Q
uân phản loạn không quay trở lại - mà cũng không thấy phát đạn nào từ trong rừng bắn ra. Chúng đã “đủ khẩu phần của ngày hôm đó”, như lời thuyền trưởng nói, còn chúng tôi đã giữ được lô cốt và có thời gian yên tĩnh để chăm sóc những người bị thương rồi dùng bữa. Dẫu biết là nguy hiểm, ngài điền chủ và tôi kéo nhau ra ngoài sân nấu nướng. Thậm chí đã ra bên ngoài, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng các bệnh nhân của bác sĩ rên xiết rền rĩ mà không khỏi rợn người.
Trong số tất cả tám người ngã xuống trong cuộc chiến, chỉ có ba người còn thở - một là tên cướp biển ngã dưới lỗ châu mai, anh Hunter và thuyền trưởng Smollett; và trong ba người đó, hai người đầu tiên e không qua khỏi. Quả thật, tên cướp biển chết trong lúc bác sĩ mổ cho hắn; còn anh Hunter, dù chúng tôi đã cố gắng hết sức, cũng không sao giúp anh tỉnh lại được. Anh cứ nằm mê man suốt cả ngày, thở từng hơi nặng nhọc hệt như lão giặc biển già ở quán trọ chúng tôi ngày xưa lúc trúng phong, chỉ khác là anh bị trúng đạn vào ngực làm gãy mấy chiếc xương sườn, lại thêm xương sọ bị vỡ lúc anh ngã đập đầu xuống đất, rồi đến đêm hôm sau, anh lẳng lặng về với Đấng Sáng Tạo.
Còn ông thuyền trưởng, vết thương của ông rất nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Ông cũng không bị nội thương. Viên đạn của Anderson - số là, lão đã bắn trúng ông trước - làm ông gãy xương bả vai, hơi vào phổi một chút nhưng không quá nghiêm trọng; viên thứ hai chỉ xé toạc và làm lệch vài thớ cơ ở bắp chân ông thôi. Ông chắc chắn sẽ khỏe lại, bác sĩ nói như thế, nhưng trong thời gian đó, chí ít cũng phải một tuần, ông không được đi lại hay cử động cánh tay, thậm chí, nếu nhịn được thì cũng phải bớt nói lại.
Vết đứt ở khớp ngón tay tôi chỉ như vết côn trùng cắn.
Bác sĩ Livesey dán thuốc cho tôi, và còn véo tai trêu tôi.
Sau khi dùng bữa xong, ngài điền chủ và bác sĩ ngồi lại gần thuyền trưởng để hội ý; lúc các ngài đã nói hết những gì cần phải nói thì cũng đã quá trưa, bác sĩ nhấc mũ và mấy khẩu súng lục lên, giắt đoản kiếm vào thắt lưng, cất tấm bản đồ vào túi áo, và gác súng trường lên vai, rồi leo qua hàng rào mạn phía bắc, nhanh chóng khuất vào rừng cây.
Anh Gray và tôi bấy giờ đang ngồi cùng nhau ở tít một đầu lô cốt để không nghe thấy những lời các vị chủ tướng bàn bạc với nhau. Anh Gray bỏ tẩu thuốc xuống, há hốc mồm, dường như kinh ngạc lắm trước điều đang diễn ra, đến nỗi quên cả để lại cái tẩu vào miệng.
“Ơ kìa! Thề có Davy Jones.” Anh ta nói. “Bác sĩ Livesey điên rồi sao?”
“Không có đâu!” Tôi gạt đi. “Tôi dám thề, nếu chúng ta có điên hết cả đám thì bác sĩ là người cuối cùng phát bệnh đấy.”
“Chà, anh bạn trẻ.” Gray nói. “Có thể bác sĩ không điên, nhưng nghe này, nếu bác sĩ không điên thì hẳn là tôi điên!”
“Tôi hiểu ý anh.” Tôi trả lời. “Nhưng ngài bác sĩ chắc chắn có lý do; nếu tôi đoán đúng, bác sĩ đi gặp Ben Gunn đấy.”
Sau này, tôi biết mình đã đoán trúng phóc; nhưng trong khi ấy, trong nhà nóng hầm hập như một cái lò hơi, cái sân cát trong bờ lũy chẳng khác nào đang bị mặt trời giữa trưa thiêu cháy, một ý nghĩ chợt vụt qua trong đầu tôi, và dù nói thế nào thì ý nghĩ ấy cũng không được đúng cho lắm. Tôi bắt đầu thấy ghen tị khi nghĩ tới cảnh bác sĩ đi dưới những tán rừng xanh mát, chim chóc ríu rít theo mỗi bước chân và hương thông thoang thoảng xung quanh, trong lúc đó, tôi phải ngồi đây, người như bị nướng chín nhừ, quần áo dính bết vào nhựa cây chảy ra vì nóng, đã thế, xác người nằm ngổn ngang bên cạnh, máu me be bét khắp nơi. Tôi lấy làm ghê tởm lắm, sự ghê tởm ấy trong tôi cũng lớn ngang với sợ hãi.
Suốt thời gian nhoài người ra quét dọn nhà cửa và rửa đống bát đĩa sau bữa ăn, nỗi ghê tởm và ghen tị cứ thế lớn lên mãi, rồi cuối cùng, nhân lúc không ai để ý, lại đang đứng gần túi bánh mì, tôi lập tức thực hiện bước đầu tiên của cuộc đào tẩu: nhón vội mấy chiếc bánh, ních căng các túi.
Tôi là một thằng ngốc, nếu quý bạn muốn tôi thừa nhận thế, và rõ ràng, điều tôi định làm là việc ngu ngốc nhất, liều lĩnh nhất trên đời. Nhưng chí đã quyết, tôi hết sức cẩn thận mà hành sự. Nếu có chuyện không hay xảy đến, mấy chiếc bánh mì này cũng đủ ăn đến ngày hôm sau là ít.
Thứ cuối cùng tôi cần phải lấy là một đôi súng lục, vì tôi đã có sẵn đạn và thuốc súng trong người, tôi thấy như thế là mình đã được trang bị đến tận răng.
Đường đi nước bước tôi vẽ ra trong đầu không hề dở tẹo nào. Tôi tính sẽ chạy xuống chỗ mũi cát ngăn giữa nơi neo tàu Hispaniola ở mạn phía đông với biển, tìm phiến đá trắng mà hôm trước tôi đã nhìn thấy, và xem thử có thật Ben Gunn đã giấu chiếc thuyền ở đấy hay không - đó là việc rất đáng làm, tới tận giờ, tôi vẫn tin như thế. Vì chắc chắn tôi sẽ không được phép rời chiến lũy, tôi chỉ có nước lừa lúc không ai để ý thì lẳng lặng bỏ ra sân rồi trèo vội ra ngoài mà trốn đi - và chỉ nói riêng tới cách tôi bỏ đi ấy thôi, cách ấy cũng đã sai trái lắm rồi. Nhưng lúc bấy giờ, tôi chỉ là một đứa trẻ con, và chí tôi đã quyết.
Vâng, thời gian chầm chậm trôi qua, rồi cuối cùng, tôi cũng có cơ hội ngàn vàng. Ngài điền chủ và anh Gray bận giúp ông thuyền trưởng thay băng, không còn gì trở ngại, tôi chạy vụt ra ngoài, leo rào và lỉnh vào khoảng rừng cây cối ken dày nhất. Đến khi tôi đã đi xa, mấy người trong nhà mới biết mà gọi, nhưng không kịp nữa.
Đây là điều dại dột thứ hai tôi làm, còn dại hơn cả lần trước, vì khi tôi bỏ đi, lô cốt chỉ còn lại có hai người lành lặn canh giữ; nhưng cũng giống như lần trước, hành động điên rồ của tôi cuối cùng lại cứu mạng tất cả chúng tôi.
Tôi đi thẳng tới bờ biển phía đông hòn đảo, vì tôi tính sẽ lội xuống nước, men theo mũi cát mà đi để những kẻ chỗ tàu đỗ không trông thấy mình. Bấy giờ đã chiều muộn nhưng trời vẫn nóng và nắng gắt. Lúc len lỏi qua những hàng cây cao ngất, tôi đã nghe văng vẳng tiếng sóng vỗ ì ầm không dứt phía trước, chẳng những thế, còn có tiếng những tán cây vật vã trên cao và tiếng những cành to nghiến ken két trong gió. Nghe những âm thanh đó, tôi biết gió biển hôm nay mạnh hơn mọi ngày. Một chốc sau, luồng khí lạnh bắt đầu phả vào tôi, bước thêm vài bước nữa, tôi đã ra khỏi bìa rừng. Trước mắt tôi, biển biếc trải dài, lóng lánh nắng tới tận chân trời, những con sóng chồm lên cao và ném bọt trắng xóa vào dọc bờ cát.
Chưa bao giờ tôi trông thấy vùng biển quanh Đảo Giấu Vàng yên sóng. Dẫu mặt trời chói lóa trên đầu, dẫu gió chẳng thổi lấy một gợn, mặt biển phía xa xanh ngắt và phẳng lặng, gần bờ biển, lúc nào cũng có sóng cồn gầm gừ hung dữ suốt ngày đêm; tôi tin chắc, không một chỗ nào trên đảo này, người ta không nghe được tiếng sóng.
Tôi sung sướng thả bộ dọc bờ biển, sóng mơn man dưới chân. Nghĩ đã đi về phía nam được khá xa, tôi bèn nấp vào mấy bụi rậm, thận trọng bò tới chóp mũi cát.
Sau lưng tôi là biển rộng, trước mặt tôi là chỗ neo tàu. Gió biển, cứ như vì dữ dội từ quá sớm mà giờ đây yếu hẳn, không thổi nữa, nhường chỗ cho làn gió nhẹ ùa về từ hướng nam và đông nam, mang theo những dải sương mù dày. Chỗ neo tàu, nằm nơi khuất gió của đảo Xương Người, vẫn yên ắng và ảm đạm như hồi chúng tôi mới đến. Bóng tàu Hispaniola phản chiếu dưới tấm gương bằng nước, từ đầu ngọn buồm đến tận đáy, thấy rõ cả ngọn cờ đen Jolly Roger phất phơ trên đỉnh cột buồm.
Kế bên con tàu, lững lờ một chiếc thuyền con. Silver đang ngồi ở chỗ cánh buồm phía đuôi thuyền - mà ông ta có ngồi ở đâu, tôi cũng nhận ra được - còn hai tên khác đang đứng tựa mạn tàu Hispaniola, một trong hai đội mũ tròn đỏ - chính là tên vô lại chân trong chân ngoài trên bờ lũy mà tôi thấy vài tiếng trước đó. Chúng đang nói chuyện và cười đùa xem chừng vui vẻ lắm, tất nhiên, vì ở xa - những hơn một cây số rưỡi - tôi không nghe được tiếng nào. Bỗng bất thình lình, có tiếng hét rất ghê rợn và kỳ dị váng lên, làm tôi thoạt nghe thấy liền giật nẩy mình. Rồi sau đó, dù nhận ra đó là tiếng của con vẹt Thuyền trưởng Flint mà Long John Silver nuôi đang đậu trên cổ tay ông ta, nhưng tôi vẫn nghĩ, chính nhờ bộ lông sặc sỡ mà tôi mới nhớ ra nó.
Một lúc sau, con thuyền bắt đầu lao về phía bờ. Tên đội mũ đỏ cùng đồng bọn lững thững đi về phía cửa hầm chỗ cabin, chui xuống lòng tàu.
Cũng lúc đó, mặt trời đã khuất sau đồi Viễn Vọng, sương mù kéo đến rất nhanh, trời sầm sập tối. Nếu không muốn mò mẫm tìm con thuyền trong bóng tối, tôi không nên để phí thêm một giây nào nữa.
Phiến đá trắng, nhô cao trên mấy lùm bụi, vẫn còn cách chỗ mũi cát tôi đang nấp chừng hai trăm mét, tôi phải mất một lúc lâu mới tới nơi, vì toàn phải bò bằng cả tứ chi xuyên qua đám bụi rậm. Lúc chạm được tay vào phiến đá xù xì thì trời đã tối sầm. Ngay bên dưới phiến đá là một cái hốc nhỏ, bên trong cỏ mọc xanh um, nằm khuất sau những ụ đất và một lùm cây cao đến đầu gối, sum suê cành lá. Ở giữa lòng hốc có một túp lều nhỏ bằng da dê giống như những căn lều mà dân du mục vẫn mang theo cùng họ ở Anh.
Tôi chui vào bên trong, vén một bên lều lên xem thì thấy chiếc thuyền của Ben Gunn - chiếc thuyền do chính tay anh ta đóng, nhìn là biết: một cái vỏ gỗ cứng xù xì, méo mó, nom rất thô, lòng trải một tấm da dê, mặt có lông úp xuống dưới. Con thuyền nhỏ lắm, đến một mình tôi ngồi còn chật, tôi chịu, không biết làm thế nào mới chở nổi một người lớn. Trong lòng thuyền có đóng một thanh ván ở rất thấp, một dạng ván để chân nơi mũi thuyền, và một đôi mái chèo.
Hồi đó tôi vẫn chưa thấy chiếc thuyền thúng - loại thuyền mà người Anh cổ đã từng đóng - nào cả, nhưng giờ, tôi đã tận mắt thấy một chiếc, và để quý bạn dễ hình dung ra con thuyền của Ben Gunn, tôi chỉ có thể nói: Nó hệt như chiếc thuyền thúng được con người làm ra trước nhất và xấu nhất trên đời. Nhưng được cái, con thuyền ấy chắc chắn rất dễ lấy, vì nó rất nhẹ và rất dễ mang đi.
Vậy là tôi đã tìm ra con thuyền, chắc quý bạn sẽ nghĩ cuộc đào tẩu của tôi thế là đã thỏa, nhưng không, lúc đó, tôi lại nảy ra một ý và tôi mê tít ý định này, mê tới nỗi nếu thuyền trưởng Smollett có ngăn cản thì tôi vẫn nhất quyết làm cho bằng được. Tôi nảy ra ý định lợi dụng đêm tối, lén mò đến chỗ tàu Hispaniola đang đậu, cắt dây neo cho tàu trôi đến bờ nào thì trôi. Tôi tin chắc, sau khi bị chúng tôi đẩy lui sáng hôm nay, quân phản loạn sẽ chẳng dám làm gì ngoài việc nhổ neo, dong tàu ra biển. Tôi cho rằng ngăn không cho chúng đi là việc rất tốt. Thấy bọn chúng chẳng để lại cho bọn canh gác trên tàu một chiếc thuyền nào, tôi nghĩ: chỉ cần liều một chút là làm được ngay.
Tôi ngồi xuống chờ cho trời tối hẳn, lấy bánh ra làm một bữa thịnh soạn. Đêm nay là đêm mười nghìn năm mới có một lần, vô cùng thích hợp với dự tính của tôi. Sương mù giờ đã giăng kín lối, thậm chí còn che khuất bầu trời.
Những tia nắng cuối cùng còn sót lại của ngày nhỏ dần rồi tắt hẳn, bóng đêm trùm kín Đảo Giấu Vàng. Lúc đó, tôi mới vác thuyền lên vai, quờ quạng tìm đường ra khỏi cái hốc nhỏ mà mình vừa ngồi ăn bữa tối. Lúc bấy giờ, nhìn ra chỗ neo tàu, chỉ còn nhìn thấy có hai chỗ.
Một là đống lửa lớn đốt trên bờ, nơi bọn cướp biển thua trận đang chè chén ở đầm lầy.
Chỗ còn lại, đốm sáng lờ mờ giữa đêm tối, cho biết vị trí con tàu đang neo. Do nước triều xuống kéo đi mà con tàu bây giờ đang hướng mũi về phía tôi. Trên tàu, chỉ có cabin là sáng đèn, và đốm sáng lờ mờ mà tôi thấy lúc nãy chỉ là ánh phản chiếu trên màn sương của những tia sáng rực lên ở ô cửa sổ nơi đuôi tàu.
Nước triều đã xuống từ rất lâu. Tôi phải lội qua một dải cát dài ướt nhoe nhoét, thi thoảng, chân lại bị lún tới quá mắt cá, mới tới được mép nước. Lội xuống nước thêm một đoạn, chỉ cần khéo léo và chút sức lực, tôi hạ thuyền xuống mặt nước.