Hãy học cách bảo vệ tài sản, tạo lập di sản và bảo hiểm cho bản thân trước những rủi ro không ai ngờ tới
“Sự bất khả chiến bại nằm ở khả năng phòng thủ.”
- TÔN TỬ, tác giả của Binh pháp Tôn Tử
Chúc mừng bạn đã tham gia hành trình này với chúng tôi. Tôi hy vọng bạn đã chuẩn bị, lắng nghe và trang bị đầy đủ mọi kiến thức để đạt được tự do tài chính sau khi đọc quyển sách này. Có thể giờ đây bạn đã biết Đầu tư thông minh không chỉ là tựa quyển sách này mà còn là một lối sống có thể tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống của bạn. Về ý nghĩa cao nhất, quyển sách này còn có thể mang lại cho bạn sự tự do và bình an trong tâm hồn.
Tuy nhiên, sự thật là không ai trong chúng ta có khả năng kiểm soát tuyệt đối tương lai. Sẽ có nhiều ẩn số xuất hiện và ngăn cản bạn tận hưởng sự giàu có đích thực mà bạn đã làm việc cật lực để vun đắp.
• Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không còn khả năng lao động do bệnh tật hoặc tai nạn?
• Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn gặp phải vướng mắc nào đó với luật pháp và có nguy cơ mất hết số tiền mà bạn khó khăn lắm mới tích lũy được?
• Tiền của bạn sẽ ra sao nếu bạn phải đối mặt với những thực tế khắc nghiệt của việc ly hôn?
• Của cải và di sản của bạn sẽ được xử lý như thế nào khi bạn qua đời?
Bạn còn nhớ chúng ta đã bàn về việc những kẻ thua cuộc chỉ biết phản ứng bị động trước hoàn cảnh, trong khi những người dẫn đầu sẽ dự liệu tình hình hay không? Sự dự liệu có thể mang lại cho bạn sức mạnh tối thượng. Chúng tôi dành những trang cuối cùng này để chia sẻ về việc tiên đoán và dự liệu, cho cả những chuyện bạn biết sẽ xảy ra và những chuyện bạn cầu nguyện mong nó đừng xảy ra. Tôi biết, thật không thú vị chút nào khi ngồi xuống và lập kế hoạch cho những sự kiện không chắc chắn hoặc cho đám tang của chính mình. Tuy nhiên, bạn sẽ cực kỳ thanh thản và yên tâm khi đã thực hiện đủ các biện pháp bảo hộ cho sự giàu có của bạn. Không có điều gì có thể sánh được với cảm giác vững tâm khi biết bạn và những người bạn yêu thương sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc chất lượng cuộc sống của mình bị tác động bởi ngoại cảnh.
Hãy xem việc quản lý tài sản đích thực như bạn đang xây dựng vương quốc tài chính cá nhân cho chính mình. Trung tâm của vương quốc là danh mục đầu tư của bạn, nhưng bạn phải củng cố tất cả các khu vực trong và xung quanh vương quốc để bảo vệ kho báu của bạn khỏi bị phá hủy hoặc bị xói mòn bởi các loại thuế không cần thiết, những vướng mắc tốn kém về luật pháp hoặc sự can thiệp của chính phủ. Và cuối cùng, bạn muốn những người thừa kế hoặc các tổ chức mà bạn chọn ủng hộ nhận được chính xác những gì bạn muốn dành cho họ sau khi bạn qua đời.
“Hỡi những người bạn yêu quý, chúng ta tụ họp nơi đây hôm nay để cùng nhau vượt qua cuộc sống này.”
- PRINCE, trong ca khúc “Let’s Go Crazy”
Năm 2016, hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của Prince - một biểu tượng của nền âm nhạc và cũng là một trong những nghệ sĩ yêu thích của tôi. Theo New York Times, Prince qua đời ở độ tuổi 57 và không để lại di chúc.
Ông đã không lập di chúc hoặc có bất kỳ động thái cần thiết nào để bảo vệ khối di sản ước tính 300 triệu đô-la của mình. Cho nên thay vì được trao cho gia đình ông, tài sản của ông bị neo lại trong nhiều năm để chờ tòa ra phán quyết, và chính phủ chắc chắn sẽ được hưởng 120 triệu đô-la, tương đương 40% tài sản của ông - tất cả là vì ông đã không lên kế hoạch xử lý di sản.
Có thể bạn không phải là một thiên tài như Prince, cũng không thích màu tím và thắng bảy giải Grammy như ông, nhưng hẳn bạn có thể nhìn ra một bài học rất rõ ràng ở đây. Bất kể chúng ta có thừa nhận hay không, không lập kế hoạch có nghĩa là chúng ta đang lập kế hoạch cho thất bại.
Để giúp bạn nắm được những việc cần làm và để đảm bảo bạn có thể tránh được những sai lầm từng gây hại cho rất nhiều người trong quá khứ, tôi và Peter Mallouk, một trong những cố vấn tài chính hàng đầu tại Mỹ theo bình chọn của Barron’s và CNBC, đã quyết định viết một quyển sách nữa về tự do tài chính mang tên The Path (tựa tiếng Việt: Đường đến tự do). Trong The Path, bạn sẽ được tìm hiểu thêm về các công cụ giúp bạn tăng tốc trên hành trình đến với tự do tài chính và làm thế nào để bảo vệ cũng như tận hưởng thành tựu đó. Hãy đảm bảo bạn không bỏ lỡ những nội dung đó.
Còn bây giờ, Peter sẽ giới thiệu sơ bộ về bốn checklist - danh sách những việc cần làm mà chúng tôi đã đề cập ở trên: một checklist về sức khỏe, một về tài sản, một về bảo hiểm và cuối cùng là checklist về hoạt động thiện nguyện.
CHUYỂN GIAO VÀ BẢO VỆ TÀI SẢN CỦA BẠN
Peter Mallouk
Trước khi bạn viện ra bất kỳ lý do nào để bỏ qua phần này, hãy để tôi giải quyết từng cái cớ của bạn:
“Tôi thật sự không có nhiều tiền đến thế, vì vậy việc lập di chúc không quan trọng.”
Nếu di chúc không quan trọng, tại sao bạn làm việc để kiếm tiền? Tại sao bạn đầu tư? Tại sao bạn lập ngân sách thu nhập và chi tiêu? Tất nhiên di chúc là quan trọng, và hẳn là bạn đã chọn bỏ qua nó vì nó nghe có vẻ rắc rối. Thật ra, việc lập di chúc có thể được thực hiện nhanh chóng và không tốn kém, và gia đình bạn xứng đáng được bảo vệ đúng không?
“Tôi còn trẻ, và chuyện lập di chúc này không liên quan đến tôi.”
Chuyện này có liên quan đến bạn nếu những người bạn quan tâm - cha mẹ, cô chú, anh chị em… - không dành thời gian để thiết lập sự bảo vệ cho bản thân và gia đình họ.
“Tôi có rất nhiều tài sản, vì vậy chuyện này sẽ khá phiền phức đấy.”
Nếu bạn nghĩ việc lập di chúc bây giờ là một vấn đề phức tạp, hãy tưởng tượng những người thân yêu của bạn sẽ như thế nào nếu bạn bất ngờ mất khả năng sinh hoạt hoặc qua đời. Tôi xin lỗi vì đã nói thẳng, nhưng tôi phải thúc giục bạn hành động. Nếu bạn có tài sản, hãy bắt đầu lập kế hoạch xử lý di sản ngay lập tức! Chúng ta không có thời gian để lãng phí. Không ai trong chúng ta biết mình còn bao nhiêu thời gian. Trì hoãn việc này có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
“Hoàn cảnh cá nhân của tôi rất phức tạp.”
Nếu bạn nghĩ hoàn cảnh của mình phức tạp và bạn sẽ phải đương đầu với những quyết định khó khăn (ví dụ như bạn có nhiều con từ nhiều cuộc hôn nhân, có năm người vợ/chồng cũ, v.v.), hãy tưởng tượng mọi thứ sẽ như thế nào nếu di sản của bạn phải được đem ra tòa phân xử sau khi bạn qua đời!
“Tôi thậm chí còn không biết chứng thực di chúc là gì. Và tại sao tôi phải quan tâm? Dù sao thì lúc đó tôi cũng chết rồi!”
Chứng thực di chúc là quá trình tòa án xem xét và xác nhận hiệu lực của di chúc cũng như công nhận người thực thi di chúc. Nếu không có di chúc, tòa án sẽ chỉ định một người để xử lý công việc theo các quy định về chứng thực di chúc.
***
Chúng ta cần thừa nhận một điều, đó là việc cố né tránh những chuyện không thể né tránh sẽ gây hậu quả tốn kém hơn so với việc ngồi xuống nói chuyện với cố vấn tài chính hoặc luật sư của bạn một lần để giải quyết vấn đề. Trong bốn checklist ở phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến việc thiết lập các biện pháp bảo vệ bạn nếu bạn bị đau ốm; chúng tôi cũng sẽ thảo luận về kế hoạch phân chia tài sản hay lập di chúc, bàn về những cách mà bạn có thể làm khi còn sống để bảo vệ tài sản của mình; và cuối cùng, chúng tôi sẽ nói về việc tạo ra một di sản của lòng nhân ái.
Có thể bạn sẽ cần cố vấn tài chính để hướng dẫn bạn thực hành những checklist này trong thực tế. Nếu bạn không có một cố vấn tài chính, chuyên gia thuế, chuyên gia bảo hiểm và luật sư - những người có thể hỗ trợ bạn trong hành trình này - hoặc nếu bạn muốn nhận được lời khuyên hay góp ý, chúng tôi sẵn sàng xử lý tất cả các yêu cầu của bạn tại Creative Planning. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hoặc muốn được hướng dẫn, hãy thoải mái liên hệ với chúng tôi qua trang web www.getasecondopinion.com.
CHECKLIST #1: TÔI CÓ QUYỀN!
“Nếu tôi bị mất năng lực sinh hoạt, tôi thật sự không quan tâm ai là người đưa ra quyết định chăm sóc sức khỏe cho tôi, tôi cũng không quan tâm ai xử lý các vấn đề tài chính của tôi. Nếu phải có một lựa chọn, tôi nghĩ chính phủ là bên tốt nhất để làm tất cả mọi thứ cho tôi.”
- KHÔNG AI NÓI THẾ BAO GIỜ
Tôi có một khách hàng 53 tuổi, mặc dù trông rất khỏe mạnh nhưng một ngày kia, bà ấy đột nhiên bất tỉnh. Khi gia đình vội vàng đưa bà ấy vào bệnh viện và các bác sĩ nhanh chóng xác định rằng bà bị u não. Bà đã không làm giấy ủy quyền nên chồng bà không thể thay mặt bà kích hoạt các gói trợ cấp dành cho người mất khả năng sinh hoạt. Không lâu sau đó, bà ấy qua đời, và gia đình bà nhanh chóng biết là bà đã không lập di chúc. Thế là việc phân chia tài sản của bà buộc phải nhờ tòa án giải quyết.
Checklist này có ba mục và tất cả đều có thể được xử lý bằng vài quyết định đơn giản. Đây không phải là thứ phức tạp. Bất kỳ luật sư đủ điều kiện hành nghề nào cũng có thể nhanh chóng xử lý các tài liệu thiết yếu này và chúng sẽ giúp bảo vệ gia đình bạn. Sau đây là những gì bạn phải làm để bảo vệ bạn và những người thân yêu của bạn.
Ủy quyền chăm sóc sức khỏe
Điều gì xảy ra nếu bạn hoặc vợ/chồng của bạn đột nhiên mất khả năng sinh hoạt và không còn có thể tự mình đưa ra bất kỳ quyết định nào? Nếu tình huống này xảy ra, ai sẽ quyết định về việc chăm sóc y tế cho bạn? Đây là điều bạn nên nghĩ ngay từ bây giờ, khi bạn còn khỏe mạnh. Nếu vợ hoặc chồng của bạn còn sống cùng bạn, họ có thể là lựa chọn đầu tiên của bạn. Hãy xem xét thật kỹ khi lựa chọn người nhận ủy quyền. Bạn cần một người mà bạn thật sự tin tưởng, người có thể đưa ra đủ loại quyết định, từ việc có nên rút dụng cụ hỗ trợ sự sống của bạn, thay đổi bác sĩ, cho đến có nên chuyển bạn đến một cơ sở y tế khác hay không. Đó thật sự là những quyết định mang tính sinh tử. Hãy quyết định khôn ngoan và lập giấy ủy quyền ngay bây giờ.
Ủy quyền tài chính
Có thể bạn tin tưởng ủy quyền cho gia đình mình để họ đưa ra các quyết định y tế cho bạn, nhưng hãy biết rằng việc quản lý tiền bạc có thể là một vấn đề nan giải đối với họ. Tương tự như việc bạn cần người xử lý các quyết định chăm sóc sức khỏe, bạn cũng cần một người mà bạn có thể tin tưởng để xử lý các vấn đề tài chính của bạn. Các vấn đề tài chính này có thể liên quan đến việc thanh toán các hóa đơn thông thường như các khoản vay thế chấp, ký các tài liệu pháp lý và thậm chí là thay mặt bạn làm việc với các tổ chức khác (như công ty viễn thông hoặc nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm sức khỏe của bạn chẳng hạn).
Nếu bạn mất khả năng sinh hoạt mà không có sẵn tài liệu ủy quyền này, khả năng cao là vợ/chồng, người thân hoặc bạn bè của bạn phải ra tòa để nhận được thẩm quyền xử lý vấn đề tài chính của bạn.
Không ai muốn phải trải qua những chuyện nhiêu khê này, nhất là khi đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn. Hãy lập ủy quyền tài chính ngay bây giờ để bạn biết rằng các vấn đề của bạn được giao vào tay người thích hợp, và các thành viên trong gia đình bạn sẽ được giảm bớt căng thẳng trong thời khắc khó khăn.
Di chúc sống (còn gọi là Chỉ dẫn dành cho nhân viên y tế)
Nếu không muốn ủy quyền cho ai đó ra các quyết định có liên quan đến sức khỏe của mình, bạn có thể lập một bản di chúc sống, một văn kiện chỉ dẫn cho các bác sĩ điều trị của bạn biết các thủ thuật hoặc phương pháp điều trị mà bạn đồng ý hoặc từ chối tiếp nhận trong trường hợp bạn không thể tự mình truyền đạt các quyết định đó. Một lần nữa, điều này giúp giảm bớt căng thẳng cho những người thân yêu của bạn, vì mong muốn của bạn đã được trình bày rõ ràng bằng văn bản.
CHECKLIST #2: LẬP KẾ HOẠCH XỬ LÝ DI SẢN
Khi đề cập đến việc xử lý di sản, đa số mọi người thường nghĩ đó đơn giản là soạn thảo di chúc. Nhưng xử lý di sản không chỉ liên quan tới việc ai nhận được cái gì khi sau khi bạn qua đời. Có một số việc bạn có thể làm ngay hôm nay để giảm thu nhập chịu thuế và tăng tính hiệu quả về thuế của bạn. Dưới đây là bốn việc mà bạn cần làm.
Lập di chúc
Lập di chúc là bước đầu tiên trong quá trình xử lý di sản, và có bốn quyết định chính mà bạn cần đưa ra:
• Ai là người thụ hưởng? Nói cách khác, ai sẽ nhận được cái gì?
• Ai là người giám hộ cho các con của bạn nếu chúng chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm bạn qua đời? Nếu điều này không được viết trong di chúc, tòa án sẽ giữ quyền xác định xem ai sẽ nuôi con bạn. Hãy để tôi lặp lại: tòa án sẽ quyết định ai là người nuôi dạy các con của bạn! Bây giờ thì bạn đã chú ý hơn chưa?
• Ai là người thực thi di chúc của bạn? Đây là người chịu trách nhiệm đảm bảo những yêu cầu trong di chúc của bạn được thực hiện, đồng thời cũng là người đứng ra giải quyết vấn đề chứng thực di chúc nếu di sản của bạn buộc phải trải qua quy trình đó. (Hãy xem phần tiếp theo sau về lý do tại sao bạn nên tránh chứng thực di chúc bất kể bạn có bao nhiêu của cải.)
• Bạn muốn tài sản của mình được phân chia trực tiếp cho người thụ hưởng hay phân chia gián tiếp vào các quỹ ủy thác đại diện cho họ? Ví dụ, giả sử một cặp vợ chồng có tài sản 400.000 đô-la và khối tài sản này sẽ được chia đều cho hai đứa con của họ sau khi họ qua đời. Hiện tại hai con của họ đang ở tuổi 19 và 20. Nếu cả người cha và người mẹ đều qua đời ngay hôm nay, mỗi đứa con sẽ nhận được một tấm séc trị giá 200.000 đô-la mà không có điều kiện ràng buộc gì. Bạn sẽ làm gì với 200.000 đô-la ở tuổi mười chín đôi mươi? Thay vào đó, đôi vợ chồng này có thể viết trong di chúc rằng họ muốn lập một quỹ ủy thác để các con của họ nhận được tiền sinh hoạt, học phí và chi phí y tế cho đến khi chúng đủ 30 tuổi, và đến lúc đó, số dư còn lại trong quỹ ủy thác sẽ được phân chia cho hai đứa con. Bạn cũng cần nêu rõ trong di chúc ai sẽ là người nhận ủy thác - cá nhân hoặc tổ chức được chọn này sẽ nắm giữ khối tài sản của bạn, đem nó đi đầu tư và phân bổ theo đúng nguyện vọng mà bạn ghi trong di chúc.
Quá trình chứng thực di chúc là gì và tại sao bạn nên tránh thủ tục này bằng mọi giá?
Mục đích chính của thủ tục chứng thực di chúc là nó cho phép chủ nợ của bạn có thời gian để thu hồi số tiền bạn còn nợ họ, và cho người thực thi di chúc của bạn có thời gian để thu hồi những khoản tiền người khác còn nợ bạn. Thủ tục này cũng có liên quan đến thuế và các khoản cần thanh toán khác, cũng như sự phân bổ những gì còn lại trong tài sản của bạn dưới sự giám sát của tòa án. Những bất tiện mà quá trình chứng thực di chúc có thể gây ra là gì?
Tài sản của bạn bị kiểm soát. Trong quá trình chứng thực di chúc, những người thụ hưởng của bạn không thể bán tài sản được hưởng; người thực thi di chúc chỉ có thể bán tài sản của bạn khi được tòa án cho phép.
Mất nhiều thời gian. Quá trình chứng thực di chúc thường mất ít nhất sáu tháng, nhưng thường thì nó có thể kéo dài một năm hay lâu hơn nữa nếu vấn đề trở nên phức tạp bởi một khiếu nại về tính hợp pháp của di chúc, hay các rắc rối trong hoạt động kinh doanh, hoặc bất kỳ điều bất thường khác.
Tốn kém về mặt chi phí. Chi phí liên quan việc chứng thực di chúc có thể lên đến hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đô-la đối với một số loại tài sản.
Xâm phạm quyền riêng tư. Ở Mỹ, chứng thực di chúc là một thủ tục công khai, có nghĩa là bất kỳ ai cũng có quyền truy cập và xem xét các vấn đề tài chính cá nhân của bạn. Đối với nhiều người, chỉ nghĩ đến việc thông tin cá nhân của họ bị công khai đã đủ khiến họ rùng mình. Có thể bạn nghĩ chẳng ai quan tâm đến việc riêng của bạn, nhưng sự thật là có một số người chuyên “đào bới” các tài liệu chứng thực di chúc nhằm tìm kiếm những người được thừa kế những khoản tiền lớn và tìm cách trục lợi.
Lập các quỹ ủy thác
Đa số mọi người thường cho rằng các quỹ ủy thác chỉ dành cho những nhà tài phiệt tầm cỡ như Vua dầu hỏa Rockefeller và giới tinh hoa thuộc top 1% dân số thế giới, hoặc đó là phương tiện mà bạn sử dụng để giữ hộ và đầu tư tiền của bạn trong trường hợp bạn qua đời mà con cái của bạn chưa đến tuổi trưởng thành. Nhưng tôi tin rằng các quỹ ủy thác là một phần quan trọng trong quá trình xử lý di sản, kể cả đối với những người có tài sản khiêm tốn. Việc lập quỹ ủy thác không tốn kém hay phức tạp gì cả!
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo rằng gia đình của mình có thể hưởng lợi từ mọi tài sản do chúng ta làm ra, dù lớn hay nhỏ, và khối tài sản đó không bị mắc kẹt hoặc tổn hại bởi bất kỳ quy trình pháp lý nào. Các quỹ ủy thác là một công cụ quan trọng để thực hiện điều đó. Hãy đọc tiếp phần sau để biết cách sử dụng chúng sao cho có lợi nhất. Nhưng trước tiên, hãy bắt đầu từ việc xử lý các khoản thuế.
Xử lý thuế di sản
Như chúng ta đã thảo luận ở Chương 5 về bốn nguyên tắc cốt lõi, điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu, mà là bạn giữ lại được bao nhiêu. Tính hiệu quả về thuế là điểm mấu chốt trong hành trình tự do tài chính của bạn khi bạn còn sống, nhưng bạn cũng phải xem xét những loại thuế mà bạn phải chịu kể cả sau khi bạn qua đời.
Đối với hầu hết người Mỹ, thuế di sản không phải và sẽ không bao giờ là một mối bận tâm. Tại sao? Bởi vì Cục Thuế Liên bang Mỹ cho phép bạn cho tặng tới 5,45 triệu đô-la trong suốt cuộc đời của bạn hoặc khi bạn qua đời mà không phải chịu bất kỳ loại thuế nào; đây được xem là sự miễn giảm trọn đời của bạn. Hãy tận dụng nó tối đa như phiếu giảm giá một lần! Các cặp vợ chồng đã kết hôn có quyền gộp số tiền miễn thuế trọn đời của họ, do đó, tổng số thuế di sản được miễn của họ lên đến 10,9 triệu đô-la.
Nếu bạn là người có hơn 5,45 triệu đô-la tài sản để lại sau khi qua đời, bạn sẽ phải đóng thuế di sản là 40% cho phần tài sản vượt mức 5,45 triệu đô-la. Tôi hy vọng bạn sẽ đồng ý với tôi rằng chúng ta cần biết những cách có thể điều chuyển một số tài sản của bạn ngay bây giờ, trước khi bạn qua đời, để bạn có thể giảm giá trị tài sản phải chịu thuế.
Vì vậy, làm sao bạn có thể thực hiện được điều này? Cục Thuế Liên bang Mỹ cho phép bạn cho tặng 14.000 đô-la mỗi năm cho bất kỳ người nào bạn chọn mà không tính vào giới hạn miễn giảm trọn đời kia; đây được xem là khoản thu nhập không chịu thuế được trừ ra hằng năm của bạn. Bất kỳ khoản cho tặng nào nhiều hơn 14.000 đô-la sẽ chịu thuế quà tặng 40%. Điều này có nghĩa là bạn có thể tặng cho tất cả bạn bè và người thân của mình một khoản 14.000 đô-la/người mỗi năm và vẫn có quyền cho đi 5,45 triệu đô-la không phải chịu thuế di sản khi bạn qua đời. Con số đó tích lũy lại sẽ là một khoản tiền khá lớn đấy (tất nhiên nó còn tùy thuộc vào số lượng người thân hay bạn bè của bạn!).
Sau đây là một vài cách giúp bạn cho đi tài sản của mình mà không phải nộp lại một phần quá lớn cho chính phủ:
• Giúp thanh toán chi phí học đại học của con cháu (và được hưởng lợi về thuế!). Hầu hết mọi người không nhận ra rằng họ có thể sử dụng một phần của “món quà miễn thuế” trị giá 14.000 đô-la mỗi năm để đóng góp vào Kế hoạch tiết kiệm đại học 529 (một chương trình tiết kiệm của chính phủ Mỹ) cho con cháu. Tùy vào nơi bạn sống, có thể bạn còn được giảm thêm một khoản thuế tiểu bang nữa! Nếu con hoặc cháu của bạn đang học đại học, bạn có thể trực tiếp thanh toán các khoản chi phí đó cho nhà trường mà không cần thông qua bất kỳ chương trình tiết kiệm nào.
• Thay vì chờ đợi để phân chia tài sản sau khi bạn qua đời, bạn có thể trao ngay 14.000 đô-la miễn thuế mỗi năm cho từng thành viên trong gia đình. Giả sử những đứa con của bạn đều đã trưởng thành và kết hôn, bạn và vợ/chồng của bạn có thể cho con bạn 14.000 đô-la/người mỗi năm, tổng cộng là 28.000 đô-la một năm. Bên cạnh đó, vợ chồng bạn cũng có thể cho con rể hoặc con dâu của mình 14.000 đô-la mỗi năm, vậy là thêm 28.000 đô-la nữa. Điều đó nghĩa là một cặp vợ chồng có thể tặng một cặp vợ chồng khác 56.000 đô-la mỗi năm mà không phải chịu thuế quà tặng và cũng không bị giảm mức miễn trừ trọn đời! Vậy là người thân của bạn nhận được lợi ích ngay hôm nay và bạn thì nhận được niềm vui khi chia sẻ sự sung túc của mình với con cái ngay khi bạn còn sống.
• Thanh toán chi phí y tế. Bạn có thể thanh toán chi phí y tế của bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình mà không bị tính vào giới hạn trị giá quà tặng hàng năm của bạn, miễn là các khoản thanh toán được thực hiện trực tiếp cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế. Điều này có nghĩa là gì? Nếu cháu của bạn cần mổ ruột thừa khẩn cấp (chi phí thường rơi vào khoảng 20.000 đô-la), bạn có thể trang trải chi phí đó và vẫn có thể cho thêm đứa cháu đó 14.000 đô-la trong cùng năm mà không phải đóng 40% thuế quà tặng.
• Quyên góp từ thiện. Bất kỳ khoản tiền nào bạn tặng cho các tổ chức từ thiện đều không bị tính thuế di sản. Tại sao phải đóng thuế khi bạn có thể cho đi? Đó là những gì những người giàu nhất thế giới đã làm, bao gồm Bill Gates và Warren Buffett. Chúng tôi sẽ đề cập sâu hơn vấn đề này trong Checklist #4.
Quỹ ủy thác có thể hủy ngang
Khi bạn bắt đầu tích lũy tài sản, xin đừng lần lữa trong việc lập một quỹ ủy thác có thể hủy ngang. Ai cũng nên có một quỹ này. Tại sao? Vì tất cả tài sản trong quỹ ủy thác có thể hủy ngang đều tránh được các thủ tục pháp lý phức tạp của nhà nước về chứng thực di chúc.
Quỹ ủy thác có thể hủy ngang là một thỏa thuận pháp lý đơn giản để bên ủy thác có thể nắm quyền sở hữu và định đoạt tài sản của mình. Bởi vì quỹ ủy thác này được lập ra khi bạn còn sống nên nó còn được gọi là ủy thác sống. Và bởi vì quỹ này cho phép bạn chấm dứt thỏa thuận ủy thác bất cứ lúc nào, nên nó mang tính có thể hủy ngang. Vì vậy, mặc dù nghe có vẻ rắc rối, nhưng thật ra đó chỉ là “một thỏa thuận pháp lý được tạo ra giúp bạn làm chủ hoàn toàn tài sản của mình, và bạn có thể sửa đổi hay kết thúc bất cứ lúc nào bạn muốn khi còn sống”.
Trong một ủy thác có thể hủy ngang, bạn là người được ủy quyền, tức người chịu trách nhiệm về khối tài sản trong quỹ. Vì vậy, bạn có quyền đưa ra bất kỳ quyết định nào bạn muốn đối với các tài sản đó. Nếu bạn bị bệnh dẫn đến mất khả năng lao động hoặc sinh hoạt, hoặc sau khi bạn qua đời, một người kế thừa ủy thác mà bạn nêu tên trong hồ sơ ủy thác sẽ quản lý quỹ cho bạn. Và quỹ này hoàn toàn không cần phải đi qua quá trình chứng thực di chúc!
Quỹ ủy thác không thể hủy ngang
Suốt hàng thế kỷ qua, một số gia đình giàu có nhất trên thế giới đã biết điều mà các chuyên gia bảo vệ tài sản dày dạn kinh nghiệm nhất sẽ tiết lộ cho bạn: bí quyết làm giàu nằm ở chỗ không sở hữu gì cả nhưng có thể kiểm soát tất cả. Điều này có thể được thực hiện thông qua một quỹ ủy thác không thể hủy ngang. Quỹ này có tư cách pháp nhân riêng biệt, vì vậy tài sản trong quỹ không bị đánh thuế di sản sau khi bạn qua đời. Đúng vậy, gia đình bạn sẽ có thể giữ lại 40% tài sản đó thay vì để nó bị tịch thu sung công bởi chính phủ Mỹ!
Ngoài ra, nếu quỹ ủy thác này được thiết lập đúng cách, các tài sản bên trong có thể được bảo vệ khỏi các chủ nợ, thủ tục ly hôn, phán quyết pháp lý và các rủi ro khác trong khi bạn còn sống - do đó, nó còn có tên gọi khác là quỹ ủy thác bảo vệ tài sản. Vậy làm thế nào để tối ưu hóa quỹ ủy thác không thể hủy ngang?
• Tối đa hóa lợi ích từ các khoản quà tặng hàng năm. Như tôi đã đề cập trước đó, bạn được phép tặng 14.000 đô-la/người mỗi năm miễn thuế. Nhưng thay vì cho thẳng người thụ hưởng, có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu bạn để số tiền đó vào một quỹ ủy thác không thể hủy ngang và cho người đó làm người thụ hưởng của quỹ. Điều này đặc biệt hiệu quả nếu người thụ hưởng còn trẻ tuổi, gặp khó khăn trong việc quản lý tiền bạc, hoặc nếu có các tình tiết nào đó khiến bạn muốn đặt ra điều kiện mà người thụ hưởng phải đáp ứng trước khi có quyền sử dụng số tài sản bạn tặng - chẳng hạn như họ phải hoàn tất chương trình đại học hoặc có một công việc toàn thời gian.
• Đưa bảo hiểm nhân thọ vào quỹ ủy thác không thể hủy ngang. Đưa bảo hiểm nhân thọ vào quỹ này là một chiến lược phổ biến đến mức người Mỹ đã đặt hẳn tên gọi cho nó, đó là quỹ ủy thác bảo hiểm nhân thọ không thể hủy ngang, gọi tắt là ILIT (Irrevocable Life Insurance Trust). Đa số chúng ta đều biết tiền bồi thường bảo hiểm không phải chịu thuế thu nhập; nhưng không nhiều người biết rằng thu nhập này bị tính thuế di sản (với thuế suất 40%). Tuy nhiên, nếu hợp đồng bảo hiểm được lồng vào quỹ ủy thác không thể hủy ngang, bạn có thể tránh được cả thuế thu nhập lẫn thuế di sản! Một công đôi việc! Đây là cách làm: bạn cho đi số tiền 14.000 đô-la hàng năm (14.000 đô-la cho mỗi đứa con, mỗi đứa cháu, nếu bạn muốn đóng góp nhiều hơn) và sử dụng nó để mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong một quỹ tín thác không thể hủy ngang, điều này cho phép con cháu bạn nhận được bảo tức nhân thọ hoàn toàn miễn thuế!
• Đối với những người có tài sản ròng cực cao, hãy sử dụng mức miễn thuế trọn đời của bạn ngay hôm nay. Cho đi một phần hoặc toàn bộ mức trần miễn thuế 5,45 triệu đô-la của bạn (hoặc 10,9 triệu đô-la nếu bạn đã kết hôn) hôm nay có thể là một chiến lược tuyệt vời, đặc biệt nếu số tiền được trao cho một thành viên trong gia đình thông qua quỹ ủy thác không thể hủy ngang để bảo vệ tài sản và tối ưu hóa tính hiệu quả về thuế. Tại sao ngày nay mọi người lại muốn cho đi nhiều như vậy? Giả sử bạn có một tài sản trị giá 5 triệu đô-la và bạn kỳ vọng nó sẽ tăng giá trị đáng kể trong suốt cuộc đời mình - cổ phần của một công ty nào đó hoặc một mảnh đất ở khu vực chưa phát triển chẳng hạn. Bằng cách đưa khối tài sản này vào quỹ ủy thác, bạn không phải trả thuế cho việc chuyển nhượng vì nó nằm trong số tiền miễn giảm trọn đời của bạn. Khi bạn qua đời, hy vọng là hàng chục năm sau, tài sản đó có thể tăng giá trị gấp nhiều lần. Nếu mảnh đất trị giá 5 triệu đô-la ban đầu giờ có giá 20 triệu đô-la thì toàn bộ 20 triệu đô-la ấy sẽ được chuyển cho người thụ hưởng theo chỉ định của bạn mà không phải chịu bất kỳ loại thuế nào.
CHECKLIST #3: BẢO HIỂM
“Ai cũng có một kế hoạch cho đến khi họ hứng một cú đấm thẳng vào mặt.”
- MIKE TYSON
Nhiều tình huống khiến bạn thiệt hại về tài chính lẽ ra có thể được xử lý qua bảo hiểm. Đúng vậy, giống như bạn bảo hiểm chiếc xe của mình vì bạn không muốn bị mắc kẹt với một hóa đơn hàng ngàn đô-la cho một tai nạn, hay bạn mua bảo hiểm y tế để phòng trường hợp sức khỏe của mình có vấn đề và bạn không muốn hóa đơn viện phí khiến bạn phải phá sản, một số loại bảo hiểm khác cũng có thể là những công cụ tuyệt vời nếu được sử dụng đúng cách. Tôi biết, không ai thích bảo hiểm cho đến khi anh ta cần nó! Bạn có thể làm đúng mọi thứ - thuê một chuyên gia nhận ủy thác, giảm phí và thuế, xây dựng một danh mục đầu tư tuyệt vời - và chỉ trong nháy mắt, mọi nỗ lực của bạn tan thành mây khói nếu bạn không chuẩn bị cho một tình huống có thể khiến bạn thiệt hại nặng nề.
Vì vậy, hãy học cách tự bảo vệ bản thân.
Bảo hiểm nhân thọ
Nếu bạn có bảo hiểm cho chiếc điện thoại thông minh nhưng lại không có bảo hiểm cho tính mạng của mình, chúng ta thật sự cần nói chuyện với nhau. Tôi không đùa đâu. Bảo hiểm nhân thọ là một phương tiện quan trọng để bảo vệ tài sản của bạn và gia đình bạn. Tôi từng chứng kiến những tình huống đáng tiếc mà trong đó những người có tài sản lớn lại không có bảo hiểm nhân thọ (hoặc bảo hiểm nhân thọ ở mức chưa thích hợp), và các thành viên trong gia đình họ nhanh chóng hết tiền vì bị mất nguồn thu nhập chính và chi phí thi nhau chồng chất. Vì vậy, ngay cả khi bạn có bảo hiểm nhân thọ, hãy xem xét các loại khác nhau và đảm bảo rằng bạn mua loại phù hợp nhất.
• Bảo hiểm tử kỳ hay bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn: Đây là loại bảo hiểm nhân thọ thích hợp nhất cho gần như hầu hết người Mỹ; tuy nhiên, bảo hiểm tử kỳ lại thường không được các đại lý bảo hiểm đề xuất, vì nó mang lại mức hoa hồng thấp nhất. Với hợp đồng bảo hiểm tử kỳ, bạn bảo hiểm sinh mạng của mình cho một khoảng thời gian cụ thể (thường là 10, 15, 20 hoặc 30 năm). Vào cuối kỳ, hợp đồng kết thúc và bạn không còn được bảo hiểm nữa. Nhiều đại lý bảo hiểm viện lý do sau để khuyên bạn không nên mua bảo hiểm có kỳ hạn: bạn không bao giờ nhận được lợi tức đầu tư của mình. Tôi thấy luận điểm này khá ngớ ngẩn. Nó giống như việc tôi nên cảm thấy thất vọng vì đã mua bảo hiểm cháy nổ cho căn nhà của tôi nhưng nó lại không bị cháy! Trên thực tế, bảo hiểm tử kỳ rất hữu ích nếu bạn muốn bảo vệ gia đình mình trong trường hợp có chuyện bất trắc xảy ra với bạn trước khi bạn đến được bến bờ tự do tài chính. Kỳ hạn bảo hiểm sẽ tùy thuộc vào việc bạn còn cách mục tiêu tự do tài chính bao xa. Nhân viên bảo hiểm hoặc cố vấn tài chính của bạn có thể giúp bạn xác định những con số đó.
• Bảo hiểm nhân thọ trọn đời: Như bạn có thể thấy từ tên gọi của nó, bạn mua loại bảo hiểm này cho toàn bộ cuộc đời bạn; do đó, nó mắc tiền hơn nhiều vì công ty bảo hiểm chắc chắn sẽ phải trả một khoản trợ cấp tử vong cho người thụ hưởng vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Mua bảo hiểm nhân thọ trọn đời có phải là một ý kiến hay hay không? Như chúng ta đã thảo luận ở phần trước, bạn có thể sử dụng loại bảo hiểm này như một phần của kế hoạch xử lý di sản để vừa tối đa hóa di sản của bạn vừa tối thiểu hóa thuế bằng cách thiết lập một quỹ ủy thác bảo hiểm nhân thọ không thể hủy ngang. Bạn cũng có thể mua bảo hiểm nhân thọ cho người còn sống. Đây là loại bảo hiểm nhân thọ dành cho cả hai vợ chồng hoặc hai người bạn đời. Tiền bảo hiểm chỉ được chi trả sau khi cả hai người được bảo hiểm đều qua đời. Vì là bảo hiểm hai nhân mạng, quyền lợi tử vong sẽ lớn hơn loại bảo hiểm chỉ dành cho một cá nhân. Hãy nhớ là nếu bảo hiểm này được giữ trong một quỹ ủy thác không thể hủy ngang, số tiền bảo hiểm con cháu bạn được nhận cũng không phải chịu thuế thu nhập và thuế di sản!
• Bảo hiểm nhân thọ biến đổi: Đây thực chất là bảo hiểm nhân thọ vĩnh viễn, ngoại trừ việc nó được tái đầu tư vào một số “tài khoản con” tương tự như quỹ tương hỗ. Hãy cẩn thận với loại bảo hiểm này! Các phương tiện “đầu tư” dạng này gần như chìm trong vũng lầy các loại phí, tiền hoa hồng khổng lồ và các quỹ được quản lý theo kiểu chủ động. Chúng cũng có phí hủy hợp đồng rất cao nếu bạn muốn hủy ngang. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là một công cụ dành cho giới siêu giàu được gọi là bảo hiểm nhân thọ tư nhân, loại này không thu phí hoa hồng, không phải chịu phí hủy ngang, cùng vài hạn chế đối với các khoản đầu tư bên trong nó. Có thể bạn chưa nghe nói về loại hình bảo hiểm này bởi vì các đại lý bảo hiểm nhân thọ không thể kiếm được một xu nào từ nó. Loại bảo hiểm nhân thọ tư nhân này thường yêu cầu khoản đặt cọc từ một triệu đô-la trở lên, vì vậy nó thật sự là một công cụ dành cho những người có khối tài sản siêu lớn.
Bạn cần mua gói bảo hiểm nhân thọtrị giá bao nhiêu?
Xác định số tiền bảo hiểm nhân thọ của bạn là một phần không thể thiếu khi lập kế hoạch tài chính và bạn nên làm việc này cùng cố vấn tài chính của mình. Có nhiều phương pháp phổ biến để ước tính số tiền bảo hiểm nhân thọ mà một người cần, nhưng hầu hết đều không hợp lý. Ví dụ, một nguyên tắc phổ biến là bạn nên mua bảo hiểm nhân thọ tương đương với năm lần thu nhập hằng năm của bạn. Nhưng hãy nghĩ mà xem, nếu bạn kiếm được 100.000 đô-la mỗi năm và có tài sản ròng 5 triệu đô-la, có lẽ bạn không cần bảo hiểm nhân thọ; gia đình bạn sẽ ổn thôi. Nếu bạn vừa tốt nghiệp trường y với khoản nợ 250.000 đô-la, vừa mua một ngôi nhà trị giá 700.000 đô-la và có ba nhóc tì, vậy thì số tiền gấp năm lần thu nhập của bạn chẳng thấm vào đâu! Cho nên, cách tốt nhất để xác định độ lớn số tiền bảo hiểm của bạn là tính toán sao cho phù hợp với hoàn cảnh của bạn.
Bạn cần phải đánh giá lại con số này khi bạn ngày càng lớn tuổi, khi bạn đạt được các mục tiêu nào đó, hoặc khi bạn đặt ra những mục tiêu mới. Ví dụ, sau khi con bạn xong đại học, hoặc khoản thế chấp của bạn đã được trả hết, bạn không cần phải mua bảo hiểm để phòng ngừa những trường hợp đó nữa, nhưng bạn có thể cần tiếp tục tiết kiệm để nghỉ hưu. Một lần nữa, đây là lúc cố vấn tài chính của bạn sẽ cho những lời khuyên giá trị.
Bảo hiểm tai nạn
Tài sản lớn nhất của bạn là gì? Nhiều người nói đó là ngôi nhà của họ hoặc tiền trong tài khoản hưu trí của họ. Thật ra, tài sản lớn nhất của một người là khả năng kiếm tiền của người đó. Mục tiêu của bạn về an toàn và tự do tài chính thường phụ thuộc vào khả năng kiếm được nguồn thu nhập ổn định để có thể tích lũy nó thành khoản tiền tiết kiệm dành cho tương lai. Một tai nạn bất ngờ có thể làm hỏng bét mọi kế hoạch của bạn.
Các chủ sử dụng lao động thường mua cả bảo hiểm tai nạn ngắn hạn và dài hạn cho nhân viên của họ, vì vậy bạn nên kiểm tra chính sách của công ty bạn trước khi tự mua bảo hiểm tai nạn cho mình.
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi thưa ông Johnson.
Không may là không có phương thuốc nào trị được gói bảo hiểm tồi.”
Bảo hiểm chăm sóc dài hạn
Không ai thích nghĩ đến việc mình sẽ già đi. Tôi hiểu điều này. Nhưng trừ khi bạn là người trẻ mãi không già, nếu không, bạn phải đảm bảo rằng nếu một ngày nào đó, khi bạn cần có sự chăm sóc lâu dài, bạn sẽ có gói bảo hiểm cần thiết. Theo New York Times, “70% người trên 65 tuổi cần được chăm sóc lâu dài trước khi họ qua đời, nhưng chỉ khoảng 20% có hợp đồng bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Điều đó có nghĩa là hàng triệu người cần được chăm sóc lâu dài phải tự trả tiền túi cho dịch vụ này”.
Nếu bạn đủ may mắn để có một danh mục đầu tư hàng triệu đô-la, một danh mục được cấu trúc hợp lý có thể giúp bạn kiếm đủ số tiền bạn cần khi bước vào giai đoạn già nua ấy. Tuy nhiên, chi phí điển hình của một viện dưỡng lão thay đổi tùy theo bang tại Mỹ, từ 67.525 đô-la mỗi năm ở Des Moines, Iowa, đến 168.630 đô-la ở Thành phố New York. Cứ cho rằng chỉ 44% dân số Mỹ trên 50 tuổi có tài sản trị giá hơn 100.000 đô-la, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết những người vào viện dưỡng lão đều rỗng túi trong vòng vài năm.
Làm thế nào để ngăn ngừa điều này? Bạn cần mua bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho bản thân hoặc những người bạn yêu thương trước khi điều đó trở nên bức thiết. Ví dụ, bạn có thể chọn loại hợp đồng bao chi trả 200 đô-la mỗi ngày hoặc 72.800 đô-la mỗi năm trong ba năm, nghĩa là một người 65 tuổi chỉ phải đóng phí 5.000 đô-la mỗi năm. Tuy nhiên, nếu bạn chờ đến khi lớn tuổi mới bắt đầu mua bảo hiểm chăm sóc dài hạn, hợp đồng bảo hiểm đó sẽ trở thành gánh nặng chi phí. Hơn nữa, hầu hết các công ty bảo hiểm đều từ chối cung cấp dịch vụ cho những người trên 84 tuổi. Phạm vi của hợp đồng bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người lớn tuổi thường bao gồm dịch vụ chăm sóc tại nhà, hỗ trợ cuộc sống, chi phí chăm sóc ban ngày cho người cao tuổi, chi phí nhà dưỡng lão và cơ sở chăm sóc bệnh Alzheimer. Người từ 45 tuổi đã có thể mua các hợp đồng bảo hiểm loại này chỉ với mức phí 100 đô-la mỗi tháng.
Bảo hiểm nhà ở
Ngôi nhà là một trong những tài sản lớn nhất của chúng ta, và do đó, điều nên làm là đảm bảo rằng chúng ta được bảo vệ khỏi những chuyện có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát như hỏa hoạn, lốc xoáy, động đất hay lũ lụt. Bảo hiểm nhà ở bảo vệ bạn qua các khoản bồi thường thiệt hại cho ngôi nhà của bạn trong phạm vi hợp đồng. (Đây là điều mấu chốt. Chúng ta thường không tìm hiểu đầy đủ các giới hạn và điều kiện bồi thường của các hợp đồng này nên sau đó thấy mình bị mắc kẹt với những hóa đơn mà chúng ta không ngờ là mình phải tự chi trả.)
Đối với mọi loại hợp đồng bảo hiểm, điều tiên quyết là bạn phải xác định chính xác mức bồi thường bạn muốn. Do đó, bạn cần đánh giá giá trị thay thế của ngôi nhà mình ở, tức là khoản tiền mua nhà mới nếu không may căn nhà được bảo hiểm của bạn bị cháy rụi, và chi phí này có thể khác so với giá bán ngôi nhà đó. Mức bảo hiểm nhà ở cũng phải phù hợp với chi phí xây dựng mới ngôi nhà của bạn bằng các vật liệu giống hệt hoặc tương tự như ngôi nhà hiện tại. Ở vài khu vực tại Mỹ, chi phí nguyên vật liệu tiếp tục tăng trong khi giá bất động sản vẫn ở mức cũ, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu chi phí xây dựng hiện hành để tính toán hợp lý số tiền bồi thường mà bạn muốn nhận trong trường hợp xấu nhất.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là ở Mỹ, công ty bảo hiểm chỉ chi trả toàn bộ thiệt hại cho ngôi nhà của bạn khi phạm vi bảo hiểm của bạn bao trùm ít nhất là 80% giá trị thay thế của ngôi nhà. Điều đó nghĩa là gì? Giả sử bạn sở hữu một ngôi nhà trị giá 500.000 đô-la và mức bảo hiểm bạn mua là 350.000 đô-la. Nếu một ống nước trong nhà bạn bị vỡ và gây thiệt hại 50.000 đô-la, mặc dù mức bảo hiểm toàn bộ có giá trị cao hơn mức thiệt hại 50.000 đô-la, công ty bảo hiểm chỉ gửi cho bạn một tấm séc trị giá 43.750 đô-la (sau khi trừ đi mọi khoản họ được quyền trừ) chứ không phải 50.000 đô-la.
Nhiều người ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các hợp đồng của họ không bao trùm nhiều hạng mục như họ nghĩ. Vì lý do này, nếu bạn đang sở hữu ngôi nhà có giá trị cao, tài sản cho thuê hoặc tài sản có giá trị hoặc tài sản độc đáo khác (du thuyền, bộ sưu tập xe hơi, v.v.) thì bạn nên làm việc với các công ty bảo hiểm chuyên bán các dịch vụ được thiết kế để bảo vệ các loại tài sản tương ứng, để tránh tình trạng phải đóng tiền cho một gói bảo hiểm mà cuối cùng nó không bảo vệ bạn đúng như bạn nghĩ.
Bảo hiểm bao trùm
Bảo hiểm bao trùm là loại hợp đồng bảo hiểm vượt quá trách nhiệm nhằm bảo vệ bạn trước các thiệt hại ngoài giới hạn trách nhiệm của hợp đồng bảo hiểm nhà ở và bảo hiểm ô-tô của bạn. Đây chính là loại hợp đồng bảo vệ tài sản bao gồm tất cả mọi chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào và vì bất kỳ lý do gì theo những cách chúng ta không thể tưởng tượng được. Chúng ta đang sống trong một xã hội thích tranh chấp và cha mẹ của đứa trẻ nào đó có thể kiện bạn nếu đứa trẻ đó bị thương khi chơi tấm nhún lò xo trong sân nhà bạn. Chúng ta có thể làm mọi cách trong khả năng của mình để có sự độc lập tài chính hoàn toàn, nhưng sẽ không là gì cả nếu chúng ta thua trong một vụ kiện tụng lớn.
Vì lý do này, bạn nên mua bảo hiểm bao trùm. Khi mua bảo hiểm này, chúng ta cũng mua cả cơ hội tiếp cận với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp làm việc cho công ty bảo hiểm, với hy vọng rằng bất kỳ rắc rối về trách nhiệm pháp lý nào có thể phát sinh đối với chúng ta sẽ được nhóm này giải quyết.
CHECKLIST #4: ĐỂ LẠI DI SẢN
Có một điểm chung ở những con người vĩ đại mà Tony đã phỏng vấn: họ không chỉ thích kiếm tiền cho bản thân và gia đình mà còn thích cho đi. Họ biết rất rõ rằng hạnh phúc xuất phát từ việc chia sẻ sự giàu có của mình cho những mục tiêu tốt đẹp và có ý nghĩa đối với họ. Nếu bạn còn nhớ, một trong những lý do mà tôi và Tony viết quyển sách này là để giúp tạo ra một tỷ bữa ăn cho những người cần được hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc quyên góp, đa số mọi người đều cho rằng đó là viết một tấm séc cho một tổ chức từ thiện hoặc nhóm thiện nguyện yêu thích của họ. Tôi sẽ chỉ ra những cách tốt nhất để chia sẻ sự giàu có của bạn cho những mục tiêu tốt đẹp mà vẫn có thể tăng tính hiệu quả về thuế.
• Tặng loại tài sản thích hợp cho các tổ chức từ thiện. Thường thì người ta chỉ định con cái họ là người thụ hưởng tài khoản hưu trí của họ, và họ tặng tiền mặt hoặc tài sản khác cho các tổ chức từ thiện. Đây không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất. Ví dụ, nếu bạn trao một tài khoản hưu trí IRA trị giá 100.000 đô-la cho con bạn và một mảnh đất trị giá 100.000 đô-la cho một tổ chức từ thiện, con bạn sẽ phải đóng thuế cho các khoản thu nhập nhận được từ tài khoản này. Thay vào đó, nếu bạn tặng IRA cho một tổ chức từ thiện và để lại đất đai cho con bạn, tổ chức từ thiện có thể rút tiền từ IRA mà không phải chịu thuế, còn con bạn có thể bán mảnh đất sau khi bạn qua đời và cũng không phải đóng thuế.
Một ví dụ khác: giả sử bà Donor sở hữu một số cổ phiếu Microsoft mà bà ấy mua từ nhiều năm trước. Nếu bán nó, bà ấy sẽ phải đóng thuế thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, nếu số cổ phiếu này được đem tặng, người tặng không phải chịu thuế đầu tư vốn, không bị mất tiền và vẫn được khấu trừ thuế khi cho tặng từ thiện.
• Hợp tác với một quỹ tư vấn quyên góp từ thiện. Đây là một tổ chức từ thiện công có hai chức năng chính. Thứ nhất, nó giúp các nhà hảo tâm tìm được các tổ chức đang tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa trong các lĩnh vực mà họ quan tâm. Thứ hai, khi bạn quyên góp cho một quỹ như thế, họ sẽ tách số tiền bạn đóng góp vào một tài khoản riêng do chính bạn điều hành, giống như bạn có một tổ chức từ thiện riêng vậy. Vì vậy, nếu bạn quyên góp 25.000 đô-la vào quỹ tư vấn quyên góp từ thiện, trước tiên, bạn sẽ được khấu trừ thuế ngay lập tức. Sau đó, bạn có thể phân bổ khối tài sản này cho bất kỳ tổ chức từ thiện nào mà bạn thấy phù hợp.
• Lập ra một quỹ từ thiện tư nhân. Đối với những người có tài sản ròng cực cao, việc lập một quỹ từ thiện tư nhân có thể là cách tuyệt vời để tạo ra một di sản từ thiện đa thế hệ. Quỹ từ thiện tư nhân là một tổ chức độc lập, có nhân viên và ban giám đốc điều hành để xử lý các hoạt động của quỹ và phân phối tài sản để thực hiện các sứ mệnh từ thiện. Mặc dù có nhiều quy định pháp luật và quy tắc hơn trong việc sử dụng và phân phối tiền bạc đối với loại quỹ này - cùng với chi phí vận hành cao vì bạn phải thuê nhân viên quản lý quỹ - nhưng bù lại, các thành viên trong gia đình có thể được trả lương khi làm việc cho quỹ.
• Tìm những cách sáng tạo để tăng tầm ảnh hưởng của bạn. Một số công ty đang tạo ra sức ảnh hưởng ngày càng tăng theo cấp số nhân trong lĩnh vực từ thiện bằng cách sử dụng nguồn lực từ cộng đồng. Ví dụ, tổ chức Crowdrise (www.crowdrise.com) được đồng sáng lập bởi diễn viên Edward Norton đã lọt vào top 25 tổ chức từ thiện hàng đầu thế giới, theo Barron’s (Tony là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của tổ chức này). Nhờ áp dụng các công nghệ mới và sở hữu các mạng xã hội rộng lớn, Crowdrise có cách tiếp cận độc đáo để tạo ra tác động tối đa, đó là cạnh tranh thân thiện giữa các tổ chức từ thiện muốn nhận quyên tặng từ bạn. Giả sử nếu bạn muốn tặng 100.000 đô-la cho một tổ chức từ thiện chuyên cung cấp nước sạch cho cộng đồng, Crowdrise sẽ tiếp cận mười (hoặc nhiều hơn) tổ chức từ thiện về nước sạch khác nhau để cạnh tranh nhận khoản đóng góp của bạn. Trong một tháng, các tổ chức từ thiện cạnh tranh với nhau bằng cách tìm đến các nhà tài trợ trong mạng lưới mối quan hệ riêng của mình, báo cho các nhà tài trợ tiềm năng này biết rằng ai huy động được nhiều tiền nhất trong tháng sẽ giành được cả khoản tài trợ 100.000 đô-la kia. Nếu trung bình một tổ chức từ thiện gây quỹ được 50.000 đô-la (10 tổ chức từ thiện x 50.000 đô-la = 500.000 đô-la), và người chiến thắng nhận được 100.000 đô-la từ bạn, như vậy có tổng cộng 600.000 đô-la được huy động đóng góp thành công - nhiều hơn 500.000 đô-la so với khoản quyên góp cá nhân của bạn!
VÀ ĐÂY LÀ TẤM BẰNG TỐT NGHIỆP CỦA BẠN!
Nếu bạn đã đến được trang này, xin chúc mừng bạn! Giờ đây bạn không chỉ quyết định làm thế nào để đầu tư thông minh và trở nên không thể lay chuyển trong việc tạo dựng sự giàu có của bạn, mà còn học được chính xác những gì cần làm để bảo vệ gia đình mình, tối ưu hóa tính hiệu quả về thuế và để lại di sản cho đời sau. Việc này có thể đòi hỏi bạn phải có vài cuộc nói chuyện với luật sư, cố vấn tài chính và chuyên gia bảo hiểm của bạn. Chỉ cần tập trung một chút vào hôm nay, bạn có thể mang lại cho bạn và gia đình mình một sự bình an vô giá trong tâm hồn.