Đ
ọc vài ba tạp bút của chị, tôi đã sớm thấy mình đang đâm đầu vô một bức tường bởi viết làm sao cho hết những cái tinh tế mà dày dặn của Gia Hòa. Tôi hiểu mình sẽ không đủ tính từ và cũng không đủ chữ để nói hết được ý cũng như lòng của chị. Nếu có một thứ may ra có thể, đó là tình yêu. Không phải tình yêu trong sách của chị mà tình yêu của tôi - một người đọc - dành cho chị.Gia Hòa lặng lẽ, nhưng lại là một người hài hước, lạ thay.
Văn của chị cũng vậy, lặng lẽ mà duyên dáng. Đâu đó trong từng câu chữ có cái gì cứ dắt người ta đi. Quá khứ, tương lai, hiện tại,... những câu chuyện tùy dòng thời sự. Những câu chuyện tưởng như không có gì để nói, qua cái chỉ tay của Gia Hòa, ta chợt thấy sự cạn cợt của mình. Nhưng không vì điều đó mà ta mặc cảm. Ngược lại còn thấy thú vị, thấy biết ơn (không lớn lao đâu) vì hình như tác giả vừa cho ta một cái giật mình. Giản dị thôi, như là câu hỏi cũng là tên của một bài viết: “Phụ nữ thì ngồi ở đâu?”. Thú vị ngay từ cách đặt vấn đề cho đến cách tiếp cận nhẩn nha. Để rồi ta nhận ra sự vô tâm của mình, để rồi ta bối rối tự hỏi “chỗ của mình ở đâu”. Để rồi ta nhận ra một điều đơn giản lắm: “chỗ của một người phụ nữ, không thể tính bằng thời lượng họ ngồi nơi đó. Chỗ của một người phụ nữ, phải là nơi mà khi ở đó, từng phút giây trôi qua trong tâm khảm họ, là nhẹ nhàng!”.
Không thể nói hết cái tinh tế và nữ tính trong góc nhìn của chị. Một cái tin điện đã về với người dân đảo Lý Sơn, ai cũng có thể bỏ qua cái tin ấy, bởi nó không phải là chuyện của mình. Nếu có người nào đó để tâm, hẳn là một cái tặc lưỡi, chà vậy bao lâu nay người ta sống ra sao? Nhưng Gia Hòa đã dẫn ta đi theo lối khác, để chợt thấy lại cả một trời ấu thơ: thuở theo ông làm các loại đèn, thuở học bài bên ngọn đèn hột vịt, anh em chơi trò ăn lửa, thời của bình ắc-quy..., câu chuyện về sự phụ thuộc, mâu thuẫn muôn đời về sự yếu ớt và mạnh mẽ... Nhưng trên hết là câu chuyện: người chú từ nước ngoài về chịu tang mẹ, đêm lệch giờ không ngủ được, một mình lục lọi trong kho tìm chai rượu đẹp nhất làm một cây đèn dầu để trên bàn thờ mẹ. Chỉ một hình ảnh đó thôi, đủ biết quá khứ mạnh mẽ đến thế nào, tình cảm chảy trong lòng ta ra sao? Ai biết được cho đến khi có một điều gì đó nho nhỏ thắp lên.Lạ là giữa những điều u hoài, nhung nhớ ấy, lâu lâu người ta lại phá lên cười vì một câu tưng tửng hài hài: giữa cái nhớ nhung những ngọn đèn không tắt, bật cười vì một câu của chị khi nói về điện: “Điện làm ba nén nhang thắp suốt bốn mùa. Điện làm tỏa hào quang những nhân vật vốn đã rất nhiều hào quang. Điện năng là quyền năng. Ông mặt trời nhiều khi cũng nhíu mày: ‘Tao cũng nể mày ghê á điện!’.
Vậy đó, đang từ một câu chuyện đậm mùi hoang liêu cô tịch, tâm linh với một chuỗi dằng dai những kỷ niệm, thoắt cái thấy chị thoát ra kể tỉnh queo một chuyện cười (ra nước mắt). “Vâng, tôi đã có mặt!” là một câu chuyện như vậy. Tác giả dẫn ta đi bằng sự ngậm ngùi của chiếc ghế trống dành cho người ông của mình mỗi khi cả nhà cùng coi Tây du ký. Bằng tình yêu của bà, tình yêu của cháu, của gia đình, “ông có mặt, bất chấp cách chia của đất trời, của âm dương sinh tử”.Tác giả thủ thỉ: “khi chúng ta yêu ai, người đó luôn có mặt, bằng kiểu này hay kiểu khác, luôn luôn”. Và ngay liền sau đó là những sự có mặt làm người ta nửa cười nửa mếu: sự có mặt khá là lố bịch, vi phạm không gian riêng tư của người khác (thậm chí là vợ chồng cũng cần phải giữ gìn sự riêng tư của mỗi người), sự có mặt rất không văn hóa, sự có mặt độc ác, ảnh hưởng đến bình an của người khác, sự có mặt hèn nhát...
Đó là sự duyên dáng thú vị khi đọc Gia Hòa.
Đọc Gia Hòa, không hiểu phía sau sự dịu dàng lặng lẽ vén khéo ấy, chị chứa bao nhiêu câu chuyện trong lòng mình. Lúc vui lúc buồn, lúc nhớ lúc thương, cả lúc mỉa mai và châm biếm... những câu chuyện, những con người cứ làm người khác nhung nhớ. Thậm chí là ám ảnh. Như người ông thợ mộc của chị, sản phẩm, tôi thích nghĩ đó là tác phẩm, cuối cùng ông làm là... hai chiếc áo quan dành cho ông và bà. Đó là gì nếu không phải tình yêu - tình yêu của “hai giọt sương già” - tên một tạp văn khác trong tập sách của chị.
Nhiều năm trước, có một người kể cho tôi nghe có một cậu bé gom hết tiếng phong linh vào một chiếc hộp và cậu ấy cứ sợ một ngày chiếc hộp vỡ toang vì chất chứa. Những câu chuyện của Gia Hòa làm tôi nhớ đến cậu bé chất âm thanh của những chiếc phong linh vào chiếc hộp. Một ngày chiếc hộp vỡ thật và những âm thanh cứ lấp lánh leng keng bay lên trời...Gia Hòa cũng chất câu chuyện của mình cũng trong một chiếc hộp hình tim. Và dành cả đời để ngắm nghía, lắng nghe nó. Chị đã chọn một ngày mở chiếc hộp ấy ra bằng cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay. Để bạn có thể lắng nghe những âm thanh lấp lánh ấy cùng chị.Chị phải kể với bạn đọc thôi... vì làm sao giấu được âm thanh!
Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý