Chắc nhiều người còn nhớ, mở màn chiến dịch bằng trận thắng lớn, thắng giòn giã ở đồi Him Lam vào chiều 13-3-1954...
Chắc nhiều người còn nhớ, mở màn chiến dịch bằng trận thắng lớn, thắng giòn giã ở đồi Him Lam vào chiều 13-3-1954. Tiếp đó, các mặt trận trên toàn tuyến được mở rộng. Với đơn vị chúng tôi những ngày đầu, bất kỳ nắng hay mưa, cứ chập tối, các chiến sĩ lại khoác súng trên vai, tay cuốc xẻng lên đường làm nhiệm vụ, vừa đào hầm hào, vừa chiến đấu gần cứ điểm đồi A1.
Bất chợt gần nửa đêm, vừa chợp mắt, đơn vị có lệnh gọi đích danh tôi cùng một vài chiến sĩ khác đi làm nhiệm vụ khẩn cấp và còn dặn thêm: "Có gì che nắng mang theo...". Chấp hành lệnh, chúng tôi khẩn trương lên đường, có người hướng dẫn xuyên qua hầm hào với quãng đường khá xa. Đến nơi thấy một số anh em ở đơn vị bạn cũng đã có mặt, đặc biệt có một số người hình như là các cố vấn quân sự của Trung Quốc đang kiểm tra hay làm gì đó ở bên cạnh một khối lượng lớn gồm các "bọc màu trắng" hình vuông, ướm chừng 40x40x20cm gì đó, giao cho chúng tôi mỗi người một bọc và dặn chúng tôi là phải bí mật. Nhận xong, chúng tôi mang vác qua các hầm hào hướng đến cứ điểm đồi A1 dưới ánh sáng lập lòe của pháo sáng và tiếng đại bác cầm canh của địch. Đến nơi tập kết trong một hầm kín, chúng tôi bàn giao xong, hoàn thành nhiệm vụ, trời đã gần sáng, về đến nơi mặt trời đã quá nửa cây sào, chúng tôi lại hòa vào đơn vị tiếp tục nhiệm vụ.
Tiếng nổ từ khối thuốc 1000kg trên đồi A1 là hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. Ảnh tư liệu.
Sau ít hôm, bỗng đơn vị có lệnh tập trung khẩn cấp, cả đơn vị được bố trí ngồi theo vòng tròn dưới chân đồi gần nơi đơn vị đóng quân, ở giữa là sa bàn cứ điểm đồi A1 và đường vào Mường Thanh được bố trí rất tỉ mỉ, rành mạch và dễ nhận biết về cách bố phòng của địch, các mũi tiến quân của ta... Vì cứ điểm đồi A1 được mệnh danh là "bức bình phong, lá chắn thép..." quan trọng bậc nhất bảo vệ tập đoàn cứ điểm Mường Thanh, vì thế quân lính ở đây thuộc loại tinh nhuệ, thiện chiến nhất, các hỏa lực cũng hiện đại và mạnh nhất, các công sự hầm hào, lô cốt cũng kiên cố nhất... nên cấp trên luôn động viên, nhắc nhở với đại ý "... Khi nào chưa giải phóng cứ điểm A1 thì chưa nói đến giải phóng Điện Biên... và tỏ rõ quyết tâm phải thắng...".
Sau buổi tập trung, không khí chuẩn bị của đơn vị, cá nhân càng khẩn trương, chu đáo, từ vũ khí, quân trang, nhỏ nhất như đôi giày vải để dành từ lâu cũng mang ra khâu lại cho chắc chắn. Trong thời gian chờ lệnh xuất quân, anh em tranh thủ tâm sự với nhau về quê hương, gia đình, bản thân và hẹn hò nhau những gì sau trận đánh, trong đó có Trung đội phó Bùi Hưu Hữu, quê Bắc, thành phần cố nông, dáng người mảnh khảnh, song lại rất dũng cảm trong chiến đấu, đi đầu trong mọi công việc và rất đỗi yêu thương chiến sĩ, làm cho chúng tôi ai ai cũng cảm động và quý mến.
Sáng 6-5, đơn vị được lệnh xuất quân, đến quá trưa, đơn vị chúng tôi và các đơn vị bạn đã tập trung đông đủ, chật kín đường hào đầy bùn nước, nắng như thiêu như đốt.
Trong khi chờ lệnh, vào chập tối, khoảng 18 giờ gì đó, cả đơn vị hầu như yên lặng, có lẽ hồi hộp, tập trung chờ lệnh, thỉnh thoảng mới nghe tiếng nhắc nhở của những vị chỉ huy. Trong sự yên lặng khó tưởng, bỗng có tia chớp từ mặt đất kèm theo tiếng nổ rền vang, rung chuyển cả một vùng đồi núi, tiếp theo là tiếng nổ cấp tập và lưới lửa của pháo binh ta khống chế các hỏa lực của địch để bộ binh vượt đột phá khẩu, chiếm lĩnh trận địa. Lúc này các hỏa lực của địch, nhất là trận địa pháo ở Hồng Cúm đáp trả một cách mãnh liệt, pháo ta lẫn pháo địch tạo ra một bầu trời lửa và sáng rực như ban ngày.
Phối hợp với pháo binh, đơn vị chúng tôi và các đơn vị bạn nhanh như chớp vượt qua làn đạn dày đặc của địch và địa hình vừa dốc, vừa trơn bên sườn đồi A1 để chiếm lĩnh trận địa. Tại đây, trận chiến giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, các hỏa lực của chúng bắn ra xối xả hòng ngăn bước tiến của ta, song với sự mưu trí, quyết tâm và không sợ hy sinh, các chiến sĩ tiếp tục xông lên, áp sát và tiêu diệt các hỏa lực của địch để giành trận địa, tiến sâu vào sào huyệt. Qua nhiều giờ giành giật nhau, địch tổn thất nặng, buộc chúng phải lui dần về phía sau. Gần trưa 7-5, chúng co cụm ở Mường Thanh và vẫn chống trả một cách điên cuồng, tuyệt vọng. Lúc này mũi tiến công chính tiếp tục dồn ép, đồng thời một số đơn vị chia thành từng tổ áp sát vào các ổ hỏa lực buộc chúng ra hàng. Càng về trưa, tiếng súng thưa dần và quá trưa tới chiều, quân ta tiến sâu vào sào huyệt, hang ổ cuối cùng tập đoàn cứ điểm ở Mường Thanh, bắt sống viên Tổng chỉ huy Đờ Cát.
Lúc này còn vài giờ trước khi trời tối, giữa khoảng trời mênh mông đầy nắng gió xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nắp hầm Sở chỉ huy địch, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
NGUYỄN XUÂN THẮNG