Bất kỳ quan hệ nào cũng không tránh khỏi những lúc tranh cãi và bất đồng, ngay cả khi đang yêu nhau hay khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân. Một cuộc tranh cãi nếu không được dập tắt ngay từ khi mới nhen nhóm bằng thái độ và lời lẽ hợp lý của người trong cuộc thì rất có thể sẽ dẫn đến một mâu thuẫn lớn. Hãy cố tìm cách giải quyết các bất đồng trước khi cả hai rơi vào trạng thái nóng giận cực điểm.
Nếu muốn giải quyết hoặc tránh khỏi các cuộc tranh cãi đau lòng với chàng, bạn cần phải học các kỹ năng tranh cãi. Bạn cần tìm hiểu về vai trò của sự nóng giận trong các cuộc cãi vã, rồi học cách phản ứng cần thiết trong những tình huống đó. Mục đích của bạn là phải thể hiện được quan điểm của mình trong khi vẫn tỏ rõ thiện chí nuôi dưỡng mối quan hệ chứ không phải tranh cãi để phân định thắng thua.
Dưới đây, tôi sẽ chia sẻ với bạn bí quyết về cách xử sự đúng mực khi xảy ra bất đồng trong tình cảm. Giải quyết được các cuộc tranh cãi này với một logic đúng đắn sẽ giúp người đàn ông thêm tôn trọng bạn.
CÁCH PHẢN ỨNG TRƯỚC NHỮNG CUỘC TRANH CÃI KHÔNG ĐÁNG CÓ
Tranh cãi không đáng có là cuộc tranh cãi có nguyên nhân từ những câu nói bị hiểu lầm, sai lệch hay không hợp logic. Những câu nói như thế sẽ tác động đến nhận định của chúng ta nếu ta tin vào đấy. Do vậy, bước đầu tiên trong việc xử lý các cuộc tranh cãi như thế là phải nhận diện được những thông tin lầm lạc đó.
Một khi đã học cách nhận biết được đâu là thông tin gây hiểu lầm, bạn sẽ nhận ra rằng có một số người vẫn thường dựa vào đó để tạo ra các cuộc tranh cãi hàng ngày, nhất là trong mối quan hệ yêu đương. Khi ấy, bạn sẽ biết cách xử lý thích đáng những thông tin đó, nhất là khi chúng có xu hướng chống lại bạn. Bạn cũng sẽ xác định được sai sót trong việc biện minh của chàng và tránh nói ra những điều có thể gây hiểu nhầm khi tranh cãi. Sau đây, tôi sẽ giúp bạn vận dụng logic đúng đắn khi tranh luận.
Nhắm đến cá nhân thay vì vấn đề cần tranh luận
Một sai lầm thường thấy trong các cuộc tranh cãi không đáng có là người trong cuộc chỉ nhắm đến nhau thay vì quan tâm đến vấn đề cần tranh luận. Họ cố tình hạ thấp và làm mất uy tín của đối phương, chẳng hạn như gọi nhau là kẻ dối trá hay đưa ra những nhận xét không hay về nhau.
Ví dụ, Sandy và Harry tranh luận về việc mua một căn nhà cạnh bờ biển. Sandy chỉ ra những ưu điểm của việc mua ngôi nhà này cũng như ý nghĩa của nó đối với vợ chồng họ. Vốn không đủ lý do để bác bỏ việc mua nhà nên Harry cố tình đưa ra những nhận xét nhằm vào bản thân Sandy. Anh tranh cãi: "Chỉ là do em lười lái xe ra biển mà thôi!". Và thế là Sandy phản ứng: "Anh né tránh vấn đề băng cách chuyển sang nói về bản thân em. Em muốn biết là theo anh, trở ngại mà chứng ta có thể sẽ gặp phải nếu mua căn nhà này là gì?". Cô cũng có thể nói rằng: "Anh không khách quan chút nào cả. Hãy trở lại vấn đề chính đi!" hoặc "Harry, em muốn biết anh đang thật sự nghĩ gì kia?".
Tấn công vào cá nhân thay vì vấn đề cần giải quyết thường gây nên hậu quả khó lường trong mối quan hệ yêu đương. Nếu Sandy và Harry cứ tiếp tục tấn công lẫn nhau, có thể kết quả cuối cùng sẽ khiến cả hai đều bị tổn thương hoặc hơn thế.
Sau đây là một số câu nói thể hiện dụng ý tấn công vào đối phương hơn là vấn đề cần giải quyết. Bạn có thấy câu nào quen thuộc với mình không?
• Em còn quá trẻ để hiểu chuyện đó.
• Nếu anh thông minh như thế, sao anh không giàu có hơn nhỉ?
• Anh chưa bao giờ kết hôn, vậy thì cũng đừng bao giờ khuyên bảo tôi phải làm như thế nào trong chuyện đó.
• Làm sao anh biết được kia chứ? Anh chẳng biết gì sất!
• Chẳng ai đồng tình được với anh cả.
• Anh hành động cứ như một đứa trẻ hư hỏng vậy.
Những lời nói ngụ ý tấn công ai đó thậm chí còn tệ hại hơn cả những lời khen ngợi giả dối hay lời chỉ trích ác ý. Chúng đe dọa uy tín của một người chỉ nhằm giành được phần thắng trong một cuộc tranh cãi.
Chiến thắng bằng quyền lực
Biểu hiện thứ hai thường thấy trong các cuộc tranh cãi không đáng có là người trong cuộc dùng quyền lực để giành chiến thắng. Ví dụ điển hình nhất là trong các cuộc tranh cãi giữa sếp và nhân viên, hoặc giữa cảnh sát và người tham gia giao thông. Đây là một kiểu tranh cãi: "Hãy làm đi nếu không muốn bị...". Thông thường, đàn ông cố giành chiến thắng trong các cuộc tranh cãi bằng việc sử dụng quyền lực tài chính trong khi phụ nữ thì lại sử dụng quyền lực trong vấn đề tình dục.
Sau đây là một số câu nói của người trong cuộc khi họ cố giành chiến thắng bằng quyền lực khi tranh cãi:
• Hãy làm theo cách của tôi hoặc đi tìm một công việc khác.
• Nếu anh còn chưa đồng tình với em thì hãy cứ ngủ ngoài ghế salon.
• Mẹ luôn biết cái gì là tốt nhất cho con gái của mẹ.
• Nếu mà cô còn nói nữa thì tôi sẽ bỏ đi cho mà xem!
Những câu nói này thật ra không phải là những lời dùng trong một cuộc tranh cãi mà đúng hơn, chúng là những lời đe dọa. Bạn không thể nào tranh cãi với một người chỉ biết buông ra những lời đe dọa như thế, nhưng cũng đừng để mình bị xúc phạm. Hãy nói, "Anh không muốn nghe em nói mà chỉ muốn đe dọa em. Thế thì mình nói về vấn đề này sau vậy, khi nào anh sẵn lòng". Hãy hoãn cuộc nói chuyện của cả hai sang ngày khác, khi đối phương đã bình tĩnh và sáng suốt hơn.
Tranh cãi vì thiếu hiểu biết
Sự thiếu hiểu biết cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh cãi không đáng có. Trước khi các nhà du hành vũ trụ đặt chân lên mặt trăng, có những người cho rằng mặt trăng làm bằng phô mai. Và chẳng ai có thể xác nhận được điều đó đúng hay sai bởi lúc ấy chẳng có ai thật sự am hiểu về vấn đề này.
Nhiều cuộc tranh cãi giữa các cặp vợ chồng xoay quanh những vấn đề mà cả hai đều không chứng minh được, nhất là khi chúng liên quan đến kế hoạch hoặc dự tính cho tương lai.
Sau đây là một số câu nói thường xuất hiện trong các cuộc tranh cãi vì thiếu hiểu biết.
• Hiện nay có rất nhiều người ly dị, vậy thì lập gia đình để làm gì kia chứ?
• Nếu làm vỡ gương, anh sẽ bị xui xẻo bảy năm liền.
• Chắc chắn anh ta nói như thế chỉ vì muốn tạo ấn tượng với cậu mà thôi.
• Chẳng có dầu gội nào tốt cho tóc anh bằng nhãn hiệu X cả.
• Nhìn bụng cậu, mình đoán đó sẽ là con trai đấy.
Trong những trường hợp trên, tốt nhất bạn nên trả lời rằng: "Ai mà biết được kia chứ!", "Cứ để thời gian trả lời!" hoặc "Còn quá sớm để chắc chắn điều gì!"...
Tranh cãi dựa theo số đông
Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến các cuộc tranh cãi không đáng có là việc dựa theo số đông, nghĩa là viện số đông để áp đảo và giành chiến thắng thay vì đưa ra lý lẽ hợp lý. Tất cả chúng ta đều tận dụng yếu tố này khi tranh cãi, chẳng hạn đàn ông thường bảo: "Những người đàn ông khác ai cũng đi chơi golf cả, không lẽ anh lại không?"; còn phụ nữ thì lý luận: "Ai mà chẳng thích lui tới các trung tâm mua sắm mới chứ. Em cũng phải đi mới được!", trong khi trẻ con thì so sánh rằng: "Bạn con được đi xem xiếc, sao con lại không được?"...
Sau đây là một số câu nói giúp bạn nhận ra những cuộc tranh cãi dựa theo số đông. Bạn có thấy chúng quen thuộc với mình không?
• Bạn bè mình ai cũng đi nghỉ ở Miami cả. Mình cũng nên đến đó đi anh!
• Ai cũng thích món bánh này. Mình cũng mua luôn đi!
• Ai mà không biết cô ấy là người thích được tán tỉnh.
• Mikey dùng loại giày đế mềm khi chơi quần vợt, anh cũng nên dùng loại đó.
Trong những trường hợp đó, bạn hãy trả lời rằng: "Em không sống theo dư luận" hoặc chỉ cần đáp: "Vậy thì sao?" là đủ.
Tranh cãi vì thương hại
Đôi khi có những cuộc tranh cãi xảy ra chỉ vì mục đích thương hại hơn là vì chân lý, chẳng hạn như đòi hỏi người khác phải làm điều gì đó để người thứ ba cảm thấy yên lòng hoặc toại nguyện, ngay cả khi người kia đã qua đời.
Những câu sau đây cho thấy sự tranh cãi xảy ra vì mục đích thương hại.
• Mình hãy giúp cô ấy hiểu rằng vẫn có người yêu quý cô ấy bằng cách gửi cho cô ấy bó hoa.
• Mình hãy đến nghĩa trang đi anh, chắc mẹ sẽ vui lắm đó.
• Trong ngày giỗ của cha, làm ơn đừng mặc quần áo màu hồng.
• Em cảm thấy không vui. Anh có thể đồng tình với em chỉ lần này thôi được không?
• Con chó của mình vừa qua đời. Mình có thể trả số tiền mình nợ cậu vào tháng sau được không?
Phần lớn chúng ta đều rất nhạy cảm trước sự đau buồn của người khác. Vì thế, khi người khác áp dụng những câu nói trên với mình, bạn hãy đáp rằng: "Chuyện đó thật buồn, nhưng có lý do gì chính đáng hơn khi anh đề nghị thế không?".
Sử dụng những căn cứ không ai xác định
Một dạng tranh cãi không đáng khác là dùng các căn cứ không ai xác minh, mở đầu bằng những lời như: "Bác sĩ nói là...", "Em đọc trong một cuốn sách thấy có nói...", "Báo chí nói vậy mà..." hoặc "Thầy giáo cũng nói thế!"...
Đây là những câu nói sử dụng các căn cứ không ai xác minh được. Hãy xem bạn có thường xuyên nghe thấy những câu nói như thế này không nhé:
• Nha sĩ khuyên nên dùng kem đánh răng X.
• Các bác sĩ thường chuộng loại thuốc giảm đau này.
• Bài viết của tạp chí này có thực đơn giảm cân tốt nhất.
• Nếu nó tốt cho cha tôi thì nó cũng sẽ tốt cho tôi.
• Bạn bè khuyên chúng mình nên tổ chức tiệc.
Bạn có thể đáp lại những lời như thế bằng cách tấn công vào mức độ tin cậy của sự việc, chẳng hạn như hỏi lại rằng: "Căn cứ vào đâu để xem ông ta là một chuyên gia kia chứ?"; "Nha sĩ của mình lại bảo kem đánh răng B tốt hơn"; "Mình vừa đọc thấy điều ngược lại trên báo ấy chứ!" hoặc "Giáo sư của mình sẽ chẳng bao giờ đồng tình với khái niệm đó".
Những khẳng định tích cực
Những lời khẳng định tích cực thái quá là cách ngụy biện mà các chính trị gia ưa dùng, chẳng hạn như: "Mọi người đều cần Joe" hay "Cuộc khủng hoảng kinh tế rồi cũng sẽ qua!". Các chính trị gia thường đưa ra những lời nói có cánh mà không hề cho thấy động thái hỗ trợ nào để biến chúng thành hiện thực. Hãy tránh dùng những lời như thế trừ khi bạn thật sự chắc chắn về điều mình nói ra. Những câu nói mạnh mẽ không hề đảm bảo cho tính xác thực của vấn đề. Tốt hơn hết là bạn nên dùng thêm những từ như "có thể", "có lẽ" thay vì dùng những từ ngữ mang tính khẳng định như "phải", "khôngphải". Ngoài ra, phải luôn hết sức cẩn thận khi dùng các từ "luôn luôn" và "không bao giờ". Khi một người đàn ông bảo với một phụ nữ rằng: "Em sẽ chẳng bao giờ thành công trong việc kinh doanh" thì có nghĩa anh ta đang nói một điều không chính xác. Còn khi bạn nói: "Người ta thường đi nhà thờ vào dịp Giáng sinh" thay vì "Người ta luôn đi nhà thờ vào dịp Giáng sinh" thì có nghĩa là bạn đang tránh việc tạo nên những khẳng định không chính xác. Điều này cũng tương tự như khi bạn nói: "Có thể anh sai rồi" thay vì "Anh sai rồi!".
Sau đây là một vài lời khẳng định tích cực thái quá mà bạn có thể nhận ra một cách dẻ dàng. Hãy nghĩ xem bạn có thường xuyên nghe thấy những câu nói như thế này không nhé:
• Cô ấy là bác sĩ giỏi nhất.
• Nhà hàng này bán món bít-tết ngon nhất thành phố.
• Chắc chắn cậu sẽ thích bộ phim này.
• Anh biết là em sẽ thích mẹ anh.
• Anh có mang cho em mấy thứ em thích.
Cách trả lời đơn giản nhất của bạn trong những tình huống này là: "Sao anh lại nghĩ vậy?" hoặc "Anh tin như vậy sao?".
Những câu hỏi gài bẫy
Đó là dạng câu hỏi ướm trước những điều không hề có thật, chẳng hạn như: "Lúc này cậu còn chua ngoa hết?" khiến người nghe dù có trả lời là "Còn" hay "Hết" đều "mắc bẫy" cả. Tương tự, nếu một người chồng bị hỏi là: "Lúc này anh có còn hay đánh vợ không đấy?" thì dù trả lời là "Còn" hay "Hết" đều khiến anh ta cảm thấy khó xử. Những câu hỏi dạng này còn được gọi là những câu hỏi định kiến bởi dù câu trả lời là gì chăng nữa thì bản thân người đặt ra câu hỏi cũng đã mang định kiến từ trước.
Sau đây là một vài câu hỏi dạng gài bẫy. Bạn có thấy chúng quen thuộc không?
• Anh có còn nhậu như hủ chìm nữa không đấy?
• Lúc này cậu có còn ghét mẹ chồng nữa không?
• Cậu có thú nhận đã cướp bạn trai của cô ấy chưa?
• Cậu vẫn còn nhuộm tóc đấy chứ?
Khi bị hỏi những câu gài bẫy như thế, hãy đáp trả lại những giả thuyết ấy, chẳng hạn như bạn hãy trả lời rằng: "Tớ có bao giờ chua ngoa đâu mà còn hay hết?".
Các nhà quảng cáo thường dùng cách nói tâng bốc như một dạng hỏi gài bẫy, ví dụ: "Là một người am hiểu, hẳn bạn sẽ thấy đây là loại rượu hảo hạng" hoặc "Joe - Cửa hiệu của những người sành điệu". Trong thực tế, nếu không phải là người am hiểu hay sành điệu gì cả thì bạn sẽ dẻ dàng nhận ra sự tâng bốc trong những mẩu quảng cáo đó. Và thậm chí, bạn và chàng còn có thể có thêm thú vui là tìm cách nhận diện chúng.
TRÁNH CÁC HIỂU LẦM
Thật ra, chẳng có cách nào có thể giúp bạn tránh được các tranh cãi không đáng có do hiểu sai lệch thông tin, thiếu hiểu biết, căn cứ thiếu xác thực... mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên, ngoại trừ bạn tự bảo vệ bằng cách đưa ra lý lẽ của mình đồng thời phát hiện những thông tin sai lệch có hại cho bản thân, nhất là trong mối quan hệ tình cảm với chàng. Hẳn bạn không muốn có một người yêu suốt ngày tranh cãi vì những lý do không đáng và che giấu suy nghĩ, tình cảm thật của mình. Hãy tìm hiểu xem chàng thật sự nghĩ gì và những lý do liên quan. Nếu bạn chưa hiểu hết một người đàn ông và không thể đoán định cũng như thấu hiểu được cách phản ứng của chàng trước những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với bạn, nghĩa là bạn chưa hiểu chàng đủ để tiến đến một mối quan hệ dài lâu.
Rất có thể anh chàng của bạn sẽ thường xuyên lặp lại những tranh cãi không đáng có, vì vậy, bạn cần chuẩn bị tâm lý để đối diện với các thử thách đó!
Phản ứng bằng lời của bạn
Khi chàng dùng những lý do, thông tin sai lệch và không xác thực để tranh cãi với bạn, hãy tỏ ra khách quan với các yếu tố sai lệch đó. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng để đáp lại chàng:
• Tại sao anh lại nói vậy?
• Có căn cứ nào xác đáng cho điều đó không?
• Anh không thể nói thế với một quan tòa được!
• Ai bảo anh thế?
• Ai mà quan tâm đến việc hàng xóm của mình nghĩ gì kia chứ?
• Sao anh lại tin vậy?
• Anh nói thế là vì...?
• Anh yêu, anh suy nghĩ sai lệch rồi.
• Khoan đã, cách suy nghĩ của anh không logic chút nào.
Bạn cũng có thể trả lời chàng bằng thái độ nghiêm túc hơn: "Em không tranh cãi về chuyện này bởi vì lý lẽ mà anh đưa ra chẳng ai biết thực hư thế nào cả". Hoặc bạn có thể nói bằng giọng gay gắt hơn: "Anh làm ơn đi chỗ khác mà tạo ảo giác nhé!". Đừng bỏ qua các thông tin sai lệch, nếu không, bạn sẽ bị chàng xem thường đấy.
Nguyên tắc bằng chứng
Bạn cũng có thể xử lý các thông tin sai lệch bằng cách áp dụng nguyên tắc bằng chứng. Nhưng trước hết, hãy học cách phân biệt rõ đâu là suy nghĩ mang tính suy đoán, đâu là ý kiến của chuyên gia và đâu là những người am hiểu sự việc.
Hãy tưởng tượng bạn là quan tòa trong một vụ xét xử mà người chú thì khai thằng cháu đã hai mươi lăm tuổi trong khi người dì thì lại khai là thằng bé chỉ mới mười tám. Khi đó, hẳn bạn sẽ cáu tiết lên và cần đến những bằng chứng đáng tin cậy nhất, chẳng hạn như bản sao giấy khai sinh của người cháu. Nếu không có giấy khai sinh thì người mẹ sẽ trở thành nhân chứng đáng tin cậy.
Để tiết kiệm thời gian và không nổi đóa lên, hãy đề nghị các bên liên quan đưa ra bằng chứng đáng tin cậy nhất. Đây là nguyên tắc bằng chứng mà các luật sư thường áp dụng. Hãy yêu cầu chàng hay bất kỳ ai đưa cho bạn xem bằng chứng tốt nhất.
Những câu trả lời logic
Hãy buộc chàng phải trả lời những câu hỏi cụ thể của bạn. Thông thường, mọi người hay trả lời một câu hỏi này bằng câu hỏi khác nhằm trốn tránh việc đưa thông tin cụ thể. Hãy tưởng tượng rằng bạn, trong vai trò một luật sư, đang đặt câu hỏi cho nhân chứng trước quan tòa. Và rất có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nhân chứng lại quay sang hỏi ngược lại bạn. Những lúc đó, quan tòa sẽ yêu cầu nhân chứng: "Hãy trả lời câu hỏi được đặt ra!". Bạn cũng nên yêu cầu chàng như thế khi chàng cố tình đảo ngược tình thế và xem bạn là nhân chứng chứ không phải là luật sư.
Bạn cũng cần chuẩn bị sân câu trả lời logic đối với những cuộc tranh cãi dẻ gây xúc động. Hãy đưa ra những lý lẽ chặt chẽ khi tranh cãi bởi điều đó sẽ thể hiện bạn là một người có đầu óc và tỉnh táo. Với thái độ đó, đối phương sẽ không thể đổ lỗi cho bạn được. Có thể chàng sẽ nổi giận vì những lý lẽ đó nhưng chắc chắn chàng không thể trút cơn giận lên bạn được. Khi nguôi giận, chàng sẽ không cảm thấy bực tức với bạn.
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta có xu hướng dùng những thông tin sai lệch, hiểu nhầm và thiếu logic khi trò chuyện. Bạn không cần phải buộc chàng luôn chính xác từng lời như thể đang thẩm vấn nhưng hãy yêu cầu chàng nói năng có logic khi tranh cãi các vấn đề quan trọng. Chẳng hạn, giả sử chàng khen bạn xinh đẹp, thì liệu lúc đó bạn có muốn thử thách chàng bằng một câu hỏi rằng: "Anh căn cứ vào đâu mà nói như thế kia chứ?"? Hoặc nếu chàng bảo: "Anh sẽ dắt em đến nhà hàng ngon nhất thành phố" thì liệu bạn có trả lời rằng: "Sao anh có thể nói như thế được kia chứ? Anh có đến tất cả mọi nhà hàng trong thành phố này chưa mà nói thế?"?
Tẩy chay chàng
Sai lầm lớn nhất mà bạn có thể gây ra khi tranh cãi với người yêu là tẩy chay chàng. Tẩy chay là một hành động mang tính hủy diệt đối với nhiều mối quan hệ. Đó là khi bạn lảng tránh, xua đuổi, che giấu hoặc từ chối nói chuyện, gặp gỡ chàng. Sự tẩy chay sẽ nhanh chóng đẩy mối quan hệ giữa hai bên đi đến chỗ kết thúc vì bạn đã đánh mất mọi phương tiện tác động đến chàng.
Kết quả là chàng chẳng hề nhớ bạn nhiều như bạn nghĩ. Có thể lúc đó, chàng bắt đầu trốn chạy bạn hoặc chú ý đến những phụ nữ khác hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, cũng đừng cho phép chàng tẩy chay bạn. Hãy tìm đến chàng, cho dù bạn có phải tạm thời bỏ qua cuộc tranh cãi. Đừng để bất kỳ ai, dù là cha mẹ, người thân, bạn bè... tác động đến bạn và khiến bạn đi đến quyết định tẩy chay chàng, trừ khi chính bản thân bạn muốn chấm dứt mối quan hệ đó.
KIỂM SOÁT CƠN GIẬN
Có thể đôi khi bạn và chàng cũng giận nhau. Giận hờn là một lẽ tự nhiên, miễn điều đó không xảy ra quá thường xuyên. Tần suất nóng giận cực đại thường phụ thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh xuất thân của cả hai bởi thông thường, những người lớn lên trong một gia đình bất ổn sẽ có khả năng chịu đựng cơn giận dữ nhiều hơn.
Giận dữ có tính chu kỳ. Một số người có thói quen nổi nóng hàng ngày, vài ngày một lần hoặc một tháng một lần. Và những cảm giác thất vọng, chán nản chất chứa lâu ngày có khả năng bùng phát thành cơn giận dữ.
Hãy tưởng tượng bạn sử dụng dịch vụ điện thoại xu. Lần đầu tiên thì máy nuốt tiền nhưng lại không gọi được. Lần thứ hai nó cũng nuốt tiền mà không hoạt động. Cứ thế, bạn thử đến mười lần mà vẫn không gọi được. Những người nóng tính có thể sẽ nổi giận và đá ầm ầm vào chiếc buồng điện thoại trong lần thứ ba. Trong khi đó, những người có khả năng chịu đựng cao hơn thì đợi đến lần thứ mười mới đấm vào chiếc điện thoại. Mỗi người có một ngưỡng chịu đựng và nổi nóng khác nhau, ảnh hưởng đến thời điểm bắt đầu nổi nóng của từng người.
Hãy xác định chu kỳ nổi nóng của chàng. Sau đó, bạn sẽ biết được đâu là "ngưỡng nóng" của chàng để biết chàng sắp nổi nóng hay đã thật sự cáu tiết.
Tạo van an toàn cho bạn
Chàng có thể cáu giận hoặc buồn chán. Hãy giúp chàng chuyển những cảm giác tiêu cực này vào các sự kiện khác để tạo van an toàn cho bạn trước khi chàng nổi giận thật sự. Bất kể có học thức, thông minh hay điềm tĩnh đến mấy chăng nữa thì cũng có những lúc chàng "cả giận mất khôn". Hãy tạo đối tượng để chàng "trút giận". Chẳng hạn, đàn ông chẳng bao giờ nổi nóng vì một tủ quần áo hơi bừa bộn, trừ khi họ rơi vào tình trạng bực tức quá mức. Vì thế, một tủ quần áo bừa bãi sẽ trở thành lý do rất tốt để chàng trút giận.
Khi giận cha mẹ, sếp, khách hàng hoặc những người mà bạn không thể nói thẳng, có thể bạn sẽ mang cơn giận đó về nhà và trút vào con chó. Một người đàn ông đang nổi nóng cũng hành động hệt như thế! Khi nổi nóng, anh ta sẽ trút cơn giận của mình lên người gần nhất và người đó hoàn toàn có thể là bạn.
Hãy chú ý để nhận biết cơn giận lẫn nhu cầu được trút giận của chàng. Hãy để mặc chàng nguyền rủa về một việc gì đó. Hẳn bạn không bao giờ muốn những cơn nóng giận đối với người khác lại cản trở tình cảm của chàng dành cho bạn. Hãy chuẩn bị tâm lý đối diện với cơn nóng giận của chàng để không bị tổn thương vì những lời nói của chàng, đồng thời để bạn cũng đừng nổi nóng với chính mình.
Chàng có đang nổi nóng với bạn?
Một nguyên tắc vàng mà bạn nên áp dụng trong đời sống hàng ngày của mình là đừng nên bận tâm đến thái độ không vui của chàng trước bữa cơm tối. Khi đói, đàn ông rất dễ nổi nóng. Sau bữa cơm tối, tâm trạng của chàng sẽ bình ổn trở lại. Khi đang mệt mỏi hay bị buộc phải làm điều gì đó, chàng cũng có thể nổi cáu. Tương tự, những lúc quá ham muốn hay kiệt sức vì chuyện gối chăn, chàng cũng có thể cáu bẳn. Hãy chú ý đến cơn giận của chàng trong những tình huống khác, vì có thể đó mới là những cơn nóng giận thật sự. Cần lưu ý rằng thái độ cáu kỉnh và một cơn nóng giận thật sự là hoàn toàn khác nhau.
Hãy cố gắng giải quyết những bất đồng giữa đôi bên trước khi chàng chạm đỉnh nóng giận của mình, nếu không, bạn sẽ phải hối hận. Đôi khi, sự nóng giận của chàng cũng có lý do chính đáng, có thể đó là do bạn đã thất hứa hoặc quên làm điều gì đó quan trọng cho chàng. Những lúc đó, hãy mạnh dạn giãi bày và tìm cách giải quyết vấn đề, nếu không, nó sẽ âm ỉ và ăn mòn tình cảm quý giá giữa hai người. Hãy để chàng bộc phát những cảm xúc giận dữ của mình. Mục tiêu mà bạn cần hướng tới là đừng bao giờ để cả hai đi ngủ với cơn giận trong lòng. Một lời "xin lỗi" cũng có thể làm dịu lòng một người đang giận dữ.
Khi bạn cần thể hiện sự giận dữ
Đôi khi, những tranh cãi với chàng cũng khiến bạn nổi nóng đến mức cảm thấy bất cần, không muốn nói chuyện, đi chơi hay ngủ chung với chàng. Nếu cần thiết phải thể hiện cơn giận dữ của mình, hãy "cấm vận"mọi điều bạn muốn, trừ chuyện gối chăn. Nếu không, có thể một trong hai người sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình ở nơi khác.
Khi nổi giận, chúng ta thường có thái độ nóng nảy hoặc xa cách. Cách cư xử của bạn khi nóng giận có thể hủy hoại mối quan hệ giữa bạn và chàng nếu nó khiến chàng đau khổ, tốn kém tiền bạc hoặc mất thể diện. Nếu nổi giận đến mức không thể hành xử một cách lý trí với chàng, hãy tìm cách làm nguôi ngoai cơn giận của mình bằng cách giãi bày với người thứ ba, chẳng hạn như với cô bạn thân.
Nếu đã tìm đủ mọi cách mà bạn vẫn còn muốn "nghiền nát" chàng, hãy tìm cách hoãn gặp chàng trong một thời gian. Tuy nhiên, bạn cần đặt ra một ngày cụ thể để gặp lại chàng, nếu không, có thể chẳng bao giờ bạn gặp lại chàng nữa.
Có nhiều cách khác có thể hỗ trợ bạn kiểm soát cơn nóng giận của mình. Hãy cố tỏ ra bình thường ngay cả khi bạn nổi giận. Tuy vậy, trong những tình huống tức giận cực độ, có thể bạn không còn khả năng kiểm soát được mình và có những hành động nào đó không hay. Sau đây là các chiến lược mà bạn có thể tham khảo khi tình huống đã trở nên trầm trọng, nhưng lưu ý là không nên dùng trong những trường hợp thông thường:
• Không gọi cho chàng một ngày.
• Từ chối đi với chàng tới đâu đó.
• Từ chối thực hiện cuộc điện thoại mà chàng nhờ.
• Từ chối làm các việc vặt vãnh cho chàng.
• Từ chối mặc các quần áo mà chàng thích bạn mặc.
• Từ chối pha thức uống cho chàng.
• Từ chối xem chương trình ti-vi hay bộ phim mà chàng thích hoặc chỉ làm những gì bạn muốn.
Kiêu hãnh quá mức cũng có thể hủy hoại mối quan hệ của bạn
Kiêu hãnh quá mức cũng có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của một mối quan hệ. Khi bị chàng xúc phạm, bạn chỉ muốn nhận được một lời xin lỗi chân thành, trừng phạt chàng thật nặng hoặc chấm dứt luôn mối quan hệ. Phụ nữ thường nói những câu như: "Anh ấy không thể nói chuyện với mình kiểu đó được" hoặc "Mình sẽ không thể bỏ qua cho anh ấy dễ như thế!". Chính thái độ đó đã đưa mối quan hệ đến hồi kết thúc. Vì thế, bạn phải chọn lựa giữa hai việc: từ bỏ lòng kiêu hãnh để giữ chàng, hoặc là bỏ chàng để giữ lòng kiêu hãnh.
Những lúc lòng kiêu hãnh của bạn bị tổn thương, hãy giả vờ như bạn có một người chị em gái song sinh và xem mình là người chị em song sinh đó. Nhờ vậy, bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm và có thể đối xử với chàng khách quan hơn.
Khi bất đồng trở nên nghiêm trọng
Đôi khi, những bất đồng lấn át lý trí và vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân, khiến sự việc trở nên nghiêm trọng. Chẳng hạn, một trong hai người phớt lờ người kia, bỏ nhà ra đi hoặc tệ hơn nữa là đánh nhau.
Hãy nhớ rằng, để đánh nhau cần phải có đến hai người! Vì vậy, bằng mọi giá hãy tránh việc động tay động chân. Đừng phí thời gian của bạn vào việc đánh nhau. Nếu sự việc này xảy ra thường xuyên, hãy can đảm chấm dứt mối quan hệ đó. Vì hễ chút là đánh nhau thì đó chẳng khác gì minh họa cho một sự thật: "Chúng mình chẳng hợp nhau, thôi thì nên chia tay!". Thông thường, những cặp hay cãi vã, đánh nhau thường không tránh khỏi việc chia tay về sau, trong khi cả hai đều mất thời gian, tổn hao tâm trí và tình cảm. Vì thế, đừng phí thời gian của bạn chỉ để cãi vã, đánh nhau!