N
gài điền chủ Trelawney, bác sĩ Livesey và nhiều người khác động viên tôi viết lại toàn bộ câu chuyện về Đảo Giấu Vàng, từ đầu đến cuối, không giấu giếm gì, chỉ không tiết lộ vị trí hòn đảo ấy ở đâu, vì hẵng còn một ít của cải vẫn chưa lấy hết. Năm 17xx đầy ân sủng, tôi cầm bút lên, hồi tưởng lại ngày cha tôi còn làm chủ quán trọ Đô đốc Benbow và một lão thủy thủ da rám nắng, trên mặt có một vết sẹo dài do gươm chém tới trọ ở quán của chúng tôi.
Tôi vẫn nhớ lão, cứ như chỉ vừa mới gặp ngày hôm qua, khi lão ì ạch bước tới cửa nhà tôi, cái hòm đựng đồ đi biển đặt trên chiếc xe đẩy hàng lẽo đẽo theo sau. Lão cao lớn, vạm vỡ, người nặng nề, da đen bóng màu nắng gió, cái đuôi sam sơn hắc ín[1] bết bền bệt xõa lên vai áo màu xanh lem luốc bẩn, tay lão sần sùi, toàn sẹo là sẹo, móng tay đen sì, sứt nham nhở, má lão bị gươm chém, để lại một vết sẹo trắng nhờ, nom bẩn thỉu. Tôi nhớ lão vừa đưa mắt nhìn xung quanh vừa huýt sáo, rồi ề à ca một bài của dân đi biển ngày xưa, bài ấy về sau lão cứ hát suốt:
“Mười lăm thằng trên Hòm Người Chết
Dô hô hô, và một vò rượu rum!”[2]
Cái giọng già nua của lão cao, run run, nghe nhịp nhàng và đứt quãng như lúc người ta vừa hát vừa quay dây tời. Hát dứt lời, lão lấy cây gậy nom như cái tay đòn gắn ở ụ tời thúc vào cửa quán để gọi cửa, và khi cha tôi ra, lão cộc cằn gọi một ly rượu rum. Rượu được mang ra, lão chầm chậm uống, còn chép chép miệng nhấm nháp dư vị đọng lại, hệt như một tay sành sỏi. Mắt lão vẫn đảo khắp xung quanh, hết nhìn vách đá dựng đứng lại nhìn lên bảng hiệu nhà chúng tôi.
“Cái vịnh này thuận tiện ra phết.” Lão lè nhè nói. “Quán nằm ở chỗ đắc địa đấy. Đông khách không, ông anh?”
Cha tôi bảo không, khách vắng lắm, ra chiều tiếc nuối.
“Chà!” Lão nói. “Vậy đúng bến dành cho tôi rồi đấy. Này, chú em!” Lão gọi người đẩy xe hàng. “Mang lại đây, dỡ cái hòm của tôi xuống. Tôi sẽ nghỉ lại đây một thời gian.” Rồi lão nói tiếp. “Tính tôi dễ lắm; rum, thịt xông khói với trứng rán, chỉ cần có thế, thỉnh thoảng lại lên đằng kia xem tàu. Ông anh gọi tôi bằng gì ấy à? Ông anh có thể gọi tôi là thuyền trưởng. Ồ, tôi nhìn là biết ngay ông anh đang băn khoăn việc gì - đây!” Dứt lời, lão quăng ra ba hay bốn đồng vàng gì đó lên quầy. “Khi nào hết chỗ này thì ông anh cứ bảo tôi.” Lão khệnh khạng nói như một vị chỉ huy thứ thiệt.
Và mặc dầu quần áo lôi thôi, nói năng lỗ mãng, trông lão không giống thủy thủ hạng xoàng, mà có vẻ không phải thuyền trưởng thì cũng thuyền phó, quen bắt ne bắt nẹt người khác, quen được người ta phục tùng vâng lệnh. Người đẩy hòm cho lão kể với chúng tôi rằng sáng hôm trước, xe thư cho lão xuống khách sạn Royal George. Ở đó, lão hỏi thăm xem có những nhà trọ nào ở gần bờ biển, và tôi đồ rằng, lão nghe nói nhà trọ của chúng tôi có tiếng là tươm tất, lại ở nơi biệt lập, nên mới chọn chỗ chúng tôi làm chốn nghỉ chân. Tất cả những gì chúng tôi biết về vị khách của mình chỉ có thế.
Bình thường, lão rất trầm lặng. Ban ngày, lão đi thăm thú xung quanh bờ vịnh hoặc leo lên vách đá cùng một chiếc ống nhòm bằng đồng. Tối đến, lão ngồi trong xó phòng khách ở gần lò lửa, uống rất nhiều rượu mạnh pha lẫn với nước. Hầu như lão chẳng bao giờ tiếp chuyện khi người ta hỏi tới, lão chỉ thình lình trừng mắt lên đầy dữ tợn, mũi thở phì phì như còi báo sương mù. Rồi về sau, chúng tôi và những người đến quán đều biết ý mà mặc kệ lão. Hằng ngày, cứ mỗi khi đi chơi về, lão lại hỏi có thấy “dân đi biển” nào đi ngang qua không. Ban đầu, chúng tôi cứ tưởng lão muốn tìm người quen nên hỏi thế, sau này, chúng tôi mới biết thực ra lão có ý tránh mặt họ. Khi có người đi biển vào quán Đô đốc Benbow thật, (thỉnh thoảng, họ vẫn tới chỗ chúng tôi khi men theo đường bờ biển đi Bristol) bao giờ lão cũng nấp sau tấm rèm, quan sát thật kĩ rồi mới bước vào phòng. Và mười bữa như nhau cả mười, lão sẽ câm như hến khi người kia có mặt ở đấy. Chí ít thì với tôi, chuyện ấy không có gì bí mật cả, tôi thậm chí còn chia sẻ mối lo ấy với lão nữa. Số là, một lần nọ, lão kéo tôi ra một góc, hứa sẽ thưởng cho tôi bốn xu bạc vào ngày mùng một mỗi tháng nếu tôi chịu “thận trọng canh gác, để ý một gã đi biển có một chân” và báo cho lão ngay khi tên nọ đến quán. Thường thường, cứ tới ngày mùng một, tôi lại đến nhắc lão trả tiền công, lão sẽ chỉ thở phì phì qua hai lỗ mũi rất mạnh và trừng mắt nhìn tôi chòng chọc làm tôi phải quay đi chỗ khác, nhưng chưa hết tuần, chắc chắn lão sẽ nghĩ lại, rồi mang đưa tôi bốn xu, và dặn đi dặn lại “phải để ý gã đi biển có một chân”.
Chắc tôi không cần phải kể nhân vật một chân kia theo ám tôi trong những giấc mơ đến mức nào. Vào những đêm dông tố bão bùng, khi gió rung bốn góc nhà lên bần bật, sóng gầm thét ngoài vịnh, đập vào bờ đá ầm ầm, tôi thấy hắn hiện ra dưới muôn hình vạn dạng, mặt mũi dữ tợn, khủng khiếp như ma như quỷ. Lúc thì chân bị cụt đến đầu gối, khi lại tới tận háng; có lúc, hắn nom giống hệt loài quỷ sứ, chỉ có mỗi một chân mọc ra ở giữa thân. Trong những cơn ác mộng kinh hoàng nhất, hắn nhảy qua hàng rào, băng qua miệng hố, đuổi theo tôi khắp hang cùng ngõ hẻm. Và khi bị những cơn mê đáng sợ như thế hành hạ, tôi thấy mình đã phải trả cái giá quá đắt, số tiền bốn xu mỗi tháng kia thật không đáng tẹo nào.
Tên thủy thủ một chân kia làm tôi khiếp đảm mỗi khi nghĩ tới, thành ra tôi lại không thấy sợ lão thuyền trưởng bằng những người quen biết lão. Có những đêm, lão nốc rượu rum pha nước nhiều quá, vượt sức chịu đựng của mình. Những lúc ấy, khi thì lão ngồi một chỗ và cứ thế hát thật to bài ca đi biển hoang dại, cũ rích, càn rỡ của lão, không thèm đếm xỉa đến ai; khi thì lão gọi rượu cho tất cả mọi người có mặt ở đó, ép những kẻ đang run như cầy sấy kia nghe chuyện lão kể hoặc hát bè cho lão. Lắm lúc, tôi thấy nhà mình rung lên bần bật với những câu “Dô hô hô, và một vò rượu rum!”, còn những người hàng xóm, ai nấy cũng đều vì mạng sống mà thi nhau gân cổ lên hát thật lực, cùng nỗi sợ hãi treo lơ lửng trên đầu, và người nọ cố rống thật to, át tiếng người kia để khỏi bị lão chú ý. Vì những lúc như thế, lão hết sức ghê gớm và vô lý. Lão đập tay lên bàn đánh “uỳnh” một tiếng để bắt tất cả mọi người im lặng. Lão nộ khí xung thiên nếu có ai thắc mắc, hoặc có lúc, không ai hỏi câu nào lão cũng cáu, vì lão cho như vậy là không ai nghe chuyện lão kể. Khi nào lão chưa say quắc cần câu, chưa buồn ngủ và ngật ngưỡng bò vào giường, lão sẽ không cho bất cứ ai rời khỏi quán trọ.
Điều khiến người ta khiếp vía nhất chính là những câu chuyện lão kể. Rặt những chuyện hãi hùng: nào là chuyện treo cổ, nào là chuyện bịt mắt người ta rồi bắt họ đi trên ván để nhảy xuống giữa biển, rồi chuyện bão to ngoài khơi xa, tới chuyện quần đảo Dry Tortugas[3], và những nơi hoang dã cùng những chuyện gớm ghê ở vùng Spanish Main[4].
Nghe lão kể, chắc chắn lão phải sống cùng những kẻ gian ác nhất mà ông trời cho ra ngoài biển, và lời lẽ lão dùng để kể những câu chuyện đó khiến dân đồng bằng chất phác chúng tôi nhức hết cả tai, nhức chả kém khi nghe mấy việc ác ôn lão tả là mấy. Cha tôi suốt ngày rên rỉ quán trọ này khéo phải dẹp tiệm đến nơi, vì chẳng ai dại gì mà tới đây tiếp để bị ngược đãi, bị hạ nhục, rồi bị đuổi cổ về và đến khi lên giường ngủ vẫn còn hồn bay phách lạc; nhưng tôi lại thực sự tin rằng lão có mặt ở đây có lợi cho chúng tôi. Mọi người sợ hãi vào lúc ấy thôi, chứ về sau nhắc tới, họ lại thích; lão và những câu chuyện của lão là cơn gió sôi động rực rỡ ào qua cuộc sống thôn quê lặng lẽ này. Và thậm chí, còn có một nhóm thanh niên làm ra vẻ ái mộ lão, gọi lão là “người thủy thủ đích thực”, là “chiến binh biển cả lão luyện thực thụ” cùng những danh xưng sáo rỗng, kêu như chuông từa tựa thế. Họ bảo, nước Anh được nể sợ khắp bốn bể là nhờ những người như lão.
Nhưng về một mặt nào đó, lão khiến chúng tôi sắp dẹp tiệm thật. Lão ăn dầm ở dề nhà tôi từ tuần này sang tuần khác, từ tháng nọ sang tháng kia, chỗ tiền lão đưa đã hết nhẵn từ lâu mà cha tôi lại không đủ can đảm để đòi thêm từ lão. Nếu ông cụ có nhắc đến, lão thuyền trưởng sẽ thở phì phì thật mạnh ra đằng mũi, nghe như tiếng gầm tiếng rống, và trừng trừng nhìn người cha tội nghiệp của tôi đến khi ông cụ phải vội vã kiếm cớ ra khỏi phòng. Những lần bị lão ăn quỵt kia xua như thế, tôi lại thấy cha uất ức siết chặt nắm tay, và tôi tin chắc, do sống chung với những phiền muộn và sợ hãi đó mà cha tôi mới phải sớm từ giã cõi đời.
Suốt thời gian trọ ở chỗ chúng tôi, lão thuyền trưởng chẳng thay đổi trang phục gì hết, chỉ thấy mua mấy đôi tất từ một người bán hàng rong. Một bên vành mũ của lão đã gãy gục xuống, nhưng lão vẫn cứ để cho nó lòng thòng như thế, dù những hôm trời gió, đội rất khó chịu. Tôi vẫn nhớ cái áo khoác của lão ngày ấy, lão cứ ru rú trên gác tự vá víu lấy, rồi chẳng bao lâu sau, cái áo toàn những mảnh vá, chẳng biết đâu là phần vải cũ nữa. Lão chẳng thư từ qua lại với ai, và lão cũng chẳng nói chuyện với ai ngoài những người hàng xóm, mà đa phần, lão cũng chỉ nói với những người ấy khi đã nốc đẫy rượu rum, say be say bét. Còn cái hòm đi biển to tướng của lão, chẳng ai trong chúng tôi thấy lão mở bao giờ.
Lão chỉ gặp địch thủ có đúng một lần, và đó cũng là lần cuối, hồi người cha khốn khổ của tôi ốm liệt giường, phải mời bác sĩ tới khám. Bác sĩ Livesey đến thăm bệnh lúc chiều muộn, nên mẹ tôi mời bác ở lại dùng cơm tối. Ăn xong, bác sĩ sang phòng tiếp khách hút thuốc, chờ người ở làng dong ngựa lên, vì quán trọ Đô đốc Benbow chúng tôi không có tàu ngựa. Tôi theo bác sĩ vào trong, và tôi còn nhớ rõ cái tương phản giữa bác với những người khác trong phòng. Bác sĩ chỉn chu, sáng sủa, đội bộ tóc giả trắng như tuyết, có cặp mắt đen sáng như sao và cung cách đầy lịch thiệp, khác hẳn với những người nông dân chất phác, và nhất là, như một trời một vực với lão bù nhìn ăn mặc rách rưới, mang lốt cướp biển lờ đờ, nặng nề, nhếch nhác đang ngồi tì cả hai cánh tay lên bàn, say rượu rum tít tận cung mây. Rồi bất thình lình - lão thuyền trưởng, phải, chính là lão - bắt đầu xướng bài ca muôn thuở của mình lên:
“Mười lăm thằng trên Hòm Người Chết
Dô hô hô, và một vò rượu rum!
Uống, uống đi, quỷ sứ lo cho hết
Dô hô hô, và một vò rượu rum!”
Ban đầu, tôi cứ đinh ninh “Hòm Người Chết” chính là cái hòm to đùng to đoàng lão cất trên gác, ngay phòng ngoài, và ý nghĩ đó lẫn lộn trong những cơn ác mộng cùng những tưởng tượng của tôi về tay thủy thủ một chân. Vào lúc đó, chúng tôi đã thôi để ý tới bài hát kia; bài hát chẳng còn lạ lẫm với ai nữa, trừ bác sĩ Livesey. Và tôi thấy bác sĩ chẳng có vẻ gì là tán thành những lời ấy cả, vì bác bực bội ngẩng lên nhìn một chút, rồi lại tiếp tục hướng dẫn bác làm vườn Taylor cách chữa bệnh thấp khớp mới. Trong khi đó, lão thuyền trưởng càng lúc càng thêm hưng phấn với bài hát của mình, và cuối cùng, lão đập tay thật mạnh xuống bàn, như vẫn làm mỗi khi bắt mọi người im lặng. Mọi người im ngay tắp lự, chỉ trừ mỗi bác sĩ Livesey; bác sĩ vẫn ôn tồn và rành rọt chuyện trò với bác làm vườn, cứ nói được một hai từ lại ung dung rít một hơi thuốc. Lão thuyền trưởng gườm gườm nhìn bác sĩ một lúc, đập tay thật mạnh một lần nữa, mắt quắc lên dữ tợn hơn, và cuối cùng, lão bật ra một câu chửi thề rất tục tằn, rất hạ cấp, và quát: “Câm!
Đằng kia câm ngay!”
“Ông đang nói tôi đấy ư, thưa ông?” Bác sĩ nói; và khi lão du thủ du thực kia khẳng định, kèm một câu chửi thề thô lỗ, bác vẫn từ tốn. “Tôi chỉ có một điều này muốn nói với ông thôi, thưa ông, rằng nếu ông còn tiếp tục uống rượu rum, thế giới này sẽ sớm giũ sạch được một tên vô lại bẩn thỉu vô cùng!”
Cơn thịnh nộ của lão giặc già thật kinh hồn. Lão đứng phắt dậy, rút ra một con dao gập mà giới thủy thủ vẫn hay dùng, rồi bật lưỡi dao lên, lăm lăm chĩa thẳng về phía bác sĩ như muốn găm bác vào tường.
Bác sĩ chẳng hề nhúc nhích. Ông vẫn bình thản nói với ra sau vai như vừa nói chuyện với lão, và bác vẫn giữ nguyên giọng từ tốn ban nãy, chỉ cao giọng hơn một chút để tất cả mọi người trong phòng đều nghe, nhưng cực kỳ điềm tĩnh và đĩnh đạc: “Nếu ông không bỏ con dao đó lại vào trong túi ngay lập tức, tôi xin lấy danh dự ra mà nói, ông sẽ bị treo cổ trong phiên đại hình sắp tới.”
Rồi hai bên gườm gườm nhìn nhau, nhưng lão thuyền trưởng nhanh chóng cụp mắt xuống, gập dao lại và cất đi, rồi ngồi xuống chỗ cũ, gầm gừ trong cổ họng như con chó bị đánh đòn.
“Và, thưa ông…” Bác sĩ nói tiếp. “Giờ tôi đã biết trong quận của mình có một người như ông, ông cứ yên tâm một điều rằng tôi sẽ để mắt tới ông cả ngày lẫn đêm. Tôi không chỉ là bác sĩ; tôi còn là quan tòa; và nếu tôi nghe thấy một lời phàn nàn nào về ông, dù chỉ là những việc như hành động khiếm nhã vừa xảy ra tối nay thôi, tôi cũng sẽ ban lệnh bắt ông và đuổi ông ra khỏi xứ. Tôi báo trước cho ông biết!”
Một lúc sau, người ta mang ngựa tới tận cửa cho bác sĩ Livesey và bác sĩ lên ngựa ra về, còn lão thuyền trưởng cứ ngồi im thin thít một chỗ, không dám ho he gì suốt cả tối hôm đó, và đến mấy tối sau, lão cũng vẫn im re như thế.
[1] . Thời bấy giờ, các thủy thủ để tóc dài thường sơn toàn bộ đuôi tóc bằng loại hắc ín mà họ vẫn dùng để chống thấm cho tàu thuyền, dây thừng... (Các chú thích trong truyện là của người dịch.)
[2] . Nguyên văn: “Fifteen men on the dead man’s chest - Yo ho ho... and a bottle of rum!”. Lời bài hát này gắn với câu chuyện về thuyền trưởng cướp biển Edward Teach khét tiếng, biệt danh Blackbeard - nghĩa là Râu Đen, trừng phạt một nhóm mười lăm thủy thủ bằng cách bỏ họ lại trên đảo hoang có tên Dead Man’s Chest, cho mỗi người một con dao và một chai rượu rum. Một tháng sau quay lại, hắn thấy đám thủy thủ kia vẫn sống.
[3] . Một nhóm các đảo san hô nhỏ ở vịnh Mexico, phía tây nam Florida ngày nay.
[4] . Tên gọi vùng đất liền trên lục địa châu Mỹ là thuộc địa của Tây Ban Nha, có đường bờ biển tiếp giáp vùng biển Caribe và vịnh Mexico.