M
asaccio tên thật là Tommaso di Ser Giovanni di Mone Cassai. Ông là một trong những họa sĩ đại tài người Ý thời kỳ Phục hưng, là tác giả của họa phẩm “Thánh tông đồ Peter tự đối bóng lành bệnh”, “Đóng đinh thánh Peter”; “Mẹ Đồng Trinh và Thánh Nữ Anne”. Masaccio được xem là người sáng lập nền hội họa Florence. Những ảnh hưởng của ông thể hiện rõ trong các tác phẩm của đại danh họa Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael hồi cuối thế kỷ XV.
Tranh của Masaccio thể hiện phép phối cảnh, hình họa, ánh sáng trong tranh rõ ràng, các mảng sáng tối trên nhân vật sắc nét, tương phản, gợi khối tròn và có sự mềm mại. Chiều thứ ba của không gian được diễn tả tốt nhờ màu sắc đậm nhạt và tương quan của màu sắc trong tranh. Ngoài cái đẹp hình thể, tranh của ông còn thể hiện rõ tình cảm trên khuôn mặt nhân vật trong tranh.
Masaccio truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ Ý hàng trăm năm sau. Ông thường được xem là người đầu tiên trong số các họa sĩ theo chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật thời kỳ Phục hưng. Ngoài ra, ông còn đưa khái niệm tính phổ biến vào tác phẩm, có ảnh hưởng sâu sắc đối với nhiều người kế nghiệp sau này.
Các tác phẩm của ông không xử lý các vấn đề cụ thể mà xử lý cảm xúc đơn giản thường gặp ở con người thuộc mọi độ tuổi. Masaccio cũng là người đầu tiên đạt được thành công đáng kể trong việc kết hợp hoạt động của nhiều nhóm nhân vật và tạo cảm giác lập thể bằng cách sử dụng ánh sáng và độ bóng.
Masaccio cũng đã thành công cho việc đặt một nền tảng mới cho nền hội họa của nước Ý. Ông đã chinh phục được họa sĩ thời ấy, và gieo vào lòng mỗi người một niềm tin tưởng mới ở con người. Và sự thành công nhất của ông là đã kéo thượng đế gần lại với loài người, là nhân loại hóa thượng đế. Trước ông, người ta tượng trưng thượng đế một cách xa hẳn với thế giới của loài người.
Trong các tác phẩm của Masaccio, phần lớn đề tài vẫn có tính chất tôn giáo. Nhưng đó chỉ là một cớ ông mượn để diễn tả tâm tình của ông và của nhân loại.
Đấng cứu thế nằm trên một thập tự gỗ trong họa phẩm của các họa sĩ thời đó không phải là một ông trời đầy oai quyền, cũng không còn là một thượng đế với muôn vạn quyền năng, với muôn ngàn sự cao sang toàn vẹn. Nhưng đấy chỉ còn là một hình ảnh của con người với tất cả đắng cay của cuộc đời hiện trên nét mặt khắc khổ, với những đức tính hy sinh, nhẫn nại. Đó cũng là đấng thượng đế đầy lòng nhân ái, vị tha. Con người yêu mến, mà không khiếp sợ. Con người thấy gần mình hơn, hay đúng hơn chính là mình vậy.
Cái đẹp ở những tác phẩm đó thuộc về phần tinh thần, khác hẳn các phần đẹp vật chất. Nó cũng không hẳn là có tính chất xã hội. Chính nó vẫn đượm nhuần tinh thần tôn giáo. Nhưng là một thứ tinh thần tôn giáo đi gần với nhân loại đau khổ.
Ngay về kỹ thuật đường nét và màu sắc, một số đông họa sĩ thời bấy giờ cũng ảnh hưởng ở Masaccio. Họ có một lối diễn tả mới về con người. Căn cứ vào những tác phẩm của họ, ta thấy những con người trong tác phẩm là những khối đang cử động thực sự, chứ không phải chỉ là những động tác cử động bị ngừng hãm lại ở một dáng điệu nào. Họ không hề phân tách các động tác mà chỉ dùng những động tác ấy như một sức mạnh để thúc đẩy sự sống của những nhân vật trong tranh. Bởi vậy những đường nét ở biên giới các bắp thịt không nổi rõ, chỉ có những đường nét chính của từng khối cử động.
Trước Masaccio hội họa là cái gì đó phẳng trên tường. Sau Masaccio hội họa trở thành những khuôn cửa sổ nhìn vào vũ trụ. Masaccio cũng là người đầu tiên đưa vào tranh vẻ đẹp và sự sinh động của các chuyển động trong tự nhiên, trong khi đơn giản hóa các nếp vải, tạo nên cá tính trong các nhân vật, mà trước ông chưa có ai làm. Giorgio Vasari nói: “Trước Masaccio mọi thứ được vẽ ra chỉ là nhân tạo. Masaccio là người đã tạo nên các tác phẩm sống động, thực và tự nhiên.”
Trong sáng tác của ông, đáng chú ý nhất là bức tranh Adam và Eva bị trục xuất khỏi thiên đàng. Bức tranh này của Masaccio đã đạt đến cả hai phương diện về đề tài cũng như bút pháp, xoay chuyển hoàn toàn phong cách Gotich đã đạt đến đỉnh cao thời bấy giờ. Bức tranh tường này là một cú sốc trong mỹ thuật đầu thế kỷ XV, mở màn cho cuộc cách mạng hội họa Phục Hưng ở Nam Âu.
Được vẽ trong nhà nguyện của nhà thờ Santa Maria del Carmine ở Florence, Ý, bức tranh nằm trong một tổng thể lớn gồm nhiều tác phẩm khác nhau trích ra từ những câu chuyện đặc sắc trong kinh thánh. Adam và Eva bị trục xuất khỏi thiên đàng thuận theo khổ dọc của chiếc cột để khởi đầu cho chuỗi câu chuyện khác. Hai nhân vật trong huyền thoại về sáng chế lần đầu tiên được bước ra hoàn toàn khác so với những thành tựu đồ sộ mà hội họa Gotich đã đạt đến. Hầu như phần nền cảnh không có gì. Cánh cổng thiên đàng là một vòm cong được nhìn theo thế nghiêng vát một bên, dường như ăn nhập hoàn toàn với mép cột trụ tường mà bức tranh chiếm lĩnh, khiến cho hai nhân vật đi ra hết sức tự nhiên. Phía trên đầu của hai nhân vật chính vừa “tỉnh ngộ” sau khi ăn quả táo là một nữ thiên thần nổi giận trong chiếc áo choàng màu đỏ cầm chiếc gươm như kẻ thực thi mệnh lệnh.
Cho đến thời điểm đó, việc vẽ nhân vật khỏa thân cả nam lẫn nữ hầu như chưa xuất hiện trong hội họa. Chủ đề hình ảnh gần khỏa thân duy nhất trong hội họa có lẽ là các bức tranh Chúa đóng đinh trên thập giá hay hạ thánh giá. Thi thoảng chủ đề Adam và Eva cũng được vẽ trong các minh họa sách hay tranh cỡ nhỏ. Với Masaccio và nhà nguyện Brancacci của nhà thờ Santa Maria del Carmine, có lẽ lần đầu tiên, một bích họa lớn được thể hiện. Với họa sĩ, cũng như nền hội họa thời bấy giờ, chủ đề này có lẽ chỉ là cái cớ chính đáng cho các đề tài khỏa thân bước vào như một cuộc cách mạng chống lại các lý tưởng về sự khổ hạnh trong phần lớn tác phẩm hội họa trước đó.
Adam và Eva bị đuổi khỏi thiên đàng còn mang ý nghĩa giá trị nhiều hơn thế trong nghệ thuật lúc bấy giờ. Hình tượng của Adam, theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật châu Âu, được Masaccio học tập từ nguyên mẫu nhân vật điêu khắc thần rừng Marsyas trong thần thoại Hy Lạp do Donatello tạc. Còn Eva lấy hình mẫu từ tác phẩm Thần Vệ Nữ của Giovani Pisano - một trong những nhà điêu khắc tài danh của nghệ thuật Gotich đỉnh cao. Việc học tập và lấy cảm hứng từ các bức tượng cổ điển thời Hy Lạp và La Mã đến thời điểm này mới được các nhà điêu khắc ứng dụng nhằm nghiên cứu tỷ lệ con người và tạo hình trong không gian. Đến Masaccio, câu chuyện này được tiếp nối trong hội họa. Dáng oằn lưng của Adam và dáng tay che ngực của Eva như bật lên trên nền cảnh. Việc sử dụng ánh sáng một chiều cũng được các nhà nghiên cứu đề cập như khía cạnh mới của tác phẩm, khởi đầu cho những chuẩn mực mới trong hội họa Phục hưng.
Adam và Eva không còn được mô tả như những bóng hình vô thần, vô cảm nữa. Họ sống động trong thái độ ân hận ôm đầu đau khổ và cái khóc nấc của Eva nuối tiếc một thiên đàng đằng sau cánh cổng. Có lẽ chính sự ân hận được Masaccio diễn tả sâu sắc tuyệt vời đến vậy, nên hai nhân vật này dẫu được vẽ khỏa thân, người xem dường như cũng không quá để ý. Bởi vậy bức họa đã tồn tại với nguyên bản như vậy ở thánh đường Florence. Chỉ đến thế kỷ XVIII, với chính sách giáo điều, bức tranh này đã được Cosmo III de’ Medici cho vẽ thêm những lá nho để che giấu hình ảnh lộ liễu. Đến năm 1980, bức tranh này được phục hồi dáng vẻ ban đầu.
Có thể nói, Adam và Eva bị đuổi khỏi thiên đàng đánh dấu cho những quan điểm và tư tưởng mới thời Phục hưng khi lấy hình ảnh con người làm trung tâm. Nó mở ra con đường sáng mà các họa sĩ từ thế kỷ XV trở đi không ngừng tạo dựng nên những chuẩn mực mới.
Tài năng của Masaccio được công nhận từ khi ông còn rất trẻ. Năm 19 tuổi ông đã được chấp nhận vào hội họa sĩ Florence. Nhưng người tài ở bất cứ thời đại nào cũng luôn bị nhiều kẻ ghen ghét, tìm cách hãm hại. Giai thoại kể rằng, sau khi vẽ xong bích họa “Ba ngôi một thể” tại Florence, Masaccio lên đường tới Rome với hy vọng sẽ làm nổi thêm danh tiếng. Chưa kịp thực hiện dự định ấy, ông đã qua đời ở tuổi 26 vì bị một họa sĩ đầu độc.