuốc lá nơi công cộng. Hãy để ý xem anh ta đã tốn bao nhiêu năng lượng cho việc hút thuốc. Bây giờ hãy tưởng tượng rằng anh ta quyết định cai thuốc lá – dù là một điếu cũng không. Nếu một năm sau bạn hỏi anh ta đã làm những gì trong năm vừa qua, anh ta sẽ nói với bạn rằng anh ta đã bỏ hút thuốc. Đó là cuộc sống của anh ta trong năm qua. Mới đầu anh ta thử nhai kẹo cao su, nhưng thực sự không có ích gì. Sau đó anh ta thử dùng miếng dán cai thuốc. Không thấy hiệu quả, anh ta lại chuyển sang dùng liệu pháp thôi miên. Vì con lắc đã đi đến một thái cực quá xa trong chuyện hút thuốc của anh ta, cho nên nó cần phải được kéo trở lại một khoảng xa tương ứng để anh ta có thể ngừng hút thuốc. Cả hai thái cực này đều gây lãng phí to lớn về thời gian, năng lượng và nỗ lực mà đáng lẽ ra tất cả những nguồn lực này phải được đầu tư vào những khía cạnh “sinh lời” hơn trong cuộc sống của anh ta.
Khi bạn phải dành năng lượng để nỗ lực duy trì những thái cực, bạn sẽ không thể tiến về phía trước. Bạn như bị sa lầy. Bạn càng cực đoan thì càng khó di chuyển về phía trước. Bạn tự tạo ra một vết lún sâu và mắc kẹt trong đó. Và rồi không còn năng lượng nào đưa bạn đi tới trong Đạo; vì tất cả năng lượng đều được dùng để phục vụ các thái cực.
Con đường luôn nằm ở giữa vì đó là nơi các năng lượng cân bằng. Nhưng làm cách nào bạn có thể ngừng một con lắc đang dao động mạnh đến các điểm xa nhất? Thật ngạc nhiên là, bạn có thể, bằng cách cứ để nó dao động, đừng động vào nó. Nó sẽ giảm dần độ dao động đến các thái cực, trừ phi bạn cung cấp thêm năng lượng cho nó. Chỉ cần buông bỏ các thái cực. Đừng tham gia vào chuyện của chúng, và rồi con lắc sẽ tự động giảm dần độ dao động về điểm trung tâm. Khi nó trở về trung tâm, bạn sẽ cảm thấy như được đổ tràn đầy năng lượng. Đó là vì tất cả các nguồn năng lượng từng bị lãng phí giờ đây trở lại dành riêng cho bạn.
Nếu bạn chọn trung điểm và không gia nhập các thái cực, bạn hiểu được Đạo. Bạn không cần phải nắm bắt nó; thậm chí bạn cũng không chạm vào nó. Đó là dao động tự nhiên của năng lượng khi nó không bị đẩy về các thái cực. Nó tự tìm đường trở về tâm của mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc sống và duy trì cân bằng ở trung điểm một cách tĩnh tại. Đạo thực sự trống không. Giống như mắt bão, sức mạnh của nó chính là tình trạng “rỗng” của nó. Tất cả mọi thứ cuộn xoáy quanh nó, nhưng nó bất động. Cơn lốc cuộc đời cuốn năng lượng ra khỏi trung tâm và trung tâm đủ mạnh để thu hút năng lượng trở lại từ cơn lốc cuộc đời. Tất cả những quy luật này đều giống nhau – trong thời tiết, trong tự nhiên và trong mọi mặt cuộc sống của bạn.
Bạn định tâm bằng cách không tham gia vào những dao động; nhờ đó, các năng lượng sẽ tự tìm thấy thế cân bằng của chúng. Bạn sẽ trở nên sáng suốt hơn vì vô số năng lượng đang dâng tràn trong bạn. Trải nghiệm có mặt trong mỗi khoảnh khắc sẽ trở thành trạng thái tự nhiên của bạn. Bạn sẽ không bị vướng mắc vào bất cứ điều gì hoặc bị cuốn vào những tư tưởng đối lập. Khi bạn sáng suốt hơn, các sự kiện cuộc sống sẽ mở ra từ từ. Bạn sẽ thấy các sự kiện trở nên rõ ràng hơn, không còn có vẻ xáo trộn, khó hiểu hoặc gây áp lực, bất kể đó là sự kiện gì.
Điều này khá khác so với cách sống của hầu hết mọi người. Nếu họ đang lái xe mà ai đó tạt ngang đầu xe, họ sẽ bực tức trong cả giờ sau đó, hay có khi là nguyên cả ngày trời. Đối với những người sống trong Đạo, các sự kiện xảy ra và kéo dài chỉ trong khoảng thời gian mà chúng xảy ra. Chỉ thế thôi. Nếu bạn đang lái xe mà có ai đó đâm ngang, bạn cảm thấy năng lượng của bạn bắt đầu bị kéo ra khỏi trung tâm. Bạn có thể cảm nhận điều này trong tim. Khi bạn buông xả, nó sẽ trở về lại trung tâm. Bạn không bám theo các thái cực, do đó năng lượng của bạn trở về với thời khắc hiện tại. Khi sự kiện tiếp theo xảy ra, bạn tiếp tục có mặt ở đó. Bạn luôn luôn có mặt ở mọi thời điểm hiện tại, và chính điều này khiến bạn có nhiều năng lựợng hơn những người đang vẫn còn phản ứng với những sự kiện mất cân bằng trong quá khứ. Hầu hết mọi người đều có một điểm mốc khiến họ mất cân bằng. Một khi sự việc qua rồi, ai còn bận tâm đến năng lượng tích trữ đó? Ai sẽ trông coi nguồn năng lượng bộc ra khi bạn không có mặt ở đó? Hãy nhớ rằng, sau tất cả thì bất kỳ ai duy trì sự có mặt ở hiện tại một cách kiên định sẽ là người chiến thắng.
Khi bạn di chuyển trong Đạo, bạn luôn luôn có mặt ở hiện tại. Cuộc sống trở nên hoàn toàn đơn giản. Khi cân bằng ở trong Đạo, bạn dễ dàng nhìn thấy các sự kiện đang diễn ra trong cuộc sống – chúng mở ra ngay trước mắt bạn. Nhưng nếu bạn luôn phản ứng theo nhiều cách khác nhau bởi vì bạn bám vào các thái cực, cuộc sống sẽ trở nên đầy bấn loạn. Đó là do bạn bị rối loạn, chứ không phải do cuộc sống gây rối loạn cho bạn.
Khi bạn ngừng rối loạn, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản. Nếu bạn không có ham muốn gì, nếu thứ bạn muốn duy nhất là luôn ở tâm của mọi sự kiện, thì cuộc sống sẽ luôn mở ra trong khi bạn chỉ cần luôn cảm nhận được mình đang định tâm và cân bằng. Có một sợi chỉ vô hình xuyên suốt mọi thứ. Tất cả mọi thứ đều nhẹ nhàng di chuyển qua điểm thăng bằng ở giữa đó. Đó chính là Đạo. Đạo luôn hiện hữu ở đó. Đạo có trong các mối quan hệ của bạn, trong chế độ ăn uống của bạn và trong các hoạt động kinh doanh của bạn. Đạo có ở trong mọi thứ. Đạo là mắt bão. Bên trong mắt bão là bình yên tuyệt đối.
Để bạn hiểu rõ hơn về cảm nhận khi ở vị trí trung tâm đó, hãy lấy việc đi thuyền buồm làm ví dụ. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc cho thuyền ra khơi khi lặng gió. Đó là một thái cực, và con thuyền không đi đâu được cả. Bây giờ chúng ta sẽ lái thuyền khi gió cực to và không giăng buồm. Đó là thái cực đối lập và, ở thái cực này, chúng ta cũng không đi đâu được. Lái thuyền là một ví dụ hay vì có nhiều nguồn lực tương tác với nhau. Đó là gió, buồm, bánh lái và sức căng của dây buồm. Có sự tác động qua lại to lớn giữa các nguồn lực. Điều gì sẽ xảy ra nếu gió đang thổi và bạn giữ buồm quá lỏng lẻo? Thuyền sẽ không lướt đi được. Còn nếu bạn giữ buồm quá chặt thì sao? Bạn sẽ ngã bổ nhào. Để lái thuyền đúng cách, bạn phải giữ buồm vừa phải. Nhưng điểm vừa phải là ở đâu? Đó là điểm cân bằng ở giữa sức căng của buồm đối với lực của gió – không quá căng và không quá lỏng. Đó là cái mà chúng ta gọi là “điểm tốt nhất”. (Trong nhiếp ảnh, điểm tốt nhất hay khẩu độ tốt nhất là thường giữa khẩu độ tối đa f/8 và khẩu độ tối thiểu f/16. Bằng cách sử dụng khẩu độ ở giữa phạm vi có thể bạn sẽ tăng khả năng chụp những bức ảnh sắc nét với ống kính của bạn). Hãy mường tượng cảm giác khi có sức gió vừa phải thổi vào cánh buồm, và bạn đang giữ những sợi dây buồm với lực căng vừa phải. Bạn sẽ bay bổng với cảm giác cân bằng hoàn hảo. Sau đó, sức gió thay đổi và bạn theo đó mà điều chỉnh lực căng dây. Bạn, gió, con thuyền và biển khơi hòa làm một. Tất cả những lực này đều ở trong trạng thái cân bằng hài hòa. Nếu một trong các lực này thay đổi, những lực khác cũng ngay lập tức tùy chỉnh theo. Đây chính là ý nghĩa khi di chuyển trên con đường.
Trong cái Đạo của việc lái thuyền buồm, điểm cân bằng này không tĩnh; đó là một trạng thái cân bằng động. Bạn di chuyển từ điểm cân bằng này đến điểm cần bằng khác, từ điểm trung tâm này đến điểm trung tâm khác. Bạn không thể đưa vào Đạo bất cứ quan niệm hay ý muốn cá nhân nào; bạn phải để cho những lực tham gia vào sự kiện đưa bạn đi. Trên con đường, không có gì thuộc về cá nhân. Bạn đơn thuần chỉ là một công cụ trong tay các lực, tham gia vào sự hài hòa của trạng thái cân bằng. Bạn phải đạt tới điểm mà ở đó toàn bộ sự quan tâm của bạn đều dành cho trạng thái cân bằng và không có bất cứ ý muốn cá nhân nào về cách mà mọi việc nên xảy ra. Tất cả mọi việc trong cuộc sống đều nên diễn ra theo cách này. Bạn càng đạt đến trạng thái cân bằng trong nhiều việc thì bạn càng có thể lướt thuyền thư thả suốt cả cuộc đời. Khi ở trong Đạo, bạn trải qua mọi việc mà không mất một chút sức lực nào. Cuộc sống diễn ra, bạn có mặt ở đó, nhưng bạn không tác động vào nó. Không có một gánh nặng nào; không có áp lực hay căng thẳng. Các lực tham gia vào sự việc tự chúng có thể lo liệu khi bạn an vị ở trung tâm. Đó là Đạo – nơi đẹp nhất để bạn luôn hướng đến trong toàn bộ cuộc sống của mình. Bạn không thể chạm vào nó, nhưng bạn có thể hòa làm một với nó.
Cuối cùng, bạn sẽ nhận ra rằng trong con đường của Đạo, bạn sẽ không thức dậy, nghĩ xem sẽ phải làm gì, và rồi đi làm nó. Ở trong Đạo, bạn là người mù, và bạn phải học cách để không nhìn gì. Bạn không bao giờ có thể nhìn thấy Đạo sẽ đến nơi nào; bạn chỉ cần có mặt với nó mà thôi. Người mù đi trên đường phố bằng cách dùng gậy. Chúng ta hãy đặt cho cây gậy ấy một cái tên: người tìm kiếm những thái cực, người cảm nhận các ranh giới, người chạm đến âm và dương. Những người đi bộ dùng gậy thường khua từ bên này sang bên kia. Họ không cố tìm ra những nơi mà họ nên đi; họ đang cố tìm ra những nơi mà họ không nên đi. Họ đang tìm kiếm những thái cực. Nếu bạn không thể nhìn thấy đường đi, tốt nhất là bạn dò tìm các ranh giới. Nhưng khi bạn dò tìm ra được các ranh giới, bạn sẽ không đi đến đó, bạn sẽ luôn đi giữa con đường. Đó là cách bạn sống trong Đạo.
Tất cả các giáo lý vĩ đại đều khám phá con đường trung tâm, con đường cân bằng. Hãy thường xuyên quan sát chính mình xem liệu bạn có đang đi giữa con đường hay liệu bạn đang bị cuốn vào các thái cực. Các thái cực tạo ra những lực lượng đối lập; và người khôn ngoan sẽ biết tránh xa chúng. Hãy tìm kiếm trạng thái cân bằng ở trung tâm, và rồi bạn sẽ sống trong sự hài hòa.