Kể từ ngày chào đời ở một ngôi làng trong rừng già nước Ấn, đường đời của tôi đã được một lời tiên tri vạch sẵn.
Lúc đó là mùa đông và đã gần kề những ngày hội hè đón Năm Mới, dịp lễ này vẫn là một truyền thống mặc dù những người Anh du nhập truyền thống này vào đất nước chúng tôi đã ra đi từ hai năm trước. Tháng Mười Hai hiếm khi mưa, nhưng năm ấy gió mùa đông bắc còn nấn ná trên vùng biển Orissa. Cuối cùng mưa cũng ngớt, nhưng những triền dốc phủ kín rừng hai bên bờ sông vẫn chìm khuất trong những đám mây mù mịt bao trùm cảnh vật trong ánh lờ mờ dẫu trời đã sáng.
Đột nhiên, nắng xé toang bóng tối.
Và tôi nằm đó, trong chiếc thúng đặt dưới một mái tranh nơi làng quê, được số phận an bài trở thành nhân vật chính trong câu chuyện này mặc dù tôi vẫn chưa được đặt tên. Gia đình tôi tụ tập lại, kinh ngạc nhìn tôi mới ra đời. Thầy tướng số trong làng cũng có mặt, ông tuyên bố tôi sinh ra dưới chòm sao Nam Dương, cùng một ngày với Đấng Tiên Tri của đạo Thiên Chúa.
– Nhìn kìa! – Một người anh tôi kêu lên. – Cái gì kia?
– Đó, trên đầu em bé đó!
Mọi người ngước lên và nhìn thấy tia nắng rọi qua ô cửa sổ nhỏ đã tạo thành một ánh cầu vồng.
Thầy tướng số hiểu ngay ý nghĩa điềm báo.
– Lớn lên thằng nhỏ này sẽ làm việc với màu sắc.
Tin đồn nhanh chóng lan khắp làng. Đứa bé cầu vồng, có người nói. Một thánh nhân, một Mahatma, vừa sinh ra, người khác bảo.
Khi tôi mới được một tuần tuổi, một con rắn hổ mang lạc vào túp lều nơi tôi đang ngủ say và không hề hay biết nguy hiểm cận kề. Con rắn bò lên trên nóc giường cũi của tôi và phùng mang ra. Mẹ tôi nhìn thấy, bà tưởng nó đã cắn tôi rồi. Bà chạy tới đúng lúc con rắn bò ra ngoài bỏ đi. Nhưng tôi không sao. Thật vậy, tôi đang nằm đó yên ổn, đôi mắt đen nhìn vào khoảng không. Một phép mầu!
Người dụ rắn trong làng bảo cha mẹ tôi là con rắn hổ đã phùng mang che cho tôi khỏi bị ướt vì mưa thấm giọt qua mái nhà ngay bên trên giường cũi của tôi. Mưa đã nện ầm ầm trên mái suốt mấy ngày qua nên lúc đó nhà đang dột. Rắn hổ mang vốn được xem là vật thiêng và đây chính là điềm báo của thần thánh. Thầy tướng số gật gù đồng ý với ông dụ rắn.
Đúng như thế. Tôi không phải đứa bé bình thường.
Thầy tướng số quay lại đoán vận mệnh cho tôi. Ông lấy một cái que vót nhọn vạch tương lai của tôi lên một tàu lá. “Rồi người này sẽ cưới vợ là một cô gái ở rất xa, xa tít, xa hơn cái làng này, huyện này, tỉnh này, bang này và cả cái nước này nữa”, lá số mở đầu như vậy.
– Cháu không cần phải đi tìm cô ta, cô ta sẽ tự đến với cháu. – Ông vừa nói thầm với mình tôi vừa nhìn thẳng vào mắt tôi.
Lúc đầu, cha tôi không đọc được hết phần còn lại của lá số. Thầy tướng số hơ ngọn đèn dầu dưới một cây nến thoa bơ và để cho phần nhọ đen hun cháy rơi xuống những đường rãnh đã vạch lỗ chỗ trên tàu lá. Nội dung hiện ra trước mắt cha mẹ tôi. Thầy tướng số không cần phải đọc lên, tự cha tôi đã nhìn rõ những chữ viết uốn lượn bằng tiếng Oriya và ông đọc cho mẹ tôi nghe: “Vợ tương lai của người này yêu thích âm nhạc, sinh ra dưới chòm sao Kim Ngưu và sẽ là chủ nhân một khu rừng”.
Kể từ khi tôi hiểu được người lớn nói gì, tôi đã sống cùng lời tiên tri trên tàu lá và những chuyện kể lại về cầu vồng với con rắn hổ mang. Ai cũng bảo tương lai của tôi đã được định sẵn rồi.
Tôi không phải là người duy nhất biết trước tương lai. Số phận của mọi trẻ em đều được ghi sẵn trên những chòm sao ngay từ khi chúng ra đời. Cha mẹ tôi đã tin vậy và tôi cũng tin như thế, khi lớn lên.
Và tới giờ, có nhiều điều tôi vẫn còn tin.
Tên đầy đủ của chú bé là Jagat Ananda Pradyumna Kumar Mahanandia.
Một cái tên sung sướng. Jagat Ananda có nghĩa là hạnh phúc chung, còn Mahanandia có nghĩa là lạc quan. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ cái tên nó đâu, mới chỉ là phần rút gọn thôi đấy. Ghi hết ra cả mọi tên hiệu lưu truyền từ đời ông nội, dòng tộc, đẳng cấp thì phải mất 373 chữ cái.
Nhưng ai mà nhớ nổi 373 chữ cái chứ? Bạn bè nó rốt cuộc chỉ chọn hai chữ cái thôi. P (tức là Pradyumna) và K (tức là Kumar). PK.
Gia đình PK chẳng hề dùng bất kỳ cái tên khai sinh nào khi họ gọi với theo thằng bé đang chạy băng qua làng hay trèo tót trên những cây xoài. Cha gọi nó là Poa, có nghĩa là ‘‘thằng nhỏ’’, ông bà nội thì luôn gọi nó là Nati, ‘‘cháu nội’’, còn mẹ lại gọi nó là Suna Poa, ‘‘thằng bé vàng’’, vì nước da nó hơi sáng hơn hai người anh ruột một chút.
Những ký ức đầu tiên của nó về ngôi làng ven sông bên bìa rừng chỉ hình thành sau khi nó lên ba. Hay có lẽ là bốn. Hoặc chỉ mới lên hai. Tuổi tác chẳng quan trọng. Chẳng ai bận tâm đến ngày sinh. Nếu bạn hỏi tuổi dân làng này, câu trả lời của họ luôn thay đổi và chẳng bao giờ chính xác. Khoảng mười tuổi, bốn mươi mấy, gần bảy mươi, hay còn nhỏ mà, lớn tuổi rồi, già lắm đó.
Mấy tuổi cũng được, PK còn nhớ lúc đó mình đang đứng trong căn nhà có vách đất dày, mái lợp tranh vàng úa. Hình ảnh dần rõ nét. Những cánh đồng ngô với những ngọn lá bụi bặm xào xạc trong gió chiều và những lùm cây lá tròn căng bừng sáng trổ hoa trong mùa đông và nặng trĩu quả ngọt trong mùa xuân. Một con suối chảy qua làng hòa vào sông lớn, bên kia suối là một bức tường cây lá dày đặc từ dưới đất vươn cao. Đó là chỗ bắt đầu rừng già, từ đó thỉnh thoảng vọng ra tiếng voi rống hay tiếng hổ báo gầm. Ta thường thấy mặt đất bùn in hằn vết thú hoang, cùng với những đống phân voi hay dấu móng vuốt cọp, kèm theo đó là âm thanh vo ve của côn trùng bay vòng vòng và tiếng líu lo chim hót.
Chân trời của PK nằm ngay bìa rừng ấy, nhưng thế giới của nó vươn xa hơn vào tận giữa rừng. Ngôi làng và rừng già. Chẳng có gì khác. Rừng bất tận, bí mật, khó hiểu, nhưng cũng quen thuộc và an toàn. Rừng khôn lường nhưng rừng cũng là một điều chắc chắn, một niềm an ủi. Còn đô thành là nơi nào đó nó có nghe nói nhưng chưa bao giờ thấy tận mắt.
Nó sống trong căn nhà tranh với mẹ, cha và hai anh. Và ông bà nội, tất nhiên rồi. Hầu hết các gia đình đều sống như thế; truyền thống bắt buộc con trai trưởng phải ở cùng cha mẹ, ngay cả khi anh ta đã cưới vợ và có gia đình riêng. Shridhar, cha của PK, giữ đúng truyền thống ấy.
PK ít thấy mặt cha. Ông là trưởng bưu cục ở Athmallik, thị xã gần nhất, nơi có nhiều chợ, nhiều tiệm trà, một đồn cảnh sát và một nhà giam. Do quãng đường hai chục cây số quá xa, không thể đạp xe đi về hàng ngày, cha nó có một phòng có giường ngủ ở bưu điện để ở lại suốt tuần làm việc. Mỗi tối thứ Bảy ông lại về nhà cùng một chuyến với hai anh của PK đang học nội trú ở thị trấn.
PK thấy mình như con một. Suốt cả tuần, mẹ dành hết quan tâm cho nó. Gần như ngày nào cũng chỉ có hai mẹ con và ông bà nội trong căn nhà tranh ở ngôi làng ven rừng.
Ánh nắng tràn ngập ngôi làng, xuyên qua những tán lá dày đặc thường bao phủ nền rừng trong bóng râm khá tăm tối. Hầu hết mọi nhà đều xây theo một kiểu: nhà tranh hình tròn hay chữ nhật, vách đất nâu, mái lá xám cùng những chuồng tre nhốt bò với dê. Cạnh những căn nhà là mấy vạt đất trồng rau và những đụn rơm chất đống làm thức ăn cho gia súc. Rải rác trong làng có mấy ngôi nhà gạch, do người Anh xây cho tầng lớp tiện dân dưới đáy xã hội như một cách ban ơn. Nhưng những trận mưa gió mùa đã phá hủy những ngôi nhà này trước khi có người kịp dọn tới ở và bây giờ mái đã đổ sụp, nhà bỏ trống. Ngoài mấy thứ này, thế giới của PK chỉ còn một trường tiểu học và một ngôi nhà khác làm chỗ họp hội đồng làng.
Mẹ PK thường nói là họ đang sống trong khu rừng lớn nhất Ấn Độ và Kondpoda là ngôi làng cổ xưa nhất. Theo bà, đây là quê hương của cả người sống lẫn người chết. Những bờ cát hai bên sông được dùng làm nơi hỏa táng, nơi những linh hồn người chết đêm đêm tụ tập lại múa hát. Một chỗ xoáy nước dưới sông mấy năm gần đây đã bắt đi hai người phụ nữ, cả hai đều mới lấy chồng và đang mang thai. Mẹ đã nhìn thấy xác họ đặt trên bãi cát bờ sông, trán họ được tô điểm những chấm đỏ chói, biểu tượng sáng ngời của cuộc đời trong sạch, không ô uế. Mắt họ mở to như đang tìm kiếm điều gì, miệng há rộng cứ như đang thét lên cầu cứu trong những phút cuối cùng. Thực ra, mẹ bảo nó, đó là do linh hồn của hai người này đã rời thể xác họ mà quên đóng cửa lại khi ra đi.
Đêm đêm mẹ nằm cạnh nó trên tấm đệm rơm, thì thầm kể chuyện những linh hồn, thần nam, thần nữ và tà thuật. Bà lắc mấy đồ trang sức cho kêu lanh canh để tạo ra những hiệu ứng âm thanh ma quái. PK rùng mình nín thở, tim đập dồn. Nó nghe chuyện, vừa há hốc miệng vừa thở hổn hển trong lúc những bóng ma trong bóng tối nhích lại gần. Nhưng rồi thân thể mẹ lại tỏa hơi ấm kề bên. Bà nhận ra mình đã làm thằng con khiếp sợ và bà kéo nó lại gần. Nó đã chuyển tiếp từ tiếng cười của buổi chiều chơi đùa trong rừng sang nỗi kinh hãi âm ty địa ngục của giờ đi ngủ rồi tiến vào cõi an toàn của vòng tay mẹ. Trong cảm giác yên tâm đó, PK ngủ thiếp đi.
Mẹ nó không sợ người chết. Bà tin rằng cách tốt nhất để đương đầu với những hồn ma là phải tỏ ra tự tin, điều mà bà tự cho là mình có sẵn. Chỉ có thiếu tự tin người ta mới sa vào quyền năng của cái chết.
“Miễn là con gan dạ thì không ai làm hại được con, kể cả người chết.” – Bà thường nói thế.
Trước khi PK đến tuổi đi học, nó chẳng hề biết “đẳng cấp” là gì. Chẳng ai cho nó biết là người ta được phân chia thành bốn varna hay bốn thứ bậc chính, và từ đó được chia nhỏ nữa thành hàng ngàn đẳng cấp phụ. Nó chưa từng nghe những vần thơ Vệ Đà cổ xưa đã hàng ngàn năm, trong đó có mô tả bốn thứ bậc, đẳng cấp này. Nó chẳng biết gì về đấng vũ trụ nguyên thủy trong thần thoại là thần Purusha, người tự phân làm bốn. Nó không biết là các Brahmin – giới giáo sĩ – sinh ra từ miệng Purusha. Còn Kshatriya – giới chiến sĩ – sinh ra từ cánh tay; Vaishya – giới thương buôn, thợ lành nghề và nông dân – sinh ra từ bắp đùi; và Shudra – giới lao công và tôi tớ – sinh ra từ bàn chân.
Nó cũng đâu biết rằng những người Indo-Aryan từ các đồng bằng Trung Á đã xuôi nam ba ngàn năm trăm năm trước và đã dạy cho dân tộc ở các khu rừng của tiểu lục địa Ấn Độ cách trồng trọt mùa màng trước khi chính những người từ Trung Á này trở thành giới giáo sĩ, chiến sĩ và người cai trị, tự đặt họ vào vị trí đẳng cấp trên. Nó cũng không biết là dân tộc bản địa da ngăm ở vùng rừng này rốt cuộc lại bị tống xuống những nhóm hạ đẳng nhất để làm nông dân, thợ giỏi và tôi tớ, giống như dòng họ bên nội của PK, còn không thì phải sống như thợ săn giữa rừng và được gọi là dân bộ tộc, giống như bà con phía bên ngoại.
Đến tuổi lớn khôn PK đã đúc kết rằng hệ thống đẳng cấp ấy cũng chẳng khác gì mấy hệ thống giai cấp phong kiến ra đời sau của châu Âu.
– Không khó hiểu lắm đâu. – PK thường nói thế khi những người Tây phương nói họ không hiểu nổi cách phân chia của Ấn Độ. – À, có thể phức tạp hơn một chút. – Có khi PK lại thừa nhận như vậy.
Và thế là PK sẽ giải thích rằng người Ấn sinh ra là đã thuộc về một jati – tức là đồng tộc – một nhóm có chức năng hoạt động giống như hệ thống phường nghề của châu Âu. Jati là những nhóm nhỏ trong bốn thứ bậc varna – tiếng Phạn có nghĩa là ‘‘màu sắc’’. Đây là bốn đẳng cấp chính đã được nêu ra trong những pho kinh cổ Ấn Độ giáo.
- Do đó chỉ có bốn varna nhưng có hàng triệu jati. – PK thường nói thêm.
- Hàng triệu jati! Trời đất, làm sao người ta theo dõi được hết chứ? – Những người Tây phương thường hỏi thế. Và khi PK trả lời rằng không ai có thể theo dõi hết, không người Ấn nào làm được điều đó, bạn bè anh thường chịu thua và câu chuyện đổi sang đề tài khác.
Nếu không bị thúc ép thì PK không thích nói cho bạn bè biết rằng dòng tộc anh không thuộc bất kỳ đâu trong bốn varna đó và không hề có đẳng cấp nào, rằng họ là những kẻ tiện dân dưới đáy xã hội hay “untouchable” (bất khả tiếp xúc). Trong lịch sử, cái tên gọi “untouchable” ra đời là do tầng lớp này làm những công việc được cho là bẩn thỉu hay ô uế. Đó chính là điều khiến anh không cảm thấy tự hào. Thế nhưng, nếu PK không phải là một tiện dân dưới đáy xã hội thì cuộc đời anh lẽ ra đã thực sự đổi khác.
Người cha già dân tộc, Mahatma Gandhi, muốn nâng cao thân phận của tầng lớp này nên đã gọi họ là Harijan, hay “con của Thượng Đế”. Nghe hay quá, PK nghĩ thầm, nhưng thực tế từ này lại mô tả một người không có cha đúng nghĩa. Gandhi muốn đặt cho họ một cái tên dễ nghe, PK cho là vậy, một cái tên để cải thiện hoàn cảnh của họ trong cuộc sống. Nhưng không hiểu sao tên gọi này vẫn có vẻ chướng tai, một sự bác bỏ tính chất máu thịt chính đáng và là một cách gọi mà khi lớn lên PK đã khinh thường. Sau khi người Anh ra đi, chính quyền Ấn Độ chính thức xếp loại tầng lớp tiện dân dưới đáy vào loại “Scheduled Caste” (các đẳng cấp có trong danh mục), cho họ được mua vé tàu lửa giá rẻ hơn và cho họ các mức chỉ tiêu để dễ vào đại học và dễ được bầu vào cơ quan công quyền hơn. Những hành động độ lượng có hảo ý này được cho là nhằm cải thiện thân phận thấp hèn của họ trong cuộc sống.
Các bộ luật chống phân biệt đã được soạn thảo để chống bất công, nhưng luật cũng vô dụng nếu như không được thi hành. Những định kiến lâu đời đã hằn sâu trong tâm trí dân chúng như những tầng đá rắn dưới mặt đất.
Từ đó PK hiểu ra muốn thay đổi phải bắt đầu từ bên trong – từ tâm hồn.
Ở một đất nước khác cách xa hàng ngàn dặm, Lotta từ khi lên mười hai đã ao ước viếng thăm Ấn Độ. Đến tận bây giờ, cô bé vẫn còn nhớ hương vị Đông phương đầu tiên được nếm trải khi cả lớp được cho xem một bộ phim về sông Hằng. Cô bé chăm chú theo dõi mặt trời mọc trên dòng sông trong tiếng rù rì của máy chiếu phim. Cô bé còn nhớ như in tiếng đàn sitar lảnh lót phát ra từ những thùng loa, tiếng chuông ngân rền của những ngôi đền và tiếng nước văng tung tóe khi những người hành hương theo các bậc cấp bước xuống sông, cho tới khi nước ngập đến bụng.
Bộ phim trắng đen ấy là những hình ảnh đầu tiên giới thiệu Ấn Độ với Lotta. Bộ phim gây tác động sâu xa đến cô bé hơn bất kỳ thứ gì khác đã học ở trường. Cả lớp phải làm bài luận về đề tài này, bài Lotta viết rất dài và đầy cảm xúc.
Có ngày mình sẽ đến đó, Lotta nhủ thầm.
Cô bé muốn trở thành nhà khảo cổ. Cô bé thích đào bới trong đất, tìm kiếm các thứ. Cô bé mơ tưởng đến những khám phá chấn động, lý giải những câu chuyện đầy uẩn khúc của lịch sử. Ở lớp học, Lotta muốn vẽ một bức tranh lớn về các kim tự tháp, đọc sách về nhà Ai Cập học Howard Carter của Anh Quốc và chuyện ông phát hiện ra lăng mộ Tutankhamun. Lời nguyền của vị pharaon này khiến Lotta say mê, lòng đầy nao nức khi cô bé đọc về những cái chết bí ẩn của hai mươi người trong đội khai quật của Carter. Lotta muốn dành cả cuộc đời để làm sáng tỏ những bí mật như thế.
Trong tuổi niên thiếu của cô bé, niềm say mê không gian bắt đầu lấn lướt. Lotta đến thư viện mượn sách về đĩa bay và đi tới Gothenburg nghe diễn thuyết về sự sống trên các hành tinh khác. Cô bé đặt mua dài hạn một tạp chí chuyên ngành và háo hức đọc từng số báo, lòng tin chắc rằng con người không thể nào lẻ loi trong vũ trụ này.
Lotta lại quan tâm hơn hết đến những đời sống khác biệt với đời sống xung quanh mình. Cô bé từng tưởng tượng mình sinh ra trong thế kỷ 16 và sống cùng gia đình trong một túp lều giữa rừng. Không hề có những thứ xa hoa hiện đại hay máy móc tân kỳ. Chỉ có những thứ thiết yếu nhất, đơn giản, gần gũi với thiên nhiên.
Người duy nhất thật sự hiểu được chú bé PK chính là mẹ. Bà tên là Kalabati. Trên mặt bà có những hình xăm màu xanh đậm, trên mũi là hình trái tim vàng và hai tai là hình hai mặt trăng. Tất cả những gì còn lại của Kalabati chỉ là một đế cắm nến thờ bằng đồng hình con voi. Đó là đồ cắm nến ưa thích nhất của bà. PK luôn nghĩ đến mẹ mỗi lần anh nhìn đế nến ấy, đặt trên bệ lò sưởi trong căn nhà màu vàng giữa rừng.
Chính Kalabati là người vẽ những hình thánh truyền thống trên tường các ngôi nhà trong làng trước mọi lễ hội lớn. Bà có con mắt nghệ thuật và vẽ rất khéo. Người ở đẳng cấp nào cũng cần đến tài nghệ của bà, kể cả giới Brahmin đẳng cấp cao. Cứ đến gần những dịp lễ, bà lại dậy sớm, phết phân bò lên vách đất trong nhà và bắt đầu trang trí. Khi đã làm xong nhà mình, bà chuyển sang các nhà hàng xóm. Ngày trước khi bắt đầu lễ hội, bà làm việc từ mờ sáng đến sẩm tối, vẽ những hình người tay chân mảnh khảnh cùng với những nhánh dây leo và hoa lá mong manh. Bà tự tay dùng bột gạo hòa nước để pha màu trắng. Khi bà vẽ xong, những căn nhà trong làng sáng lấp lánh trong ánh nắng vàng hừng đông. Đó là những kiệt tác của Kalabati.
PK nhìn mẹ vẽ và thắc mắc tại sao bà không bao giờ vẽ trên giấy.
Kalabati sinh ra trong bộ tộc Khutia Kondh.
- Dân bộ tộc bình thường như chúng ta là hậu duệ của những người da ngăm sống ở miền rừng trên đất này từ thời xa xưa lắm, hoặc là những người đã đến đây ít nhất là mấy ngàn năm trước khi những người miền đồng bằng chuyển đến sống và bắt đầu đốn cây trồng lúa gạo. – Bà nói với PK. – Đi cùng những người này là chiến tranh và dịch bệnh. Chính những người đồng bằng đã phân chia chúng ta thành hạng có giá trị và hạng không giá trị. Trước khi người Hindu tới, chúng ta không phân biệt các loại dân chúng. Ở miền rừng này chẳng có ai đứng trên ai cả.
Mẹ là người duy nhất PK cảm thấy là có thực; những người khác trong nhà cứ như người lạ vậy. Cứ đến cuối tuần, khi cha và hai anh đạp xe về làng là PK lại thấy bồn chồn kỳ lạ. Họ chỉ ở nhà những ngày Chủ nhật. Mỗi tối thứ Bảy, người cha dựng xe đạp vào tường và đưa tay bế PK lên, nhưng lần nào PK cũng sợ và òa khóc.
– Đừng khóc, con… này, cha mang về cho con nhiều kẹo mà. – Kalabati thường nói.
Những lúc đó PK sẽ nín khóc, khịt mũi rồi nhón một viên kẹo giòn burfi1 bọc đường, kẹo sữa gulab jamun2 mềm ướt hay kẹo bơ dẻo của Anh Quốc trên tay cha, trước khi trèo lên ngồi trên đùi mẹ.
1 Burfi hay barfi. Barf nghĩa là tuyết trong tiếng Ba Tư, tên kẹo có nghĩa là trắng như băng tuyết. Kẹo được làm từ nhiều loại nguyên liệu nhưng thường được phủ một lớp bạc long lánh.
2 Gulab jamun là món bánh làm từ hỗn hợp gồm khoya (một loại sữa đặc làm từ sữa trâu hoặc bò được đun nhỏ lửa đến khi cạn và khô cứng lại), bột, bơ viên, rán ngập dầu rồi thả trong sirô hoa hồng (nước hoa hồng pha đường).
Mỗi sáng Kalabati tắm cho PK dưới suối Kondpoda. Hai mẹ con đi tới bờ nước, nơi hương thơm của hoa dại chung quanh hòa quyện với mùi phân bò đã vo thành nắm tròn phơi khô. Mẹ dặn chừng nó không được bơi ra quá xa. Bà lấy chéo áo sari3 của mình cọ lưng cho PK và xát dầu dừa khắp người cho PK sáng bóng lên trong nắng. Nó thường trèo lên tảng đá đã mòn nhẵn vì nước chảy rồi phóng xuống dòng suối rồi lại leo lên tảng đá. Nó có thể lặp lại mãi như thế. Nó chẳng bao giờ nhiễm lạnh và chẳng hề đau ốm, bởi vì nó đã được bảo vệ bằng một lớp dầu nhờn dày đến nỗi nước trên người vào cứ trôi tuột đi thành những giọt tròn như ngọc và lớp dầu ấy giữ ấm cho nó đến khi mặt trời lên cao.
3 Sari là trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, choàng chéo từ vai xuống gót chân.
Cứ đầu mùa hè, các con sông đều cạn khô, chờ đợi những cơn mưa gió mùa. Đập Hirakud mới xây phía thượng nguồn cách mấy ngày đi bằng xuồng đã loại bỏ những ghềnh thác hung dữ nhất của sông Mahanadi. Đến tháng Sáu, chỉ còn một dòng nước nhỏ ở giữa sông. Nạn thiếu nước trở thành tai họa của làng này. Nếu như dân làng được đền bù bằng điện thì cũng đáng, nhưng điện do nhà máy tạo ra lại được truyền tải đi chỗ khác. Khi hoàng hôn xuống, dân làng lại phải trông cậy vào những ánh lửa lách tách và những ngọn đèn dầu. Kalabati cùng những phụ nữ khác trong làng bắt tay đào những giếng tạm trong những bãi cát lớn; những lỗ sâu cả mấy thước, hứng nước rỉ ra từ dưới đáy bằng những thùng thiếc móp méo và mang về nhà. Một thùng đội trên đầu và hai thùng khác xách trên hai tay. Theo các giáo sĩ, hạng tiện dân dưới đáy sẽ làm ô uế bất cứ thứ gì trong sạch và linh thiêng: họ ném đá vào PK bất cứ lúc nào nó đến gần đền thờ làng. Năm trước khi bắt đầu đến trường, PK quyết định trả thù. Khi lễ tế bắt đầu và các thầy tu xuất hiện mang theo những vò đất chứa đầy nước, nó lấy ná thun ra, mò tìm mấy viên đá chung quanh, móc vào dây ná và bắn. Choang! Choang! Choang! Nước tràn ra những chỗ nứt trên vò đất. Các thầy tu nhìn thấy PK và đuổi bắt nó khắp làng.
- Ta sẽ giết mi! – Họ hét lên.
PK nấp trong một bãi xương rồng, gai nhọn đâm vào thịt nó. PK khập khiễng đi về nhà với mẹ, máu dây đầy người. Cả đám cây cỏ mà cũng muốn làm mình đau đớn, nó nghĩ.
Mẹ xoa lưng PK và thì thầm êm ái rằng mọi chuyện đều tốt đẹp, dù bà biết rõ đối với tầng lớp “bất khả tiếp xúc” và dân bộ tộc như họ thì thế giới này chỉ toàn thù nghịch và bất công. Nó không hiểu tại sao giới giáo sĩ Brahmin lại ghét nó đến thế, cũng không hiểu lý do vì sao họ không cho nó tới gần đền thờ. Nó không có lời giải thích nào cho những viên đá họ ném vào nó. PK chỉ biết một điều: đau đớn.
Mẹ không muốn cho nó biết sự thật mà chỉ dùng lời lẽ vẽ ra cho nó một viễn cảnh tuyệt vời.
Khi những đứa trẻ thuộc đẳng cấp cao sơ ý chạm vào PK, chúng bỏ chạy xuống sông tắm rửa ngay.
- Sao chúng lại làm thế? – Nó hỏi.
- Vì chúng dơ bẩn, – mẹ nó đáp, – nên chúng mới cần tắm rửa! Gớm, hôi hám bẩn thỉu quá! – Bà lặp đi lặp lại cho tới lúc PK không còn xem hành động của chúng là phản ánh giá trị tự thân của mình.
Kalabati chưa bao giờ đi học cho nên không biết đọc biết viết. Nhưng bà hiểu biết nhiều điều về thế giới. Như cách làm màu sơn, cách vẽ những hoa văn phức tạp và pha trộn các loại lá, hạt và rễ cây thành những thứ thuốc của thiên nhiên để chữa bệnh.
Cuộc đời bà được định hình theo thói quen. Nhiều việc ngày nào bà cũng thực hiện vào cùng một thời điểm. Bà thức dậy trước bình minh, chuông báo thức là tiếng gà gáy và đồng hồ là hướng nắng chiếu trên trời. PK nằm trên nệm rơm nghe tiếng bà kỳ cọ sàn nhà, hàng hiên và khoảnh sân bằng nước pha phân bò. Nó lấy làm lạ tại sao bà lại dùng phân bò để lau chùi, cho tới khi bà giải thích rằng thứ ấy còn hữu hiệu hơn nhiều so với loại bột hóa chất màu trắng mua ở tiệm tạp hóa trong làng.
Sau khi lau chùi nhà cửa, Kalabati đi bón phân cho cánh đồng ngô của gia đình rồi xuống sông tắm. Bà quay về nhà trong chiếc áo sarixanh đậm, đứng trên hàng hiên mới quét dọn sạch. Mái tóc xoăn ướt của bà long lanh trong nắng mai lúc bà thong thả dùng khăn vải vắt tóc cho sạch nước.
Bà khe khẽ hát trong lúc tưới nước cho những chiếc lá xanh tím thơm hương của bụi hương nhu. Rồi bà vào bếp, nhúng ngón tay trỏ vào một vò đất đựng bột son đỏ và nhấn một điểm ngay giữa trán. Bà ngắm mình trong tấm gương nứt treo trên cái móc cạnh bếp lò. Chồm người tới, bà vẽ những đường viền đen quanh mắt bằng thứ bột phấn tự làm, một hỗn hợp muội than và bơ sữa trâu.
Đó là lúc tới phiên PK thức dậy. Nó cuốn tấm nệm rơm lại và mẹ chấm cho nó một điểm đen giữa trán để trừ tà ma. Tiếp theo đó là một bệt bơ sữa trâu, thứ mau chóng tan chảy dưới nắng và nhỏ giọt trên mặt nó. Loại bơ này là cách Kalabati nói cho cả làng biết rằng nhà họ trông vậy chứ không nghèo khó.
- Không phải ai cũng có khả năng ăn bơ sữa, – bà bảo PK, – nhưng nhà mình thì có.
Nhìn kìa! Nhà Mahanandia để bơ chảy ròng ròng trên mặt mấy đứa con! Ít ra Kalabati cũng hy vọng là dân làng nghĩ vậy.
Thân thể đã sạch sẽ, tóc đã chải gọn, son và bơ đã phết lên trán, PK đã sẵn sàng cho một ngày mới.
Tổ tiên của mẹ nó, những người bộ tộc, đã săn bắn trong rừng và trồng trọt trên những trảng đất bằng suốt bao ngàn năm. Ngày nay, hầu hết bà con của Kalabati làm nghề đúc gạch bên bờ sông. Họ lấy bùn dưới đáy sông, nện thành viên gạch rồi nung. Tuy vậy, bác của PK vẫn theo lối xưa và kiếm sống bằng chiếc ná, săn bắn trong rừng. Bác đã cho PK một chiếc lông ngỗng và nó buộc chiếc lông vào một sợi dây cột chặt trên đầu trong lúc chơi bò trườn trong rừng, giả vờ như mình cũng đi săn.
Kalabati đã thầm mong có một đứa con gái cho nên bà cho PK để tóc dài và tết thành bím cho nó. PK rất tự hào với mấy bím tóc này và thích buộc thêm viên đá vào đầu bím tóc. “Xem tóc tao chắc chưa này!” - Nó thường la toáng lên với mấy đứa trẻ khác vừa lắc đầu cho những viên đá trên bím tóc đòng đưa.
Mấy thằng kia tóc ngắn thấy vậy nể lắm. Chúng chưa hề thấy cái gì giống vậy.
PK thường trần truồng chơi giỡn, trên người chỉ có hai dải băng đeo cổ tay và một thắt lưng có đính những vỏ sò màu trắng. Mọi trẻ con bộ tộc Khutia Kondh đều ở truồng chạy rông như thế. Những người Hindu có đẳng cấp đều cho rằng dân bộ tộc thật kỳ lạ; con cái người Hindu đều mặc kín áo quần.
Kalabati thờ kính mặt trời và bầu trời, khỉ và bò, chim công, rắn hổ mang và voi. Bà thờ kính mùi thơm nồng của bụi hương nhu, cũng như cây bồ đề và cây sầu đâu, thứ cây có nhựa kháng khuẩn được dùng để chà răng cho sạch. Với bà, thánh thần không có tên nhưng hiện hữu trong muôn loài chung quanh. Mỗi tuần nhiều lần, bà tới một khu rừng nhỏ cây mọc san sát tới mức ken kín thành bức tường chắn bốn bề. Trong đền thờ bí mật do thiên nhiên tạo dựng này, bà gom đá và cỏ tươi, bày ra một ít bơ rồi rắc bột son đỏ lên trên. Ở đó bà cầu nguyện cho mọi sinh vật trong rừng, đặc biệt là các loài cây, thứ linh thiêng nhất cùng với mặt trời.
Giống như các bộ tộc khác ở miền rừng phía đông Ấn Độ, bộ tộc Khutia Kondh không hề tự phân chia thành các đẳng cấp mà cũng không có sự phân biệt gì giữa người thống lĩnh và thường dân. Ai ai cũng có quyền thờ kính thần thánh và giao hòa với đấng thiêng liêng. Nhưng rồi có chuyện xảy ra. Kalabati kể cho PK nghe chuyện những người từ vùng đồng bằng đông bắc xuất hiện như thế nào, họ bắt đầu canh tác các thung lũng và bờ sông ra sao. Họ xem dân vùng rừng là loại man di mọi rợ.
- Rốt cuộc, chúng ta bị ép buộc theo hệ thống đẳng cấp của họ. – Mẹ nó buồn bã nói.
Dân miền rừng thỉnh thoảng cũng toan dấy loạn. Người Anh phải đưa quân tới vãn hồi trật tự. Nhưng đó là một trận chiến không cân sức mà những người đồng tộc của PK luôn luôn thất bại. Đến tuổi hai mươi, PK đọc sách báo biết rằng những du kích quân Maoist – gọi là những người Naxalite4 – có lần đã đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của dân bộ tộc. Dần dà, cuộc xung đột này leo thang và quân đội Ấn Độ tới trấn áp. Máu đổ, thù hận không tan, và báo chí gọi cuộc xung đột này là nội chiến. PK không thích diễn biến bạo lực này. Anh nhận ra là nhiều bà con bên ngoại đã mất hết hy vọng khi các công ty mỏ bắt đầu khai thác những ngọn núi thần, cây thánh, bụi thiêng của họ để lấy khoáng sản. Ban đầu, anh nghĩ giải pháp duy nhất là phải chống trả. Nhưng rồi lòng oán hận của PK nguôi dần. Không có ai vô giá trị tới mức đáng chết, ngay cả một kẻ áp bức hay tên sát nhân. PK đồng tình với lời của Mahatma Gandhi: “Lấy mắt đền mắt, cả thế giới sẽ mù”.
4 Naxalite hay Naxal là một thành viên của Đảng Cộng sản Ấn Độ (Maoist). Tên gọi này bắt nguồn từ tên ngôi làng Naxalbari ở Tây Bengal, nơi khởi nguồn của phong trào.
Dưới thời Đế quốc Anh, Athmallik từng là một trong 565 tiểu vương quốc, một đất nước tí hon có khoảng bốn mươi nghìn dân. Mà nó cũng chưa từng là vương quốc “thật”: Tiểu Vương ở dưới quyền người Anh và, giống như mọi tiểu vương khác, buộc phải thoái vị khi Đế quốc Anh rút lui vào năm 1947 để nhường chỗ cho một bộ máy nhà nước hiện đại và các chính khách được bầu cử dân chủ.
Việc ra đời vương quốc Athmallik vẫn bao trùm trong màn bí mật. Hoàng gia tự xưng là hậu duệ của một thị tộc cai trị lưu truyền từ thủ phủ Jaipur của bang Rajasthan. Hoàng tử Protap Deo đã cùng anh em rời bỏ hoàng cung đổ nát ở Japur đi về phía đông để chiếm Puri, thành phố đền đài lớn bên bờ Vịnh Bengal. Nhưng kế hoạch bất thành, họ buộc phải trốn chạy ngược theo sông Mahanadi nằm sâu trong nội địa về hướng miệt rừng. Sau vài ngày kéo quân lên thượng nguồn, Protap Deo thành lập vương quốc riêng, thôn tính một số làng mạc xúm xít trong một khu đất quang. Ông giết chết thủ lĩnh bản xứ và tự xưng làm vua.
Tương truyền rằng trước khi các vị vua xuất hiện, thời các tù trưởng còn cai trị, thần Jagannath đã sống trong một cái hang khuất sâu trong vùng núi rừng Athmallik. Hiện thân của thần là một tượng gỗ không có tứ chi, mắt mở to và được dân Sabar bản địa thờ phụng. Nhưng một ngày kia, các giáo sĩ Hindu đi thuyền dọc theo sông đã đến đây và bắt cóc Jagannath, đặt vào đền thờ chính ở Puri và thần từ đó vẫn mãi ở đấy. Vậy là thần Jagannath được gộp chung vào các vị thần Hindu cho hàng triệu người hành hương khắp Ấn Độ thờ phụng. Ở Athmallik, người ta tin rằng thần Jagannath từng được tô điểm bằng viên kim cương lớn nhất thế giới thời đó – trước khi nó trở nên nổi tiếng với cái tên viên kim cương Koh-i-Noor, rồi qua tay những người Mogul, người Ba Tư và người Sikh để trở thành một trong những biểu tượng vương quyền của Hoàng gia Anh.
Năm 1827, một đại tá người Anh tên Gilbert đến đây và được phong làm Giám đốc Southwest Frontier Agency (Tây Nam Biên giới Cục) ở Athmallik. Ông ta biết được nhà vua đang có tranh chấp với vương quốc Boud láng giềng bên kia sông. Vua Boud xem vua Athmallik như hạng lệ thuộc và đòi triều cống, nhưng những người cai trị Athmallik không cho mình là nước chư hầu nên không chịu cống nạp. Đại tá Gilbert để ý thấy vua Boud thỉnh thoảng lại cho người đột nhập vào Athmallik đánh cắp gia súc và các vật quý. Gilbert chắc hẳn phải xoa tay khoái trá. Tranh chấp địa phương! Thế thì có thôn tính ở đâu cũng không thể hơn chỗ này, hoàn toàn hợp ý người Anh và chính sách chia để trị của họ.
Khi PK còn nhỏ, dân Athmallik vẫn còn nói về thời tiểu vương cai trị. Một thời đầy những hoài niệm lung linh. Thời đó dòng họ PK khấm khá lắm và ông nội nó từng được vinh dự đảm trách nhiệm vụ bắt voi rừng cho vua và thuần hóa chúng để phục vụ triều đình. Theo tục lệ, con cháu của người bắt voi này cũng được hoàng gia coi trọng.
Các tiểu vương ở Athmallik đã không chống lại người Anh. Họ nhượng bộ các đòi hỏi của phe đế quốc về ưu thế chính trị và kiểm soát mậu dịch và lại cảm kích chấp nhận đề nghị bảo hộ. Năm 1890, người Anh ban thưởng cho sự phục tùng này bằng cách ban tước hiệuMaharaja (đại vương) cho vua Deo Samant, lúc đó chỉ là một Mahendra (tiểu vương).
Và dẫu vẫn có đặc quyền tương đối dưới thời các vương hầu, nhưng chính dưới thời người Anh thì dòng họ của PK mới thật sự thịnh vượng.
Khi vua Bibhudendra qua đời năm 1918, hoàng thái tử chỉ mới mười bốn tuổi, quá nhỏ nên chưa thể lên ngôi, thế là Đại tá Cobden-Ramsay nắm quyền nhiếp chính. Thần dân thường gọi Ramsay là White Raja (Bạch Vương) và vị vua da trắng này cai trị tiểu vương quốc Athmallik trong bảy năm. Theo ông nội của PK, đó là bảy năm tốt đẹp nhất trong ký ức những người còn sống. Ông nội nó thường nói:
– Cobden-Ramsay không phải là kẻ phân biệt chủng tộc như những người Anh khác. Ông ta không quan tâm đến đẳng cấp.
Trái với nhiều người Ấn, người Anh quan tâm đến phúc lợi chung chứ không chỉ lo làm giàu cho mình.
– Cháu thử kể tên một người Brahmin biết đối xử có chút gì tôn trọng hay đàng hoàng với bất kỳ ai không thuộc đẳng cấp của họ xem nào? – Ông nội cũng thường hỏi. – Có ai trong bọn họ từng làm điều gì ích lợi cho các đẳng cấp thấp chưa? Hoàn toàn không! Nhưng người Anh thì có, luôn luôn. Họ hành động vì mọi người và không bao giờ đối xử phân biệt với loại tiện dân chúng ta.
Gia đình PK thích và nể trọng người Anh. Đó là lần đầu tiên họ biết được có những người giàu sang, quyền thế nhưng lại không xem họ là hạng người ô uế về mặt lễ nghi. Họ biết giới thượng lưu Ấn ghét người Anh. Nhưng ông nội PK thường nói ông chưa hề gặp người tiện dân dưới đáy nào oán hận những chủ nhân thực dân Anh.
Mahatma Gandhi nói người Anh phân biệt chủng tộc. Điều đó có thể cũng đúng, nhưng ông nội PK cho rằng Gandhi không hề hiểu là nạn phân biệt chủng tộc tệ hại nhất từng phá hoại xã hội Ấn chính là cách người Hindu đẳng cấp cao đối xử với những người thuộc hạng tiện dân.
Ông bà nội và cha của PK đều đi học trường bản xứ Victoria ở Kaintragarh, kinh đô của vương quốc tí hon này, ở đó họ học đọc, học viết và thậm chí còn biết nói chút tiếng Anh. Ông nội kể:
- Trước khi người Anh đến, tất nhiên chúng ta làm gì có trường học. Nhưng rồi ai cũng được đi học! – Ông la to, gần như là đắc thắng. Người Anh không phân biệt dân chúng bản xứ, đẳng cấp cao hay thấp đều giá trị như nhau. – Đâu có quan trọng việc chúng ta thuộc đẳng cấp nào. Ồ, thật sung sướng khi được đi học. Lần đầu tiên, chúng ta mới thấy người ngoài, người lạ mà lại muốn điều tốt cho chúng ta.
Hàng năm, tới dịp mừng sinh nhật Nữ hoàng Victoria, ông nội được phép kéo lá cờ Anh ở trường trong lúc những đứa trẻ khác hát quốc ca Anh. Nhiều năm sau, những người bạn châu Âu của PK cũng thấy khó hiểu nổi tại sao người thân của anh lại vui mừng thực hiện nghi lễ ấy trong khi đất nước của anh đang bị đô hộ, chiếm đóng và lệ thuộc thế lực ngoại bang. Nhưng Athmallik xưa nay hầu như luôn do vua chúa từ bên ngoài đến cai trị, PK giải thích. Hàng trăm năm trước, vua Ashoka đã bị khuất phục trước hoàng đế Kharavela, người này sau đó lại được tiếp nối bởi vua xứ Bengal rồi tới đế quốc Maratha. PK nói:
– Người Anh chỉ là một mắt xích trong chuỗi dài những người xứ khác đến cai trị. Nhưng miễn là các vị vua ngoại bang không can thiệp vào đời sống của thường dân thì dân địa phương chẳng bận tâm mấy về chuyện ai cai trị.
Thế nhưng sự cai trị của người Anh đã làm thay đổi các chức năng quyền lực ở các thôn làng lần đầu tiên. Người Anh không hiểu được hệ thống đẳng cấp, ít nhất là theo cách những người Brahmin muốn họ hiểu. Người Anh thuê hạng tiện dân dưới đáy làm việc ở các cơ quan bưu chính, dân sự và hỏa xa. Và bất cứ ai muốn đều có thể đi học ở trường bản xứ Victoria.
- Không, người Anh chẳng có gì phải xấu hổ cả. – Đó là ý kiến của ông nội.
Các vị vua ở Athmallik vốn không phải tiền muôn bạc vạn. Khác với các đại vương ở bang Rajasthan miền tây Ấn Độ toàn sống trong các cung điện vĩ đại và nuôi hàng trăm con voi, treo các chiến tích săn bắn đầy tường và chất kim cương đầy ngăn tủ. Và chắc chắn là không giống vị đại vương có 27 chiếc xe Rolls-Royces hay vị đại vương đã gả con gái cho một hoàng tử trong một đám cưới mà Sách Kỷ Lục Guinness đã mô tả là đám cưới hoang phí nhất thế giới. Hay như vị đại vương đã tổ chức lễ cưới cho hai con chó của ông, cho 250 vị “cẩu khách” mặc đồ kim tuyến gắn đá quý đón chào “tân cẩu lang” cưỡi trên kiệu do một đoàn voi gắn hoa đầy mình rước đi. Những trò phung phí vô lối như vậy không có ở cái vương quốc bé tí mà PK đã lớn lên.
Lúc PK sinh ra thì hầu hết các cung điện của đại vương và các tòa nhà công quyền đã hoang tàn, đổ nát. Dây leo đã bắt đầu quấn những thân nhánh chằng chịt quanh những mái nhà sụp đổ và những bức tường ngày càng rêu mốc vì mưa gió. Con trai của đại vương cuối cùng trị vì Athmallik đã bỏ cung điện này khi Ấn Độ được độc lập, nhưng do là chủ nhân của một doanh nghiệp phát đạt, người này lại chuyển tới một dinh cơ nguy nga hơn. Gia đình PK luôn được đón tiếp ở đó để trò chuyện, uống trà, hay ngắm những bức ảnh màu nâu đen lộng khung chụp hình những người Anh đội mũ cối và các vương công Ấn Độ đầu quấn khăn bành. Thực tế là ngày nay PK cũng được đón tiếp y như hồi nhỏ.
Dù mang thân phận hạ đẳng, ông bà nội và cha của PK vẫn là tín đồ Ấn Độ giáo. Ở nhà, cha nó thờ cúng theo đạo của người Hindu, nhưng không phải tiện dân nào cũng như cha nó. PK cho rằng tín ngưỡng của cha bắt nguồn từ những gợi ý của các đồng nghiệp thuộc đẳng cấp cao ở sở bưu chính. Ông Shridhar, cha nó, đóng một bàn thờ nhỏ có hình nữ thần thịnh vượng Lakshmi, hình thần voi bảo hộ Ganesh và một tượng nhỏ hình thần Vishnu, đấng duy trì vạn vật; chung quanh bày đèn dầu và trầm hương. Hàng ngày, trong hương khói thơm tỏa ra từ ngọn lửa, cha nó cầu nguyện các vị thần cho bản thân và gia đình được sống hạnh phúc.
Chừng nào không có người Brahmin nào gần bên thì các tiện dân vẫn có thể đi tới đền thần Shiva. Nhưng không tiện dân nào dám bước vào các gian trong cùng nơi các tượng thần ngự trị. Hành động xấc xược đó sẽ khiến những người Brahmin nổi trận lôi đình.
Phong tục địa phương cho là ai làm hại hay giết chết rắn sẽ mang điềm gở tới, cho nên đền thờ làng trở thành nơi cư ngụ của rắn. Các thầy tu hàng ngày cho rắn ăn vì họ tin đó là ý muốn của thần Shiva. PK thích chuyện dân làng chăm sóc cho lũ rắn. Nó từng nhìn ngó vào đền thờ này và phát hiện ra tượng một con rắn hổ mang bằng kim khí lấp lánh trong bóng âm u, cổ vươn dài như thể nó đang bảo vệ các thánh thần giống như con rắn hổ mang thật từng bảo vệ nó lúc còn sơ sinh. Rắn là bạn của người, PK tin chắc điều đó.
Đền thờ cũng là nơi bạn phải tới nếu bạn bị rắn cắn. Ở đó, người ta sẽ đặt bạn nằm sấp trước cửa và bảo bạn cầu nguyện thần Shiva. Sớm muộn gì Đấng Phước Lành sẽ đáp lời và chữa trị vết thương cho bạn. Chính mắt PK đã thấy cô của nó bị rắn cắn rất nặng. Theo phong tục bắt buộc, cô đã tới đền thờ, nằm xuống các bậc cấp và cầu nguyện. Sau đó cô đi về nhà ngủ. Sáng hôm sau cô thức dậy và thông báo đã hoàn toàn bình phục. Đó là một phép mầu do chính thần Shiva ra tay, ai ai cũng thấy.
Quyền năng của Shiva không chỉ có trị rắn cắn. Một người cô khác của PK lấy chồng đã mười hai năm mà không có con. Cô đến đền thờ, nằm xuống bậc thềm cầu nguyện, và cô ở đó bốn ngày bốn đêm. Cô không ăn và cũng không nói; dồn hết sức lực vào lòng thành. Cô trở về nhà mệt lả và phải được dìu vào bàn cho ăn. Chín tháng sau, cô sinh đứa con đầu tiên.
Thần thánh không giam mình trong các đền thờ. Một bụi xương rồng gần đó là nơi chốn của Sat Devi, bảy nữ thần có nguồn gốc từ tín ngưỡng của dân miền rừng nhưng từ xưa nay cũng được người Hindu kính sợ. Các nữ thần này có nhiều quyền năng lớn, người ta nói vậy. Không tôn trọng là sẽ gặp chuyện rủi ro.
Các thầy tu phải làm lễ tế để lấy lòng các nữ thần này trước khi dân làng ra đồng gom hạt giống cho mùa sau. Nhưng có một người đã không chờ cho xong các nghi lễ, chẳng bao lâu sau, ông ta ngã quỵ vì những cơn đau nhức và sốt dữ dội. Các cơ bắp ở hai chân ông bị teo lại tới khi khẳng khiu như que củi. Ông ta không bao giờ khỏi bệnh. Từ đó, suốt đời ông phải chống nạng lê bước. Nếu bạn coi thường các nữ thần này thì hậu quả sẽ như vậy.
Có một cây lâu đời ở đầu làng phía đông, chỗ sinh sống của dơi và chim đêm. “Và của các mụ phù thủy nữa.” – Bà nội PK nói. Đêm đêm, người ta nghe tiếng chim họp bầy inh ỏi trên cây, âm thanh đó chỉ bị lấn át bởi tiếng quang quác chói tai của lũ quạ, loài chim to mồm hăng hái nhất bọn. Nhưng PK nghĩ rằng đó chính là tiếng hét tuyệt vọng của những người mắc lời nguyền của các mụ phù thủy và bị đọa đày phải sống kiếp chim.
Một cỗ xe kéo lớn bằng gỗ thường đậu ở rìa làng. Trong những dịp lễ hội mùa hè, cỗ xe này được dùng để rước các vị thần đen, trắng và vàng: Thần Vũ trụ Jagannath với người anh Balarama và em gái Subhadra. Họ là ba vị thần của dân miền rừng, những người bà con bên ngoại của PK đã thờ các thần này từ xa xưa, mặc dù người Hindu cũng coi ba vị thần này là thần của mình. Jagannath trở thành một hình ảnh của thần Vishnu, còn người Phật giáo xem thần này như một hiện thân của Thích Ca.
Đến mùa thu lại vào mùa lễ hội. Đó là mùa tôn vinh Durga, vợ của thần Shiva. Các thầy tu sẽ giết dê hiến tế trên ngọn đồi ngoài làng, rưới máu dê nhuộm đỏ đất đen. Giới giáo sĩ Brahmin bảo rằng máu ấy sẽ cho Durga sức mạnh chống lại lũ ma quỷ đe doạ tôn ti linh thiêng.
Người Hindu có quá nhiều thần thánh, PK thường nghĩ vậy. Nó không bao giờ hiểu nổi bấy nhiêu thần thánh ấy làm sao phối hợp với nhau được. Nhưng nó cảm nhận được sự hiện diện thiêng liêng này và bỏ qua những truyền thuyết mâu thuẫn. Khi lớn khôn, PK mới biết cha mẹ mình không được phép tham gia hết mọi lễ hội. Họ có thể nhập chung đám rước nhưng cấm không được sờ chạm vào các pho tượng hay vào cỗ xe gỗ rước thần. Họ có thể cầu nguyện nhưng không được cầu nguyện cạnh bên người đẳng cấp cao hơn hay cầu nguyện trong đền thờ. Họ được phép cúng bái nhưng tốt nhất là đứng khuất xa đằng sau để các thầy Brahmin không nhìn thấy. Nếu giới giáo sĩ này có quyền quyết định, ắt hẳn họ sẽ buộc hạng “bất khả tiếp xúc” phải ở nhà, tránh xa mọi thứ thanh khiết và linh thiêng.
Rất nhiều loại hình giải trí Ấn Độ tập trung vào quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, nguyên nhân xung đột chính trong gia đình của người Ấn, đề tài cho nhiều bộ phim truyền hình và phim truyện Bollywood. Điều này có lẽ cũng là đương nhiên khi nhiều thế hệ cùng sống chung một mái nhà. Đàn ông có thể là những chủ nhân trên sườn núi nhưng phụ nữ ngự trị trong gia đình. Tới tận ngày nay, mẹ chồng vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ trong nhà, trong khi con dâu lại mang đến những thói quen thừa hưởng từ mẹ ruột. Phải cuộn bánh mì chapati5 theo cách nào, luộc các loại đậu nấu xúp dal6 làm sao, hái bắp và nuôi con kiểu gì?
5 Bánh mì chapati là bánh được làm từ bột mì nguyên cám. Bánh thường được ăn kèm với cà ri nhưng cũng có thể ăn kèm với nhiều món khác.
6 Một loại xúp truyền thống của Ấn Độ nấu bằng đậu với nhiều gia vị.
Lúc PK lên ba và còn quá nhỏ nên không biết chuyện gì đang xảy ra trong nhà, hai anh của PK sau này kể lại đó là lúc mẹ họ tuyệt giao với bà nội.
Trước đó ba tháng, Kalabati sinh đứa con thứ tư, một bé gái tên là Pramodini. Nhưng mẹ chồng của bà bắt đầu chỉ trích:
- Con vợ cưng của mày là phù thủy. – Bà nội nói với Shridhar. Rồi bà quay sang Kalabati. – Mày không được ở đây nữa. Mày toàn đem chuyện xui xẻo tới cho mọi người.
Ánh mắt Kalabati sa sầm, nhưng không nói gì. Cãi lại thì có ích gì đâu? Ai cũng hiểu là bà nội toàn quyền quyết định hết. Căn nhà này là của bà và ông nội. Mẹ PK là người ngoài tới ở. Người duy nhất có vị thế để bảo vệ mẹ PK chính là Shridhar, cha nó, nhưng ông không nói không rằng. Ông nuốt giận, nuốt sự bực tức và xấu hổ. Cha nó không lộ cảm xúc nào, không hề tỏ ra bất bình với thái độ của bà nội.
Im lặng đè nặng không khí gia đình. Ngày thứ Hai ấy, Shridhar đi ra thành phố không nói một lời, còn Kalabati tiếp tục làm việc nhà. Sau một tuần, đến lúc Shridhar sắp về nhà vào cuối tuần, Kalabati mới nói chuyện với mẹ chồng. Không hề nhỏ một giọt nước mắt, mẹ PK tuyên bố sẽ dọn về nhà ông bà ngoại ở.
- Mang theo hai đứa nhỏ nhất.
Bà nội giậm chân.
- Mang đứa con gái đi, nó còn ẵm ngửa, còn mấy thằng con trai ở lại với tao.
Kalabati chấp nhận không nói tiếng nào.
PK đứng khóc trên hàng hiên, hai tay khoanh chéo, hai má đầm đìa nước mắt, trong lúc mẹ nó một tay xách tư trang, một tay bế em gái, rồi mặt mày ủ dột, bà bước ra khỏi nhà đi ra đường. Bà ngoái lại vài lần nhìn con trai, nó vẫy tay và mẹ vẫy lại. Tới tận hôm nay, PK vẫn còn nhớ hình ảnh mẹ khuất dần sau bụi mía và cái cảm giác thế giới đột nhiên vắng lặng.
Mẹ và em gái đã đi rồi. Còn cha nó cả tuần đã sống ở thành phố mất sáu ngày, chỉ còn mỗi mình PK với ông bà nội.
PK khóc suốt nhiều ngày, nhiều tuần và chắc phải nhiều tháng. Nước mắt đầm đìa trên má nó trong lúc những đám mây gió mùa tuôn màn mưa nhuộm đỏ đường đất và làm ẩm mốc mái tranh. Mọi vật đều nhòe ướt trong cảm giác mất mát. Khi khóc cạn nước mắt, PK nín lặng. Nó không còn nói, cười gì nữa. Ngày qua ngày nó chỉ có gương mặt nhăn nhó. Không lời nào thốt trên môi. Cả ngày nó ngồi một mình trong góc, đăm đăm nhìn khoảng không. Nó không chịu ăn, nhưng chẳng mấy chốc nó không còn sức lực kháng cự nữa khi bà nội ép nó phải ăn. Cơm và món đậu lentil7 chẳng còn mùi vị gì nữa. Thức ăn chỉ là một thứ nhám ráp trong miệng.
7 Tức là đậu lăng, một loại đậu phổ biến ở Ấn Độ.
Rồi một ngày Chủ nhật có người đi xe đạp tới. PK có tin nhắn từ gia đình Kalabati; mẹ đã ngã bệnh. Bà không còn làm nổi việc nhà nữa, người đưa tin cho hay. Bà chỉ ngồi khóc. Shridhar, cha nó, nghe tin và không cho ai biết mình đang nghĩ gì, ông lặng lẽ ra sau vườn, tìm bà nội đang cuốc đất ngoài vườn bắp rồi kéo bà vào nhà.
- Không thể nào tiếp tục sống như thế này được! – Cha nó la to, cuối cùng ông đã trút hết bao tháng trời dồn nén tức giận.
Bà nội không nói gì.
- Mẹ làm vợ con phát điên rồi! – Cha nói tiếp.
Bà nội vẫn không nói. Bà biết nói gì? Bà quá kiêu hãnh nên đâu chịu nhận mình sai. Và trong thâm tâm, có lẽ bà nội cho là mình đúng. Bà nội là người ngoan cố. Không nhân nhượng. Bà đại diện cho lý trí và lôgic trong tình trạng thế giới điên loạn này.
Khi cha PK trở về thứ Bảy tuần sau, ông đặt PK ngồi xuống rồi cho hay ông đã mua một miếng đất gần bưu điện ở thị xã Athmallik.
– Chúng ta sẽ dọn tới đó, tới nhà mới. – Ông nói.
– Chúng ta là ai?
– Nhà mình. Chỉ có nhà mình.
– Chỉ có nhà mình sống ở đó thôi sao? – PK hỏi. Nó chưa hề nghe nói có ai không sống chung với ông bà nội.
– Đúng, đó là nhà mình. Chỉ có nhà mình. – Shridhar xác nhận.
Mưa mài bóng thân cây mía và quậy đất đỏ thành bùn, thế là cả bò lẫn người đều lội bì bõm và bánh xe đạp cày nát những vết hằn sâu trên lớp sình lầy. Những đám mây đen tụ lại trên cao, bao trùm cảnh vật trong màn âm u, tước đoạt của dân làng những giờ nắng rạng quý giá.
Cha bế PK lên chiếc xe kéo buộc đằng sau hai con bò đực láng bóng. Cỗ xe có mái che bằng phên tre, đằng sau chất mấy vò đất nung đựng sữa tươi vắt từ con bò cái của ông bà nội. Người đánh xe vung roi quất hai con vật và bánh xe bắt đầu lăn, đều dần theo nhịp cọt kẹt khoan thai trong lúc băng qua làng.
Cha đi bộ đằng sau cùng với ông bà nội, vừa đi vừa nói chuyện, còn PK ngồi nép sát bên mẹ, mẹ bế em gái nhỏ trong lòng. Không nghe được cha mình nói gì, PK hy vọng là cha đang giải thích lý do họ không thể ở lại, rằng họ dọn đi vì muốn mẹ vui sướng như trước.
Mới đi được vài phút, cỗ xe dừng bên cây thiêng ở ngoài đền thờ bên rìa làng. PK ngoái nhìn và thấy cha đang quỳ trước mặt bà nội, trán cúi sát đất. Mấy đầu ngón tay cha chạm vào chân bà nội.
Trời lại đổ mưa, những giọt nước lớn rơi ướt đẫm mái tóc bạc và chiếc áo sari của bà nội. Nhưng bà không nhỏ một giọt lệ. Xe bò tiếp tục lăn bánh trên con đường đất chật hẹp giữa những cánh đồng. PK lại quay nhìn đền thờ và những ruộng bắp lùi xa dần và mất biệt trong màn mưa giăng mù.
Bóng bà nội nhòa dần cùng với ngôi làng. Một chấm vàng run rẩy trên nền xám rồi hòa làm một với cơn mưa và bóng hoàng hôn.
PK ngả đầu trên đùi mẹ. Bà lấy tấm vải bông mềm mỏng đắp lên thân thể trần truồng của chú bé con.
Cỗ xe lắc lư trên đường, quanh co xuyên rừng, băng qua những ruộng lúa ngập nước và vượt mấy chiếc cầu gỗ hẹp lơ lửng trên những dòng sông suối nước xiết. Những đám mây vần vũ nuốt hết mọi ánh trăng sao còn sót lại. PK nhìn vào bóng tối và chẳng thấy gì. Nhưng tai PK đã quen với tiếng bánh xe kẽo kẹt và những âm thanh thân thuộc của rừng: tiếng ếch ồm oàm, tiếng cào cào râm ran và tiếng chồn cáo rú rít. PK cảm nhận hơi ấm trên hai bắp đùi mềm mại của mẹ và yên tâm theo nhịp mẹ thở đều đều.
PK thức giấc khi mẹ xoa trán nó báo hiệu đã đến nơi. Tê cóng vì mệt mỏi, PK phải có cha đỡ mới bước xuống xe bò được. Nó nhìn vào màn đêm, nhưng chẳng thấy gì. Nhà mới của mình ở đâu?
Cha thắp một ngọn đèn dầu và từ trong bóng tối hiện ra căn nhà mới. Những ngọn cỏ cao làm chân nó ngứa ngáy.
– Nhà mình ở đâu vậy ạ? – Nó hỏi.
– Liptinga Sahi, – mẹ nó đáp, – gần Athmallik, gần chỗ cha con đi làm và hai anh con đi học.
Cha đã đi lấy ít thức ăn ở nhà bếp của trường tư thục. Lát sau ông quay về với mấy hộp thiếc đựng thức ăn đầy ắp. Họ ngồi trên sàn căn nhà mới, dùng bữa ăn đầu tiên ở ngôi làng mới, cách xa, rất xa ông bà nội. Cuộc sống đột ngột mang màu sắc mới, PK nghĩ thầm trong lúc nhìn những con côn trùng bay vào quầng sáng trắng của ngọn đèn thắp bằng khí đốt. Ngay cả món xúp dal cũng được làm bằng các gia vị khác, nó ngạc nhiên nhận ra. Nó lại cảm nhận được mùi vị. Đám mây u sầu bao trùm gia đình này bắt đầu tan biến vào quá khứ.
Từ nay không ai có thể chia lìa PK với mẹ được nữa.
Căn nhà mới nằm riêng, cách biệt với các nhà khác. Nhưng PK thường nghe tiếng trẻ con la hét, cười đùa.
– Chúng cũng là dân mình. – Mẹ vừa nói vừa vỗ nhẹ lên đầu nó.
– Dân mình?
– Chúng cùng một đẳng cấp như nhà ta đó.
Đây là lần đầu tiên nó nghe nói đến “đẳng cấp”, dù ở làng cũ nó đã nếm trải nọc độc ác ôn của từ này. Tuy nhiên, nó hiểu từ đó có nghĩa là bọn trẻ đó sẽ không phiền lòng khi chơi chung với nó. Là họ cùng một nhóm.
– Đẳng cấp? – PK lặp lại.
– Đúng, chúng là Pan, giống như cha con.
– Còn mẹ thì sao? – PK hỏi.
– Mẹ thuộc bộ tộc Kondh, Khutia Kondh.
Nó sắp học được rất nhiều điều ở chỗ ở mới.
Một đường mòn xuyên qua những ruộng bắp, băng ngang nhà họ và mấy nhà khác tít phía trên, dẫn tới một ngôi nhà bê-tông màu vàng đổ nát có ô cửa chớp nhỏ bắt song sắt to kiên cố. Trên đường mòn này, một đoàn dài dân làng lảo đảo mò tới mua rượu lậu. Họ hét gọi người bên trong và từ trong chìa ra những chai bia lớn hay những chai rượu nhỏ hơn bọc trong những túi giấy nâu. Họ có mặt từ sáng sớm cho đến tối mịt, vừa hát hò vừa khóc than, hai tròng mắt đỏ ngầu chỉ máu. Đó là lần đầu tiên PK chạm trán với rượu. Trước giờ nó chưa hề nhìn thấy người say.
Một con đường hẹp khác chạy từ nhà PK đến một hồ chứa nước lớn. Nó thích men theo những con đường đó và khám phá xem chúng dẫn đến đâu. Mỗi ngày nó đánh bạo đi xa hơn hôm trước một chút. Nhưng nó luôn cẩn thận tránh lò rượu lậu vì những người đàn ông nồng mùi men này cứ quát tháo nó, tóm lấy nó và nói lè nhè những lời mà nó không sao hiểu nổi.
Ở chỗ ông bà nội, cả nhà tắm dưới sông. Ở Liptinga Sahi họ tắm rửa ở hồ chứa nước đầy hoa sen và cá. Nhiều dân làng tắm buổi sáng ở đó, cùng với lũ chim và những con gấu tìm món điểm tâm. Mẹ nó thường đào những tảng đất ẩm từ bờ kè um tùm sát rìa nước, rồi cho vào giỏ đem về nhà. Bà dùng đất bùn này để gội đầu, rửa bát đĩa và xoong chảo.
– Sỏi và đất sét trộn lại dùng còn tốt hơn xà bông với nước. – Kalabati nói. Bà tập thói quen mua sắm ngoài tiệm càng ít càng tốt để dành tiền cho những việc quan trọng hơn.
Tới lúc những đám mây gió mùa đầu tiên giăng ngang đầu và mặt trời mùa thu mọc cao trên trời, PK mới bắt đầu thấy quen chỗ mới. Cứ như thể nhà nó chưa bao giờ sống ở đâu khác. Nó thích nghi nhanh. Thực tế là PK luôn như thế.
Nếu không thích nghi được là chết, nhiều năm sau này PK mới hiểu ra.
Một ngày nọ, mẹ đưa nó đi đến hai cây lớn nhất ở rìa làng. Đó là nơi tụ tập của lũ đại bàng và kền kền. Dưới hai cây này, những người đàn ông lột da những con bò chết và thuộc da bán cho ông thợ giày để làm thành giày và túi xách. Bà vừa nói với PK vừa chỉ vào những người ấy:
– Họ cùng bộ tộc với chúng ta.
– Mình có quen biết họ không? – Nó hỏi.
– Không, họ với ta cùng một đẳng cấp.
Nhưng không hẳn như vậy. Những người làm việc với xác thú vật này thuộc một nhóm dòng tộc của đẳng cấp Ghasiara – những người Ghasi. Họ sống trong khu rừng bên kia những cánh đồng bắp. Nhưng họ cũng là hạng tiện dân dưới đáy xã hội, đó là điều mẹ ngụ ý. Những người Ghasi này sống trong hoàn cảnh tồi tệ kinh khủng. Giới Brahmin xem họ còn ô uế hơn cả người Pan vì không những họ làm việc với thú vật chết mà còn mổ xẻ cả xác bò, điều cấm kỵ. Ngay cả cái bóng của họ cũng là đồ ô uế. Chỉ cần nhìn thấy họ thôi là coi như đã gặp điềm xấu rồi.
Nhưng khi trời sụp tối, các phụ nữ Ghasi không còn là hạng “bất khả tiếp xúc” nữa, Kalabati cũng biết cả chuyện đó. Ban đêm, đàn ông từ các làng chung quanh – những người thanh sạch đúng lễ nghi và danh giá – đến đây để mua tình với các phụ nữ này. Ngay cả giới Brahmin, ban ngày luôn phỉ nhổ hạng người Ghasi, ban đêm cũng bị lôi kéo tới những túp lều Ghasi.
Kalabati không nói gì với con trai về điều này. Bà muốn bảo vệ PK, càng lâu càng tốt, khỏi thực tế tàn nhẫn của cuộc đời dành cho hạng tiện dân dưới đáy.
PK đứng trong ruộng bắp xem mấy ông Ghasi lôi con bò chết về phía cây thiêng đầu làng. Mùa mưa thứ hai ở nhà mới đang đến. Nó xem họ bày cái xác bò nặng nề dưới đất và bắt đầu róc da khỏi thịt rồi róc thịt khỏi xương. Ruồi bu quanh những tảng thịt và đám kền kền lượn vòng từ từ sà thấp dần. Cuối cùng, lũ chim từ trên cao bay vọt xuống như tên bắn. Nhưng thay vì xâu xé bữa ăn, chúng chờ đợi, im như tượng đá, lòng kiên nhẫn chiến thắng lòng tham. PK có cảm tưởng như đám kền kền này được thánh thần sai khiến, hay chí ít, chúng cũng không hành động như các loài chim săn mồi. Nó không hiểu tại sao chúng không ăn số thịt kia. Nó nhìn lên. Hai con chim nữa đang bay trên cao. Rồi thình lình cặp chim này lao xuống mạnh đến mức đôi cánh quật gió xoáy vùn vụt.
PK mơ tưởng mình cũng bay nhanh được như vậy. Nó chạy trên con đường dốc ngoằn ngoèo về nhà, miệng rít như kền kền, hai tay dang rộng như đôi cánh.
– Mẹ, nếu con ngồi trên lưng một con kền kền thì con cũng bay được luôn hả? – Nó hỏi mẹ khi về tới nhà.
Nhưng giấc mơ bay của nó lập tức bị xua tan.
– Coi chừng đám kền kền! – Mẹ nó đáp ngay liền. – Chúng sẽ mổ lòi mắt con ra, mù luôn cho coi!
– Sao chúng phải chờ chực trước khi ăn ạ?
– Kền kền cũng như người, – mẹ nói, – chúng cũng có vua và hoàng hậu, con trai, con gái và sống thành gia đình luôn. Khi có một con bò chết, lũ kền kền báo cho vua và hoàng hậu của chúng biết cái xác nằm ở đâu. Chúng không dám ăn trước vua và hoàng hậu. Vì thế mà chúng mới kiên nhẫn chờ đợi như vậy đó.
Rồi bà nói tiếp:
– Kền kền vua và hoàng hậu là những con kền kền đẹp nhất loài. Lần tới hãy nhìn cho kỹ nghe: bộ lông hai con này dưới nắng lóng lánh như vàng. – Mẹ xoa trán PK. – Thế giới của kền kền chẳng khác chúng ta là mấy, con trai ạ.
Bà ngoại PK sống một mình trong một làng nhỏ nằm sâu trong rừng mấy cây số. Nhà bà ngoại thậm chí còn tồi tàn hơn, nhà vách đất phên tre và mái tranh thường đổ sụp vào mùa mưa. Vườn nhà mọc tràn cây bắp cao, tới mùa bắp chín thú hoang lại kéo đến. Trong số những vị khách thường xuyên này có một con gấu lông dài đen bóng và một con cáo. Khi bà ngoại đã quá chán cái cảnh mùa thu hoạch bắp quý báu của mình bị cướp đoạt như vậy, bà làm một con bù nhìn rơm và dựng trên cao trong bụi tre. Bà mắc thêm trên hai cánh tay bù nhìn những quả chuông leng keng trong gió. Nhờ thế mà đám thú hoang tránh xa. Nhưng không phải tất cả.
Có một tối, PK và em gái út Pramodini ghé thăm bà ngoại đúng hôm một gia đình hathi (voi) kéo tới. Hai đứa trẻ đang ngủ thì những bức vách chung quanh bắt đầu rung bần bật. Hai voi lớn và một voi con đang giẫm nát rau cỏ và nhai những lõi bắp vàng rực. Nhưng bà ngoại không sợ. Bà đi ra hàng hiên, cầm theo một búi cỏ khô, châm lửa đốt và bắt đầu vung vẩy ngọn lửa trước gia đình voi. Rủi sao, những con voi này không hoảng sợ. Voi cha khịt mũi, chân sau cào đất rồi lao thẳng tới bà ngoại. Bà quẳng bó đuốc, chạy ngược vào nhà, đóng sầm cánh cửa gỗ sau lưng và khóa lại.
Con voi xô hết sức nặng vào căn nhà mong manh, phá vỡ mấy vách đất phên tre. Bà ngoại đánh thức hai đứa cháu, bảo PK tránh ra và bà một tay bế Pramodini bên hông, một tay bắt đầu nện ầm ầm vào bức vách đối diện, đập thủng được một lỗ đủ lớn để thoát ra ngoài. Bà đẩy PK chui ra rồi ba bà cháu chạy băng qua mấy bụi cây gai góc và xương rồng. PK còn nhớ lúc đó không cảm thấy gì khi gai xé rách da. Máu ứa xuống hai chân, nhưng nó không có cảm giác đau. Mình đang thức hay còn ngủ mơ?
Cuối cùng họ dừng lại, kiệt sức. PK không biết ba bà cháu đã chạy bao xa. Cuộc chạy trốn của họ nhanh chóng nhưng cứ như dài vô tận. Người đầy máu và mồ hôi, họ quỵ xuống, tựa vào một gốc cây và chờ rạng sáng. Trời đêm đầy tiếng rù rì, vo ve của muỗi mòng, cào cào và dế.
– Nếu mấy con voi đó nổi giận với mình thì sao? Nếu chúng đuổi theo chà đạp mình tới chết thì sao?
Nhưng may thay điều đó không hề xảy ra; bà ngoại, PK và Pramodini mình mẩy đau nhức nhưng đã thoát nạn.
Ở đất nước phương Bắc này không có voi rừng lang thang. Thay vào đó, muỗi kêu vo vo trong đám lau sậy bên bờ hồ Borås um tùm. Đám chim chích hót gọi nhau, trong khi hươu nai gặm cỏ giữa những cây lãnh sam trong những khu rừng trăm năm. Nước mưa long lanh trong những rãnh hằn vết bánh xích của những thứ máy móc lâm nghiệp lớn. Khói xám bốc lên từ những ống khói của những ngôi nhà gỗ nghỉ hè sơn đỏ rải rác quanh vùng trảng.
Gia đình Lotta là những người chăm đi lễ nhà thờ. Mẹ Lotta được nuôi dạy biết kính sợ địa ngục, bị ám ảnh bởi những mô tả của linh mục về sự trừng phạt đời đời đang chờ những kẻ tội lỗi ở kiếp sau. Cha cô bé cũng cùng vợ con dự lễ hàng tuần dù bản thân ông không phải là tín đồ. Lotta không bao giờ biết cha nghĩ gì về tôn giáo và giáo hội; ông hiếm khi bày tỏ ý kiến về bất cứ chuyện gì. Ông là người khó hiểu. Có nhiều lúc cô bé tưởng là mình hiểu cha, nhất là khi họ im lặng ngồi bên nhau. Không hiểu sao, cô bé cảm thấy hết sức gắn bó với cha dù hai cha con ít khi chuyện trò.
Lúc Lotta lên tám, một bà dì của Lotta ngã bệnh khi đang mang thai. Gia đình cầu khấn Chúa nhưng bệnh tình người dì càng lúc càng nặng hơn. Rồi dì mất, chết cả mẹ lẫn con và đức tin Lotta từng cảm nhận được đã pha lẫn với sự tức giận và thất vọng.
Cô bé theo đạo Tin Lành của Giáo hội Thụy Điển, nhưng không phải vì có đức tin. Không, Lotta theo đạo chủ yếu là vì ai cũng theo. Cô bé dễ bị cha mẹ và bạn bè tác động. Khó mà sống khác người, làm theo ý mình. Người ta không thích những kẻ phá vỡ lề thói, quá khác biệt. Dù sao thì Lotta cũng không hề có niềm tin mạnh mẽ nào; cô thấy khó lòng coi trọng quá mức một quan niệm duy nhất nào. Làm sao có thể đặt lòng tin trăm phần trăm vào một đảng phái, hay một ý thức hệ? Làm vậy có nghĩa là mọi người khác đều hoàn toàn sai. Không, chuyện chính trị đảng phái không phải việc của cô.
Có lúc cô bé thấy mình ngâm nga một bài hát đã học được từ lúc lên ba. Ý nghĩa bài hát là: ánh sáng soi rọi toàn nhân loại, bất kể mọi phù phiếm, tham vọng và hèn hạ của con người.
Ánh sáng ấy cũng tồn tại trong bản thân mình nữa, Lotta nghĩ thầm. Nhưng đó không phải Chúa, nó là cái gì khác kia:
Mây bay đến, mây bay đi
Trái tim buốt giá nhiều khi
Nhưng trên cao, trên cao xanh
Kìa ánh sao băng long lanh
Ngược lại, từ tuổi niên thiếu, trí tưởng tượng của cô bé đã hướng về phương Đông. Lotta đã đọc Áo Nghĩa Thư rồi tiếp tục đọc kinh Vệ Đà và bài thuyết pháp của Thích Ca. Có nhiều điểm tương đồng giữa cổ kinh Ấn Độ giáo và Bài giảng trên núi trong Thánh Kinh, cô bé thấy vậy. Nhưng có gì đó sai lầm thể hiện trong giáo lý đạo Cơ Đốc. Lý tưởng của nó có tính loại trừ hơn là bao quát. Người Cơ Đốc giáo hình như thích vẽ ra các ranh giới giữa người với người. Dù có phải tín đồ hay không, ai ai cũng được thúc đẩy bởi cùng một nguồn sinh lực. Trái tim đập trong lồng ngực tất cả chúng ta đều cùng một lý do đó, bất kể đức tin của riêng ai, Lotta nghĩ thế. Mọi nguyên tử trong vũ trụ đều lệ thuộc vào nhau. Tất cả đều có liên kết.
Các triết lý châu Á đã hấp dẫn cô bé, đặc biệt là quan niệm cho rằng tất cả con người và sinh vật đều tan biến sau khi chết để rồi sống lại trong một sinh linh hiện thân khác. Đúng, thế mới phải, Lotta nghĩ. Nếu muốn rõ quá khứ, hãy nhìn hiện tại. Nếu muốn biết tương lai, cũng hãy nhìn hiện tại, như Thích Ca đã nói.
Sự sống là luân hồi và tái tạo liên tục. Tất cả chúng ta từng là đất và nước và rồi sẽ lại trở thành đất và nước, cô bé Lotta từ tuổi niên thiếu đã nghĩ như vậy.
Khi những người tộc Pan bắn hạ một con nai sambar, ông nội PK thường được mời dùng thử thịt nai. Vào mùa hội, dân làng đến thăm, mang theo quà mừng là da hổ và lông chim. PK cũng được hưởng ké địa vị xã hội cao của ông nội và trong đám trẻ con tiện dân thì nó là vua. Nó tự hào về ông nội và muốn bắt chước ông. Với cung tên là quà của ông nội cho, PK dẫn đầu đám bạn trong những cuộc thám hiểm rừng già, nó trần truồng như thường lệ, chỉ đeo chiếc lông công trên đầu và chiếc thắt lưng với vòng đeo tay như những con rắn bám trên người. Chúng bò theo các đường mòn, giả vờ như đang săn hươu nai. Chúng hú lên hào hứng trước từng con sóc sợ hãi phóng vụt lên ngọn cây gần bên hay con đại bàng lượn vòng trên tán rừng.
Chúng giả vờ như PK là tù trưởng trong khi đám trẻ thay nhau đóng giả là pháp sư phò tá. Đứa nào làm phò tá phải hái trái cho PK và cúi đầu dâng tặng. Sau đó cả đám chạy xuống sông câu cá hay đánh bạo vào rừng chọc phá mấy tổ ong cao tít trên mấy nhánh cây.
Chọc tổ ong là nghề của PK. Nó trèo lên cây, mang theo một búi cỏ khô, châm lửa đốt rồi dí dưới cái tổ để hun khói cho ong bay đi. Miệng nó cắn một chiếc que dùng để đâm thọc vào tổ, xua đuổi những con ong nào còn đủ gan dạ ở lại bên trong. Có khi đàn ong quay ra phản công lại. Nhưng dẫu có bị châm chích đau đến mấy, PK vẫn nhất quyết không bỏ cuộc khi nào chưa nếm được thứ mật ngọt bên trong. Một tay ôm vòng thân cây, tay kia cầm que chọc mật đưa lên miệng mút lấy mút để trong lúc mật chảy ròng ròng trên má nó, nhỏ giọt xuống ngực. Sau đó nó để cho mật nhỏ giọt xuống cho đám trẻ đứng dưới đất đang chờ, đứa nào cũng há mồm đón lấy những giọt dẻo ngọt trên trời rơi xuống.
***
PK rồi cũng trở thành họa sĩ ở làng này. Nó thu lượm những phiến đá lớn, trơn tru trên con đường ngoài làng, rồi lấy than vẽ lên. Vẽ bình minh, vẽ hoàng hôn và những ngọn núi um tùm.
Tài vẽ của PK tiến bộ mau chóng. Nó đưa đám trẻ hàng xóm đến một tảng đá lớn gần sông, bảo tụi kia nhắm mắt, rồi tuyên bố là nó có thể dùng phép thuật của mình để dụ một con cọp đến đứng trước mặt chúng. Bon kia hoài nghi nhưng cũng làm theo. Nó bắt đầu vẽ. Đó, trên tảng đá ấy, nó vẽ một con cọp đang há rộng miệng gầm rống.
– Nhìn đi! – Nó la to. Bọn kia trố mắt kinh ngạc. Chúng nó có sợ không? Nó có làm cho bọn kia tin được không? Cũng có thể chỉ là mong ước hão huyền. Rồi cả bọn cùng cười ầm khoái trá.
Ít nhất mình cũng làm cho mọi người vui vì tài vẽ vời của mình, nó nghĩ.
Nó mở rộng thêm nguồn đề tài và luyện rèn kỹ thuật. Hễ rảnh một chút là nó vẽ, trước và sau giờ học và suốt ngày Chủ nhật. Nó tìm được những phiến đá đủ màu sắc, chứ không chỉ có màu xám và màu be. Nó khám phá ra cách dùng lá cây và hoa để tạo ra các phẩm màu ngoài màu đen. Nó học được cách lấy đất sét dưới sông nặn thành những chiếc đĩa rồi vẽ hoa văn lên, quét thêm một lớp lòng trắng trứng cho ăn màu. Nó cũng vẽ trên giấy và thích vẽ những mẫu hoa lá, cây cối.
Mọi tảng đá trong vòng trăm thước quanh nhà đều biến thành một tác phẩm mỹ thuật. Đó chính là phòng triển lãm của PK. Còn trong nhà, một hàng đĩa vẽ trang trí bày kiêu hãnh trên kệ tủ.
Những trò chơi trong rừng là những kỷ niệm quý giá nhất của PK. Rừng réo gọi chú bé và khao khát phiêu lưu trong lòng nó. Rừng đầy bí mật và lạ kỳ; nó biết rừng chỉ từ từ phơi bày từng chút. Phần còn lại đã an bài là cõi bí hiểm chưa biết đến. PK vẫn còn nguyên cảm giác ấy cho tới ngày hôm nay. Chỉ cần hiểu được một phần nhỏ cuộc đời là đủ rồi. Nó an lòng khi biết rằng có rất nhiều điều nó sẽ không bao giờ hiểu được.
Cha PK hăng hái đạp xe, tiếng huýt sáo vang trên môi không ngừng. Ông đang cao hứng. Con đường quanh co giữa những ruộng bắp, vườn xoài và những cụm nhà tranh vách đất. Chiếc sơ-mi trắng của ông phần phật trong gió trong lúc ông vòng tránh những ổ gà, tảng đá và cành cây. PK cũng vui như ông. Nó ngồi trên yên sau, lưng áo cha căng như cánh buồm trước mặt nó. Hai cha con đang trên đường ra thị xã, xa rời chốn an toàn của những người đồng tộc, nhưng PK lại không thấy sợ mà lại thích mạo hiểm và cảm giác bất định này.
Rốt cuộc, nó cũng bắt đầu đi học.
Thầy giáo của trường tiểu học mới mở ở Athmallik đã hứa với ông Shridhar là con trai ông sẽ được cho vào học mặc dù học kỳ đã khai giảng từ một tháng trước. Có lẽ cha mẹ nó đã chần chừ không quyết định ngay, vì lo sợ không biết PK sẽ được đối xử ra sao. Theo những kinh nghiệm cay đắng của bản thân họ thì họ do dự là phải.
Trường học là một dãy nhà vách đất màu đỏ son làm lớp học, chung nhau một hàng hiên hướng ra sân trường cát bụi. Khuôn viên trường được bao bọc bằng một rào giậu tre trồng kín dây leo.
PK nhìn vào lớp. Thầy giáo mới của nó ngồi trong đó, bụng bự, béo tròn. Thầy quay lại nhìn PK.
– Giống thần voi Ganesh8 đấy mà. – Ông thầy già vừa cười khúc khích vừa vỗ vào bụng mình.
8 Ganesh là vị thần Hindu có hình dạng đầu voi mình người, bụng to. Thần là con của thần Shiva và nữ thần Parvati, tượng trưng cho tài trí, hạnh phúc và thành công.
Rồi ông quay sang các học sinh khác và chỉ vào các chữ cái trên bảng đen. Lũ trẻ đồng thanh đọc ê a từng chữ.
Quá nhiều trẻ nhỏ, quá nhiều bạn mới.
Thầy giáo dừng lại, ra dấu cho nó ngồi vào chỗ. Nhưng ngón tay ông không chỉ về hướng các học sinh khác, mà chỉ ra hàng hiên ngoài lớp.
– Chỗ đó, – ông nói. – Trò ngồi đó, Pradyumna Kumar Mahanandia!
PK ngồi xếp bằng trên nền sàn cát bụi bên ngoài. Nó thấy hoang mang và thất vọng. Tại sao mình phải ngồi một mình ngoài này? Nhưng cha nó không hề quan tâm. Có điều gì cha biết mà PK không biết sao? Cha nắm tay PK, chào tạm biệt, rồi bước ra chiếc xe đạp đang dựng bên hàng rào tre.
Còn lại PK với toàn những người không quen. Họ có muốn kết bạn với nó không? Nó không dám chắc nữa. Niềm háo hức trên đường đi giờ đã tiêu tan? Tại sao thầy giáo nổi giận với nó? Tại sao thầy không cho nó ngồi trên sàn trong lớp, chung với các trò kia?
Lát sau thầy giáo ra hàng hiên giúp nó tập viết. Ông rải một lớp cát mỏng trên tấm bảng gỗ của PK và chỉ nó cách dùng ngón tay trỏ vẽ các chữ cái trên mặt cát. PK để ý thấy thầy giáo tránh chạm vào nó. Ông ngồi kề bên nhưng cẩn thận để không đụng chạm. Sao thầy lại cư xử như vậy?
Ngoài hàng hiên, PK có thể nhìn thấy trong lớp khi thầy đã đi vào và viết chữ “ma” bằng tiếng Oriya lên bảng đen.
– Đọc lại. – Thầy bảo.
– Ma, ma, ma, ma, ma, – PK và cả lớp ê a đọc.
Thầy rung cái chuông đồng báo hiệu giờ ra chơi. Đám học trò ào ra sân, thế là PK cũng đứng dậy chạy theo.
– Trò đi đâu? – Thầy giáo kêu to.
Câu hỏi khiến PK sửng sốt. Không rõ sao còn hỏi?
– Trò không được chơi cùng với chúng! – Thầy nói tiếp.
PK thích ứng nhanh đến kinh ngạc. Ngày đầu đi học, giờ ra chơi nó cố nén khóc và chơi một mình ở góc sân. Ngày thứ hai, nó khám phá ra một cái ao phía sau trường, nơi nó có thể chơi một mình. Trong vòng một tuần, nó lại thấy mình mong chờ những lúc được cô độc ấy. Nó không hiểu sao lại như thế. Nó nhìn bóng mình dưới nước. Nó tìm kiếm trong hình ảnh phản chiếu rập rờn kia những đặc điểm nào, có thể là màu da, khiến nó khác biệt với chúng bạn. Có thể mũi nó quá tẹt, nước da nó quá đen, tóc nó quá xoăn? Có lúc nó nghĩ nó trông giống những con thú rừng chơi đùa trên mặt nước đen. Lúc khác nó lại kết luận rằng nó thực ra giống hệt mọi đứa trẻ khác.
Sau một tuần, cuối cùng nó hỏi mẹ điều lẽ ra nó phải hỏi ngay hôm đầu tiên đi học về, nhưng lúc đó nó quá hoang mang nên không nói được.
– Tại sao con phải ngồi ngoài lớp?
Mẹ đang ngồi xổm bên lò lửa trong bếp, nướng bắp và bánh mì chapati. Bà nhìn nó.
– Tại sao con không được chơi chung với mấy đứa kia? – Nó hỏi tiếp.
– Vì chúng ta là dân rừng. – Hồi lâu sau bà mới trả lời.
Nó nhìn mẹ và càng hoang mang hơn. Ý mẹ là sao?
– Ngày xưa, dòng tộc nhà mình ở sâu trong rừng. Lẽ ra chúng ta cứ nên ở đó, sống đời mình giữa ngàn cây chứ đừng chuyển ra ngoài làng mạc sống chung với dân đồng bằng.
Bà bế nó cho ngồi lên đùi mình.
– Chúng ta không được phép vào đền thờ vì như thế các thầy tu sẽ nổi giận. Con đã biết rồi đó. Chúng ta không được lấy nước ở cùng một cái giếng mà người khác lấy. Đó là lý do mẹ ra sông hay ra hồ chứa nước chứ không tới giếng nước chung. Nhưng chúng ta không thể làm gì được. Phải chấp nhận thôi, con à.
– Tại sao lại vậy? – Nó hỏi.
– Vì chúng ta là hạng bất khả tiếp xúc, vì chúng ta sinh ra thuộc loại hạ đẳng… hoặc là… không hề có đẳng cấp nào.
Bà nhìn thấy ánh mắt của con.
– Rồi đâu vào đấy hết thôi con, nếu như con nhìn thẳng vào sự thật… – Bà gạt nước mắt. – Và miễn là con thành thật với chính mình và với người khác.
Tối đó, nó nằm trên nệm rơm ngẫm nghĩ những lời mẹ vừa nói. Tiếng dơi rít và chó sủa phụ hoạ theo những ý nghĩ trong đầu. Mẹ đang gom cây khô cho vào bếp lửa và khua lanh canh mấy cái bát bằng thiếc. Đó là những âm thanh làm nó an lòng, những tiếng động dỗ nó ngủ đêm đêm. Nhưng lòng nó sao vẫn không yên. Đẳng cấp là cái gì chứ? Rồi lại hạng bất khả tiếp xúc? Nó hiểu những từ ngữ xa lạ đó nói đến thái độ kỳ lạ của thầy giáo, nhưng từ đâu mà ra chuyện này? Tại sao ai cũng bị mấy thứ đó ám ảnh?
Lớp PK được giao cho một miếng đất nhỏ trong vườn rau ở đầu sân chơi. Ở đó, đám học trò trồng dưa leo, mướp, cà tím và cà chua. Khi trái đã chín, chúng được phép hái đem về nhà cho gia đình. PK được giao nhiệm vụ tưới cây. Không ai phiền hà chuyện nó đụng chạm vào các hạt giống và nước.
Tới khi thu hoạch, nó được giao một giỏ riêng, trong khi các học trò khác dùng chung giỏ với nhau. Nó đã hiểu ra, đó là vì tụi kia không muốn rau trái của chúng bị ô uế bởi sự nhơ bẩn của nó. Nhưng PK chẳng bận tâm nữa. Thay vào đó, nó tập trung vào những trái cà chua hết sức ngon lành mà nó có thể mang về cho mẹ. Ý tưởng tham gia cuộc thu hoạch này khiến nó háo hức, chạy ào về phía khoảnh vườn. Và trượt chân. Nó vấp phải một ống nước và cái giỏ của cả lớp, làm mấy trái trên cùng rơi ra ngoài. PK cúi xuống nhặt lên cho lại vào giỏ.
– Trò làm gì thế? – Thấy giáo quát lên. – Hư hỏng hết cả rồi!
PK sững người, sợ chết điếng, nhìn thầy giáo giằng lấy cái giỏ khỏi tay nó. Nó cảm thấy sắp có chuyện gì đó kinh khủng xảy ra. Thầy giáo giơ cao cái giỏ lên trên đầu PK và trút hết cà chua lên người nó. Những trái cà chua tròn đỏ rơi như mưa lốp bốp xuống đầu PK và văng tứ tung, trong khi cả lớp đứng thành vòng tròn im lặng nhìn. Sau đó thầy tuyên bố thà là PK mang hết về nhà cho xong chứ có còn ai muốn ăn mấy thứ trái này nữa.
PK vừa khóc vừa cúi nhặt cà chua cho vào giỏ riêng của mình.
Mặt mẹ sáng lên khi nó về nhà với tặng vật đó, nhưng khi nó kể mẹ nghe chuyện thì bà lo ngại ra mặt. Không chừng thằng nhỏ sẽ bị đuổi học và dân làng sẽ quấy nhiễu cả nhà này?
– Con chẳng bao giờ hiểu được mấy người đẳng cấp Hindu đâu, – bà nói, – nhiều khi họ thích công khai hạ nhục chúng ta.
Nhưng qua hôm sau, thầy giáo vờ như không có chuyện gì xảy ra. Và cả PK lẫn người nhà nó đều không thấy hậu quả gì.
PK cứ nghĩ về chuyện đó. Thầy đã giải thích với nó là bất cứ thứ gì nó đụng vào đều trở thành dơ bẩn. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó đụng vào chúng bạn trong lớp? Tụi nó có nổi giận không? Hay chúng sẽ giả vờ như không có chuyện gì?
Mình phải thử, chú bé PK quyết định.
Đám học sinh đã xếp hàng ngoài sân trường như thường lệ mỗi sáng. Đúng lúc rồi! Nó phóng tới, vươn cánh tay ra và lướt bàn tay dọc ngang bụng cả hàng học sinh. Rồi nó chạy lên chỗ thầy giáo và hiệu trưởng và vỗ vào bụng họ.
Thầy nó sửng sốt đứng lặng. Lúc đầu ông nhìn PK trừng trừng, rồi quay qua hiệu trưởng, rồi cuối cùng nhìn đám học trò dưới sân.
– Này! – Thầy nó kêu lên, nói vọng xuống đám học trò. – Chúng ta ra giếng tắm rửa. Còn PK, trò ở yên đó, tôi sẽ xử trò sau.
Thầy thường dùng gậy quất học trò khi chúng vi phạm kỷ luật nhà trường, nhưng PK không bao giờ ăn đòn vì thầy không muốn vấy bẩn cây gậy của ông vì như vậy sẽ truyền ô uế sang các đứa khác. Với PK, thầy nghĩ ra cách trừng phạt riêng: ông bắt nó đứng yên trên hàng hiên, hai mắt nhắm lại. Rồi thầy lùi ra và bắt đầu ném đá; những hòn đá nhỏ, sắc bén, quật vào da nó, để lại những vết bầm xấu xí.
PK nguyền rủa thầy giáo nhưng nó nhớ lời mẹ dặn phải cam chịu: đây là số phận của gia đình nó, cuộc đời bên ngoài mái nhà của nó là thế đấy. Nó sẽ luôn bị đối xử như vậy. Nó chẳng làm gì được.
Thỉnh thoảng điều bất công đó cũng khiến nó phát uất và nghĩ chuyện trả thù hay mơ tưởng luật trời sẽ can thiệp cho nó. Bao ý tưởng buồn vui lẫn lộn nảy ra trên chuyến xe đạp cha chở nó về nhà mỗi buổi chiều, trong lúc nó thức giấc trước bình minh, trong lúc ánh sáng đầu ngày dâng ngập bầu trời và tâm trí nó vẫn còn in sâu những chuyện của ngày hôm trước.
Rồi một ngày, luật trời dường như thể hiện. Thầy giáo đã ngủ gục ở bàn trong lúc cả lớp đang đọc to những bài kinh buổi sáng. PK ngửi được mùi rượu lậu trong hơi thở của thầy và tiếng ngáy vang khắp lớp khi thầy ngửa cổ há miệng càng lúc càng rộng. Rồi một chuyện kỳ lạ xảy ra, một chuyện nó không bao giờ quên. Một con chim trong số những con bồ câu hay đậu trên xà nhà lớp học đột nhiên phóng uế. Phân chim rơi ngay hướng bục giảng, thẳng xuống hướng bàn thầy giáo và, trước sự khoái trá của cả đám học trò, rơi tọt vào miệng ông thầy. Ông nhảy phắt dậy, rống lên và bắt đầu chửi rủa cả lớp, cho rằng có đứa nào đã chơi khăm mình.
Lũ bồ câu kia có đọc được ý nghĩ của PK không nhỉ? Dù có hay không. PK vẫn hả hê lắm trước bộ dạng kinh hoàng và phẫn nộ của ông thầy.
Không khí ở trường thay đổi hoàn toàn khi có thanh tra về thăm. Nhiệm vụ chính của thanh tra là kiểm tra xem trường có tuân thủ luật chống phân biệt của nhà nước không, luật này vốn đã xem việc đối xử thành kiến trên cơ sở đẳng cấp là phi pháp. Trong chiếc áo vét xanh, sơ-mi trắng và quần tây trắng ủi thẳng nếp, trông thanh tra đầy vẻ uy quyền bẩm sinh. Ông cười lịch sự nhưng sau nụ cười là một ý chí sắt đá.
Sáng hôm đó, PK được thầy bảo vào ngồi chung trong lớp, cứ như thân phận bất khả tiếp xúc của nó lâu nay chỉ là một cơn ác mộng thoáng qua. Đột nhiên nó trở thành người cùng một lớp và được nô đùa với chúng bạn khi ra chơi. Không ai đuổi nó đi cả. Nó thấy sướng tê tái như chim sổ lồng. Nhưng bi đát thay, nó không hề biết đó chỉ là trò vờ vĩnh hoàn toàn, ngay khi thanh tra ra đi, nó lại bị tống xuống địa ngục cách ly như cũ.
Nếu nó ít ngây thơ một chút, hẳn nó đã không cho phép mình vui mừng như vậy.
Tối về, nó kể mẹ nghe chuyện chúng bạn đã kinh ngạc như thế nào khi nó trả lời đúng hết mọi câu hỏi của ông thanh tra. Mẹ hãnh diện về nó thấy rõ và xúc động tới mức bật khóc. Điều đó khiến PK an lòng hơn, nó biết mình quan trọng và có giá trị trong mắt mẹ. Nhiều năm sau, ở tuổi thiếu niên, nó lại nghĩ rằng mẹ đã bật khóc vì sự đạo đức giả ấy, vì bà thừa biết cách đối xử ấy chỉ là giả vờ tạm thời để lợi dụng một vị khách chợt đến rồi đi.
Nó thường mơ thấy vị thanh tra ấy quay lại trường. Thanh tra ngồi xéo phía sau thầy giáo, mắt ông săm soi khắp lớp. Không việc gì thoát khỏi cái nhìn của ông và ông sẽ lo liệu cho mọi người đối đãi công bằng với PK. Còn nó ngồi ngay giữa lớp, các học trò khác bao quanh. Nó giơ tay, trả lời chính xác mọi câu hỏi và được khen liên tục.
Nhưng những giấc mơ ngọt ngào ấy tan biến khi nó mở mắt ra. Nó nằm im, giấc mơ đã qua nhưng cảm giác ấm áp vẫn còn nấn ná ôm ấp nó lâu hơn một chút. Ngực nó lại thấy căng tức ngay khi nó rời giường ra ngoài hiên đón mặt trời và nó thường diễn lại trong đầu cái nghi thức sau cuộc thanh tra. Chuyện xảy ra như sau: ông thanh tra vừa lên xe đạp phóng đi thì thầy giáo thuộc giới Brahmin và đám bạn cùng lớp con nhà có đẳng cấp liền kéo nhau thành đoàn đi ra bể nước tắm rửa thật sạch với xà bông. Họ rửa ráy cẩn thận và từ tốn, kỳ cọ cho sạch mọi dấu vết cuối cùng của mùi hôi thối mà sự hiện diện của PK đã lưu lại trên da thịt họ.
Lần đầu tiên xảy ra chuyện đó, nó đã về nhà khóc tức tưởi.
– Chúng nó dơ bẩn, – mẹ nó dỗ dành, – chúng nó phải tắm gội. Con đã làm ơn cho chúng, khiến chúng phải đi tắm. Chúng hôi rình!
Bà cứ lặp đi lặp lại mãi những lời ấy tới khi nó nín khóc. Dù nó biết mẹ nói dối, nhưng lời mẹ trìu mến và dịu dàng bao bọc nó như tấm chăn ấm. Ít ra trên đời này cũng có người chấp nhận nó.
Trò hề đó không chỉ diễn cho ông thanh tra. Năm nó học lớp ba, có một viên chức người Anh thời thuộc địa còn ở lại Orissa sau khi Ấn Độ độc lập đến thăm trường. Ông ta cùng bà vợ bước thẳng vào lớp học, ông mặc đồ vét đen, bà mặc váy hoa. Mặt mũi họ trắng mướt như sữa chua. Mấy đứa trò nữ thuộc giới Brahmin tròng vòng hoa vào cổ hai vị khách. Để đánh dấu sự kiện này, PK một lần nữa lại được cho ngồi chung với các trò khác trong lớp học, làm như chuyện làm nhục hàng ngày chỉ là một điều bịa đặt trong trí tưởng tượng của nó. Lũ trẻ cùng đứng lên hát cho khách nghe, cứ như một gia đình đoàn kết đầy yêu thương.
Lúc vợ chồng người Anh kia rời lớp học, người vợ đi tới chỗ PK và vỗ nhẹ vào má nó. Bà nhìn thẳng vào mắt PK và mỉm cười.
– Ta có thể chạm vào con vì ta cũng thuộc hạng “bất khả tiếp xúc”. – Bà vừa nói vừa tháo vòng hoa trên cổ ra quàng vào cổ PK.
Cảm giác được chấp nhận ấy thật là ngây ngất. Lần này PK đã hiểu điều đó chỉ là nhất thời thôi nhưng nó không muốn cảm giác phù du này kéo dài; không, nó đập tan niềm vui sướng thoáng qua này như đập một con muỗi, cố hết sức không cho cảm giác này vương vấn thêm nữa.
Khi hai người Anh này còn trong tầm mắt mọi người, hệ thống đẳng cấp không tồn tại. Có lẽ cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn khi người Anh còn cai trị chăng? Ông nội nó từng nghĩ như vậy.
Nó nhìn người phụ nữ da trắng ấy và nhớ tới lời tiên đoán của thầy tướng số: người sẽ là vợ nó sau này đến từ một nơi xa, xa lắm, thậm chí từ một đất nước khác. Trời đã định cho nó lấy một người mặc váy hoa và da trắng như sữa chua chăng?
Niềm khao khát phương Đông của Lotta ngày càng tăng. Ban nhạc The Beatles sang Ấn Độ tập thiền, báo chí Thụy Điển đưa tin. Cô bé đọc trên báo chuyện George Harrison của nhóm The Beatles đã qua Ấn Độ, gặp gỡ các bậc thầy tâm linh, học chơi đàn sitar9 và biểu diễn một bài nhạc Ấn trong một đền thờ Hindu ở London. Cô bé cũng đọc một bài phỏng vấn Maharishi Mahesh Yogi, vị guru10 hướng dẫn tinh thần cho nhóm The Beatles. Đạo sĩ này đã nói rằng ‘‘tứ quái Beatles’’ có tiềm lực vũ trụ. Đâu đâu cũng thấy Ấn Độ, không thể chạy thoát.
9 Loại đàn dây phổ biến nhất ở Ấn Độ.
10 Guru là một từ tiếng Phạn có nghĩa là bậc thầy, người thầy, người hướng dẫn một kiến thức nào đó.
Lotta thường nghĩ về ông nội mình, ông mất khi cô bé mới lên hai. Ước mơ của ông là đi đó đi đây, mong muốn lớn nhất của ông là lên đường đến những xứ sở xa xôi. Ông nội từng làm nghề thợ dệt và kết bạn với nhiều người buôn vải vóc từ Bombay đến. Ông đã đọc sách của Rudyard Kipling, Jack London, nhà thám hiểm Thụy Điển Sven Hedin và luôn nói về những dự tính tự mình thám hiểm Đông phương.
Lotta thường lấy ra tờ tạp chí Idum đã ngả vàng, trong đó ông nội đã khoanh tròn một mẩu quảng cáo những chuyến du lịch bằng tàu thủy sang Ấn Độ. Ông nội chưa thực hiện được giấc mơ của mình. Thay vào đó, ông đưa thế giới về nhà. Một ngày nọ, ông tìm được một chiếc lư cổ ở một tiệm bán đồ lạc-xoong trong vùng, hóa ra chiếc lư ấy xuất xứ từ Ba Tư. Không ai hiểu tại sao nó cuối cùng lại nằm trong đống đồ linh tinh phế thải ở Borås này, nhưng có hề chi? Ông nội Lotta nâng niu món đồ ấy. Đó là cuộc phiêu lưu của ông.
Khi ông mất, trách nhiệm gìn giữ chiếc lư thuộc về Lotta. Nhiều năm sau, rốt cuộc Lotta đã bày chiếc lư ấy trong hốc tường của ngôi nhà nằm trong khoảnh đất trống giữa rừng. Mình sẽ không bằng lòng với một chiếc lư, Lotta tự nhủ, mình sẽ thực hiện điều ông nội chưa từng thu xếp làm được.
Nhà cô bé là một căn hộ nhỏ ba phòng. Nhà họ thường túng thiếu và phải sống cần kiệm. Cha mẹ Lotta trông coi tiệm bán vải được thừa kế nhưng thực lòng họ không mong muốn công việc đó, khi chuyện làm ăn thất bát, rốt cuộc họ phải dẹp tiệm luôn. Cha Lotta bắt đầu công việc quản lý khu rừng của dòng họ, trong khi mẹ cô bé đi làm y tá ở phòng khám nha khoa của người anh.
Nhìn lối sống khiêm nhường của họ thì chẳng ai biết gia đình Lotta là hậu duệ của một hiệp sĩ. Họ là con nhà quý tộc, dòng họ Von Schedvins. Đó là một cái danh đáng tự hào đối với người khác nhưng lại là một gánh nặng ràng buộc đối với Lotta. Mang cái danh mỹ miều ấy chẳng có gì hay ho. Lotta muốn được giống như mọi người khác. Thế nhưng cô bé vẫn thấy mặc cảm có tội vì trót xem thường xuất thân đặc quyền của mình.
Nhà cô bé có chiếc ô tô cũ rỉ sét thường hỏng hóc. Nhưng Lotta và các em gái lại muốn có một con ngựa. Thế là cả nhà ngồi lại bàn tính: đầu tư cho cái gì là quan trọng hơn, con ngựa hay chiếc ô-tô? Không thể được cả hai, chỉ một mà thôi. Mẹ Lotta giữ lá phiếu quyết định.
– Chuyện các con có thú vui chơi quan trọng hơn chuyện nhà ta có xe mới. – Mẹ nói. Rồi bà quay sang chị em Lotta. – Các con phải học cách chịu trách nhiệm cho một điều không phải là bản thân các con.
Lotta từng xem một bộ phim ở rạp về một chú bé cưỡi voi đi khắp rừng già rậm rạp xứ Ấn. Mình sẽ có một người bạn như thế, cô bé nghĩ. Và chẳng bao lâu sau, cô đã kết bạn qua thư từ với nhiều người ở Nairobi, Nhật Bản, Áo và San Francisco.
Một ngày kia, một chiếc vòng đeo tay làm bằng lông voi từ Nairobi được gửi đến cho Lotta. Cô bé tự hào đeo chiếc vòng đến trường ngay ngày hôm sau.
Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ là Jawaharlal Nehru đã tuyên thệ nhậm chức ngày 15-8-1947, ngày Ấn Độ giành độc lập từ tay Đế quốc Anh. Nehru đặt niềm tin vào tính hiện đại, nền công nghiệp, đô thị hóa và ngành hỏa xa. Trong bài diễn văn vạch ra viễn kiến của ông về nước Ấn, Nehru đã nói đến việc những cái mới phải thay thế cái cũ kỹ, vô dụng của quá khứ. Lời Nehru khiến nhiều đồng bào của PK phấn chấn. Thực vậy, cha PK là một trong số những người ngưỡng mộ Nehru nhất, cũng như ông hiệu trưởng ở trường nó.
Vào ngày đầu tiên nhận việc mới, ông hiệu trưởng cho tập hợp học sinh dưới sân trường để nói cho chúng nghe về đủ loại máy móc và những thứ hiện đại mà ông đã nhìn thấy ở thành phố. Đầu tiên ông nói về điện thoại, khi đó vẫn là một thứ lạ lùng và thần kỳ, tới giờ PK vẫn còn nhớ rõ.
– Tàu lửa là một đoàn xe dài lắm, – hiệu trưởng nói tiếp với vẻ kịch tính, – trông nó giống một con rắn khổng lồ từ chỗ thầy đang đứng đây dài tới tận đằng kia. – Ông chỉ tay về triền dốc đầy cỏ cách đó vài trăm thước. – Nó cũng di chuyển như con rắn, ngoằn ngoèo xuyên qua vùng quê. Thầy đã đi trên tàu lửa đó ba ngày hai đêm để tới đây. Có hơn trăm con người ngồi trên đoàn tàu đó.
PK nghe kỹ và hình dung đoàn tàu là một con rắn nhân tạo trườn qua bãi cát, còn con người ngồi xoạc chân cưỡi lên trên, giống như cưỡi ngựa hay cưỡi voi.
– Có ai hỏi gì không? – Cuối cùng ông hiệu trưởng kết thúc câu chuyện.
PK giơ tay.
– Nó có nhảy phóc lên như rắn hổ mang không, thưa thầy?
PK không những nhớ lại con rắn hổ mang đã bảo vệ nó lúc bé xíu mà còn nhớ con rắn đã cắn nó khi mới năm tuổi. Lúc đó PK tức điên đến độ chộp lấy con rắn ấy, cắn xuyên qua lớp da rắn đầy vảy cho con vật kia chảy máu tới khi chết rũ trên hai bàn tay nó. Chú bé tưởng tượng tàu lửa là một con vật lớn hơn con rắn đó rất nhiều lần, sáng bóng và mạnh mẽ.
Ông hiệu trưởng khịt mũi rồi hít một hơi ra vẻ quan trọng. Thầy nói:
– Nó nặng lắm, không nhảy phóc lên được; nó làm toàn bằng sắt.
Đúng rồi, vậy thì nặng kinh khủng, PK hiểu ra. Tàu lửa không thể nhảy bật lên khỏi mặt đất. Nhưng nó còn một câu hỏi nữa.
– Tàu lửa có đến làng này không?
Lúc này ông hiệu trưởng đã hết kiên nhẫn.
– Không, chắc chắn là không. Nó chỉ chạy trên sắt. Những con đường bằng sắt. Còn ở đây ta không có đường sắt.
Kỳ lạ! Những con đường làm bằng sắt cứng ngắc. Thử hình dung xem tốn bao nhiêu sắt để xây nguyên một con đường! Nhiều hơn tất cả những đầu mũi tên của ông nội hợp lại, mà nội lại có nhiều mũi tên hơn hết thảy mọi người trong làng. Có lẽ nếu mình lấy hết các mũi tên đó nấu chảy ra thì có thể đủ… làm một mét đường? Không hơn. Mà thầy hiệu trưởng đã nói là thầy đi mất ba ngày hai đêm!
Nó cố mường tượng ra số lượng sắt thép kinh khủng ấy, nhưng càng cố đoán nó càng thấy choáng ngợp và phải lắc đầu để xua cảm giác ấy ra khỏi tâm trí.
Sau năm năm học, PK chuyển sang trường nội trú và giống như cha và hai anh, mỗi tuần nó về với mẹ chỉ có một ngày.
Nó đi dọc theo mấy hành lang của trường học mới và ngước nhìn lên trần. Trên trần các hành lang được trang trí bằng những vật thể lạ lùng nó chưa từng thấy bao giờ: những quả cầu tròn treo trên những sợi dây mảnh. Một cảnh tượng khó hiểu. Đèn dầu ư? Làm sao sáng rực như thế được! Sáng cỡ đó thì tốn dầu lắm, nó nghĩ. Nó xem xét kỹ từ mọi phía, tìm chỗ chứa dầu thắp đèn.
– Dân thành phố châm dầu vào đèn bằng cách nào? – Nó hỏi cha ngay Chủ nhật đầu tiên ông về nhà.
Shridhar trả lời là PK đừng có bận tâm với những chuyện như vậy, từ từ rồi nó sẽ hiểu cách hoạt động của mọi thứ.
– Nhưng cứ làm quen dần đi! Thủ tướng đã hứa với chúng ta là làng ta rồi cũng sớm có những loại đèn như thế. – Ông nói thêm.
Ngay ngày đầu tiên ở trường mới, ai cũng biết rõ thân phận tiện dân dưới đáy của nó và cả các thầy giáo lẫn học sinh đều cư xử với nó tương ứng theo đó. Thực vậy, bây giờ nó mang trong túi một tờ giấy gập đôi chứng nhận đẳng cấp do chính quyền địa phương cấp. Giấy này cho nó được hưởng phần chỉ tiêu dành cho “Các đẳng cấp có trong danh mục”, “Các bộ tộc có trong danh mục” và “Các đẳng cấp lạc hậu khác” bao gồm hạng tiện dân dưới đáy và những người bộ tộc như nó:
Giấy chứng nhận đẳng cấp. Hồ sơ lưu Số 44/1975. Chứng nhận Sri Pradyumna Kumar Mahanandia, con trai của Sri Shridhar Mahanandia ở làng Kandhapada PS Athmallik, huyện Dehnkanal, thuộc đẳng cấp có trong danh mục. Chi tộc Pan.
Đó, bằng chứng giấy trắng mực đen là nó thuộc hạng “bất khả tiếp xúc”, một người hạ đẳng, một công dân hạng hai. Giấy chứng nhận này giúp nó được mua vé tàu giá rẻ hơn và một ngày nào đó sẽ dễ vào đại học hơn, điều đó thì đúng. Nhưng nó chủ yếu xem đó là dấu hiệu ô nhục. Nó chỉ là một thằng bé thấp hèn cần được đối xử đặc biệt để sống sót.
Một trong những thầy mới của nó tình cờ là giám đốc một trại tế bần dành cho người Dalit (bất khả tiếp xúc), nhờ đó ông có đủ thẩm quyền để cho chú bé PK biết chính xác người khác mong đợi gì ở nó và nó phải biết cư xử ra sao. PK không được vào nhà bếp hay phòng ăn nếu có bất kỳ ai đang ở đó. Và như vậy thì phải ngồi dưới sàn ngoài hành lang và ở đó chờ nhận thức ăn. Bác đầu bếp sẽ ra đó cho nó ăn cuối cùng, và ăn riêng.
Đầu bếp đi ra cùng mấy cái chảo và múc một phần cơm, xúp dal và cà-ri rau củ, ông ta giơ cái vá lên cao rồi trút thức ăn xuống để tránh không chạm vào cái bát của PK. Có hôm PK chỉ được cho ăn cơm không vì các thức ăn khác đã hết sạch. Khi nó than phiền, đầu bếp chỉ thở dài làm như ông ta cũng bất lực chẳng khác chi PK trong hoàn cảnh này.
– Đó là cái nghiệp từ kiếp trước của mày. Mày phải hiểu và tôn trọng điều đó. – Đó là câu trả duy nhất của ông ta.
Đây không phải là lần đầu tiên nó nghe câu giải thích này, giới Brahmin hay những người đã được giới Brahmin tẩy não đều nói y như vậy. Đó không phải lỗi của họ, nó thường tự nhủ, họ đã bị tiêm nhiễm, bị dạy cách đối xử với hạng tiện dân dưới đáy như là những kẻ cùi hủi. Nhưng dù vậy nó vẫn giận sôi trong lòng.
Nhà trường thuê một Dhobi wallah, tức là người giặt quần áo, cho học sinh nội trú. Ngoại trừ PK. Khi nó biết điều này, cơn giận của PK biến thành tiếng thét thịnh nộ nhưng nó quá sợ nên không thốt ra. Thay vào đó, nó lẻn xuống bờ sông và giống như nó đã làm hồi nhỏ với mấy giáo sĩ ở đền thờ làng, PK móc ná thun bắn vào mấy vò nước của Dhobi wallah này. Và một lần nữa, nó bị bắt quả tang.
Trong tuần đó, ông Dhobi wallah gửi thư cho cha nó: “Con trai ông phải hiểu và tôn trọng các phép tắc và truyền thống của chúng ta. Nếu con trai ông đột nhiên tự tung tự tác thì sẽ ra cái thể thống gì?”.
Shridhar, cha nó, trả lời rằng ông biết hết các truyền thống đó và chắc chắn con trai ông cũng biết. “Thế nhưng các phép tắc đó là bất công và nhục nhã”, ông phúc đáp trong thư, “đối với một đất nước muốn trở thành hiện đại và tranh đua với các cường quốc phương Tây”.
Tay thợ giặt ấy có từng nghe những bài diễn văn của Thủ tướng Nehru chưa? Hắn có biết là các chính khách ở New Delhi đã mơ tưởng đến một nước Ấn xóa sạch các hệ thống tôn ti đẳng cấp chưa? Hắn có đọc lời tuyên bố anh minh nhất của Nehru rằng con người là loài có ý chí tự do và không bị khống chế bởi các phong tục cổ xưa không? Cuộc đời là một canh bạc, Nehru từng nói, những con bài ta được chia đã định sẵn, nhưng cuộc đời cũng chỉ là tài nghệ của anh trong ván bài này. Đó là ý chí tự do của ta.
Tuần sau đó, ông Dhobi wallah tới chỗ PK lúc nó ngồi ăn một mình trong hành lang. Ông ta nói nhỏ:
– Tối nay mang áo quần của cháu tới chỗ ta, nhưng nhớ đừng để cho ai trông thấy. Ta sẽ giặt đồ cho rồi tới mai cháu lại mang về khi mọi người đã ngủ.
Dù không trọn vẹn nhưng cũng là một chiến thắng.
Xã hội Ấn đầy những mâu thuẫn, PK quá biết điều đó. Một ví dụ rõ nhất là chuyện hệ thống đẳng cấp đã ảnh hưởng đến ông nội nó ra sao. Nội là người được kính trọng trong những hoạt động thế tục. Thế nhưng không bao giờ các giáo sĩ Brahmin nhận thức ăn hay cốc nước nào mà có khả năng ông nội đã đụng chạm vào. Ông nội cho tới chết cũng không được phép bước vào đền thờ.
Người tộc Pan làm nghề dệt vải suốt hàng trăm năm, nhưng ông nội nó phá bỏ truyền thống và đi làm việc văn phòng ở Athmallik. Dù người thuộc đẳng cấp Brahmin coi ông như một thứ phân bẩn thỉu, người Anh lại tôn trọng ông. Họ thường làm mọi cách để chọc giận giới Brahmin. Họ bổ nhiệm ông nội làm chatia, xã trưởng, và giao ông nhiệm vụ phân xử các tranh chấp địa phương cũng như báo cáo mọi việc sinh, tử, phạm tội với chính quyền thuộc địa. Ở trong làng không có đồn cảnh sát hay phòng hộ tịch, mọi việc đều giao hết cho ông nội. Vai trò này đảm đương luôn chuyện trừng trị. Nếu có ai phạm luật thì chính ông nội sẽ lấy gậy ra quất kẻ vi phạm, đó là quy định của người Anh. Nhưng quan trọng nhất, chức vụ này khiến ông trở thành đại diện chính thức cho Đế quốc Anh bởi vì những người Anh đế quốc này không tin tưởng giới Brahmin. Nghe đâu một người Anh ở Athmallik đã từng nói: “Người Brahmin có quá nhiều điều cấm kỵ liên quan đến chuyện ăn uống, cũng như các quy tắc xã hội kỳ lạ cho nên không ai làm sao biết được là mình có đang làm gì gây xúc phạm tới họ không”.
Người Anh cũng biết giới Brahmin ngờ vực họ. Những người Brahmin chính thống khinh miệt các ngoại kiều thực dân và gọi họ là “bọn ăn thịt bò”. Đó cũng là một lời sỉ nhục.
Ông nội thường nói với PK là ông thích người Anh biết bao. Ông bảo:
– Họ hứa là giữ lời, họ là người tốt. Khác với người Brahmin, người Anh bắt tay với chúng ta. Họ không nề hà việc đụng chạm vào ta. – Rồi ông chuyển sang giọng hết sức nghiêm trọng – Cháu phải tránh xa người Brahmin ra. Nếu cháu không tránh xa là cháu tự hại mình đó.
Trong những năm thiếu niên, PK tìm được nơi trốn lánh và tình bạn ở chỗ bất ngờ nhất: gánh xiếc rong. Một ngày nọ gánh xiếc đến đây không báo trước, căng lều, buộc voi và dựng lên một khu vui chơi lưu động gần bên. Tối đầu tiên, một đoàn xếp hàng dài trước chỗ đặt đu quay và vòng xoay ngựa gỗ, chạy bằng sức người trên những chiếc xe đạp đã chế lại thành động cơ. Mấy đồ chơi rỉ sét đó kêu cọt kẹt, rú rít và sáng nhấp nháy. Những thứ có lẽ ọp ẹp, thảm hại hết sức, vậy mà PK vẫn cứ say mê trước mấy cái máy cọc cạch quay tròn đó. Thế nhưng không hiểu sao nó lại thích nhất là khu lều bạt của gánh xiếc. Nó tha thẩn giữa đoàn xe lưu động, vỗ về đám ngựa với mấy con voi rồi làm quen với những người tung hứng và người dạy sư tử.
PK cẩn thận cho họ biết là nó thuộc hạng hạ đẳng. Để tỏ lòng tôn trọng. Như vậy tùy họ muốn giữ khoảng cách với nó hay đuổi nó đi. Làm thế thì nó sẽ không gây nhơ nhuốc cho họ.
– Bọn ta chẳng bận tâm mấy thứ đó! – Một người dạy sư tử nói.
– Chúng ta là người Hồi giáo, chúng ta hiểu mà. Người khác cũng đối xử với chúng ta cứ như chúng ta là dân bất khả tiếp xúc vậy. – Một người tung hứng nói.
Chưa từng có ai cho nó biết là dân Hồi giáo ở Ấn Độ cũng bị xử tệ như là hạng tiện dân dưới đáy. Trên lý thuyết thì người Hồi giáo không nằm trong hệ thống đẳng cấp. Nhưng trong thực tế, họ cũng từng là những người Hindu hạ cấp đã thoát khỏi thân phận bất khả tiếp xúc nhờ theo đạo Hồi. Nhưng cũng chẳng khá hơn trước. Họ cũng bị loại trừ và hạ nhục y như cũ.
Hệ thống đẳng cấp này là thứ dịch bệnh bất trị, PK kết luận.
Chiều nào tan học nó cũng tới gánh xiếc. Rốt cuộc nó đã tìm ra một nơi đối xử nó với lòng tôn trọng chung. Những người ở gánh xiếc thân thiện, cởi mở và hiếu kỳ. Họ trả lời những câu hỏi của nó và lắng nghe chuyện của nó kể. Thật là một cảm giác lạ thường. Sau vài ngày, họ cho nó một việc làm. Sao không nhỉ? Nó không bận tâm nếu bê trễ việc học. Nó là vậy. Nó hành động trước khi suy nghĩ và những đề nghị tốt lại hiếm hoi đến mức nó không bao giờ từ chối.
Nó thấy hãnh diện. Lần đầu tiên trong đời, nó cảm thấy được cộng đồng chấp nhận.
Trong hai tuần lễ, nó mang rơm cho mấy con thú và vác thang tới các lều trại. Nó cũng vẽ mấy bức tranh quảng cáo cho họ.
– Mày làm chú hề theo bọn ta lưu diễn đi! – Một ngày kia ông chủ gánh xiếc bảo nó.
Hẳn rồi, sao lại không? Dẫu sao cũng đã bắt đầu mùa hè. Nó được phát cho chiếc áo khoác dài có sọc và một cái mũi giả bằng nhựa đỏ. Nó học vài mánh lới và mấy tuồng trò ngắn, và thấy việc này cũng không khó. Hay nhất là khán giả bật cười. Muốn thu hút được chú ý của công chúng cũng dễ và cảm giác thành công ban đầu thật ngây ngất.
Những người làm trò xiếc cũng mến nó. Nhưng sau vài tuần, khi ông chủ đề nghị nó theo họ đi diễn dài ngày hơn ở nhiều tiểu bang miền đông Ấn Độ thì nó do dự. Có gì đó không đúng. Nó bắt đầu cảm thấy chuyện thủ vai hề chính là khẳng định luôn thân phận bị loại trừ của mình. Thằng hề là gì nếu không phải là một kẻ thất bại đang cố che đậy sự thật đó bằng cách tự biến mình thành kẻ chọc cười. Nó đang ở chung với những người có cùng suy nghĩ, nó có việc làm, thậm chí nó còn kiếm được tiền, nhưng không hiểu sao tiếng cười của những người Hindu có đẳng cấp trong đám khán giả lại nghe đầy khinh miệt. Không, nó không muốn làm thằng hề.
Kỳ thi ở trường là một cực hình tàn nhẫn. PK thường ngồi chết sững, nhìn chằm chằm vào đề bài. Hầu như nó chẳng làm được câu nào. Môn toán và lý là kinh khủng nhất. Thầy giáo giảng nó có hiểu gì đâu?
Mình là đồ hạ đẳng và ngu ngốc, nó than thân trách phận một mình.
Nếu không qua được kỳ thi này, nó chẳng có tương lai. Như vậy nó phải cam lòng đi cọ rửa nhà vệ sinh cho người giàu, hay làm thợ dệt, thợ nung gạch, những nghề định sẵn cho hạng tiện dân dưới đáy, những người – giống như nó – không thể làm việc gì khác để kiếm sống.
Nó đi xuống sông với ý định gieo mình xuống ghềnh thác, đi tìm sự giải thoát cuối cùng, một khai mở tốt đẹp hơn của riêng mình. Nó lao tới, chấm dứt mọi đau khổ. Một điều gì khác đang chờ đợi nó, chắc chắn.
Nhưng đúng lúc nước ôm chầm lấy thân xác, nó vẫn còn kịp nghĩ: mẹ nó sẽ nói gì? Cảm xúc trong lòng bắt đầu phản kháng lại dòng nước đang kéo nó xuống cõi âm u.
Nó vẫn muốn sống.
Nó trồi lên mặt sông, bơi vào bờ và trèo lên một bãi đá cuội chật hẹp. Thế nhưng một động lực lại thôi thúc nó phải thử lần nữa. Nó lại nhảy xuống nhưng cơ thể cứ chống chọi với nước. Nó lại trồi lên. Một lần nữa, nó tự nhủ. Khi lặn tới đáy sông, nó ghì chặt một tảng đá để giữ cho thân thể khỏi trồi lên. Nó muốn cuộc giải thoát cuối cùng này.
Bây giờ không thể quay lại được nữa.
Thình lình tảng đá bật ra khỏi đáy sông và nó lại vọt lên mặt nước. Người ướt đẫm, lòng tuyệt vọng, nó quay lại trường, nằm trên sàn khu nội trú nhìn lên trần.
PK bắt đầu điểm lại những chuyện vừa qua. Nó ghét các thầy giáo, ghét ông Dhobi wallah, ông đầu bếp và các học sinh khác. Nó ghét cái cách họ chấp nhận vị trí định đoạt sẵn cho mọi người trong xã hội. Thế nhưng nó không vứt bỏ được cảm giác là mọi chuyện này đều có nguyên do. Chẳng có gì vô nghĩa trên đời này. Ngay cả thất bại cũng có mục đích của nó. Cảm giác bị loại trừ này cũng có mục đích, ý định tự tử này cũng có mục đích và tảng đá long ra vào phút chót cũng có mục đích luôn. Để khuây khỏa, nó nhớ lại chuyện lá số và tử vi. Lời tiên tri. Người phụ nữ sẽ thành vợ nó. PK cố tưởng tượng hình ảnh cô ta trong tâm trí. Hình ảnh một phụ nữ da trắng rõ dần trong bóng tối trước mặt nó. Cô ấy xinh đẹp và nụ cười hiền lành. Nó cảm nhận hơi ấm của ai đó trong lúc nó nhắm mắt và tin chắc là ánh sáng đang bao trùm quanh mình. Mẹ. PK không biết tại sao nó dám chắc điều đó, nhưng không thể nghi ngờ gì nữa. Mẹ đang ngồi trên sàn nhà, vỗ về nó.
– Kệ đi, con, – nó nghe tiếng mẹ, – chúng nó toàn những đứa ngu xuẩn, con đã làm đúng hết. Rồi có ngày con sẽ gặp người phụ nữ trong lời tiên tri, vợ tương lai của con.
Bóng tối đen kịt tận cùng, nhưng chính mẹ nó, chính ánh sáng của bà, đã nâng đỡ nó, ngăn không cho nó lao vào cõi hư vô.
Thật dễ chịu khi có mẹ ngồi cạnh bên. Đó là lời cuối cùng nó còn nhớ đã nói với bà trong buổi tối khốn khổ ấy, trước khi chìm vào giấc ngủ.
Mọi nam sinh bắt đầu năm cuối trung học đều phải tham gia trại huấn luyện quân sự. Ấn Độ đã có hai lần chiến tranh với Pakistan và một lần với Trung Quốc. Chiến trận vẫn xảy ra trong các rừng già ẩm thấp, trên các sa mạc nóng bỏng và trên các băng hà buốt giá. Mọi nam sinh phải sẵn sàng nhập ngũ khi có chiến tranh vì ai cũng biết không sớm thì muộn chiến tranh cũng bùng nổ trở lại.
Đó là lúc PK tham gia trại huấn luyện của National Cadet Corps ở Baulpur. Hơn một ngàn thiếu niên từ khắp Orissa tụ về đây trong sức nóng mùa hè để học quân sự và tập bắn. Học sinh ở trong những chiếc lều bạt dựng hai bên bờ sông Brahmani, dưới những cây xoài nặng trĩu quả và trái chín rơi rụng xuống cát chung quanh chúng. Những bài tập luyện đơn điệu và nhàm chán, nhưng PK mê mẩn vì những bộ quân phục, mũ két, mề đay và những đôi giày bốt bằng da nặng nề. Bộ đồ ấy cho nó một cảm giác oai phong.
Một ngày nọ, PK và hai học viên khác được giao nhiệm vụ canh gác khu lều trại trong khi mọi người kéo đến khúc sông cách đó một cây số để nấu bữa tối. Những đám mây xanh đen, căng nước đã sà thấp trên đầu ngọn cây suốt cả buổi chiều. Gió bây giờ đã mạnh lên. Mọi người ra đi chưa được bao lâu, những hạt mưa đá to bằng hột bắp bắt đầu quay cuồng trong không trung.
Cơn lốc ập tới nhanh hơn và mạnh hơn dự đoán của mọi người. Chưa đầy mười phút, lốc đã san bằng toàn khu trại. Bầu trời đen kịt thỉnh thoảng lóe lên một ánh chớp trắng xanh và PK lao xuống một con mương mà nó và các bạn mới đào ngay hôm ấy. Một luồng gió mạnh đột ngột quẳng thêm một học viên trực xuống mương bên cạnh PK. Một cành xoài lớn bị gió bẻ lìa dễ dàng như bẻ một que tăm. Một cành nhỏ hơn bay vèo xuống giáng vào người PK. Đau thấu xương. Nó nhìn lên và thấy máu đọng thành vũng ở chỗ nó nằm. Chất lỏng màu đỏ ấy đang thấm vào quần áo nó. Chỉ mấy giây sau, người nó ướt đẫm máu.
Nó nhìn xuống cơ thể, nhưng đâu có chỗ nào bị chảy máu. Rồi PK hiểu ra: máu của bạn nó.
Mấy giờ sau PK tỉnh lại, một ngọn đèn sáng chói khó chịu treo ngay trên cao. Nó đang nằm trên chiếc băng-ca cứng trong một bệnh viện ở Dhenkanal. Nó bị gãy một chân. Còn bạn nó bị một cành cây lớn đè dập thân và đã chết.
***
Chưa kịp trở tay thì đã đến mùa thi lại. Đúng cái lúc mọi thứ tưởng như vô vọng thì hy vọng đã quay về. Vận rủi của nó cuối cùng đã hết. Trí nhớ của nó bắt đầu hoạt động trở lại. Bế tắc đã thông.
Nó thi đậu. Vừa đủ điểm.
Những gì nó đã học cũng có cái in vô đầu. Nói cho cùng thì PK cũng đâu phải đồ vô dụng.
Cha nó lại thấy đây là cơ hội thúc đẩy PK theo nghề mà ông đã chọn cho con. Học kỹ sư đi, con. Một nghề có nhiều triển vọng, một tương lai tươi sáng cho PK và cho nước Ấn, xây dựng trên lẽ phải và khoa học chứ không phải trên sự mê tín và thành kiến của giới giáo sĩ.
Cha bảo nó nộp đơn vào ngành khoa học. PK nghe lời và được nhận vào đại học vào mùa thu sau. Nhưng nó mau chóng chán nản với chương trình học và thay vào đó lại thích vẽ hí họa các giảng viên đang giảng bài.
– Dân hạ đẳng không có đầu óc! – Giảng viên toán của nó la toáng lên khi phát hiện ra những tranh vẽ đó.
Nhưng bị đuổi khỏi lớp lần này lại không khiến cho PK tuyệt vọng. Nó biết mình muốn gì và đó là một cuộc đời khác hẳn những gì cha nó đã hình dung cho thằng con. Nó ghét các môn khoa học tự nhiên: toán, lý, hóa là các môn nó học kém nhất. Hãy để chuyện xây dựng quốc gia cho ai khác đi.
Cũng chính giảng viên toán đó qua hôm sau lại tới chỗ nó cho mấy lời khuyên chí lý. Ông thầy nói:
– Pradyumna Kumar, học như vậy chẳng đi tới đâu.
– Vậy em phải làm sao đây?
– Vào trường mỹ thuật đi!
Nó nghe lời thầy và bỏ trường ra đi với gia tài là 55 đồng rupee trong túi. Lúc đầu nó không biết phải đi đâu, nhưng rồi nó nhớ ra tu viện Bhima Bhoi ở Khaliapali, cách nhà nó mấy giờ đi xe buýt. PK biết các thầy tu ở đó tiếp nhận những linh hồn lạc lõng như nó. PK được đón tiếp ân cần, được cho một chiếc chiếu rơm để ngủ và thức ăn qua ngày. Những người này cùng chung hệ giá trị với nó, cho nên nó ngồi trên sàn cạnh các tu sĩ này, những người chỉ có mảnh khố che thân.
Người sáng lập phong trào tinh thần này là Bhima Bhoi khiến PK say mê. Các thầy tu ở đây cho nó biết Bhima Bhoi vốn là một đứa bé mồ côi trong vùng và đã lập ra giáo phái này vì tuyệt vọng với hệ thống đẳng cấp, phân chia thứ hạng và với giới giáo sĩ Brahmin đạo đức giả của Ấn Độ. Ông nhanh chóng thu phục được nhiều người theo.
Các thầy tu hát những bài ca của sư phụ Bhima Bhoi và ngâm những bài thơ đẹp nói về một xã hội công bằng, trong đó mọi người sống với nhau không bị chia rẽ thành những phe phái tranh đua. PK tìm thấy niềm khuây khỏa khi nghe những ý nghĩ của mình được thốt ra qua những lời ca đó. Ở đây, nó bình đẳng với mọi người. Các thầy tu cũng có chung cảm tưởng như nó về giới Brahmin.
Vậy mà vẫn có cái gì đó thôi thúc nó không được sống suốt đời tham thiền nhập định. Đời tu sĩ không phải dành cho nó; nó cần phải nếm trải nhiều điều khát khao, mong muốn trước khi không màng tới những thứ đó nữa. Nó sẽ lấy vợ, lá số đã báo trước rồi, và nó muốn nhìn thấy thế giới ngoài kia, bên ngoài Athmallik.
Nó tiếp tục hành trình và lẻn lên chuyến tàu lửa ngược ra bắc tới Tây Bengal. Đoàn tàu kẽo kẹt sẽ đưa nó đến cuộc đời mới và trong lúc nhìn thế giới trôi qua cửa sổ, nó nhớ lại ông hiệu trưởng từng mô tả những đoàn tàu như những con rắn bằng sắt thép. Nhớ lại chuyện nó đã từng tưởng tượng hành khách ngồi xoạc chân cưỡi lên con mãng xà khổng lồ đang chạy ngoằn ngoèo trên những con đường lát kim khí. Nó bật cười trước sự ngớ ngẩn của mình. Còn rất nhiều điều nó chưa từng hiểu biết.
Đích đến kế tiếp của nó là Kala Bhavana, trường mỹ thuật ở làng Shantiniketan do nhà thơ người Bengal là Rabindranath Tagore sáng lập. Nó đăng ký trọ ở ký túc xá của trường này. Một rupee một đêm cho một cái giường? Giá đó thì nó chịu được. Nhưng học phí thì không rẻ chút nào và nó buộc phải bỏ ý định theo học. Nó cũng không thể nào viết thư xin cha giúp đỡ. Thay vào đó, những người ở trường này cho PK biết ở dưới Khallikote, ngay bang Orissa quê nhà của nó, có một trường mỹ thuật dành cho sinh viên có xuất thân nghèo khó như nó.
Hy vọng lại bùng lên, nó lẻn lên một chuyến tàu xuôi nam và đến trường mỹ thuật này, một tòa nhà cũ thời thuộc địa, sàn lát đá hoa và có hàng rào bằng gang bao quanh, nằm lọt thỏm giữa mấy ngọn núi cao và hồ Chilika rộng lớn.
Trường này rất nổi tiếng vì dạy miễn phí. Nhưng muốn giành được 33 suất học thì phải tranh tài khốc liệt và PK là một trong hàng trăm người ghi danh thi tuyển. Quá trình tuyển chọn bao gồm một loạt bài kiểm tra về kỹ năng vẽ với sơn, mực và chì than của thí sinh. Nhà trường bày ra một mẫu tĩnh vật ở ngoài sân – một chiếc bình, một chùm nho và ba trái xoài – và những sinh viên triển vọng ngồi thành vòng tròn chung quanh.
PK liếc nhìn bài vẽ của các thí sinh khác và thấy tự tin. Hôm sau, các thầy đến thông báo kết quả. Những người không đạt được nêu tên trước. Rồi với những người may mắn, với số điểm thi và thứ tự theo trình độ kỹ năng.
PK đứng đầu bảng.
Nó không nói với ai ở trường mỹ thuật Khallikote về thân phận bất khả tiếp xúc của mình. Mà cũng không ai hỏi nó chuyện đó. Các thầy và sinh viên từ khắp nước tụ về và họ giao tiếp với nhau cứ như không hề tồn tại đẳng cấp hay thứ bậc. Thật là một cảm giác mới lạ và mạnh mẽ. Đây là một Ấn Độ khác và nó nhớ tới gánh xiếc Hồi giáo lưu động mà nó có gia nhập một thời gian ngắn hồi trước.
Một cuộc đời khác có thể bắt đầu.
Năm học đó ở Khallikote nó thành công tột bậc. Các thầy chọn nó là sinh viên tài năng nhất và tới mùa xuân họ khuyên nó nộp đơn xin học bổng để học tiếp ở New Delhi. Nó cũng làm hồ sơ và chờ trả lời và câu trả lời cuối cùng đến theo tiếng lộp độp, ầm ầm cùng cơn mưa giông mùa hè. Cha nó, ông trưởng bưu cục, mang chiếc phong bì màu nâu kiểu công văn về nhà và đưa cho vợ xem. Bà rọc phong bì ra rồi trả lại cho chồng để ông đọc to lên.
– Con được học bổng rồi! – Kalabati nói khi PK về nhà.
Mặt đất dưới chân nó chao đảo.
– Con sẽ lên Thủ Đô học. – Mẹ nói tiếp và bắt đầu khóc.
Cha chúc mừng nó, rốt cuộc ông đã từ bỏ ý định muốn con trở thành kỹ sư.
Mẹ nó khóc lóc, bỏ ăn suốt ba ngày trước khi nó lên đường. Chuyến đi xa này đối với bà là một bi kịch. Thế nhưng cảm xúc của bà đầy mâu thuẫn. Bà cũng thấy tự hào. Thực vậy, trước mặt các phụ nữ xóm giềng, bà nói giọng đầy hoan hỉ:
– Con trai tôi sẽ đi bằng xe buýt và xe lửa, rồi nó sẽ bay trên con chim bạc băng qua rừng qua núi và đi xa hơn nữa, mọi người không tưởng tượng nổi đâu.