Bà ta đưa đứa bé trong lòng cho phụ nhân bên cạnh, nếp nhăn trên khuôn mặt càng thêm sâu khi cười lên.
Nụ cười đó khiến Trần Niệm Nhiên nghĩ ngay đến “bông cúc” đang cố gắng mở ra. Đương nhiên là “bông cúc” già!
Trần Ninh thị lập tức kéo bà già đó sang một bên: “Đúng vậy đúng vậy, đây là tứ nha đầu nhà ta đấy.”
Bà già kia lại nhìn Trần Niệm Nhiên, lén lút véo Trần Ninh thị một cái, hai người nhìn vào mắt nhau.
“Cô con gái này của muội được lắm, ta thấy có thể đến đất kinh thành. Đến kinh thành là số tốt lắm đấy. Ta làm ăn kinh doanh mối lớn, chắc chắn phải chọn người tốt nhất mới được.”
Trần Ninh thị nghe vậy mà mở cờ trong bụng. Kinh thành là nơi mà họ đến nghĩ cũng không dám nghĩ. Nghe nói thiên tử ở ngay trong kinh thành, sau này con gái mà đến được nơi đó, nếu gặp may thì gia đình bà cũng có thể đến mở rộng tầm mắt rồi.
Nhưng điều quan trọng nhất chính là một đổi một, phải trả giá cao nữa.
“Ngoại hình nha đầu của ta không có gì để chê rồi, nhưng có một việc phải nói trước với bà bà. Nha đầu này vừa mới làm ấm giường ra xong...”
Bà bà nghe vậy thì sững sờ, rồi lập tức chuyển sang tức giận. Phải biết rằng nữ tử đã phá thân thì sẽ có giá khác hoàn toàn với nữ tử chưa bị phá. Các quan nhân ở kinh thành chỉ thích nữ tử còn trong sạch. Nếu đưa nữ tử này đến kinh thành dạy dỗ một lượt, sau này sẽ kiếm được bộn tiền.
Tuy tức giận nhưng bà bà cũng đã ưng Trần Niệm Nhiên, bèn lén lút thảo luận giá cả với Trần Ninh thị.
Lúc này Trần Niệm Nhiên thong thả nói: “Mẫu thân, tuổi tác tổ mẫu con đã cao, nữ nhi muốn ở nhà chăm sóc cho tổ mẫu một năm, hết một năm sẽ đi tìm việc làm.”
Cô vừa nói vừa đi về phía hai người, khiến Trần Ninh thị và bà bà có muốn thương lượng giá cả cũng không được.
Hết cách, Trần Ninh thị chỉ có thể cười ngượng rồi tạm biệt bà bà.
“Ta nói này ông Trần, chỉ cần khuê nữ nhà ông đi làm, ta đảm bảo có thể giúp nhà ông kiếm được đến hai mươi lượng bạc.”
Trần Tử Thông vừa nghe nói thế, hai mắt bèn sáng rực lên. Hai mươi lượng bạc là con số lớn đến mức nào chứ?
Hồi bán Trần Niệm Nhiên cho Chu gia cũng chỉ được có mười lượng bạc. Bây giờ tốt rồi, bà bà này vừa mở miệng đã báo hai mươi lượng!
Hai người nhìn nhau, nếu không phải kiêng dè Trần Niệm Nhiên đang ở đây thì e rằng đã bảo bà bà kéo người đi luôn rồi.
Trần Niệm Nhiên lại bình thản nói tiếp một câu: “Cả đời này nữ nhi sẽ không xuất giá đâu, cũng không làm việc cho người có tiền đâu.”
Đôi mắt lạnh lẽo của cô khiến Trần Ninh thị đang định chửi ầm lên lại vô thức nuốt ngược về. Ngay cả Trần Tử Thông cũng thấy toàn thân lạnh ngắt. Ông ta chỉ cảm thấy cô con gái này sau khi ra khỏi Chu phủ như đã hoàn toàn biến thành một người khác.
“Bà bà à, hôm nào sang nhà ta chơi nhé, ta về trước đã.”
Trần Ninh thị vội vàng nói, nghĩ bụng cứ về nhà rồi có thế nào cũng phải ép tứ nha đầu đồng ý chuyện này.
Bà bà kia cũng là người tinh ý, tuy bà ta đang cần dùng người gấp nhưng vẫn hiểu rằng có một số cô nương không thể ép buộc được. Cho dù bây giờ ngươi ép họ đồng ý, nhưng sau đó họ lại nghĩ quẩn rồi tự cứa cổ thì lỗ to.
Bà ta chỉ làm người trung gian, về quê mua những cô nương nghèo khổ rồi bán lại cho các ma ma dạy dỗ trong kinh thành. Nếu thuận lợi thì hoa hồng cũng khá. Nhưng nếu không thuận lợi thì cái giá phải trả khá đắt.
Thế nên khi sắp ra về, bà ta lại kéo Trần Ninh thị sang một bên dặn dò, bắt buộc phải nói chuyện rõ ràng rồi mới nhận, nếu không thì bà ta không dám đưa tiền đâu.
“Mẫu thân, món điểm tâm kia trông ngon quá, con muốn ăn.” Khi đi qua một cửa tiệm, Trần Niệm Nhiên bèn dừng lại.
Trần Ninh thị nhìn sang, chỉ mấy cái bánh đậu xốp thôi mà đã mất tận hai mươi đồng rồi! Bà ta sợ đến mức định nghiêm mặt mắng mỏ con gái ngay tại chỗ, nhưng lại nghĩ đến chuyện cô con gái này có thể đổi được hai mươi lượng bạc.
Cuối cùng, Trần Ninh thị nghiến răng: “Được, khuê nữ nhà ta muốn ăn, ta... mua cho con.”
Khi ra khỏi cửa tiệm đó, chút tiền ít ỏi trên người Trần Ninh thị đã không còn gì. Đổi lại đương nhiên là mấy túi giấy dầu chứa bánh đậu xốp.
Thật ra Trần Niệm Nhiên không ham gì mấy món điểm tâm này, cô chỉ muốn “thịt” của phụ nhân chỉ biết bán con gái này chút tiền mà thôi.
Chỗ đồ ăn đây sao sánh được với điểm tâm ở Chu phủ chứ? Nhưng, có còn hơn không.
Trần Ninh thị bước lên con đường nhỏ dưới quê rồi mới thầm thở phào nhẹ nhõm.
Bà ta lại liếc nhìn tứ nha đầu nhà mình, cảm thấy cô con gái này thực sự đã thay đổi quá nhiều. Bởi vì đã bán con gái đi hơn một năm rồi, thế nên bà ta chỉ nghĩ rằng cuộc sống ở Chu phủ đã khiến con gái thay đổi tính cách, không hề nghĩ đến việc Trần Niệm Nhiên đã bị linh hồn khác chiếm lấy thân xác.
Sắp đến làng, Trần Ninh thị muốn giấu con gái đi cũng khó. Trên đường đi có không ít dân làng quen biết chào hỏi họ, ai cũng dính mắt vào Trần Niệm Nhiên.
“Ô, đây là Tiểu Tứ à, không ngờ mới vào thành làm được hơn một năm mà đã thay đổi nhiều thế này đấy. Chậc chậc, hồi đó ở nhà chỉ nghĩ Tiểu Tứ đáng yêu thôi, bây giờ đã phổng phao rồi, cũng xinh đẹp hơn hẳn. Cứ như người trong tranh ấy nhỉ, nếu không phải đi cùng với muội tử Trần gia thì ta không dám nhận là quen biết đâu.”
Một phụ nhân sắc mặt hơi đen trông thấy Trần Niệm Nhiên bèn hớn hở nói. Trần Niệm Nhiên cười, cô thực sự không biết những người này tên là gì, thế nên chỉ có thể đồng loạt gọi là “thím”.
Phụ nhân đó nghe vậy thì hơi sững sờ: “Tiểu Tứ à, ta là bá mẫu(*) của cháu đấy.”
(*) Bác gái, tức vợ của bác ruột.
Lời nhắc này khiến Trần Niệm Nhiên toát mồ hôi hột. Thế nhưng bà ấy cũng khá nhiệt tình, thấy cô ngượng nghịu bèn cười ha ha, bước lên nắm lấy tay cô: “Đi nào, sang nhà bá mẫu nói chuyện một lát, tiện thể đi thăm tổ mẫu cháu luôn.”
Trần Niệm Nhiên nhớ ra rồi, hóa ra đây chính là bá mẫu vẫn còn chút tình người với cô mà Phượng nha đầu có nhắc đến!
Nghe nói cả nhà họ Trần cũng chỉ có nhà đại bá là khá ổn.
Cho dù tổ mẫu đối xử rất tốt với cô, nhưng tổ mẫu vừa yếu đuối lại nhiều bệnh, ngày trước sống với Trần Tử Thông, không biết tại sao mà lần này lại ở nhà đại bá. Xem ra trong một năm cô đi đã xảy ra không ít chuyện.
Nếu bác gái đã tốt với mình, vậy thì phải nắm chắc lấy tấm bài này. Thế là Trần Niệm Nhiên vừa cười vừa đáp lời, cùng Trần Quan thị đi về nhà.
Trần Ninh thị thấy vậy liền vội vàng lên tiếng ngăn cản ngay: “Tứ nha đầu à, khó khăn lắm con mới được về nhà, các đệ đệ muội muội đang mong con lắm đấy. Để hôm khác sang nhà đại bá đi.”
Trần Quan thị nghe vậy thì không vui, chống hông hừ một tiếng: “Ta nói này, mấy đứa nhỏ nhà muội có nhớ tứ nha đầu đến mấy thì cũng không thể sánh được với đại bá đã gần hai năm không gặp đây. Hôm nay không nghe muội được đâu, tứ nha đầu về nhà ta, tiện thể thăm cả tổ mẫu luôn.”
Tổ mẫu bị bệnh, cháu gái lâu ngày mới về nhà, sang thăm bà cụ cũng không có gì đáng nói cả. Thế nên cho dù không vui, Trần Ninh thị cũng khó lòng ngăn cản được.
Cứ như vậy, Trần Niệm Nhiên được đại bá nhiệt tình kéo về nhà tổ mẫu.
Tính ra thì vị bá mẫu này cũng hiếm khi ở nhà, tổ mẫu Trần gia cũng mới được bà đón về bên này chăm sóc.
Những gì Trần Niệm Nhiên biết được là đại bá và bá mẫu chăm chỉ cần cù, mấy năm trước vẫn ở nơi khác làm thuê cho người ta. Sau này đại bá lựa đồ buôn bán ở bên ngoài, dần dần cũng tích cóp được ít tiền, bèn thuê một cửa tiệm trong thành để buôn bán nhỏ.
Khi Trần Niệm Nhiên đi, cửa tiệm của nhà đại bá mới vừa khai trương.
Đại bá cũng từng đến đón tổ mẫu mấy lần, muốn đưa bà cụ vào trong thành. Nhưng khi ấy tổ mẫu vẫn nhớ lời dặn của tổ phụ trước khi đi: Ông muốn bà nghe theo sự sắp xếp của con trai út sau khi mình qua đời.
Có câu tại gia tòng phu, phu tử tòng tử. Đạo làm thê tử, quan trọng nhất chính là phải nghe lời nam đinh trong nhà. Còn tổ mẫu lại vừa hay là người rất tròn bổn phận.
Ông cụ dặn dò như thế nào, bà đều làm theo như thế. Cho dù phải ăn canh rau dại ở nhà con trai út, bà vẫn ngoan ngoãn theo.
Lần này được đại bá đưa đi, Trần Niệm Nhiên không thể biết được đã xảy ra chuyện gì.
Trần Quan thị dắt tay cô, chuyện trò liên tục suốt cả quãng đường, toàn hỏi về những chuyện cô gặp ở Chu phủ.
Chu phủ là gia tộc lớn trong kinh thành, người làm ăn nhỏ như Trần Quan thị mới chỉ nghe nói đến sự giàu sang của người ta, chứ chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến.
Trần Niệm Nhiên cũng chỉ lựa những chuyện thú vị để kể, hai người vui vẻ về đến nhà.
Vừa vào cửa, bá mẫu đã đưa cô đến sương phòng bên trái: “Mẫu thân, tứ nha đầu mà mẫu thân nhắc mãi đã về rồi này.”
Bà quay người lại rồi vội vàng đẩy Trần Niệm Nhiên ra phía trước: “Đi, đi kìa, tổ mẫu cháu cứ lo lắng cho cháu mãi, nghe bảo cháu bị bán đi rồi còn giận đến mức đòi ta đón tổ mẫu đi đấy.”
Trần Niệm Nhiên sững sờ, cô không ngờ được rằng tổ mẫu của cô muốn rời khỏi nhà đứa con trai út là vì cô bị bán đi. Nhưng sao lại phải kéo dài cả một năm trời hơn chứ, chắc cũng là vì nhà con trai út đã làm gì đó nên mãi mới đón được.
Ban đầu người nằm trên giường còn khép hờ mắt, tựa vào mép giường, vừa nghe Trần Niệm Nhiên về, bà cụ đột nhiên mở mắt.
Bà cụ nhìn chăm chăm vào Trần Niệm Nhiên rồi run run giơ tay ra, gọi một tiếng: “Tứ nha đầu mệnh khổ của ta...”
Nghe tiếng gọi tràn đầy tình yêu thương ruột thịt này, Trần Niệm Nhiên thấy lòng mình chua xót. Ngày trước bị người ta ức hiếp, bị người ta nói ra nói vào, cô đều chỉ cười rồi cho qua.
Nhưng khoảnh khắc này, được lão thái thái gọi như thế, trái tim cô mềm nhũn cả đi.
Nước mắt trào ra không kiềm chế được, cô loạng choạng vài bước rồi lao vào lòng lão thái thái, ôm lấy cổ bà, nghẹn ngào thành tiếng: “Tổ mẫu...”
Bà cụ run rẩy ôm chặt lấy cô, người bệnh vốn đã không có sức lực gì, nhưng lúc này bà lại ôm cô như chỉ hận không thể siết chặt cô vào trong xương máu mình.
“Tứ nha đầu mệnh khổ của ta, đều tại tổ mẫu mãi mới nghe nói đến chuyện của hai đứa nghiệp chướng kia. Đến khi ta đuổi đến nơi thì nó đã bán cháu đi mất rồi. Tổ mẫu vô dụng, một nha đầu đang yên đang lành thế này lại bị chúng nó giày đạp.”