K
hi tôi ngồi gõ những dòng này, mạng xã hội facebook đã là một ứng dụng công nghệ quen thuộc với rất nhiều người chứ không chỉ dành riêng cho giới văn phòng suốt ngày ôm máy tính nữa. Facebook có nhiều cạm bẫy, điều này được cảnh báo mỗi ngày, nhưng nó cũng thực sự thú vị để hàng triệu lượt người bỏ qua yếu tố cạm bẫy mà ghé mắt mỗi ngày. Đặc biệt, muốn tìm hiểu về ai đó, muốn biết ai đó đã và đang sống thế nào, người ta thường nhìn vào “wall - tường nhà” của người đó.
Người suốt ngày đăng hình đi chơi với vợ con, chụp hình cho nhau rồi tỏ tình với nhau để thiên hạ khát thèm thì ít nhiều cũng là người đàn ông thành đạt, vợ đẹp con xinh. Đứa suốt ngày tự sướng hoặc tự kỷ bằng triết lý thâm sâu ỡm ờ như thể ta đây là ngọc quý mà tại mấy người chưa biết đó thôi thì không gái ế cũng trai lỡ thì… Không hoàn toàn là gương soi của đời sống, tường nhà trên facebook chỉ làm một cuộc sắp bày. Những lát cắt cuộc sống cá nhân treo lên đó, và người đủ tinh tế, sẽ nhận ra chủ nhân ngôi nhà ấy, bức tường ấy đang hạnh phúc rạng ngời hay đang sống cuộc đời vỡ nát tận chiêm bao.
Khi không, tôi lại nhớ ông cậu của mình, người không chơi mạng xã hội nhưng khiến tôi ấn tượng cũng bằng những bức tường.
Ngoại tôi hay dùng từ “khờ khờ” để nói về cậu, đứa con chậm chạp nhất nhà của ông. Vì không được lanh lợi như 12 người con khác của ngoại nên cậu tôi được cha lưu tâm và thương yêu hơn. Ngoài một mẫu đất ruộng gò loại tốt và những gia sản khác như anh em, cậu còn được ông tôi cho thừa kế ngôi nhà thờ chính. Cậu cũng là người mà ông tôi chọn ở đến cuối đời chứ không phải với con út hay con cả như nếp thường.
Ngôi nhà thờ chính được ngoại tôi xây bằng tường gạch, mái ngói. Trong nhà, nội thất bài trí đúng kiểu nhà xưa của những gia đình giàu có vì ngoại tôi giàu có thật. Cạnh đó, là một ngôi nhà gỗ để cả gia đình cơm nước sinh hoạt. Cứ lấn ra theo chiều ngang, bên hông nhà gỗ là kho để nông cụ, liền kề kho nông cụ là chuồng trâu.
Cậu tôi chỉ học hành biết chữ và tính toán cộng trừ thì được cho nghỉ, nhưng chữ của cậu lại khá đẹp. Chữ nào ra chữ đó, rõ ràng cân đối. Những chữ cái viết hoa thì bay bổng lả lướt vô cùng. Trong ngôi nhà gỗ, ở vách phía nhà thờ chính, cậu tôi ghi nhớ những ngày quan trọng của mùa vụ nhà mình. Người dân quê tôi ngày xưa và đến tận bây giờ vẫn vậy, ghi bằng phấn lên vách nhà những ngày tháng cần nhớ để làm lụng mùa màng. Cậu tôi thường làm lúa, nhưng có năm cậu trỉa đậu phộng, có năm thử nghiệm trồng đậu xanh, vài mùa cậu trồng mía. Lúa nếp đậu mía bầu bạn với cậu từ trên ruộng đồng và về tận nhà, chúng nằm ngoan trên vách. Ngày cấy gieo, ngày đặt hom, ngày trỉa hạt, bón phân được thể hiện đầy đủ hết. Không xuống hàng, không gạch đầu dòng hay hoa thị. Cách một cái chấm là một giai đoạn sinh trưởng của cây. Cậu tôi làm ruộng như một bài… văn xuôi. Thỉnh thoảng, có cả ngày bỏ nọc heo. Cậu viết bằng màu mực khác. Tường nhà cậu tôi không có hình tự sướng, không có status bằng thơ hay gào thét trời ơi 10 giờ rồi tôi còn ở văn phòng và đặc biệt là không… chửi. Nhưng chỉ cần lưu tâm một chút, bạn sẽ thấy người nông dân thân thương của tôi lao động dường như không ngơi nghỉ. Mùa nối tiếp mùa, chữ nối tiếp chữ trên vách nhà thì lúa nếp nối đuôi nhau vắt mồ hôi của cậu trên đồng. Vậy thời gian đâu cho cậu nghỉ ngơi? Ở cái vách đối diện, cạnh cửa sổ, là ngày nghỉ của cậu.
Cậu đóng khung bằng đường diềm cong cong cành lá. Một cái bảng ghi hết những ngày kỵ giỗ trong nhà. Cậu tôi ở nhà thờ chính, mỗi năm có bốn cái giỗ. Ngoài ra, các cậu khác nhận cúng ông bà ngày nào, cậu cũng ghi để nhớ theo lời biểu của ông ngoại.
Ở một mảng tường khác, cậu viết bằng phấn, có màu nào cậu dùng màu ấy. Chi chít những sự kiện mà cậu muốn nhớ, dù đôi khi nhớ cũng chẳng để làm gì. Thậm chí, có những ngày tháng thật đáng để quên. Ngày anh Ba mất vì bệnh tiêu chảy, ngày con Tâm đi Mỹ với chồng, ngày thằng Lập đậu đại học,… Cậu tôi không giỏi chữ nhưng rất thích ghi chép. Không phải ghi vào sổ tay mà ghi hết lên tường nhà. Những sự kiện thoạt lướt qua bằng ít ỏi thông tin và vài con số. Nhưng chạm đến đâu cậu tôi vanh vách đến đó, hồ hởi và trầm ngâm, muốn quên và muốn nhớ. Vách gỗ hay vách đời của cậu tôi cứ đầy dần đầy dần. Những ghi chép cũ bị đủ thứ yếu tố tác động làm bạc màu, phai mất thì cậu ghi chồng lên bằng những thông tin mới hơn. Ngày mợ mổ ruột thừa mà suýt chết, ngày thằng Đình bị cuốc cuốc mất ngón út,...
Ai đã từng đứng giữa ngôi nhà ấy, sẽ đinh ninh rằng không sót một ngày quan trọng nào của cậu trên bốn bức vách kia đâu. Nhưng có, có một ngày quan trọng nhất đời cậu mà cậu không thể, dù chỉ là nguệch ngoạc, ghi ra được. Đó là ngày cậu khởi hành một chuyến đi thiên thu khác. Đó là ngày cậu thu xếp xong hết những nợ nần kiếp người.
Năm năm sau, anh tôi quyết định xây lại nhà vì vách gỗ đã mục nát hết rồi. Chuyện cần làm thì phải làm. Mợ tôi bần thần mấy bữa, loay hoay mấy bữa với đống vách gỗ được gỡ ra. Tấm nào cũng đầy chữ của cậu, chỗ còn rõ ràng, chỗ đã nhạt nhòe, bong tróc. Có tấm, một đường mối ăn chạy cắt ngang sỗ sàng và thô thiển, ngay ở dòng chữ “má nó vô chùa ở 10 ngày bắt đầu từ rằm tháng 8”. Mợ lầm bầm, tại tui hỏng nói, chứ tui vô chùa để cầu mong sức khỏe cho ông mà.
Làm củi. Đó là bổ nhiệm cuối cùng của những tấm vách gỗ - vách đời của cậu tôi. Giấy bổ nhiệm do anh tôi ký. Vách gỗ thành tro sau cái chấm hết cuối cùng của đời cậu.
Thành tro. Cái gì thì cuối cùng lại chẳng thành tro!