C
ó khi nào bạn bị cuốn hút bởi những viễn cảnh hấp dẫn trong tương lai mà quên đi thực tại? Có khi nào bạn nghĩ đến con số chi phí cần thiết để đạt đến viễn cảnh tốt đẹp đó? Nếu thiếu cẩn trọng, việc chi tiêu sẽ nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát, và khi doanh thu không đủ bù đắp, chắc chắn công ty của bạn sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.
Dù bạn có tầm nhìn tương lai lớn đến đâu, bạn vẫn phải nhìn nhận hiện tại để duy trì công ty nhằm tiến đến mục tiêu đó. Thương trường đã chứng kiến rất nhiều cái chết của các công ty vẽ vời tương lai rạng rỡ nhưng không trụ vững được lâu để nhìn thấy giấc mơ của họ trở thành hiện thực. Khi chỉ biết chăm chăm nhìn về chân trời xa xôi mà không để ý đến con đường trước mặt, bạn dễ vấp ngã.
Tầm nhìn quyết định thành công
Bất chấp các nhà phân tích liên tục đưa ra những dự báo khả quan khi phần lớn ngành công nghiệp viễn thông đang bận rộn thành lập những công ty hợp nhất hoặc liên minh toàn cầu, thì John LaMacchia - giám đốc điều hành của Cincinnati Bell - vẫn cho rằng nền công nghiệp điện thoại sẽ tăng trưởng rất chậm và bị cạnh tranh gay gắt. Theo đó là sự đi xuống của điện thoại truyền thống, vốn đang là nguồn thu nhập chính của công ty. John nhanh chóng thành lập hai bộ phận mới: Cincinnati Bell Information Services (CBIS) - cung ứng dịch vụ làm hóa đơn cho các công ty truyền tải không dây, và Matrixx - cung ứng nhân viên kỹ thuật cho các hệ thống hỗ trợ khách hàng qua điện thoại đường dài miễn phí.
CBIS và Matrixx sau đó được hợp nhất thành Convergys rồi tách ra hoạt động riêng vào năm 1998. Convergys đã trở thành công ty hàng đầu trong dịch vụ làm hóa đơn và những dịch vụ phụ trội khác cho các công ty viễn thông, truyền hình cáp và băng thông rộng, với doanh số trên 2,3 tỉ USD.
Sau khi chuyển qua một hướng đi hoàn toàn mới, John đã tạo cơ hội vững chắc cho các nhà đầu tư và giúp tài chính của công ty được ổn định và vững mạnh.
Kế hoạch lớn và chi tiêu táo bạo, nhưng không có khách hàng
Trước khi quyết định mua 1-800-FLOWERS - một thương hiệu mới nổi ở thành phố Dallas, Jim McCann đã tiến hành kiểm tra hệ thống làm việc ở đó. Ông thật sự bất ngờ trước cách quản lý và chi tiêu thái quá của các nhân viên điều hành.
Nhóm quản lý đầu tiên của 1-800-FLOWERS đã huy động được 20 triệu USD qua cổ phiếu và 15 triệu USD qua tiền vay, với hy vọng sẽ tạo nên thanh thế trong lĩnh vực kinh doanh hoa tươi. Họ trang bị thiết bị cho một trung tâm giao dịch từ xa hiện đại với những tổng đài điện thoại trị giá cả triệu đô la và những máy vi tính có cấu hình mạnh nhất. Họ mua 700 ô làm việc làm bằng gỗ xà cừ, tuyển dụng 120 nhân viên quản lý và 2 tiến sĩ phụ trách huấn luyện đào tạo trước khi tuyển dụng nhân viên. Họ cũng chi hàng triệu đô la để thuê một công ty quảng cáo nổi tiếng nhằm thực hiện chiến dịch quảng bá giới thiệu 1-800-FLOWERS. Họ cũng đã ký thỏa thuận với 6.800 cửa hàng bán hoa tươi khắp nước Mỹ để làm đầu mối cung ứng hoa.
Điều duy nhất mà 1-800-FLOWERS không có chính là khách hàng. Chỉ riêng việc trả lãi suất cho số tiền vay 15 triệu USD đã đủ gây khó khăn cho công ty. Một thời gian ngắn sau, mô hình kinh doanh theo kiểu này đã không thể kham nổi những khoản chi mạnh tay. Thậm chí, khi công ty đang gặp khó khăn, người của 1-800-FLOWERS đến thương lượng với ông vẫn duy trì phong cách xa xỉ ấy: "Dù đang gây thua lỗ trầm trọng, nhưng mấy anh chàng của 1-800-FLOWERS vẫn đi xe hơi đắt tiền đến đón tôi và mời tôi đi ăn tối ở nhà hàng sang trọng nhất trong thành phố", Jim nhớ lại. Trong khi đó, mặc dù là một doanh nhân thành công với 14 cửa hàng hoa tươi ở New York, cách sống của Jim vẫn không thay đổi; ông vẫn ngồi ghế máy bay hạng thường, thuê xe rẻ tiền, và ở trong những khách sạn bình dân.
Sau khi mua 1-800-FLOWERS, Jim tiến hành bán ngay thiết bị giao dịch đường dài vì quá tốn kém và thực hiện nhiều thay đổi triệt để. Dù công việc bận rộn đến mức nào, ông vẫn luôn quản lý chặt chẽ dòng tiền và theo dõi sát sao các báo cáo tổng hợp tài chính. Với cách làm việc nghiêm túc của ông, 1-800-FLOWERS dần vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh hoa tươi và đem lại cho ông doanh thu hơn 500 triệu USD mỗi năm.
Không dao động tầm nhìn
Không lâu sau khi Google được chính thức thành lập giữa cao trào của Internet, Cindy McCaffrey, cựu nhân viên của Apple, là giám đốc tiếp thị cho Google đã thuê một nhà tư vấn về việc xây dựng thương hiệu cho mình. Nhà tư vấn này đã khuyên nên chi 10 triệu USD cho một chiến dịch quảng bá thương hiệu, kể cả đăng nguyên trang quảng cáo trên tờ Wall Street Journal.
Cindy McCaffrey lập tức liên hệ với các công ty quảng cáo nhưng không ai mảy may quan tâm, dù với viễn cảnh có được hợp đồng trị giá 10 triệu USD. Bà trình bày nỗi chán nản đó với Larry và Sergey, và vô cùng ngạc nhiên trước phản ứng của hai người. Họ chất vấn bà tính hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Tại sao phải chi nhiều tiền như thế cho quảng cáo? Tại sao không đầu tư vào công nghệ? Tại sao không cho cả thế giới biết về Google bằng cách tạo ra một sản phẩm vượt trội.
Những mong muốn của Larry và Sergey đã trở thành sự thật khi số truy cập trên trang web Google ngày càng tăng dù không có bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào. Họ đến với Google qua những lời truyền miệng. Với một giao diện đơn giản, không có quảng cáo, không có cổng tiếp nối, Google là một công cụ tra cứu tiện lợi với tốc độ phi thường. Bằng cách kiểm soát chi phí, họ đã khiến cho đối thủ phải ganh tỵ khi quả bong bóng Internet nổ tung và công nghệ mạng sụp đổ. Khi các công ty Internet khác bị cháy túi, Google vẫn còn tiền trong tài khoản ngân hàng, với một công nghệ vững chắc, và một tầm nhìn không bao giờ dao động.
Chậm mà chắc
Khi Bob Johnson còn làm Phó Chủ tịch của National Cable TV Association, ông nhận thấy chưa có kênh truyền hình cáp dành riêng cho người Mỹ gốc Phi. Thông qua những mối quan hệ trong công việc, ông quen được John Malone, giám đốc điều hành của công ty truyền hình cáp lớn nhất nước Mỹ, Tele-Communications, Inc. (TCI). Bob đến gặp John với một kế hoạch kinh doanh và trở về với 500 ngàn đôla để thành lập kênh truyền hình đầu tiên dành cho người Mỹ gốc Phi. Khi đó ông 33 tuổi.
Ngoài việc bỏ tiền riêng để đầu tư cho Black Entertainment Television (BET), John còn đặt cả danh tiếng của mình với thương vụ này. John Malone là thành viên trong Hội đồng Quản trị và giúp vận động khán giả đăng ký qua TCI. Bob kể: "Thật may mắn khi có một nhà đầu tư lớn trong cùng ngành nghề đồng ý liên minh với tôi. Mỗi người thành đạt đều có một hoặc nhiều cố vấn. Với tôi, đó là John Malone". Vì chưa có kinh nghiệm làm kinh doanh, nên Bob tham vấn John Malone, và nhận được lời khuyên: "Hãy tăng doanh thu và hạ thấp chi phí".
Theo lời của Bob: "BET thực sự là một phiên bản của những gì John Johnson đã làm với tạp chí Ebony. BET là một tạp chí phim ảnh. Hướng đến người Mỹ gốc Phi không phải là ý tưởng mới mẻ - nhiều tờ báo vẫn thường làm việc này - nhưng công việc tôi đang làm phản ảnh công nghệ của thời đại với vệ tinh và đường cáp".
Một năm sau khi Bob đầu tư vào BET, kênh này bắt đầu phát hình hai giờ mỗi tối thứ Sáu và thứ Bảy. Nhiều người chỉ trích việc ông cho phát lại nhiều chương trình, nhưng nếu xét đến số tiền cả hàng triệu đô la mà các phim trường bỏ ra để giúp khán giả giải trí, Bob biết ông phá sản nhanh chóng nếu chỉ phát toàn những chương trình mới. "Tôi giữ chi phí hạ bằng cách cho phát lại các tập phim ăn khách đối với người da đen và chương trình ca nhạc do các nghệ sĩ da đen biểu diễn".
Bob quyết tâm theo đuổi một phương thức cẩn trọng và thực dụng khi điều hành, cân đối thu chi. Khi thấy không ai làm phim về giới trung lưu Mỹ gốc Phi, Bob quyết định sẽ thực hiện từng bước để làm được điều đó. Đầu tiên, ông mua Arabesque, nhà xuất bản các tiểu thuyết tình cảm về người da đen, để xuất bản thành sách. Ngoài việc cung cấp cho khách hàng thông tin và nhu cầu giải trí qua loại hình nghe nhìn, giờ đây ông còn cung cấp thêm loại hình đọc. Doanh thu ngày một tăng trưởng. Bob kiên nhẫn chờ đến khi BET có đủ năng lực tài chính mới thành lập hãng phim.
Phương cách bảo thủ về chi tiêu đã đem lại hiệu quả cao, và BET tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng hai thập niên kế tiếp với ba kênh phát hình 24 giờ, hai kênh truyền thanh vệ tinh, nhà xuất bản Arabesque và hãng phim BET Pictures II, cung ứng dịch vụ cho 62 triệu gia đình. Khi Viacom mua lại BET năm 2001 với giá 2,5 tỉ USD, giá trị cổ phiếu của Bob trong Viacom lên đến 1,5 tỉ USD.
Bob nói: "Vài người nói tôi làm kinh doanh theo kiểu rẻ tiền, nhưng có quá nhiều cuộc kinh doanh bị khốn đốn vì họ không biết giữ chi phí ở mức tương xứng với doanh thu".
Phải biết kiên trì
Hãng phim Pixar trở nên nổi tiếng với những phim ăn khách như Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) và Finding Nemo (Đi tìm Nemo). Thực ra, thành công không đến với Pixar trong một sớm một chiều. Pixar đã phải trải qua nhiều khó khăn suốt một thập niên đến nỗi họ phải tạm thời hoãn lại việc thực hiện giấc mơ và tìm phương cách khác để giữ cho công ty trụ vững.
Pixar được thành lập vào năm 1986, khi Steve Jobs mua bộ phận hoạt hình điện toán từ hãng phim của George Lucas với giá 10 triệu USD. Công ty bắt đầu hoạt động độc lập với mục đích làm phim hoạt hình và đã sản xuất được một số phim ngắn đoạt giải. Tuy vậy, chi phí cao của thiết bị điện toán hiện đại và lịch sản xuất chậm chạp khiến công ty không có lợi nhuận.
Nhiều công cụ cần thiết để làm phim không có sẵn trên thị trường nên Pixar phải tự sáng chế. Phương thức này có ý nghĩa phát minh lớn nhưng lại không thực tế nếu muốn tạo doanh thu và trụ vững. Sau này, Steve thừa nhận rằng nếu lường trước được phải tiêu tốn nhiều chi phí để duy trì công ty, có lẽ ông sẽ không bao giờ mua nó. Ông nói: "Khó khăn chính là chi phí cho thiết bị điện toán cần thiết để sản xuất một bộ phim hoạt hình lên quá cao trong nhiều năm qua".
Vì công ty có thể tự sản xuất nhiều công cụ làm hoạt hình, nên Pixar đã thu hồi vốn qua việc bán phần mềm hoạt hình Renderman, và tạo ra một công nghệ để giúp Disney quản lý quá trình làm hoạt hình và cải thiện hiệu ứng đặc biệt. Kinh doanh phần mềm giúp Pixar vượt qua cơn nguy khó, nhưng vẫn không đủ để bù đắp chi phí.
Để sống qua ngày, Pixar sản xuất phim quảng cáo hoạt hình cho nhiều công ty khác nhau. Ngoài việc có thu nhập, các phim hoạt hình này còn giúp Pixar cải thiện công cụ và kỹ thuật hoạt hình.
Năm 1991, Pixar hợp tác với Disney để làm một bộ phim hoạt hình dài 1 giờ cho truyền hình. Hai bên thỏa thuận sẽ cùng cộng tác làm ba bộ phim. Bộ phim đầu tiên mất 4 năm mới thực hiện xong, và tuy Disney chịu phân nửa chi phí, Pixar vẫn tiêu tốn khá nhiều tiền. Để tiếp tục trụ vững, Pixar sản xuất thêm 29 phim quảng cáo và tiếp tục cải thiện thiết bị làm hoạt hình.
Khi được trình chiếu vào năm 1995, bộ phim Toy Story lập tức ăn khách. Đó không những là bộ phim đầu tiên trong lịch sử phim ảnh hoàn toàn làm theo công nghệ hoạt hình bằng máy điện toán, mà còn là phim đạt doanh thu cao nhất từ trước đến giờ. Tiếp theo Pixar sản xuất một loạt bộ phim ăn khách khác như: A Bug's Life, Toy Story 2, Monsters Inc., và Finding Nemo. Bốn bộ phim đầu của Pixar đạt doanh số 1,5 tỉ USD và mang về 15 giải Oscar.
Pixar không thể đạt được những thành tựu trên nếu không tìm cách trụ vững trong 10 năm đầu bằng những cách thức khác nhau. Đôi khi để thành công, bạn phải tạm thời hoãn những giấc mơ để sống với thực tại.
Linh động và thích ứng
Khi Jeanette White thành lập Công ty Sytel, với vốn kiến thức về kỹ thuật, bà nhanh chóng nhận ra thị trường đầy tiềm năng cho công việc phân tích số liệu và tích hợp hệ thống. Tuy nhiên, bà cũng hiểu rằng vạn sự khởi đầu nan. Sytel là một công ty hoàn toàn mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nên bà khó tìm được khách hàng.
Không nản lòng khi chưa tìm được hợp đồng tư vấn, bà bắt đầu mở khóa đào tạo về tin học, lập chương trình đào tạo cho các ứng dụng như Microsoft Word, Microsoft Excel và Oracle. Jeanette giải thích: "Đây chắc chắn không phải là chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi làm những việc này như là giải pháp tạm thời để duy trì Sytel".
Khi mới thành lập Sytel, bà nghĩ mình có thể bắt đầu lĩnh lương sau 6 tháng. Nhưng thực tế bà phải dùng thẻ tín dụng để duy trì hoạt động công ty, và đến 4 năm rưỡi sau, bà mới nhận được tháng lương đầu tiên từ Sytel. Mỗi khi có nguồn thu nào đó, bà lại băn khoăn giữa việc lĩnh lương hoặc tái đầu tư vào công ty.
Công việc đào tạo tin học cho phép Jeanette thuê thêm kỹ sư và bắt đầu hướng công ty đến gần với mục đích ban đầu: tích hợp hệ thống cho cơ quan nhà nước. Theo thời gian, Sytel tạo được uy tín khi giúp các hệ thống và công nghệ rời rạc làm việc với nhau hiệu quả, và kế tiếp bà nhận được hợp đồng lớn hơn từ các cơ quan liên bang.
Bà vẫn lạc quan, tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới. Khi thị trường công nghệ thông tin của các ban ngành liên bang thay đổi, một cơ hội mới mở ra là chính phủ điện tử. Sytel bước vào thị trường này, phát triển kỹ năng, vươn lên dựa trên chuyên môn về nối mạng và tích hợp hệ thống.
Bằng cách thích ứng và biến chuyển linh động theo thời thế, Jeanette đã gầy dựng Sytel thành một công ty trị giá 40 triệu USD, đứng hàng đầu trong lĩnh vực tích hợp thông tin ở vùng ven Đại Tây Dương. Bản thân bà nhận được một số giải thưởng dành cho doanh nhân thành đạt, và Sytel vài lần được liệt kê trong Inc. 500 danh sách những công ty tăng trưởng nhanh nhất trong năm.
Hãy cân bằng chi thu
Jeanette White áp dụng cùng nguyên tắc như Pixar khi cố gắng đưa Sytel đi lên. Trong khi chưa tìm được khách hàng theo đúng khả năng chuyên sâu của mình, bà tổ chức những lớp đào tạo tin học để duy trì công ty, nhờ đó bà có thể tuyển dụng thêm kỹ sư, tạo thêm tiềm lực - giống như cách Pixar làm phim quảng cáo để nuôi quân trong khi chờ tích cóp đủ vốn để làm phim hoạt hình.
Trong khi các công ty khác bỏ ra cả hàng triệu USD để quảng bá thương hiệu, Larry và Sergey hủy bỏ ý định quảng cáo và dồn nỗ lực để làm cho phần mềm Google chạy tốt và nhanh hơn.
Khi phải chi tiền, đừng để những kỳ vọng trong tâm trí bạn lấn áp khả năng phán đoán tình huống. Vườn ươm dù có triển vọng sum suê đến đâu vẫn sẽ không còn giá trị và ý nghĩa nếu bạn không trụ vững đến ngày hái được quả ngọt.