HÃY NHẮC NHỞ BẢN THÂN MỘT LẦN NỮA rằng không phải bạn bị kéo lên bởi những bậc thang thành công cao hơn, mà bạn được nâng lên vị trí đó bởi đồng nghiệp và nhân viên của bạn.
Để đạt được thành công đỉnh cao, bạn cần có sự ủng hộ và hợp tác của mọi người. Và để kêu gọi được sự ủng hộ và hợp tác đó, bạn phải có khả năng lãnh đạo. Khả năng lãnh đạo người khác và khả năng dẫn dắt mọi người cùng làm việc (mà nếu không được chỉ đạo thì họ sẽ không làm) luôn đi cùng với nhau.
Những nguyên tắc xây dựng thành công (được giải thích trong các chương trước) là những công cụ thực sự có giá trị giúp bạn phát triển, tăng cường năng lực lãnh đạo của mình. Chúng tôi muốn đưa ra bốn nguyên tắc lãnh đạo đặc biệt để giúp mọi người cùng làm việc trong kinh doanh, trong các câu lạc bộ cộng đông, trong gia đình hay ở bất cứ nơi nào có con người.
Bốn nguyên tắc lãnh đạo đó là:
1. Trao đổi ý tưởng, suy nghĩ, quan điểm với những người bạn muốn gây ảnh hưởng.
2. Suy ngẫm: Thông thường mọi người sẽ làm cách nào để giải quyết vấn đề này?
3. Nghĩ về sự tiến bộ, tin vào sự tiến bộ và luôn cố gắng hết mình để tiến bộ.
4. Dành thời gian tự trao đổi, tranh luận với bản thân và phát triển khả năng suy nghĩ của bạn một cách tối đa.
Việc áp dụng bốn nguyên tắc trên sẽ giúp bạn đạt được điều mà bạn mong muốn: khả năng lãnh đạo.
Hãy xem chúng ta có thể làm điều này như thế nào.
NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO SỐ 1:
HÃY TRAO ĐỔI Ý TƯỞNG, SUY NGHĨ, QUAN ĐIỂM VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN MUỐN GÂY ẢNH HƯỞNG
Trao đổi suy nghĩ với những người bạn muốn gây ảnh hưởng là một phương pháp thần kỳ để khiến người khác - bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, nhân viên - ứng xử theo cách bạn mong muốn. Hãy xem xét hai ví dụ sau:
Ví dụ 1:
Ted B là biên tập viên và đạo diễn các chương trình quảng cáo truyền hình của một công ty quảng cáo danh tiếng. Khi công ty ký được hợp đồng với một khách hàng mới - một hãng sản xuất giày trẻ em, Ted được giao nhiệm vụ sản xuất một số đoạn phim quảng cáo trên truyền hình.
Khoảng một tháng sau khi chiến dịch quảng cáo tung ra, mọi người bắt đầu nhận ra chiến dịch đó hầu như chẳng hề giúp tăng "lượng sản phẩm bán ra"tại các cửa hàng bán lẻ. Mọi chú ý đều dồn vào những đoạn quảng cáo trên truyền hình, vì tại hầu hết các thành phố, công ty chỉ sử dụng hình thức quảng cáo trên truyền hình mà thôi.
Qua một cuộc điều tra khán giả truyền hình, công ty biết được khoảng 4% ý kiến cho rằng đó là một quảng cáo tuyệt vời, "một trong những quảng cáo hay nhất". Còn lại 96% hoặc chẳng quan tâm gì, hoặc cho đó là một quảng cáo "tệ hại". Người ta nêu ra hàng trăm lời nhận xét như: "Mẩu quảng cáo đó thật kỳ quặc. Giai điệu của nó giống hệt như của một ban nhạc New Orleans vào lúc 3 giờ sáng vậy", "Mấy đứa trẻ nhà tôi rất thích xem quảng cáo, nhưng cứ mỗi khi có đoạn quảng cáo giày đó là chúng lại bỏ vào nhà tắm hoặc đi kiếm đồ ăn thức uống trong tủ lạnh","Tôi nghĩ nó tạo cảm giác bề trên", "Nó khiến tôi cảm thấy ai đó đang cố để tỏ ra thông minh hơn".
Khi tổng hợp tất cả những đoạn phỏng vấn lại, phân tích kỹ càng, chúng tôi đã phát hiện một điều khá thú vị: 4% những người ưa thích đoạn phim quảng cáo đó là những người có nhiều nét tương đồng với Ted về thu nhập, trình độ học vấn, sự từng trải hay những sở thích khác; 96% còn lại hoàn toàn thuộc các tầng lớp kinh tế xã hội khác.
Chiến dịch quảng cáo của Ted, mặc dù rất tốn kém, nhưng đã thất bại vì anh chỉ nghĩ đến sở thích hay các mối quan tâm của mình. Anh đã chuẩn bị đoạn quảng cáo đó theo cách nghĩ của chính anh khi đi mua giày, chứ không theo ý kiến của đa số người khác. Anh tạo ra những đoạn quảng cáo chỉ làm vừa lòng cá nhân anh, chứ không làm hài lòng mọi người.
Kết quả có lẽ sẽ khác rất nhiều, nếu như Ted đặt suy nghĩ của mình vào đa số những người bình thường khác và trả lời hai câu hỏi: "Nếu mình là bậc phụ huynh, đoạn phim quảng cáo thế nào sẽ khiến mình muốn mua những đôi giày đó?", "Nếu mình là một đứa trẻ, đoạn phim quảng cáo thế nào sẽ khiến mình xin bố mẹ mua cho đôi giày đó?".
Ví dụ 2:
Joan là một cô gái 24 tuổi, thông minh, hấp dẫn, được giáo dục nghiêm túc. Tốt nghiệp đại học, Joan tìm được chân bán hàng tại một cửa hàng quần áo may sẵn giá rẻ. Cô đã từng được nhận xét rất tốt khi còn học ở trường. Một bức thư giới thiệu cô viết rằng: "Joan là người có khát vọng, tài năng và rất nhiệt tình. Cô ấy chắc chắn sẽ đạt được những thành công lớn".
Nhưng Joan đã không thể đạt được thành công như mong đợi. Cô chỉ làm công việc đó trong tám tháng, và rồi bỏ việc để tìm một công việc khác.
Tôi có quen biết khá thân với một khách hàng của cô ấy, và một ngày kia tôi hỏi anh ấy điều gì đã xảy ra với Joan tại cửa hàng quần áo may sẵn đó.
Anh trả lời: "Joan là một cô gái tốt, nhưng cô ấy có một hạn chế rất lớn".
"Đó là gì vậy?"- Tôi hỏi.
"À, Joan luôn luôn mua những mặt hàng mà cô ấy thích để bày bán, nhưng đa số khách hàng lại không thích. Cô ấy lựa chọn phong cách, màu sắc, chất liệu và giá cả hoàn toàn theo sở thích cá nhân, mà không hề đặt mình vào vị trí của khách hàng. Khi tôi góp ý với cô ấy về một mặt hàng có lẽ không phù hợp với chúng tôi, cô ấy trả lời: Ồ, mọi người sẽ thích chứ. Tôi rất thích, tôi nghĩ mặt hàng này sẽ bán rất chạy đấy.
Joan được nuôi dưỡng trong một gia đình khá giả. Cô ấy chỉ quan tâm đến chất lượng. Giá cả không phải là điều quan trọng đối với cô ấy. Cô ấy không nhìn trang phục bằng con mắt của những người có thu nhập thấp và trung bình. Vì vậy, những mặt hàng cô ấy bày bán không phù hợp với họ."
Điểm mấu chốt ở đây là: để khiến cho người khác làm những việc mà bạn muốn, bạn phải nhìn mọi thứ bằng con mắt của họ. Khi bạn trao đổi suy nghĩ, ý tưởng, "chiếc chìa khóa" để tạo ảnh hưởng tới người khác một cách hiệu quả sẽ xuất hiện! Một người bạn rất thành công trong nghề bán hàng đã cho tôi biết, trước khi giới thiệu một sản phẩm tới khách hàng, anh ấy phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu xem khách hàng sẽ phản ứng thế nào với lời giới thiệu của mình. Trao đổi suy nghĩ với cử tọa sẽ giúp diễn giả có được bài thuyết trình thú vị và hiệu quả hơn. Trao đổi suy nghĩ với nhân viên sẽ giúp người quản lý có được những lời chỉ dẫn phù hợp, hiệu quả hơn.
Vô số ứng cử viên chính trị thất bại trong bầu cử, vì họ không thể nhìn chính mình bằng con mắt và suy nghĩ của những cử tri thông thường. Một ứng cử viên cho một chức vụ trong chính phủ, mặc dù về năng lực anh ta hoàn toàn có thể sánh ngang với đối thủ nhưng anh ta vẫn thất bại, chỉ bởi một lý do: Anh ta sử dụng những từ ngữ mà chỉ một số ít cử tri có thể hiểu được.
Ngược lại, đối thủ của anh ta chú ý đến những mối quan tâm của cử tri. Khi anh ta nói chuyện với nông dân, anh ta dùng ngôn ngữ của họ. Khi nói chuyện với công nhân nhà máy, anh sử dụng những từ ngữ mà họ cảm thấy quen thuộc. Khi phát biểu trên truyền hình, anh tự coi mình là một cử tri phổ thông, chứ không phải một giáo sư đại học.
Hãy luôn ghi nhớ câu hỏi này: "Tôi sẽ nghĩ ra sao, nếu tôi đổi vị trí cho một người khác?". Điều đó dẫn đường cho những hành động mang lại thành công cho bạn.
Chú ý đến mối quan tâm của những người mà bạn muốn gây ảnh hưởng là nguyên tắc tư duy rất tốt trong mọi trường hợp. Vài năm trước, một hãng sản xuất hàng điện tử nhỏ đã cho ra mắt một sản phẩm cầu chì không bao giờ bị nổ. Họ đưa giá sản phẩm là 1,25 đô la và thuê một công ty quảng cáo để quảng bá cho nó.
Vị giám đốc được giao phụ trách việc quảng cáo đó, ngay lập tức tỏ ra rất xông xáo, nhiệt tình. Kế hoạch của anh ta là phủ kín toàn quốc với hàng loạt quảng cáo trên truyền hình, radio và báo chí. Anh ta nói: "Đúng như vậy. Chúng ta sẽ bán được mười triệu sản phẩm chỉ trong năm đầu tiên". Các vị cố vấn cảnh báo anh ta với lời giải thích: sản phẩm cầu chì không phải là mặt hàng thông dụng, chúng cũng không có sức cuốn hút đặc biệt nào và tầng lớp bình dân vẫn thường chọn mua loại rẻ nhất. Họ khuyên: "Tại sao chúng ta không chọn bán chúng cho những người có thu nhập cao?".
Nhưng những khuyến cáo của họ đã bị bác bỏ, chiến dịch quảng cáo khổng lồ trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn được tiến hành. Chiến dịch đó chỉ được hoãn lại sáu tuần sau đó, vì "kết quả đáng thất vọng".
Vấn đề ở đây là: người phụ trách quảng cáo đã xem xét sản phẩm cầu chì giá cao đó với con mắt cá nhân, con mắt của những người có thu nhập cao. Anh ta không nhìn sản phẩm bằng con mắt của những người có mức thu nhập bình thường. Nếu anh ta đặt mình vào vị trí của họ, anh ta sẽ khôn ngoan chuyển hướng quảng cáo đến tầng lớp thu nhập cao hơn, và chiến dịch sẽ không gặp phải thất bại như vậy.
Hãy phát triển khả năng trao đổi suy nghĩ, ý tưởng với những người mà bạn muốn gây ảnh hưởng. Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn điều đó.
BÀI TẬP TRAO ĐỔI CÁCH NGHĨ VỚI NGƯỜI KHÁC
Hãy để cho nguyên tắc trao đổi suy nghĩ giúp bạn thành công.
1. Hãy để ý đến hoàn cảnh của người khác. Đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ và nói theo cách của họ. Hãy nhớ rằng, những mối quan tâm, thu nhập, sự thông minh hay nền tảng gia đình của họ có thể khác bạn rất nhiều.
2. Bây giờ, hãy tự hỏi: "Nếu mình ở trong hoàn cảnh của họ, mình sẽ phản ứng thế nào?" (bất kể là bạn muốn người khác làm gì).
3. Sau đó hãy thực hiện những hành động để khuyến khích bạn, nếu bạn là người đó.
NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO SỐ 2:
ĐÂU LÀ CÁCH MỌI NGƯỜI THƯỜNG LÀM ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NÀY?
Có rất nhiều cách nhìn khác nhau về một vị trí lãnh đạo. Một trong những quan niệm đó là nhìn lãnh đạo ở vị trí của người ra lệnh. Một người ra lệnh sẽ luôn tự quyết định tất cả mọi việc mà không hề tham khảo ý kiến của những người liên quan. Anh ta từ chối nghe bất kỳ một câu hỏi hay ý kiến nào từ cấp dưới, vì trong sâu thẳm, có lẽ anh ta e ngại cấp dưới của mình sẽ đúng, khiến anh ta bị mất thể diện.
Một người chỉ biết ra lệnh sẽ không trụ được lâu. Nhân viên có thể giả vờ trung thành trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sự bất mãn sẽ sớm xuất hiện và ngày càng tích tụ thêm. Một vài nhân viên giỏi nhất sẽ bỏ đi, những người ở lại sẽ cùng hợp sức và tìm cách chống lại kẻ độc tài. Kết quả là phòng ban hay công ty sẽ không thể hoạt động suôn sẻ được.
Phương thức lãnh đạo thứ hai là cách lãnh đạo lạnh lùng, máy móc, luôn-tuân-theo-các-nguyên-tắc-cứng-nhắc. Những người sử dụng phương thức này luôn giải quyết mọi việc hệt như sách đã dạy. Họ không biết rằng bất cứ nguyên tắc hay kế hoạch nào, nói cho cùng, cũng chỉ là hướng dẫn trong những trường hợp thông thường. Những người lãnh đạo kiểu này sẽ đối xử với nhân viên như những cỗ máy. Trong tất cả những điều mà con người không thích, có lẽ điều không ưa thích nhất là bị đối xử như những cỗ máy. Một người lãnh đạo lạnh lùng, chỉ xét đến hiệu quả mà không có tình người không phải là một người lãnh đạo giỏi. Những "cỗ máy"làm việc cho anh ta chỉ có thể phát huy một phần năng lượng của mình mà thôi.
Những người đạt được thành công vượt trội trong lãnh đạo thường sử dụng một phương pháp mà chúng tôi xem là "rất nhân văn".
Trước đây, tôi rất thân với John S., giám đốc bộ phận phát triển kỹ thuật của một công ty sản xuất nhôm lớn. Anh ta sử dụng rất thành thạo phương pháp "nhân văn"và nhận được những kết quả xứng đáng. Bằng rất nhiều cách khác nhau, anh khiến cho mọi hành động của mình toát lên thông điệp: "Bạn là một con người. Tôi luôn tôn trọng bạn. Tôi ở đây để giúp bạn bằng bất cứ cách nào mà tôi có thể".
Khi có người ở thành phố khác mới chuyển về bộ phận của John, dù gặp khá nhiều khó khăn, nhưng John cố gắng tìm cho nhân viên mới một ngôi nhà thích hợp.
Cùng với thư ký và hai nữ nhân viên khác nữa, anh tổ chức những bữa tiệc sinh nhật cho các nhân viên dưới quyền. Khoảng ba mươi phút dành cho bữa tiệc, thực ra, không phải chi phí mà là một khoản đầu tư để có được sự trung thành và năng suất làm việc cao hơn.
Khi John biết một trong những nhân viên của anh theo một tín ngưỡng thiểu số, anh cho gọi anh ta lên, và giải thích rằng anh có thể sắp xếp cho anh ta nghỉ theo đúng lịch của tôn giáo, mặc dù không trùng với những kỳ nghỉ thông thường.
Khi một nhân viên hay thậm chí người nhà của họ bị bệnh, John đều nhớ cả. Anh trực tiếp động viên, khen ngợi họ vì nỗ lực hoàn thành công việc của mình.
Nhưng minh chứng rõ nhất cho triết lý lãnh đạo nhân văn của John thể hiện ở cách anh giải quyết những vấn đề liên quan đến việc cho nhân viên nghỉ việc. Một trong những nhân viên mà người tiền nhiệm của John đã thuê thiếu kỹ năng và mối quan tâm tới công việc được giao. John đã giải quyết vấn đề thật xuất sắc. Anh không dùng cách thông thường là gọi người đó lên văn phòng, thông báo anh ta bị đuổi việc và cho anh ta 15-30 ngày để bàn giao công việc.
Thay vì thế, anh làm hai việc. Đầu tiên, John phân tích lợi ích cho nhân viên đó nếu anh ta tìm nơi làm việc khác mà khả năng và mối quan tâm của anh ta sẽ hữu dụng hơn. Anh giới thiệu nhân viên đó đến một nhà tư vấn hướng nghiệp có tiếng. Sau đó, anh giúp nhân viên đó tìm một công việc khác bằng cách sắp xếp cho anh ta một cuộc phỏng vấn với giám đốc của các công ty khác, nơi cần đến những kỹ năng của anh ta. Chỉ 18 ngày sau khi bị "đuổi việc", nhân viên đó đã tìm được một vị trí đầy hứa hẹn khác.
Câu chuyện đó khiến tôi rất tò mò, vì thế tôi hỏi John đã nghĩ gì khi làm vậy. Anh giải thích: "Có một câu châm ngôn mà tôi luôn tâm niệm: Phải có trách nhiệm bảo vệ cấp dưới. Ngay từ đầu, lẽ ra chúng tôi không nên thuê nhân viên đó vì anh ta không phù hợp. Nhưng vì chúng tôi đã thuê anh ta, vì vậy, điều tối thiểu tôi có thể làm được là giúp anh ta ổn định lại cuộc sống.
John tiếp tục: "Bất kỳ ai cũng có thể thuê người làm. Nhưng để kiểm chứng khả năng lãnh đạo, ta phải nhìn vào cách họ xử lý đối với những nhân viên bị thôi việc. Bằng cách giúp họ ổn định lại trước khi rời công ty, chúng tôi tạo dựng cảm giác an toàn cho những người còn lại trong công ty. Họ nhìn thấy một minh chứng rằng không ai bị đá ra ngoài đường một khi tôi còn ở đây".
Không hề mắc phải một sai lầm nào, triết lý lãnh đạo nhân văn của John đã được đền đáp tương xứng. Không hề có những "bàn ra tán vào"nào sau lưng, anh nhận được sự trung thành và hỗ trợ tuyệt đối từ nhân viên. Anh có được sự bảo đảm an toàn lớn nhất, bằng việc mang lại cho nhân viên của mình sự an toàn.
Tôi quen Bob W. Bob, một người xấp xỉ 60 tuổi, suốt mười lăm năm qua. Ông ấy từng gặp phải nhiều khó khăn trong sự nghiệp. Bob từng mất việc và trở nên thất nghiệp, hơn thế nữa, ông không có kiến thức cũng chẳng có tiền bạc. Nhưng Bob là một người luôn biết cố gắng. Không chịu cảnh thất nghiệp, Bob mở một cửa hàng bàn ghế, màn thảm trong ga-ra xe của mình. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi, việc buôn bán làm ăn của ông ngày càng phát triển và giờ đây, nó đã trở thành một xưởng sản xuất đồ nội thất hiện đại, với hơn ba trăm công nhân.
Bob giờ đây đã là triệu phú. Tiền bạc, của cải vật chất không còn là nỗi lo của ông nữa. Nhưng Bob còn giàu có theo một cách khác. Ông còn là triệu phú về tình bạn, sự hài lòng và mãn nguyện.
Trong những phẩm chất tốt đẹp của Bob, nổi bật hẳn lên là mong ước được giúp đỡ mọi người. Bob rất nhân ái trong đối xử với người khác theo cách mà con người nói chung luôn mong muốn được đối xử.
Một lần, tôi và Bob thảo luận về vấn đề phê bình người khác. Bob nói: "Tôi nghĩ anh không thể tìm thấy ai đó đánh giá tôi ủy mị, yếu đuối. Tôi điều hành một doanh nghiệp. Khi một việc gì đó không đúng xảy ra, tôi phải điều chỉnh. Điều quan trọng là cách tôi sửa chữa nó như thế nào. Nếu nhân viên của tôi làm điều gì sai hay mắc phải lỗi nào đó, tôi cẩn thận để không làm tổn thương hoặc khiến họ xấu hổ, cảm thấy bất tài. Tôi chỉ áp dụng vài bước đơn giản sau đây:
Trước hết, tôi nói chuyện riêng với họ.
Thứ hai, tôi khen ngợi họ vì những nhiệm vụ mà họ đã hoàn thành rất tốt.
Thứ ba, tôi cho biết hiện nay có một việc họ có thể làm tốt hơn, và tôi sẽ giúp họ tìm ra cách để thực hiện điều đó.
Thứ tư, tôi khen ngợi họ lần nữa, nhất là những điểm tốt của họ.
Và công thức 4 bước này đã có tác dụng. Khi tôi thực hiện công thức đó, mọi người cám ơn vì tôi đã tìm ra đúng cách họ thích. Khi họ bước ra khỏi văn phòng của tôi, họ được nhắc nhở họ không chỉ làm khá tốt, mà thậm chí còn có thể làm tốt hơn".
Bob nói thêm: "Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã đặt cược vào con người. Tôi càng đối xử tốt với họ thì càng nhiều thứ tốt đẹp đến với tôi. Thật sự tôi không hề tính trước điều đó.
Tôi kể cho anh một ví dụ. Khoảng năm, sáu năm về trước, một công nhân của tôi đến làm trong tình trạng say xỉn. Gần như ngay lập tức xảy ra một vụ hỗn loạn trong xưởng. Hình như anh ta đã làm tung tóe một thùng đựng sơn. Những người khác vội giật lại thùng sơn và viên quản lý xưởng tống anh ta ra ngoài.
Tôi đang đi lại ngoài đó, nhìn thấy anh ta ngồi quay lưng lại tòa nhà trong trạng thái ngẩn ngơ. Tôi đỡ anh ta dậy, đưa lên xe và chở về. Vợ anh ta cuống hết cả lên. Tôi cố gắng trấn an với cô ấy mọi chuyện rồi sẽ ổn. Cô ấy nói: Ôi, nhưng ông không hiểu được đâu, ông chủ W. không thể chấp nhận bất cứ ai say khướt khi làm việc. Jim sẽ mất việc, chúng tôi biết làm thế nào đây?. Tôi bảo cô ấy rằng Jim sẽ không bị sa thải. Cô ấy hỏi tại sao. Tôi đáp: Vì tôi là W.
Cô ấy gần như ngất xỉu. Tôi hứa sẽ làm tất cả những gì để có thể giúp Jim tại nhà máy và tôi hy vọng cô ấy cũng làm như vậy tại gia đình. Tôi mong thấy Jim đi làm vào sáng hôm sau.
Khi tôi trở lại nhà máy, tôi xuống phân xưởng của Jim và nói chuyện với đồng nghiệp của anh ta. Tôi nói với họ: "Hôm nay, các cậu vừa thấy một cảnh tượng chẳng mấy tốt đẹp, nhưng tôi muốn bỏ qua chuyện này. Ngày mai, Jim sẽ quay lại làm việc. Hãy đối xử tốt với cậu ấy. Cậu ấy đã là một công nhân rất tốt trong suốt một thời gian dài, chúng ta trả ơn bằng cách cho cậu ta thêm một cơ hội nữa.
Jim trở lại làm việc, kể từ đó tình trạng say rượu không bao giờ lặp lại thêm lần nào nữa. Tôi nhanh chóng quên đi sự việc vừa rồi. Nhưng Jim thì không. Hai năm trước, văn phòng đại diện của công đoàn địa phương gửi vài người tới đây để đàm phán một thỏa thuận. Họ đưa ra những yêu cầu phi thực tế khiến chúng tôi kinh ngạc. Và chính Jim - một cậu Jim nhu mì, trầm lặng - đã bất ngờ xông xáo, vận động, nhắc nhở mọi người trong nhà máy rằng họ đã luôn nhận được những điều tốt đẹp từ ông W. và họ không cần người ngoài đến đây bảo chúng ta phải giải quyết vấn đề nội bộ như thế nào.
Chúng tôi đã đàm phán thỏa thuận đó như những người bạn, tất cả là nhờ có Jim".
Suy nghĩ, cân nhắc khi có sự bất đồng giữa các nhân viên cấp dưới hay khi một nhân viên nào đó gây ra rắc rối. Hãy nhớ đến công thức của Bob để giúp người khác sửa chữa sai lầm. Hãy tránh xa những lời mỉa mai, châm biếm. Đừng trở thành một người cay độc, hay chỉ trích. Tránh làm họ xấu hổ trước mặt mọi người.
Trước hết, hãy tự hỏi: "Đâu là cách nhân văn nhất để giải quyết vấn đề này?". Câu hỏi đó luôn giúp ích cho bạn, có thể sớm, có thể muộn, nhưng chắc chắn sẽ như vậy.
Kế đến, hành động của bạn phải thể hiện được sự tôn trọng con người. Hãy thể hiện mối quan tâm của bạn với những thành tích của cấp dưới. Đối xử với mọi người bằng lòng chân thành. Nguyên tắc chung nhất là: bạn càng thể hiện sự quan tâm của bạn đến một người nào đó bao nhiêu, anh ta càng giúp đỡ bạn bấy nhiêu. Và những gì anh ta làm sẽ đưa bạn đến với những thành công ngày càng lớn hơn nữa.
Hãy khen ngợi cấp dưới của bạn trước cấp trên, bất cứ khi nào có thể. Một thói quen của người Mỹ là luôn ngưỡng mộ những ai ủng hộ những kẻ nhỏ bé, yếu thế. Cấp dưới của bạn chắc chắn sẽ rất cảm kích lời khen của bạn, sự trung thành của họ với bạn sẽ tăng lên. Đừng lo lắng điều này sẽ làm hạ thấp vị trí của bạn trong mắt cấp trên. Không những thế, một người đủ tầm để biết khiêm tốn sẽ là người tự tin hơn rất nhiều so với một kẻ luôn lo lắng tìm cách làm cho mọi người chú ý tới thành tích của mình. Một người biết khiêm tốn luôn có những bước tiến xa.
Hãy trực tiếp khen ngợi cấp dưới của bạn mỗi khi có cơ hội. Khen họ về sự hợp tác của họ. Khen ngợi sự nỗ lực mà họ dành thêm cho công việc. Khen ngợi là lời khích lệ tuyệt vời nhất bạn có thể mang đến cho con người, bạn chẳng mất gì khi làm điều đó cả. Hơn nữa, một lá phiếu bổ sung có thể đánh bại cả một ứng cử viên sáng giá. Bạn chẳng bao giờ biết được khi nào cấp dưới của mình làm cho bạn thất bại hoàn toàn, khi bạn đối đầu với họ.
Hãy thực hành khen ngợi mọi người.
Hãy đối xử với mọi người đúng cách và nhân bản.
NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO SỐ 3:
LUÔN NGHĨ ĐẾN SỰ TIẾN BỘ, TIN TƯỞNG VÀO SỰ TIẾN BỘ VÀ THÚC ĐẨY SỰ TIẾN BỘ
Một trong những lời ngợi khen tuyệt vời nhất mà người khác có thể nói về bạn là: "Anh ấy luôn ủng hộ sự tiến bộ. Anh ấy thực sự là con người của công việc ".
Cơ hội thăng tiến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực đều đến với những ai tin tưởng và có động lực hướng tới sự tiến bộ. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, vẫn có rất ít các nhà lãnh đạo thực sự. Nói cách khác, những người bằng lòng với hiện tại (những người cho rằng tất-cả-mọi-việc-đang-ổn-cả, đừng- làm-đảo-lộn-gì-hết) đông hơn rất nhiều so với những người theo tư tưởng cầu tiến (những người cho rằng vẫn-có-chỗ-cho-sự-cải-tiến, hãy-bắt-tay-ngay-vào-việc-và-khiến-mọi-thứ-trở-nên-tốt-hơn). Hãy tham gia vào nhóm những người dẫn đầu. Hãy cùng nuôi dưỡng cách nhìn luôn hướng về phía trước.
Có hai điều đặc biệt bạn có thể làm để phát triển cách nhìn cầu tiến:
1. Hãy nghĩ đến sự cải thiện trong bất cứ việc gì bạn làm.
2. Hãy nghĩ đến những tiêu chuẩn cao hơn trong bất cứ việc gì bạn làm.
Vài tháng trước, chủ tịch của một công ty nhỏ có nhờ tôi giúp anh ấy đưa ra một quyết định quan trọng. Công ty đó do một tay anh gây dựng và anh cũng kiêm cả vị trí giám đốc bán hàng. Giờ đây, với bảy nhân viên bán hàng cấp dưới, anh quyết định sắp tới đây sẽ chọn một trong bảy nhân viên này vào vị trí giám đốc bán hàng thế chỗ anh. Anh thu hẹp số lựa chọn xuống còn ba người, với kinh nghiệm và doanh số bán hàng ngang nhau.
Nhiệm vụ của tôi là dành một ngày tiếp xúc với mỗi người, sau đó gửi những nhận xét của tôi cho vị chủ tịch kia, xem trong số ba người đó thì ai là người đủ tiêu chuẩn nhất để làm lãnh đạo. Ba nhân viên này đều được thông báo sẽ có một vị cố vấn đến thăm và thảo luận về chiến lược marketing tổng thể. Đương nhiên, họ không hề được biết về lý do thực sự của chuyến viếng thăm đặc biệt này.
Hai trong số ba người đó phản ứng theo cách khá giống nhau. Cả hai đều không mấy thoải mái khi nói chuyện với tôi. Hình như họ đều cảm thấy rằng tôi có mặt ở đó để "thay đổi mọi thứ". Cả hai là những người theo chủ nghĩa cầu an, ngại thay đổi. Cả hai đều đồng ý với cách tiến hành mọi việc như bấy lâu. Tôi đưa ra cho họ những câu hỏi về cách bố trí quầy hàng, về chính sách bồi thường, những yếu tố quảng cáo bán hàng - tất cả các khía cạnh của marketing. Nhưng trước các câu hỏi, câu trả lời của họ luôn là: "Mọi việc đều ổn cả". Những ý kiến cụ thể mà hai người đưa ra đều chỉ nhằm giải thích vì sao không thể và không nên thay đổi cách làm hiện tại. Tóm lại, cả hai đều không muốn thay đổi bất cứ thứ gì. Khi đưa tôi về đến khách sạn, một trong hai người còn nói: "Tôi không biết chính xác vì sao ông dành cả ngày đi cùng tôi, nhưng hãy nói với giám đốc của chúng tôi rằng mọi việc vẫn ổn như nó vẫn thế từ trước đến nay. Đừng cố gắng thay đổi mọi việc làm gì".
Người thứ ba thì hoàn toàn khác. Anh ấy khá hài lòng với các chính sách của công ty, đồng thời tự hào vì sự tăng trưởng của công ty. Nhưng anh ấy không hoàn toàn mãn nguyện. Anh ấy muốn có những đổi mới. Cả ngày hôm đó, anh nhân viên này đã cho tôi nghe những ý tưởng về việc tiến hành những lĩnh vực kinh doanh mới, cung cấp những dịch vụ tốt hơn đến khách hàng, giảm bớt thời gian lãng phí, xem xét lại chế độ bồi thường để có thể mang lại sự khích lệ hơn nữa...
Anh ấy còn vạch ra một chiến dịch quảng cáo mới mà anh ấy đang nghiên cứu. Khi tôi chuẩn bị về, anh ấy nói: "Tôi thực sự trân trọng và mong chờ một cơ hội có thể trình bày vài ý tưởng của mình với ai đó. Công ty đang hoạt động tốt, nhưng tôi tin chúng ta có thể làm được tốt hơn nữa".
Đương nhiên, tôi đã tiến cử người thứ ba với vị chủ tịch bạn tôi. Sự tiến cử của tôi cũng hoàn toàn trùng khớp với ý kiến của vị chủ tịch công ty. Hãy tin tưởng vào sự mở rộng, phát triển, năng suất cao hơn, những sản phẩm mới, những quy trình mới, những trường học tốt hơn, tin tưởng vào sự thịnh vượng, giàu có hơn.
Hãy tin tưởng và hướng đến sự tiến bộ, và bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo.
Khi còn nhỏ, tôi đã có cơ hội nhìn thấy điểm khác biệt trong suy nghĩ của hai nhà lãnh đạo đã dẫn đến sự khác biệt trong cách làm việc của nhân viên cấp dưới thế nào.
Hồi tiểu học, tôi học tại một trường làng: một giáo viên và 40 học sinh cùng ngồi trong một căn phòng nhỏ. Giáo viên luôn là đối tượng để trêu chọc của tụi học trò. Bọn trẻ luôn tìm đủ mọi cách để không phải học, mà đầu têu là những học sinh lớp lớn.
Một năm nọ, tình hình trở nên khá lộn xộn. Ngày nào cũng xảy ra hàng tá những trò tinh quái của lũ học trò, những "trận chiến "đạn giấy và máy bay giấy. Rồi cả những vụ lớn hơn như chặn không cho cô giáo vào trường hơn nửa ngày, hay thậm chí nhốt cô giáo trong lớp hàng giờ liền. Có hôm các cậu học trò ở các lớp trên còn mang cả chó vào lớp học.
Tôi phải nói thêm là những cậu bé ấy không phải tội phạm. Ăn trộm, đánh nhau hay cố tình làm hại ai hoàn toàn không phải mục đích của chúng. Chúng chỉ là những đứa trẻ khỏe mạnh, hiếu động, sống ở môi trường nông thôn thoải mái, tự do và cần một cách nào đó để giải tỏa năng lượng, bộc lộ sự khéo léo tinh quái của mình.
Giáo viên nọ cố gắng ở lại dạy lớp đến hết năm. Và chẳng mấy ai ngạc nhiên, khi hay tin có một giáo viên mới đến đảm nhận lớp học vào đầu năm sau.
Cô giáo mới đã khơi dậy những điều hoàn toàn khác trong lũ trẻ. Cô ấy luôn biết cách khơi gợi lòng tự tôn cá nhân và tự trọng của mỗi học sinh. Cô khuyến khích học sinh của mình tự đánh giá bản thân. Mỗi học sinh được giao một trách nhiệm cụ thể như lau bảng, giặt giẻ lau hay tập chấm bài kiểm tra cho các em lớp dưới. Cô đã tìm ra những cách làm khác biệt và rất sáng tạo để tận dụng nguồn năng lượng bị sử dụng sai mục đích của bọn trẻ. Kế hoạch dạy dỗ của cô tập trung vào phát triển nhân cách của đám trẻ.
Vì sao những đứa trẻ giống như "những tên quỷ nhỏ"vào năm trước lại trở thành những thiên thần bé bỏng ngay một năm sau đó? Điều khác biệt nằm ở người lãnh đạo, là cô giáo. Thực sự chúng ta không thể đổ lỗi cho bọn trẻ vì bày đủ trò nghịch ngợm trong suốt cả năm học. Trường hợp nào cũng vậy, hành vi của lũ trẻ luôn có phần ảnh hưởng từ sự dạy bảo của cô giáo.
Cô giáo trước đã không quan tâm xem học sinh có đạt được tiến bộ hay không. Cô ấy không đặt ra bất cứ mục tiêu nào cho lũ trẻ cả. Cô không khích lệ chúng. Cô không thể giữ được bình tĩnh với lũ trẻ. Cô ấy không muốn dạy, vì thế lũ trẻ không muốn học.
Nhưng cô giáo thứ hai lại đặt ra những tiêu chuẩn cao, tích cực. Cô thực sự quý học sinh và mong chúng có thể học được nhiều điều trong cuộc sống. Cô coi mỗi học sinh là một cá nhân độc lập. Cô thiết lập được nề nếp một cách dễ dàng, vì trong tất cả những việc mình làm, chính cô ấy cũng rất tôn trọng nề nếp.
Trong mọi trường hợp, học sinh điều chỉnh hành vi của mình theo tấm gương của các thầy cô.
Mỗi ngày, chúng ta đều có thể nhận thấy những cách điều chỉnh như thế ở lớp người đã trưởng thành. Trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nhà lãnh đạo quân sự quan sát và nhận định: những đơn vị được chỉ huy "dễ dãi", "thoải mái", "tình cảm"không bao giờ có được tinh thần chiến đấu cao. Những đơn vị xuất sắc luôn là những đơn vị được lãnh đạo bởi các sĩ quan có trình độ cao, thực thi kỷ luật quân đội một cách công bằng và hợp lý.
Sinh viên đại học cũng vậy. Họ có những hành vi, phản ứng tương ứng với tấm gương của các giáo sư. Sinh viên học với vị giáo sư này có thể thường xuyên bỏ học, sao chép bài kiểm tra, và bằng mọi cách dù là sai trái để có thể thi đậu mà không cần học hành nghiêm túc. Nhưng cũng sinh viên đó, học với giáo sư khác, có thể sẵn sàng học chăm chỉ hơn để đạt được kết quả cao nhất và thực chất nhất.
Trong kinh doanh, chúng ta lại một lần nữa nhìn thấy cấp dưới lấy cấp trên làm tấm gương để suy nghĩ và hành động. Hãy nghiên cứu thật kỹ một nhóm nhân viên. Hãy quan sát những thói quen, cử chỉ, thái độ của họ với công ty, với vấn đề đạo đức kinh doanh, và cách kiểm soát bản thân của mỗi người. Sau đó, thử so sánh với những đặc điểm đó ở người lãnh đạo, và bạn sẽ nhận ra điểm giống nhau bất ngờ.
Mỗi năm có hàng trăm công ty phát triển chậm chạp, hay có xu hướng xuống dốc đều phải được cải tổ lại. Bằng cách nào? Bằng cách thay rất nhiều giám đốc và quản lý cấp cao. Những công ty, trường đại học, nhà thờ, câu lạc bộ, đoàn thể và những dạng tổ chức khác được cải tổ thành công là từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên. Hãy thay đổi suy nghĩ của những người đứng đầu, rồi bạn sẽ tự động suy nghĩ thay đổi suy nghĩ của cấp dưới.
Hãy nhớ kỹ điều này: Khi bạn đảm nhiệm cương vị lãnh đạo của một nhóm, những thành viên trong nhóm đó sẽ ngay lập tức chỉnh đốn bản thân theo những chuẩn mực của bạn. Có thể thấy rõ ngay điều này trong vài tuần đầu tiên. Mối quan tâm lớn nhất của họ là tập trung vào tìm hiểu bạn, kết nối bạn với cả nhóm và xem bạn mong đợi gì ở họ. Họ quan sát từng cử chỉ của bạn. Họ nghĩ, không biết bạn sẽ giao cho họ bao nhiêu việc? Bạn muốn công việc được hoàn thành như thế nào? Phải làm gì để bạn hài lòng? Bạn sẽ nói gì khi họ làm việc này việc kia?
Một khi họ đã biết chính xác mục tiêu, họ sẽ hành động phù hợp.
Hãy xem lại tấm gương mà bản thân bạn thể hiện trước mọi người. Hãy thử hỏi:
Thế giới sẽ trở nên thế nào nếu mọi người đều thật sự giống tôi?
Hãy thay chữ "thế giới"bằng chữ "công ty":
Công ty này sẽ trở nên thế nào nếu mọi người đều thật sự giống tôi.
Bằng cách tương tự, hãy xem lại câu lạc bộ, cộng đồng trường học, nhà thờ… sẽ trở thành thế nào nếu tất cả mọi người đều cư xử giống bạn.
Hãy nghĩ, nói, hành động và sống như cách bạn muốn cấp dưới của mình suy nghĩ, nói, hành động và sống- và họ sẽ như vậy.
Một thời gian sau đó, nhân viên cấp dưới có xu hướng làm theo gương lãnh đạo của bạn. Cách đơn giản nhất để có được hiệu suất công việc cao là bạn xứng đáng và chắc chắn trở thành một "tấm gương tốt"cho cấp dưới.
Bạn có phải là người biết suy nghĩ tiến bộ? Sau đây là danh sách các tiêu chí bạn có thể đánh giá chính mình.
A. Tôi có suy nghĩ tiến bộ về công việc của mình hay không?
1. Tôi đánh giá về công việc của mình với thái độ "Chúng ta có thể thực hiện việc này tốt hơn bằng cách nào?"hay không?
2. Tôi có ca ngợi công ty của mình, nhưng nhân viên trong công ty và những sản phẩm mà công ty đang kinh doanh bất cứ khi nào có thể hay không?
3. Kết quả công việc hiện tại của tôi về cả chất lượng và số lượng có cao hơn 3 hay 6 tháng trước không?
4. Liệu tôi có phải là tấm gương tốt cho cấp dưới, đồng nghiệp và những người mà tôi làm việc cùng hay không?
B. Tôi có suy nghĩ tiến bộ về gia đình hay không?
1. Gia đình tôi hiện có vui vẻ, hạnh phúc hơn 3 hay 6 tháng trước đây hay không?
2. Hiện tôi có đang thực hiện kế hoạch nào để nâng cao mức sống của gia đình lên không?
3. Gia đình tôi có một loạt các hoạt động ngoài trời chứ?
4. Tôi có phải là tấm gương "Một người tiến bộ", ủng hộ sự tiến bộ đối với lũ trẻ nhà tôi không?
C. Tôi có suy nghĩ tiến bộ về bản thân mình hay không?
1. Tôi có thể thành thật tin rằng tại thời điểm này tôi đánh giá cao hơn so với 3 hay 6 tháng trước hay không?
2. Tôi có tuân theo chương trình cải thiện hiệu năng cá nhân, để nâng cao giá trị bản thân so với những người khác không?
3. Tôi có đặt ra mục tiêu xa trong vòng 5 năm tới không?
4. Tôi có phải là người có tinh thần xây dựng trong bất nhóm hay tổ chức nào tôi tham gia không?
D. Tôi có suy nghĩ tiến bộ về cộng đồng hay không?
1. Trong sáu tháng qua, tôi có làm được bất cứ việc gì mà tôi thực sự cảm thấy đã cải thiện được cộng đồng của mình (Khu phố, nhà thờ, trường học…)?
2. Tôi có ủng hộ những dự án quan trọng của cộng đồng không, hay chỉ luôn phản đối, phê bình phàn nàn?
3. Tôi đã bao giờ là người đảm nhận việc tiến hành một cải tổ quan trọng trong cộng đồng của tôi chưa?
4. Tôi có nói tốt về những người hàng xóm và bạn bè sống xung quang không?
NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO SỐ 4:
HÃY DÀNH THỜI GIAN ĐỂ TỰ SUY NGHÌ VÀ PHÁT HUY KHẢ NĂNG SUY NGHĨ SÁNG TẠO PHI THƯỜNG CỦA BẠN
Nghĩ đến giới lãnh đạo, chúng tôi thường nghĩ ngay đến những con người vô cùng bận rộn, và thực sự là họ rất bận rộn. Các nhà lãnh đạo luôn bị bủa vây bởi vô vàn công việc phải giải quyết. Nhưng có một điểm cần lưu ý là họ vẫn dành một khoảng thời gian dáng kể ngồi một mình chẳng làm gì cả, ngoài việc suy nghĩ.
Hãy xem xét cuộc sống của các lãnh tụ tôn giáo, bạn sẽ nhận thấy họ đều dành một khoảng thời gian đáng kể để sống trong suy niệm. Nhà tiên tri Moses thường ngồi lặng yên trên núi rất lâu. Chúa Jesus, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Tiên tri Mohammed…- tất cả họ đều dành thời gian suy tư, rời xa những náo nhiệt phồn hoa của cuộc sống.
Sẽ rất thú vị nếu đặt ra câu hỏi: liệu Franklin D. Roosevelt có thể phát triển phong cách lãnh đạo độc đáo của mình nếu không có quãng thời gian dài một mình khi chữa bệnh bại liệt? Harry Truman cũng dành rất nhiều thời gian của mình lúc còn nhỏ lẫn lúc trưởng thành trong nông trại Missouri. Nelson Mandela gần như dành hẳn thời gian ngồi tù 27 năm của mình để suy ngẫm và viết lách trước khi được phóng thích trước khi nhận Nobel Hòa bình năm 1993, trở thành Tổng thống Nam Phi năm 1994.
Những trường đại học hàng đầu yêu cầu các giáo sư chỉ được lên lớp nhiều nhất là 5 giờ một tuần, để họ có thời gian suy nghĩ.
Rất nhiều giám đốc kinh doanh thành công bị bao vây bởi trợ lý, thư ký, các cú điện thoại, các bản báo cáo. Nhưng hãy quan sát họ trong suốt 168 tiếng một tuần và 720 giờ một tháng, bạn sẽ thấy họ luôn dành một khoảng thời gian đáng kể để ngồi một mình suy nghĩ, không bị gián đoạn bởi ai hay bất cứ việc gì.
Điểm mấu chốt chính là: một người thành công, dù trong bất cứ lĩnh vực nào, đều dành thời gian để tự đối thoại với bản thân mình. Các nhà lãnh đạo thường sử dụng khoảng thời gian này để ghi nhớ và nối kết tất cả các mảng của một vấn đề lại với nhau, tìm ra cách giải quyết, vạch kế hoạch và ở giai đoạn nào đó, phát huy khả năng suy nghĩ sáng tạo tuyệt vời của họ.
Một số người không thể phát huy hết khả năng lãnh đạo tài tình và sáng tạo của mình chỉ vì họ hỏi ý kiến của tất cả mọi người, nhưng lại quên "hỏi"chính mình. Bạn biết đấy. Họ là những người cố hết sức để không phải ở một mình. Họ hành động một cách thái quá là tìm mọi cách để luôn được mọi người vây quanh. Họ không chịu nổi cảnh ngồi một mình trong văn phòng, vì thế họ đi vẩn vơ để được gặp gỡ và trò chuyện với những người khác. Rất hiếm khi họ ở một mình vào buổi tối. Trừ những lúc ngủ, họ cảm thấy thực sự cần phải nói chuyện với ai đó. Họ dường như lúc nào cũng thèm nói chuyện với tất cả mọi người.
Khi những người này rơi vào tình huống buộc phải ở một mình, họ sẽ tìm cách trốn chạy khỏi sự cô đơn trong tâm hồn. Trong những tình huống như vậy, họ thường xem tivi, đọc báo nghe đài, gọi điện thoại… Họ sợ phải lấp đầy tâm trí họ bằng những suy nghĩ của chính mình.
Khi thời gian qua đi, những người Tôi-không-thể-chịu-nổi-việc-phải-ở-nhà-một-mình càng ngày càng trở nên hời hợt. Họ có rất nhiều hành động thiếu thận trọng. Họ không thể phát huy vào khả năng, mục đích của mình. Thật đáng buồn là những người này hoàn toàn không biết đến sức mạnh thần kỳ vẫn đang nằm đâu đó chưa được sử dụng trong họ.
Đừng trở thành một người Tôi-không thể-chịu-nổi-việc-phải-ở-một-mình. Các nhà lãnh tụ thành công thường tìm ra và sử dụng sức mạnh siêu phàm của mình thông qua những khoảng thời gian đối thoại với bản thân, trong im lặng. Bạn cũng có thể như vậy.
Hãy cùng xem bằng cách nào nhé.
Trong chương trình phát triển bản thân, tôi đã yêu cầu 13 học viên dành ra mỗi ngày một giờ ngồi một mình trong phòng, trong hai tuần liên tiếp. Các học viên được yêu cầu rời xa khỏi tất cả cám dỗ bên ngoài và suy nghĩ một cách tích cực về bất cứ cái gì trong tâm trí họ.
Sau hai tuần, tất cả các học viên, không có một ngoại lệ nào, đều nhận xét đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị, thực tế và đáng giá. Một học viên kể rằng, trước khi bắt đầu việc ngồi suy nghĩ một mình này, anh sắp rơi vào mâu thuẫn gay gắt với một vị quản lý khác trong công ty. Nhưng thông qua việc suy nghĩ kỹ càng, đầy đủ, anh đã tìm ra nguyên do của vấn đề và cách thức để giải quyết vấn đề hợp lý, êm đẹp. Những học viên khác cũng cho biết họ đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến các khía cạnh khác nhau như thay đổi công việc, những khó khăn trong hôn nhân, mua một ngôi nhà mới, lựa chọn một trường đại học cho con cái.
Mỗi học viên đều vui mừng vì họ đã hiểu về bản thân – điểm mạnh và điểm yếu – nhiều hơn bao giờ hết. Đồng thời, các học viên cũng khám phá ra những điều vô cùng quan trọng. Họ nhận ra rằng những quyết định hay cân nhắc được đưa ra trong lúc ngồi một mình suy nghĩ thường chính xác đến 100% theo một cách bí ẩn nào đó. Các học viên nhận ra rằng khi sương mù qua đi, những lựa chọn đúng dần trỏ nên vô cùng rõ ràng.
Việc ngồi một mình suy nghĩ sẽ mang lại những kết quả đáng kinh ngạc.
Gần đây, một người bạn của tôi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của cô ấy trước một vấn đè vô cùng hóc búa. Tôi tự hỏi không hiểu vì sao cô ấy lại phải suy nghĩ nhiều đến như thế, vì vấn đề kia cũng vô cùng đơn giản. Cô ấy đã trả lời tôi thế này: "À, tôi vẫn chưa rõ chúng tôi nên làm gì. Vì thế, sáng nay tôi thức dạy lúc 3 giờ rưỡi, pha cho mình một tách cà phê ngồi trên ghế sô-pha và suy nghĩ đến tận 7 giờ. Bây giờ tôi mới nhận vấn đè vô cùng rõ ràng hơn rất nhiều. Việc duy nhất tôi cần bây giờ chính là thay đổi suy nghĩ của mình".
Và suy nghĩ mới của cô ấy là hoàn toàn đúng đắn.
Hãy quyết định ngay bây giờ, dành một ít thời gian ít nhất la 30 phút mỗi ngày để ngồi một mình và một mình mà thôi.
Một mình vào sáng sớm, không bị ai khác quấy rầy, có thể là tốt nhất cho bạn. Hoặc nếu không, tối muộn cũng có thể là quãng thời gian tốt. Điều quan trọng là chọn thời điểm mà óc bạn hoàn toàn tỉnh táo và chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì bên ngoài.
Bạn có thể đối thoại với bản thân, cân nhắc về hai loại suy nghĩ: đã được định hướng hoặc không định hướng. Để tiến hành việc suy nghĩ đã sẵn định hướng, hãy xem xét vấn đề lớn lao mà bạn đang phải đối mặt. Khi ngồi một mình tâm trí bạn có thể nhìn nhận vấn đề mọt cách khách quan hơn và mang lại cho bạn câu trả lời hoàn hảo.
Để tiến hành việc suy nghĩ không định hướng, hãy để cho tâm trí của bạn tự chọn xem nó muốn nghĩ đến việc gì. Trong nhưng giây phút một mình thế này, tiềm thức sẽ tự động xuất hiện trong "ngân hàng trí nhớ", và bổ sung suy nghĩ cho tâm trí của bạn. Suy nghĩ không định hướng rất hiệu quả trong việc tự đánh giá bản thân. Nó giúp bạn tiếp xúc với nhưng vấn đề rất cơ bản như "Làm thế nào để tôi làm việc tốt hơn? Tôi nên làm gì tiếp theo?".
Hãy nhớ, nhiệm vụ chính của một lãnh đạo là suy nghĩ. Sự chuẩn bị tốt nhất cho vị lãnh đạo chính là suy nghĩ. Hãy dành một chút thời gian ngồi một mình mỗi ngày và hướng mình đến thành công.
TÓM TẮT
Để trở thành một người lãnh đạo tốt hơn, hãy áp dụng bốn nguyên tắc sau đây:
1. Hãy trao đổi suy nghĩ, quan điểm với người bạn muốn gây ảnh hưởng. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để khiến làm theo điều bạn muốn, nếu bạn nhìn nhận mọi thứ dưới con mắt của họ. Hãy tự hỏi bản thân trước khi tiến hành bất cứ việc gì: "Tôi sẽ nghĩ việc này như thế nào nếu tôi là người đó?".
2. Áp dụng nguyên tắc "rộng lượng"khi đối xử với mọi người. Hãy hỏi: "Đâu là cách rộng lượng nhất để xử lý việc này?". Trong bất cứ việc gì bạn làm, hãy luôn thể hiện rằng bạn coi trọng con người trên hết. Hãy đối xử với mọi người theo cách bạn muốn người khác đối xử. Bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
3. Hãy nghĩ tới việc tiến bộ, tin tưởng và sự tiến bộ và hướng đến tiến bộ. Hãy nghĩ đến sự cải thiện, theo những tiêu chuẩn cao trong bất cứ việc gì bạn làm. Hãy tiến hành cuộc cách mạng bản thân sau đây: "dù trong gia đình, trong công việc hay trong xã hội, tôi luôn ủng hộ sự tiến bộ".
4. Hãy dành thời gian hỏi ý kiến của chính mình và phát huy khả năng suy nghĩ cao độ của bạn. Việc ngồi một mình suy nghĩ sẽ mang lại một kết quả xứng đáng. Hãy sử dụng phương pháp này để tìm ra những cách giải quyết cho các vấn đề cá nhân hay liên quan đến công việc. Vì vậy, hãy dành thời gian một mình mỗi ngày, chỉ để suy nghĩ. Hãy dùng một thủ pháp trong cách suy nghĩ mà những nhà lãnh đạo vĩ đại đều sử dụng: Tự hỏi chính mình.
ỨNG DỤNG SỰ KỲ DIỆU CỦA SUY NGHĨ LỚN VÀO NHỮNG TÌNH HUỐNG QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI BẠN
Dám nghĩ lớn chắc chắn sẽ mang đến những điều kỳ diệu. Nhưng bạn sẽ rất dễ lãng quên điều đó. Khi gặp khó khăn, nếu tầm suy nghĩ của bạn bị bó hẹp, bạn sẽ dễ thất bại hơn.
Dưới đây, là một số hướng dẫn cơ bản giúp bạn vẫn có thể suy nghĩ lớn khi bạn lệch đường.
Có thể bạn sẽ cần ghi lại những hướng dẫn này trên tấm thẻ nhỏ để có thể rút ra tham khảo bất cứ lúc nào bạn muốn.
A. Khi những người nhỏ nhen cố hạ bệ bạ, HÃY SUY NGHĨ LỚN!
Trong cuộc đời này luôn có những người muốn bạn thất bại, muốn bạn gặp những điều rủi ro hay bị khiển trách. Nhưng họ sẽ không làm bạn bị tổn thương nếu bạn luôn ghi nhớ ba diều sau:
1. Bạn sẽ chiến thắng khi bạn không thèm chống lại những điều nhỏ nhen đó. Chiến đấu với họ chỉ khiến bạn cũng trở nên nhỏ nhen, tầm thường như họ mà thôi. Hãy luôn thật vững vàng.
2. Hãy luôn sẵn sàng trước những người lời xỏ xiên, công kích. Hãy luôn thật vững vàng.
3. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng những kẻ hay xỏ xiên công kích thực chất là những kẻ rất tầm thường. Hãy rộng lượng và thông cảm với họ.
B. Khi cảm giác "Tôi-không-đạt-những-điều-cần-có"xâm chiếm bạn, HÃY SUY NGHĨ LỚN!
Hãy ghi nhớ điều này: nếu bạn nghĩ rằng bạn yếu đuối, bạn sẽ yếu đuối. Nếu bạn nghĩ bạn không xứng đáng, bạn sẽ không xứng đáng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn tầm thường, bạn sẽ là người tầm thường.
Hãy xóa bỏ ý định hạ thấp bản thân, bằng những "công cụ"dưới đây:
1. Hãy xem mình quan trọng. Điều đó giúp bạn suy nghĩ lớn lao hơn. Vẻ bên ngoài của bạn như thế nào ảnh hưởng rất lớn đến những gì bạn cảm thấy bên trong.
2. Hãy hiểu rõ và tập trung vào những điểm mạnh của bạn. Hãy xây dựng kế hoạch tự quảng-bá-bản-thân và sử dụng nó.Hãy tự xốc lại bản thân.
3. Hãy nhìn người khác ở góc độ thích hợp, đúng đắn. Họ cũng chỉ là những con người, vậy tại sao bạn lại phải e sợ họ.
C. Khi không thể tránh được cuộc tranh cãi hoặc đấu khẩu, HÃY SUY NGHĨ LỚN!
Hạn chế những cuộc cãi nhau hoặc đấu khẩu bằng cách:
1. Hãy tự hỏi bản thân: "Thật sự điều này có quan trọng tới mức phải cãi nhau không?".
2. Hãy tự nhắc nhở: bạn sẽ đạt được gì từ một cuộc tranh cãi, nhưng chắc chắn bạn sẽ mất một điều lớn từ đó.
Hãy Suy Nghĩ Lớn để thấy rằng những cuộc cãi vã, những mối thù hận hay những tranh chấp vặt vãnh không bao giờ mang đến thành công cho bạn.
D. Khi cảm thấy thất bại, HÃY SUY NGHĨ LỚN!
Bạn không thể đạt được những thành công nếu không trải qua gian khổ và thất bại. Nhưng bạn hoàn toàn có thể sống hết phần đời còn lại mà không gặp bất cứ thất bại nào. Đây là cách mà những-người-suy-nghĩ- lớn ứng xử khi gặp thất bại:
1. Xem thất bại như một bài học. Hãy rút ra bài học từ đó. Nghiên cứu, sử dụng bài học để giúp bạn hướng về phía trước. Hãy rút ra 1 điều gì đó từ mỗi thất bại
2. Kết hợp tính kiên trì và sự trải nghiệm. Dừng lại và bắt đầu lại từ đầu, với một mục tiêu mới.
Hãy Suy Nghĩ Đủ Lớn để thấy rằng thất bại chỉ là một trạng thái tinh thần mà thôi, không hơn không kém.
E. Khi tình yêu không còn lãng mạn như trước nữa, HÃY SUY NGHĨ LỚN!
Những suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen kiểu như: "Cô-ấy (Anh-ấy) không-công-bằng-với-tôi-vì-thế-tôi-sẽ-trả-đũa"sẽ giết chết sự lãng mạn và hủy hoại tình yêu. Khi mọi việc không được như ý:
1. Hãy tập trung vào những phẩm chất tốt nhất ở người bạn yêu. Hãy đặt những điều bạn chưa hài lòng về người ấy xuống hàng thứ hai.
2. Làm một điều gì đó thật đặc biệt cho người yêu hay người bạn đời của bạn và hãy thường xuyên thực hiện điều đó.
Hãy Suy Nghĩ Đủ Lớn để tìm ra bí mật của cuộc sống vợ chồng hạnh phúc.
F. Khi bạn cảm thấy sự thăng tiến trong công việc đang giảm sút, HÃY SUY NGHĨ LỚN!
Dù bạn làm gì, nghề nghiệp của bạn là gì thì vị trí cao hơn, thu nhập cao hơn sẽ chỉ có thể đạt được từ một điều: tăng chất lượng và số lượng công việc của bạn.
Hãy nghĩ: "mình có thể làm tốt hơn". Những thứ tốt nhất không phải không đạt được. Bao giờ bạn cũng có thể làm mọi việc tốt hơn. Chẳng có gì trên thế giới này tốt sẵn cho bạn. khi bạn tin rằng "Mình có thể làm mọi việc tốt hơn", phương pháp thực hiện sẽ xuất hiện sau đó. Suy nghĩ "Mình có thể làm tốt hơn"sẽ khởi động sức mạnh sáng tạo của bạn.
Hãy Suy Nghĩ Lớn để thấy rằng nếu bạn biết phục vụ trước, tiền bạc sẽ tự động đến sau. Như lời của triết gia Publilius Syrus.
Người khôn ngoan là chủ nhân của trí tuệ;
Còn kẻ ngu dốt mãi mãi là nô lệ của nó.