T
rong thời gian qua, giấc mơ du học không chỉ âm ỉ cháy mà nó có sức lan tỏa cực nhanh trong xã hội. Khỏi phải bàn về những lợi ích khi đi du học, được tiếp cận với nền giáo dục văn minh hiện đại của các nước tiên tiến sẽ mang lại cho con cái chúng ta những điều gì. Khi ra biển lớn, học những điều mới nhất của xã hội văn minh, con cái chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để trở thành một người trưởng thành thực sự, một công dân toàn cầu với một tư duy mở, kiến thức được cập nhật trong mọi lĩnh vực để cuối cùng sẽ tìm được một công việc thu nhập cao, khẳng định được bản thân, biến những ý tưởng của mình thành hiện thực, và có thể đóng góp được nhiều cho gia đình và xã hội.
Thế nhưng, cái gì trở thành trào lưu thì vô hình trung nó cũng gánh thêm bao kỳ vọng, khi thái quá sẽ trở nên ảo tưởng. Với sự phản ánh không trung thực những mảng màu tối, sáng, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và một số tác giả viết sách mô tả việc du học của nhiều du học sinh như một cơ hội đổi đời khiến cho nhiều phụ huynh và học sinh đọc có thể không hiểu thấu đáo đã có cái nhìn không thực tế, đôi khi ảo tưởng. Đã thế, với xu hướng các công ty tư vấn du học được mở ngày càng nhiều và một số nơi tư vấn theo kiểu bằng mọi giá cho các con du học, bất chấp điều kiện ra sao khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh lâm vào cảnh dở khóc dở cười, giấc mơ bị đánh cắp nơi đất khách.
Và lúc đó, những ảo tưởng xoay quanh chuyện du học xuất hiện khiến sự thật về du học bị móp méo, không đúng hình hài của nó và gây nên nhiều hệ lụy cho nhiều học sinh, nhiều gia đình và xã hội.
Bài viết này của tôi không phải để “bàn lùi” mà là những chia sẻ về những điều chính tôi đã tìm hiểu cho con mình, mong tìm ra được con đường phía trước dù chông gai hay trải hoa hồng.
1. ẢO TƯỞNG DU HỌC HAY ÁP LỰC “CON NHÀ NGƯỜI TA”
Có một sự thật, nhiều học sinh và bố mẹ đang tự làm hại chính mình bằng giấc mơ du học do sự thiếu hiểu biết của mình hay sự ảo tưởng về bản thân, để chuốc lấy cái áp lực từ chính gia đình mình và xã hội.
Những ảo tưởng này trước hết xuất phát từ chính tâm lý “con nhà người ta” của bố mẹ. Chị Hà Anh, một người bạn tôi là một viên chức một Bộ có con du học Mỹ thừa nhận, một trong những nguyên nhân sâu xa thôi thúc chị muốn cho con đi du học và cảm thấy sốt ruột bắt đầu từ khi con vào cấp ba, thấy bạn bè, đồng nghiệp khi hỏi thăm chuyện học hành của con cái đều nói: con mình đi Mỹ rồi, học lớp 12 luôn, con mình đi Úc, đi Anh rồi. Và đương nhiên, trong những câu chuyện hỏi thăm tình hình của “con nhà người ta” đôi khi chỉ là một góc nhìn, một mảnh ghép không đầy đủ về chuyện du học nơi xứ người. Nhiều người nói rằng, cứ cho con đi rồi tính, chúng nó thích nghi được hết.
Chuyện chi phí học hành, cứ lo cho sang được là ổn, chúng nó sẽ đi làm thêm rồi trang trải được…
Và thế là, từ những câu chuyện tưởng như tầm phào đó, nó ăn sâu bám rễ vào nhiều phụ huynh, rồi niềm tin về chuyện đi du học không quá khó khăn được tiêm nhiễm sang con mình. “Con người ta làm được thì chắc con mình cũng sẽ làm được”, suy nghĩ tưởng logic như thế nhưng sự thật không phải luôn đúng trong trường hợp con của tôi và chúng ta. Sự thật phũ phàng : Con nhà người ta có thể may mắn, có thể có khả năng, nhưng có khi con của chúng ta lại không thể. Trường hợp chị Hà Anh, sau bao năm vật vã, giấc mơ du học của con chị cũng trở thành hiện thực, khi chị bán một mảnh đất nhỏ, trang trải cho con sang Mỹ. Sau một thời gian ôn luyện được một chứng chỉ tiếng Anh IELTS với số điểm khiêm tốn, chị Hà Anh nhờ đến tư vấn của một công ty du học với khoản phí không nhỏ, cuối cùng, con chị du học với hình thức nhận con nuôi, học tại một trường đại học thuộc loại tiêu biểu của bang Colorado, nằm ở phía Tây nước Mỹ, nơi mà để tìm được một người nói tiếng Việt là điều khó như lên trời. Vốn là một cậu bé học hành bình thường, khả năng giao tiếp tiếng Anh không tốt và ngay khi ở Việt Nam đã sống thu mình, ít tham gia các hoạt động ngoại khóa nên con chị Hà Anh bị sốc ngay khi sang Mỹ.
Tất nhiên, chuyện thời gian đầu, 6 tháng một năm sốc du học thì hầu hết các sinh viên đều nếm trải, nhưng sau đó, các em đa số thích nghi và hòa mình với cuộc sống du học nơi xứ người và thực hiện được ước mơ du học với tấm bằng danh giá. Nhưng điều đó lại không đúng với con trai chị Hà Anh. Chuyện than vãn về áp lực học tập, căng thẳng vì không có bạn bè, đồng hương ở tiểu bang để được nói tiếng Việt, để chia sẻ cho đỡ nhớ nhà đeo đẳng con chị suốt hai năm đầu. Và điều đáng tiếc là con chị đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều mới dám nói với bố mẹ về chuyện chưa bao giờ thấy cuộc sống ở đây là của mình, để quay về nước khi mọi chuyện học hành còn đang dang dở nơi xứ người. Nghĩ lại quãng thời gian đó, chị Hà Anh rất ân hận, vì nếu ở trong nước, có thể con chị đang học ở một trường đại học nào đó và đã có những cơ hội khác, chứ không phải là những chuỗi ngày mông lung không lối thoát như thế.
Trên thực tế, rất nhiều bạn bè tôi trong Nam ngoài Bắc đã vướng phải hội chứng thích cho con đi du học bằng mọi giá, và nhiều người đã phải trả giá vì lựa chọn con đường không đúng cho con.
2. ÁP LỰC TỪ CON CÁI
Không chỉ có cha mẹ, chính các bạn trẻ là người ảo tưởng về bản thân và bị a dua theo trào lưu du học khiến sau này phải nói những câu “giá mà”. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ học tiếng Anh khá, giỏi hoặc một số các học sinh thuộc các trường chuyên, khi vừa vào cấp ba đã thấy phong trào du học của các anh chị lớp 11, 12 rất mạnh mẽ đã bị hoang mang và tự mình tạo nên áo lực du học bằng mọi giá cho chính mình. Và chính sự tìm hiểu không kỹ, quá trình sang Mỹ, Canada… đầy chông gai, gia đình không đủ tiền trang trải, đi làm thêm cật lực, nhiều du học sinh rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp do nghỉ học nhiều, tiết kiệm tiền mua sách giáo khoa nên không ôn tập tốt dẫn đến kết quả học tập kém. Có trường hợp vì biết gia đình không có tiền tiếp tế và sợ bố mẹ buồn đã cắt đứt liên lạc với gia đình và rơi vào trầm cảm, bế tắc. Nhiều bố mẹ ân hận khi không tìm hiểu kỹ mọi thông tin, trước áp lực du học của con mình đã vay mượn để cho con du học và khi con sang Mỹ, Anh, mọi chuyện không suôn sẻ, không kiếm được tiền “vừa học, vừa làm” thì đã muộn. Cái giá phải trả là sự lỡ làng trong học tập của con và quan trọng hơn là sự nhụt chí, mất hết niềm tin vì những vấp ngã, thất bại đầu đời.
Anh bạn tôi là một nhà văn, nhà báo, có con du học Mỹ với hỗ trợ tài chính, học bổng 100% nên với bạn bè, đồng nghiệp, anh là người có nhiều kiến thức và như một “bác sĩ tâm lý” trong giáo dục. Anh kể, trong thời gian qua, phải thường xuyên giúp tư vấn “bất đắc dĩ” cho bạn bè, người thân về các trường hợp: con nhất định đòi đi du học Mỹ, trong khi lực học bình thường , tiếng Anh trình độ trung bình và điều quan trọng bố mẹ không có nhiều tiền tiết kiệm trong tài khoản. Thế nhưng , chính bố mẹ bất lực không thể nào giải thích thẳng với con về những điều “bất khả thi” nếu con khăng khăng chọn du học Mỹ, dẫn đến “chiến tranh lạnh” giữa bố mẹ và con diễn ra và nguy hiểm là nhiều cháu có phản ứng tiêu cực như bất mãn, bỏ học, do cảm thấy ước mơ du học của mình bị bố mẹ chà đạp, không giúp đỡ, không đáp ứng. Thế là anh bạn tôi lại phải là một cầu nối trung gian, với bằng chứng con mình đi đang du học Mỹ với học bổng 100% nhưng gia đình vẫn phải chuẩn bị một khoản tiền khoảng 70.000 - 80.000 USD để lo chi phí ăn, ở, sinh hoạt phí để giải thích với con của cậu em có giấc mơ du học Mỹ rằng , du học là một giấc mơ đẹp, nhưng với sức học của con, với số tiền của gia đình và nhiều yếu tố khác thì không thể trong giai đoạn hiện nay. Nhiều cháu sau khi hiểu ra đã chọn con đường khác, không phải là du học Mỹ, một điểm đến đầy cạnh tranh mà chuyển hướng sang các chương trình du học khác với chi phí đỡ tốn kém hơn.
Chúng ta luôn cần có niềm tin vào những điều tốt đẹp, luôn hướng con phải tự tin trong học tập và cuộc sống. Nhưng niềm tin đó phải được xây dựng trên những nền tảng thực sự của chính con mình, của gia đình mình, chứ không phải là sự quy chiếu trên cơ sở con nhà người khác và những ảo tưởng về du học.
3. SỰ THẬT PHŨ PHÀNG
Anh Trịnh Hà, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một người bạn tôi là một nạn nhân của một vụ vay nợ cho con đi du học năm 2014. Anh có một chị bạn thân, quan hệ với gia đình khăng khít hơn 10 năm có một cô con gái học một trường chuyên nổi tiếng bậc nhất Hà Nội. Khi con chị bạn đó học lớp 11, cô con gái giành được một phần học bổng ở trường đại học Kinh tế và Khoa học Chính trị London - School of Economic and Political Science, một trường đại học nổi tiếng bề dày thành tích được thành lập từ năm 1895. Và câu chuyện bắt đầu từ đây. Bằng mọi cách chị bạn anh Hà cho con sang Anh du học. Nhưng rồi sau đó, con chị sang Anh học với những khoản chi phí tăng dần và cùng công việc làm ăn không được như ý, khó khăn kinh tế ngày một tăng. Khi con gái chị học còn 3 kỳ nữa là kết thúc thì chị không còn đồng nào gửi sang cho con trang trải học hành, bản thân con chị cũng không thể làm thêm gì để kiếm đủ tiền ăn học ở Anh. Chị đã đến gặp gia đình anh Hà nói về hoàn cảnh và khóc lóc van xin vay 1,7 tỉ đồng để con học nốt, lấy được bằng đại học, nếu không con sẽ bị đuổi học giữa chừng. Vì mối quan hệ bạn bè thân thiết, biết rõ hoàn cảnh bao năm, lúc đó chị bạn anh nói vẫn còn một mảnh đất chờ bán, nhưng vì chưa bán được nên vay cho học nốt ở Anh. Được biết năm 2016 cô con gái chị ta đã tốt nghiệp, về nước, làm việc tại TP. HCM nhưng kể từ đó đến nay, số tiền nợ của bà mẹ vay cho con du học Anh đó vẫn nằm im, anh Hà không được trả một đồng nào, dù rất nhiều lần nỗ lực đòi nợ.
Với những niềm tin ngây thơ qua lăng kính “trẻ trâu”, qua nhiều lần dự hội thảo du học và được sự tư vấn nhiệt tình về mọi mặt du học của một số nhân viên các công ty du học, nhiều con vẫn hiểu lầm khi nghĩ rằng chỉ cần biết tiếng Anh, xin được một phần học bổng, rồi cứ đi đã, sang Mỹ, sang Anh rồi tính tiếp, đi làm thêm sẽ có tiền. Bạn Hoàng Anh, một học sinh giỏi một trường chuyên ở Hà Nội là một trường hợp như thế và đã phải về nước vì nhiều hệ lụy sau những ngày tháng du học bất thành.
Sự thật không đơn giản như thế, xin việc làm ở Mỹ, Anh không dễ và cũng chỉ đủ trang trải một phần sinh hoạt phí đắt đỏ ở nước sở tại. Không hiếm trường hợp gia đình điều kiện kinh tế eo hẹp, “tính cua trong lỗ” cho con du học, sau đó phải bán hết nhà cửa, “đâm lao phải theo lao” vì sự học của con. Điều quan trọng, là người sinh ra con, bạn hơn ai hết là người hiểu được khả năng, tố chất và tính cách con mình, bạn phải hình dung được độ thích nghi của con đến đâu để lường được một phần “kịch bản du học” của con nơi xứ người. Những câu chuyện thường ngày với con buộc bạn phải dập tắt những giấc mơ quá tầm với và cho con hiểu, tất cả không chỉ là một màu hồng. Du học không bao giờ là dễ dàng khi chưa có hiểu biết đúng về bản chất của nó.
Hiện nay, nhiều công ty du học đưa ra các chương trình tư vấn du học từ bậc phổ thông với những chiêu quảng cáo “du học không cần chứng minh tài chính”, du học “nợ đầu vào chứng chỉ tiếng Anh”… khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy có nhiều cơ hội để thực hiện giấc mơ du học.
Thực tế những môi trường du học được học sinh Việt Nam cực kỳ thích như Mỹ, Australia, Canada cho phép du học sinh định cư thông qua bảo lãnh nhân thân hay hôn nhân vợ chồng. Nhưng đây chính là chiêu để một số công ty du học “không có tâm” tìm cách luồn lách và lo suất du học cho nhiều trường hợp muốn du học bằng mọi giá, bất chấp những sai lầm trong quá trình làm hồ sơ khiến một số trường hợp bị từ chối bảo lãnh, mất quyền cư trú hợp pháp.
4. NÓI KHÔNG VỚI DU HỌC KHI NÀO?
Khi chính con và bố mẹ chưa thực sự hiểu về môi trường du học với những điều kiện cẩn và đủ nơi đất khách. Đừng bao giờ đưa ra quyết định cho con đi du học khi bị tác động bởi “ngoại cảnh”, bởi các tấm gương của “con nhà người ta”.
Là bố mẹ, đừng bao giờ cho con đi du học khi kinh tế eo hẹp. Chỉ nghe tư vấn ở đâu đó với một niềm tin mơ hồ là cứ cho con sang Mỹ, sang Anh, Canada rồi để con xoay sở tiếp. Khi mà gia đình không có đủ tiền trang trải sinh hoạt, ăn ở của con thì tốt nhất nên cân nhắc thật kỹ, đặt ra các tình huống tốt và xấu. Hãy lập tức hoãn lại giấc mơ du học, đừng đẩy con vào tình cảnh bơ vơ nơi đất khách khi tài khoản rỗng. Có thể có một số trường hợp trong một bài báo nào đó, trong một cuốn sách nào đó đưa ra một số lời khuyên và bằng chứng hùng hồn rằng nhà nghèo cũng có thể du học thì bạn cứ đọc và tin cũng được. Nhưng để thực hiện được đúng giấc mơ du học khi điều kiện kinh tế eo hẹp là một điều cực kỳ khó và đôi khi là không thể. Vì những nguyên chủ quan và khách quan, nhiều gia đình vì con du học, đã phải bán hết nhà cửa và gặp cảnh khó khăn, túng quẫn chỉ vì những thông tin sai lệch từ khi chọn phương án đi du học. Vì vậy, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ quyết định này.
Bạn thử hình dung thực tế hiện nay, nhiều gia đình ở quê, muốn cho con đi học các trường đại học ở Hà Nội, TP. HCM thì một tháng hiện cũng phải tốn ít nhất từ 4, 5 triệu đến chục triệu đồng để trang trải học phí, ở trọ nhưng có phải sinh viên nào cũng có thể vừa học vừa làm để phụ cùng bố mẹ trang trải học tập chốn thị thành không ? Chuyện làm thêm vì mục đích mưu sinh cực kỳ khó khăn. Dù học trong nước hay du học thì chuyện làm thêm chỉ nên là việc phụ, để kiếm thêm chút tiền trang trải học tập và thêm kinh nghiệm va chạm cuộc sống chứ nếu là mục đích chính thì sẽ không có thời gian để học hành nghiêm chỉnh. Nhiều trường hợp phải bỏ học vì nghỉ học nhiều, kết quả học tập quá kém do đi làm thêm nhiều.
Một vài trường hợp sinh viên nghèo vượt khó thành công nơi xứ người chỉ là số ít những sinh viên rất giỏi, rất có ý chí với học bổng toàn phần 100% bao gồm cả ăn, ở và kiếm được việc làm thêm phù hợp. Và nếu con bạn kể cả đã được học bổng toàn phần nhưng không có quyết tâm và khả năng thích nghi tốt thì cũng không thể trở thành một bản sao thành công như vậy.
Đừng cho con đi du học để có cái mác khi mà ngay ở trong nước, lực học của con bạn bình thường và chưa chắc đã đỗ được các trường đại học bình thường, chứ chưa nói các trường đại học “top đầu” trong nước. Đặc biệt, với những tư vấn của một số công ty du học về chuyện du học “nợ đầu vào chứng chỉ tiếng Anh” thì thật sự phải suy nghĩ thật kỹ. Nếu lực học của con bạn đã không đủ trình độ cạnh tranh sòng phẳng trong nước, không đủ để đạt được chứng chỉ IELTS, SAT... thì đừng mơ sang các nước trình độ con bạn lại bất ngờ được giỏi lên. Học tập là cả một quá trình, không thể bất thình lình mà giỏi ngay được. Rất nhiều người kỳ vọng là đi du học, con bạn gặp môi trường văn minh sẽ bứt phá ngoạn mục. Thực tế là tố chất ra sao thì “đầu ra” sẽ như thế, một khi con bạn đã là một học sinh bình thường trong nước thì khi học ở nước ngoài sẽ khó gặp phép màu nào để biến nhanh thành một cử nhân tài năng. Môi trường học thực lực và cực kỳ cạnh tranh ở các nước có nền giáo dục tiên tiến không bao giờ hô biến không thành có. Nhiều học sinh cực giỏi học chuyên trong nước, giành được học bổng danh giá nhưng để vượt qua các kỳ thi, giữ được học bổng là điều không dễ, huống hồ những bạn học đuối trong nước. Đó là lý do khá nhiều du học sinh về nước đã không qua được vòng phỏng vấn xin việc ở những công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, không đạt kỳ vọng kiếm được mức lương hàng trăm, hàng ngàn đô như mơ và chấp nhận mức thu nhập thấp mà có cả chục năm cũng không “gỡ vốn” đầu tư du học của bố mẹ, cho dù chả bố mẹ nào kỳ vọng vào điều đó đi nữa.
Và bạn đừng cho con đi du học chỉ vì những lời đường mật, những lời hứa của những kẻ trục lợi. Vì khi đối diện với thực tế phũ phàng, chỉ có bạn và con lãnh đủ, những kẻ tư vấn “không có tâm” sẽ “cao chạy xa bay”.
Giấc mơ du học của con bạn, của bạn chỉ thực sự thành hiện thực khi chúng ta đối diện với sự thật và chấp nhận bất cứ cái giá phải trả là như thế nào, khi con cái chúng ta xách va ly và đi. Có rất nhiều nụ cười và nước mắt của hạnh phúc nhưng không ít những nỗi niềm sâu muốn quên đi không được khi giấc mơ bị đánh cắp sau cánh cửa du học. Điều quan trọng là chúng ta cùng con mở cánh cửa đó ra như thế nào để sau này không bao giờ phải nói lời hối tiếc. Từ thời sinh viên tôi đã thích câu: “Love means never having to say you’re sorry” trong bộ phim tình lãng mạn “Love story” của Mỹ. Yêu là không nói lời hối tiếc. Nhưng, dù yêu thích những thiên đường du học lắm đi nữa, chúng ta đều phải suy nghĩ thật kỹ, vì cuộc đời của con, thì không thể yêu và rồi phải nói lời hối tiếc.