Ông họ Trịnh, tên Khả. Sử cũ, khi chép đến họ tên này, thường kèm với các chức và tước: Tả Lân Hổ vệ Thượng tướng quân, Huyện hầu...
QĐND - Ông họ Trịnh, tên Khả. Sử cũ, khi chép đến họ tên này, thường kèm với các chức và tước: Tả Lân Hổ vệ Thượng tướng quân, Huyện hầu (mà ông được phong thưởng lúc tổng kết công lao tham gia 10 năm Lam Sơn khởi nghĩa: 1418-1427), hoặc: Nhập nội Thái úy, Bình chương quân quốc trọng sự, Quốc thượng hầu (là những chức và tước cao tột đỉnh của ông, giữa đời trị vì của vua Lê Nhân Tông: 1442-1459).
Sử cũ cũng còn ghi hai niên đại khác nhau, về năm sinh của ông, là: Tân Mùi (1391) và Kỷ Mão (1399)-mà có vẻ hợp lý hơn, thì đó là: Kỷ Mão (1399). Bởi vì trong chính sử cũng có nêu một sự kiện khiến ta có thể suy diễn về năm sinh của ông. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết về sự kiện này, như sau: "Năm ông 16 tuổi, đi cày ruộng, chăn trâu. Một hôm ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi, có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, bèn dẫn về, nuôi làm nô tỳ”. Như vậy, nếu ta chọn Tân Mùi (1391) làm năm sinh của Trịnh Khả, thì việc ông bị tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến tận nhà bắt về thành làm nô tỳ, phải diễn ra vào năm 1406. Nhưng thực tế lịch sử lại là: Mãi đến ngày 12 tháng Năm năm Đinh Hợi (1407) quân Minh mới chiếm được tòa Kinh thành của nhà Hồ. Chưa kể đến việc phải chiếm đóng tòa thành này được một thời gian đủ dài rồi mới có thể ung dung mà đi dạo ra bên ngoài, bắt được Trịnh Khả ở tuổi 16 về thành nuôi làm nô tỳ được. Do thế, năm đó phải là Giáp Ngọ (1414), tức 15 năm sau khi Trịnh Khả được sinh ra vào năm Kỷ Mão (1399) (tuổi 16 của Trịnh Khả nói ở đây là tính thêm cả một năm “tuổi mụ”).
Minh họa: Quang Cường
Quê hương Trịnh Khả ngày ấy là làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh, nay là làng Sóc Sơn, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ở cách Thành nhà Hồ không xa.
Sống trong tòa thành ấy-sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép tiếp: “Ít lâu sau (tướng giặc) xem tướng (Trịnh Khả), bảo rằng: “Thằng bé này mình rồng mặt hổ, khỏe nhất ba quân, sau này ắt cầm cờ mao tiết (mà làm tướng)! Chợt lại bảo: “Ngày sau, đánh đuổi chúng ta, tất là mày! Phải giết ngay bây giờ, nếu không, sẽ di họa về sau!”. Trịnh Khả thấy nói thế thì sợ, bèn bỏ trốn”.
Trịnh Khả đã trốn đi đâu vào năm 16 tuổi-tức là năm 1414? Sau này ta sẽ biết: Đó là Lam Sơn, cũng ở cách Sóc Sơn-quê hương họ Trịnh không xa. Nhưng bấy giờ tướng giặc không biết. Do đó, nó mới sục đến Sóc Sơn tìm. Không thấy, bèn bắt luôn người cha của ông (tên là Trịnh Quyện) làm con tin, để ông phải đến nộp mình chuộc cha. Nhưng Trịnh Khả vẫn gan lỳ ẩn nấp. Thế là người cha bị giết, xác quẳng xuống sông.
Được tin dữ, Trịnh Khả đau đớn, trong đêm lẻn về vớt xác cha, đem chôn cất tử tế. Đoạn, trở về Lam Sơn-từ chỗ là nơi tạm trốn đã trở thành miền tụ nghĩa-vì lúc này, chúa trại Lam Sơn-hào trưởng Lê Lợi-trong thân phận ẩn nhẫn chờ thời, nhưng đã ngầm nuôi sẵn ý chí đánh giặc, cứu nước rồi.
Và thế là đến năm 1416, khi Lê Lợi bí mật tổ chức “Hội thề Lũng Nhai”, thai nghén nhân sự cho Bộ chỉ huy cuộc dựng cờ dấy nghĩa Lam Sơn vào năm 1418, thì Trịnh Khả-ở tuổi 18 rồi 20-đều đã có mặt, tham dự, với cương vị Thứ thủ Thiết Đột quân-phó chỉ huy lực lượng xung kích tinh nhuệ, của nghĩa quân Lam Sơn.
Sẽ thăng tiến mạnh mẽ, từ đây và trong suốt 10 năm Lam Sơn khởi nghĩa (1418-1427), trên cả các hoạt động chiến trường lẫn những cương vị chỉ huy chiến đấu, tuy nhiên ở năm đầu tham gia phong trào Lam Sơn, Trịnh Khả lại có hai thành tích không ngờ, là: Một lần nữa, lén “đội cỏ bơi đến thuyền giặc, lấy trộm được hài cốt mang về”-như lời sử cũ chép-nhưng lần này là hài cốt của gia đình Bình Định vương Lê Lợi, khi quân Minh kéo đến vây bắt thủ lĩnh Lam Sơn không được, đã quật mả cha ông để trả thù; và: “Vua-Lê Lợi-thấy ông biết tiếng Lào, đã sai ông mang tờ điệp sang nhờ vua Ai Lao giúp binh lương. Vua Ai Lao nhận lời. Vua (ta) nhờ sự giúp đỡ ấy mà (có thêm điều kiện) chống đánh quân Minh”!
Sau đó là thời gian 9 năm liên tục-vẫn như lời sử cũ-“đánh nhau với giặc lớn nhỏ hàng chục hàng trăm trận, trận nào cũng thắng, lập công to”: Hết ở thành Nghệ An lại ra Đồng bằng Bắc Bộ, hết đánh ở Ninh Kiều (Hà Tây cũ) lại ở cầu Xa Lộc (Phú Thọ), hết phụ trách việc vây đánh mạn cửa Đông thành Đông Quan (Hà Nội) lại đánh thành Tam Giang (Việt Trì) của giặc, đúng như lời nhận xét rất hay của sử cũ về đặc điểm tài năng và công lao chiến trận của Trịnh Khả ở thời gian này: “Ứng biến vô cùng, linh động thừa cơ, nhanh như cắt liệng, mạnh như tên bắn”.
Đặc biệt, ở giai đoạn giành thắng lợi cuối cùng của phong trào Lam Sơn (cuối năm 1427), khi quân Minh “dốc vốn” dồn 15 vạn binh mã, chia làm hai cánh sang tăng viện, thì việc chặn phá cánh quân 5 vạn người do tướng già lão luyện Mộc Thạnh chỉ huy ở mặt trận ải Lê Hoa trên hướng biên thùy giáp Vân Nam, là do Trịnh Khả (cùng các tướng Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chính…) phụ trách. Vô cùng mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, chờ và chọn đúng thời cơ, tướng Trịnh Khả đã cùng đồng đội-bằng các trận Lãnh Câu, Đan Xá (được “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi hào hùng mô tả: “Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chày, nước sông rền rĩ/ Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đỏ lòm”)-tiêu diệt toàn bộ cánh viện binh này.
Kết thúc chiến tranh, vì những thành tích chiến trận cực lớn, Trịnh Khả-ngoài và cùng với các chức tước được phong-còn được trao quyền phụ trách các nhiệm vụ rất trọng: Quản lý mọi việc trong nội cung, giám sát việc (hành chính) ở bốn đạo (vùng miền) của đất nước, cai quản việc quân sự cả bên trong triều đình lẫn ở ngoài các địa phương, kiêm trấn thủ đất Tuyên Quang!
Đến năm 1433, lại được thăng Bảo chính công thần, Nhập nội Thiếu bảo, dự vào hàng “Tam Thiếu” (tức "Tam Cô”), kiêm coi việc quân các vệ thuộc đạo Hải Tây, đồng thời làm chức giám sát lớn (“thái giám”) các việc trong triều, ngoài nội.
Với các chức trách lớn trọng như vậy, ngay trong năm đầu thời hậu chiến (1429), nhân chính trường nước Ai Lao có biến động, vua nước ấy cầu cứu, Trịnh Khả đã được lệnh xuất sư, đem quân sang giúp việc bình định thành công.
Nhờ tài năng và công lao hoạt động quân sự ngay trong thời hậu chiến, ở về đời trị vì của vua Lê Thái Tông (1434-1442), giữa những rối ren bè phái, tranh chấp quyền lực (mà đứng đầu-cũng đồng thời thành nạn nhân-là những võ tướng đồng đội cũ: Các tể tướng Lê Sát, Lê Ngân…), Trịnh Khả không những đã thoát hiểm, mà còn ngày càng trở thành một cận thần của nhà vua. Ông là người chủ chốt hộ giá vua Lê Thái Tông trong chuyến đi kinh lý miền Đông Bắc năm 1442, đồng thời là quan chức cao cấp nhất có mặt trong cái đêm định mệnh: Lê Thái Tông-đột ngột và đầy uẩn khúc-băng hà ở địa điểm và "vụ án” Lệ Chi Viên (7-9-1442). Vì thế, ông cũng là người đứng đầu danh sách các đại thần nhận cố mệnh phò lập vua trẻ Lê Nhân Tông lên ngôi, kế vị và trong đời trị vì của nhà vua này, giữ vai trò trọng thần hàng đầu.
Ở cương vị này, trong những năm 1444-1446, chống lại việc gây hấn của vua Bí Cai nước Chiêm Thành ở biên giới phía Nam và đưa đại quân-đông đến 60 vạn người-đi đánh Chiêm Thành, chiếm kinh đô, bắt chúa tể, Trịnh Khả là tướng lĩnh trụ cột.
Uy tín của tướng Trịnh Khả từ đây lên rất cao. Và các chức trách mà ông được trao cũng ở tột bậc. Đến nỗi, như vào năm 1448, hộ giá vua Lê Nhân Tông về thăm Lam Kinh, chủ trì đợt tôn tạo mới khu “Kinh đô tinh thần của triều đại nhà Lê” này, rồi cả phụ trách việc rước tượng Pháp Vân ở Cổ Châu (Bắc Ninh) về chùa Báo Thiên (ở Thăng Long) làm lễ cầu đảo-chống hạn…, cũng đều là ông cả. Vì thế, ông trở thành-như nguyên văn sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết-“Bậc tể phụ đứng đầu, có tính thủ tín, thẳng thắn giữ phép công hết chức phận, lấy việc sửa lỗi cho vua, nhận lời chỉ bảo làm trách nhiệm của mình, biết điều gì cũng nói, lại dùng phép rất nghiêm, không ai có thể làm khác được. Thời ấy, các quan ai cũng sợ”!
Chính vì thế mà tuy “trong khoảng vài năm, đất nước yên ổn”, nhưng tướng Trịnh Khả đã thành người có nhiều đối thủ gian thần, và đặc biệt, dần dà làm mất lòng bà Thái hậu Nhiếp chính Nguyễn Thị Anh. Do đấy, thảm kịch đã xảy đến: “Vào tháng Chín năm Đại bảo thứ 9 (1451) có kẻ gièm pha cha con ông (Trịnh Khả) kết đảng (làm phản). Thái hậu (Nguyễn Thị Anh) cả giận. Ông (Trịnh Khả) cùng con trai là Trịnh Bá Quát đều bị (giết) hại”!
Phải hai năm sau, vào năm 1453, khi vua Lê Nhân Tông đến tuổi trưởng thành, tự quyết việc triều chính, mới có lệnh vua khôi phục quan chức cho tướng Trịnh Khả, và cấp cho 100 mẫu ruộng làm ruộng thờ.
Sau đấy nữa, đến đời trị vì của vua Lê Thánh Tông, năm 1484, mới có thêm lệnh truy tặng tướng Trịnh Khả chức và tước Thiếu phó, Liệt quận công, rồi tiếp theo là: Thái úy, Liệt quốc công. Và đặc biệt, cuối cùng là tước Hiển Khánh vương. Kèm với lệnh cho được thờ ở miếu làng.
GS LÊ VĂN LAN