B
enjamin Franklin sinh ngày 17 tháng 1 năm 1706 tại Milk Street ở Boston và được rửa tội tại Old South Meeting House. Cha ông, Josiah Franklin, là một người làm nến, xà phòng và bán hàng tạp hóa, Franklin là con người vợ thứ hai của ông, Abiah Folger. Hai cuộc hôn nhân của Josiah mang lại 17 người con; Benjamin là con thứ mười lăm và là con trai nhỏ tuổi nhất. Josiah từng muốn Franklin tới trường dòng nhưng chỉ có đủ tiền cho ông theo học trong hai năm. Franklin đã theo học tại trường Latinh Boston nhưng không tốt nghiệp; ông tiếp tục học bằng cách đọc ngấu nghiến những cuốn sách có được. Dù cha mẹ ông đã muốn coi nhà thờ là một công việc, nhưng việc học của Franklin chấm dứt khi ông lên mười. Sau đó Franklin làm việc cho cha trong một thời gian và khi 12 tuổi, Franklin bắt đầu học việc chỗ người anh trai là James, một người làm nghề in.
Khi Franklin 15 tuổi, James đã thành lập tờ New England Courant, tờ báo độc lập thật sự đầu tiên tại các thuộc địa. Bị từ chối không cho viết bài cho tờ báo này, Franklin đã đặt ra bút danh 'Mrs. Silence Dogood', có vẻ là một góa phụ trung niên. Những bài viết của Franklin được đăng trên báo và trở thành chủ đề của một cuộc tranh luận trong thị trấn. Cả James và những độc giả tờ Courant đều không biết sự thực, và James đã không hài lòng khi khám phá ra người viết những bài đó là em trai mình.
Năm 17 tuổi, Franklin tới Philadelphia, Pennsylvania, tìm kiếm một khởi đầu mới. Franklin đã làm việc cho nhiều tiệm in quanh thị trấn. Tuy nhiên, Franklin không hài lòng với những viễn cảnh trước mắt. Sau vài tháng làm việc trong một nhà in, Franklin bị Thống đốc Pennsylvania - William Keith thuyết phục tới London, bề ngoài là để mua số thiết bị cần thiết cho việc thành lập một tờ báo mới tại Philadelphia. Phát hiện ra những lời hứa hẹn của Keith về việc hỗ trợ tờ báo là dối trá, Franklin đã làm công việc của một thợ sắp chữ trong một tiệm in. Sau đó, ông quay trở lại Philadelphia năm 1726 và làm nhân viên kế toán với sự giúp đỡ của một nhà buôn tên là Thomas Denham.
Năm 1727, Benjamin Franklin lập ra Junto - một nhóm “những thợ thủ công và nhà buôn tự nguyện và khao khát hy vọng tự cải thiện mình bằng cách cải thiện cộng đồng.” Junto là một nhóm thảo luận những vấn đề của thời ấy; cuối cùng nó dẫn tới sự ra đời của nhiều tổ chức khác tại Philadelphia.
Đọc sách là một hoạt động thường xuyên của Junto, nhưng sách thời ấy rất hiếm và đắt. Các thành viên đã lập ra một thư viện, và ban đầu họ mang sách của mình tới góp. Cách này không hiệu quả, tuy nhiên Franklin tiếp tục với ý tưởng một thư viện mà độc giả sẽ phải trả tiền khi mượn sách, và các thành viên sẽ góp tiền của mình vào để mua sách. Ý tưởng này dẫn tới sự ra đời của Công ty Thư viện (Library Company), và hiến chương của Library Company of Philadelphia được Franklin soạn thảo năm 1731.
Ban đầu, những cuốn sách được giữ tại nhà những người thủ thư, nhưng vào năm 1739 bộ sách được chuyển tới tầng hai tòa nhà State House của Pennsylvania, và hiện được gọi là Independence Hall. Năm 1791, một tòa nhà mới được xây riêng cho thư viện. Library Company phát triển mạnh mẽ không gặp phải bất kỳ sự cạnh tranh nào và sở hữu nhiều bộ sách vô giá như bộ sách của James Logan và người anh/em của ông là William. Library Company trong thế kỷ hai mươi là một thư viện nghiên cứu và tham khảo vĩ đại bởi nó có tới 500.000 cuốn sách hiếm, sách mỏng, giấy khổ rộng, hơn 160.000 văn bản chép tay và 75.000 hình họa.
Khi Denham chết, Franklin quay trở về với công việc trước kia của mình. Năm 1730, Franklin thành lập một nhà in của riêng mình và trở thành chủ báo của tờ “The Pennsylvania Gazette”. Tờ Gazette mang lại cho Franklin một diễn đàn để kêu gọi người dân thực hiện nhiều cuộc cải cách và sáng kiến tại địa phương thông qua những bài viết và nhận định. Cùng với thời gian, những bình luận của ông, cùng với hình ảnh một nhà công nghiệp và trí thức trẻ tuổi, khiến ông có được sự tôn trọng lớn của mọi người. Thậm chí sau khi Franklin đã có được danh tiếng với tư cách một nhà khoa học, một quan chức nhà nước, ông thường ký tên dưới những bức thư một cách khiêm tốn B'. Franklin, Chủ nhà in'.
Thời gian này, Franklin đề xướng kế hoạch xây dựng trụ sở Hội tam điểm năm 1731 và đã trở thành một nhân vật quan trọng của. Cùng năm ấy, ông sửa chữa và xuất bản cuốn sách đầu tiên của Hội Tam điểm tại Mỹ, một cuốn tái bản của cuốn Tổ chức của Hội Tam điểm của James Anderson.
Franklin không chỉ là một nhà chính trị, ông được biết đến với tư cách là một nhà phát minh. Trong số những phát minh của ông có cột thu lôi, đàn armonica, bếp lò Franklin, kính hai tròng, và ống thông tiểu mềm. Franklin không bao giờ xin bản quyền cho phát minh của mình; trong tự truyện ông đã viết: “Vì chúng ta đang hưởng thụ nhiều sự tân tiến có được từ phát minh của những người khác, chúng ta cần phải sung sướng khi có cơ hội phục vụ những người khác bằng những phát minh của mình; và chúng ta phải làm điều đó một cách thoải mái và hào phóng.”
Có nhiều giai thoại về việc ông phát minh ra điện. Giai thoại này khiến ông được mệnh danh là “Người sáng tạo ngọn lửa thần”. Câu chuyện như sau: Biết vợ là tín đồ trung thành của Chúa, tin vào Kinh thánh, nếu Franklin nói với bà sấm chớp không phải là Thượng đế làm ra mà các lớp mây mang điện âm và điện dương gặp nhau gây nên, chắc chắn bà sẽ không bao giờ tin. Vì vậy, khi bà vợ ông lo sợ về sấm chớp, Franklin chỉ an ủi bà mấy câu rồi về phòng đọc của mình, bắt đầu vẽ thiết bị chống sét.
Tối ăn cơm, Franklin nói với con về thiết kế và nguyên lý của thiết bị này. Con trai ông tuy cũng chịu ảnh hưởng của tôn giáo rất sâu nhưng thí nghiệm này đã cho cậu ta biết sấm chớp không phải là “Lửa thần” như mọi người vẫn nói mà chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Vì vậy, cậu đồng ý với những ý tưởng của cha.
Bà vợ Franklin thấy vậy lo lắng nói:
- Ông ơi, ông muốn làm hại cả nhà mình à?
- Không, không, làm sao tôi có thể làm thế được? - Franklin nói như không có chuyện gì xảy ra.
- Chẳng phải ông vừa nói là đưa lửa thần về nhà là gì? Ông coi thường Thượng đế, chẳng phải ông đang chọc tức Người đó sao?
Franklin vui vẻ nói với vợ: - Không bao giờ, bà nó ơi, chẳng phải bà luôn tin tôi? Xin hãy tiếp tục tin vào tôi đi. Tôi không những không gây họa mà còn mang hạnh phúc về cho mọi người đấy.
- Hạnh phúc, ông mạng hạnh phúc về cho mọi người?
- Bà bán tin bán nghi nhìn chồng nói: - Thôi được, chỉ cần ông đừng xúc phạm đến Thượng đế, không gây họa là được.
Franklin gật đầu khẳng định. Để xóa đi sự nghi ngờ của vợ, ông quyết định làm thí nghiệm thu lôi tại nhà, ông đến lò rèn gần nhà đặt làm một thanh sắt đầu nhọn dài 3m, đặt lên đỉnh ống khói. Ông buộc một sợi dây kim loại vào chân thanh sắt. Tất cả những chỗ sợi dây kim loại tiếp xúc với nhà, ông đều cho luồn qua ống thủy tinh.
Ông cho dây kim loại chạy theo cầu thang xuống giữa nhà, cuối cùng nối nó vào một chiếc bơm nước kim loại. Chiếc bơm nước nối xuống đất, như vậy điện nước dẫn từ ống khói xuống đi thẳng xuống đất.
Ông tách đôi đoạn dây kim loại chỗ phía trên cầu thang sát phòng ông ở thành hai dây dẫn xuống. Trên mỗi dây ông mắc một cái chuông nhỏ, treo vào trong 2 chiếc chuông 2 quả cầu nhỏ bằng đồng. Mọi việc tiến triển hết sức thuận lợi. Hai cha con thoắt trên nóc nhà, thoắt xuống cầu thang, cười cười nói nói vui vẻ.
Con gái nhỏ tuy không tham gia vào công việc của cha, nhưng cũng chạy lăng xăng quanh cha và anh. Chỉ có vợ ông là lo lắng theo dõi hai cha con, không biết họ đang làm trò ma thuật gì.
Vào một chiều nọ, Franklin cùng cả nhà đang ngồi quây quần uống trà, bỗng nhiên có cơn giông kéo đến, đất bụi bay mịt mù, trời tối lại, báo hiệu một trận mưa sắp ập tới.
Một tia chớp sáng vạch lên bầu trời.
Binh bong! Binh bong! Tiếng chuông lảnh lót vang lên. Tiếng gì vậy? Tiếng chuông ở đâu đấy? - Bà Franklin ngạc nhiên hỏi.
Ông Franklin mừng rỡ nói: - Đấy là tác dụng của chớp đấy! Chỉ cần trời có chớp là quả cầu nhỏ bằng đồng trên sợi dây liền lắc liên tục sang qua hai bên, như vậy chuông sẽ phát ra âm thanh chói tai.
Đêm đến, khi cả nhà đang ngủ say, bỗng nhiên ngoài nhà có một tiếng sét lớn, nghe như một tiếng nổ làm cả nhà thức dậy. Franklin vội vàng chạy ra phòng ngủ, ông chỉ nhìn thấy từng tia sáng lóa liên tiếp chạy qua giữa hai quả chuông nhỏ. Đường tia sáng trắng ấy chính là ánh điện. Franklin nói:
- Đây chính là sấm chớp đánh xuống đỉnh nhà chúng ta, nó chạy qua đây và đi thẳng xuống đất. Nếu như tôi không lắp thanh kim loại đó, nhà chúng ta đã bị sét đánh hỏng rồi.
- Thật thế sao? - Vợ và con gái của Franklin hết sức ngạc nhiên và hỏi ông.
- Đúng thế. - Ông nói và ôm con lên hôn âu yếm.
- Thanh kim loại này có thể gọi là thanh thu lôi được rồi. - Con gái ông nói.
- Chỉ có điều nó nhỏ như vậy so với ngôi nhà lớn, nên gọi là kim thu lôi. - Ông cười nói với con gái.
Con gái ông vỗ tay. - Kim thu lôi, kim thu lôi, thế là cha đã tạo ra kim thu lôi! Chinh phục được lửa thần rồi.
Năm 1743, Franklin lập ra Hội Triết học Mỹ để làm nơi thảo luận các khám phá cho những nhà khoa học. Ông bắt đầu tiến hành nghiên cứu về điện.
Năm 1748, Franklin thôi nghề in và chuyển sang ngành kinh doanh khác. Ông liên kết với vị đốc công của mình là David Hall, người đã chia nửa số lợi tức từ gian hàng trong 18 năm. Công việc kinh doanh nhiều lợi nhuận này khiến ông có thời gian cho nghiên cứu, và trong vài năm ông đã có nhiều phát minh nổi tiếng trên khắp châu Âu, đặc biệt tại Pháp.
Khi nghiên cứu về điện, Franklin cho rằng điện phát ra từ “thủy tinh” và “nhựa cây” không phải là những kiểu “chất lưu điện” (như điện được gọi thời ấy) khác nhau, mà cùng là một chất lưu điện dưới những áp lực khác nhau. Ông cũng là người đầu tiên đặt tên cho chúng là dương và âm. Năm 1750, ông xuất bản một bài viết đề xuất một cuộc thí nghiệm để chứng minh rằng sét là điện bằng cách thả một chiếc diều trong cơn bão. Ngày 10 tháng 5 năm 1752, Thomas-François Dalibard nước Pháp đã tiến hành thí nghiệm của Franklin (sử dụng một cột thu lôi thép cao 40 foot thay cho chiếc diều) và đã thu được những tia lửa điện từ một đám mây.
Ngày 15 tháng 6, Franklin tiến hành cuộc thí nghiệm với diều nổi tiếng của mình tại Philadelphia và cũng thu được những tia lửa điện từ một đám mây (không hề biết rằng Dalibard cũng đã làm điều đó, từ 36 ngày trước). Thí nghiệm của Franklin không được viết ra cho tới khi cuốn “Lịch sử và tình trạng hiện tại của điện” của Joseph Priestley được xuất bản năm 1767; bằng chứng cho thấy Franklin đã chuẩn bị cách điện (không chạm trực tiếp vào đường dẫn, bởi ông có thể gặp nguy hiểm vì điện giật khi sét đánh). Trong ghi chép của mình, Franklin chỉ ra rằng ông nhận thức được những nguy hiểm và đã sử dụng những cách khác để chứng minh rằng sét là điện, thể hiện trong việc ông dùng tiếp đất. Nếu Franklin thực sự tiến hành thí nghiệm này, ông cũng không làm nó theo cách thường được miêu tả, thả diều và chờ bị giật khi sét đánh. Thay vào đó ông dùng diều để có được điện thế từ một đám mây bão, việc này đồng nghĩa với sét là điện.
Ngày 19 tháng 10 trong một bức thư gửi tới Anh để hướng dẫn thực hiện lại thí nghiệm đó, Franklin đã viết: “Khi mưa đã làm ướt sợi dây diều tới mức nó có thể dẫn điện tự do, bạn sẽ thấy nó phát ra tia lửa điện từ chiếc chìa khóa khi để khuỷu tay gần lại, và nếu chiếc khóa đó là một lọ nhỏ, hay một bình Leiden, nó có thể tích điện.”
Những cuộc thí nghiệm điện của Franklin đã đưa tới phát minh ra cột thu lôi. Ông đã lưu ý rằng cột thu lôi nên có đầu nhọn chứ không phải đầu tròn để có thể thu điện một cách yên lặng, và thu được ở khoảng cách xa hơn. Ông phỏng đoán rằng phát minh này sẽ được dùng để bảo vệ các tòa nhà khỏi sét, bằng cách lắp các “cột thu lôi thép thẳng đứng, nhọn như một cây kim và được sơn phủ tránh han rỉ, có một hệ thống dây dẫn bên ngoài tòa nhà nối chân những cột thu lôi đó dẫn xuống đất;... Những cột thu lôi có thể dẫn điện một cách êm ái từ đám mây xuống đất trước khi nó đủ lớn để thành sét đánh, và nhờ thế sẽ cứu chúng ta khỏi sự nguy hiểm bất ngờ và kinh khủng đó!”
Sau một loạt những thí nghiệm tại chính nhà của Franklin, các cột thu lôi đã được lắp đặt trên Hàn lâm viện Philadelphia (sau này là Đại học Pennsylvania) và Tòa Thị chính Pennsylvania (sau này là Independence Hall) năm 1752.
Để ghi nhận những nghiên cứu trong lĩnh vực điện của ông, Franklin đã nhận được Huy chương Copley của Royal Society năm 1753.
Ngày 21 tháng 10 năm 1743, một cơn bão tràn vào từ hướng tây nam khiến Franklin mất cơ hội quan sát nguyệt thực. Franklin nhận thấy gió thực tế tới từ phía đông bắc, trái ngược với điều ông từng nghĩ. Qua trao đổi thư từ, Franklin biết cơn bão đó đã không tràn vào Boston cho tới sau thời điểm nguyệt thực, dù trên thực tế Boston ở phía đông bắc Philadelphia. Ông suy luận rằng những cơn bão không phải luôn đi theo hướng gió chủ đạo, một quan niệm có ảnh hưởng rất lớn trong khí tượng học.
Franklin cũng đã nhận thấy nguyên lý làm lạnh khi quan sát trong một ngày trời rất nóng, ông thấy lạnh hơn khi mặc một chiếc áo ướt trong gió nhẹ so với khi mặc chiếc áo khô. Để hiểu hiện tượng này rõ hơn, Franklin tiếp tục tiến hành thí nghiệm. Trong một ngày ấm áp tại Cambridge, Anh, năm 1758, Franklin và một người bạn là nhà khoa học John Hadley thí nghiệm liên tục làm ẩm bình chứa thủy ngân của nhiệt kế bằng ether và dùng ống thổi để làm bay hơi ether. Với mỗi lần bay hơi, nhiệt kế lại chỉ mức nhiệt độ thấp hơn, cuối cùng xuống mức 7 °F (-14°C). Một nhiệt kế khác thể hiện nhiệt độ phòng là 65 °F (18°C). Trong bức thư “Làm lạnh bằng bay hơi” của mình, Franklin đã lưu ý “ta có thể thấy khả năng một người bị lạnh đến chết trong một ngày mùa hè ấm áp”. Sau này, do phát hiện của ông, mỗi năm ngành công nghiệp thực phẩm bảo quản lạnh trao một giải thưởng Franklin Award để ghi nhớ người đã quan sát thấy hiện tượng này.
Ngoài nghiên cứu khoa học, Franklin còn là một chủ báo và một thương gia giàu có ở Philadelphia. Ông đã nhiều năm sống ở Anh và xuất bản ấn phẩm nổi tiếng Poor Richard's Almanac (Alamac của Richard nghèo) và ấn phẩm Pennsylvania Gazette (công báo Pennsylvania). Ông đã thành lập cả thư viện công và sở cứu hỏa đầu tiên tại Mỹ cũng như Junto - một câu lạc bộ thảo luận chính trị. Ông đã viết bài ủng hộ tiền giấy, chống các chính sách của những người theo chủ nghĩa trọng thương, như Luật sắt năm 1750, và cũng phác thảo Kế hoạch Albany của Liên minh năm 1754, sau này sẽ tạo ra một cơ sở lập pháp cho thuộc địa; thể hiện nhận thức sớm của ông về việc các thuộc địa tồn tại tự nhiên với tư cách một đơn vị chính trị.
Franklin đã trở thành một anh hùng quốc gia tại Mỹ khi ông dẫn đầu nỗ lực đòi Nghị viện Vương quốc Anh huỷ bỏ một Đạo luật tem thư gây mất lòng dân. Với tư cách một nhà ngoại giao, ông được nhiều người Pháp kính trọng với tư cách một vị bộ trưởng Mỹ tại Paris, một nhân vật quan trọng trong việc phát triển các quan hệ thân thiện Pháp - Mỹ. Từ năm 1775 tới năm 1776, Franklin là Tổng giám đốc Bưu điện thuộc Đại hội Thuộc địa và từ năm 1785 tới năm 1788 là Chủ tịch Hội đồng Hành pháp Tối cao Pennsylvania. Tới cuối đời, ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ủng hộ chủ nghĩa bãi nô.
Franklin rất quan tâm tới khoa học và kỹ thuật, ông đã thực hiện những thí nghiệm và phát minh điện nổi tiếng - ngoài cột thu lôi - bếp lò Franklin, ống thông tiểu, chân nhái, harmonica và kính hai tròng. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Đại học Pennsylvania và trường Franklin và Marshall. Ông đã được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hội Triết học Mỹ, hội học thuật đầu tiên tại Hoa Kỳ, năm 1769.