C
omenxki là một nhà giáo dục nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại và nhà triết học Tiệp Khắc chống lại chế độ giáo dục kiểu kinh viện. Comenxki là một trong những người lãnh đạo “Hội anh em Môravi” đã lãnh đạo phong trào chống phong kiến và cuộc đấu tranh dân tộc chống phong kiến Đức và Nhà thờ công giáo.
Thế giới quan của ông có nhiều mâu thuẫn. Ông là một người theo đạo Tin lành có khuynh hướng phiếm thần luận. Ông có những khuynh hướng duy vật chủ nghĩa khá rõ rệt. Comenxki cho rằng có thể hiểu biết được thế giới. Ông viết: “Bước đầu của nhận thức, không còn nghi ngờ gì nữa, bao giờ cũng bắt nguồn từ cảm giác (vì không có cái gì tồn tại trong nhận thức mà lại chưa tồn tại trong cảm giác)...”. Cần phải nhận thức và phân tích chính ngay sự vật, chứ không nên chỉ dựa vào những điều quan sát và chứng thực của kẻ khác. Ông yêu cầu giáo dục và nhận thức phải có hệ thống và có tính chất toàn diện. Ông nói tất cả mọi người đều có khả năng nhận thức và có thể thu nhận được tri thức. Người bình dân phải có quyền được học hiểu (dạy hết thảy mọi điều cho hết thảy mọi người).
Đối với Comenxki, nhận thức là một quá trình tích cực liên hệ chặt chẽ với giáo dục hợp lý. Ông muốn giáo dục phải có những mục đích thực tế: “Biết, nói và làm, đó là thú vị của trí tuệ”. “Nguyên tắc về tính thích ứng với tự nhiên” của ông có nghĩa là giáo dục phải thích hợp với thế giới bên ngoài và bản tính của trẻ em; nhà giáo dục phải xuất phát từ tính thống nhất của thế giới (con người là một bộ phận của tự nhiên, một vũ trụ nhỏ trong cái vũ trụ lớn), phải chiếu cố đến đặc điểm của lứa tuổi của học sinh. Không được nhồi sọ một cách máy móc, mà phải phát triển cân đối mọi năng khiếu của trẻ. Đôi khi Comenxki thêm vào nguyên tắc trên đây một ý nghĩa duy tâm, thần học: chính Thượng đế “đã gieo vào trong chúng ta những hạt giống của mọi môn khoa học”.
Comenxki đã không biết khắc phục mâu thuẫn giữa nhận thức “xuất phát từ tự nhiên” và nhận thức “xuất phát từ sự tiến hóa của linh hồn”. Trong lịch sử giáo dục, ông là người đầu tiên đã xây dựng phương pháp giáo dục thành một khoa học chuyên môn. “Bốn nguyên tắc” của ông về sư phạm (giáo dục cụ thể, từng bước, bắt chước, luyện tập) đòi hỏi phải hiểu biết mối quan hệ nhân quả trong tự nhiên và phải củng cố một cách hợp lý những tri thức đã thu hoạch được. Nhà giáo là “đầy tớ của tự nhiên” và buộc phải “bắt chước” tự nhiên; giảng bài là hình thức cơ bản của việc giảng dạy.
Comenxki đã chống lại Giáo hoàng và Công giáo, phê bình kịch liệt sự buôn thần bán thánh và sự truỵ lạc về tinh thần của bọn Nhà dòng công giáo. Tư tưởng tiên tiến của Comenxki có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của khoa giáo dục ở Bôhêm và các nơi khác.
Những tác phẩm nổi tiếng của ông là “Phương pháp sư phạm vĩ đại” (1657), “Ngôn ngữ nhập môn” (1631), “Thế giới vật thể cảm tính trong hội họa” (1658).