“Trước hết phải thành thật với chính bản thân mình, rạch ròi như đêm và ngày; sau đó, bạn mới có thể sống chân thành với người khác.”
- William Shakespeare
Những lời trải đời của Shakespeare mà Polonius đã nói với cậu con trai Laertes trong Hồi I của vở Hamlet thật quá rõ ràng như chân lý. Câu này có nghĩa là để duy trì mối quan hệ chân thành với người khác, trước hết chúng ta cần phải thành thật với chính mình. Tuy nhiên, nếu Laertes nghe theo lời cha, hoàn toàn trung thực với bản thân mình, anh ta sẽ nhận ra việc này cũng gây ra không ít thử thách, giống như giăng buồm ra khơi khi gió to vậy. Bởi vì, câu hỏi đặt ra là chúng ta cần phải thành thật với “bản thân” nào đây? Phải chăng đó là cái bản ngã mà chúng ta phô diễn khi đang ở trong tâm trạng tồi tệ, hay là cái tôi hiển hiện khi chúng ta cảm thấy thấp kém vì những lỗi lầm vừa mới gây ra? Đó phải chăng là bản ngã đang lải nhải từ những hốc tối của trái tim khi chúng ta nản lòng hay buồn chán, hay là cái tôi vui tươi trong phút chốc khi mà cuộc sống bỗng trở nên quá huyền ảo và tươi sáng?
Từ những câu hỏi này, chúng ta nhận thấy rằng khái niệm về “bản thân” hóa ra lại khó nắm bắt hơn chúng ta nghĩ. Nếu Laertes tìm kiếm câu trả lời tâm lý truyền thống thì vấn đề sẽ sáng tỏ hơn chăng? Freud, trong cuốn The Ego and the Id được xuất bản năm 1927, đã chia tâm lý của con người thành ba phần: cái xung động bản năng (id), bản ngã (ego) và siêu ngã (superego). Ông nhìn nhận “id” là bản năng tính dục nguyên sơ; “superego” là hệ thống lương tri mà xã hội đã truyền dẫn cho chúng ta; còn “ego” là đại diện của chúng ta với thế giới bên ngoài, luôn phải đấu tranh để duy trì sự cân bằng giữa hai lực lượng mạnh mẽ kia. Nhưng điều này chắc hẳn không giúp được chàng trai trẻ Laertes. Xét cho cùng, chúng ta cần phải thành thật với những cái tôi nào đây?
Một lần nữa chúng ta thấy rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng đơn giản như vẻ ngoài của nó. Nếu chúng ta chỉ nhìn bề nổi của thuật ngữ “cái tôi” thì sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra, như: “Phải chăng con người tôi bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, và các khía cạnh này đều là những phần quan trọng như nhau của ‘cái tôi’, hay chỉ có một phần thật sự là của ‘tôi’ - và nếu vậy thì, ‘cái phần tôi’ thật sự đó là gì, nó ở đâu, nó như thế nào, và tại sao nó tồn tại?”.
Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ thực hiện cuộc hành trình khám phá “bản thân”. Nhưng chúng ta sẽ không làm điều này theo cách truyền thống. Chúng ta sẽ không cầu viện các chuyên gia tâm lý hay các nhà triết học vĩ đại. Chúng ta sẽ không tranh luận và lựa chọn giữa những quan điểm tôn giáo lâu đời, hay sử dụng các cuộc điều tra thống kê ý kiến số đông. Thay vào đó, chúng ta sẽ tìm đến một nguồn độc nhất trực tiếp hiểu rõ vấn đề. Chúng ta sẽ tìm đến một chuyên gia mà mỗi giây phút sống của chính mình, “anh ta” thu thập mọi dữ liệu cần thiết để rồi cuối cùng giải đáp được câu hỏi lớn nói trên. Chuyên gia đó không ai khác ngoài chính bạn!
Nhưng trước khi bạn quá đỗi vui mừng, hoặc thiếu tự tin cho rằng mình không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ này, trước hết cần xác định rõ là chúng ta sẽ không theo quan điểm hay ý kiến riêng của bạn về chủ đề này. Chúng ta cũng sẽ không quan tâm đến những cuốn sách bạn đã đọc, những khóa bạn đã học, hay những hội thảo bạn đã tham dự. Chúng ta chỉ chú tâm đến những trải nghiệm trực giác của bạn về việc là chính bạn thì như thế nào. Chúng ta không đi tìm kiếm tri thức của bạn; chúng ta đang tìm kiếm những trải nghiệm trực tiếp từ bạn. Bạn thấy đấy, bạn không thể thất bại trong nhiệm vụ này vì bạn đang thật sự là chính bạn, mọi lúc mọi nơi. Chúng ta chỉ cần nhận ra nó. Tuy nhiên, sẽ có những khi bạn cảm thấy việc này không đơn giản.
Các chương của cuốn sách này sẽ là những tấm gương soi giúp bạn nhìn thấy “bản thân” từ nhiều góc độ khác nhau. Và mặc dù cuộc hành trình mà chúng ta sắp bắt đầu là cuộc hành trình tâm linh, nhưng tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn sẽ được hiển thị. Yêu cầu duy nhất đối với bạn là thành thật nhìn vào chính mình theo cách tự nhiên, trực giác nhất. Hãy nhớ rằng, chúng ta đang tìm kiếm gốc rễ của “bản thân” bạn, có nghĩa là chúng ta đang đi tìm chính bạn.
Khi đọc qua những trang này, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn hiểu biết về một số đề tài sâu rộng nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Thật ra là bạn đã biết cách khám phá bản thân mình; bạn chỉ đang thiếu tập trung và mất phương hướng mà thôi. Một khi thực tâm kiếm tìm, bạn sẽ nhận ra rằng bạn không chỉ có khả năng tìm thấy chính mình mà còn có khả năng giải thoát cho bản thân. Bạn có quyết tâm làm điều đó hay không hoàn toàn là chọn lựa của bạn. Nhưng sau khi hoàn thành cuộc hành trình qua các chương này, bạn sẽ thấy mọi sự đều rõ ràng, làm chủ cuộc đời mình, và sẽ không còn đổ lỗi cho người khác. Bạn sẽ biết chính xác cần phải làm những gì. Và nếu bạn lựa chọn sẽ tiếp tục cuộc hành trình khám phá bản thân trong suốt cuộc đời mình, bạn sẽ cảm nhận một cách sâu sắc sự tôn trọng của bản thân đối với con người thực sự của mình. Chỉ khi đó bạn mới hiểu được trọn vẹn ý nghĩa sâu xa trong lời khuyên: “Trước hết phải thành thật với chính bản thân mình”.