Stress ở trẻ em
Đối với trẻ trong lứa tuổi đi học, căng thẳng thần kinh (hay còn gọi là stress) là một vấn đề tâm lý thường gặp. Căng thẳng thần kinh có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng thể chất như thở nhanh, tim đập nhanh, đau bụng, đau đầu. Với những triệu chứng trên, một số trẻ đã phải nhập viện để được điều trị nội trú, sau khi khám bệnh và loại bỏ những nguyên nhân bệnh thể chất, trẻ được giới thiệu sang khám tâm lý.
Nguyên nhân khiến trẻ lo lắng?
Đối với các học sinh cấp 2 và cấp 3, dưới đây là những tình huống gây lo lắng, căng thẳng, với mức độ phổ biến giảm dần:
• Áp lực học tập
• Cha mẹ hoặc thầy cô, bạn bè la mắng, đánh đập
• Bị bạn từ chối chơi, bị cô lập
• Không có nhiều thời gian bên cạnh cha mẹ
• Không làm được bài tập ở nhà
• Không được ăn mặc theo sở thích
• Nhận thấy sự thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì
• Thấp bé hơn, hay bị thừa cân so với các bạn đồng trang lứa
• Cha mẹ cãi nhau trước mặt trẻ
• Không hạp với thầy cô giáo
• Do đổi nhà, đổi trường
• Cha mẹ chia tay
• Bị ép làm điều trẻ không thích
Làm thế nào biết được trẻ đang chịu căng thẳng thần kinh?
Mặc dù stress là một phần của cuộc sống và có thể giúp trẻ lớn lên về mặt ứng xử trước những tình huống khó khăn, song stress cũng có thể gây tác dụng tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý khi nhận thấy con mình có những biểu hiện sau đây:
• Trẻ có dấu hiệu thể chất như đau bụng, đau đầu
• Trẻ hay mệt mỏi, uể oải
• Trẻ có vẻ trầm cảm, không giao tiếp về cảm xúc của bản thân
• Trẻ dễ cau có, không thích các sinh hoạt thường ngày
• Trẻ ít quan tâm đến những sinh hoạt quan trọng đối với trẻ, thích ở nhà hơn ra ngoài, tiếp xúc với bạn bè
• Trẻ học sa sút, không thích đi học và không thích làm bài, học bài
• Trẻ có hành vi chống đối xã hội như nói láo, trộm cắp, quên hoặc từ chối làm những việc lặt vặt, và có vẻ lệ thuộc cha mẹ hơn trước
Cha mẹ cần tìm hiểu xem trẻ bị áp lực do đâu?
Nguyên nhân gây stress có thể nằm ngoài phạm vi gia đình và ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều trẻ cảm thấy bị áp lực trong chính gia đình, chẳng hạn như cha mẹ kỳ vọng vào con cái ở mức vượt quá khả năng của trẻ, bắt trẻ học quá nhiều. Sau giờ học chính khóa ở trường, trẻ còn phải đi học thêm môn tiếng Anh, môn toán, học đàn, vi tính,... vì cha mẹ không muốn trẻ thua kém bạn bè cùng trang lứa trong xã hội nhiều cạnh tranh như hiện nay. Do vậy, trẻ phải di chuyển liên tục từ chỗ học này sang chỗ học khác, không còn giờ để ăn, để chơi, để thư giãn và để làm “trẻ em”.
Theo tình trạng đến khám ở các trung tâm nhi khoa, các trẻ gặp căng thẳng thần kinh thường dẫn đến hiện tượng học tập sa sút. Tuy vậy, cha mẹ lại không nhận biết được các dấu hiệu để sớm đưa trẻ đi khám tâm lý. Có những trường hợp trẻ chỉ được đưa đến gặp chuyên viên tâm lý sau khi đã chịu bao trận đòn từ cha mẹ, thầy cô. Sau khi quan sát và tiếp xúc với trẻ, trong một số trường hợp các chuyên viên tư vấn tâm lý xác định rằng sở dĩ trẻ không thể đáp ứng những kỳ vọng của gia đình và xã hội là do một số khiếm khuyết trong quá trình phát triển, nhất là trong phát triển nhận thức, giao tiếp, cảm xúc mà cha mẹ và thầy cô ít quan tâm hoặc chưa được trang bị kiến thức đúng để nhận biết, để thấu hiểu và hỗ trợ trẻ.
Cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ giảm stress?
• Cha mẹ nên trả lại tuổi thơ cho trẻ, đừng bắt trẻ làm người lớn quá sớm.
• Ý thức về tuổi phát triển của trẻ chứ không phải chỉ dựa trên tuổi sinh học. Cha mẹ cũng nên quan tâm đến sự phát triển toàn diện cho trẻ, đặc biệt ở các lĩnh vực nhận thức, giao tiếp, xã hội, cảm xúc chứ không chỉ dừng ở việc cho trẻ ăn, ngủ, học văn hóa.
• Vui chơi và thể dục là sinh hoạt không thể thiếu ở trẻ em. Cha mẹ cần học lại cách chơi với trẻ theo từng độ tuổi.
• Nên dành thời gian (tối thiểu 10 – 15 phút hàng ngày) để lắng nghe, thảo luận, đề nghị với trẻ về chương trình sống của trẻ hàng ngày. Tránh áp đặt những hoạt động mà trẻ không thích hoặc không giỏi.
• Cha mẹ cũng nên xem lại bản thân có đang bị stress không, vì sự căng thẳng ở cha mẹ có ảnh hưởng đến trẻ. Có thể cha mẹ cần điều chỉnh lại nhịp sống của mình trước khi bắt trẻ thay đổi hành vi.
• Cha mẹ nên động viên, nâng đỡ, khen ngợi thay vì thúc ép, bắt buộc, ép buộc trẻ.
• Dùng những biện pháp bạo lực không mang lại kết quả khả quan, vì đó là cách cha mẹ trút cơn giận dữ, ấm ức của mình lên con cái và vô tình dạy con cách giao tiếp bằng bạo lực.
Hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau thảm họa tự nhiên
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, người dân có thể phải chịu đựng những hậu quả của thảm họa do bão lũ và động đất. Ngoài thiệt hại về con người (qua con số người chết, mất tích, bị thương) và tổn thất vật chất, chúng ta cũng nên quan tâm đến phản ứng trước mắt và hậu quả tâm lý lâu dài ở trẻ em.
Trẻ em phản ứng thế nào trước thảm họa tự nhiên?
Mặc dù các thảm họa tự nhiên chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng ảnh hưởng của chúng lên tâm lý những người sống sót có thể kéo dài hàng tháng và thậm chí hàng nhiều năm. Đối với trẻ nhỏ là lứa tuổi chưa có khả năng hiểu hoặc bày tỏ cảm xúc, cách quan trọng nhất để giúp trẻ sau cơn thảm họa là tạo cho trẻ cảm giác an toàn và được trấn an. Chúng ta hãy nhớ mọi trẻ đều khác nhau và biểu lộ sự căng thẳng không giống nhau. Vì thế, cần lưu ý những thay đổi hành vi của từng cá thể, tùy từng lứa tuổi.
Phản ứng của trẻ tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, các yếu tố này có thể là sự tổn thương của cá nhân, sự mất mát người thân, mức độ nâng đỡ tinh thần của cha mẹ, mất mát nhà cửa, tiền sử sang chấn tâm lý hoặc bệnh lý tâm thần.
Một số ít trẻ có thể có nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (tức post-traumatic stress disorder, viết tắt là PTSD) bao gồm các triệu chứng trên kèm theo việc trải nghiệm lại các biến cố đau thương khi chơi trò chơi hoặc ngủ mơ; khi đó, trẻ có cảm giác thảm họa tái xuất hiện, chết lặng đối với các chủ đề cảm xúc, khó tập trung và dễ giật mình. Nguy cơ tự tử có thể gia tăng ở một số ít trẻ vị thành niên nếu các em gặp phải vấn đề tâm thần trầm trọng như PTSD hoặc trầm cảm. Với những triệu chứng này, trẻ cần được gặp chuyên viên tâm lý hoặc tâm thần.
Cha mẹ và giáo viên nên giúp trẻ như thế nào?
• Giữ bình tĩnh và bình tâm lại. Nhìn nhận sự mất mát, tổn hại, nhưng tin tưởng vào cố gắng của cộng đồng để dọn dẹp và xây dựng lại. Trấn an trẻ rằng các bé vẫn được gia đình chăm sóc và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
• Nhìn nhận và bình thường hóa cảm xúc của trẻ. Cho phép trẻ thảo luận về những cảm xúc và những quan ngại. Hãy lắng nghe trẻ với sự đồng cảm, cho trẻ hiểu rằng phản ứng của trẻ là bình thường.
• Khuyến khích trẻ nói về các biến cố gây đau thương. Trẻ cần có cơ hội thảo luận về kinh nghiệm sống của mình trong một môi trường an toàn và được chấp nhận. Cho trẻ tham gia những sinh hoạt có thể giúp trẻ chia sẻ kinh nghiệm sống, trong đó có hình vẽ, câu chuyện, âm nhạc, kịch hoặc xem hình ảnh trên truyền hình, nghe truyền thanh. Cha mẹ cũng nên nhờ chuyên viên tâm lý tư vấn thêm.
• Cổ vũ những kỹ năng ứng phó và giải quyết vấn đề một cách tích cực. Động viên trẻ triển khai phương pháp ứng phó với cơn lo âu một cách tích cực.
• Củng cố mối quan hệ giữa trẻ với các bạn. Bạn bè sẽ giúp trẻ ứng phó với hoàn cảnh khó khăn tốt hơn và tránh cho trẻ bị cô lập. Trong vài trường hợp, cha mẹ quá đau khổ và căng thẳng nên không thể nâng đỡ con và những lúc như vậy, bạn nên động viên trẻ đi chơi với bạn.
• Cha mẹ cũng cần tự chăm sóc bản thân. Hãy dành thời gian cho chính mình và tự trấn an mình trước khi nâng đỡ trẻ. Hãy nói chuyện với những người lớn khác. Đừng nên chìm đắm trong nỗi âu lo, sợ hãi một mình, nhưng hãy chia sẻ cảm xúc với người khác để được trấn an. Hãy chăm sóc sức khỏe thể chất của bạn. Hãy dành thời gian làm điều gì đó khiến bạn thích thú. Tránh dùng rượu và ma túy để tự trấn an.
Giảm căng thẳng của cha mẹ khi con bị chậm phát triển
Nhiều cha mẹ đem con đến khám vì những dấu hiệu chậm phát triển như: chậm nhai, chậm đi, chậm nói, chậm hiểu, hiếu động, có hành vi bạo lực. Đây không phải là những dấu hiệu có thể được chữa khỏi sau vài ngày dùng thuốc như các bệnh thể chất khác.
Việc nuôi dưỡng và chăm sóc một trẻ chậm phát triển đòi hỏi người chăm sóc phải có sự kiên nhẫn, chịu đựng, chấp nhận sự hạn chế năng lực của trẻ. Hơn nữa, hiện nay một số lớn cha mẹ bận công việc ngoài xã hội nên khi trở về nhà, phải chăm sóc cho một trẻ có nhu cầu đặc biệt thì quả thật, lắm lúc cha mẹ cảm thấy quá tải và rơi vào tình trạng căng thẳng thần kinh.
Làm thế nào để biết bản thân cha mẹ đang bị căng thẳng thần kinh?
Các cha mẹ nên lưu ý xem mình có gặp phải những dấu hiệu sau hay không:
• Tăng nguy cơ mắc bệnh (dễ bị nhiễm siêu vi khi thay đổi thời tiết chẳng hạn)
• Tăng nguy cơ bị tai nạn (giao thông, nghề nghiệp)
• Giảm sự hứng thú: cảm thấy mệt mỏi, chán nản
• Tính khí thay đổi: dễ buồn bực, cáu gắt
• Uống rượu, uống cà phê, hút thuốc lá nhiều hơn
• Có ý nghĩ bỏ cuộc, không muốn chăm sóc con
• Vợ chồng bất hòa vì những chuyện nhỏ, có tư tưởng muốn ly dị
• Không muốn tuân thủ hướng dẫn của nhà trị liệu: không đem con đi tái khám đúng hẹn, phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên y tế, thậm chí cáu gắt, nặng lời với nhân viên y tế.
• Trong những tình huống mà sự căng thẳng gia tăng, nhiều triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện như: cơn đau nửa đầu, nhức đầu, bệnh về da như viêm da, những rối loạn chức năng như loét tá tràng, chứng tiêu hóa khó khăn, bệnh suyễn và đái tháo đường.
Cha mẹ nên làm gì trong tình trạng căng thẳng?
Cha mẹ cần nhận biết tình trạng căng thẳng cùng những giới hạn của bản thân. Chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi vì quá cầu toàn, muốn đốt cháy giai đoạn trong việc giúp trẻ phát triển sau khi tham vấn nhà trị liệu. Các bậc cha mẹ nên quan tâm đến giấc ngủ và hoạt động giải trí, cũng như lưu ý về chế độ ăn, năng tập thể dục.
Có một số cha mẹ, sau khi được biết con bị chậm phát triển đã dồn hết thời gian để giúp con phát triển và không còn để ý đến chuyện gì khác. Cha mẹ cần thiết lập một thời khóa biểu để dung hòa các sinh hoạt khác nhau: sinh hoạt ngoài xã hội và trong gia đình.
Trong gia đình, cha mẹ cũng cần thống nhất một số sinh hoạt: thời gian dành cho con, thời gian dành cho sinh hoạt vợ chồng và cho riêng mình. Tính hài hước cũng là điều rất cần thiết, một bầu khí gia đình tràn đầy niềm vui và hy vọng sẽ giúp gia đình cảm thấy gánh nặng được vơi đi.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tìm sự nâng đỡ từ xã hội, của các cha mẹ khác để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, cũng nên tiếp xúc với các cha mẹ có con phát triển bình thường. Điều này chỉ thực hiện được khi cha mẹ không mang mặc cảm vì có con chậm phát triển.
Hiện nay, với sự phát triển của ngành nhi khoa nói chung và lực lượng chăm sóc trẻ nói riêng (gồm các chuyên viên nhi khoa, thần kinh, tâm thần, vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, tâm vận động), nhiều trẻ được can thiệp sớm (trước 3 tuổi) và các trẻ này vẫn có nhiều cơ may phát triển tốt nếu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và các chuyên viên liên ngành.
Làm thế nào để thư giãn?
Kỹ thuật thư giãn tương đối dễ thực hiện với các bước sau đây:
(1) Hãy để cho các ý nghĩ tuôn chảy tự do trong đầu.
(2) Nếu cảm thấy vướng mắc ở một ý nghĩ nào đó, hãy hãm nó lại bằng cách nhủ thầm “không” để không phải suy nghĩ tới lui về nó.
(3) Hãy tưởng tượng ra một quang cảnh bình lặng. Màu xanh là màu giúp thư giãn, vậy bạn hãy thử hình dung bầu trời xanh quang đãng và bên dưới là cảnh biển bình yên.
(4) Chú ý tới hơi thở của bạn và làm sao cho nhịp thở chậm rãi, đều đặn. Theo dõi từng hơi thở khi bạn hít vào và thở ra. Mười hơi hít – thở sâu và chậm sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác căng thẳng.
(5) Bạn có thể chọn một danh từ gợi cảm giác bình yên để xoa dịu tâm trạng (chẳng hạn như “tình yêu”, “hòa bình” hay “hơi thở”,...). Nghĩ tới từ đó và nhẩm đi nhẩm lại nó trong đầu (bạn có thể kết hợp với việc hít – thở sâu, chậm).
(6) Bạn hãy tự nhắc mình thư giãn các cơ bắp trong toàn thân bằng cách nằm ngửa trên sàn nhà hoặc trên giường, lưng duỗi thẳng, mắt nhắm lại, hai tay chân dang rộng ra trong tư thế thoải mái (hãy chọn một không gian yên tĩnh để đạt hiệu quả thư giãn cao nhất). Ngay từ đầu, bạn nên chọn trang phục rộng rãi, thoải mái, đừng mang giày. Hít vào và gồng từng bộ phận cơ thể, đếm tới 10; sau đó thở mạnh ra và thư giãn.
Cha mẹ ly dị và những tác động đến trẻ
Hiện tượng ly dị ngày càng phổ biến trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều đôi vợ chồng sống bất hòa với nhau (thậm chí dùng bạo lực với nhau trước mặt con cái), để rồi cuối cùng họ quyết định chia tay nhau. Vậy hiện tượng này có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ?
Cha mẹ chia tay có ảnh hưởng gì đến con cái?
Ly dị luôn gây sốc và đau khổ cho đôi vợ chồng đã từng yêu thương nhau, từng cùng xây dựng cuộc sống. Khi chia tay, cuộc sống của gia đình bị xáo trộn, nhiều sự thay đổi xảy ra như nhà ở, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nội – ngoại,... Có trường hợp trẻ phải thay đổi trường học, việc thích nghi với môi trường mới gặp nhiều khó khăn.
Trẻ có thể có những biểu hiện cho thấy sự lo âu, sợ hãi, trầm cảm vì sự chia ly của cha mẹ, như: đau đầu, đau bụng, khó ngủ, chán ăn, khó tập trung và giảm trí nhớ trong học tập. Thậm chí có trẻ còn thoái lùi: tiểu dầm mặc dù trước đó đã không còn tiểu dầm, đòi bú bình trong khi đã có thể tự ăn như một trẻ lớn. Đó là do trẻ muốn trở lại thời gian hạnh phúc của tuổi ấu thơ khi được sống chung với cha mẹ; một số trẻ muốn được nằm viện để được cả cha lẫn mẹ chăm sóc. Trẻ cũng có thể trở nên khó tính, nhõng nhẽo, dễ khóc nhè, dễ nổi cáu.
Cha mẹ nên làm gì trong hoàn cảnh khó khăn này?
Đối với cha mẹ
Cần tìm sự nâng đỡ của gia đình, bạn bè, người thân quen để vượt qua cơn khủng hoảng. Nếu có rối loạn lo âu, trầm cảm nặng, cha mẹ nên tìm đến một chuyên viên tâm lý để được tư vấn và trị liệu.
Đối với trẻ
Cha mẹ nên nói cho trẻ biết sự thật thay vì nói dối như “mẹ đi học ở nước ngoài”, hoặc “bố phải đi làm xa”. Nói dối sẽ làm cho trẻ tưởng tượng ra những điều không tốt như bố/mẹ bỏ đi vì trẻ không ngoan. Vì con, cha mẹ nên để sự oán giận nhau qua một bên, đừng nói xấu nhau trước mặt con dẫu là trong bất cứ tình huống nào, dẫu nguyên nhân đổ vỡ có là gì chăng nữa. Cha mẹ nên nhớ trẻ con đang cần xây dựng nhân cách bằng cách đồng hóa với cha mẹ, cần chiêm ngắm tấm gương sống tốt đẹp, biết yêu thương từ cha mẹ.
Sau khi ly hôn, dù là cha hay mẹ được giao quyền nuôi dưỡng trẻ thì người này vẫn nên cho phép trẻ được thoải mái thăm viếng người còn lại, đừng gây áp lực cho trẻ như “Nếu con tiếp tục thăm mẹ con thì con qua bên đó ở luôn đi” hoặc “Mẹ sẽ cô đơn kinh khủng trong lúc con ở với bố”. Người lớn không nên bắt con cái trở thành nạn nhân của cuộc chiến giữa hai người đã ly dị, bởi điều này làm cho đời sống của trẻ càng thêm đau khổ.
Thái độ tích cực của cha mẹ sẽ giúp trấn an trẻ, thực sự giúp trẻ hiểu rằng việc ly dị là chấm dứt cuộc sống chung giữa hai vợ chồng chứ không liên quan đến trẻ. Vai trò của cha, của mẹ là không thay đổi, và trẻ vẫn được cả hai yêu thương, chăm sóc.
Trẻ em trước cái chết của người thân
“Một bé trai 3 tuổi bị thương vì nhiều nhát dao đâm khắp người. Khi ra khỏi cơn nguy kịch, câu đầu tiên trẻ hỏi cha là: ‘Mẹ con ở đâu? ’, người cha đã trả lời: ‘Mẹ chết rồi!’”.
Đây là một tình huống có thật và đứa trẻ đã chứng kiến cái chết đau thương của mẹ. Những vết thương trên cơ thể của trẻ có thể được lành trong một thời gian ngắn, nhưng vết thương trong tâm hồn sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tạm lành. Vậy làm thế nào nhân viên y tế có thể giúp hai cha con vượt qua cơn khủng hoảng này?
Những thông tin sau được tham khảo từ tài liệu Nhi khoa Phát triển và Hành vi năm 2005 (Hoa Kỳ), cha mẹ và người lớn nên lưu y những điểm sau nhằm giúp trẻ vượt qua sang chấn tâm lý sau khi mất mát người thân.
Vượt thắng sự mất mát
Trẻ tìm cách hiểu điều đã xảy ra và tại sao có sự chết. Trẻ khóc thương người chết theo kiểu của trẻ và theo mức độ phát triển nhận thức và tình cảm, đồng thời tự xây dựng trong nội tâm hình ảnh của người đã khuất và mối quan hệ đã mất. Và hậu quả lâu dài đối với sức khỏe tâm thần còn tùy nhiều yếu tố:
• Tuổi của trẻ khi sự chết xảy ra.
• Người chết là ai (cha mẹ, anh chị em, bạn bè hoặc người thân?)
• Bản chất mối quan hệ giữa trẻ và người đã chết.
• Bản chất sự chết (bệnh tật, tự tử, AIDS, đột tử, mưu sát, tai nạn, trẻ có chứng kiến không).
• Lịch sử những mất mát mà trẻ từng gặp phải.
Có thể chia tuổi thơ thành 4 nhóm tuổi để hiểu được mức độ nhận thức, cũng như phản ứng cảm xúc của trẻ đối với tang chế. Sau đây là bảng Những giai đoạn nhận thức và cảm xúc của trẻ trong tang chế để bạn đọc có sự tham khảo.
NHỮNG GIAI ĐOẠN NHẬN THỨC VÀ CẢM XÚC CỦA TRẺ TRONG TAM CHẾ
Người lớn cần thay đổi cách thức giao tiếp về cái chết để hạn chế những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực
Trong văn hóa Á Đông, đa số người lớn ngại nói với trẻ về sự chết. Sự chết được xem như nằm ngoài chu kỳ bình thường của cuộc sống, là một đối tượng mà mỗi con người cần chiến đấu và khước từ. Điều này gây khó khăn cho trẻ vì trẻ cần người lớn để giúp trẻ chịu tang và buồn sầu. Nỗi buồn của người lớn càng tăng thêm khi trẻ đặt câu hỏi hoặc thảo luận về sự chết. Ngoài ra, vì muốn bảo vệ trẻ khỏi buồn khổ nên người lớn chọn cách khước từ sự mất mát và điều này có ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Có người lớn còn giải thích rằng “chết cũng gần giống như đi ngủ”, vô tình càng làm cho trẻ bối rối, sợ ngủ hoặc sợ hãi khi thấy một người thân đang ngủ.
Người lớn phải giúp trẻ giải đáp những câu hỏi khó khăn: “Chết là gì?, “Điều đó có thể xảy ra cho con không?”, “Điều đó có thể xảy ra cho người thân của con không?”, “Con có trách nhiệm về cái chết không?”, “Ai chăm sóc con bây giờ?”, “Tại sao người đó chết?”, “Người chết ở đâu bây giờ?”, “ Tại sao người đã chết không trở lại?”. Để có thể hỗ trợ trẻ (cũng như bản thân) tốt nhất, cha mẹ nên đến tham khảo bác sĩ nhi khoa hay chuyên viên tâm lý để được tư vấn cách trả lời trẻ, cách nâng đỡ trẻ. Là những nhà chuyên môn, họ hiểu được trẻ đang ở mức phát triển về nhận thức nào và sẽ giúp cha mẹ điều chỉnh cách giao tiếp, và nếu cần họ có thể đưa ra lời khuyên để người lớn tự điều hòa cảm xúc trước.
Cha mẹ có thể sẽ phải nhờ đến sự nâng đỡ của hàng xóm, của bạn bè và thầy cô ở trường để trẻ dễ dàng vượt qua chướng ngại tâm lý này. Hãy nhớ: dưỡng dục và nâng đỡ từ gia đình và bạn bè là những “bài thuốc” chữa lành tốt nhất cho trẻ chịu tang. Dựa trên bảng Những giai đoạn nhận thức và cảm xúc của trẻ trong tang chế ở trên, chúng tôi có một số gợi ý chung dành cho cha mẹ:
Trẻ rất nhỏ (dưới 2 tuổi)
• Khuyến khích cha mẹ chăm sóc trẻ tốt trong môi trường gia đình vì trẻ ở tuổi này thường có phản ứng với sự xa cách và mất mát.
• Chọn lựa những món đồ chơi, những đồ vật chuyển tiếp thích hợp.
• Quan trọng hơn cả là sự chăm sóc tốt.
Trước tuổi đi học (3 - 6 tuổi)
• Sự nhận thức của trẻ: Vì tính duy kỷ ở tuổi này, trẻ tin là trẻ có thể gây ra cái chết. Vì vậy, cha mẹ và người lớn xung quanh cần nhấn mạnh cho trẻ biết rằng trẻ không gây ra sự chết và trẻ vẫn được chăm sóc tốt. Nỗi buồn của trẻ có thể được biểu hiện bởi sự hung hăng, hoặc hành vi tinh nghịch. Đôi khi trẻ đau khổ đến nỗi trẻ làm như không có gì xảy ra, hoặc trẻ giận dữ với người đã báo tin buồn hoặc với người thân vì họ không đủ mạnh để ngăn cản sự chết.
• Cách giải thích: Vì trẻ ở tuổi này tin rằng chết có thể đảo ngược lại, nên trẻ có thể đặt những câu hỏi như: “Khi nào cha về nhà? Nếu bà ngoại bị chôn trong mồ, bà có lạnh không? Làm sao bà thở khi bị quấn kín như vậy?”.
Với những câu hỏi này, người lớn nên trả lời trung thực và đi vào thẳng vấn đề, như: “Cha đã chết rồi. Chúng ta không bao giờ được gặp lại cha. Tất cả chúng ta rất buồn. Mẹ sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi của con và mẹ cũng muốn biết cảm nghĩ của con khi có người chết. Mẹ cũng nhắc là con sẽ được chăm sóc chu đáo”. Bạn có thể liên hệ sự kiện này với cái chết của con vật nuôi trong khu phố, hoặc có thể đọc truyện có chọn lọc cho trẻ nghe.
• Tham dự nghi thức an táng: Người lớn nên cho trẻ dự đám tang vì điều này có ích cho trẻ, nhất là khi trẻ đã có thể hiểu một lời giải thích cụ thể cho các bước nghi thức liệm xác, an táng, viếng mộ. Những kinh nghiệm thực tế về những việc đang xảy ra sẽ giúp phòng ngừa những nỗi sợ không thực. Tuy nhiên nếu trẻ không thích tham dự đám tang thì bạn có thể kể cho trẻ nghe sau.
Tuổi đi học (6 - 12 tuổi)
• Sự nhận thức của trẻ: Ở tuổi này, vì trẻ đã có hiểu biết về mặt sinh học nên người lớn cần cho trẻ biết về nguyên nhân tử vong (như “Cơ thể của cha ngưng làm việc rồi. Tim cha ngừng đập. Phổi cha ngừng thở. Cha chết vì ung thư”).
• Cách giải thích: Sự thành thật, về lâu về dài, luôn có ích cho việc nâng cao khả năng thích ứng. Hãy để trẻ điều khiển cuộc thảo luận. Những câu hỏi như“Con biết gì? Nói cho mẹ biết điều gì đã xảy ra?” rất hữu ích. Quan trọng là cha mẹ bày tỏ cảm xúc của mình và cho phép trẻ bày tỏ cảm xúc theo.
• Tham dự nghi thức an táng: Khuyến khích trẻ tham dự mọi nghi thức an táng với sự nâng đỡ của một người lớn (tốt nhất là người thấu cảm nhất với trẻ). Tuy nhiên, quyền quyết định có dự hay không vẫn thuộc về trẻ và bạn không nên ép buộc.
Tuổi vị thành niên (dưới 16 tuổi)
• Sự nhận thức của trẻ: Trẻ hiểu sự chết như người lớn, nhưng câu hỏi “tại sao” còn mới lạ đối với trẻ. Mặc dù trẻ đã phần nào trưởng thành, đã có hiểu biết nhưng trẻ có thể tưởng tượng là mình bất tử và có những hành vi mà cha mẹ nên lưu ý. Có trẻ còn tự tạo ra nghi thức an táng khi chơi cùng với bạn.
• Đôi khi trẻ vị thành niên mang mặc cảm tội lỗi và cho rằng chính trẻ chịu trách nhiệm về cái chết. Trẻ thích ở với bạn hơn là với gia đình, khước từ cảm xúc từ người lớn, khiến phản ứng buồn sầu kéo dài.
• Đôi khi trẻ có hình ảnh lý tưởng về người quá cố và muốn gặp họ nên có ý nghĩ tự tử, nhưng rất ít trẻ thực sự có hành động tự sát.
Hội chứng trẻ bị bỏ rơi trong gia đình
Trước hết, chúng tôi xin kể cho bạn đọc hai tình huống sau đây:
(1) Một trẻ 30 tháng tuổi được cha mẹ đưa đến khám vì trẻ hay giật mình, khóc thét trong khi ngủ. Khi hỏi bệnh sử, cha mẹ cho biết rằng vì cả hai đều đi làm nên ngay từ khi trẻ được 1 tháng tuổi, cha mẹ đã gửi trẻ cho một người nuôi trẻ. Cha mẹ gặp trẻ mỗi ngày một lần, mỗi lần khoảng 1 tiếng và sau khi trẻ ngủ, cha mẹ trở về nhà trọ và trẻ chỉ được sống với cha mẹ vào hai ngày cuối tuần. Trong phòng khám, trẻ từ chối chơi với các đồ chơi, chỉ ngồi trên đùi mẹ, vẻ mặt u buồn, hai cánh tay bám chặt thân mẹ, như để bù lại những ngày tháng thiếu hơi ấm của mẹ từ lúc được 1 tháng tuổi.
(2) Một trẻ khác được 10 tuổi, mẹ đưa đến khám vì trẻ có những hành vi hung hăng, hiếu động, kém tập trung và gặp khó khăn học tập. Đây là một trẻ thông minh, nói chuyện với bác sĩ một cách cởi mở: “Thưa bác sĩ, con bị chấn thương tâm lý từ nhỏ. Lúc con được 3 tuổi, mẹ con đi vắng, con khóc vì nhớ mẹ và bị bố vứt ra ngoài sân. Con không nhớ phải khóc bao lâu cho đến khi mẹ trở về. Khi con nhức đầu, khó tập trung vào bài vở thì bố đánh con và quyết định gửi con đến một tỉnh xa cho con ở với một người bác. Bác đã dạy con lớn lên bằng những trận đòn để ép con học giỏi nhưng con không thể học được. Không bao giờ bố hỏi con về những đau khổ trong đời con để nâng đỡ, giúp con vượt qua những khó khăn, mà chỉ chửi mắng, đánh đập con. Con rất hận bố và không muốn sống trong gia đình nữa”.
Ở cả hai tình huống trên, các bạn sẽ thấy điểm chung là cả hai trẻ đều không được sống cùng cha mẹ, không có cảm giác được cha mẹ quan tâm, chăm sóc. Nói tóm lại, trẻ có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi dù có đủ cả cha lẫn mẹ.
Tại sao trẻ cảm thấy cô đơn?
Có thể do các nguyên nhân sau đây:
• Cha mẹ đi làm nhiều để tăng thu nhập trong gia đình, mong sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong đời sống hiện đại.
• Trong các thành phố lớn, càng ngày càng có nhiều gia đình “hạt nhân” chỉ gồm có hai thế hệ là cha mẹ và con cái, và mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 con.
• Trẻ được giao cho một vú nuôi, được tiếp cận với việc xem ti-vi từ rất sớm chứ không được tận hưởng sự vuốt ve, ôm ấp, giọng nói dịu dàng của mẹ.
Từ tâm trạng cô đơn, trẻ có thể lãnh nhận những hậu quả gì?
Trẻ có những biểu hiện khác nhau tùy theo lứa tuổi:
• Trẻ nhũ nhi dưới 2 tuổi: có những rối loạn ăn uống (từ chối bú, nôn ói), rối loạn giấc ngủ (khóc đêm, giật mình), dễ bị nhiễm khuẩn (viêm hô hấp, tiêu chảy) vì tình trạng căng thẳng thần kinh có thể gây suy giảm hệ miễn dịch.
• Từ 3 - 5 tuổi: trẻ có những dấu hiệu thoái lùi như ngưng nói mặc dù trước đó đã biết nói. Trẻ hiếu động, kém tập trung, làm cho cô giáo khó chấp nhận cho trẻ vào lớp mẫu giáo.
• Từ 6 - 10 tuổi: trẻ có khó khăn học tập vì kém trí nhớ, thiếu ngủ, hay gặp ác mộng, bị mộng du.
• Trẻ vị thành niên: trẻ say mê chơi games trên vi tính, ghiền lên mạng, ghiền “chat”, kết bạn trong thế giới ảo để có bạn tâm sự; hoặc tập hút thuốc lá, uống rượu, dùng ma túy, bỏ học, trầm cảm, dọa tự tử.
Cha mẹ nên làm gì để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi?
• Phân phối thời gian hợp lý giữa công việc ngoài xã hội và thời gian dành cho gia đình. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ - con trong năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ.
• Không mang việc cơ quan về nhà, hạn chế sử dụng điện thoại di động, internet để có thời giờ giao tiếp với con. Tránh những ảnh hưởng mà stress trong công việc lẫn ngoài xã hội gây ra cho gia đình, làm cho trẻ cảm thấy lo âu, sợ sệt.
• Vợ chồng chia sẻ công việc nhà và cùng kêu gọi sự tham gia của con cái như cùng chuẩn bị bữa ăn tối, cùng dùng bữa.
• Nếu cha/mẹ cần đi công tác xa thì nên giải thích cho trẻ biết, ghi trên lịch, và khi đi xa thì nên cố gắng liên hệ với trẻ qua điện thoại hay email cho trẻ được an tâm học tập, sống vui trong khi chờ ngày cha/mẹ về.
• Trong những ngày kỷ niệm của gia đình như ngày sinh nhật, ngày dành cho cha mẹ, lễ thiếu nhi,… gia đình cố gắng sum họp để có những giây phút hạnh phúc bên nhau.
• Trẻ hình thành nhân cách thông qua việc bắt chước từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói hàng ngày của người lớn. Vậy nên, cha mẹ cần giữ được sự cân bằng trong đời sống gia đình và xã hội.
• Cha mẹ nên dành thời giờ để lắng nghe trẻ tâm sự về những niềm vui, nỗi buồn, những điều khiến trẻ ưu tư trong ngày; sau đó hãy động viên, nâng đỡ để trẻ tìm ra giải pháp cho các vấn nạn, đồng thời trưởng thành hơn về nhân cách.
• Nếu không giúp trẻ đi vào giấc ngủ an lành vì bận công tác trong đêm, cha mẹ nên thu băng tiếng nói của cha mẹ để nhắn nhủ, đọc truyện cho trẻ nghe, dỗ giấc ngủ cho trẻ.
Tóm lại, sự chăm sóc, hỗ trợ của cha mẹ là rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Trẻ không chỉ lớn lên về chiều cao, cân nặng hay những điểm tốt trong học tập, mà còn có nhu cầu lớn lên về cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, hành vi. Trẻ chỉ có thể phấn đấu tốt khi có được những tấm gương tiêu biểu từ trong gia đình để bắt chước, dần dà luyện thành những thói quen tốt. Những người thân khác như ông bà, họ hàng, vú nuôi, cô giữ trẻ,… chỉ là những người phụ giúp chứ không thể hoàn toàn thay thế vị trí của cha mẹ được.
Rối loạn gắn bó ở trẻ em
Một số cha mẹ đã đưa con đến gặp chuyên viên tâm lý vì nghi ngờ “Có lẽ con mình bị tự kỷ”, nhất là sau khi đã tham khảo thông tin về bệnh này trên báo viết hoặc trang web. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với trẻ, chuyên viên tâm lý lại thảo luận với cha mẹ về một chứng rối loạn khác: rối loạn gắn bó.
Rối loạn gắn bó là gì?
Giữa năm 1906 - 1946, nhiều nhà tâm lý, trong đó có ông René Spitz đã lưu ý rằng việc cắt đứt đột ngột mối quan hệ mẹ - con có thể dẫn đến hiện tượng “sớm thiếu thốn quan hệ”. Năm 1951, ông John Bowlby cũng đã đề cập đến vấn đề này trong tài liệu “Sự chăm sóc của mẹ và sức khỏe tinh thần”, trong đó ông nhấn mạnh ba yếu tố quan trọng trong sự gắn bó mẹ - con: tính liên tục, tính sẵn sàng và sự nhạy cảm của việc đáp ứng.
Chúng ta biết rằng mối quan hệ giữa mẹ và con, xuất hiện từ khi trẻ còn trong bụng mẹ cho đến khi trẻ được 1 tuổi, là mối quan hệ gắn bó rất mật thiết. Người mẹ dường như hiểu được nhu cầu của trẻ qua tiếng khóc, qua cử động, nét mặt của trẻ và tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu của trẻ. Sự gắn bó này giúp trẻ phát triển về nhận thức, cảm xúc, hành vi sau này.
Khi nào trẻ có nguy cơ mắc phải rối loạn gắn bó?
Trẻ có thể mắc rối loạn gắn bó ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ nếu người mẹ gặp bất ổn và chịu nhiều căng thẳng trong lúc mang thai, không thể để tâm đến sự hiện diện của bào thai trong mình, do đó ít quan tâm tiếp xúc với bào thai. Chúng ta nên biết rằng từ tháng thứ 6 trở đi trong thai kỳ, bào thai có thể dùng các giác quan của mình để tiếp xúc với mẹ và thế giới bên ngoài.
Trẻ cũng có nguy cơ gặp rối loạn gắn bó khi phải sống trong sự bất ổn, chẳng hạn như: trước khi đi vắng, cha mẹ thường trốn trẻ rồi lẻn đi vì sợ rằng nếu thấy mình trẻ sẽ quấy khóc và rồi không đi công việc được. Có trường hợp là do cha mẹ bận trăm công ngàn việc, không có giờ chăm sóc trẻ nên giao trẻ cho một người vú nuôi, và tình trạng càng khốn đốn hơn nếu trẻ phải liên tục tập thích nghi với việc thay đổi người chăm sóc thường xuyên. Rồi cũng có tình huống cha mẹ không hợp nhau đi đến đổ vỡ gia đình, hay trẻ được gửi vào nhà trẻ quá sớm mà không được chuẩn bị trước, hoặc được cho xem ti-vi quá sớm và hoạt động này thường kéo dài suốt nhiều tiếng trong ngày.
Biểu hiện cho thấy trẻ mắc phải rối loạn gắn bó
Lúc đầu khi vắng cha mẹ, trẻ khóc la kêu cứu. Sau một thời gian không được đáp ứng, trẻ thất vọng, tự thu mình lại trong thế giới riêng, không tiếp xúc với ai, bỏ bú, khóc đêm, ăn kém, không giao tiếp bằng lời hay không lời (hành vi tránh né). Ngược lại, có trẻ tỏ ra có tình cảm với người lạ, có thể hôn bất kỳ ai, và thích được bồng bế.
Rối loạn gắn bó đưa đến hậu quả gì?
Khi lớn lên, trẻ có thể có những rối loạn hành vi và tính khí, hiếu động, kém tập trung, có khó khăn học tập, rối loạn giấc ngủ, tiểu dầm, béo phì, chậm phát triển,...
Trị liệu như thế nào?
Chuyên viên tâm lý tạo cho trẻ một môi trường an toàn, vui tươi trong phòng khám, giúp cha mẹ biết cách cải thiện mối quan hệ với trẻ, kích thích trẻ về mặt cảm xúc qua trò chơi và giúp trẻ có một chương trình giáo dục đặc biệt.
Không những thế, các chuyên viên tâm lý luôn sẵn sàng hỗ trợ để cha mẹ cải thiện mối quan hệ với con cái, tạo nên mối quan hệ gắn bó tốt đẹp ngay khi trẻ dưới 1 tuổi, dần dần trẻ sẽ phát triển và đạt được độ “chín” để có thể tách rời khỏi cha mẹ, tập sống tự lập mà vẫn được hưởng trọn vẹn niềm thương yêu của cha mẹ.
Trẻ lo âu và chán nản
Cha mẹ có thể làm gì khi con bị lo âu hoặc chán nản?
Một số lo âu hoặc chán nản là một phần bình thường của quá trình trưởng thành mà trẻ phải trải qua. Những tình huống gây ra lo âu hoặc chán nản có thể là những trải nghiệm tích cực mà qua đó, trẻ học được cách đối phó với những cảm xúc khó chịu. Hãy để cho con của bạn tự xoay xở qua những tình huống thử thách, đừng giúp đỡ con ngay lập tức mà hãy để con có cơ hội tự khám phá và trưởng thành hơn.
Khi con của bạn lo lắng hoặc chán chường, bạn có thể cho trẻ thấy rằng bạn biết trẻ không vui và bạn sẵn sàng giúp đỡ trẻ vượt qua, nếu trẻ muốn. Nếu không xác định được nguyên nhân hoặc không thể điều chỉnh được hành vi của trẻ trong cơn lo lắng chán nản, hãy nhớ rằng chỉ riêng sự hiện diện của bạn đã có thể giúp trẻ thấy vững tâm hơn.
Để giúp đỡ trẻ đối phó một cách hiệu quả với lo âu và chán nản, bạn hãy khích lệ trẻ xác định nguyên nhân của cảm giác này. Một trẻ nhỏ hơn 3 tuổi không thể xác định được nguyên nhân lo lắng, nhưng vẫn có thể tỏ cho bạn biết nguyên nhân. Hãy giúp đỡ trẻ, nếu cần.
Lấy ví dụ: Bé Quang Minh giận và vùng vằng, không chơi, không nhìn mẹ. Khi cơn giận của bé đã nguôi, lúc này mẹ mới nói: “Con muốn ăn kẹo. Mẹ nói ‘không được’ và con đã không vui”. Lời nhận xét của mẹ không giúp cho Quang Minh đáp ứng với sự chán nản tốt hơn ngay lúc đó. Nhưng sau một thời gian, trẻ sẽ hiểu vì sao trẻ buồn. Điều này sẽ giúp trẻ tìm ra cách để biểu lộ cảm xúc, biết đối phó với những cảm xúc một cách dễ dàng hơn. Nếu người mẹ đã từ chối yêu cầu của trẻ nhưng sau đó lại đồng ý ngay khi trẻ giận dữ, thì chính người mẹ đã cho trẻ biết rằng tức giận là cách tốt để nhận được những gì trẻ muốn.
Bên cạnh đó, việc tìm nguyên nhân tại sao trẻ lo lắng có thể khó hơn. Vì vậy, chúng tôi đưa ra một số câu hỏi bạn có thể tự đặt ra cho bản thân mình, trước khi hỗ trợ trẻ vượt qua sự lo âu, chán nản:
• Điều gì đã xảy ra đối với trẻ và gia đình?
• Trong gia đình có tang không?
• Gần đây gia đình có di chuyển không hoặc trẻ có nghe lỏm được cha mẹ thảo luận về việc chuyển nhà không?
• Sự lo lắng của trẻ có bắt đầu cùng lúc với việc đi khám bác sĩ, nha sĩ, hoặc những chuyên gia y tế khác không?
Nếu bạn không thể xác định được nguyên nhân lo âu của trẻ, một chuyên gia tâm lý trẻ em có thể giúp đỡ bạn. Chuyên gia tâm lý có thể đề nghị một loạt buổi điều trị bằng những trò chơi. Đây cũng là một cách để kiểm tra những kiểu chơi tự do của trẻ. Những kiểu chơi này phản ánh khá rõ ràng về những cảm xúc và điều mà trẻ quan tâm.
Một số lo âu và chán nản là bình thường đối với mọi trẻ em. Nhưng nếu những vấn đề này tồn tại lâu, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách giúp trẻ. Nếu bạn không thể xác định được tại sao trẻ lo âu hoặc chán nản, hãy liên hệ với một chuyên gia tâm lý về phát triển trẻ em để được trợ giúp.
Khi nào nên nói sự thật về việc trẻ là con nuôi?
Thỉnh thoảng có cha mẹ đến xin tư vấn tâm lý khi thấy đứa con nuôi có những biểu hiện hành vi chống đối, nói dối, ăn cắp tiền và đặt những câu hỏi như: “Nếu có em bé nào bị bỏ rơi, mẹ có sẵn sàng mang về nuôi không?” hoặc “Bố ơi, con là ai?”. Trước những câu hỏi như thế, cha mẹ cảm thấy bối rối, và tự hỏi: “Có nên cho trẻ biết sự thật về việc trẻ được nhận nuôi không?”, hoặc “Nếu nói, thì nên nói lúc nào và nói như thế nào?”.
Khi nào nên cho trẻ biết sự thật?
Chúng ta nên cho trẻ biết sự thật tùy theo câu hỏi mà trẻ đặt ra và tùy mức độ phát triển nhận thức và cảm xúc ở trẻ. Lý tưởng nhất là ở tuổi mẫu giáo, khi trẻ thắc mắc “Em bé từ đâu ra?”.
Vấn đề là bạn sẽ trả lời thế nào. Hãy giải thích một cách đơn giản, trực tiếp và thành thật, chẳng hạn như: “Con không phải là do mẹ sinh ra”. Rồi mô tả cho trẻ hiểu tại sao bạn quyết định nuôi trẻ. Hãy nhấn mạnh đến tình thương mà bạn dành cho trẻ.
Cha mẹ nuôi cần có thái độ nào đối với trẻ?
Hãy cho phép trẻ đặt câu hỏi. Ví dụ, trẻ có thể hỏi: “Điều gì đã xảy ra cho cha mẹ đầu tiên của con?” hoặc “Bây giờ họ ở đâu?”. Bạn nên chia sẻ thông tin với trẻ, nhưng không cần nói chi tiết khi trẻ còn nhỏ và nên thiết lập một quyển sách về cuộc đời của trẻ để khi lớn lên trẻ có thể đọc.
Nếu trẻ đã đến tuổi đi học, nghĩa là từ 6 tuổi trở lên, bạn nên giải thích càng sớm càng tốt vì ở giai đoạn này, trẻ cần hiểu biết một cách rõ ràng, trung thực về nguồn gốc của trẻ. Tự trẻ đã cảm nhận có sự khác biệt giữa trẻ và những thành viên trong gia đình cha mẹ nuôi, và cảm giác này có thể ảnh hưởng đến cách trẻ tự nhìn nhận về bản thân. Hơn nữa, ở tuổi này trẻ đã biết hóng chuyện và có thể nghe được những lời đàm tiếu từ họ hàng hoặc hàng xóm, vậy nên bạn chờ đợi càng lâu thì càng khó thảo luận với trẻ về vấn đề này.
Phản ứng của trẻ như thế nào?
Nếu biết được sự thật khi đã quá muộn, có thể trẻ thấy khó chịu – đây là phản ứng tự nhiên. Hãy cho phép trẻ bày tỏ cảm xúc buồn hoặc giận, và cho trẻ biết bạn thấu hiểu những cảm xúc đó của trẻ. Luôn nhắc để trẻ hiểu rằng dù chỉ là cha mẹ nuôi nhưng bạn vẫn rất thương trẻ, và gia đình này luôn là gia đình của trẻ.
Một số cha mẹ miễn cưỡng giải thích sự thật cho con vì tự thân chưa chấp nhận được trẻ là con nuôi, không phải là con đẻ. Với họ, việc nghĩ đến sự thật đó gợi lên cảm giác xấu hổ vì bị hiếm muộn, hoặc vì không có khả năng sinh con.
Một số khác lưỡng lự vì sợ rằng sự thật sẽ gây đau khổ cho con, rằng con sẽ từ bỏ cha mẹ nuôi. Họ nghĩ trẻ có thể nói: “Con không muốn sống với cha mẹ nữa. Con muốn đi tìm và sống với cha mẹ đã sinh ra con”. Thật ra, rất hiếm khi trẻ phản ứng như vậy khi nghe cha mẹ giải thích, và việc trình bày với trẻ cũng có hiệu quả hơn khi người lớn nói dễ hiểu, chân thật.
Sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Chúng ta đừng sợ khi trẻ đặt nhiều câu hỏi, vì đó là dấu hiệu tốt cho mối quan hệ tin tưởng của trẻ đối với cha mẹ. Tất nhiên, có trẻ sẽ giữ thái độ im lặng; lúc đó, người lớn nên tôn trọng sự im lặng để trẻ tự suy nghĩ. Sau vài tuần, bạn có thể hỏi trẻ: “Từ lúc chúng ta nói về việc con là con nuôi, con không nói gì cả. Con có nghĩ đến người mẹ đã sinh ra con không?”. Hoặc trong dịp sinh nhật của trẻ, bạn có thể nói: “Mẹ đang tự hỏi người mẹ đã sinh con ra sẽ tự hào nếu biết con đang sống tốt đẹp hôm nay”.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng trẻ sợ bị bỏ rơi lần thứ hai nên có hành vi dính chặt với mẹ, chẳng hạn như vẫn đòi ngủ với mẹ mặc dù đã bước vào tuổi vị thành niên. Trẻ có thể nghĩ: “Vì người mẹ thứ nhất đã bỏ tôi, nên cũng có thể bà mẹ thứ hai này cũng sẽ bỏ tôi”. Người mẹ nuôi nên trấn an trẻ và giúp trẻ sống tự lập sớm từ lúc trẻ được 3 tuổi (ví dụ cho trẻ ngủ riêng và tự chăm sóc bản thân như tự mặc quần áo, tự lo vệ sinh cá nhân).
Tóm lại, để tránh cho sự hoang mang, lo âu, mất tin tưởng ở trẻ dẫn đến những rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, cha mẹ nuôi nên chuẩn bị tinh thần từ khi quyết định nhận con nuôi. Việc giúp trẻ hiểu biết về việc nhận nuôi xảy ra càng sớm thì càng tốt. Tùy theo những thắc mắc của trẻ và sự phát triển nhận thức cũng như cảm xúc của trẻ, cha mẹ có thể giải thích dần dần cho trẻ về lịch sử cuộc đời thay vì giữ bí mật, nói dối và làm cho bầu khí gia đình bất ổn.