Gần 3 năm quân ngũ, chiến đấu trên Mặt trận Trị Thiên đỏ lửa, anh lính pháo binh Nguyễn Văn Dân (Dậu) của Đại đội 16KT, Tiểu đoàn K75 pháo binh, Quân khu 4 đã gửi tổng cộng 26 bức thư về cho gia đình.
Sau một thời gian nâng niu giữ gìn, một số bức thư đã được gia đình trân trọng trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam. Mới đây, những bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Dân (hy sinh ngày 5-8-1969) đã được trưng bày tại Triển lãm “Thư-nhật ký thời chiến” khiến nhiều khách tham quan không khỏi xúc động.
Ông Nguyễn Văn Cân (anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Dân) là người trực tiếp trao tặng những lá thư của liệt sĩ cho cán bộ của Bảo tàng LSQS Việt Nam, vẫn nhớ mãi hình ảnh ngày cùng mẹ tiễn em trai lên đường nhập ngũ. Đó là một ngày năm 1966: “Quê tôi ở thôn Gia Lạc, xã Quang Minh, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Em tôi năm ấy vừa tròn 20 tuổi, giấu gia đình xung phong lên đường nhập ngũ. Chỉ đến gần hôm em tôi lên đường cả nhà mới biết. Mẹ tôi khóc hết nước mắt vì lo cho em, nhưng đến ngày em đi, mẹ lại cương quyết một cách kỳ lạ. Giấu nước mắt, mẹ dặn em lên đường mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ và nhớ thường xuyên biên thư về thăm nhà”.
Một trang thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Dân được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: AN BÍCH.
Theo lời kể của ông Cân, trên đường hành quân qua mỗi một địa phương, hay chuyển đơn vị, Nguyễn Văn Dân đều tranh thủ viết thư báo tin cho gia đình. Bức thư đầu tiên anh viết đề ngày 1-11-1966, từ chiến trường Quảng Trị: Chúng con đến địa điểm tạm trú giáp sông Bến Hải và con phải đánh nhau ở đó suốt gần ba tháng trời, vật lộn với “đàn quạ sắt” của Mỹ. Ôi nhớ và nhớ nhung vô hạn gia đình nơi con sinh ra và lớn lên... Lắm đêm còn nằm ngủ mơ được về bên gia đình, được ngồi quây quần bên cạnh bố mẹ, cùng các anh chị em và hai cháu.
Gần ba năm quân ngũ, gia đình nhận được 26 lá thư của Nguyễn Văn Dân. Có thể thực tế thư anh viết và gửi về gia đình nhiều hơn con số này, nhưng trong điều kiện chiến tranh, ngần ấy lá thư từ tiền tuyến an toàn về đến hậu phương là niềm an ủi lớn cho những người trong cuộc thời ấy. Trong thư, pháo thủ Nguyễn Văn Dân kể về cuộc sống, chiến đấu nơi chiến trường ác liệt: Biển Lửa, ngày 10-7-1968! Hôm nay giữa buổi chiều nóng nực, em cùng các bạn đang ngồi nghỉ sau trận đánh ở giữa cao điểm 710. Tiếng động cơ của máy bay cánh quạt phành phạch, hòa trong tiếng bom, tiếng pháo loạn cả bầu trời. Trong này tình hình vô cùng căng thẳng, mỗi ngày chiến đấu càng quyết liệt nhưng bộ đội luôn vững niềm tin. Và trong anh thường trực niềm tin chiến thắng cùng mong ước được đoàn viên: Con thương bố mẹ già, em nhỏ, anh chị phải vất vả suốt đêm ngày. Gia đình mình ở nhà lao động có được mạnh khỏe không? Những ý nghĩ đó làm cho con lắm đêm trằn trọc không ngủ được. Và điều con mong muốn nhất là làm sao bố mẹ, các anh chị, các em và cháu luôn luôn mạnh khỏe... Phải vui và phấn khởi lên, để một ngày thống nhất gần đây con sẽ về cùng gia đình sum họp (Thư ngày 8-9-1968).
Khi biết những lá thư của con trai sẽ được trưng bày trang trọng tại Triển lãm “Thư-nhật ký thời chiến”, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Dân là cụ Hạ Thị Hò, năm nay đã 89 tuổi, có mặt tại Bảo tàng LSQS Việt Nam từ rất sớm để tham dự lễ khai mạc. Dù tai không còn nghe rõ, mắt đã mờ đi, nhưng mẹ vẫn mường tượng ra nét chữ lúc nắn nót, khi vội vàng để kịp bước vào trận đánh của con trai cách đây 50 năm. Những lá thư ấy mẹ đã đọc đến thuộc lòng. Có lẽ vết mờ trên những dòng thư viết trên giấy pơ-luya úa vàng kia là những giọt nước mắt ướt nhòe của mẹ mỗi lần đọc thư con. “Ngày trước, mỗi lần đọc thư em, mẹ tôi khóc rất nhiều. Hôm nay, trong phòng triển lãm đông người tham quan, tôi gắng đọc to những đoạn đã được in đăng khổ to trong gian trưng bày. Bà lắng nghe, không hề khóc và gật đầu hạnh phúc. Hẳn mẹ tôi tự hào lắm, vì giờ đây thư của em tôi đã được lưu giữ ở một nơi đặc biệt, và mỗi dịp triển lãm sẽ được giới thiệu để trao truyền cho thế hệ lửa nhiệt huyết của cha anh!”-ông Nguyễn Văn Cân cho biết.
ĐẶNG VŨ