Bill Gates không thích gì bằng cuộc hành hương hàng năm về dự hội nghị công nghiệp máy tính có tên là Agenda (Chương trình nghị sự). Mỗi mùa thu đến, hơn 400 ngôi sao sáng nhất, những người có vai vế và những người kế nhiệm cũng như những tài năng triển vọng của ngành công nghiệp này lại tụ họp về Khu nghỉ mát Phượng hoàng ở Scottsdale (bang Arizona), dành một kỳ nghỉ cuối tuần để chơi golf, tennis và hai ngày để phát biểu và tán phét. Mỗi tuần hoặc có vẻ là như vậy lại có một hội nghị tin học khác nhau với những cái tên nghe mơ hồ, như Triển lãm Thế giới mạng kết nối Internet. Tuy nhiên, trong các buổi gặp gỡ của ngành công nghiệp này, chỉ có hai hội nghị đáng kể: Diễn đàn PC của Esther Dyson, tổ chức vào mỗi mùa xuân; và Chương trình nghị sự của Steward Alsop, tổ chức vào mỗi mùa thu. Sẽ có những người nói với bạn rằng trong hai hội nghị đó, chương trình của Alsop là hay nhất, một đại hội võ lâm thực thụ – phần do đệ nhất anh hùng Bill Gates đã thôi không đến cùng quần hùng tại Diễn đàn PC từ khoảng 5 năm qua.
Thành phần dự Agenda gồm một số ngôi sao sáng nhất Wall Street, những nhà tư bản láu cá nhất Silicon và cánh phóng viên chuyên đề tài kinh doanh điện tử, những người mà chỉ một lời khen của họ được in ra cũng có thể giúp ra đời một công ty. Với những tay mơ mới lò dò vào con đường sự nghiệp thì một khoảnh khắc trong ánh đèn sân khấu tại Agenda tương tự như một truyện tranh vui nhộn trong thế giới máy tính, mà họ đã giành được với tư cách khách mời, để bổ sung vào bảng thành tích của mình. Còn đối với những Tổng giám đốc điều hành (CEO) sừng sỏ, lời mời phát biểu tại cung điện hoàng gia này lại là vinh dự đồng thời là cơ hội kinh doanh ngàn vàng. Tuy nhiên, nhìn chung, chủ yếu vẫn là một tín hiệu cho thấy họ đã đến.
Trong 11 năm, Gates chỉ lỡ một lần không dự Agenda (lúc đó ông có một cuộc hẹn với Thủ tướng Trung Quốc). Agenda là nơi mà Gates có thể chỉ cần có mặt. Cách xa trụ sở của Microsoft ở Redmond (bang Washington), Agenda là một trong số rất ít địa điểm trên thế giới mà một quản trị viên Microsoft từng nhận xét: “Ở đó, Bill có thể có một tách cà phê phải gió và làm những trò ngốc nghếch”. Trong suốt giờ nghỉ và thời gian nhắm cocktail, người ta có thể thấy Gates tham gia vài cuộc đàm luận chuyên ngành mà người ngoài không thể tiếp thu được, tranh luận về khối lượng lớn TCP–IP và sắc thái các giao diện e–mail. Ông đứng vẹo người trông giống hệt cái mở nút chai, một tay vòng ngang qua thân như đang muốn với tới một chỗ ngứa sau lưng mà có vẻ như không thể gãi được, tay kia vung thẳng trong không khí, đầu nghiêng về một bên và miệng phát ra những tràng đại pháo liên tu bất tận. Trong khi đó, những người khác mắt thì mở to chằm chặp, quên đi trong khoảnh khắc rằng họ không ở vị trí mà họ thường mong muốn, là trung tâm của mọi thứ. Đối với vài người, hai ngày phát biểu và tán dóc, được thổi lên bằng buổi nói chuyện với những JIT, GIF và các phép tính phân bổ trong nội bộ hãng, có thể buồn tẻ đến cay đắng. Mặc dù vậy đối với Gates, Agenda vẫn là thiên đường.
Phượng hoàng, nơi diễn ra Agenda từ năm 1994, đã cố hết sức để truyền tải vẻ duyên dáng mộc mạc nhưng tất cả mọi thứ liên quan tới nó đều rỉ ra tiền. Những gã khổng lồ của ngành công nghiệp đến đây thường ăn mặc cẩu thả với áo sơ mi sọc cộc tay và quần kaki túi hộp. Tuy nhiên, môi trường bao quanh đã tôn họ lên đẳng cấp như là thành viên hoàng gia, đắm mình trong cung điện mùa hè. Cung điện của Caesar trải dài, như tượng đài của sự vương giả. Phượng hoàng được tài trợ bởi Charles Keating Jr, một con quỷ nổi tiếng trong làng cho vay cắt cổ. Nó nằm trên vùng hoang mạc thuộc núi Camelback, khu nghỉ mát có 9 bể bơi (một bể được lát bằng đá xà cừ), một tá sân tennis (trong đó có một sân cỏ y hệt sân Wimbledon) và một sân golf 27 lỗ với một giải vô địch riêng. Ngoài ra, còn có đèn chùm pha lê trong mỗi phòng. Giường ngủ được trải bằng vải Ý cao cấp. Đá cẩm thạch Ý cũng có trong tất cả phòng tắm. Giá phòng thấp nhất là 400 USD/đêm. Agenda có giá là 3.500 USD/người, không kể tiền phòng và vé máy bay. Mặc dù vậy, mỗi năm Alsop phải loại bớt không ít kẻ mới chùi sạch mũi đã bày đặt làm ra vẻ ta đây là công tử mới trong làng IT, khi nài nỉ được chi 5.000 USD để có thể tình cờ được đi cùng cầu thang với Andy Grove – chủ tịch Intel; hoặc giành giật được 60 giây xớ rớ với Bill Gates trong quán bar Lạc đà khát. Tại hội nghị của Alsop, bạn còn có thể nghe nhiều câu đại loại: “Tôi sẽ mất việc”. “Bọn VC (viết tắt từ venture capitalist – những nhà tư bản đầu tư sở hữu phần lớn tài sản công ty) đang nắm thóp tôi”. “Lần này bể rồi và chúng ta sẽ bị tanh bành như thằng Netscape”. Alsop, bình thường là gã dễ thương như nhân vật truyện hoạt hình Fred Flintstone với mái tóc quăn dầy màu nâu, đã thẳng tay gạt hết bọn nhóc sang một bên, bằng thái độ tàn nhẫn như gã đầu gấu ở câu lạc bộ tân thời South of Market tại San Francisco.
Micheal Dell là người sáng lập kiêm CEO của Dell Computer. Mùa thu 1997, Dell trị giá 5 tỉ USD, chỉ bằng 1/8 cổ phần 40 tỉ USD của Bill Gates. Larry Ellison, CEO của Oracle, có 12 tỉ. Có cả Andy Grove của Intel từng tạo nên nhiều hàng tít lớn nhờ khoản bồi thường trọn gói năm 1996, trong đó có quyền mua bán cổ phần mà ông được nhận lên tới 100 triệu USD. Đó là vài gương mặt đại lão gia thường đến Agenda. Một lần, Alsop đã thăm dò ý kiến khách mời của mình: Bạn có tiếp tục đến đây không nếu cái gã Bill Gates đáng kính không còn đến nữa? Gần 4/10 trả lời rằng không. Không, họ sẽ không đến. Tại Phượng hoàng, Gates thường tản bộ với hai tay đút túi và chân bước hơi xiên, vẻ hài lòng nhẹ nhàng thể hiện trên mặt, làm toát lên sự thoải mái tự nhiên mà người ta nhận thấy chỉ có trên mặt những kẻ giàu có thuộc hàng bề trên. Ông có vẻ thư thái đến mức đôi khi cứ tưởng như ông đang ngồi lim dim trong khi thực tế ông đang cuốc bộ.
Vài năm trước, Scott McNealy, nhà đồng sáng lập và là CEO của Sun Microsystems (một công ty thành công đột biến), đã mở đầu buổi nói chuyện bằng cách đùa rằng trong khi ông được vinh dự phát biểu trước khán giả tại Agenda, mong ước thực sự của ông lại là được làm khách mời tham gia một trong những buổi chuyện gẫu bên lò sưởi của Alsop.
“Làm ơn, làm ơn, cho tôi xin mà!” – tay hề có hạng của ngành công nghiệp đã phỉnh Alsop như vậy, trước sự thích thú của khán giả. Màn kịch có vẻ buồn cười, đặc biệt khi được diễn bởi một người thành công không cần phải tranh cãi và có tài sản lên đến trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, như hầu hết trò đùa, nó cũng có khía cạnh đúng trong đó. Tất cả CEO trong số khán giả, trẻ hay già, đều mường tượng bản thân họ đang ngồi trên sân khấu đọ trí với Alsop. Có thể có 20 người phát biểu tại Agenda mỗi năm, nhưng chỉ có hai hoặc ba ngôi sao sáng rực là được nhận giải thưởng cuối cùng: lời mời ngồi vào chiếc ngai vàng quá khổ làm bằng liễu gai như một món đồ trang trí đặt cạnh lò sưởi. Andy Grove đã có được may mắn đó, tương tự là Larry Ellison, Micheal Dell và cuối cùng là Scott McNealy. Và dĩ nhiên, mỗi nhân vật này đều được ngồi chiếc ngai đó vào ngày đầu tiên của hội nghị. Phần kết khép lại giai đoạn trang trọng của Agenda mỗi năm, chiếc ghế ngồi bên cạnh lò sưởi vào ngày thứ hai lại là chỗ ưu tiên cho quý ngài đáng kính Bill Gates.
Những người bằng vai phải lứa có thể coi Gates như một con kền kền chuyên rình rỉa xác thối, một con rắn hổ tàn ác trong thế giới muông thú, hoặc thậm chí còn tệ hơn... Tuy nhiên, không có gì phải bàn cãi về địa vị số một của ông. Không có gì tại Agenda hấp dẫn hơn là quan sát các vị thống soái bu quanh Gates. Có những gã mà chỉ vừa đêm hôm trước còn lải nhải việc “thằng Bill Gates con hoang” gây ra cho mình bao phiền não giờ lại cục ta cục tác quanh “huyền thoại Bill Gates của tôi” như một bà mụ lẩm cẩm chịu khó ngồi nhặt mấy sợi tóc rụng của ả công chúa đỏng đảnh. Agenda là con đẻ của Alsop nhưng Gates mới là tâm điểm của toàn bộ màn trình diễn. Ông là chúa tể của trang viện này, như vua Louis XIV tại điện Versailles. Tất cả chi tiết đó đã làm nên chuỗi sự kiện được thổi bùng vào mùa thu năm 1997 tại Agenda 1998, một tuần trước sinh nhật thứ 42 của Gates. Tất cả còn hơn là sự dã man ngọt ngào...
Các màn hình lớn trong khán phòng và các vô tuyến dựng ở lối đi bắt đầu nhấp nháy và lướt qua trên màn hình là Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno, đứng đằng sau bục diễn thuyết tại hội nghị báo chí ở Washington DC. Bà đang nói về Microsoft. Một số người xem đó là một trong những trò đùa nho nhỏ của Steward Alsop: dùng lại một băng hình cũ từ năm 1993 hoặc 1994 gì đó, khi Bộ Tư pháp buộc tội Gates và Microsoft vi phạm luật bản quyền của Mỹ – một lời ta thán hài hước nhằm vào cuộc tranh chấp dùng dằng bất tận. Hai năm trước, cũng trong giờ nghỉ đầu tiên của ngày đầu tiên tại Agenda, thành phần dự hội nghị đã tụ tập quanh màn hình để theo dõi bồi thẩm đoàn Los Angeles tuyên bố cầu thủ bóng chày O. J. Simpson vô tội. Giờ đây, mùa thu năm 1997, mọi người lại bị một phen há hốc mồm. Đứng cùng một hàng với các quan chức, mái tóc của bà Reno trông cũng tệ như bộ tóc của Gates trước khi ông sửa sang nó vào giữa thập niên 1990. Reno xuất hiện một cách kỳ dị ở diễn đàn, mắt được phóng đại sau cặp kính quá khổ, mặc cái áo khoác sọc đỏ và xanh cùng chiếc váy trơn màu tối. Bằng một giọng hành chính khô khan, bà đang buộc tội Microsoft vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ. Do đó, bà nói, Microsoft sẽ phải mửa ra tiền phạt. Bà tuyên bố rằng mình đang đề nghị tòa áp đặt mức phạt là 1 triệu USD/ngày cho đến khi nào Microsoft biết phải biết quấy – mức phạt dân sự lớn nhất trong lịch sử Bộ Tư pháp Mỹ. Khi nghe thấy mức phạt 1 triệu USD/ngày, cả hội trường xôn xao kinh ngạc. 400 cặp mắt tìm kiếm Bill Gates nhưng không thấy ông đâu cả. Ông đã lẻn sang phòng khác, lười biếng chọc ngoáy vào bát quả hạnh, kiên nhẫn chịu đựng cuộc phỏng vấn với phóng viên tuần báo Newsweek. Thời gian còn lại ngày hôm đó, có đến cả tá phóng viên dự Agenda vây quanh Bill Gates như bầy ó đói. Tuy nhiên, kể từ giờ phút đó, Gates không nói chuyện với bất cứ ai ngoài người nhà Microsoft.
Scott McNealy của Sun là diễn giả vào buổi chiều đó. Thời điểm này không thể tốt hơn thế. Qua nhiều năm, một danh sách dài những đối thủ của Microsoft đã hình thành và tất cả đều có cùng mục đích: tiêu diệt Microsoft và bóp cổ chết tươi Bill Gates! Vào thập niên 1980, những hiệp sĩ dũng cảm đầu tiên gồm có Jim Manzi của Lotus và Philippe Kahn của Borland.
Những năm đầu thập niên 1990, đó là Ray Noorda của Novell; rồi đến lượt Larry Ellison của Oracle cũng bắt đầu cầm giáo. Kahn có cái lưỡi độc như phun ra axit; Manzi không biết run sợ trước nghiệt ngã đường phố; Noorda chính trực theo phong cách cuồng tín; Ellison lém lỉnh và khôi hài... Một năm trước đó, Ellison đã xuất hiện tại Agenda, trong bộ quần áo cầu kỳ Savile Row chéo ngực màu bơ. Cuối cùng, khi Ellison chiếm lĩnh sân khấu, Alsop đã chọc tức ông ta về vụ chiếc MiG–29 mà ông ta đang cố mua từ chính phủ Nga. Ellison đã nhận được sự hoan hô nhiệt liệt khi thú nhận mục đích thực sự của mình: ông ta cần một chiếc chiến đấu cơ để có thể bay nhanh và lượn thấp qua hồ Washington, để giải thoát bản thân bây giờ và mãi mãi khỏi bị đối thủ bám rịt như cây tầm ma đến từ ngôi vườn hoang Microsoft.
McNealy tếu táo và thông minh, châm biếm và trẻ tuổi, và không có bài phát biểu nào của McNealy có thể được xem hoàn thiện mà không đề cập đến thành tích “giết người không gớm tay” của Bill Gates. “Để hâm nóng bầu không khí và vào đề luôn, tôi sẽ tấn công Microsoft ngay vị trí tiên phong” – ông ta bắt đầu bài phát biểu với ý kiến chủ đạo như vậy, trước 6.000 doanh nghiệp máy tính hội tụ tại Trung tâm Moscone ở San Francisco năm 1996. Và một khi ông ta đã xác định công thức đó thì cứ như thể ông ta không còn có ích cho bất cứ việc gì khác. Vậy là diễn văn nọ nối tiếp diễn văn kia. Có những chuyện tếu về sự phong phú của khu vườn trong Vương quốc tội lỗi Microsoft, rằng Gates là con ma ca rồng, và tất nhiên có cả những nhận xét hiểm độc về sự vĩ đại của gia tài nhà Gates (đại loại: Bạn có thể nghĩ rằng mình giàu đến mức rút quá số tiền trong tài khoản của bạn tới 4 triệu USD mà không hề nhận ra điều đó?). Thậm chí, trước khi Bộ trưởng Tư pháp Reno tung quả bom nặng mùi vào buổi tiệc, đám đông đã xoa tay tán thưởng rần rần bài phát biểu của McNealy.
Những người thường xuyên lui tới Agenda biết cách làm thế nào nhận ra Gates: ông luôn ở góc sau, và luôn được bảo vệ bởi một mafia Microsoft. Đôi lúc ông ngồi với chiếc máy tính xách tay trên đùi, kiểm tra e–mail, trong khi có vẻ đang theo dõi diễn giả trên bục phát biểu. Có khi ông lại đứng với chiếc máy tính xách tay đung đưa trong tay. Đó là một phần về huyền thoại Gates, người có một trí óc mềm dẻo và mạnh mẽ đến mức có thể phân bộ não thành nhiều khoang, có nghĩa là cùng lúc thực hiện nhiều công việc. Khuỷu tay tì vào ghế, cằm vênh lên đúng kiểu Bill Gates, ông mỉm cười, duyên dáng! Ngay trước khi các diễn giả lên sân khấu, Alsop đã gợi ý rằng McNealy nên hạ giọng một chút. Trong khi đó, McNealy là gã ma mãnh. Ông liên tục ngắt quãng bài phát biểu bằng vài nhận xét mỉa mai nửa miệng. Khi Alsop đề nghị ông hạ bớt giọng, McNealy chỉ khép mắt lại, lầm bầm gì đó. Mặc chiếc quần jeans sờn cũ và áo sơ mi hở cổ, tóc cắt ngắn không phong cách, McNealy ngồi vào chiếc ngai bên lò sưởi một cách có ý thức. Không ai biết điều gì đang chờ đợi.
McNealy không né tránh việc tấn công Microsoft nhưng ông không châm chọc Gates một cách vu vơ. Ông ta giễu cợt Windows NT, hệ điều hành mà Microsoft đặt cược tương lai vào đó, nhưng ông ta không nhằm vào cá nhân Gates. Đứng ở góc sau, nhún nhẩy trên những ngón chân, Gates càu nhàu không thành tiếng: "Điều đó không đúng. Điều đó không đúng"... Mitchell Kertzman rời khỏi bài phát biểu của McNealy, cười thầm một mình. Bạn của ông đã trình diễn quá đẹp mắt – người đứng đầu Sybase tự nhủ. McNealy đã thọc những cú đau thắt bất cứ khi nào Alsop đề nghị mở màn nhưng ông đã tránh xa trò chơi xấu cá nhân. Lúc Kertzman đang mơ màng thì nghe tiếng bước chân từ đằng sau.
Đó là Gates. Kertzman và Gates đã biết nhau 10 năm, tính từ ngày Kertzman khởi sự một công ty phần mềm ở Boston, chuyên viết các phần mềm độc quyền cho Windows. Hai người thỉnh thoảng nói chuyện với nhau ở các cuộc gặp như thế này nhưng họ đối lập nhau như hai cực và khó có thể gọi là bạn. Kertzman đã bị kẻ cùng hội cùng thuyền chơi xỏ vì ông ta quá tốt, như một con cá heo ngây thơ vui vẻ tung tăng giữa bầy cá mập sát thủ. Khi Kertzman tiếp nhận quyền lực ở Sybase, điều đó đã làm cho hai người bất hòa. Thời gian gần đây Sybase đã nhìn ngôi sao của mình rơi xuống do Microsoft. Tại Agenda năm ngoái, Kertzman đã khiển trách sự hoang phí của đồng nghiệp khi quan tâm quá nhiều tới việc tôn vinh Gates. Và đâu là tấm chân tình với Bill Gates nếu không phải là một người nào đó đã từng nằm gai nếm mật trong Windows và giúp đưa ai đó vào quỹ đạo, mặc dù bây giờ thì ông ta đã thoát khỏi lực hấp dẫn?
“Để tôi hỏi ông một câu” – Gates nói một cách sống sượng. Không chào hỏi, không trao đổi đùa cợt, chỉ một câu thốt ra bởi một người nóng lòng muốn tới đích. “Có phải tất cả những người phát triển và khách hàng của ông đều chuyển sang Java?”. Java là sản phẩm của Sun mà Scott McNealy vừa quảng cáo rùm beng. Đó là một ngôn ngữ lập trình mới, hứa hẹn cho phép bất cứ máy tính nào cũng có thể nói chuyện với bất cứ máy nào khác.
“Không”. “Thế tại sao cái gã Scott chết tiệt lại nói rằng tất cả nhà lập trình chết tiệt trên toàn bộ thế giới chết tiệt này đang sử dụng cái Java chết tiệt ấy?”
Hai người nói chuyện thêm 20 phút nữa. Tất cả đều về công việc, tất nhiên. Kertzman có thể là vua của những trò ngớ ngẩn nhưng với Gates nó chẳng là cái gì khác ngoài bit, byte và chiến lược của hãng. Trước buổi chiều hôm ấy, Kertzman chưa bao giờ thấy nét lo lắng đến như vậy trên khuôn mặt Gates trong một tá hoặc hơn nữa ở các cuộc đàm thoại mà ông có với Gates trong suốt nhiều năm qua. Nhưng giờ đây khuôn mặt Gates nhăn nhúm, đôi mắt nhỏ như muốn bít lại. Ai có thể nói được tâm trạng của Gates lúc đó bao nhiêu phần là do McNealy và bao nhiêu phần là do Bộ Tư pháp Mỹ? Khi hai người chia tay, Kertzman tự nhủ: thậm chí nhà tỉ phú cũng có những ngày thực sự tồi tệ.
Nhân viên PR của Microsoft viện dẫn lý do an ninh đã không nói Gates chọn địa điểm nào để lưu lại khi ông đến Phượng hoàng. Có lẽ đó là một trong những phòng hạng sang ở Villa Suites của Phượng hoàng, với giá 3.000 USD/đêm, bao gồm dịch vụ quản gia, bể tắm Jacuzzi, một nhà bếp đầy đủ, một máy fax và một xe chạy ở sân golf để đi lòng vòng. Đối với một người có 40 tỉ USD như Gates hồi mùa thu năm 1997 thì tiêu 9.000 USD cho ba đêm ăn ngủ tương đương với 24 xu của một cặp vợ chồng có tổng thu nhập 100.000 USD/năm. Máy fax chạy và kêu bíp bíp, in ra hết trang này đến trang khác của hồ sơ pháp lý; ba đường dây điện thoại của phòng VIP Bill Gates giật như đèn cấp cứu. Gates là người hay la hét thậm chí vào những thời điểm bình thường, vì vậy người ta có thể tưởng tượng ông la hét đến khản cổ ở thời điểm này như thế nào. Một trong những quyết định được đưa ra vào đêm đó là Gates nên nói chuyện với cánh báo chí.
Hôm sau, có vẻ như bất cứ lúc nào bạn thấy Gates, ông tách ra trong một góc phòng, đang nói chuyện với một phóng viên có tên tuổi lớn khác. Ông làm trò về tầm quan trọng của vụ kiện liên bang, thêu dệt nó như một thứ gì đó được bày mưu tính kế bởi nhóm kẻ thù hèn hạ không thể cạnh tranh trên thị trường. Điển hình là buổi nói chuyện của ông với Steve Hamm của tờ Business Week. “Đó là cách họ chơi trò chơi” – ông nói về những đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn Sun – “Bằng cách sử dụng các luật sư. Rất may, điều đó không ảnh hưởng gì tới những người tham gia viết phần mềm”. Màn trình diễn lớn bắt đầu vào chiều hôm đó, khi Gates và Alsop chiếm lĩnh sân khấu. Gates, mặc quần kaki may bằng tay và áo sơ mi, bắt chéo chân và quàng tay một cách hờ hững ra sau chiếc ngai vàng bằng liễu gai. Nhưng sự căng thẳng hiện rõ trên thớ thịt ở quai hàm ông, hiển hiện ở hàm răng nghiến chặt trong nụ cười gằn. Từng có những bài nói chuyện trước công chúng kể từ thời ông rời trường Đại học Harvard năm 1977, nhưng trong 20 năm làm công việc này, các diễn văn của Bill Gates đã tiến bộ từ chỗ gây cười sang đơn thuần là khá tốt. Thậm chí nhân viên Microsoft – từng tôn Gates như thể ông là lão tiền bối Leonardo da Vinci – cũng thừa nhận rằng Gates không có gì nổi bật trên sân khấu cả. Ông nói bằng giọng cuống họng, với cường độ cao gần như tiếng rên rỉ, đem lại cho bài diễn thuyết âm sắc nài nỉ gần như tuyệt vọng. Ông nói với một lòng nhiệt tình gượng ép, không chắc chắn, giả tạo và không có sự thân mật, hài hước hay cá tính gì cả, mặc dù ông đã có bao nhiêu là giờ học với chuyên gia dạy cách diễn đạt bài diễn văn. Điều đáng chú ý ở ông khi trên sân khấu không phải là tài hùng biện mà chính là trí nhớ phong phú. Ông không bao giờ thất bại khi đề cập từng chủ điểm trong bài phát biểu của mình.
“Tôi đã trả cho Janet Reno một món hời để hành động vào ngày hôm qua” – Alsop đùa, sau khi ông ta và Gates đã yên vị trên ghế vào buổi chuyện trò hàng năm trong năm nay – “Vì vậy tôi rất muốn nghe phản ứng của ông”. Tất nhiên Gates không cười. Ông bắt đầu một cách bướng bỉnh: nếu chúng tôi quyết định đưa phần mềm nhận dạng giọng nói vào Windows, video hay bất cứ thứ gì khác mà chúng tôi cho rằng thích hợp, chúng tôi sẽ làm điều đó. Ông giễu cợt Chính phủ vì đã lập hồ sơ của một vụ án mà ông cho là “rất kỳ lạ” – nhắc lại từ “kỳ lạ” hơn hai lần – và ông đổ lỗi cho Chính phủ về những sức ép chính trị, bị lợi dụng bởi các đối thủ cạnh tranh của Microsoft. Gates không để lộ cảm xúc mà ông đã cho thấy vào đêm hôm trước khi ông đụng phải Kertzman nhưng ông đã biểu hiện cùng một sự nóng nảy, đặc biệt khi chủ đề chuyển sang Sun. Ông nói rằng mình thấy McNealy đã quá “lo lắng” trong bài diễn văn hôm trước. Ông tuyên bố rằng sản phẩm của Sun “quá đắt” và làm mất đi sự quyến rũ của ngành công nghiệp phần mềm. Lẽ tất nhiên, buổi đàm thoại tiếp tục quay lại vấn đề Bộ Tư pháp; mỗi lần như vậy, Gates lại nhún vai coi thường tất cả.
Andy Grove của Intel còn hơn cả tức giận khi nghe Gates thố lộ. Microsoft và Intel, nhà sản xuất bộ vi xử lý, đã quan hệ gần gũi đến mức thường Andy Andy Grove Grove vâ vâ Bill Bill Gates Gates được nhắc đến như một: “Nhà tư bản độc quyền Wintel”. Gates đã biến Grove thành kẻ giàu có. Nhưng mối quan hệ giữa hai công ty luôn phức tạp và đa tầng, như một cuộc hôn nhân giữa hai người rất khác biệt nhau nhưng vẫn bấm bụng chung sống với nhau vì quyền lợi của đám con trẻ. Sau bài phát biểu của Gates, người ta nghe Grove hầm hừ trong góc phòng. “Ông ta hành động như thế này thì thật quá quắt!” – Grove nói một cách giận dữ với hết phóng viên nọ đến phóng viên kia bằng giọng Hungary đặc sệt của mình. “Ông ta không thấy rằng vụ này dính dáng đến Chính phủ hay sao!”. Grove có nguyên nhân để lo lắng. Nền công nghiệp máy tính được chia làm hai phe. Một bên là Intel cùng Microsoft. Cả hai buộc chặt xe chở hàng của họ vào Windows. Bên kia là nhà sản xuất trình duyệt Netscape, Oracle, IBM, Sun Microsystems và rất nhiều công ty lớn nhỏ khác. Những công ty này liên kết chặt chẽ với nhau, ít nhất là trong suy nghĩ, đến mức mọi người bắt đầu gọi chung họ là NOISE (Netscape, Oracle, IBM, Sun, Everybody else – Những kẻ khác) – những kẻ ồn ào. Tất nhiên, “những kẻ khác” bao gồm cả Chính phủ Mỹ! Trong suốt hai ngày tại Phượng hoàng, đã có những nụ cười ranh mãnh gặp nhau khi các liên minh này cùng đi ngang trong sảnh. Tại quán bar Lạc đà khát, họ nhấm nháp ly rượu mạch giữa đám khói xì gà nồng nặc, hình dung một cách hân hoan viễn cảnh ngày tận thế rồi sẽ ập đến với gã đầu bù tóc rối tới từ Redmond – tên hung thần của Vương quốc Microsoft.
Khi Gates từ Agenda trở về nhà, danh sách thế lực liên minh chống lại ông thật là kinh khủng. Bộ Tư pháp Mỹ chỉ là một mối lo giữa rất nhiều lực lượng khác. Hai tuần trước Agenda, chính trị gia–luật sư Ralph Nader (ứng cử viên Tổng thống Mỹ mùa 2000 – 2004), đứa con cưng của cánh tả, đã thông báo rằng ông sẽ chủ tọa một hội nghị hai ngày tại Washington DC, để điều tra “một công ty có lẽ là nguy hiểm nhất tại Mỹ hiện nay”. Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, đứa con cưng của cánh hữu, thông báo việc đầu tiên mà ông đã hứa sẽ là tiến hành một sêri phiên tòa khám phá sự thống trị nền công nghiệp phần mềm của Microsoft. Vào thời điểm mà con tôm hùm đã bị nhúng vào món chấm cocktail tại bữa tiệc Agenda, ít nhất nửa tá viên chức tư pháp các bang, phát hiện ra một vấn đề chắc chắn thu hút các máy quay truyền hình, cũng bắt đầu tham gia cuộc săn lùng. Đến đầu năm 1998, số tay thợ săn đã lên tới hơn 25. Ủy ban châu Âu, cánh tay của Liên minh châu Âu giám sát các vụ tranh tụng thương mại, cho biết họ cũng đang rình Microsoft cả ngày lẫn đêm. Chưa hết, Chính phủ Nhật cũng loan bố tương tự. Thậm chí một số hiệp hội thương mại phần mềm, vốn lâu nay bị Microsoft bắt nạt như một thằng đầu bò chuyên ăn hiếp con nít, cũng nhảy vào tham gia với nhóm thợ săn đang khát máu.
Ngay sau khi Reno thông báo bà đang khơi lại vụ Bộ Tư pháp chống lại Microsoft, một nhân viên lâu đời của Microsoft tên là Mike Murray đã gửi e–mail để tuyển lựa đồng sự: Điều gì sẽ xảy ra nếu thực sự có một âm mưu bí mật chống lại Microsoft? Điều gì sẽ xảy ra nếu những kẻ thù Microsoft một lòng liên minh với Chính phủ, với phương tiện truyền thông và cùng các thế lực khác trong âm mưu xé tan xác Microsoft? Điều gì sẽ xảy ra nếu những kẻ thù như Sun và Oracle lén lút chu cấp mọi thứ hậu cần cho cuộc đại chiến chống Microsoft của Nader, chưa kể cuộc điều tra của nghị sĩ Orrin Hatch?
Từ quan điểm của Microsoft, NOISE – đúng là một bọn ồn ào – có thể xem như một bè đảng mà hoạt động của nó ở sát ranh giới của sự bất hợp pháp. Tuy nhiên, dù họ gặp nhau thường xuyên nhưng họ cũng xỉa xói nhau và giẫm đạp công khai lên các chiến lược của nhau đến mức họ chẳng khác gì bọn lục lâm thảo khấu hoặc đám du đảng vỉa hè.
Tại Agenda, Gates nói rằng vụ kiện của Chính phủ có thể tóm tắt lại thành một từ: việc đưa trình duyệt Internet Explorer vào Windows 95 của Microsoft có phải là một “sự cách tân” (như Microsoft xác nhận) hay là “cột hai sản phẩm riêng biệt vào nhau” (như Chính phủ nhận định)? Tính chất nhà nghề của luật chống độc quyền là như thế, một cuộc tranh cãi tốn kém và phức tạp về ngữ nghĩa học vốn là địa hạt ngặt nghèo của giới chuyên môn. Thậm chí các tay cựu binh tại các hãng luật cũng phải lắc đầu vì sự rối rắm đến nghẹt thở của nó. Vụ kiện của Chính phủ chống lại Microsoft cũng kích thích trí tò mò, như một tác phẩm của nhà hát đang lăng xê một nhóm diễn viên mới trên sân khấu. Tuy nhiên, tác động của những kẻ được mướn ngồi lê đôi mách không phải là điều gì mới lạ. Mới lạ hơn nhiều chính là những chúa tể của nền công nghệ cao, các ông trùm tư bản tự phấn đấu này đã mô tả bản thân như là những kẻ cao quý chỉ bị điều khiển bởi một động cơ cao quý nhất: vì nhân loại chứ không màng tiền! Có một người nghỉ hưu 40 tuổi, rám nắng, ăn vận mẫu mực tao nhã, trông cực kỳ hạnh phúc, tuyên bố rằng tiền không bao giờ thậm chí là cái đinh gì. Mặc dù vậy, chưa đầy 15 phút sau, ông ta tiết lộ rằng từ thuở thiếu thời, ông ta đã mơ được nghỉ hưu ở tuổi 30 và sở hữu một căn nhà lộng lẫy đến mức đáng được in đầy trang trên chuyên san địa ốc Architectural Digest. Đúng như nhà báo Molly Ivins từng nói, bất cứ ai nói với bạn rằng tiền không quan trọng thì tài sản của họ đều có ít nhất 1 triệu USD.
Bill Gates không sáng tạo ra nền công nghệ được định hướng bởi các biểu tượng cho phép người sử dụng chỉ nhấp vào thùng rác để xóa một tệp dữ liệu. Chính những thầy phù thủy tại Xerox PARC ở Thung lũng Silicon đã phát minh ra kỹ thuật đó. Cũng chẳng phải Gates là người đầu tiên sử dụng nó như một sản phẩm thị trường đại chúng. Chính Apple Computer đã làm điều này. Mặc dù vậy, hãy yêu cầu những người PR được Gates trả lương hậu hĩnh và các nhân viên hàng đầu của ông giải thích tại sao họ xem ông là người có tầm nhìn sâu rộng, và đây là những gì họ sẽ nói với bạn: Bill Gates nhìn thấy trước những người khác trong ngành công nghiệp này, ông cho rằng tương lai chính là sự “chỉ–và–nhấp” chuột. Tháng 8–1997, tờ Newsweek đã hoan nghênh Gates như một người đã “đạt được một ảnh hưởng chưa từng có và ngày càng cao trong thế giới văn minh”. Ở vế bên kia của phương trình đó, Gates được xem là người đàn ông nguy hiểm nhất trên hành tinh, được so sánh một cách không thích thú gì với Pol Pot và Saddam Hussein.
Trong bối cảnh này, âm mưu nắm gáy Bill Gates bắt đầu được xem là trò cao quý. Những thế lực tốt tập hợp lại với nhau để loại bỏ cho thế giới khỏi sự xấu xa mục rữa do Bill Gates gây ra. Nhiều trang web tuyên bố ông là quỷ sứ hóa thành người, một CEO mà mục tiêu chỉ là chinh phục toàn cầu và vơ vét đầy túi. Ở mục tiêu sau cùng này, các nhà phê bình đều chắc chắn về điều đó. Những năm gần đây, Microsoft đã thâm nhập vào hàng loạt lĩnh vực mới với tốc độ đến chóng mặt: truyền hình cáp, ngân hàng, ô tô, bất động sản... Mọi người cũng nhận thấy Gates nhắm đến việc sở hữu cả hai nửa của luồng thông tin – phương tiện mà nhờ đó thông tin được phổ biến và cả bản thân thông tin – những thứ mà trong nội bộ ngành công nghiệp máy tính, mọi người gọi đơn giản là “dung lượng”. Dù vậy, có thực sự là quan trọng không, trong việc đánh giá xem ai là ông vua của dung lượng: Bill Gates của Microsoft, Michael Eisner của Walt Disney hay Gerald Levin của Time Warner? Với hầu hết mọi người, General Electric chỉ là một anh con buôn chuyên bán bóng đèn và các sản phẩm điện tử, nhưng trên thực tế đó là một công ty thuộc Top 5 lâu đời trong danh sách 500 của tạp chí Fortune, nơi sở hữu hãng tin – truyền hình NBC và vài nhà máy điện hạt nhân. General Electric cũng là công ty sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và trong vai trò là người cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, nó cũng nắm giữ giấy tờ nhà đất ở Mỹ nhiều hơn bất cứ thực thể nào khác.
“Anh không hiểu đâu” – vợ một quản trị viên máy tính nói với John Seabrook của tờ The New Yorker – “Khi ở nhà, mỗi buổi tối chúng tôi thường nói về Bill Gates. Chúng tôi nghĩ về Bill Gates mọi lúc. Cứ như là Bill Gates sống cùng chúng tôi vậy”. Và đó là vào năm 1994, trước khi có World Wide Web và khi mà Microsoft chỉ bằng 1/6 quy mô khổng lồ 250 tỉ USD mà hãng có được vào năm 1998. Ngày nay, có vẻ như mọi cuộc đàm thoại ở Thung lũng Silicon không thể diễn ra được 5 phút trước khi Gates và Microsoft được đề cập đến. Các cặp mắt lóe sáng nhưng cùng lúc bão tố u ám đè nặng những vầng trán và tình cảm nắng ấm chuyển thành mây mưa. Esther Dyson, chủ nhà của một hội nghị máy tính quy mô không kém Agenda, đã gọi căn bệnh đó là “sự thèm muốn Bill”. Về một điểm nào đó, Gates không đơn giản là nhân vật có thế lực trong ngành. Ông đã xâm nhập vào cuộc sống mơ ước của thế giới. “Trong mọi khoảnh khắc của mọi ngày” – nhà sáng tạo trang web có tên “Những giấc mơ của Suối nguồn Bill Gates” viết – “Ở nơi nào đó trên hành tinh đều có ai đó đang mơ về Bill Gates”, giống như câu chuyện có thật về một cậu bé 13 tuổi bay từ Đan Mạch đến Seattle (mẹ cậu là nhân viên hàng không), với hy vọng được sờ vào tay “thánh sống” Gates (cậu đã làm được); hoặc câu chuyện về vô số nhóm như alt.fan.bill.gates (cùng những tán dương lãng nhách như “Bill Gates cực kỳ đáng ngưỡng mộ”; hoặc “Cặp kính của Bill Gates thật gợi cảm làm sao”...).
Điều quan trọng không phải ông ta đã làm gì mà là ông ta thành công như thế nào. Ông ta là Madonna, ông ta là Micheal Jackson, ông ta là Micheal Jordan. Tất cả đều bắt đầu từ việc người ta đã trao cho nền công nghiệp máy tính quá nhiều ý nghĩa. PC là tâm điểm của vũ trụ. Tạp chí Wired từng viết trong số đầu tiên về cuộc cách mạng kỹ thuật số: “Chỉ có một sự tương đương với nó (cuộc cách mạng kỹ thuật số). Đó là sự khám phá ra lửa”! Do vậy, chẳng có gì lạ khi những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực này được hoan nghênh như hoàng đế La Mã. Fortune đã tuôn ra một tràng về “tính chất Bill”, giống như một thiếu niên trong cú cảm xúc chấn động tâm can trước cơn lốc tình yêu đầu đời: “Với tất cả sự kính trọng như dành cho thiên tài nhạc soul James Brown, Bill Gates có thể được đánh giá là ông thánh trong ngành kinh doanh lớn này”. Tương tự, tờ The New Yorker cũng từng tạc McNealy vào đá, tạo cho ông một hình ảnh cao cả khi xem ông ta như David chống lại gã khổng lồ Goliath – trong một bài báo dưới tựa đề “Vua Mặt trời”.
Âm mưu bóp cổ hoặc quẳng Bill Gates lên giàn thiêu là một câu chuyện về nỗi ám ảnh kinh dị giữa những kẻ làm bất cứ điều gì để chiến thắng. Ở khía cạnh tồi tệ nhất, đó là một ví dụ về một nền văn hóa bị ám ảnh cuồng dại bởi của cải và tiếng tăm. Như nhận xét sau đây:
“Đôi khi” – Nancy Stinnette, nhà quản lý PR tại Oracle và Sun – nói: “Tôi cảm thấy tất cả chúng ta chỉ là con tốt trong cuộc chiến này. Một số chàng trai bé nhỏ rất giàu có đang đánh nhau chí tử và tất cả những người còn lại như chúng ta chỉ là tay sai của họ.”