Chìa khóa dẫn đến sự thành công là hãy bắt đầu.
Một khi bạn đã có khát khao đủ lớn, có tầm nhìn ước mơ, có mục tiêu tài chính cụ thể và đã hiểu để trở thành giàu có, dù làm gì, bạn cũng phải “trả cho mình trước”, thì bước tiếp theo tôi sẽ chia sẻ là cách xây dựng công việc kinh doanh từ con số không.
Có nhiều con đường khác nhau để trở nên giàu có: kế thừa tài sản, lập gia đình với vợ/chồng giàu, làm bác sĩ, lập doanh nghiệp, trở thành nhà đầu tư…Tuy nhiên, nếu bạn đang bắt đầu từ con số không, thì phương cách phổ biến để làm giàu là bắt đầu xây dựng công việc kinh doanh. Kinh doanh sẽ giúp bạn tạo ra những thu nhập lớn, để từ đó bạn có thể tích lũy tài sản và giàu có nhanh hơn. Ngoài ra, kinh doanh cũng là cách chúng ta đóng góp giá trị cho xã hội.
1. Bắt đầu như thế nào?
Thời điểm khởi đầu kinh doanh là lúc chúng ta luôn nhiều hào hứng song cũng nhiều lo lắng. Có lẽ, các bạn sẽ thường xuyên tự hỏi: Liệu công việc kinh doanh này có thành công và phát triển không? Cần phải làm gì để bắt đầu? Mình có đang đi sai đường không? Làm sao thu hút được khách hàng? v.v…
Sau đây là một số kinh nghiệm thực tế cho bạn.
a. Nếu bạn tay trắng và chưa có kinh nghiệm trong bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, hãy trở thành nhà phân phối
Có hai lý do tại sao bạn nên trở thành nhà phân phối. Thứ nhất, bạn sẽ học được một kỹ năng quan trọng nhất của người làm kinh doanh: biết bán hàng. Ngoài ra, bạn cũng sẽ bắt đầu làm quen với môi trường kinh doanh, hiểu được thị hiếu khách hàng trong lĩnh vực đó. Thứ hai, bạn sẽ bắt đầu bước vào kinh doanh với rủi ro tài chính thấp nhất. Thậm chí, bạn có thể bắt đầu từ con số không.
Bạn có thể trở thành nhà môi giới, đại lý marketing độc lập nhỏ cho một sản phẩm hoặc dịch vụ, tức là bạn làm việc dựa trên hưởng mức hoa hồng bán hàng. Dần dần, bạn sẽ xây dựng công việc kinh doanh ngày càng lớn hơn, nắm được chuỗi phân phối lớn của sản phẩm đó. Hoặc khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn, bạn có thể tạo ra những sản phẩm của riêng mình để phân phối cùng, hoặc phân phối thêm sản phẩm khác cùng lĩnh vực.
Năm 2012, khi Vingroup bắt đầu mở bán bất động sản tại Hà Nội. Vì mới phát triển trên thị trường nên họ mở rộng cửa cho các nhà phân phối, chỉ cần nộp đơn là có khả năng tham gia. Một khách hàng của chúng tôi là giáo viên cấp 3, đã quyết định tham gia. Lúc đó chị đã 40 tuổi, không có kinh nghiệm, không có kỹ năng, không có tài chính, chị chỉ có mỗi khát khao cháy bỏng là kiếm tiền để thay đổi cuộc sống. Chị bắt đầu bán dự án Times City của Vingroup. Sau 2 tháng, chị bán được 11 căn và có 191 triệu đồng tiền hoa hồng. Hiện nay chị đã trở thành nhà phân phối dự án bất động sản của Vingroup.
Luôn có cơ hội để bạn bước vào công việc kinh doanh. Chỉ có điều bạn có biết nắm lấy hay không mà thôi?
Bạn cũng có thể định vị mình trở thành nhà phân phối lớn ngay từ đầu. Làm người môi giới lớn, có thể giúp chúng ta có một doanh nghiệp lớn và trở nên giàu có nhanh hơn. Yêu cầu ở đây là bạn phải suy nghĩ lớn, can đảm để dám hành động và quen biết những người giàu và thành công . Gợi ý của tôi là hãy làm quen và giao tiếp thường xuyên với những người thành công và giàu có.
Có một câu chuyện thú vị về một chàng trai trẻ người Mỹ nghèo và chỉ mới 17 tuổi. Một ngày nọ, cậu tình cờ nghe được thông tin về người buôn thuốc lá lớn nhất ở Mỹ. Cậu rất muốn gặp vị doanh nhân ấy. Với mục đích đó, hàng ngày cậu chờ đợi trên con đường đối diện văn phòng của ông. Mỗi lần vị doanh nhân nhìn ra ngoài cửa sổ, cậu thanh niên nghèo này sẽ vẫy tay chào rất nhiệt tình. Và cậu đã làm thế 7 ngày liên tục, điều đó khiến vị doanh nhân trở nên tò mò. Ông ta gọi cậu lên và hỏi: “Tôi thấy cậu cứ liên tục vẫy tay, thực ra thì có chuyện gì thế?”. Cậu thanh niên trả lời: “Cháu có thể tìm thấy loại thuốc lá tốt hơn và rẻ hơn ở Brazil. Ông không cần phải trả tiền trước. Nếu khi thuốc lá được giao chất lượng không tốt và giá đắt hơn thì ông không phải trả tiền đâu. Không có rủi ro gì cả.” Sau một vài trao đổi thêm, cuộc đối thoại được tiếp tục và nhà buôn thuốc lá đã đồng ý giao dịch với cậu. Cậu nói thêm, “ Nếu có thể, cháu muốn có một hợp đồng bằng văn bản nói rằng: Tôi..., người bán thuốc lá có địa chỉ tại... đồng ý mua thuốc lá của... có chất lượng với một mức giá rẻ hơn... đô la Mỹ/kg, sẽ được giao đợt một với số lượng... tấn, thanh toán sẽ được thực hiện khi hàng được giao đến nơi theo chất lượng và giá được ghi ở trên. Nếu chất lượng không tương đồng với giá, việc thanh toán không được thực hiện ”.
Vì không có rủi ro và bị ấn tượng bởi tinh thần can đảm của cậu trai trẻ này, nhà buôn đã đồng ý viết hợp đồng. Sau đó, người thanh niên này đã đến Brazil và tập hợp các nhà buôn thuốc lá lớn nhất ở Brazil. Nhìn thấy hợp đồng có chứng cứ là bản gốc từ nhà buôn thuốc lá lớn nhất nước Mỹ, những người bán thuốc lá tại Brazil đã đồng ý gửi hàng mẫu với một thỏa thuận rằng nếu sản phẩm của họ được chấp nhận, cậu sẽ nhận được một số phần trăm “tiền hoa hồng”. Và thế là, chàng trai trẻ đó đã bắt đầu con đường làm giàu của mình. Sau này, cậu trở thành vua ngành tàu biển và rất giàu có. Tên của cậu là Aristotle Onassis.
Câu chuyện của Onassis cho chúng ta một bài học rằng ta có thể bắt đầu một doanh nghiệp lớn mà không cần vốn.
Bạn cũng có thể trở nên giàu có bằng cách hợp tác với các đối tác lớn nhất trên thế giới và đưa sản phẩm, dịch vụ về giới thiệu cho người dân Việt Nam. Ví dụ: Công ty Babylons chúng tôi cũng bắt đầu ra đời bằng cách hợp tác với Success Resources để đưa các diễn giả, triệu phú, tỷ phú, tác giả, ngôi sao hàng đầu thế giới về Việt Nam. Làm thế nào Success Resources lại làm việc với một người lúc đó không có gì như tôi? Đó là khi tôi đề nghị cho tôi trở thành nhà phân phối của họ, đưa người Việt Nam sang Singapore học các khóa học, tham gia các chương trình của họ, họ đồng ý và tôi đã đưa 8 người lần đầu tiên, 80 người lần thứ 2 và lần thứ 3 là 300 người từ Việt Nam sang Singapore học chương trình Tư Duy Triệu Phú với T. Harv Eker. Tôi cũng mời được họ về Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo giới thiệu về khóa học Hẹn hò với số mệnh của Anthony Robbins. Như vậy, tôi bắt đầu công việc kinh doanh bằng cách trở thành nhà môi giới cho đối tác lớn nhất. Sau này, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi đã có thể tổ chức được chương trình với các chủ đề phong phú hơn và đa dạng hóa các chương trình đào tạo của mình.
Khi gặp gỡ đối tác lớn, bạn hãy cho họ biết rằng Việt Nam có hơn 100 triệu dân, mức tiêu dùng cao với số lượng người giàu ngày càng nhiều, sức mua ngày càng tăng. Nếu họ quan tâm, hãy đề nghị họ là đối tác của bạn, hoặc bán sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, hoặc nhận nhượng quyền của họ mà không bỏ vốn trước. Có thể không phải mọi đối tác đều sẵn sàng, nhưng sẽ có một số trong số họ đồng ý, và bạn sẽ có cơ hội trong tay. Cơ hội thành công là rất lớn nếu bạn hợp tác được với đối tác tốt nhất.
Nếu bạn không thể ra nước ngoài, hãy tìm một công ty tốt ở nơi bạn sống, hay ở đâu cũng được, đề nghị họ phân phối sang nơi khác ở Việt Nam (Hà Nội ra Sài Gòn hoặc Sài Gòn ra Hà Nội chẳng hạn) hoặc sang nước khác. Nếu bạn không có vốn, hãy tìm và hợp tác với một người đầu tư.
b. Khi bạn đã có một số nguồn lực, kỹ năng và kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó
Nếu có kỹ năng chuyên môn, trước hết bạn hãy phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực đó, làm việc với ý thức học hỏi, kết nối bạn bè và xây dựng mạng lưới quan hệ. Hãy nhớ đừng bị sa vào cạm bẫy của sức hút tiền lương hay thu nhập. Đầu tiên, hãy cứ tập trung để học hỏi mọi thứ cần thiết cho quá trình kinh doanh riêng, và sau đó có thể đề nghị chính chủ doanh nghiệp hoặc một người quen của bạn cùng hợp tác mở ra một công việc kinh doanh mới. Chủ của chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks, Howard Schultz đã làm theo cách này. Khi còn là nhà điều hành cấp cao, ông được phân công đến Seattle và vô tình uống cà phê tại Starbucks. Cảm nhận được hương vị cà phê ngon và cơ hội kinh doanh ngay trước mắt, ông đã xin làm việc cùng người chủ quán với mức lương rất thấp và gợi ý người chủ quán về việc mở chi nhánh khắp nước Mỹ. Sau đó, ông học tất cả các bí quyết và đề nghị người chủ cùng mở chi nhánh, và để ông tham gia như một cổ đông. Qua một thời gian, người chủ cũ không muốn tiếp tục kinh doanh nữa và bán lại cho Howard. Ông đã mua lại và phát triển Starbucks lớn như hiện nay.
Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và các phương thức kinh doanh hiện nay, bạn có thể môi giới và marketing cho các sản phẩm dịch vụ bằng kinh doanh và marketing trên Internet. Kiếm tiền từ Facebook, Google, Youtube, Clickbank, Amazon,… là những hình thức kiếm tiền đã được chứng minh hiệu quả bằng thực tế. Bản thân tôi đã gặp các bạn trẻ kiếm tiền từ 5.000 đô Mỹ đến 10.000 đô Mỹ/tháng từ kinh doanh trên Internet.
c. Một số lưu ý khi bắt đầu kinh doanh
Tham gia các chương trình hội thảo, các khóa học với những diễn giả hàng đầu thế giới là một trong những cách giao lưu với những người giàu có và thành công. Nhiều học viên đến học chương trình của Babylons chỉ tập trung vào kiến thức mà họ học được. Nhưng tôi muốn nói với bạn điều này: Rất nhiều người trong số những người đến tham dự và gặp gỡ những diễn giả hàng đầu thế giới trong các chương trình, các khóa học ấy, đều là người giàu có và thành công. Vì những người giàu và thành công luôn ham học hỏi và họ muốn học từ những người thành công nhất trên thế giới. Đừng bỏ qua cơ hội kết giao khi bạn đang ở trong một môi trường tốt như là các chương trình hội thảo hay khóa học. Hãy ngồi gần, hãy tiếp cận những người như vậy.
d. Để công việc kinh doanh có tỷ lệ thành công 98%
Điều đầu tiên, để bắt đầu kinh doanh có tỷ lệ thành công 98%, chúng ta cần hợp tác với những đối tác lớn nhất và tốt nhất. Hãy tìm và hợp tác với những đối tác tốt nhất thế giới. Nếu không biết công ty nào tốt nhất, hãy tìm ở Mỹ, Anh, Úc, Nhật. Nếu bạn không thể tìm thấy đối tác tốt nhất thế giới, hãy tìm đối tác tốt nhất Việt Nam. Nếu vẫn không thể, hãy tìm công ty tốt nhất Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc tốt nhất tại địa phương của bạn. Với sản phẩm từ các đối tác lớn nhất, bạn sẽ mất ít công sức marketing cho sản phẩm hơn. Khách hàng ít phàn nàn hơn và bản thân bạn tự tin hơn trong quá trình phân phối, giúp giảm cho bạn những rủi ro và khó khăn ban đầu. Việc còn lại chỉ còn là công việc tìm khách hàng, và thể hiện cho họ bạn là người bán hàng đáng tin cậy, khả năng rất cao là họ sẽ chấp nhận mua hàng của bạn.
Ví dụ: Lần đầu tiên, chúng tôi chỉ đưa 8 người sang học khóa Tư duy Triệu phú (Millionaire Mind Intensive) tại Singapore, thì đến năm 2009 con số đã trở thành 300 người, vì bản thân chương trình Tư duy Triệu phú đã rất tốt. Đến khi chúng tôi đưa chương trình Tư duy Triệu phú (Millionaire Mind Intensive) về tổ chức tại Việt Nam lần đầu tiên năm 2011, thì số lượng đăng ký quá đông, hơn 1.500 người, vượt xa số người dự kiến ban đầu. Đến nỗi chúng tôi huy động toàn bộ lượng tai nghe phiên dịch ở Hà Nội mà cũng không đủ. Kết quả là hậu cần chương trình gặp lỗi liên tục, không đủ tai nghe, thiếu ghế, thiếu tài liệu... Khách hàng vô cùng tức giận với chúng tôi, chúng tôi vô cùng áp lực, chỉ có thể chân thành xin lỗi khách hàng vì những sơ suất này. Nhưng khi một số khách hàng gặp chúng tôi, họ muốn chúng tôi phải bồi thường cho họ bằng cách “tất cả khóa học ở Babylons về sau, họ được giảm giá 50%”. Ơn trời, đó là một may mắn mà chúng tôi không dám nghĩ tới. Họ không muốn lấy lại tiền mà chỉ cần giảm giá 50% các khóa tiếp theo, nghĩa là họ sẽ là khách hàng trung thành của các khóa học tại công ty. Điều đó là do chúng tôi may mắn, nhưng cũng là vì chúng tôi đã tìm được một sản phẩm dịch vụ tốt để phân phối.
Tiếp theo, hãy tìm mọi cách bán trước mua sau. Cố gắng không bỏ tiền ra nhập hàng trước mà phải bán được hàng trước. Nhiều người đã rất xông xáo bỏ tiền ra để nhập sản phẩm trước khi bán, trong khi họ mới bắt đầu và chưa biết cách marketing bán sản phẩm đó như thế nào. Điều đó khiến bạn dễ gặp rủi ro và áp lực không tốt với việc bán hàng. Khi bán cho khách hàng, cố gắng thu toàn bộ số tiền hoặc nửa số tiền trước. Như vậy bạn sẽ không phải lo về chi phí nữa.
Ví dụ, khi bạn quyết định phân phối một sản phẩm hay dịch vụ nào đó như sữa trẻ em chẳng hạn. Bạn thỏa thuận mọi vấn đề với công ty sữa, nhưng đừng nhập sữa về và chất đống ở nhà bạn. Việc đầu tiên là bạn có thể lên Facebook quảng bá về sữa trẻ em. Chỉ sau khi bạn nhận đặt hàng trên Facebook từ khách hàng, thì bạn mới đến công ty sữa lấy sữa và giao cho khách hàng.
Một chị bạn của tôi là nhà phân phối sản phẩm Herbalife. Vì ham muốn sẽ kiếm tiền nhanh và quá tự tin vào sản phẩm, chị bỏ ra 600 triệu đồng mua sản phẩm mang về nhà để bán dần. Sáu trăm triệu đồng với chị không hề nhỏ. Nhưng kết quả là chị không bán được và sự việc sau đó khá đáng buồn, chị đã chịu áp lực tâm lý đến mức phát điên.
Đó là những điều quan trọng để giúp bạn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh thành công. Hãy nhớ rằng chìa khóa dẫn đến sự thành công là hãy bắt đầu. Đừng do dự. Nhiều người hoặc suy nghĩ quá nhiều xem chọn lĩnh vực kinh doanh nào và chẳng làm gì cả, hoặc tốn nhiều thời gian để làm mọi thứ hoàn hảo trước khi họ bắt đầu quảng bá công việc kinh doanh. Họ phải có logo, website, sản phẩm mẫu… trước khi bắt đầu bán ra. Tốn thời gian vô ích. Bạn hãy cứ bắt đầu đi và hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ của bạn trong quá trình kinh doanh sau này. Nếu bạn đã có một ý tưởng tốt, hãy bắt đầu đi thôi. Nếu không bắt đầu bây giờ, thì sẽ là bao giờ?
BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG
Nếu bạn chưa có ý tưởng kinh doanh nào, hãy trả lời các câu hỏi sau:
Hãy chọn một trong ba ý tưởng kinh doanh trên và bắt đầu ngay.
Công thức làm giàu 4
Hãy bắt đầu bằng cách làm nhà phân phối
2. Sáu bí quyết kinh doanh thành công
• Bí quyết 1: Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ
Tôi có một người bạn, anh là chuyên gia tư vấn marketing nổi tiếng của các tập đoàn đa quốc gia. Anh rất giỏi trong việc đưa ra các chiến lược, ý tưởng marketing. Năm 45 tuổi, anh quyết định mở công ty riêng. Việc đầu tiên anh làm là thuê một mặt bằng rất đẹp ngay trung tâm và trang trí văn phòng rất chuyên nghiệp. Anh tuyển nhân viên lễ tân, phòng kế toán, phòng kinh doanh, phòng chiến lược, phòng nhân sự, đầy đủ cả. Và vì anh làm đào tạo, các nhân viên được anh đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp. Mọi khâu từ logo, website, lễ tân nghe điện thoại, tất cả đều rất chuyên nghiệp. Nhưng sau 3 tháng, công ty của anh vẫn không có doanh thu gì cụ thể, tiền chi ra nhiều hơn tiền thu về. Cuối cùng, sau 9 tháng, công ty của anh đóng cửa. Anh lỗ 1 triệu đô la. Sự thất bại này làm anh nản lòng đến nỗi anh cảm thấy sợ và chùn chân khi nghĩ đến việc mở bất cứ một công ty nào mới.
Có nhiều bạn sau khi đi du học đã áp dụng máy móc những kiến thức đã học ở nước ngoài, và cũng bắt đầu một công ty theo cách tương tự như trên. Hãy nhớ rằng trường đại học, các khóa MBA, chương trình thạc sĩ ở nước ngoài chỉ dạy cho bạn cách làm việc trong một công ty lớn, một bộ máy lớn; nhưng hầu hết đều không dạy bạn làm thế nào khởi nghiệp từ con số không.
Không có gì là sai nếu chúng ta mở một công ty đẹp, sang trọng. Nhưng khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, chiến lược đầu tiên là TỒN TẠI. Và để tồn tại, chúng ta phải quản lý tốt dòng tiền, tiền vào phải nhiều hơn tiền ra.
Tại sao chúng ta thích văn phòng đẹp, thích có nhiều nhân sự? Đó là để thỏa mãn một nhu cầu được thể hiện cho mọi người sự thành công của bản thân, nói cách khác là sĩ diện. Mọi người thường hỏi tôi câu hỏi “Công ty anh có bao nhiêu người? Văn phòng của anh rộng không?”. Những câu hỏi như thế khiến chúng ta làm mọi điều để thể hiện rằng chúng ta có một công việc kinh doanh thành công, nhưng thực tế nó chưa có gì cả. Và kết quả là gì? Bạn sẽ rơi vào trạng thái lo lắng và căng thẳng khi các chi phí quá lớn nhưng dòng vốn dự trữ không còn. Và cái kết hiển nhiên là công ty của bạn sẽ không trụ nổi.
Văn phòng Alibaba ngày mới bắt đầu
Văn phòng trụ sở chính Alibaba hiện tại
Bạn hãy nhìn hình văn phòng công ty Alibaba những ngày đầu - một căn hộ chung cư tại Thành phố Hàng Châu - Trung Quốc. Hiện nay, khi tôi đến thăm tập đoàn của họ năm 2016 thì công ty của họ to bằng cả khu đô thị Sala tại Thành phố Hồ Chí Minh. Họ cũng chỉ bắt đầu một cách khiêm tốn và hợp lý.
Khi bắt đầu một công việc kinh doanh, chúng ta đều thường rất hào hứng, tự tin và tin chắc rằng ý tưởng đó sẽ thành công. Như một anh bạn mà tôi biết, anh biết công thức làm các món Ý rất ngon, rất tuyệt vời và anh tin chắc rằng nếu mở nhà hàng đồ ăn Ý thì sẽ hút khách, đặc biệt là mở trong trung tâm thành phố, nơi có nhiều người qua lại. Tuy nhiên, sau khi mở được nhà hàng thì anh mới nhận ra đồ ăn của anh tuy ngon, nhưng không có gì khác biệt nổi trội so với các quán ăn Ý nổi tiếng từ lâu mà thực đơn của anh thì chưa đa dạng. Sáu tháng đầu tiên, anh bị lỗ tới 500 triệu đồng tiền mặt bằng quán và thuê nhân viên, vì doanh thu quá thấp. Mặc dù nếu tiếp tục duy trì thì có thể doanh thu sẽ tăng lên trong 2, 3 năm tới nhưng sức ép về tài chính khiến anh không thể duy trì mà buộc phải sang nhượng lại quán cho người khác. Nếu như anh bắt đầu nhỏ bằng cách tham gia các hội chợ thức ăn với chi phí thuê mặt bằng rất ít, để thăm dò thị trường và thị hiếu khách hàng, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp nhu cầu thì độ rủi ro sẽ giảm xuống rất nhiều. Vì vậy, bắt đầu thật nhỏ cũng là cách để thăm dò thị trường, hạn chế rủi ro khi bắt đầu.
Thế nên, đừng ngại bắt đầu thật nhỏ.
Để khởi nghiệp thành công từ tay trắng, hoặc rất ít vốn, dù vốn cá nhân hay vốn từ gia đình, họ hàng thì dưới đây là một số bài học tôi rút ra từ kinh nghiệm của mình và rất nhiều người khác khi khởi nghiệp:
- Hãy bắt đầu mở công ty bằng chi phí cố định tối thiểu nhất: Trước tiên, nếu có thể, hãy mở công ty hay cửa hàng ngay tại nhà. Sau đó, mở một văn phòng thật nhỏ, tuyển một nhân viên tổng hợp (kiêm cả kế toán, thu chi, văn phòng, hậu cần, chăm sóc khách hàng,…). Và bạn hãy là người bán hàng đầu tiên của công ty. Nếu bạn cần một cửa hàng, hãy bắt đầu với một nơi có mức thuê tối thiểu nhất, và đảm bảo là bạn vẫn có thể tồn tại được nếu lỗ khoản chi phí đó. Nếu cần phòng họp, hãy thuê phòng họp theo giờ. Nếu cần thêm nhân viên, hãy thuê nhân viên thời vụ theo giờ và chi trả dựa trên dịch vụ họ cung cấp.
- Sử dụng tất cả thứ gì miễn phí đang có mà có thể giúp cho việc kinh doanh của bạn: website mã nguồn mở, phần mềm mã nguồn mở, gọi cuộc gọi online hoặc nhắn tin miễn phí, họp video conferences qua internet thay vì tốn phí đi lại khoảng cách xa. Marketing bằng các kênh mạng xã hội như Facebook, Linkedin,…
- Hãy tập trung vào bán hàng và tìm nguồn tiền vào. Bán hàng và marketing là quan trọng nhất để mang lại doanh thu cho công ty. Trước nhất là cần tìm cách để có được nhiều khách hàng và khẳng định với khách hàng bằng dịch vụ sản phẩm tốt. Bạn phải đi sát với từng chi phí, không để bị lỗ mà vẫn đảm bảo sản phẩm/ dịch vụ tốt. Đó là điều quan trọng đối với doanh nghiệp nhỏ.
• Bí quyết 2: Quản lý tài chính hiệu quả
Mọi công ty, dù lớn hay nhỏ, luôn cần phải quan tâm đến một vấn đề: quản lý tài chính. Quản lý tài chính có vai trò đáng kể quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp, đặc biệt trong nền kinh tế nhiều biến động và đầy cạnh tranh như hiện nay.
Các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt khi mới ra đời, càng phải quan tâm tới những quyết định tài chính “đúng ngay từ đầu”. Đó vừa là sự chuẩn bị cho tương lai, vừa để giúp đảm bảo vấn đề cơ bản của doanh nghiệp mới ra đời, đó là TỒN TẠI. Doanh nghiệp có tồn tại được hay không được quyết định chính trong 3 năm đầu thành lập. Và tồn tại hay không là phụ thuộc vào dòng tiền và tài chính được quản lý như thế nào. Doanh nghiệp lớn thường có quỹ dự phòng rủi ro, trong khi các doanh nghiệp mới thành lập hầu như đều không có, trừ các công ty huy động được vốn đầu tư ban đầu. Bởi lẽ, kinh doanh không phải chỉ cần có ý tưởng hay là có thể vận hành được. Mọi công việc kinh doanh đều cần tạo ra lợi nhuận để phát triển ổn định. Dòng tiền là mạch máu nuôi sống doanh nghiệp.
Hãy nhớ rằng, kinh doanh bản chất là làm việc với con số: con số lợi nhuận, doanh số bán hàng, nợ, lãi suất... Nếu bạn không học cách làm việc với các con số, bạn vẫn có thể kiếm được tiền, nhưng sẽ không quản lý được tiền và không thể trở thành giàu có. Hãy yêu thích các con số và tiền sẽ đến với bạn nhiều hơn. Các chủ doanh nghiệp đều cần được trang bị những kiến thức quản lý tài chính cơ bản để biến giấc mơ của họ thành một câu chuyện kinh doanh thành công.
Quản lý tài chính như thế nào là hiệu quả?
Để quản lý tài chính hiệu quả, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Mỗi doanh nghiệp hoặc công ty nhỏ có 2 loại chi phí: chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định là chi phí không thay đổi trong quá trình hoạt động của công ty, như thuê văn phòng, điện, nước… Chi phí biến đổi là chi phí có thể thay đổi tùy theo quy mô sản xuất hoặc doanh số như lương nhân viên, chi phí hành chính, chi phí cho nhà cung cấp,… Bạn cần tính toán thật kỹ mỗi loại chi phí này để đảm bảo cả hai luôn ở mức tối thiểu có thể, đảm bảo chi phí thấp và doanh thu cao thì bạn mới có lợi nhuận.
Từ khi bắt đầu và cả khi sau này công việc kinh doanh đã phát triển tốt, hãy luôn tách riêng chi phí cá nhân và chi phí kinh doanh. Bạn nên có một thẻ ngân hàng riêng để chi trả chi phí công ty. Như vậy, bạn sẽ kiểm soát được chi phí hàng ngày của doanh nghiệp và cá nhân bạn.
Kế toán là vị trí quan trọng ngang với nhân viên bán hàng. Với một công ty mới hoạt động, hai vị trí quan trọng nhất và có lẽ bạn cũng chỉ cần bắt đầu tuyển dụng với hai vị trí này thôi, đó là bán hàng và kế toán.
Tìm được kế toán tốt là rất quan trọng. Bạn phải tìm một người có thể tin cậy, có khả năng giữ tiền, không sợ áp lực bị đòi tiền, và giúp bạn theo sát dòng tiền thu vào, chi ra hàng ngày.
Trước đây công ty tôi có một cô kế toán. Mặc dù cô vẫn cộng dồn sổ sách hàng ngày rất tốt, nhưng mỗi lần đối tác hay khách hàng yêu cầu chi hoặc trả lại tiền, cô đều rất lo lắng và liền lấy tiền trả cho họ ngay lập tức trong khi chưa cân đối các khoản thu chi trong công ty. Đối với chi tiêu trong công ty, tôi có cảm giác như một ống nước bị rò khiến nước chảy đi đâu đó mà tôi không biết. Kết quả là, tuy doanh thu lớn, nhưng tiền còn lại trong công ty lúc nào cũng rất ít. Và sau đó, tôi đã phải cho cô kế toán đó thôi việc. Cô kế toán tiếp theo của tôi là người giữ tiền rất tốt và quản lý rành mạch các dòng tiền trong công ty. Và hiện nay, trong công ty tôi có 4 kế toán xử lý các mảng khác nhau.
Nếu chưa tìm được kế toán tốt, hãy thuê một kế toán chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm, làm bán thời gian để theo dõi kế toán hiện tại của bạn.
Có thể lúc đầu bạn không quen và cảm thấy rối tung với việc nhìn vào báo cáo tài chính. Thậm chí, nhiều người sẽ né tránh việc này. Nhưng sau một thời gian, khi đã quen với các báo cáo tài chính hàng ngày, bạn sẽ nhìn rất rõ tiền đến bắt đầu từ đâu, thay đổi thế nào và đang ở đâu.
Báo cáo tài chính theo đúng chuẩn kế toán có thể nhiều phần, nhưng chỉ một số phần quan trọng trong báo cáo tài chính bạn cần nắm là: Doanh thu, Chi phí, Lợi nhuận (từng tháng hoặc từng đợt bán hàng), Nợ và Tiền mặt . Tôi thường yêu cầu kế toán lập một bảng riêng thật rõ ràng dễ hiểu, gồm những phần sau:
- Tiền ở các tài khoản ngân hàng. Tách riêng các khoản tiền khác nhau vào mỗi tài khoản ngân hàng khác nhau để quản lý
- Tiền mặt đang có tại công ty (nội tệ và ngoại tệ)
- Tiền còn của các chương trình, tiền còn phải thu
- Nợ đang có (với ngân hàng,…)
Con số là sự thật rõ ràng, con số nói lên tất cả. Bạn có thể đôi lúc bay bổng về hiệu quả công việc kinh doanh của mình, hoặc đôi lúc thất vọng, nhưng đừng vội đưa ra kết luận gì trước khi nhìn vào các con số. Đó là bức tranh phản ánh trung thực nhất tình trạng kinh doanh của bạn, giúp bạn đưa ra những quyết định cho công việc kinh doanh của mình.
Là chủ công ty, bạn cần theo dõi dòng tiền chảy ra chảy vào hàng ngày qua các báo cáo tài chính, đặc biệt khi có sự ra vào của những khoản tiền lớn. Từ đó so sánh với các kỳ năm trước để dự đoán và chuẩn bị cho doanh thu, chi phí và dòng tiền tương lai.
Hầu hết chủ doanh nghiệp khi mới kinh doanh hiện nay đều không nắm rõ luật thuế và kế toán thuế. Để tránh tất cả các vấn đề phiền phức, giải pháp tốt nhất hiện nay là hãy nhờ cán bộ thuế phụ trách doanh nghiệp bạn giới thiệu cho bạn một kế toán thuế chuyên nghiệp.
Người kế toán thuế này, một mặt thường là người có chuyên môn cao, mặt khác có mối quan hệ tốt với các cán bộ thuế. Họ sẽ hướng dẫn cho kế toán của bạn các nghiệp vụ thuế, có kinh nghiệm trong việc xử lý các nghiệp vụ theo đúng yêu cầu của cán bộ thuế phụ trách doanh nghiệp của bạn. Tuy chi phí có thể cao hơn một chút, nhưng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian xử lý với cán bộ thuế, yên tâm dành tâm trí cho việc xây dựng doanh nghiệp, marketing và bán hàng.
Bạn cần phân biệt tiền mặt và lợi nhuận. Tiền mặt có thể dồi dào trong công ty nhưng chưa chắc đã là lợi nhuận. Chúng ta không thể chi phần tiền mặt trong công ty, nhưng hãy sử dụng chúng để tạo ra đòn bẩy cho chúng ta. Một công ty có doanh thu lớn, nguồn tiền mặt lớn là một lợi thế. Nếu bạn có thể đàm phán và giữ tiền mặt trong công ty càng lâu, thì sẽ càng có lợi cho bạn trong việc tạo ra tài sản và các đòn bẩy khác. Tóm lại, tiền mặt là vua.
TIỀN MẶT LÀ VUA
Nếu bạn huy động vốn từ một số nhà đầu tư, bạn đã giảm thiểu được rất nhiều áp lực trong kinh doanh, có thể chờ đợi lâu hơn cho đến khi có lợi nhuận sau 1, 2 thậm chí 3 năm. Và nếu có rủi ro xảy ra, thì gánh nặng cũng đã được san sẻ khá nhiều. Hãy chú ý quản lý hiệu quả dòng vốn ban đầu để công việc kinh doanh có lợi nhuận, giữ được lòng tin của nhà đầu tư đó cho tương lai lâu dài. Hãy hết sức mình vì công việc kinh doanh đó.
Sẽ thật sai lầm nếu bạn tin rằng bạn sẽ thành công khi mượn được tiền của ai đó để bắt đầu kinh doanh (mượn từ người thân hay một chủ đầu tư nào đó): “Chỉ cần tôi mượn được tiền, tôi sẽ kinh doanh thành công”. Một tỷ đồng đầu tiên luôn luôn khó kiếm hơn những tỷ đồng tiếp theo, và nếu bạn không hiểu giá trị của đồng tiền bằng những trải nghiệm thì sẽ càng khó khăn hơn nữa. Nếu đưa cho một cậu bé một tỷ đồng để làm kinh doanh, khả năng cao là chỉ trong vòng 6 tháng, cậu sẽ đánh tan một tỷ đó mà không thu lại được gì. Đồng tiền dễ đến là đồng tiền dễ đi. Nếu không tiết kiệm, không kiên nhẫn, không hiểu giá trị của những đồng vốn vì chúng không do bạn kiếm ra, có thể bạn sẽ kinh doanh mà không có lãi.
Tóm lại, việc sở hữu và điều hành một công ty là khá thú vị, nhưng nó cũng mang nhiều thách thức, đặc biệt là khi nói tới vấn đề tài chính. Đừng để công việc kinh doanh của bạn bị ảnh hưởng xấu bởi kỹ năng quản lý tài chính yếu kém.
Công thức làm giàu 5
4 NGUYÊN TẮC TÀI CHÍNH QUAN TRỌNG
• Bí quyết 3: Marketing Và Bán Hàng Là Tất Cả
Trọng tâm của một công việc kinh doanh là marketing và bán hàng, đặc biệt với các công ty nhỏ và vừa, khi thương hiệu của bạn hầu như chưa nhiều người biết đến. Hầu hết các khía cạnh khác của công việc kinh doanh của bạn đều phụ thuộc vào marketing thành công. Marketing bao gồm quảng cáo, quan hệ cộng chúng, xúc tiến để bán hàng. Marketing là quá trình mà chúng ta giới thiệu và quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ tới khách hàng tiềm năng. Nếu thiếu marketing và bán hàng, công việc kinh doanh của bạn dù có sản phẩm hay dịch vụ tốt nhất trong ngành, cũng không có nhiều khách hàng tiềm năng biết đến bạn và công ty có thể phải đóng cửa.
a. Marketing: Chú ý sức mạnh của marketing và quảng cáo online
Lợi ích đầu tiên của quảng cáo và marketing online là chi phí thấp. Bạn thậm chí có thể có một website, trang facebook, hay một kênh nào đó bán hàng cho bạn mãi mãi, chỉ với chi phí rất thấp thậm chí bằng 0. Trong khi đó, thông điệp marketing và quảng cáo của bạn có thể tiếp cận khách hàng bất kể không gian và thời gian, đến bất cứ nơi đâu và 24/24 giờ. Trong khi bạn ngủ, trang quảng bá sản phẩm và dịch vụ online vẫn đang bán hàng cho bạn.
Nếu website có vẻ hơi phức tạp với bạn, hãy bắt đầu bằng một trang trên mạng xã hội facebook để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của bạn. Bạn có thể quảng cáo với tư cách cá nhân hoặc công ty. Hình ảnh đẹp, những câu chuyện hay sẽ hấp dẫn người vào xem, like và chia sẻ qua đó hình ảnh sản phẩm dịch vụ của bạn sẽ được truyền đi khắp nơi.
Sức mạnh của marketing online
Kate Jenkins đã phát triển công việc kinh doanh bánh sô cô la hạt bằng cách sử dụng mạng xã hội Twitter. Cô bắt đầu làm bánh sô cô la hạt từ năm 2007, tại bếp nhà cô ở Llanmabog, xứ Wales. Khi một người bạn nói về Twitter, cô đã đăng ký và phát động một cuộc thi với phần thưởng là bánh sô cô la trên Twitter. Cô nhanh chóng xây dựng được một cộng đồng hỗ trợ từ những người dùng Twitter, với hơn 70.000 Tweets. Và Gower Cottage Brownies, tiệm bánh của cô hiện tại đã có gần 5.000 người theo dõi. Doanh thu tăng lên đến 120.000 pound và một phần ba doanh thu đó Jenkins tin là đến trực tiếp bởi Twitter. Cô nói rằng: “Mọi người không chỉ mua bánh của tôi, họ còn hỗ trợ và PR cho tôi bằng cách nói về bánh của tôi. Twitter là một mạng truyền miệng lớn nhất”.
Nếu bạn muốn xây dựng một trang website miễn phí, thì những nền tảng web có mã nguồn mở như Joomla, WordPress, Drupal rất tốt, dễ sử dụng và nhiều giao diện đẹp. Rất có ích nếu website của bạn đưa được những ví dụ về những gì bạn đã làm, trải nghiệm của bạn, và những bài viết về ngành của bạn để thu hút khách hàng truy cập.
Email là phương thức marketing online phổ biến và xây dựng danh sách email khách hàng là khá quan trọng trong công việc kinh doanh. Khi bạn phát triển website của mình, hãy bắt đầu xây dựng luôn danh sách email của những người ghé thăm website ấy. Khi gửi email, hãy cung cấp cho họ những thông tin giá trị. Họ có thể sẽ chuyển thành khách hàng của bạn trong tương lai, khi bạn quảng bá sản phẩm và dịch vụ mới của mình.
Bạn có thể đặt một form opt-in ( Một box dạng biểu mẫu thường thấy trên tất cả website, yêu cầu khách hàng điền thông tin cơ bản như email, số điện thoại, để nhận các thông tin mới từ website, quà khuyến mãi hoặc các dịch vụ kèm theo. Tóm lại là cách để thu thập thông tin khách hàng ) lên website và đưa toàn bộ thông tin đó lưu trữ trong một danh sách khách hàng tiềm năng. Có nhiều nguồn trên Internet có thể giúp bạn xây dựng những form như vậy như Google Form.
Trong thế giới cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để nổi bật trong mắt khách hàng, chúng ta phải gia tăng giá trị cho sản phẩm và dịch vụ của chúng ta. Chẳng hạn, ta có thể gia tăng giá trị bất động sản bằng việc: không phải đặt cọc và không phải trả lãi suất ngân hàng trong năm đầu tiên, cho thuê 8% trong 2 năm sau khi nhận nhà,... Nếu bạn chưa có giá trị gia tăng, hãy thay đổi và bổ sung chúng, sau đó quảng cáo nêu bật những giá trị gia tăng này.
Nội dung quảng cáo chính xác sẽ theo mô hình USP, trong đó:
Hãy cố gắng luôn hứa ít hơn, nhưng mang tới cho khách hàng nhiều hơn.
Nếu bạn không đủ sáng tạo, đã thử nhiều cách marketing mà vẫn chưa hiệu quả, hãy quay lại hỏi giải pháp từ công ty cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm mà bạn đang phân phối. Tôi tin rằng với sự cầu thị, nỗ lực của bạn, họ sẵn sàng hỗ trợ bạn để hướng dẫn bạn những kinh nghiệm marketing mà họ đã có cho sản phẩm và dịch vụ này. Đó là lý do quan trọng cho việc tại sao bạn nên chọn phân phối cho đối tác lớn nhất trên thị trường. Vì sản phẩm và dịch vụ của họ đã được định hình, họ biết làm gì để marketing cho sản phẩm của họ, kênh nào hiệu quả, khách hàng nào là đối tượng tiềm năng. Nếu bạn phân phối cho một sản phẩm hoặc dịch vụ từ một công ty nhỏ, bản thân họ có thể còn chưa có kế hoạch marketing nào hiệu quả để chỉ cho bạn. Và bạn sẽ phải tự tìm đường và không học hỏi được gì nhiều.
b. Bán hàng
Những doanh nghiệp thành công đều quảng cáo và bán hàng mọi nơi mọi lúc, dù doanh nghiệp của họ cùng sản phẩm hay dịch vụ của họ không hề hoàn hảo. Hãy tập trung vào doanh số sale và khách hàng tiềm năng.
Hãy nhớ rằng: Bán hàng = Năng lượng
Năng lượng bạn càng cao, bạn càng có thể bán được nhiều hơn. Năng lượng cao đến từ niềm yêu thích với sản phẩm và dịch vụ của bạn, từ sức mạnh tự tin và động lực khát khao bên trong bản thân bạn. Dù bạn có gào to, nói nhiều mà năng lượng và sự tự tin bên trong không có hoặc rất yếu, bạn không thể bán được hàng. Khách hàng đều cảm nhận được năng lượng của bạn khi họ gặp bạn. Khách hàng rất nhiều khi mua hàng vì họ thích hoặc bị thuyết phục bởi năng lượng của bạn. Họ có thể mua cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ như thế từ một người bán hàng khác, nhưng vào giây phút nói chuyện với bạn, họ đã quyết định mua từ bạn. Và họ quay trở lại cũng bởi vì sự nhiệt tình và năng lượng tuyệt vời của bạn. Bạn cũng cần có năng lượng cao để huấn luyện và truyền cảm hứng cho nhân viên bán hàng để họ sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất cả mọi người trong công ty đều phải biết bán hàng và hỗ trợ khách hàng. Khi công ty mới bắt đầu và chỉ có một mình, bạn phải là người bán hàng đầu tiên. Khi bạn có thêm nhân viên trong công ty hoặc đội nhóm, tất cả mọi thành viên trong công ty hoặc nhóm đều phải biết bán hàng và hỗ trợ cho việc bán hàng. Nếu bạn có một cửa hàng, thì ngay cả anh bảo vệ cũng có thể góp phần quan trọng cho doanh thu của bạn, vì đó là vị trí tiếp xúc với khách hàng đầu tiên. Trách nhiệm của bạn là đào tạo huấn luyện cho họ biết bán hàng để họ hỗ trợ cho bạn.
Có nhiều công ty, chỉ có nhân viên bán hàng là tập trung bán hàng, còn nhân viên các bộ phận khác khá thờ ơ hoặc không quan tâm đến khách hàng và việc bán hàng. Họ chỉ quan tâm đến công việc chính của họ. Công ty tôi trước đây, ngay cả lễ tân hay kế toán, nhân viên IT cũng cần có thái độ rất hỗ trợ cho việc bán hàng. Và họ được nhận thưởng nếu giới thiệu được khách hàng. Tôi đã nói với họ rằng, thu nhập của họ cũng đến từ doanh thu bán hàng của công ty. Sự tồn tại của công ty là đến từ bán hàng, tất cả chúng ta là một đội nhóm và phải hỗ trợ cho đội Sale.
Để nâng cao hiệu quả bán hàng, những cuộc họp của đội sale và đưa ra target sẽ tác động rất nhiều. Nếu cá nhân bạn, thì bạn cũng cần đưa target sale cụ thể cho mình và cần đi sát vào con số sale và tình trạng sale để cải thiện.
Ví dụ, ở công ty tôi, các cuộc họp bán hàng của đội telesale sẽ đi vào vấn đề sau: Tổng kết số lượng sale đợt vừa rồi, phân tích lý do thành công hay thất bại và đưa ra target sale tiếp theo.
- Tại sao Nhung gọi ít cuộc điện thoại hơn người khác, nhưng hiệu quả vẫn như thế?
- Lý do chính khách hàng không đồng ý đi là gì? Qua đó, chúng ta có điều chỉnh cho dịch vụ nếu ảnh hưởng đến sale. Ví dụ vì thời gian hoặc địa điểm tổ chức không hợp lý.
- Lý do khách hàng cân nhắc là gì? Cần gọi lại để chăm sóc như thế nào?
- Tổng kết số lượng người đồng ý đi chính xác là bao nhiêu?
- Đưa ra target sale mới và những điều chỉnh cần thiết để nâng cao hiệu quả bán hàng
Nếu công việc kinh doanh của bạn là gọi điện và hẹn gặp khách hàng. Bạn cần tổng kết các con số với từng nhân viên như sau: Gọi bao nhiêu cuộc? Hẹn gặp được bao nhiêu người? Chốt được bao nhiêu khách hàng? Tại sao hẹn gặp mà chưa chốt được? Tại sao gọi mà chưa gặp được? Tại sao có một nhân viên có tỷ lệ hẹn gặp/tỷ lệ cuộc gọi cao hoặc tỷ lệ chốt khách hàng cao, và rút kinh nghiệm cho toàn đội nhóm. Khi công ty của bạn lớn hơn, bạn phải đảm bảo các trưởng nhóm bán hàng biết cách làm việc với nhân viên bán hàng trong nhóm theo cách này.
Thường thì sau một thời gian bán hàng, chúng tôi tính ra được tỷ lệ chốt hàng trung bình. Ví dụ: Thường gọi có 100 người xác nhận đồng ý đi thì có khoảng 50 người sẽ đến hội trường. 50 người đến hội trường thì có khoảng 3 đến 5 người mua các gói sản phẩm tiếp theo. Và sau đó chúng tôi tìm cách cải thiện để nâng cao tỷ lệ đó lên.
Một trong những cách hiệu quả giúp nâng cao tỷ lệ chốt hàng trung bình là viết kịch bản bán hàng (script) cụ thể. Trưởng nhóm bán hàng phụ trách việc viết script và tất cả các nhân viên bán hàng phải học thuộc script sale này. Script chia theo từng trường hợp: khách hàng đồng ý, khách hàng cân nhắc, khách hàng từ chối. Trong trường hợp khách hàng từ chối, script sẽ chia ra từng trường hợp lý do khách hàng từ chối đều xử lý. Script sẽ đảm bảo những nhân viên bán kém nhất đều có thể tự tin trôi chảy khi gọi điện cho khách hàng. Thực tế đã chứng minh script bán hàng rất hiệu quả. Và tốt nhất, bản thân bạn nên là người viết script bán hàng cho nhân viên và đào tạo họ. Trong script nên chú ý có những ngôn từ nêu bật lợi ích cơ bản của sản phẩm, ai nổi tiếng đã từng khen ngợi, và sự khan hiếm hoặc tính thời điểm của sản phẩm dịch vụ của bạn. Ví dụ như: Cuối tuần này bên em có chương trình X, là chương trình về nghệ thuật bán hàng với ông Y, chuyên gia số 1 về... Chị A là diễn viên nổi tiếng đã đến tham gia và rất khen chất lượng chương trình. Anh B là giám đốc Công ty... nói rằng chương trình rất thực tế cho công ty của anh, dù anh đã có doanh thu là 1.000 tỷ đồng. Hiện chương trình chỉ còn lại 10 vé thôi, chị đăng ký tham gia luôn chứ ạ?
Khi giao tiếp với khách hàng, bạn cũng nên tìm ngôn từ để nổi bật tính khan hiếm của sản phẩm và dịch vụ của mình, và nâng cao giá trị của bạn, công ty, sản phẩm và dịch vụ của bạn lên. Thường xuyên đưa nhận xét đánh giá của những người thành công và nổi tiếng về sản phẩm và dịch vụ vào cuộc nói chuyện với khách hàng.
Bạn có thể tăng doanh số bằng cách bán sản phẩm/dịch vụ của bạn trước khi bạn có nó như cung cấp dịch vụ đặt hàng trước, nhận tiền cọc trước. Mỗi khi có khách hàng đến gặp bạn hỏi về sản phẩm và dịch vụ của bạn, tức là họ đã ít nhiều quan tâm đến sản phẩm và dịch vụ của bạn. Nếu bạn không có đủ sản phẩm và dịch vụ ở đó, hãy ngay lập tức thuyết phục khách hàng đặt hàng trước và hãy thu tiền đặt cọc.
Tiền thích tốc độ. Nếu khách hàng hứng thú với sản phẩm và dịch vụ của bạn và muốn trả tiền, hãy thu tiền ngay. Nếu bạn chậm trễ, có thể ngày mai bạn sẽ mất khách hàng đó. Bán hàng là cảm xúc và cảm xúc của khách hàng có thể bị chi phối bởi vô cùng nhiều yếu tố. Khi họ quyết định mua, hãy nhanh chóng chốt hàng ngay. Chỉ cần 2 tiếng sau khi rời cuộc nói chuyện với bạn, có thể họ đã suy nghĩ lại và ưu tiên cho nhu cầu khác hơn là mua sản phẩm và dịch vụ của bạn. Hoặc họ đã bị tiếp cận bởi đối thủ cạnh tranh và không quan tâm đến bạn nữa.
Hãy hỏi xin các đánh giá, cảm nhận tốt của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của mình. Bạn cần những đánh giá của những khách hàng càng ở vị trí cao, càng nổi tiếng càng tốt. Có nhiều trang bán hàng của các công ty hiện nay hầu như chỉ post những bài đánh giá cảm nhận của khách hàng. Bạn cần là người gợi ý nội dung đánh giá cảm nhận cho khách hàng nếu họ là người không diễn đạt được tốt. Nếu khách hàng là người rất nổi tiếng, sẵn sàng phục vụ họ miễn phí và xin họ đánh giá cảm nhận cho dịch vụ sản phẩm của bạn.
Đừng mong đợi tất cả mọi người đều thích sản phẩm và dịch vụ của bạn. Thường sẽ có khoảng 30% người được giới thiệu sẽ thích sản phẩm và dịch vụ của bạn, 30% không quan tâm và 30% sẽ từ chối. Vì vậy, đừng thất vọng hay nản chí nếu có người không thích bạn, và sản phẩm, dịch vụ của bạn, nhưng không có nghĩa là bạn không cần tìm cách cải thiện để sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Sản phẩm và dịch vụ không cần hoàn hảo ngay lúc đầu, nhưng phải ngày càng được cải thiện.
BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG
• Bí quyết 4: Sức Mạnh Của Sự Tập Trung
Khi bắt đầu công việc kinh doanh, bạn phải rất tập trung để tạo dựng nền móng và biến ý tưởng thành công việc kinh doanh thực sự. Và nếu bạn đã có một công việc kinh doanh khởi đầu có doanh thu và bắt đầu có lãi, tôi xin chúc mừng bạn, song đến lúc này sự tập trung lại càng quan trọng.
Tại sao phải tập trung?
Kinh doanh là một cuộc chơi thú vị và đầy thách thức. Kinh doanh cũng là cách tạo ra dòng tiền cho bạn, tích lũy tài sản cho bạn nhanh hơn bất kỳ cách nào khác mà không phụ thuộc vào người khác (đối với đa số chúng ta hiện nay). Bạn làm chủ cuộc chơi của chính bạn. Kinh doanh là cách bạn tạo ra giá trị cho xã hội, giúp cho cuộc sống những người xung quanh mình thay đổi tốt hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào con đường kinh doanh cũng trải đầy hoa hồng.
Cạnh tranh trong mỗi ngành kinh doanh không hề đơn giản, và bạn sẽ ra khỏi cuộc chơi nếu không tập trung. Khi bắt đầu kinh doanh, chúng ta sẽ cần tập trung để bán được hàng và giành thị phần. Khi chúng ta đã có chỗ đứng trong thị trường, chúng ta càng phải tập trung. Vì những đối thủ mới xuất hiện luôn đầy nhiệt huyết, tươi mới, tràn đầy năng lượng, sáng tạo và tập trung. Còn những đối thủ đang tồn tại ngang bằng bạn cũng tìm mọi cách để nâng cao thị phần của họ. Nếu bạn không tập trung cho xây dựng và phát triển công việc kinh doanh của mình, bạn có thể bị giảm doanh thu hoặc nhanh chóng bị đá ra khỏi thị trường.
Những công ty thành công nhất đều rất tập trung. Nếu bạn muốn đi xa, bạn phải tập trung mọi nguồn lực, suy nghĩ, ý tưởng cho việc phát triển công việc kinh doanh. Khi ánh sáng hội tụ tại một điểm, nó sẽ đủ mạnh để có thể đốt cháy quả trứng, gương xe ô tô, hay bất cứ thứ gì. Bill Gates có Microsoft và giờ là Gates Foundation, Mark Zuckerberg có Facebook, là vì họ chỉ tập trung một thứ và làm tốt nhất có thể. Những công ty thành công nhất thường chỉ phát triển tốt nhất trong một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Vi mạch Intel, Routers Cisco, cà phê Espresso Starbucks, siêu thị Whole Foods, Coca-Cola, tất cả những thương hiệu nổi tiếng đó, họ đều rất tập trung. Đồng thời, từ những trải nghiệm với những khách hàng thành công và giàu có nhất ở Việt Nam, tôi cũng có thể khẳng định với bạn một điều: Những chủ doanh nghiệp thành công đều rất tập trung với lĩnh vực của họ.
Một chủ doanh nghiệp công ty xây dựng lớn ở Hà Nội đã từng chia sẻ với tôi kinh nghiệm xương máu của mình. Anh từng là cán bộ nhà nước, sau đó anh bắt đầu phát triển công ty xây dựng cầu đường. Sau một thời gian làm việc rất vất vả, trong khi lợi nhuận phải chia sẻ rất nhiều, khiến anh thấy mệt mỏi. Anh liền nhảy sang làm về lĩnh vực vệ sinh môi trường – một lĩnh vực không liên quan và kết quả là thua lỗ trầm trọng. Cả hai công việc đó của anh đều chạy không hiệu quả, và cuối cùng anh chỉ quay trở về lĩnh vực xây dựng giao thông anh vẫn làm. Hiện nay công ty của anh đã lên sàn chứng khoán và anh trở thành một trong 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam (từ năm 2012 đến nay).
Mỗi công việc kinh doanh là một kho báu. Nếu không tập trung gắng hết sức mình đào cái lớp đất đá khô cằn kia lên, chúng ta sẽ không tìm thấy kho báu đó.
Chị bạn tôi vô cùng tập trung vào hệ thống nhiều trung tâm tiếng Anh, ngày đêm chỉ làm việc và suy nghĩ về phát triển công việc với niềm đam mê vô cùng lớn cho lĩnh vực giáo dục này. Và hiện nay, chị đã xây dựng một hệ thống nhiều chi nhánh với doanh thu hơn trăm tỷ đồng mỗi năm. Chị đã trải qua không biết bao thách thức, khó khăn khi thị trường bão hòa, hay sức ép từ đối thủ cạnh tranh. Thậm chí đỉnh điểm có thời gian, một nhân viên cốt cán rất có năng lực của chị đã kết nối với trung tâm khác, mời giáo viên của chị và khách hàng của chị sang trung tâm của họ. Chị bị mất cả giáo viên và khách hàng. Nhưng chị tìm mọi cách tập trung, và vượt qua được bằng cách thay đổi cách tiếp cận khách hàng và tập trung vào chất lượng dịch vụ. Doanh thu năm đó của chị tăng gấp 3 lần.
Bản thân tôi cũng có lúc dao động với công việc kinh doanh của mình vì khối lượng công việc nhiều, áp lực bán hàng. Nhưng khi tôi ghi mục tiêu “Doanh thu công ty phải đạt trên 100 tỷ đồng” ra giấy, sức mạnh tập trung của tôi trở nên cao độ. Mọi sáng tạo, ý tưởng đều tập trung vào công ty. Và với cùng một chương trình khóa học, thì trước đây lúc nào chúng tôi tổ chức cũng thấy rất áp lực vì không biết có đạt được doanh thu mong muốn không, dẫn đến nghi ngờ về tiềm năng công việc kinh doanh của mình, thì hiện nay khi tập trung bằng tất cả tâm trí, chúng tôi đã tìm ra được mô hình hiệu quả hơn, ổn định hơn về doanh thu, quản lý tốt hơn các chi phí. Doanh thu và lợi nhuận tăng, nhân viên làm việc đầy sinh khí. Sự tập trung của người chủ doanh nghiệp ảnh hưởng đến sự tập trung của toàn bộ đội nhóm trong công ty. Nói cách khác, chúng tôi bắt đầu thấy kho báu.
Khi nói đến những gì quan trọng nhất trong cuộc sống, mong bạn hãy nhớ điều này: nhiều hơn không bao giờ tốt hơn. Tốt hơn luôn là tốt hơn. Và tốt nhất thì tốt hơn cả. Ít hơn lại là nhiều hơn. Vì vậy, với mọi thứ quan trọng trong cuộc sống như tình yêu, đam mê, sự tập trung, sự chú tâm, bạn càng có nhiều, bạn càng phải dãn rộng bản thân và càng ít đánh giá cao chúng hơn. Chân lý này luôn đúng với tất cả mọi thứ trong cuộc sống, từ sự nghiệp đến công việc kinh doanh, từ những người thân yêu cho đến chính cuộc sống của bạn.
Có thể bạn sẽ hỏi tôi rằng, tại sao có một vài công ty vẫn đa dạng hóa và đều khá thành công? Đúng là có một số ngoại lệ, một số công ty đa dạng hóa ngành kinh doanh khi bắt đầu. Muốn như vậy thì hoặc bạn phải rất xuất sắc, hoặc bạn có nguồn lực hỗ trợ cực kỳ lớn, hoặc bạn sẽ phải hi sinh nhiều thứ khác để cho công việc của bạn phát triển rực rỡ. Elon Musk đã điều hành hai công ty - Tesla và SpaceX - và dành hầu hết thời gian cho hai công ty này đến nỗi hậu quả là anh ta thực sự đã mất gia đình. Tôi đoán đó là lựa chọn của anh nhưng điều đó có vẻ cũng không tốt lắm cho đa số chúng ta. Warren Buffett đã dành hơn 20 năm để trau dồi kinh nghiệm kinh doanh bằng cách tham gia cổ phần trong các công ty đầu tư trước khi thành lập Berkshire Hathaway. Về mặt logic, không có cái gì khẳng định rằng nhiều hơn là tốt hơn đối với khởi nghiệp kinh doanh. Hầu hết những doanh nhân khẳng định họ có thể làm nhiều hơn một thứ là họ đang tìm cách thổi phồng thương hiệu của họ lên. Họ thực sự sẽ không làm tốt hết mọi thứ họ có.
Nguyên nhân dẫn đến mất tập trung?
Khi chúng ta làm kinh doanh, có rất nhiều “tiếng ồn” từ xung quanh có thể ảnh hưởng đến tâm lý chúng ta. Một lần, tôi mời một chị là một nhà môi giới bất động sản khá thành công đến chia sẻ trong câu lạc bộ Cashflow Club. Sau một hồi chia sẻ, chị quay sang nói riêng với tôi rằng “Sơn này, chị nói riêng với em nhé. Em làm mấy cái này không ra tiền đâu”.
Khi tôi làm lĩnh vực này lâu hơn, khi mọi việc đang tiến triển tốt với doanh thu tăng ổn định và đều đặn dù còn bé nhỏ, có một số anh chị thành công đã nói với tôi rằng “Sơn này, anh cũng rất quý em, nhưng anh nghĩ em làm cái này không nổi đâu. Ở Việt Nam, mình phải có mối quan hệ, và phải như thế này thế kia… thì mới làm giàu được… công việc em đang làm chỉ giúp người khác được chứ không thể làm giàu được”.
Rất nhiều trong chúng ta khi nghe những lời như vậy sẽ dao động, sẽ nghĩ rằng chúng ta chắc đi sai đường, công việc này vất vả quá và cần phải thay đổi sang hướng khác. Đó là khi chúng ta dễ mất tập trung nhất. Hãy nhớ rằng mỗi công việc kinh doanh đều có những thách thức và cơ hội riêng, và “công thức kiếm tiền" riêng. Chúng ta thường nhìn thấy cơ hội nhưng ít khi nhìn vào thách thức của công việc khác. Chúng ta cũng không biết “công thức kiếm tiền” của lĩnh vực đó là gì. Chúng ta chuyển sang làm và thất bại thảm hại.
Nếu khi đó, tôi nghe theo lời chị bạn, từ bỏ tổ chức hội thảo giáo dục, chuyển sang làm môi giới bất động sản thì chắc chắn tôi sẽ không được như bây giờ, và có thể giờ đây tôi vẫn là một anh môi giới bất động sản chờ thời cơ lên. Vì ngay sau đó, thời điểm năm 2009 đến 2013, thị trường bất động sản đóng băng. Thu nhập của người môi giới đều giảm xuống. Đi đường không còn thấy nhiều biển hiệu quảng cáo môi giới bất động sản của các công ty. Từ đó đến nay, tôi vẫn tập trung vào công việc tôi làm tốt nhất: tổ chức các chương trình giáo dục thay đổi cuộc sống của mọi người, với các diễn giả hàng đầu thế giới. Và giờ tôi bước vào bất động sản, nhưng với tư cách là nhà đầu tư và phát triển dự án.
Trong kinh doanh, bạn sẽ gặp những thách thức, như chịu áp lực từ đối tác, khách hàng, đối thủ cạnh tranh. Một số người sẽ vượt qua được dễ dàng, mạnh mẽ tiến về phía trước trong khi một số khác sẽ nản chí và muốn bỏ cuộc. Tôi đã gặp rất nhiều người, khi gặp khó khăn thường nói với tôi rằng họ đang định chuyển sang làm thêm ngành này ngành kia, mà những ngành đó không hề liên quan gì đến ngành hiện tại họ đang làm, và họ cũng không có lợi thế gì trong ngành đó.
Trong khó khăn, nhiều người trong số chúng ta thường có thói quen cho rằng lĩnh vực khác tốt hơn lĩnh vực mình đang làm. Họ nói về lĩnh vực xây dựng, giao thông có những dự án thật lớn với ngân sách từ chính phủ. Họ nói về lĩnh vực giáo dục thật tiềm năng, tốt hơn lĩnh vực thời trang của họ. Họ nhìn thấy hệ thống cửa hàng đồ trẻ em thật tốt. Sau vài tháng gặp lại, tôi thấy người chủ một chuỗi cửa hàng thời trang tại Sài Gòn đã chuyển sang tổ chức khóa học mặc dù chị chưa hề tổ chức khóa học bao giờ. Kết quả là cả hai công việc của chị đều không phát triển được và dậm chân tại chỗ.
Khi bạn làm công việc kinh doanh của bạn tương đối tốt, sau một thời gian bạn đã có chỗ đứng trên thị trường, bạn sẽ tự nhiên nhìn thấy có nhiều ý tưởng kinh doanh tốt khác. Vì phàm là người đã biết kinh doanh, thì nhìn đâu cũng thấy cơ hội và muốn thử sức ý tưởng này ý tưởng kia. Điều này dẫn đến lỗi sai lớn nhất mà các chủ doanh nghiệp hay mắc phải: Họ bị quá tải bởi những dự án khác nhau mà họ đang làm cùng một lúc. Ví dụ có những bạn làm internet marketing, họ bắt đầu xây dựng, và điều hành một loạt website để bán hàng. Xây dựng một website và tăng được lượng truy cập lớn nhất đã là một thách thức. Nhưng họ lại điều hành nhiều website cùng một lúc, thì khó có cái nào trở thành tốt nhất được và có lượng truy cập cao nhất. Nhưng tại sao họ vẫn làm thế? Vì họ có nhiều ý tưởng tốt khác nhau và đều muốn thử nghiệm cùng một lúc. Thường các doanh nghiệp phát triển được tầm 3 đến 5 năm rất hay rơi vào tình trạng mất tập trung như này, khi họ thấy nhiều ý tưởng kinh doanh tốt và tiềm năng khác.
Tập trung như thế nào?
Khi bắt đầu, phần lớn các doanh nhân thành công đều bắt đầu một công việc kinh doanh, sau đó có thể là hai. Có khi họ bắt đầu nhiều hơn một công việc kinh doanh vì đôi khi họ phải thử một số mới chọn được công việc kinh doanh đúng với họ. Tuy nhiên, họ thường không làm nhiều hơn một công việc kinh doanh cùng một lúc, mà làm từng thứ một. Richard Branson tập trung vào Virgin với âm nhạc trong 13 năm trước khi đầu tư mạo hiểm vào ngành hàng không.
Trên chương trình Charlie Rose, CEO của Apple, Tim Cook đã giải thích rằng một trong những nguyên tắc cơ bản của Steve Jobs nhất quyết thiết lập trong công ty là phải tập trung vào những gì bạn làm tốt nhất. “ Rất dễ để thêm cái nọ cái kia...Khó nhất là tập trung ”. Trong một cuộc phỏng vấn trên Fast Company, Tim Cook đã nói rằng “ Trong công nghệ, có những thứ định nghĩa thành công. Bao nhiêu click bạn có, bao nhiêu người dùng hoạt động, bao nhiêu hàng bạn đã bán? Steve không bao giờ rời xa những cái đó. Ông tập trung để làm tốt nhất ”. Steve Jobs đã một lần trả lời tạp chí Fortune “ Mọi người nghĩ rằng tập trung là nói ‘ có ’ với những thứ bạn phải tập trung. Nhưng không phải như vậy. Tập trung là nói ‘ không ’ với hàng trăm những ý tưởng tốt khác đang có . Bạn sẽ phải lựa chọn cẩn thận ”.
Tập trung là bạn xác định được cốt lõi giá trị gì từ sản phẩm và dịch vụ của bạn mà đã thu hút khách hàng đến, tức là điểm lợi thế bán hàng (selling point) của sản phẩm và dịch vụ của bạn là gì? Sau đó bạn tập trung vào: (1) cải thiện sản phẩm và dịch vụ để duy trì và củng cố những lợi thế bán hàng đó trở thành tốt nhất thị trường, (2) đồng thời mở rộng thị trường cho sản phẩm và dịch vụ đó.
Ví dụ: Chị bạn tôi kinh doanh với sản phẩm khóa học Ielts. Suốt cả 10 năm qua, chị chỉ tập trung vào cải thiện, nâng cao sản phẩm đó trở thành khóa học dạy Ielts tốt nhất thị trường. Sau đó, chị mở rộng từ một chi nhánh ở Hà Nội, sang nhiều chi nhánh hơn; sau đó phát triển vào Sài Gòn. Dần dần, chị có 8 chi nhánh ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Trước đây, chị tập trung vào khách hàng là sinh viên, những người chuẩn bị đi du học. Sau đó, thấy số lượng sinh viên đi du học hoặc làm việc dần bão hòa, doanh thu không tăng nhiều nữa, chị phát triển sản phẩm khóa học Ielts cho các em cấp 2 và cấp 3 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Suốt 10 năm, chị chưa bao giờ có ý định chuyển sang bất cứ ngành nào khác, mà chỉ tập trung vào cải thiện sản phẩm và nâng doanh số công ty.
Tập trung vào cái gốc cốt lõi của công việc kinh doanh của bạn. Giống như một cái cây, cây có thể lớn lên, có thêm cành thêm nhánh thêm hoa thêm quả, đều là nhờ gốc cây. Không chăm bón gốc thì cây không lớn. Bỏ quên gốc thì chẳng còn cành, nhánh, hoa quả nào sống nữa. Trong kinh doanh, có những việc bạn làm dù không tạo ra tiền trước mắt, như phải bỏ nhiều công sức tạo ra giá trị cho khách hàng, nhưng việc bạn làm chính là nền tảng để bạn thu hái thành quả sau này. Bạn phải tập trung vào củng cố nó. Bạn cũng cần tập trung vào những yếu tố chính ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình như: một mối quan hệ giúp bạn duy trì công việc kinh doanh hiện tại, yếu tố quan trọng nhất để duy trì tính hệ thống trong công việc kinh doanh của bạn…
Hãy chỉ thử sức kinh doanh thêm lĩnh vực khác, khi:
Hãy làm việc với toàn bộ sự tập trung, nỗ lực về tinh thần và thể chất của bạn. Hãy quan sát và học hỏi liên tục về công việc kinh doanh của bạn. Không ai có thể thành công nếu không hiểu rõ về công việc kinh doanh của chính mình. Và không ai có thể hiểu về công việc kinh doanh của chính mình nếu không tự áp dụng và trải nghiệm. Người chủ một công việc kinh doanh sẽ luôn học được một thứ gì mới về công việc của anh ta hàng ngày. Và dĩ nhiên anh ta cũng thấy mình có thể mắc vài lỗi sai hàng ngày. Và người thành công là người có thể nhìn nhận lỗi sai đó và nói rằng “Ồ, hôm nay tôi biết thêm một số thứ mới, và tôi sẽ không bị lừa như vậy nữa", “Ô, tôi biết thêm điều này, tôi sẽ phải chăm sóc khách hàng tốt hơn".
Thành công không bao giờ là sự ngẫu nhiên. Đó là sự lựa chọn.
BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG
Viết ra và dán trong phòng làm việc của bạn chữ “Tập trung, tập trung và tập trung".
• Bí quyết 5: Xây Dựng Hệ Thống Và Nhân Sự Hiệu Quả
Sau khi bắt đầu công việc kinh doanh được khoảng 3 năm, tôi thường hay gặp và nói chuyện với một người anh, một người thầy mà tôi rất ngưỡng mộ. Công ty của anh là một trong những công ty lớn nhất tại Hà Nội, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Lần nào gặp mặt, anh cũng nhắc đi nhắc lại “ Em phải quản trị nhân sự tốt, phải xây dựng hệ thống. Nếu không, em sẽ rất mệt và không đi xa được. Đến lúc cơ hội đến thì hệ thống không đáp ứng được ". Lần nào anh cũng nhắc như vậy, nhiều đến nỗi mà tôi cũng dần dần nhận thức là phải chú trọng hơn vào xây dựng hệ thống và nhân sự. Anh giải thích rất rõ cho tôi hệ thống là gì và tại sao cần hệ thống. Vì những bài học của anh, tôi cũng quyết định thuê chuyên gia tư vấn để xây dựng hệ thống trong công ty.
Hệ thống là gì?
Hệ thống là một bộ các quy trình có thể vận hành không cần có bạn.
Khi công việc kinh doanh phát triển hơn, bạn sẽ cần xây dựng hệ thống và quy trình để công việc kinh doanh càng chạy tự động được càng tốt. Để không phải mãi là nô lệ cho công việc kinh doanh của bạn, bạn cần hệ thống hóa.
Hệ thống cũng là các quy tắc, chính sách, quy định mà các nhân viên được đào tạo có thể thực hiện lặp đi lặp lại khi công ty phát triển và hoạt động mà không cần phụ thuộc vào bạn. Ví dụ về hệ thống như: hệ thống đào tạo nhận viên mới, hệ thống đánh giá nhân viên và lương thưởng, hệ thống marketing,...
Không công việc kinh doanh nào giống công việc kinh doanh nào. Mỗi lĩnh vực có đặc điểm riêng, đòi hỏi phương thức quản lý riêng. Bạn nên tham khảo cách hệ thống hóa của các doanh nghiệp cùng ngành để áp dụng cho công ty của mình. Chính xác hơn, để tiết kiệm thời gian, hãy học hỏi từ công ty lớn nhất trong ngành. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và công sức nghiên cứu và xây dựng các hệ thống quản lý, các quy trình từ đầu. Chúng ta có ô tô rồi thì không nên tự ngồi sáng tạo phát minh xe đạp. Ví dụ, tôi học được rất nhiều từ hệ thống marketing bán hàng, hệ thống nhân sự, Email marketing... từ đối tác chiến lược Success Resources. Bạn cũng có thể học hỏi quy trình hệ thống của các công ty lớn trên thế giới cùng lĩnh vực với bạn để áp dụng cho hệ thống của mình.
Tuy nhiên, bạn cùng đừng sa đà quá vào việc hệ thống từng chi tiết công việc kinh doanh của bạn. Có nhiều người quá tập trung vào hệ thống quy trình, mà quên mất việc bán hàng và tạo doanh thu. Quá trình hệ thống hóa là quá trình diễn ra dần dần, song song với quá trình phát triển của công ty. Không thể có mọi thứ hoàn hảo ngay phút ban đầu được. Và bản thân hệ thống cũng sẽ cần được thay đổi cho phù hợp khi xu hướng thị trường, tình hình phát triển của doanh nghiệp thay đổi. Hãy xây dựng những hệ thống quy trình nào liên quan đến bán hàng và tài chính trước.
Trong giai đoạn bắt đầu, hãy giữ một hệ thống đơn giản gọn nhẹ. Bạn chỉ cần có những hệ thống hiệu quả cần thiết để công ty chạy trôi chảy. Khi công ty bạn phát triển hơn, bạn có thể đưa vào những hệ thống phức tạp hơn.
Năm đầu tiên khi bạn làm kinh doanh, thành công thực ra dựa chính vào cá nhân bạn và sản phẩm. Sau năm đầu tiên kinh doanh, thành công của bạn được quyết định nhiều hơn bởi những người làm việc cho bạn. Vì thế, sau một năm kinh doanh, hãy ngừng việc cố gắng làm mọi thứ một mình. Nhiều người không thể quen với việc thay đổi này, và họ tiếp tục cố gắng làm mọi thứ, kết quả là công ty những năm sau đó tăng trưởng rất chậm và bản thân người chủ sẽ làm việc trong trạng thái rất mệt mỏi. Nếu hệ thống của bạn chạy không hiệu quả, bạn có thể bị cuốn vào việc sửa chữa những lỗi sai trong kinh doanh như khách hàng không hài lòng, sản phẩm lỗi, và bạn sẽ mất thời gian, bỏ qua nhiều cơ hội bên ngoài để phát triển doanh nghiệp.
Sau đây là một số quy trình quan trọng cho một công ty nhỏ và vừa mà bạn cần chú ý:
Hệ thống bán hàng
Khi bạn bắt đầu năm đầu tiên kinh doanh, bạn chắc chắn đã có thể tạo ra một quy trình bán hàng cho riêng mình. Hãy xem cách nào hiệu quả nhất và viết ra các bước. Bạn sẽ cần nó để đào tạo nhân viên bán hàng của bạn. Bạn có thể bổ sung điều chỉnh thêm quy trình này dựa vào giải pháp từ những nhân viên bán hàng giỏi của bạn. Quy trình sẽ bao gồm: các bước tiếp cận khách hàng và chốt sale, script nói chuyện với khách hàng, script giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, và một số lưu ý khác.
Hệ thống tài chính
Tuyển kế toán tốt và đào tạo họ thực hiện theo quy trình tài chính mà bạn đề ra. Thu chi thế nào, nộp tiền cho ai, ai là người cầm tiền mặt, vân vân. Và họ phải nộp báo cáo tài chính cho bạn theo dõi. Tất cả quy trình tài chính bạn đều cần chú ý, vì điều này rất quan trọng.
Hệ thống chăm sóc khách hàng
Khi đã có từ 6 nhân viên trở lên, đây là lúc bạn có thể xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng và lưu giữ thông tin khách hàng cơ bản. Một số hệ thống chăm sóc khách hàng tốt bạn có thể tham khảo: Nimble, Zoho CRM, Highrise, SugarCRM… Hoặc bạn có thể sử dụng phần mềm email marketing để làm hệ thống chăm sóc khách hàng vì các phần mềm hiện nay có thể tích hợp thêm các chức năng chăm sóc khách hàng.
Dù thế nào, danh sách khách hàng và khách hàng tiềm năng là tài sản của bạn. Làm thế nào để giữ liên hệ với khách hàng hiện tại và thuyết phục họ mua thêm từ bạn là quan trọng. Chi phí bỏ ra để có một khách hàng mới luôn nhiều hơn chi phí để bán cho một khách hàng cũ.
Hệ thống quản lý nhân viên
Về cơ bản, khi bắt đầu kinh doanh năm đầu tiên, hầu hết các công ty chỉ nên có hai người làm việc: bạn và một nhân viên kiêm kế toán, kiêm lễ tân tổng hợp kiêm chăm sóc khách hàng nữa. Đó thực tế là cách an toàn nhất để bắt đầu kinh doanh. Khi công việc và các cơ hội đến nhiều hơn, bạn bắt đầu tuyển thêm, thì hai vị trí quan trọng nhất là nhân viên bán hàng và kế toán.
Khi công việc nhiều hơn nữa, bạn đã có số lượng khách hàng nhất định. Tầm từ 3 năm hoạt động trở đi, thì bạn sẽ bắt đầu phải xây dựng hệ thống quản lý nhân viên. Bạn không thể làm tất cả mọi việc. Muốn đi xa bạn phải đi cùng nhiều người. Đội nhóm làm việc hiệu quả thì bạn càng đi xa nhanh hơn.
Có nhiều lý do tạo động lực cho một người làm việc - vì tiền, vì muốn được là một phần của đội nhóm, vì được chia sẻ sứ mệnh, vì cảm thấy thách thức, tạo được sự khác biệt tích cực, và vì hy vọng tài năng năng lực của họ được đánh giá cao. Hệ thống đãi ngộ không tài chính, như đi du lịch, cho đi học nước ngoài, v.v … cũng quan trọng như chế độ đãi ngộ tài chính vậy.
Có nhiều chế độ đãi ngộ tài chính khác nhau, bao gồm: lương, thưởng, tham gia vào công ty bằng quyền mua cổ phiếu, các gói đãi ngộ tài chính khác.
Khi bạn chỉ có một hay hai người trong công ty, quyết định lương thưởng khá đơn giản, và nhiều khi theo cảm tính, có thể dựa vào tình cảm, sự kết nối giữa bạn với nhân viên. Nhưng khi bạn có nhiều nhân viên làm việc cho mình hơn, bạn phải có chế độ lương thưởng ngày càng cụ thể và lượng hóa rõ ràng. Nếu không lượng hóa rõ ràng, nhân viên sẽ không biết tiêu chí gì đánh giá hiệu quả hoạt động của họ, dẫn đến mất động lực làm việc, thậm chí khó chịu ganh ghét nhau. Và người giỏi sẽ đi, còn người dốt ở lại công ty. Và người dốt ở lại thì hiệu quả hoạt động giảm đi, sản phẩm và dịch vụ dễ bị lỗi. Bạn lại là người phải đi sửa chữa lại. Ví dụ như nhân viên bán hàng không hiệu quả, nhân viên đặt vé máy bay sai,... đều sẽ dẫn đến tổn thất tài chính cho công ty.
Thông thường với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bạn hãy chỉ tuyển các vị trí thực sự cần thiết, đúng với nhu cầu phát triển của công ty. Và hãy trả lương tốt cho những người ở vị trí quan trọng. Bạn không thể cào bằng tiền lương.
Nếu bạn có một nhân sự tốt, hãy giữ họ lại hơn là thay đổi nhân sự liên tục. Những nhân sự tốt là những người luôn học hỏi, và bạn sẽ đạt được lợi ích từ sự trải nghiệm đó của họ theo năm tháng. Năm sau họ luôn tăng giá trị với bạn hơn so năm trước. Họ luôn là người cuối cùng ở đó với bạn, với thái độ sẵn sàng và trung thành. Nhưng nếu, khi họ có giá trị hơn, họ đòi hỏi nhiều hơn về tăng lương vì cho rằng bạn không thể làm gì nếu thiếu họ, hãy để họ đi. Tuy nhiên, nếu họ không đòi hỏi quá đáng, hãy giữ những người vừa có kinh nghiệm vừa thông minh lại, với mức lương tăng lên theo thời gian. Điều này vừa tốt cho họ, vừa tốt cho bạn.
Để khích lệ tinh thần nhân viên, bạn nên tập trung vào thưởng còn mức lương cơ bản thì hãy giữ cho không cao hơn thị trường chung, được xác định cố định và tăng dần theo năm. Nhân viên bán hàng thường sẽ có mức thưởng theo nhiều hình thức khác nhau nhất, vì họ thường là những cá nhân muốn được thưởng trên kết quả hoạt động của họ. Nên viết ra và công bố rõ chính sách lương thưởng cho nhân viên để họ có động lực phấn đấu. Tỷ lệ thưởng bao nhiêu tùy thuộc vào bạn.
Tại công ty tôi, ngoài lương cố định, mức thưởng dựa trên hiệu quả kinh doanh được tính như sau:
Nếu một dự án chương trình có lợi nhuận bằng hoặc lớn hơn 20% doanh thu thực tế của dự án:
Nếu một chương trình có lợi nhuận bằng 10% đến thấp hơn 20% doanh thu thực tế của chương trình:
Nếu một chương trình có lợi nhuận từ 5% đến thấp hơn 10% doanh thu thực tế của chương trình:
Nếu một chương trình có lợi nhuận dưới 5% doanh thu thực tế của chương trình:
Cộng tác viên và nhân viên bán thời gian có cơ chế lương riêng theo quy định khác.
Bạn nên có một khoản chia sẻ lợi nhuận cho mỗi nhân viên bằng một tỷ lệ % của lương tháng của họ được trả theo quý, sáu tháng hoặc một năm. Việc này giúp cho các nhà quản lý có thể gắn việc thưởng với kết quả hoạt động của mỗi người, của cả nhóm và công ty. Ví dụ: tháng lương 13 vào cuối năm.
Nhân viên có thể nhận thêm thưởng nếu công ty có kết quả hoạt động tốt. Thưởng của công ty nên có 50% dựa trên kết quả hoạt động của công ty, và 50% dựa trên kết quả hoạt động của cá nhân.
Bạn cũng có thể thưởng nhân viên bằng cách dành một phần cổ phiếu cho những thành viên cốt cán trong công ty. Phương án nhận thưởng bằng cổ phiếu, cũng là cách giữ những nhân viên giỏi ở lại làm việc lâu hơn.
Ở công ty của tôi, việc quản lý nhân sự chủ yếu dựa vào hiệu quả làm việc, không quan trọng hình thức và quá trình làm việc của nhân viên thế nào, quan trọng là đạt được kết quả như mục tiêu đề ra. Bởi vì tổ chức sự kiện hội thảo khóa học chủ yếu vào cuối tuần và buổi tối các ngày, nên thời gian làm việc ban ngày sẽ linh hoạt hơn cho các bạn.
Trong công ty tôi, việc đào tạo nhân sự thường được thực hiện qua các buổi họp, và thông qua công việc thực tế. Việc đào tạo thường xuyên giúp nhân viên luôn hiểu được định hướng của quản lý và công ty, từ đó thay đổi lại cách làm việc nếu chưa hiệu quả.
Chúng tôi cũng tạo sự gắn kết trong công ty bằng cách tạo một trang Whatsapp (một ứng dụng chat phổ biến) chung, đặt tên là Babylons Pro Team Home. Mọi thành viên trong công ty đều có thể nói chuyện, thông báo các vấn đề cho nhau qua trang Whatsapp này. Đây cũng là nơi các thành viên báo cáo kết quả hoạt động, và báo cáo các vấn đề khẩn cấp cần giải quyết. Vào cuối buổi chiều mỗi ngày làm việc, sẽ có đồ ăn nhẹ cho các bạn trong văn phòng, vừa nạp năng lượng, vừa nói chuyện tạo sự gần gũi gắn kết với nhau. Mỗi năm chúng tôi lại tổ chức cho toàn bộ công ty đi nghỉ một lần.
Hệ thống quản lý sản xuất
Nếu bạn cung cấp một sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng, thì thường sau khoảng 2 năm hoạt động, bạn cần có một quy trình sản xuất sản phẩm và dịch vụ, để đảm bảo sản phẩm hay dịch vụ đó không bị lỗi. Bạn cũng cần có người kiểm tra giám sát quá trình này.
Với công ty như chúng tôi, việc quản lý tổ chức hội thảo khóa học là rất quan trọng. Thường mỗi chương trình sẽ có một trưởng dự án - phụ trách chương trình. Người này sẽ phải phân công rõ ràng ai chăm sóc diễn giả, ai lo checklist, đặt vé máy bay... Thường chúng tôi có đối tác nước ngoài sẽ đến giúp quản lý quy trình sản xuất, để đảm bảo chương trình khóa học hội thảo theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, tôi cũng thường bất chợt kiểm tra quá trình tổ chức của các bạn trong công ty.
BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG
• Bí quyết 6: Xây Dựng Mối Quan Hệ
Tại sao cần xây dựng quan hệ?
Jim John đã từng nói: “ Chúng ta là trung bình của 5 người bạn mà chúng ta dành thời gian tiếp xúc ”. Nếu bạn nói cho tôi biết thu nhập của 5 người bạn mà bạn dành thời gian gần gũi nhiều nhất, tôi sẽ có thể nói thu nhập của bạn là bao nhiêu. Hãy đi tìm 5 người bạn đó của bạn. Chúng ta có thể quý mến rất nhiều người, nhưng chúng ta cần chọn lọc người mà chúng ta nói chuyện hàng ngày, vì họ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Hãy chọn những người luôn thúc đẩy, tạo động lực cho chúng ta, kéo chúng ta đến với thành công. Và chú ý tránh xa với những người suy nghĩ tiêu cực, có niềm tin hạn chế vì họ sẽ kéo bạn xuống thấp hoặc chỉ giữ bạn như bạn đang có hiện tại mà thôi. Và một trong những cách giàu có nhanh nhất là thay đổi 5 người bạn mà bạn hay nói chuyện và gần gũi, đó là những người thành công và giàu có hơn bạn.
Ví dụ, với tôi 5 người này là:
Để có cơ hội kinh doanh và đầu tư tốt, tìm được nguồn vốn hỗ trợ, cũng như thành công và giàu có, chúng ta phải biết xây dựng mối quan hệ, đặc biệt với những người thành công và giàu có. Nhưng quan trọng hơn, họ còn có thể tiếp thêm cho bạn niềm tin tích cực, tư duy tích cực, đam mê, tầm nhìn rộng mở và hướng đi. Có những người giàu và thành công không cho bạn cơ hội và tiền, nhưng cho bạn giấc mơ. Đó cũng là điều bạn phải cảm ơn họ. Đi với họ, giấc mơ và tầm nhìn của bạn trở nên lớn hơn. Qua đó, bạn học được ở họ tư duy, suy nghĩ của người giàu để thay thế những niềm tin tiêu cực đang cản bước bạn thành công và giàu có.
Tôi có một anh bạn, lúc nào anh cũng nói với tôi anh có chuyên cơ riêng, thì tự nhiên ước mơ có Roll Royces của tôi trở nên nhỏ bé. Rồi tôi bắt đầu mơ lớn hơn. Tự nhiên, suy nghĩ sẽ có chuyên cơ bay ra Phú Quốc với tôi trở nên rất gần. Khi gặp Richard Branson, tôi dám ước mơ bay vào vũ trụ, thay đổi lịch sử loài người. Rất nhiều người không bao giờ nghĩ đến giấc mơ đó, vì họ chẳng bao giờ gặp Richard Branson. Giấc mơ là điều quan trọng nhất để thúc đẩy bạn đi về phía trước – về phía chân trời rất xa và rộng mở đang chào đón bạn.
Ngoài ra, họ thường là người có năng lượng cao. Những khi mệt mỏi, nản chí, hay còn đang do dự chưa hành động, ở bên cạnh họ bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Những người thành công và giàu có thường hành động rất nhanh nếu họ thấy đó là cơ hội tốt. Ví dụ, có lần tôi quan sát và thấy có một cơ hội đầu tư rất tốt, mà tôi nghĩ là rất tiềm năng. Tuy nhiên, tôi khá do dự không biết có nên đầu tư hay không vì lý do này lý do kia do tôi tự đưa ra cho chính mình. Tôi quyết định mời chị bạn tôi đến xem cùng, chị mua ngay lập tức và khích lệ tôi mua. Tôi quyết định mua ngay không chần chừ nữa. Kết quả đầu tư của tôi tăng vốn gấp 3,75 lần trong 6 tháng, từ 8 tỷ lên 30 tỷ. Từ đó về sau, mọi quyết định đầu tư mỗi khi tôi chần chừ, tôi đều gọi chị bạn tôi đi cùng xem xét và quyết định. Và thường tôi nhanh chóng hành động ngay lập tức.
Khi tiếp xúc với họ, bạn có thể tìm ra được mẫu hình thành công cho mình. Bạn có biết sức mạnh của bắt chước (phương pháp modeling) không? Khi bạn muốn theo mô hình thành công của một ai đó, bạn sẽ có xu hướng có hành động, phong cách, tư duy, lời nói giống với họ. Càng đi với họ, càng bắt chước họ thì bạn càng dễ thành công giống họ hơn.
Làm thế nào để tìm được mô hình thành công cho riêng mình? Thực tế là mỗi người giàu và thành công có một công thức làm giàu và thành công riêng. Ví dụ: có người đưa công ty lên sàn, có người xây dựng công ty và bán, có người giữ công ty phát triển và xây dựng dòng tiền để đầu tư, có người xây dựng thương hiệu cá nhân và cũng trở nên giàu có, có người được thừa kế... Khi đi với họ, chúng ta cần quan sát công thức của họ, mấu chốt nào giúp họ giàu có, và đánh giá, cảm nhận ai là người phù hợp với mình nhất, là mô hình mình mong muốn nhất. Và hãy biến họ thành model thành công của bạn.
Sẽ khó để trở thành bạn của những người sở hữu 1.000 tỷ trong khi bạn không có đồng nào trong túi. Nếu bạn không thể thiết lập ngay mối quan hệ với ai giàu có đến vậy, hãy làm quen với người có 50 tỷ đồng trước. Khi bạn có 50 tỷ đồng, bạn có thể quen với người có 200 tỷ đồng trở lên. Và cứ thế, mối quan hệ của bạn ngày càng được nâng cấp lên. Trước đây khi tôi không có gì, tôi rất gần gũi và hay nói chuyện với những người có tầm 5 triệu đô. Khi tôi có nhiều tiền hơn, tự nhiên suy nghĩ của tôi đã hút được những người có 100 triệu đô trở lên.
3. chín nguyên tắc xây dựng quan hệ với người giàu và thành công
• Nguyên tắc 1: Luôn Suy Nghĩ Tích Cực Về Người Giàu Và Thành Công
Nếu trong đầu bạn có những suy nghĩ tiêu cực, không thích hay thậm chí ghét một người nào đó, bạn sẽ không thể gần gũi họ được. Có nhiều cách khác nhau để một người trở nên giàu có và thành công, dù tự thân hay có sự hỗ trợ, hãy luôn suy nghĩ tích cực về họ. Vì nếu không có tư duy của người giàu và thành công, thì dù trong một môi trường đầy cơ hội, họ cũng không thể nhận ra và nắm lấy để trở thành người giàu có và thành công như hiện tại.
• Nguyên tắc 2: Dành 20% Thu Nhập Để Xây Dựng Quan Hệ
Hãy mời ít nhất 2 người đi ăn trưa mỗi tháng. Hãy mời những người hiểu biết hơn, thành công hơn, giàu có hơn bạn hoặc những người có thể giúp bạn trong sự nghiệp sau này. Sau một năm, bạn đã có thêm ít nhất 24 mối quan hệ mới và những mối quan hệ này chắc chắn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho bạn. Bạn cũng xây dựng được cho mình một hình ảnh người tốt bụng và hào phóng.
Tất nhiên bạn phải là người trả tiền cho các bữa ăn đó, và hãy gọi nhiều đồ ăn nhé. Đừng ngồi tính toán khi gọi món, đừng để thiếu đồ ăn và khách bị đói. Họ sẽ chẳng bao giờ muốn giúp bạn, nếu ngay cả bữa ăn bạn cũng thể hiện sự keo kiệt.
• Nguyên tắc 3: Không Bao Giờ Đi Gặp Gỡ Tay Không
Một nguyên tắc hiệu quả khi xây dựng mối quan hệ với người khác là: không bao giờ đi tay không. Bất cứ ai bạn cần xây dựng mối quan hệ, luôn mang theo quà khi gặp họ. Quà có thể giá trị nhỏ hoặc lớn, tùy thời điểm và tình huống gặp. Nhưng nó sẽ khiến người đối diện luôn dễ chịu khi gặp bạn. Những khoảng cách ban đầu nhanh chóng được xóa bỏ. Ai cũng thích được nhận quà, tuy nhiên, đừng bao giờ tặng quà kém chất lượng hoặc cũ.
• Nguyên tắc 4: Sẵn Sàng Làm Việc Không Công
Khi bạn nghèo, đừng ngồi mãi ở nhà mà hãy ra ngoài nhiều hơn và hãy tiêu tiền cho người khác, đừng tính toán. Hãy ném mình ra ngoài và để người khác sử dụng bạn. Ưu tiên làm nhanh và hiệu quả tốt những việc họ nhờ bạn giúp đỡ. Sẵn sàng làm không công cho những người bạn cần xây dựng quan hệ. Nếu bạn vẫn không muốn phải bỏ sức mình ra làm không công cho những người giàu và thành công, tôi e rằng động lực làm giàu của bạn chưa đủ lớn. Trên đời này không có gì miễn phí, đừng đòi hỏi cuộc chơi công bằng khi bạn đang muốn học hỏi và kết thân với họ.
Tôi có một người bạn tỷ phú Indonesia. Năm 2003, khi đó ông muốn đưa các chương trình khóa học của đối tác tại Singapore về Indonesia, vì Indonesia có dân số gần 250 triệu người, là thị trường có sức tiêu thụ lớn và rất tiềm năng. Ông sang Singapore gặp đối tác, và sẵn sàng làm bất cứ việc gì hỗ trợ cho đối tác tại Singapore mà không tính toán bất cứ đồng nào. Cần người dịch, ông làm phiên dịch. Cần bán hàng, ông làm người bán hàng cho đối tác. Khi vợ ông hỏi ông rằng “ Tại sao anh cứ làm việc mà chẳng lấy đồng nào thế? ”. Ông trả lời rằng “ Vậy em muốn chồng em sẽ trở thành phiên dịch chuyên nghiệp toàn thời gian, hay sẽ trở thành doanh nhân thành công? ”. Và bạn biết không, hiện nay ông là một trong những tỷ phú hàng đầu Indonesia, chủ đầu tư của một loạt các dự án bất động sản và khách sạn.
Một người bạn tôi khi mới ra trường lập nghiệp cách đây 10 năm, đã sẵn sàng dạy gia sư không công cho con gái một anh Viện trưởng nổi tiếng tại Hà Nội. Suốt một năm, chị đến nhà anh để kèm cặp, giúp con gái anh đỗ trường cấp 3 tốt nhất Hà Nội, và sau đó đi du học. Sau đó, chị được anh hỗ trợ và xin được vị trí công việc mà chị yêu thích và mơ ước từ lâu. Từng có rất nhiều gia sư đến nhưng không giúp được cho con gái vị Viện trưởng kia, riêng chị đã quyết tâm tìm phương pháp giúp bé học tốt nhất. Tất nhiên, với suy nghĩ như thế, chị không chỉ thành công ở vị trí công việc đó mà đã trở thành một doanh nhân thành công sau này.
Nếu chúng ta chỉ nhìn lợi ích trước mắt - “ Tôi làm bằng này giờ, tôi phải được trả bằng này. Tôi bỏ công sức bằng này, tôi phải được trả công bằng này ” - mà không nhìn thấy lợi ích lâu dài của mối quan hệ, bạn sẽ chỉ trở thành “ người lao động chuyên nghiệp được trả công theo giờ và công sức ”. Và với tư duy đó, chúng ta cũng khó lòng xây dựng mối quan hệ với người giàu và thành công hơn chúng ta.
• Nguyên tắc 5: Biết Họ Cần Gì
Để hiểu đối tác hay người mà mình muốn tạo dựng quan hệ cần gì là một quá trình dài học hỏi. Có người với khả năng nhạy bén bẩm sinh sẽ hiểu khá nhanh suy nghĩ của người khác, nhưng đa số chúng ta đều cần phải học.
Nếu bạn tham gia các chương trình khóa học hay các sự kiện, hãy tham dự các sự kiện có nhiều người thành công và giàu có. Hãy ngồi ở vị trí xung quanh là người giàu và thành công. Hãy làm quen với họ và tìm hiểu xem họ cần gì.
Ví dụ với đối tác chiến lược, khi gặp họ lúc đầu, tôi cũng không hề có gì trong tay. Chỉ có hai thứ giúp tôi tiếp cận được với họ: niềm đam mê với những kiến thức tôi học được và sự chân thật. Cái họ cần là làm việc có hiệu quả và sự trung thành. Chương trình nào tôi cũng có mặt và đến gặp họ. Tôi nỗ lực hết sức để marketing cho chương trình. Và tôi cũng không bao giờ làm việc gì sau lưng đối tác. Trong mọi tình huống, đều làm sao để cả hai bên cùng có lợi.
Khách hàng của chúng tôi có rất nhiều người thành công và giàu có. Nhiều người thích các chương trình khóa học của chúng tôi, họ nói rằng những kiến thức đó thực sự hữu ích cho họ. Đối với anh chị khách hàng như vậy, tôi đều tạo cơ hội để họ gặp được diễn giả - những người họ ngưỡng mộ, hay học thêm những chương trình khác. Khi họ cần gì, tôi đều đáp ứng rất nhanh nếu khả năng của tôi có thể làm được việc đó. Sau đó, chúng tôi trở thành đối tác hoặc bạn bè của nhau.
Trong mọi mối quan hệ, để họ chia sẻ cơ hội với bạn hay hợp tác mang lại cho bạn lợi ích lâu dài, bạn phải luôn thể hiện sự trước sau như một với đối tác của mình. Đừng nhìn thấy lợi ích trước mắt và làm việc sau lưng đối tác. Dù đối tác có thể không biết ngay lúc đó, sau này họ cũng biết hoặc cảm nhận được. Quan hệ con người không hề chỉ là ngôn từ lời nói, mà là sự cảm nhận về năng lượng của nhau. Không ai muốn làm việc, chia sẻ cơ hội với người quá khôn ngoan hơn mình hay làm việc sau lưng mình.
• Nguyên tắc 6: Chú Ý Bề Ngoài
Dù bạn tiết kiệm, nhưng nên có một bộ đồ gọn gàng, chỉn chu, sang trọng cho mình khi tạo mối quan hệ. Đó cũng là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với đối tác và người mình gặp. Ví dụ từ khi làm kinh doanh đến giờ, hầu hết thời gian tôi đều mặc vest - giầy Âu. Song cũng đừng mua đồ quá sức chi tiêu của bạn. Ví dụ nếu có 10 tỷ, bạn có thể mua đồ hiệu Hermes hay Louis Vuitton, nhưng nếu bạn chỉ có 1 tỷ đồng, hãy mua đồ Charles and Keith. Bạn phải cho họ nhìn thấy hình ảnh một người xứng đáng để họ giúp đỡ. Người giàu sẽ không muốn nói chuyện với một người ăn mặc lôi thôi, tóc tai bù xù, trừ khi người đó… giàu hơn họ. Những người giàu đều muốn giao tiếp và quan hệ với người giàu. Khi bạn có nhiều tiền hơn, bạn cần chú ý bề ngoài của mình khi gặp họ.
• Nguyên tắc 7: Xuất Hiện Đã Là Thành Công Một Nửa
Nếu bạn chưa bao giờ có một mối quan hệ nào với người giàu và thành công, chưa bao giờ tự tin tiếp xúc với những người giàu và thành công, và chưa biết cách nào tiếp cận họ, thì đây là lời khuyên của tôi: Xuất hiện là đã thành công một nửa. Bạn cần có mặt và hòa mình vào những nơi người giàu và thành công hoặc người bạn cần tạo quan hệ cho công việc kinh doanh sau này của bạn.
Hãy bình lặng quan sát xung quanh, và dần dần bạn sẽ học được cách tiếp cận như thế nào. Việc xuất hiện nhiều lần sẽ dần cho bạn cảm giác tự tin lên nhiều. Giống như việc nếu bạn chưa bao giờ vào khách sạn 5 sao, một cửa hàng hay quán ăn sang trọng, lần đầu tiên bước chân vào thật khó khăn và lo lắng, và cảm giác đấy không phải nơi thuộc về mình. Nhưng nếu bạn kiên trì đến đó, ép mình ra khỏi vùng thoải mái một chút, sau 5 lần, bạn thấy nơi đó hoàn toàn quen thuộc, đó là thế giới của bạn. Bạn sẽ biết đến đó cần mặc gì, nói gì và nói với ai.
• Nguyên tắc 8: Kiên Trì
Nếu bạn đã cố gắng mọi cách trên mà vẫn không thể xây dựng quan hệ tốt với một người, đừng nản chí. Hãy thử đi tìm những người khác. Vì thế trong 24 người giàu và thành công bạn mời đi ăn trong một năm, bạn có thể tạo dựng được mối quan hệ tốt với hai người, thì đã là một thành công lớn.
Đôi khi, sự xuất hiện của bạn có thể làm một số người khó chịu. Đừng ngại, họ khó chịu vì bạn chưa biết cách để nói chuyện và làm họ hài lòng. Hãy học hỏi và bạn sẽ biết cách làm bạn với họ.
Phần lớn người giàu và thành công không quan tâm và không muốn làm bạn với bạn. Đó là sự thật. Vì phần lớn họ cũng chỉ muốn gặp người giàu và thành công như họ hoặc hơn họ. Nhiều khi bạn mời ăn trưa, họ có thể không muốn đi ăn với bạn. Nên nếu ngày hôm nay, bạn mời hai người đi ăn với bạn và họ từ chối, họ không muốn đi ăn, làm quen, nói chuyện với bạn, đó là chuyện hết sức bình thường. Khi tôi không có gì cả, tôi tiếp cận với 10 người thì 9 người từ chối, chỉ có 1 người muốn giúp đỡ tôi.
Khi tôi tay trắng, tôi muốn làm quen với một anh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty, người có nhiều tòa nhà lớn ở Hà Nội, và anh cũng sở hữu một trường đại học nữa. Mặc dù tôi rất khát khao làm quen với anh, nhưng anh không muốn làm quen với tôi. Tôi viết email thể hiện sự ngưỡng mộ anh, không thấy anh trả lời. Vợ anh ấy đọc nhưng không gửi cho chồng xem. Nhưng tôi cũng không hề nản chí. Có một chị chuyên kinh doanh bất động sản rất thành công. Lúc đó, tôi chỉ muốn đi theo, tôn chị làm sư phụ. Nhưng càng cố gắng làm thân, chị càng đẩy tôi ra ngoài, chị không muốn làm thân với tôi. Sau một thời gian cố gắng, tôi lại đi tìm người khác.
Giống như trong câu chuyện cổ tích, bạn hôn 10 con cóc thì mới có thể gặp hoàng tử. Chỉ cần một người dang tay giúp đỡ, cho bạn niềm tin và tầm nhìn, bạn đã thành công với việc gặp gỡ người giàu và thành công rồi.
Hãy kiên trì, hãy tiếp tục gõ cửa, tiếp tục làm quen. Và chuẩn bị tâm lý thoải mái cho sự từ chối.
• Nguyên tắc 9: Chính Phủ - Người Bạn Khổng Lồ
Bạn cần có thái độ tích cực trong mối quan hệ với chính phủ và những người làm trong chính phủ. Đừng bao giờ thể hiện thái độ tiêu cực với họ. Dù trong bất cứ hệ thống chính trị nào trên thế giới, những doanh nghiệp lớn và thành công nhất đều có sự hậu thuẫn nhất định từ chính phủ. VietJet Air đã ký hợp đồng mua thêm máy bay Boeing trong cuộc gặp giữa Obama và chính phủ Việt Nam năm 2016. Việc này có vẻ có lợi cho cả hai phía VietJet Air và Boeing. Ngay cả bạn là doanh nghiệp nhỏ, sự tác động và đòn bẩy của các quan hệ với chính phủ tới sự phát triển của doanh nghiệp là không thể phủ nhận.
Nhiều người giữ thái độ tiêu cực với các vấn đề liên quan đến chính phủ như tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, song, có hai điều tôi muốn nói ở đây. Thứ nhất, dù bạn có khó chịu thì bạn cũng không thể một mình thay đổi được điều gì hết. Bạn chỉ là một cá nhân nhỏ bé và đó là người khổng lồ mà chúng ta cần đứng trên vai. Nếu bạn có tâm và muốn thay đổi những vấn đề xã hội tích cực hơn, hãy trở thành người khổng lồ đi. Mà muốn trở thành người khổng lồ, bạn phải hiểu cách làm việc của chính phủ và tận dụng các mối quan hệ với chính phủ để biến mình thành người khổng lồ. Từ đó, bạn có thể tác động tới các vấn đề trong xã hội. Thứ hai, khi có thái độ tiêu cực, bạn càng tự đẩy bạn ra khỏi các mối quan hệ với chính quyền, khi đó sẽ chẳng ai muốn giúp bạn cả.
Nhiều người ca thán với tôi rất nhiều về các mặt xấu của xã hội Việt Nam, họ ngồi đó bất bình với các vấn đề đó và đổ lỗi cho hệ thống chính trị, pháp luật ở Việt Nam khiến họ không thể thành công. Và họ không làm gì cả hoặc vừa làm vừa khó chịu với thái độ tiêu cực, và nhiều người đã chết đi mà vẫn nghèo như thế.
Nhiều người nước ngoài, hoặc Việt kiều từ nước ngoài về khó chịu với hệ thống của Việt Nam. Chúng ta ở Việt Nam thì không thể kinh doanh theo kiểu ở Úc hay Mỹ, nhập gia tùy tục. Và là người Việt Nam, tôi tin rằng chẳng ở đâu có nhiều cơ hội cho chúng ta bằng ở Việt Nam hiện nay, khi hệ thống chưa hoàn thiện và nhiều vấn đề cần cải cách. Khi bạn giải quyết càng nhiều vấn đề của xã hội thì bạn sẽ có cơ hội trở nên giàu có.
Một dòng chảy lớn, nếu bạn bơi theo hướng của dòng chảy thì bạn vừa ít tốn sức vừa bơi nhanh. Nếu bạn cố bơi ngược dòng thì bạn sẽ đuối sức nhanh, và đi rất chậm hoặc giậm chận tại chỗ, hoặc chẳng đi đến đâu cả, trừ khi bạn có thuyền lớn hoặc có sức mạnh đủ lớn để tác động thay đổi chiều dòng nước. Tương tự như vậy, bạn đi với người khổng lồ và bạn đi đúng xu hướng quy luật thì bao giờ bạn cũng đi nhanh hơn.
BÀI TẬP HÀNH ĐỘNG
Mỗi tháng hãy mời HAI người thành công và giàu có hơn bạn đi ăn.
công thức làm giàu 6
Gần gũi là sức mạnh