Toàn bộ các hoạt động chiến đấu ở miền Nam từ đêm giao thừa Tết Mậu Thân kéo dài cho tới hết năm 1968 (trên 300 ngày). Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tại Việt Nam buộc Mỹ phải chuyển chiến lược quân sự, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, góp phần mang đến Đại thắng mùa Xuân 1975. Đây là một sự kiện quan trọng đã đi vào lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ ngoan cố leo thang chiến tranh, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời tiến hành “chiến tranh phá hoại” đối với miền Bắc, hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Đế quốc Mỹ đã huy động bộ máy chiến tranh khổng lồ với các lực lượng hải, lục, không quân được trang bị tối tân nhất để chống lại nhân dân ta với ý đồ chiến lược hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở miền Nam, phá hoại và xâm lấn miền Bắc, đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á.
Toàn bộ các hoạt động chiến đấu ở miền Nam từ đêm giao thừa Tết Mậu Thân kéo dài cho tới hết năm 1968 (trên 300 ngày) trong đó có 3 đợt tấn công cao trào: Đợt 1: từ 30/1 đến 28/3; Đợt 2: từ 5/5 đến 15/6; Đợt 3: từ 17/8 đến 30/9/1968. Sau 3 đợt tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 quân đối phương, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp, phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu, tiêu diệt và bức hàng, bức rút 15.000 đồn bót, chi khu, phá 1.200 ấp chiến lược.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã bất ngờ đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn, Huế, các căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy, các thành phố, thị xã, đồng thời đánh địch khắp các vùng nông thôn bị tạm chiếm; tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực và phá hủy một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch với đội quân lúc đó lên tới trên một triệu hai mươi vạn quân Mỹ, ngụy và chư hầu, được trang bị vũ khí hiện đại. Trong đó, có những trận gây tiếng vang mạnh mẽ trong nước và trên thế giới, như trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế… Phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với các cuộc tiến công vào đô thị của các lực lượng vũ trang, nhân dân Nam Bộ đã nổi dậy, phá rã phần lớn bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành quyền làm chủ ở nhiều vùng, mở rộng và củng cố vùng giải phóng.
Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy bao gồm lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và quần chúng yêu nước ở miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng với trên 270.000 quân. Các lực lượng vũ trang tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy rất đa dạng, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, biệt động thành, an ninh miền Nam đến tự vệ cơ quan, du kích địa phương… Những người đã từng trực tiếp trải qua những ngày tháng mưa bom bão lửa của Xuân Mậu Thân 1968 không thể nào quên hình ảnh nhân dân chào đón đón bộ đội như những người thân đi xa lâu ngày trở về. Sau những giờ phút ngỡ ngàng ban đầu, khi nhìn thấy sự xuất hiện ngày càng đông của các chiến sĩ giải phóng quân đi lại, đứng gác dọc đường phố với tư thế nghiêm trang, tự nhiên, cầm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu của người chiến thắng, quần chúng nhân dân đã đứng về phía cách mạng. Sự gắn bó giữa quân và dân ngày càng chặt chẽ, gần gũi, thuận lợi hơn, tăng thêm sức mạnh mới - sức mạnh của sự nổi dậy làm chủ, kiểm soát, bảo vệ thành quả chung, từ sự kết hợp chặt chẽ tấn công quân sự và sự đồng loạt nổi dậy của quần chúng nhân dân. Học sinh, sinh viên viết các khẩu hiệu hoan nghênh quân giải phóng, đả kích đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tuyên truyền bọn nguỵ quân, nguỵ quyền ra đầu hàng, tham gia giữ gìn trật tự, trị an địa phương.
Trong các đợt Tổng tiến công và nổi dậy, hàng vạn quần chúng yêu nước, đủ các tầng lớp ở đô thị và ven đô đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đấu tranh chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm… góp phần vào thắng lợi chung. Mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng, trong đó phải kể đến chiến công của lực lượng mũi nhọn biệt động tại các đô thị, nhất là Sài Gòn, đã gây bất ngờ, choáng váng và nhiều thiệt hại cho địch.
Đã 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, những chiến công và những trận đánh vang dội ở nội đô Sài Gòn vẫn in đậm trong ký ức mỗi người về một thời “hoa lửa,” đặc biệt là những “con người của lịch sử". Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, Đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn), nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Phân khu Biệt động Sài Gòn-Gia Định, vẫn minh mẫn khi kể về những ký ức hào hùng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa. Nhớ tới những đồng đội của mình, ông Bảy Sơn xúc động: “Hôm đó là chiều 29 Tết, tôi vào nội thành kiểm tra các mục tiêu, trong đó có mục tiêu Tòa Đại sứ Mỹ. Sau khi đi trinh sát mục tiêu về, tôi đã gặp các anh em biệt động và ăn Tết với họ rất vui vẻ. Lúc đó, tôi hỏi anh em có điều gì lo lắng không? Anh em rất bình tĩnh, thoải mái lại còn vui vẻ. Một người còn nói rằng chú Bảy yên tâm, nuôi quân ba năm sử dụng một giờ, chúng tôi sẵn sàng hy sinh, sống mái với quân thù trong trận chiến này. Cuộc tấn công vào Tòa Đại sứ Mỹ kéo dài đến sáng mùng 2 Tết thì tất cả các anh em đã hy sinh, chỉ còn Ba Đen bị thương nặng và bị địch bắt. Vị đại tá cho biết: “Các chiến sĩ cảm tử đã tấn công chiếm được mục tiêu, giữ vững trận địa tới giây phút cuối cùng. Trận tấn công oanh liệt này, đã tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện của cả chiến dịch."
Cùng với thắng lợi trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và tại mặt trận Đường 9-Khe Sanh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giành thắng lợi to lớn chỉ sau ba năm, kể từ khi địch chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, trong bối cảnh địch đã leo thang đến mức cao nhất, tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường; xuống thang chiến tranh, chuyển hướng sang “ phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” chiến tranh, bắt đầu rút quân về nước; chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, một bộ phận lớn sinh lực của địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, một khối lượng lớn vật chất phục vụ cho chiến tranh của địch bị thiệt hại. Song điều quan trọng hơn cả là Mỹ bị hạ uy thế lớn cả về quân sự và chính trị. Lực lượng cách mạng đã giáng một đòn quyết liệt vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị trí và ảnh hưởng của chính quyền và quân đội Sài Gòn ở cả thành thị và nông thôn, một đòn đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ, khiến giới lãnh đạo cao cấp Mỹ phải bàng hoàng sửng sốt.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này đánh dấu một bước phát triển mới về nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, kết hợp tốt ba mũi giáp công là vũ trang, chính trị, binh vận, giữa tiến công và nổi dậy - nổi dậy và tiến công giành quyền làm chủ của nhân dân, hướng chính là mở mặt trận tiến công và vây ép địch ở thành thị, chủ yếu là các thành phố lớn, đồng thời diệt ác phá kìm, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở và làm tan rã hàng ngũ của địch. Đây là phương châm chiến lược xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng, đã được phát huy nhuần nhuyễn, toàn diện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân cũng như đến Đại thắng mùa Xuân 1975, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dù đã trôi qua 55 năm, nhưng cho đến bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu quân sự, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ vẫn cố tìm hiểu bằng cách gì mà ta triển khai lực lượng trên diện rộng toàn miền Nam, bằng cách gì mà ta đồng loạt nổ súng tiến công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà ta giữ được tuyệt đối bí mật? Trong đó, biết bao nhiêu công tác phải triển khai, bao nhiêu việc phải chuẩn bị. Điều này nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng ta và ý thức trách nhiệm rất cao, sự thống nhất ý chí, sự nghiêm minh của kỷ luật chiến trường đã quyện trong ý thức tự giác, lòng trung thành và phẩm chất mẫu mực của đội ngũ Bí thư tỉnh ủy, những người đứng đầu và đại diện cho sự lãnh đạo của Đảng tại các địa phương, và toàn thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang ba thứ quân. Ngay sự thống nhất ý chí và hành động đã tạo nên sức mạnh tiến công đối với quân thù.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận định thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam; đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ… Cùng với đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, phát huy sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi quân và dân ta phải tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển đất nước.
Những bài học từ hạn chế của cuộc tổng tiến công và nổi dậy như: bài học về đánh giá khả năng và sức mạnh của kẻ thù; về đề ra mục tiêu cho cuộc tổng tiến công; về phương thức tiến công và sử dụng lực lượng; về buông lỏng địa bàn nông thôn; về giữ gìn lực lượng, hạn chế tổn thất… đã giúp Đảng nhận thức thấu đáo hơn về thực tế chiến trường, tương quan lực lượng và đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến giai đoạn sau Mậu Thân. Mặt khác, lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là mẫu số chung của người Việt Nam, là sức mạnh của dân tộc cần được phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.
Giờ đây, những nhân chứng lịch sử trong trận tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân thật là hiếm hoi. Tất cả đều ở tuổi hơn thất thập cổ lai hy. Vậy nhưng những ký ức về những năm tháng chiến đấu hào hùng ấy dường như không hề bị phai mờ bởi thời gian và sẽ còn sống mãi trong tâm thức của những người chiến sĩ năm xưa, đồng thời cũng sẽ được trân trọng, gìn giữ bởi những thế hệ tiếp nối. Những giá trị lịch sử và bài học được đúc rút bằng xương bằng máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn phải được thường xuyên ghi nhớ. Những trận đánh lẫy lừng trong Mậu Thân và những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã góp phần làm nên một tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.