S
au khi ly hôn, anh lao vào kinh doanh. Quỹ thời gian anh bơm hết vào việc kiếm tiền, thật nhiều tiền. Có người nói để rửa hận, có người nói đề bù đắp những tháng ngày lêu lổng phè phỡn mặc tình vợ con bươn chải… Lý do sâu xa chỉ mình anh biết, nhưng anh không nói ra. Đó là lòng tự trọng của một người đàn ông đã chợt bừng sáng trong những ngày u ám hậu ly hôn, rồi dẫn đường cho anh, chỉ có thế.
Mẹ anh lần đầu tiên trong đời nhận ra mặt tích cực của chuyện ly hôn. Nhìn con trai tươm tất áo quần, tác phong tề chỉnh mỗi sáng bước ra khỏi nhà mà bà ngầm tiếc, giá mình đừng ngăn tụi nó ly hôn từ năm năm trước. Bà mà biết trước anh sẽ thay đổi theo hướng tích cực thế này thì cản làm gì. Hôn nhân còn mất cũng bởi chữ duyên, sao lại dùng chức phận mẹ cha để kéo dài sự thống khổ của tụi nó thêm một thời gian nữa. Nhiều khi, người ta làm điều ác bằng một cái tâm thiện. Người ta làm điều sai bằng hàng đống lý lẽ đúng. Và mãi đến khi sắp sửa nhắm mắt ra đi, người ta lại thấy ồ sao mà vô nghĩa.
Anh thành công không dễ dàng nhưng cũng không khó khăn trong ngành thiết kế kiến trúc và xây dựng. Vì anh có nền tảng tốt, có tâm huyết và thừa mứa thời gian. Sau năm năm gây dựng, anh bắt đầu có tiền dư.
Điều đầu tiên anh nghĩ là mua một miếng đất diện tích lớn, ở xa trung tâm một chút cũng được, còn mọc gì trên đó thì tính sau. Anh muốn bứng ba mẹ khỏi khu chung cư dành cho người tái định cư không có thang máy. Anh muốn làm cho ba một phòng sách, cho mẹ một phòng may, cho mình một phòng nghe nhìn và thật nhiều đêm, nhớ về người phụ nữ gần 8 năm gắn bó với cơ cực và hư hỏng đời mình, anh muốn dành cho cô ấy một nửa diện tích mà làm bếp. Nghĩ về cô ấy, anh lại hay thở dài, mà thôi, chuyện gì đã qua cứ để nó mục ruỗng rồi chờ một mầm cây mới, chứ tiếc nuối hoài…
Anh là kiến trúc sư, anh hiểu không gian thư giãn sẽ bao gồm những dạng phòng chức năng nào. Và anh có khả năng làm điều đó với chi phí thấp hơn so với người thường. Ngày tân gia, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ, ai cũng thèm muốn ước ao, thiếu mỗi phòng “quánh bài” nữa là sướng như dinh Tổng thống!
Nhưng sau hai năm dọn về ở nhà mới, anh thấm thía những muộn màng.
Phòng đọc - không gian mà ba anh vẫn thèm muốn khi còn trẻ nhưng cứ bị cơm áo và hàng ngàn thứ khác che lấp. Ngày anh dẫn ông bước vào phòng đọc, một căn phòng không quá hoành tráng nhưng thực sự lý tưởng với bất cứ ai có chút niềm yêu chữ nghĩa, anh cảm nhận sự run rẩy trên bàn tay khô gầy ấy. Ông đến vuốt từng cạnh bàn, từng ô sách trên kệ. Ông mở cửa sổ cho nắng tràn vào, đồng thời bật cái đèn bàn lên… Lúc đó, anh tin mình đã đúng; nhưng bây giờ, anh biết thêm mình không kịp. Vì phòng đọc nhanh chóng trở thành kho chứa sách - không hơn. Ba anh giờ mắt đã yếu, mỗi sáng, ông “hết sức cố gắng” để đọc qua một tờ nhật báo để đỡ trở nên lạc hậu với đời sống và thời cuộc, rồi thôi. Thú vui đọc sách dừng lại vì thị giác đã nghỉ hưu.
Tương tự là phòng may của mẹ. May vá là niềm vui lớn lao của bà. Trong căn hộ chung cư chật chội cũ, vải vóc, phụ liệu cứ chen chúc nhau trong bao nhiêu sọt nhựa, trong tủ, trên kệ,… Và đôi khi thấy mình làm ồn mọi người, bà cũng hay ước ao một căn phòng riêng để tha hồ mà vẫy vùng trong đó. Nhưng tuổi già luôn có những khúc quanh rất gắt, nhất là ở vấn đề sức khỏe. Chỉ sau ba tháng dọn về nhà mới, bác sĩ cấm hẳn bà ngồi máy vì cái cột sống có vấn đề. Vậy là phòng may khép cửa, tiếng máy không vang lên thêm một lần nào nữa…
Không gian thư giãn trên giáo trình và không gian thư giãn của riêng mỗi người, mỗi gia đình thực sự có một khoảng cách rất xa. Xa cả trong khái niệm. Nói đó là nơi phục vụ “cái khoái” của con người cũng đúng mà nói đó là nơi người ta đang sống mà quên mình đang sống cũng đúng. Trong không gian ấy, người ta là một phần của nó, người ta như tan loãng ra với sự thảnh thơi của hồn vía lẫn thể xác. Và, hơn lúc nào hết, anh thấm thía từng lời của vợ ngày xưa, chỉ cần anh biết nghĩ đến vợ con thì dù có sống trong ổ chuột, em cũng thấy thư giãn nhẹ nhàng!
Không gian thư giãn thực chất là không gian của tình yêu. Nếu đủ tình yêu để nấu nướng cho người mình yêu thì gian bếp củi cũng là nơi thư giãn. Một phòng ngủ khăm khẳm mùi nước đái trẻ con cũng là không gian thư giãn nếu đó thực sự có một gia đình nhỏ với trọn vẹn yêu thương.
Là người kiến tạo không gian, chợt một ngày anh nhận ra rằng, chính trái tim mình mới là không gian thư giãn cho người thân. Cái không gian thư giãn do tiền mang lại đó, không hơn một hạ tầng ban đầu. Như cái gốc sake nơi anh ngồi đây. Như buổi sáng hôm nay, anh thức dậy từ năm giờ sáng, ra sân tập thể dục với ba mẹ, rồi sau đó, hai mái đầu bạc một mái đầu muối tiêu cùng thưởng thức cà phê ở một góc sân nhà.
Anh thấy mẹ mình vui vẻ hơn ngày thường, ba anh mắt như có những vì sao lấp lánh. Niềm vui giản dị này, sao đến hôm nay anh mới nhận ra.
Lòng anh lại quặn đau.
Anh nghĩ, hay là bây giờ anh mang trái tim mình - cái không gian thư giãn mà anh vừa phát hiện ra, đi gặp lại vợ con. Kịp không?