Vào thập niên năm mươi, khi tôi còn là cậu bé, một lần tình cờ, tôi nghe cha thú nhận với mẹ rằng ông có tình cảm với người phụ nữ khác. Lúc đầu, cha tưởng đó chỉ là tình cảm thoáng qua, nhưng càng ngày cha càng nhận thấy mình yêu và cần người đó. Cha đề nghị ly hôn với mẹ.
Gương mặt mẹ tôi chợt tái nhợt bởi nỗi đau đớn, thất vọng. Nhưng ngay sau đó, bà đã lấy lại được bình tĩnh. Với vẻ dịu dàng nhưng cũng đầy mạnh mẽ, mẹ khẽ bảo: “Nếu anh muốn thế, em sẽ đồng ý chia tay. Nhưng mình suy nghĩ chuyện này một tháng nữa, rồi anh hãy quyết định, được chứ?”.
Một tuần sau, mẹ phát hiện mình có thai đứa con thứ bảy. Trước trách nhiệm mới, cha quyết định không bỏ mẹ và gia đình. Tất nhiên, mẹ rất vui. Cũng từ đó, tôi không nghe nói đến ý định ly hôn của cha nữa, mặc dù ông vẫn có quan hệ tình cảm bên ngoài.
Tuy không chính thức ly dị, nhưng câu chuyện “bí mật” của cha vẫn là một bước ngoặt trong quan hệ giữa cha và mẹ. Họ vẫn cư xử với nhau theo đúng nghĩa vợ chồng, nhưng một cái gì đó đã vĩnh viễn mất đi, niềm vui và sự lãng mạn của tình yêu không con nữa.
Lớn lên, nghe dư luận bàn tán chuyện cha ngoại tình, tôi có hỏi, nhưng ông đáp: “Không biết thì không đau lòng con ạ!”. Tôi nghĩ, đấy chỉ là cách để cha biện minh cho chuyện tình cảm ngoài hôn nhân của mình. Vì không muốn me buồn nên cha cho rằng giữ bí mật sẽ tránh tổn thương cho bà. Tất nhiên, cha cũng phần nào có lý.
Với mẹ, dường như lúc nào bà cũng rất bình thản. Không bao giờ mẹ đưa chuyện ngoại tình ra ngăn cản hoặc gây sức ép cho cha. Đáng tiếc, họ không nhận ra rằng khi thiếu vắng tình cảm vợ chồng đúng nghĩa, cả hai đều đánh mất những cảm xúc yêu thương tinh tế, dịu dàng từng gắn kết họ lại với nhau. Như nhiều cặp vợ chồng khác, cha mẹ lầm tưởng rằng, sau nhiều năm chung sống, sự đam mê và hấp dẫn thể xác mất đi cũng là chuyện bình thường.
Sau ngày cha qua đời, một hôm mẹ con tôi thấy tấm ảnh cha chụp với nhân tình. Thoáng nhìn bức hình, mẹ ứa lệ - những giọt nước mắt không bao giờ nhỏ khi cha còn sống. Tôi hiểu tại sao mẹ khóc. Trong hình, cha tôi bên người phụ nữ khác với ánh mắt lấp lánh niềm vui, gương mặt rạng ngời hạnh phúc - điều mà trước đó cha mẹ từng dành cho nhau.
Tôi cũng chạnh lòng vì chưa bao giờ thấy cha tỏ vẻ hạnh phúc như vậy. Thuở trước, cha tôi thường hay cáu kỉnh, giận dữ, buồn phiền. Còn trong tấm ảnh này, với thế giới bí mật riêng, cha vô cùng quyến rũ, hạnh phúc và độ lượng. Đây chính là hình ảnh một người cha tôi hằng mơ ước bấy lâu.
Tôi hỏi lý do tại sao cha ngoại tình, mẹ đáp: “Bố mẹ rất yêu nhau. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, mẹ làm mẹ, còn bố cần một người vợ”. Thấy tôi sửng sốt trước sự bình thản chấp nhận phụ bạc, mẹ bảo: “Thật lòng, mẹ rất khâm phục vì cha con chịu ở lại với gia đình. Phải hy sinh nhiều lắm. Có nhiều khao khát lớn lao, nhưng cha đã không bỏ rơi mẹ con ta”.
Hôm ấy tôi mới hiểu lý do tại sao cha phản bội mẹ và nhận ra trong con người ông là cả một sự giằng co, mâu thuẫn lớn. Không còn tìm thấy sự hấp dẫn ở mẹ, nhưng cha cũng không biết cách để cải thiện tình cảm giữa hai người. Ông không biết làm sao vừa gánh vác trách nhiệm gia đình vừa yêu thương lãng mạn và làm sống lại những đam mê, niềm vui trong quan hệ vợ chồng. Nếu biết, hẳn cha sẽ không bỏ cuộc và lầm đường như thế.
Còn với mẹ, tôi thấy bà cũng đã cố gắng hết mình. Luôn làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ - tận tình, chu đáo, nhưng bà lại không nắm được nghệ thuật duy trì tình cảm lãng mạn. Tuy nhiên, suy cho cùng, một phần cũng là vì hoàn cảnh lúc bấy giờ - chiến tranh, nền kinh tế suy thoái trầm trọng, sự sống được đặt lên hàng đầu. Người ta dường như quên dần nhu cầu lãng mạn trong tình cảm, quên dần cách bộc lộ cảm xúc nội tâm ra ngoài. Vì quá bận rộn với công việc gia đình, chăm sóc sáu, rồi bảy đứa con, mẹ tôi chẳng còn thời giờ đâu để lo lắng bản thân. Không những thế, chẳng bao giờ mẹ nghĩ đến chuyện san sẻ nỗi lòng với cha tôi, và thật ra mẹ cũng không biết làm sao để trút bớt gánh nặng cho mình mà không làm cha khó chịu.
Khi cha quyết định ở lại, mẹ nhẹ lòng hơn vì gia đình không rơi vào cảnh tan vỡ. Như nhiều phụ nữ khác, mẹ đặt lợi ích gia đình lên trên nhu cầu cá nhân, đồng thời bỏ qua nhu cầu riêng của cha. Bà đề cao tấm lòng của cha tôi đối với gia đình ở chỗ ông vẫn duy trì quan hệ hôn nhân, mặc dù cha vẫn bí mật ngoại tình. Bất chấp sự thực, mẹ vẫn khẳng định với tôi rằng cha mẹ rất yêu thương nhau và gắn bó hơn sau nhiều năm chung sống.
Câu chuyện của cha mẹ tôi hẳn là khá phổ biến với nhiều người thuộc thế hệ trước. Tuy nhiên, thời đại chúng ta ngày nay lại khác. Khi nền tảng hôn nhân đã thay đổi đáng kể, người ta không còn đến với nhau vì sự sống và che chở nữa mà vì đáp ứng nhu cầu yêu thương, lãng mạn và cảm xúc. Do đó, nhiều quy tắc, biện pháp cha mẹ chúng ta từng áp dụng để duy trì hôn nhân, giờ đây trở nên vô hiệu, thậm chí phản tác dụng.
Là người tiên phong tiến đến một đường biên mới, đối mặt với bao vấn đề mới, chúng ta cần có những biện pháp mới, khắc phục tư tưởng hạn chế hoặc không phù hợp mà ta đã ảnh hưởng từ thế hệ trước. Khi những lo lắng về vật chất dần bớt đi, con người lại hướng đến những nhu cầu cao hơn, mong đợi nhiều hơn ở bản thân và cuộc sống. Phụ nữ không chỉ mong chờ người bạn đời của mình khả năng gánh vác việc gia đình mà còn muốn người đó đáp ứng nhu cầu tinh thần. Tương tự, nam giới không chỉ cần một người phụ nữ làm tròn các chức phận quen thuộc mà quan trọng là người đó còn phải biết chăm sóc nhu cầu cảm xúc cho chồng theo đúng nghĩa tình yêu thực sự.
Nói như vậy không có nghĩa là cha mẹ chúng ta ngày xưa không cần hỗ trợ tinh thần, mà đơn giản đó không phải là mong đợi hàng đầu của họ. Việc mải miết lao động để chu cấp vật chất cho gia đình, hoặc tối ngày cặm cụi chăm lo nhà cửa, con cái đã đẩy tình cảm vơ chồng dần xa nhau, giữa họ dần mất đi tình cảm lãng mạn thuở ban đầu. Cách thức đó không còn phù hợp với chúng ta ngày nay. Để có được hạnh phúc lâu bền, không nhất thiết phải hy sinh bản thân nhiều đến vậy. Điều quan trọng là bạn cần phải biết cân bằng và nắm được những bí quyết để vừa có thể giữ được một tình yêu lãng mạn, đam mê với người bạn đời, vừa có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trong gia đình, cũng như trong công việc.
Mong muốn được hạnh phúc nhiều hơn cha mẹ chẳng có gì là xấu hay ích kỷ. Cuộc sống hiện đại đảm bảo cho chúng ta nhu cầu sinh tồn và sự bình yên, đồng thời cũng đem lại cho chúng ta tự do cá nhân để có thể sống đúng như ý muốn. Do vậy, xây dựng những mối quan hệ tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tinh thần, để ta có thể phát huy hết năng lực của bản thân và mang lại nhiều hơn hạnh phúc cho những người mà ta yêu thương.
- John Gray, Ph.D.