Tôi được gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh lần đầu tiên vào cuối năm 1945, khi tôi là đại biểu Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh vào Huế dự Đại hội đại biểu Phụ nữ Cứu quốc Trung Bộ. Hình ảnh người Bí thư Khu ủy Việt Minh nước da ngăm đen, tiếng nói chắc nịch, giản dị và ân cần đã ghi sâu trong ký ức tôi...
QĐND - Tôi được gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh lần đầu tiên vào cuối năm 1945, khi tôi là đại biểu Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh vào Huế dự Đại hội đại biểu Phụ nữ Cứu quốc Trung Bộ. Hình ảnh người Bí thư Khu ủy Việt Minh nước da ngăm đen, tiếng nói chắc nịch, giản dị và ân cần đã ghi sâu trong ký ức tôi. Bốn năm sau khi tôi về sinh cháu đầu lòng ở vùng tự do Đức Thọ (Hà Tĩnh), gặp chị Nguyễn Thị Cúc, vợ anh Thanh, một cán bộ phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu mà kiên nghị. Chị ở Bình-Trị-Thiên ra. Cháu trai đầu lòng của anh Thanh và chị Cúc được đặt tên là Trường Sơn, đã mất trong thời kỳ chiến tranh ác liệt ở Bình- Trị-Thiên.
Trước Chiến dịch Biên Giới (1950) anh Thanh được cử vào quân đội cùng với anh Lê Quang Đạo (chồng tôi) và một số cán bộ khác. Anh Thanh được chỉ định làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Lê Quang Đạo là Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Hai anh sống trên hai quả đồi gần nhau, dưới những tán lá cọ và cây cao, cùng đi chiến dịch, cùng bàn bạc công việc. Anh Đạo rất quý mến anh Thanh. Anh thường kể cho tôi nghe về những công lao lớn của anh Thanh trong việc xây dựng Đảng, công tác chính trị trong quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng ra đồng cấy lúa với bà con xã viên HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh, tháng 1-1962. Ảnh tư liệu.
Giữa năm 1962, tôi được cử đi học Trường Đảng Liên Xô 3 năm. Tôi còn nhớ, hôm đến chào chia tay, anh Thanh cười bảo tôi: “Cô đi học, tôi ở nhà rồi xem ai tiến bộ hơn ai nhé!”. Năm 1964, tôi về nước mới biết anh Thanh đã được Bộ Chính trị và Bác Hồ cử vào miền Nam đánh Mỹ. Cùng đi với anh còn có anh Lê Trọng Tấn và một số cán bộ khác. Sau này, được đọc những bài báo nảy lửa ký tên Trường Sơn, Bến Tre, tôi có hỏi anh Đạo tác giả là ai, bài viết hay thế, văn phong độc đáo. Anh Đạo bảo, anh Nguyễn Chí Thanh viết đấy.
Nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, không chỉ nhớ đến vị Đại tướng đánh giặc ngoại xâm tài giỏi mà còn là nhớ đến người “Đại tướng nông dân” với phong trào Lá cờ Đại Phong.
Đầu năm 1960, mặt trận nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử làm Trưởng ban Nông nghiệp. Anh luôn xông xáo đi sâu vào thực tiễn, phát hiện cái mới trong phong trào quần chúng để nhân rộng và phát triển trên cả nước. Những lá cờ điển hình, làm theo hợp tác xã Đại Phong của Quảng Bình đã trở thành lá cờ thi đua rầm rộ. Anh thường đến các hợp tác xã nghiên cứu, tìm hiểu… Những chuyến đi như thế, anh thường quan tâm tạo điều kiện cho các nhà báo đi theo.
Thời kỳ này, tôi đang công tác ở Báo Phụ nữ Việt Nam. Tôi may mắn được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gọi cho đi cùng đoàn đến tỉnh Thanh Hóa. Lần ấy, ngoài anh Thanh còn có Giáo sư Trần Văn Hà, đồng chí Lê Quang Tuấn (ở Tỉnh ủy Hà Bắc). Hồi đó đường đi rất xóc, ngồi ô tô suốt cả ngày, tôi và hai đồng chí cùng đi đều thấy mệt. Vậy mà ngay sớm hôm sau, tôi đã thấy anh Thanh xắn quần, lội xuống ruộng bùn cùng với nông dân, quan sát cung cách làm ăn của hợp tác xã, thăm hỏi tìm hiểu tình hình từng gia đình. Đến hợp tác xã nào, anh cũng hỏi: “Giá trị ngày công ở đây là bao nhiêu?”. Câu hỏi bắt đúng mạch, nên những câu trả lời của bà con rất sát với thực tế những điều đồng chí cần biết.
Tại nhiều địa phương, hồi bấy giờ chủ trương “vắng chợ đông đồng” thì đồng chí chủ trương “chợ nông thôn cần phải có, đó là thực tế khách quan kinh tế của ta”. Thời kỳ này, nông dân khi vào hợp tác xã sẽ được giữ lại 3% đất ruộng để làm riêng. Có dư luận cho rằng phần đất 3% này đã thu hút nhiều công sức và phân gio của xã viên, làm cho xã viên tập trung chú ý chăm lo phần ruộng riêng của mình hơn công việc hợp tác xã. Tôi còn nhớ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tìm hiểu kỹ và biết được hơn 50% thu nhập của các gia đình là từ mảnh đất 3% này. Thu nhập từ hợp tác xã bằng việc tính công điểm chỉ được từ 30% đến 40%. Nét mặt anh trở nên đăm chiêu, đôi lông mày nhíu lại. Theo anh, kinh tế hợp tác xã và kinh tế gia đình có quan hệ mật thiết với nhau, chi phối tương tác nhau cùng phát triển theo một tỷ lệ hợp lý: “Kinh tế phụ gia đình có tác dụng hỗ trợ”.
Sau chuyến đi này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề nghị Bộ Chính trị tăng lên 5% đất dành cho mỗi hộ dân khi vào hợp tác xã. Quyết định này đã tạo cho đời sống của bà con nông dân no ấm hơn…
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất đột ngột lúc đang còn sung sức. Vị lãnh đạo kiệt xuất với cái tên thân mật-anh Thao, anh Sáu Di, người dù ở cương vị nào cũng luôn táo bạo, sáng tạo làm nên những cống hiến rất tầm cỡ cho nhân dân, cho đất nước mất đi để lại bao tiếc thương cho đồng bào, đồng chí.
Nhà văn NGUYỆT TÚ
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 10/12/2013)