Sức mạnh và sự bình an
trong một thế giới biến động
Không nao núng
Một niềm tin kiên định không bao giờ dao động; một cam kết trung thành với sự thật;
sự hiện hữu, bình an trong tâm hồn và tĩnh tại trước mọi bão dông.
Bạn cảm thấy như thế nào nếu từ tâm trí, trái tim và sâu thẳm trong tâm hồn mình, bạn biết mình sẽ luôn được sung túc? Bạn cảm thấy như thế nào khi biết chắc chắn rằng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra với nền kinh tế, thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản, bạn vẫn luôn có sự an toàn về mặt tài chính đến cuối đời? Bạn cảm thấy như thế nào khi biết mình sẽ có một gia tài to lớn đủ để bạn không chỉ có thể chăm lo cho gia đình mà còn tận hưởng niềm vui đến từ việc giúp đỡ người khác?
Tất cả chúng ta đều mơ ước đạt được sự bình yên nội tại, sự thoải mái, độc lập và tự do đó. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta đều khao khát có được trạng thái vững vàng.
Nhưng như thế nào mới là vững vàng?
Vững vàng không chỉ là một trạng thái liên quan tới vấn đề về tiền bạc. Nó là một trạng thái của tâm trí. Khi thật sự vững vàng tới mức không điều gì có thể lay chuyển, bạn có một niềm tin không nao núng trước mọi phong ba bão táp. Như vậy không có nghĩa là không có chuyện gì khiến bạn buồn phiền. Ai cũng có những vấn đề riêng. Nhưng bạn không bị vướng mắc mãi trong chuyện buồn phiền đó. Không có gì có thể quấy nhiễu bạn lâu. Bạn không để nỗi sợ hãi lấn át. Nếu bị mất cân bằng, bạn sẽ nhanh chóng tìm lại trọng tâm và lấy lại sự bình tĩnh nội tại. Khi người khác đang lo lắng, bạn đủ tỉnh táo để tận dụng sự hỗn loạn đang bủa vây. Trạng thái tâm trí này giúp bạn làm một người lãnh đạo chứ không phải người đi theo, làm người chơi cờ chứ không phải quân cờ, trở thành một trong số ít người hành động chứ không phải một trong nhiều người chỉ biết nói suông!
Nhưng trong thời đại điên rồ này, trở nên không nao núng như vậy có khả thi hay không? Hay đó chỉ là một giấc mơ hão huyền?
Bạn có nhớ mình cảm thấy như thế nào khi cuộc khủng hoảng tài chính tàn phá nền kinh tế toàn cầu vào năm 2008 không? Bạn có nhớ nỗi sợ hãi, sự bất an và cảm giác chông chênh đã hành hạ chúng ta ra sao khi thế giới tưởng chừng sắp sụp đổ? Vào giai đoạn đó, thị trường chứng khoán lao dốc, có thể vì vậy mà quỹ hưu trí của bạn bị nghiền nát; thị trường bất động sản phải hứng chịu tổn thất nặng nề, nhà của bạn hoặc của những người mà bạn yêu quý có thể vì vậy mà mất giá nghiêm trọng; các ngân hàng lớn ngã rạp như những chú lính đồ chơi và hàng triệu người lao động cần cù đã bị mất công ăn việc làm.
Tôi có thể lập tức cho bạn biết tôi sẽ không bao giờ quên nỗi đau khổ và cảm giác kinh hoàng mà tôi đã chứng kiến quanh mình trong quãng thời gian đó. Tôi đã thấy người ta bỗng mất hết số tiền dành dụm cả đời, bị đuổi khỏi ngôi nhà của chính họ và không có tiền cho con vào đại học. Người thợ cắt tóc của tôi nói rằng việc kinh doanh của ông ấy rất thảm hại vì lúc bấy giờ người ta thậm chí còn không muốn chi tiền cho việc cắt tóc. Đến cả những khách hàng tỷ phú của tôi cũng hoảng loạn gọi điện thoại cho tôi vì các giao dịch tiền mặt bị siết chặt, thị trường tín dụng đóng băng và bỗng nhiên họ có nguy cơ mất hết mọi thứ. Vào giai đoạn đó, nỗi sợ lây lan giống như một loại vi-rút. Nó xâm chiếm cuộc sống và tiêm nhiễm cảm giác bấp bênh cho hàng triệu người.
Nếu toàn bộ cảm giác chông chênh đó chấm dứt vào năm 2008 thì thật tuyệt vời đúng không? Có phải bạn cho rằng đến thời điểm này, thế giới đã quay về trạng thái bình thường, nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi và phát triển năng động trở lại?
Nhưng sự thật là chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới điên rồ. Sau nhiều năm như vậy, các ngân hàng trung ương vẫn đang chiến đấu trong một cuộc chiến đầy cam go để khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế. Họ vẫn đang thử nghiệm những chính sách cấp tiến mà chúng ta chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế toàn cầu.
Bạn nghĩ tôi đang phóng đại? Hãy suy nghĩ lại. Các quốc gia phát triển như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch và Nhật Bản hiện có mức lãi suất “âm”. Bạn biết chuyện này điên rồ như thế nào không? Hệ thống ngân hàng tồn tại là để bạn kiếm lợi nhuận từ việc cho các ngân hàng vay tiền và họ có thể cho người khác vay số tiền đó. Nhưng giờ đây, con người trên khắp thế giới phải trả tiền cho ngân hàng để ngân hàng chấp nhận số tiền tiết kiệm mồ hôi nước mắt của mình. Nhật báo Wall Street muốn tìm hiểu xem lần cuối thế giới trải qua giai đoạn có mức lãi suất âm là khi nào nên đã liên hệ với một nhà sử học kinh tế để tìm câu trả lời. Bạn biết nhà sử học này đã nói như thế nào không? Đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra trong 5.000 năm lịch sử ngành ngân hàng.
Đó là những gì chúng ta đạt được khi sống trong một thế giới bình thường: người đi vay được trả thêm tiền để vay, còn người gửi tiết kiệm thì bị phạt khi gửi tiết kiệm. Trong thế giới đảo điên này, những khoản đầu tư “an toàn” như các loại trái phiếu lãi suất mang lại lợi nhuận bèo bọt đến mức bạn tự hỏi liệu người ta có đang cười nhạo bạn hay không. Cách nay không lâu, tôi được biết bộ phận tài chính của Toyota đã phát hành một trái phiếu ba năm với mức lãi suất chỉ 0,001٪. Ở mức này, bạn phải mất đến 69.300 năm để tăng gấp đôi số tiền của mình!
Nếu bạn không thể hiểu tất cả những điều này có nghĩa là gì đối với tương lai nền kinh tế toàn cầu, bạn không hề đơn độc. Howard Marks, một nhà đầu tư huyền thoại giám sát các danh mục trị giá gần 100 tỷ đô-la đã chia sẻ với tôi: “Nếu anh không bối rối, điều đó chứng tỏ anh không hiểu chuyện gì đang diễn ra”.
Bạn biết chúng ta đang sống trong những thời kỳ lạ lùng khi ngay cả những bộ óc tài chính vĩ đại nhất cũng phải thừa nhận rằng họ đang bối rối. Tôi đã nhận thức được thực tế này một cách sâu sắc vào năm ngoái, nhân dịp gặp gỡ các Đối tác Bạch kim của mình, một nhóm bạn bè và khách hàng thân thiết thường họp mặt hằng năm trong một sự kiện do tôi tổ chức để tiếp thu ý tưởng và kiến thức tài chính chuyên sâu từ những chuyên gia giỏi nhất.
Chúng tôi đã lắng nghe ý kiến của bảy tỷ phú tự tay lập nghiệp, và bây giờ là lúc để lắng nghe một người mà trong 20 năm đã nắm trong tay quyền lực kinh tế lớn hơn bất kỳ ai khác trên đời. Khi đó, tôi đang ngồi trên một trong hai chiếc ghế tựa lưng bọc da giữa sân khấu trong phòng hội nghị của khách sạn Four Seasons ở Whistler, British Columbia. Ngoài trời tuyết rơi lất phất. Người ngồi đối diện tôi chính là Alan Greenspan, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Greenspan được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm vào năm 1987 và đã giữ chức vụ người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang suốt bốn đời tổng thống trước khi nghỉ hưu vào năm 2006. Khó có thể tìm ra một người trong cuộc nào khác có kinh nghiệm hơn ông để giúp chúng ta vượt qua sự hỗn loạn lúc này và soi rọi những tia sáng hy vọng cho tương lai của nền kinh tế.
Khi cuộc trò chuyện kéo dài hai giờ của chúng tôi đi đến hồi kết, tôi đặt một câu hỏi cuối cùng cho người đã chứng kiến toàn bộ cuộc khủng hoảng này, người đã dẫn dắt nền kinh tế Mỹ đi qua những thăng trầm suốt 19 năm. Tôi hỏi: “Alan, ông đã trải qua 90 năm trên hành tinh này và chứng kiến những thay đổi đáng kinh ngạc trong nền kinh tế thế giới. Vậy trong bối cảnh thế giới đang biến động dữ dội và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều đưa ra những chính sách điên rồ như hiện nay, ông sẽ làm gì trước tiên nếu vẫn còn là chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ?”.
Greenspan im lặng một lúc, sau đó ông ấy nghiêng người về phía tôi và nói: “Từ chức!”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM ĐƯỢC SỰ CHẮC CHẮN KHI KHÔNG CÓ GÌ LÀ CHẮC CHẮN
Bạn phải làm gì khi ngay cả một biểu tượng kinh tế tầm cỡ như Alan Greenspan cũng nghĩ đến việc đầu hàng vì mất nhuệ khí và không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra cũng như không thể đoán được thị trường sẽ đi đến đâu. Nếu ngay cả Alan Greenspan còn không thể biết, làm sao bạn và tôi có thể dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra?
Tôi có thể hiểu được nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng và bối rối. Nhưng hãy để tôi nói cho bạn một tin tốt: vài người đã có câu trả lời - vài bộ óc tài chính xuất chúng đã tìm ra cách kiếm tiền trong thời điểm thuận lợi và cả lúc khó khăn. Sau bảy năm phỏng vấn những bậc thầy trong cuộc chơi tài chính, tôi sẽ truyền đạt đến bạn những câu trả lời, hiểu biết sâu sắc và bí quyết của họ, để bạn có thể hiểu cách giành chiến thắng ngay cả trong những thời kỳ vô cùng bất định này.
Và tôi sẽ nói với bạn điều này: một trong những bài học lớn nhất mà tôi học được từ những bậc thầy kiếm tiền này là bạn không cần phải dự đoán tương lai để giành chiến thắng trong cuộc chơi tài chính. Hãy khắc ghi điều này vào bộ não lớn và đẹp của bạn vì nó rất quan trọng, thật sự quan trọng.
Đây là việc bạn cần làm: tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát, không phải vào những gì bạn không thể kiểm soát. Bạn không thể kiểm soát việc nền kinh tế đang đi đến đâu và liệu thị trường chứng khoán sẽ tăng vọt hay lao dốc. Nhưng chuyện đó không quan trọng! Những người chiến thắng trong cuộc chơi tài chính biết mình cũng không thể kiểm soát tương lai. Họ biết những dự đoán của họ thường sai bởi vì thế giới quá phức tạp và thay đổi nhanh đến mức không ai có thể thấy trước tương lai. Tuy nhiên, như bạn sẽ đọc được trong các trang tiếp theo, họ tập trung cao độ vào những gì trong tầm kiểm soát đến mức họ sẽ vươn lên mạnh mẽ bất kể chuyện gì xảy ra với nền kinh tế hoặc thị trường tài chính. Và với sự trợ giúp từ những ý tưởng cũng như kiến thức uyên thâm của họ, bạn cũng sẽ vươn lên mạnh mẽ.
Kiểm soát những gì bạn có thể kiểm soát. Đó chính là bí quyết, và quyển sách này sẽ chỉ cho bạn chính xác cách thực hiện. Trên hết, bạn sẽ khép lại quyển sách này với một chiến lược cung cấp cho bạn các công cụ giúp bạn giành chiến thắng trong cuộc chơi.
Tất cả chúng ta đều biết không ai có thể trở nên vững vàng chỉ bằng những suy nghĩ viển vông, bằng cách tự lừa dối bản thân, hoặc chỉ bằng tư duy tích cực hay bằng cách lồng ghép hình ảnh những chiếc xe trong mơ vào bản “kế hoạch cuộc đời” mình. Như vậy không đủ tin cậy. Bạn cần có sự hiểu biết, các công cụ, kỹ năng, kiến thức chuyên môn và các chiến lược chuyên biệt để giúp bạn có đủ sức mạnh đạt được sự sung túc đích thực và lâu dài. Bạn cần học các quy tắc của cuộc chơi tài chính, bạn cần tìm hiểu người chơi là ai, kế hoạch hành động của họ là gì, bạn có thể bị tổn hại ở đâu và làm thế nào để chiến thắng. Chính sự hiểu biết này mới có thể đưa bạn đến với tự do tài chính.
Mục đích chính mà tôi muốn đạt được thông qua quyển sách này là cung cấp cho bạn những hiểu biết cơ bản đó. Nó sẽ là một cẩm nang hoàn chỉnh có thể giúp bạn đạt được thành công tài chính, để bạn cùng gia đình không còn phải sống trong lo sợ và sự không chắc chắn nữa, mà có thể yên tâm tận hưởng hành trình này.
Nhiều người chỉ hiểu qua loa về đời sống tài chính của mình và phải trả giá rất đắt cho điều đó. Không phải họ không quan tâm đến tình hình tài chính của bản thân, mà đó là vì họ bị nhấn chìm trong đủ loại áp lực và căng thẳng của cuộc sống hàng ngày. Thêm vào đó, họ không có kiến thức chuyên môn về tài chính, vì vậy lĩnh vực này có vẻ đáng sợ, khó hiểu và quá sức đối với họ. Không ai muốn nỗ lực cho những thứ khiến chúng ta cảm thấy không thành công và không thuộc chuyên môn của mình! Khi bị buộc phải đưa ra các quyết định tài chính, người ta thường hành động vì sợ hãi - và bất kỳ quyết định nào bắt nguồn từ trạng thái sợ hãi cũng thường sai lầm.
Nhưng tôi cam đoan là quyển sách này sẽ mang lại những chỉ dẫn có thể hỗ trợ cho bạn, để bạn có thể lập ra một kế hoạch hành động đưa bạn đi từ vị trí hiện tại đến nơi bạn muốn đến. Có thể bạn là một người thuộc thế hệ Bùng nổ dân số6 đang lo lắng rằng mình không thể đạt được sự đảm bảo tài chính vì bắt đầu quá muộn. Có thể bạn là một người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ đang nghĩ “Tôi đang mắc nợ quá nhiều, tôi sẽ không bao giờ được tự do tài chính”. Có thể bạn là một nhà đầu tư sành sỏi đang tìm kiếm lợi thế cạnh tranh để có thể xây dựng một di sản có ích cho các thế hệ sau. Dù bạn là ai và đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, tôi ở đây để chỉ cho bạn thấy có một lối đi.
6 Thế hệ những người sinh ra vào giai đoạn 1946 đến 1964, trong thời kỳ bùng nổ số lượng trẻ sơ sinh sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.
Nếu bạn kiên trì đồng hành cùng tôi qua những trang sách này, tôi hứa sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức và công cụ bạn cần để hoạch định kế hoạch tài chính. Một khi tiếp thu nội dung quyển sách này và vạch ra kế hoạch phù hợp, có thể bạn chỉ mất một hoặc hai giờ mỗi năm để giữ mọi thứ đúng hướng.
Đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự cam kết từ phía bạn. Một khi bạn cam kết tìm hiểu và vận dụng những kiến thức trong quyển sách này, phần thưởng sẽ vô cùng tuyệt vời. Bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn khi nắm rõ các quy tắc chi phối thế giới tài chính. Khi có sự hiểu biết đó, có sự tinh thông đó, bạn có thể đưa ra những quyết định tài chính khôn ngoan dựa trên sự hiểu biết thật sự của mình. Và các quyết định là thứ có quyền lực tối thượng. Quyết định tạo ra vận mệnh. Những quyết định mà bạn có đủ khả năng đưa ra sau khi đọc quyển sách này có thể đưa bạn lên một đẳng cấp hoàn toàn mới về sự bình an nội tại, sự mãn nguyện, thoải mái và tự do tài chính mà đa số mọi người chỉ có thể mơ tới. Tôi biết điều đó nghe có vẻ cường điệu, nhưng sau khi tự mình tìm hiểu, bạn sẽ nhận ra mình thật sự có thể đạt được kết quả đó.
GẶP GỠ CÁC BẬC THẦY KIẾM TIỀN
Đam mê của tôi là giúp những người xung quanh tạo dựng cuộc sống mà họ mơ ước. Niềm vui lớn nhất của tôi là chỉ cho họ cách vượt qua nỗi đau và vươn lên mạnh mẽ hơn sau mỗi lần vấp ngã. Tôi không thể chịu được khi thấy người khác sống thiếu thốn, bởi vì tôi biết cảm giác sống trong thiếu thốn là như thế nào. Tôi lớn lên trong cảnh nghèo khó, sống cùng một người mẹ nghiện rượu và bốn người cha khác nhau trong nhiều năm. Tôi thường đi ngủ với cái bụng đói meo và nỗi lo không biết ngày mai có gì để ăn hay không. Chúng tôi thiếu thốn đến mức tôi phải mua chiếc áo thun giá 25 xu ở cửa hàng đồ cũ và đến trường với cái quần Levi’s ngắn hơn chân mình cả tấc. Để tự trang trải cuộc sống, tôi làm lao công cho hai ngân hàng vào buổi tối, sau đó ngồi xe buýt về nhà và chỉ có thể ngủ khoảng bốn, năm tiếng trước khi thức dậy đến trường vào sáng hôm sau.
Ngày nay, tôi may mắn có trong tay những thành công tài chính nhất định. Nhưng ngay bây giờ tôi có thể nói với bạn là tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác sống trong tình trạng không ngừng lo âu về tương lai của mình. Những ngày xa xưa đó, tôi bị mắc kẹt trong hoàn cảnh của chính mình và trong thâm tâm luôn đầy những nỗi bất an. Vì vậy, khi chứng kiến những gì xảy ra với người khác trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tôi không thể quay lưng lại với họ.
Điều khiến tôi tức giận là phần lớn tình trạng hỗn loạn kinh tế đó bị gây ra bởi những hành động khinh suất của một nhóm nhỏ những kẻ không đáng tin cậy ở Wall Street. Vậy mà có vẻ không có bất kỳ nhân vật cộm cán nào phải trả giá cho nỗi đau mà tình trạng đó tạo ra. Không có ai vào tù. Không ai giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống đã khiến nền kinh tế dễ lung lay ngay từ đầu. Dường như không ai quan tâm đến những công dân bình thường, những người phải gánh hậu quả của cơn hỗn loạn tài chính này. Tôi đã thấy họ bị lợi dụng và ngược đãi mỗi ngày, và tôi không thể chịu đựng thêm nữa.
Điều đó đã thúc đẩy tôi tìm cách giúp mọi người nắm quyền kiểm soát đời sống tài chính của họ, để họ không bao giờ trở thành nạn nhân thụ động trong một cuộc chơi mà họ không hiểu. Tôi có một lợi thế lớn, đó là được tiếp cận với nhiều nhân vật khổng lồ trong giới tài chính. Thật may là tôi từng cố vấn cho Paul Tudor Jones, một trong những chuyên gia giao dịch chứng khoán vĩ đại nhất mọi thời đại. Paul là một nhà từ thiện phi thường, một nhà tư tưởng lỗi lạc và một người bạn thân thiết đã mở ra rất nhiều cánh cửa cho tôi.
Trong hơn bảy năm, tôi đã phỏng vấn hơn 50 bậc thầy trong “vũ trụ tài chính”. Có thể bạn không biết những bậc thầy này, nhưng trong giới tài chính, tên tuổi của họ có quyền lực vượt trội và lừng lẫy tựa như LeBron James, Robert De Niro, Jay Z và Beyoncé vậy!
Trong danh sách những huyền thoại từng chia sẻ những hiểu biết uyên thâm của họ với tôi còn có Ray Dalio, nhà quản lý quỹ phòng hộ7 thành công nhất trong lịch sử; Jack Bogle, nhà sáng lập Vanguard và là người tiên phong đáng kính của quỹ đầu tư chỉ số; Mary Callahan Erdoes, người quản lý khối tài sản 2,4 ngàn tỷ đô-la tại JPMorgan Chase & Co; T. Boone Pickens, tỷ phú dầu mỏ; Carl Icahn, nhà đầu tư được mệnh danh là “nhà hoạt động xã hội” đáng gờm nhất của Mỹ; David Swensen, một “phù thủy” trong ngành tài chính đã biến Yale thành một trong những trường đại học giàu có nhất thế giới; John Paulson, chuyên gia quản lý quỹ phòng hộ, người từng kiếm được 4,9 tỷ đô-la trong năm 2010; và Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng mọi thời đại tính đến nay.
7 Từ gốc là hedge fund, một mô hình quỹ được Alfred Winslow Jones sử dụng lần đầu tiên vào năm 1949 với nỗ lực hạn chế rủi ro khi nắm giữ cổ phiếu dài hạn bằng cách bán khống các cổ phiếu kém hiệu quả. Quỹ phòng hộ thường sử dụng các quỹ tổng hợp, các công cụ phái sinh và đòn bẩy ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế với các chiến lược khác nhau để tìm kiếm lợi nhuận tích cực cho các nhà đầu tư.
Nếu bạn thấy những cái tên vừa kể trên quá xa lạ, bạn không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy. Trừ khi bạn làm việc trong ngành tài chính, còn nếu không, hẳn là bạn để ý tới lịch trình của đội bóng đá yêu thích hoặc biết rõ những món đồ trong giỏ hàng chờ thanh toán của mình hơn những cái tên này. Nhưng bạn cũng sẽ muốn biết về những gã khổng lồ tài chính này, bởi họ thật sự có thể thay đổi cuộc đời bạn.
Kết quả của toàn bộ quá trình tìm hiểu trên được đúc kết trong quyển sách dày cộm của tôi, Money: Master the Game. Tôi vui mừng thấy tác phẩm này đã nhảy vọt lên thành quyển sách bán chạy số một do tờ New York Times bình chọn và đã bán được hơn một triệu bản kể từ lần đầu ra mắt vào năm 2014. Quyển sách cũng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ giới tài chính.
Vậy điều gì khiến tôi phải viết quyển sách thứ hai về thành công tài chính? Suy cho cùng, so với viết một quyển sách thì vẫn có nhiều cách đơn giản hơn và ít thử thách hơn để nói về đề tài này. Tuy nhiên, mục tiêu của tôi là truyền lửa cho bạn, những độc giả của tôi, đồng thời tạo ra sự thay đổi tích cực cho hàng triệu người đang bị thế giới lãng quên, những người đang rất cần được giúp đỡ.
Tôi đã quyên tặng toàn bộ lợi nhuận có được từ quyển Money: Master the Game và bây giờ là quyển bạn đang cầm trên tay để trao những bữa ăn miễn phí cho người cơ nhỡ thông qua đối tác của tôi, Feeding America, tổ chức từ thiện hiệu quả nhất nước Mỹ trong hoạt động này. Cho đến nay, nhờ lợi nhuận từ sách và các khoản đóng góp cá nhân của tôi trong hai năm qua, chúng tôi đã cung cấp hơn 250 triệu bữa ăn miễn phí cho các gia đình cần được hỗ trợ. Trong tám năm tới, tôi dự định nâng mục tiêu lên thành một tỷ bữa ăn. Nếu đang cầm trên tay quyển sách này, bạn đã góp phần vào công cuộc đó. Cảm ơn bạn!
Ngoài ra, tôi có ba lý do cấp thiết để viết Đầu tư thông minh. Đầu tiên, tôi muốn tiếp cận càng nhiều người càng tốt bằng một quyển sách có độ dài vừa phải mà bạn có thể đọc trong một vài buổi tối hoặc dịp cuối tuần. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn, tôi hy vọng bạn sẽ tìm đọc Money: Master the Game, nhưng tôi cũng hiểu nếu bạn e ngại lượng thông tin chuyên sâu mà quyển sách đó đề cập. Đầu tư thông minh được tạo thành từ các dữ kiện và chiến lược thiết yếu mà bạn cần để thay đổi cuộc sống tài chính của mình, và tôi kỳ vọng quyển sách này sẽ trở thành bạn đồng hành gắn bó với bạn trên hành trình đến với tự do tài chính.
Trong quá trình viết ra một quyển sách ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, tôi cũng tìm cách giúp độc giả không chỉ nắm vững những kiến thức trong sách mà còn áp dụng chúng vào thực tế. Mọi người thường nói kiến thức là sức mạnh, nhưng sự thật thì kiến thức chỉ là sức mạnh tiềm tàng. Bạn và tôi đều biết kiến thức sẽ thành vô dụng nếu không được đưa vào thực hành. Quyển sách này mang đến cho bạn một kế hoạch hành động vô cùng hiệu quả mà bạn có thể thực hiện ngay - bởi vì làm luôn tốt hơn là nói.
Lý do thứ hai tôi viết Đầu tư thông minh là vì ngày nay, tôi thấy quá nhiều nỗi sợ quanh mình. Làm thế nào bạn và tôi có thể đưa ra các quyết định hợp lý và khôn ngoan nếu tâm trí chúng ta đầy nỗi sợ? Ngay cả khi bạn biết phải làm gì, nỗi sợ vẫn làm bạn chùn bước. Tôi lo lắng là khi sợ hãi, bạn có thể hành động sai lầm và điều đó sẽ làm tổn thương bản thân bạn, gia đình bạn - một chuyện mà tôi tin rằng hoàn toàn có thể tránh được. Quyển sách này sẽ từng bước giúp bạn giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ hãi đó một cách có hệ thống.
NÀY BẠN, NGOÀI KIA TRỜI ĐANG LẠNH!
Khi tôi viết quyển sách này, thị trường chứng khoán đã tăng trong bảy năm rưỡi liên tiếp, trở thành thị trường giá lên dài thứ hai trong lịch sử chứng khoán Mỹ. Ai cũng biết có mùa xuân thì sẽ có mùa đông, cái gì tăng lên rồi cũng giảm xuống. Vào lúc bạn đọc được những dòng này, có thể thị trường chứng khoán đã sụp đổ. Nhưng như chúng ta sẽ thảo luận trong chương tiếp theo, sự thật là không ai - không một ai - có thể dự đoán chính xác thị trường tài chính sẽ đi về đâu. Điều này đúng với các chuyên gia tài chính ăn nói lưu loát trên sóng truyền hình, các nhà kinh tế học mặc những bộ đồ vest kẻ sọc tại Wall Street và tất cả những kẻ tiếp thị lừa đảo được trả lương cao khác.
Chúng ta đều biết mùa đông đang đến, biết thị trường chứng khoán sẽ lại đi xuống. Nhưng không ai trong chúng ta biết khi nào “mùa đông chứng khoán” sẽ đến hay nó sẽ khắc nghiệt đến mức nào. Điều đó có nghĩa là chúng ta bất lực chăng? Hoàn toàn không phải như vậy. Đầu tư thông minh sẽ cho bạn thấy cách các bậc thầy trong ngành tài chính tự chuẩn bị - cách họ kiếm lợi qua việc dự đoán thời điểm và mức độ khắc nghiệt của mùa đông thay vì chỉ thụ động phản ứng với nó. Cuối cùng, bạn có thể hưởng lợi từ chính những thứ gây hại cho những người không chuẩn bị. Hãy tự hỏi bản thân điều này: Khi cơn bão ập đến, bạn có muốn trở thành người bị mắc kẹt bên ngoài, chết cóng trong cái lạnh buốt giá không? Hay bạn muốn trở thành người được sưởi ấm bên bếp lửa và thưởng thức món kẹo dẻo marshmallow nướng?
Hãy để tôi lấy một ví dụ gần đây về lợi ích của việc chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đông. Vào tháng Một năm 2016, thị trường chứng khoán giảm mạnh. Chỉ trong vài ngày, 2,3 ngàn tỷ đô-la đã tan thành mây khói. Đối với các nhà đầu tư, đó là mười ngày đầu năm tồi tệ nhất trong lịch sử. Cả thế giới hoảng loạn vì tin rằng đây chính là Ngày Tận Thế! Nhưng Ray Dalio, nhà quản lý quỹ phòng hộ thành công nhất mọi thời đại, đã làm được một việc vô giá. Trong Money: Master the Game, ông ấy đã chia sẻ với tôi một danh mục đầu tư độc đáo có thể giúp bạn sung túc trong “mọi hoàn cảnh”.
Trong lúc thị trường đang bổ nhào, Ray đang ở Davos, Thụy Sĩ, nơi giới tinh hoa toàn cầu tụ họp hằng năm để thảo luận về tình hình thế giới. Ông ấy đã lên sóng truyền hình, xuất hiện trong khung cảnh có một ngọn núi phủ đầy tuyết làm nền phía sau, để giải thích cách mọi người có thể tự bảo vệ mình khỏi tình trạng hỗn loạn khủng khiếp này. Lời khuyên của ông là gì? Đó là mọi người nên đọc quyển sách của tôi, Money: Master the Game. Ông giải thích: “Anthony Robbins đã viết ra một quyển sách dễ hiểu về cách quản lý danh mục đầu tư hiệu quả trong mọi hoàn cảnh và có thể quyển sách đó sẽ hữu ích với các bạn trong lúc này”.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn làm theo lời khuyên của Ray và lập ra một danh mục đầu tư hiệu quả trong mọi hoàn cảnh được mô tả trong quyển sách của tôi? Trong khi chỉ số chứng khoán của các công ty trong Standard & Poor’s 5008 đều giảm 10% trong vài ngày đầu tiên của năm 2016, bạn có thể kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ (chưa tới 1%). Danh mục đầu tư này không được tạo ra để phù hợp với mọi người, cũng không nhằm mục đích khiến ai đó trở thành nhà đầu tư vĩ đại nhất. Nó chỉ hướng tới việc tạo ra một lối đi bằng phẳng hơn cho những người không thể chịu nổi sự biến động của một danh mục đầu tư có tỷ lệ cổ phiếu cao hơn (cũng là loại danh mục có thể mang lại lợi nhuận cao hơn).
8 Danh sách 500 công ty niêm yết hàng đầu ở Mỹ, gọi tắt là S&P 500.
Nhưng điều thật sự đáng kinh ngạc là danh mục đầu tư dùng cho mọi hoàn cảnh này đã kiếm lời 85% trong 75 năm qua. Đó là sức mạnh của việc có chiến lược đúng - một chiến lược đến trực tiếp từ một trong những nhà đầu tư chứng khoán xuất sắc nhất thế giới.
TRÁNH NHỮNG CON CÁ MẬP
Lý do thứ ba khiến tôi viết quyển sách này là tôi muốn chỉ cho bạn cách tránh bị “cá mập”9 ăn thịt. Như chúng ta sẽ thảo luận ở phần sau, một trong những trở ngại lớn nhất trên con đường thành công trong thị trường tài chính là xác định ai là người đáng tin cậy và ai là người mà bạn cần đề phòng.
9 “Cá mập”, “đội lái” hay “nhà cái” đều là từ lóng ám chỉ những cá nhân hoặc nhóm người chuyên thao túng giá cổ phiếu. Họ thường là các nhà đầu tư lớn chuyên phối hợp với một bộ phận những người thuộc một số công ty chứng khoán, thậm chí cấu kết với “tay trong” tại các doanh nghiệp niêm yết, sử dụng thông tin nội bộ làm giá cổ phiếu để trục lợi.
Trong ngành tài chính không thiếu những con người tuyệt vời - những người không bao giờ quên ngày sinh nhật của mẹ, những người có ý thức bảo vệ môi trường và những người có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tới mức hoàn hảo. Nhưng họ không nhất thiết phải nghĩ đến lợi ích cao nhất của bạn. Hầu hết những người mà bạn cho rằng đang đưa ra “lời khuyên” công bằng thật ra lại là những chuyên gia môi giới, cho dù họ thường thích tự giới thiệu bản thân bằng những chức danh khác. Họ kiếm được những khoản hoa hồng kếch xù bằng cách bán những sản phẩm như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, tài khoản tiết kiệm hưu trí, bảo hiểm hoặc bất cứ thứ gì có thể giúp họ chi trả cho chuyến du lịch xa hoa kế tiếp. Bạn sẽ sớm biết rằng chỉ có một nhóm nhỏ các chuyên gia tư vấn có trách nhiệm pháp lý phải đặt lợi ích của bạn lên trên lợi ích của chính họ.
Hết lần này đến lần khác, tôi đã thấy chúng ta dễ bị Wall Street lừa như thế nào. Peter Mallouk, một luật sư và chuyên gia hoạch định kế hoạch tài chính có chứng chỉ hành nghề, người mà tôi vô cùng kính trọng, đã hẹn gặp tôi để chia sẻ những điều anh ấy mô tả một cách “bí ẩn” là “một vài thông tin tối quan trọng”. Tạp chí đầu tư Barron’s đã đánh giá Peter là chuyên gia tư vấn tài chính độc lập số một nước Mỹ trong các năm 2013, 2014 và 2015; công ty Creative Planning của anh được Forbes vinh danh là công ty tư vấn đầu tư hàng đầu nước Mỹ vào năm 2016 (dựa trên mức tăng trưởng 10 năm) và được kênh CNBC đánh giá là công ty quản lý tài sản số một nước Mỹ năm 2014 và 2015. Khi một người có chuyên môn và danh tiếng như Peter muốn gặp gỡ, tôi biết mình sắp học được điều gì đó thật sự có giá trị.
Peter đã đặc biệt bay từ nhà của anh ấy ở Kansas đến Los Angeles, nơi tôi đang tổ chức hội thảo “Giải phóng sức mạnh nội tại”. Chính tại nơi đó, anh đã tiết lộ một sự thật động trời bằng việc giải thích cách một số “chuyên gia tư vấn” tự tiếp thị bản thân như những người ngay thẳng nhưng thực tế lại là những kẻ chuyên lợi dụng sự nhập nhằng trong bộ luật hiện hành để bán các sản phẩm tài chính mang lại lợi ích riêng cho cá nhân họ. Họ tự nhận là người được ủy thác: người thuộc nhóm thiểu số những cố vấn có nghĩa vụ pháp lý phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Trên thực tế, họ là những kẻ bán hàng không có đạo đức nghề nghiệp chuyên trục lợi bằng cách tự giới thiệu như các chuyên gia “chí công vô tư”. Đầu tư thông minh sẽ cung cấp cho bạn tất cả thông tin cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi những con sói đội lốt cừu. Quan trọng không kém, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn các công cụ và tiêu chí để giúp bạn xác định những chuyên gia tư vấn trung thực và không có xung đột lợi ích, những người thật sự quan tâm đến lợi ích cao nhất của bạn.
Cuộc gặp gỡ đó là cơ sở để phát triển tình bạn thân thiết giữa tôi và Peter, từ đó dẫn đến việc anh ấy trở thành đồng tác giả của Đầu tư thông minh. Trong hành trình tài chính này, bạn khó mà tìm được người dẫn đường nào hiểu biết, trung thực và thẳng thắn hơn Peter. Anh ấy chia sẻ thông tin đúng sự thật và nắm rõ mọi mánh khóe trong ngành.
Công ty của Peter đang quản lý khối tài sản 22 tỷ đô-la và là một công ty độc nhất vô nhị. Nhiều tỷ phú sử dụng dịch vụ của “văn phòng cố vấn gia đình”, một công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các gia đình có giá trị tài sản ròng cực cao (từ 100 triệu đô-la), có các chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên thấu đáo trong mọi lĩnh vực, từ đầu tư và bảo hiểm đến kê khai thuế và lên kế hoạch xử lý di sản. Peter cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện tương tự cho những khách hàng có tài sản từ 500.000 đô-la trở lên: các bác sĩ, nha sĩ, luật sư, chủ doanh nghiệp nhỏ. Họ là động lực của nền kinh tế Mỹ, và anh tin rằng họ đáng được quan tâm và chăm sóc không kém gì những người thuộc giới siêu giàu.
Tôi đã ấn tượng với tầm nhìn của Peter trong việc tạo ra một “văn phòng cố vấn gia đình cho mọi người” đến mức tôi quyết định tham gia vào hội đồng quản trị của Creative Planning, trở thành trưởng bộ phận tâm lý đầu tư và giao cho công ty quản lý các khoản đầu tư cũng như kế hoạch tài chính của tôi. Sau đó, tôi chia sẻ với Peter một ý tưởng mới và hỏi xem anh ấy có đồng ý thành lập một bộ phận cung cấp cùng một loại dịch vụ toàn diện như trên cho những khách hàng mới bắt đầu hành trình xây dựng sự giàu có hay không, tức là những người có tổng tài sản chỉ từ 100.000 đô-la. Peter, người cũng cam kết giúp đỡ nhiều người nhất có thể, đã thực hiện chính xác điều đó.
CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC
Trước khi vào chi tiết, tôi muốn tóm tắt cho bạn lộ trình về con đường chúng ta sắp đi qua, để bạn có thể tự đánh giá xem các chương tiếp theo sẽ có ích gì cho mình. Đầu tư thông minh được chia thành ba phần. Phần đầu là các quy tắc để làm giàu và đạt được thành công tài chính. Tại sao lại bắt đầu từ các quy tắc? Bởi vì nếu không nắm vững luật chơi, làm sao bạn có thể chiến thắng?
Điều khiến nhiều người trong chúng ta phải chùn chân là cảm giác mọi thứ vượt quá khả năng xử lý của chúng ta. Thế giới tài chính dường như quá phức tạp. Trong thế giới ngày nay, chúng ta có hơn 40.000 cổ phiếu để lựa chọn, trong đó có 3.700 cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán khác nhau ở Mỹ. Tính đến cuối năm 2015, chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 9.500 quỹ tương hỗ, nghĩa là số lượng quỹ vượt xa số lượng cổ phiếu! Bạn thấy điều đó có khôi hài không? Bên cạnh đó còn có gần 1.600 quỹ hoán đổi danh mục (ETF)10, như vậy là bạn phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn đầu tư khác nhau đến mức đầu óc bạn bắt đầu quay cuồng. Bạn có thể tưởng tượng mình đang đứng trước một quầy kem và phải chọn cho mình một que kem trong số 50.000 vị kem khác nhau không?
10 Tên tiếng Anh là Exchange Traded Fund, viết tắt là ETF, là quỹ đầu tư dạng mở, được hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ. Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục được niêm yết và giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết. Chứng chỉ quỹ liên tục được phát hành và mua lại một cách không giới hạn. Giá chứng chỉ quỹ được xác định bởi các giao dịch trong ngày và được giữ bám sát theo giá trị tài sản ròng/đơn vị quỹ.
Bạn và tôi cần một số quy tắc rõ ràng để có thể mang lại trật tự cho bối cảnh hỗn loạn này. Trong Chương 3, bạn sẽ nhận ra một trong những quy tắc đơn giản nhưng quan trọng nhất trong lĩnh vực này là hãy quan tâm tới các loại chi phí.
Đa số các quỹ tương hỗ được quản lý theo kiểu chủ động, nghĩa là người điều hành quỹ sẽ chủ động chọn những khoản đầu tư tốt nhất vào thời điểm thích hợp nhất. Mục tiêu của họ là “đánh bại thị trường”. Ví dụ, họ sẽ cố gắng vượt qua những cổ phiếu hàng đầu không được quản lý như chỉ số S&P 500, một trong nhiều chỉ số khác nhau theo dõi các thị trường trên toàn thế giới. Nhưng điểm khác biệt là các công ty quỹ tương hỗ chủ động thường tính phí khá cao cho dịch vụ này. Nghe có vẻ công bằng đúng không?
Vấn đề là hầu hết các quỹ đều rất xuất sắc trong việc thu phí cao nhưng lại vô cùng tệ hại trong việc chọn hạng mục đầu tư hiệu quả. Một nghiên cứu cho thấy trong khoảng thời gian 15 năm, 96% quỹ tương hỗ đã không thể đấu lại thị trường11. Kết luận? Bạn đang trả phí quá cao cho một dịch vụ kém hiệu quả. Việc này giống như bạn trả tiền mua một chiếc Ferrari nhưng sau đó lại lái chiếc xe máy cày cộc cạch dính đầy bùn đất về nhà!
11 Kết quả từ nghiên cứu của chuyên gia đầu tư Robert Arnott, người sáng lập Research Affiliates và đã khảo sát hoạt động trong khoảng thời gian 15 năm của 203 quỹ tương hỗ chủ động đang quản lý từ 100 triệu đô-la trở lên.
Không chỉ vậy, những khoản phí đó lại còn tăng lên thành một con số khổng lồ theo thời gian. Nếu mỗi năm bạn phải trả phí cao hơn 1% so với bình thường, số tiền bạn bị mất có thể tương tương 10 năm thu nhập hưu trí12. Sau khi chúng tôi chỉ cho bạn cách tránh các loại quỹ tính phí “cắt cổ” nhưng hoạt động kém hiệu quả, bạn có thể dễ dàng tiết kiệm cho mình một khoản tương đương đến 20 năm thu nhập!
12 Giả sử có hai nhà đầu tư với số vốn ban đầu 100.000 đô-la như nhau, tỷ suất lợi nhuận 8% trong 30 năm, nhưng một người trả mức phí quản lý 1% và người còn lại trả 2%. Giả sử hai người rút cùng một số tiền tại thời điểm nghỉ hưu, người trả 2% phí sẽ hết tiền sớm hơn người trả 1% phí những 10 năm!
Nếu đó là tất cả những gì bạn học được từ phần đầu tiên của quyển sách này, điều đó chắc chắn sẽ giúp thay đổi tương lai của bạn. Nhưng vẫn còn nhiều điều khác để bạn khám phá. Như tôi đã đề cập, chúng tôi cũng sẽ chỉ cho bạn cách tránh những chuyên gia bán hàng - người đưa ra những lời khuyên có lợi cho họ và có hại cho tình hình tài chính của bạn - cũng như cách tìm được những cố vấn dày dạn kinh nghiệm và không có xung đột lợi ích với bạn. Như người ta thường nói: “Khi người có kinh nghiệm gặp người có tiền, người có kinh nghiệm sẽ có tiền và người có tiền sẽ có kinh nghiệm”. Chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm chủ cuộc chơi này để bạn không bao giờ bị lừa dối nữa.
Phần thứ hai của Đầu tư thông minh là cẩm nang thực hành đầu tư tài chính. Trong phần này, chúng tôi sẽ cho bạn thấy chính xác những gì bạn cần làm để có thể lên kế hoạch hành động ngay lập tức. Quan trọng nhất, bạn sẽ học được “Bốn nguyên tắc cốt lõi”, một tập hợp các nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả được tôi đúc kết từ các cuộc phỏng vấn với hơn 50 nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới. Mặc dù phương pháp kiếm tiền của họ khác nhau, tôi nhận ra rằng họ đều có chung những nguyên tắc quyết định cơ bản này. Tôi nhận thấy “Bốn nguyên tắc cốt lõi” thật sự đã làm thay đổi đời sống tài chính của tôi một cách ngoạn mục và tôi rất vui được chia sẻ kiến thức này với bạn.
Tiếp theo, bạn sẽ học cách đánh bại thị trường giá xuống, hay nói cách khác là xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng để khoản tiền tiết kiệm cho tương lai của bạn không tan tành khi thị trường giá xuống xuất hiện. Trên thực tế, bạn sẽ học được cách kiếm lợi lớn từ những cơ hội được tạo ra từ nỗi sợ và sự hỗn loạn. Điều mà hầu hết mọi người đều không nhận ra là phần lớn những thành công trong lĩnh vực đầu tư đều đến từ việc “phân bổ tài sản” một cách khôn ngoan - biết chính xác mình cần đặt bao nhiêu tiền vào các lớp tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng và tiền mặt. Tin vui là bạn sẽ học cách làm điều này từ những bậc thầy kiếm tiền như Ray Dalio, David Swensen và Peter Mallouk.
Nếu đã có một ít kiến thức về đầu tư, có thể bạn đang tự hỏi “Chẳng phải chuyện này chỉ đơn giản là mua và nắm giữ các quỹ chỉ số hay sao?” - như một nhà báo tài chính đã hỏi tôi cách nay không lâu. Cả Dalio, Swensen, Warren Buffett và Jack Bogle đều nói với tôi rằng đầu tư theo chỉ số là chiến lược khôn ngoan nhất cho những người bình thường như bạn và tôi13. Lý do thứ nhất là vì các quỹ chỉ số được thiết kế để phù hợp với mức sinh lợi của thị trường. Trừ khi bạn là một siêu sao như Warren hoặc Ray, nếu không, bạn nên chộp lấy mức lợi nhuận này từ thị trường thay vì cố gắng đánh bại thị trường - và gần như cầm chắc thất bại. Lý do thứ hai là các quỹ chỉ số thu phí rất thấp và điều đó giúp bạn tiết kiệm được một gia tài về lâu về dài.
13 Theo trang web tài chính Investopedia: “Các nhà quản lý đầu tư chủ động thường dựa vào các báo cáo phân tích, dự báo, đánh giá và kinh nghiệm của bản thân để đưa ra các quyết định đầu tư như loại chứng khoán nào nên mua, loại nào nên giữ và loại nào nên bán. Ngược lại với cách quản lý đầu tư chủ động này là cách quản lý đầu tư thụ động, thường được gọi là ‘đầu tư theo chỉ số’”.
Tôi ước mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy. Nhưng là một người dành cả đời tìm hiểu về hành vi con người, tôi có thể nói với bạn điều này: hầu hết mọi người đều cảm thấy rất khó bình tĩnh ngồi yên trong thị trường khi mọi thứ trở nên rối loạn. Việc mua và giữ cổ phiếu lâu dài thường bị bỏ qua. Nếu bạn có thần kinh thép như Buffett hoặc Bogle thì thật tuyệt. Nhưng nếu bạn muốn biết phần lớn mọi người hành xử như thế nào khi gặp áp lực, hãy xem nghiên cứu của Dalbar, một trong những công ty nghiên cứu hàng đầu của ngành tài chính.
Dalbar phát hiện có sự chênh lệch khổng lồ giữa lợi nhuận của thị trường và lợi nhuận người ta thật sự đạt được. Ví dụ, lợi nhuận bình quân của S&P 500 là 10,28% một năm trong giai đoạn 30 năm từ 1985 đến 2015. Ở mức lợi nhuận này, tiền của bạn sẽ tăng gấp đôi sau mỗi bảy năm14. Nhờ sức mạnh của lãi kép, bạn có thể chiến thắng bằng cách sở hữu một quỹ chỉ số theo S&P 500 trong suốt 30 năm. Giả sử bạn đầu tư 50.000 đô-la vào năm 1985, với tỷ suất lợi nhuận không đổi 10,28%, đến 2015 khoản đầu tư này đem về cho bạn bao nhiêu? Đáp án là 941.613,61 đô-la. Đúng vậy, gần một triệu đô-la!
14 Rất đơn giản, bạn có thể áp dụng “Quy tắc 72”, mà người ta thường gọi là “điều kỳ diệu của lãi kép”, để tính nhẩm nhanh số năm cần thiết để tăng số tiền ban đầu của bạn lên gấp đôi: lấy 72 chia cho tỷ suất lợi nhuận. Trong ví dụ trên, 72/10.28 = 7 (năm).
Nhưng trong khi thị trường cho mức sinh lời 10,28% mỗi năm, Dalbar nhận thấy các nhà đầu tư bình thường chỉ kiếm được 3,66% một năm trong 30 năm đó! Ở mức lợi nhuận đó, bạn phải mất 20 năm mới tăng được gấp đôi vốn ban đầu. Kết quả là gì? Thay vì trở thành triệu phú đô-la, giờ đây bạn chỉ nhận được 146.996 đô-la.
Điều gì có thể lý giải sự chênh lệch khổng lồ về hiệu quả đầu tư này? Một phần là do bạn phải trả phí quản lý khủng, hoa hồng môi giới quá cao và các chi phí chìm khác (chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn trong Chương 3). Các chi phí này cùng rút cạn lợi nhuận của bạn - giống như một con ma cà rồng tàn nhẫn hút máu bạn hằng đêm trong khi bạn đang ngủ.
Nhưng còn một nguyên nhân khác nữa, đó là bản chất con người. Như bạn và tôi đều biết, chúng ta là những sinh vật giàu cảm xúc có năng khiếu làm những việc điên rồ dưới tác động của những cảm xúc như nỗi sợ và lòng tham. Nhà kinh tế học lỗi lạc của Đại học Princeton Burton Malkiel từng chia sẻ với tôi: “Cảm xúc ảnh hưởng đến chúng ta, và chúng ta, với tư cách là những nhà đầu tư, có khuynh hướng làm ra những hành động ngu xuẩn”. Ví dụ, “chúng ta có khuynh hướng bỏ thêm tiền vào thị trường và rút nó ra vào thời điểm không thích hợp”. Có lẽ bạn biết ai đó bị cuốn vào dòng xoáy mua thêm cổ phiếu khi thị trường đang tăng giá và chấp nhận liều lĩnh xài hết khoản tiền mà lẽ ra họ phải giữ lại bằng mọi giá. Có thể bạn cũng biết những người đã sợ hãi và bán tháo toàn bộ cổ phiếu của họ vào năm 2008 để rồi bỏ lỡ khoản lợi nhuận khủng khi thị trường phục hồi vào năm 2009.
Tôi đã dành gần 40 năm giảng dạy về tâm lý học của sự sung túc. Vì vậy, trong phần thứ ba của Đầu tư thông minh, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tự điều chỉnh hành vi và tránh những sai lầm phổ biến do cảm xúc chi phối. Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì bạn không thể áp dụng các chiến lược thành công trong quyển sách này nếu không học được cách “khuất phục kẻ thù bên trong”.
Sau đó, chúng ta sẽ cùng trả lời những câu hỏi quan trọng nhất. Bạn thật sự theo đuổi điều gì? Làm thế nào bạn đạt được mức độ hạnh phúc cao nhất mà bạn hằng khao khát trong đời? Có thật là bạn đang theo đuổi tiền bạc không, hay là bạn đang theo đuổi những cảm giác mà bạn cho rằng tiền bạc có thể đem lại? Nhiều người trong chúng ta tin - hoặc tưởng tượng - rằng tiền sẽ đưa chúng ta đến một trạng thái mà ở đó chúng ta cuối cùng cũng cảm thấy tự do, an toàn, phấn chấn, tràn đầy sức mạnh, sống động và vui vẻ. Nhưng sự thật là bạn có thể đạt được trạng thái tuyệt vời đó ngay lúc này, bất kể mức độ giàu có của bạn đang ra sao. Vậy tại sao bạn phải chờ được hạnh phúc?
Cuối cùng, trong phần phụ lục, chúng tôi đưa vào một bảng chỉ dẫn vô giá để bạn sử dụng cùng các cố vấn tài chính và luật sư của mình. Bốn danh sách những việc cần thực hiện này sẽ hướng dẫn bạn cách bảo vệ tài sản, tạo ra tài sản kế thừa và bảo vệ bạn trước những điều chưa biết. Ngoài ra, bạn sẽ khám phá thêm nhiều cách khác để giảm thiểu tiền thuế!
QUỸ PHÒNG HỘ, QUỸ TƯƠNG HỖ VÀ QUỸ ĐẦU TƯ THEO CHỈ SỐ
Dành cho những độc giả chưa quen thuộc với các thuật ngữ này, quỹ phòng hộ là một quỹ tư nhân chỉ dành cho các nhà đầu tư có tài sản ròng cao. Các nhà quản lý đầu tư của quỹ hoàn toàn có thể linh hoạt đặt cược theo cả hai khuynh hướng của thị trường (lên hoặc xuống). Họ tính phí quản lý rất cao (thường là 2%) và chia lợi nhuận (thường thì 20% lợi nhuận thuộc về người quản lý). Quỹ tương hỗ là một quỹ đại chúng mà ai cũng có thể tham gia. Trong hầu hết các trường hợp, quỹ tương hỗ được quản lý theo cách chủ động bởi một nhóm chuyên tìm kiếm và tập hợp vào danh mục các loại cổ phiếu, trái phiếu hoặc các tài sản khác và liên tục thực hiện các giao dịch với hy vọng đánh bại “thị trường”. Quỹ đầu tư theo chỉ số (hay quỹ chỉ số) cũng là quỹ đại chúng nhưng không cần người quản lý “chủ động”. Quỹ này chỉ đơn giản sở hữu tất cả các cổ phiếu thuộc một chỉ số nào đó (ví dụ như sở hữu toàn bộ 500 cổ phiếu trong chỉ số S&P 500).
CON RẮN VÀ SỢI DÂY THỪNG
Nhưng trước hết, tôi muốn nói với bạn về Chương 2, bởi vì tôi tin nó sẽ thay đổi đời sống tài chính của bạn. Sự thật là ngay cả khi chỉ đọc Chương 2 và bỏ qua những nội dung khác trong quyển sách này, bạn vẫn đi đúng hướng và sẽ gặt hái những thành quả tuyệt vời!
Như tôi đã đề cập ở trên, đây là giai đoạn vô cùng bất ổn đối với hầu hết mọi người. Nền kinh tế toàn cầu vẫn èo uột sau chừng đó năm. Thu nhập của tầng lớp trung lưu vẫn không tăng nổi suốt nhiều thập niên. Công nghệ đang phá vỡ nhiều ngành công nghiệp đến mức chúng ta thậm chí không biết những công việc nào sẽ tồn tại trong tương lai. Thêm vào đó, sau nhiều năm tận hưởng lợi nhuận cao, người ta bắt đầu cảm thấy khó chịu khi thị trường giá xuống tồn tại quá lâu. Tôi không biết bạn thì sao, nhưng toàn bộ sự không chắc chắn này đang khiến nhiều người lo sợ - và điều này cản trở họ làm giàu vì họ không dám đầu tư vào thị trường tài chính và trở thành chủ sở hữu lâu dài của nền kinh tế này chứ không chỉ làm người tiêu dùng.
Chương tiếp theo là liều thuốc hóa giải nỗi sợ đó. Chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn bảy sự thật có thể thay đổi cách hiểu của bạn về sự vận hành của thị trường cũng như các mô hình kinh tế lẫn cảm xúc chi phối nó. Bạn sẽ biết những lần điều chỉnh giá hay gãy đổ của thị trường xảy ra với tần suất thường xuyên tới mức đáng ngạc nhiên nhưng không bao giờ kéo dài. Các nhà đầu tư giỏi nhất luôn chuẩn bị cho sự biến động này - những lúc thị trường tăng vọt và giảm sâu - và tận dụng nó. Một khi hiểu được các mô thức này, bạn có thể hành động mà không sợ hãi, không phải vì bạn chối bỏ thực tế, mà bởi vì bạn có kiến thức và sự tinh tường để đưa ra những quyết định đúng.
Thị trường chứng khoán vẫn không thất thường bằng chuyện tình cảm của tôi.
Điều này làm tôi nhớ lại một câu chuyện xưa về một nhà sư đang men theo con đường làng để về chùa vào một đêm khuya thì lờ mờ nhìn thấy một con rắn độc phía trước. Vì quá hoảng sợ nên ông ấy đã bỏ chạy về hướng ngược lại. Sáng hôm sau, nhà sư quay lại đoạn đường kinh hoàng đó và bấy giờ, dưới ánh sáng ban ngày, ông ấy nhận ra “con rắn” chắn đường mình đêm qua hóa ra chỉ là một sợi dây thừng vô hại ai đó vứt giữa đường.
Chương 2 sẽ cho bạn thấy nỗi bất an của bạn cũng vô căn cứ như vậy - “con rắn” mà bạn sợ thật ra chỉ là một sợi dây thừng. Tại sao điều này quan trọng tới vậy? Bởi vì bạn không thể giành chiến thắng trong cuộc chơi này nếu không có một tinh thần vững vàng để bước vào cuộc chơi và theo đuổi nó lâu dài. Một khi nhận ra rằng không có con rắn nào cản đường, bạn có thể bước đi một cách bình tĩnh và tự tin trên con đường dẫn đến tự do tài chính.
Bạn đã sẵn sàng rồi? Vậy thì hãy bắt đầu!
ỨNG DỤNG TRÊN ĐIỆN THOẠI VÀ PODCAST15
Có một số công cụ có thể giúp đẩy nhanh tiến trình của bạn. Đầu tiên, chúng tôi đã tạo một ứng dụng dành cho thiết bị di động và trong đó có các video, công cụ lập kế hoạch cũng như một bảng tính được cá nhân hóa để giúp bạn tính toán số tiền bạn cần tích lũy để đạt được các mức độ tự do và đảm bảo tài chính khác nhau. Thứ hai là kênh podcast Unshakeable. Peter Mallouk và tôi đã ghi âm lại một chuỗi những cuộc trò chuyện ngắn xoay quanh các nguyên tắc cốt lõi để đạt được trạng thái không nao núng.
www.Unshakeable.com
15 Những tập tin âm thanh hoặc video được đăng tải trên các nền tảng kỹ thuật số để người dùng có thể tải về nghe trên máy vi tính hoặc điện thoại.